HomeIndex

Quán Thế Âm

觀 世 音 ; S: avalokiteśvara; J: kanzeon; T: chenresi [sPzan-ras-gzigs]; cũng gọi là Quán Tự Tại, Quan Âm;

Một trong những vị Bồ Tát (s: bodhisattva) quan trọng nhất trong Ðại thừa (s: mahāyāna). Có nhiều luận giải khác nhau về nguyên nghĩa tên Ngài. Có người hiểu »īśvara« là một »người nam« quán chiếu thế giới, có người hiểu »svara« là »Âm«, tức là vị Bồ Tát lắng nghe mọi tiếng thế gian.

Nhìn chung, Quán Thế Âm là thể hiện lòng Bi (s, p: karuṇā), một trong hai dạng của Phật tính. Vì vậy, có khi người ta đặt tên cho Ngài là bậc Ðại Bi (s: mahākaruṇika). Dạng kia của Phật tính là Trí huệ (Bát-nhã; s: prajñā), là đặc tính được Bồ Tát Văn-thù (s: mañjuśrī) thể hiện. Quán Thế Âm là vị Bồ Tát thể hiện nguyện lực của Phật A-di-đà (s: amitābha) và được xem như quyến thuộc của Ngài (Tịnh độ tông). Với lòng từ bi vô lượng, Quán Thế Âm thể hiện sức mạnh huyền diệu cứu giúp mọi chúng sinh quán tưởng đến Ngài lúc gặp hiểm nguy. Trong nhân gian, Ngài là vị bảo hộ tránh khỏi tai họa và hay được phụ nữ không con cầu tự.

Trong các loại tranh tượng về Ngài, người ta thấy có 33 dạng, khác nhau về số đầu, tay và các đặc tính. Thông thường ta thấy tượng Ngài có ngàn tay ngàn mắt, có khi 11 đầu. Trên đầu có khi có tượng của A-di-đà, xem như đặc điểm chính. Trên tay có khi thấy Ngài cầm hoa sen hồng, vì vậy Ngài cũng có tên là Liên Hoa Thủ (người cầm hoa sen; s: padmapāṇi) hay nhành dương liễu và một bình nước Cam-lộ (s: amṛta). Số tay của Ngài biểu hiện khả năng cứu độ chúng sinh trong mọi tình huống.

Trong tranh tượng với 11 đầu, thì Quán Thế Âm mang 9 đầu của chín vị Bồ Tát, một đầu của một vị Phật và cuối cùng là đầu của Phật A-di-đà. Cứ mỗi ba đầu tượng trưng là ba đặc tính: từ bi với chúng sinh khổ nạn, quyết tâm đối trị cái xấu, hoan hỉ với cái tốt. Theo một cách nhìn khác thì 11 đầu biểu tượng cho mười cấp của Thập địaPhật quả.

Một thuyết khác giải thích tích của 11 đầu và nghìn tay: lúc Quán Thế Âm quán chiếu cảnh khổ của chúng sinh thì đầu Ngài đau xót vỡ ra từng mảnh. Phật A-di-đà xếp các mảnh đó lại thành 11 đầu. Xuất phát từ nguyện lực cứu độ mọi chúng sinh, thân Ngài mọc ra nghìn tay, trong mỗi tay có một mắt. Quán Thế Âm cũng hay được vẽ là kẻ cứu độ chúng sinh trong sáu nẻo Luân hồi (Lục đạo): trong súc sinh, Quán Thế Âm đầu ngựa, hoặc cưỡi sư tử; trong địa ngục, là kẻ có nghìn cánh tay; trong cõi A-tu-la, là kẻ có 11 đầu.

Tại Trung Quốc, Việt Nam và Nhật, Quán Thế Âm có tên là Quan Âm, hay được trình bày dưới dạng »Phật Bà« Tại Tây Tạng, Quán Thế Âm (t: chenresi [spzan-ras-gzigs]) là »người bảo vệ xứ tuyết« và có ảnh hưởng trung tâm trong truyền thống Phật giáo tại đây. Người ta xem Ngài là cha đẻ của dân tộc Tây Tạng và nhờ Ngài mà Phật giáo được truyền bá qua nhà vua Tùng-tán Cương-bố (t: songten gampo, 620-649), được xem là một hiện thân của Quán Thế Âm. Ðạt-lại Lạt-maCát-mã-ba (t: karmapa) cũng được xem là hiện thân của Ngài. Câu Man-tra OṂ MA-NI PAD-ME HŪṂ được xem là thuộc tính của Quán Thế Âm, là thần chú đầu tiên truyền đến Tây Tạng và ngày nay được tụng đọc nhiều nhất. Tranh tượng của Ngài được biểu diễn bằng một người có 11 đầu và ngàn cánh tay hoặc trong dạng có bốn tay, ngồi tòa sen.