藥 山 惟 儼; C: yàoshān wéiyăn; J: yakusan igen; 745-828 hoặc 750-834;
Thiền sư Trung Quốc. Môn đệ xuất sắc của Thạch Ðầu Hi Thiên và Mã Tổ Ðạo Nhất Thiền sư. Nối pháp của Sư có nhiều người, trong đó Ðạo Ngô Viên Trí, Vân Nham Ðàm Thạnh và Thuyền Tử Ðức Thành (Hoa Ðình Thuyền Tử) là ba vị được sử sách nhắc đến nhiều nhất.
Sư họ Hán, người ở Ráng Châu, Sơn Tây, xuất gia năm 17 tuổi. Sư học thông kinh luận, nghiêm trì giới luật nhưng vẫn không nắm được yếu chỉ, tự than rằng: »Bậc đại trượng phu nên xa lìa các pháp để giữ mình trong sạch, nào ai có thể tỉ mỉ làm những việc nhỏ.«
Sư đến tham vấn Thạch Ðầu Hi Thiên và hỏi: »Ba thừa mười hai phần giáo con còn hiểu sơ, đến như thường nghe phương Nam nói ›chỉ thẳng tâm người, thấy tính thành Phật‹ thật con mù tịt. Cúi mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy.« Thạch Ðầu bảo: »Thế ấy cũng chẳng được, không thế ấy cũng chẳng được, thế ấy không thế ấy đều chẳng được, ngươi làm sao.« Sư mờ mịt không hiểu, Thạch Ðầu liền bảo: »Nhân duyên của ngươi không phải ở đây, hãy đến Mã Ðại sư.«
Sư đến Mã Tổ thưa lại câu đã trình với Thạch Ðầu. Mã Tổ bèn nói: »Ta có khi dạy y nhướng mày chớp mắt, có khi không dạy y nhướng mày chớp mắt. Có khi nhướng mày chớp mắt là phải, có khi nhướng mày chớp mắt là không phải, ngươi làm sao?« Ngay câu này Sư đạt yếu chỉ, bèn lễ bái. Mã Tổ hỏi: »Ngươi thấy đạo lí gì lễ bái?« Sư thưa: »Con ở chỗ Thạch Ðầu như con muỗi đậu trên trâu sắt.« Mã Tổ bảo: »Ngươi đã biết như thế, phải khéo gìn giữ.« Sau khi hầu Mã Tổ ba năm, Sư trở về Thạch Ðầu và được truyền Tâm ấn nơi đây.
Rời Thạch Ðầu, Sư đến Dược Sơn Lễ Châu, môn đệ theo học rất đông. Một hôm có vị tăng hỏi: »Tổ sư chưa đến nước này, nước này có ý Tổ sư chăng?« Sư đáp: »Có.« Tăng lại hỏi: »Ðã có ý Tổ sư, lại đến làm gì?« Sư lại đáp: »Bởi có, cho nên đến.«
Ðời Ðường niên hiệu Thái Hòa, năm thứ tám, tháng hai, sắp thị tịch, Sư kêu to: »Pháp đường ngã! Pháp đường ngã!« Ðại chúng đều mang cột đến chống, Sư liền khoát tay bảo: »Các ngươi không hiểu ý ta.« Nói rồi Sư từ giã chúng thị tịch, thọ 84 tuổi, 60 tuổi hạ. Vua sắc phong là Hoằng Ðạo Ðại sư.