S: mantra;
Là một số âm, chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ hoặc biểu hiện của một khía cạnh nào đó của Phật tính. Trong nhiều trường phái Phật giáo, Man-tra hay được lập lại trong các buổi tu tập hành trì, đặc biệt trong Kim cương thừa ở Tây Tạng. Ở đây Man-tra trở thành phương tiện trợ giúp tâm thức hành giả. Trong ba ải Thân, khẩu, ý thì Man-tra thuộc về khẩu và tác động thông qua âm thanh rung động do sự tụng niệm Man-tra phát sinh. Hành giả luôn luôn vừa đọc Man-tra vừa quán tưởng một đối tượng và tay giữ một Ấn (s: mudrā) nhất định như Nghi quĩ (s: sādhana) chỉ dẫn.
Trong các trường phái tại Tây Tạng thì chức năng của các Man-tra của mỗi cấp Tan-tra khác nhau. Có khi, trong lúc niệm Man-tra hành giả phải tập trung lên mặt chữ của Man-tra này hay tập trung lắng nghe âm thanh của nó. Nếu hành giả tập trung lên mặt chữ, thì các chữ đó hiện thành linh ảnh. Nếu tập trung lên âm thanh thì hành giả cần niệm thành tiếng hay tưởng tượng ra thanh âm của nó. Chương 5 của tác phẩm Subāhuparipṛcchā có ghi:
Lúc đọc Man-tra,
Ðừng quá gấp rút,
Ðừng quá chậm rãi,
Ðọc đừng quá to tiếng,
Ðừng quá thì thầm,
Không phải lúc nói năng
Không để bị loạn động.