歸 依 ; T: kyabdro; Qui y trong Phật giáo Tây Tạng.
Trong mỗi tông phái của Phật giáo Tây Tạng, lễ qui y rất quan trọng, là điều kiện tiên quyết của mọi tu học về Pháp (s: dharma). Qui y của Phật giáo Tây Tạng có khác biệt so với Qui y Tam bảo trong Tiểu thừa hoặc Ðại thừa. Ba đối tượng qui y thông thường là: 1. Phật, 2. Pháp (dharma), 3. Tăng (saṅgha). Trong Kim cương thừa được lưu hành tại Tây Tạng thì ngoài Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), còn thêm một đối tượng nữa là Lạt-ma, vị đạo sư. Trong một số trường phái, người ta có thể có đến sáu đối tượng qui y, tức là ngoài Tam bảo còn có thêm: 4. Lạt ma, 5. Hộ Thần (t: yidam) và 6. Không hành nữ (s: ḍākinī).
Tầm quan trọng của Phật như là đạo sư và Tăng là giáo hội do Ngài xây dựng lên để truyền bá giáo pháp đã được xác lập rất sớm và xem như nhãn quan Phật giáo. Với sự thành hình của Ðại thừa, tính chất quan trọng của đức Phật lịch sử giảm đi và thay vào đó là »Phật quả« có tính chất bao trùm, vượt thời gian. Ðến Kim cương thừa, thì vị đạo sư lại trở nên quan trọng, đó là vị hóa thân của »Phật quả«.
Trong giáo pháp Tan-tra, người ta luôn luôn nhấn mạnh tính chất quan trọng của đạo sư, là người giúp hành giả trong các phép tu khó khăn. Kim cương thừa xem vai trò của đạo sư như là đối tượng qui y thứ tư và quan điểm cho rằng vị đó là hiện thân của Tam bảo bắt nguồn trực tiếp từ các phép tu của trường phái này. Thời gian Kim cương thừa truyền qua Tây Tạng cũng là thời điểm người ta bắt đầu thiết lập việc qui y đạo sư. Tiểu sử của Na-rô-pa (t: nāropa) và Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa) còn ghi lại rất rõ điều này. Ngay cả A-đề-sa cũng nhấn mạnh đến việc qui y Lạt-ma và vị vậy ông được tặng danh hiệu »Qui y học giả« (kyabdro paṇḍita).
Trong các tông phái Tây Tạng, khi hành giả chuẩn bị thiền quán phải để ý đến phần qui y và phát Bồ-đề tâm. Tương truyền rằng Na-rô-pa qui y như sau: »Tâm ta là Phật hoàn toàn, Khẩu ta là Pháp hoàn toàn, Thân ta là Tăng hoàn toàn.«