T: trhisong detsen [khri-sroṅ lde-btsan]; 742-798;
Một ông vua rất có công trong việc truyền bá Phật pháp sang Tây Tạng. Dưới sự cầm quyền của ông, Phật giáo được truyền bá sang Tây Tạng một cách có hệ thống. Ông được xem là hóa thân của Bồ Tát Văn-thù Sư-lị.
Ông sinh năm 742, lên ngôi năm 12 tuổi (754). Niềm tin nơi Phật pháp của ông vốn bắt nguồn từ bà mẹ sùng đạo – nguyên là một vị công chúa Trung Quốc với tên Kim Thành. Với sự giúp đỡ của bà mẹ, ông đã dẹp được phe chống Phật pháp được nhiều vị quan trong triều đình ủng hộ, mà cực đoan nhất là Ma-zhang (t: ma-žan). Sau đó, ông mời vị Ðại sư Ấn Ðộ là Tịch Hộ (s: śāntarakṣita) sang Tây Tạng hoằng pháp.
Ôn dịch, thiên tai là những dấu hiệu tiếp đón Tịch Hộ tại Tây Tạng. Nghe lời khuyên trước khi về nước của Tịch Hộ, Tri-song Ðet-sen mời Liên Hoa Sinh (s: padmasambhava) sang trị những tai ương đang hoành hành. Vốn xuất thân từ Mật giáo, Liên Hoa Sinh tinh thông pháp thuật, cầu mưa, trừ tà... Chỉ một thời gian ngắn sau đó, các thiên tai đã được chinh phục, Tịch Hộ lại sang Tây Tạng tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp và dịch kinh sách.
Dưới sự hộ trì của Tri-song Ðet-sen, Phật pháp được truyền bá rộng rãi tại Tây tạng. Năm 787, với sự giúp đỡ của Liên Hoa Sinh và Tịch Hộ, ông cho xây dựng ngôi chùa Tang-duyên (t: sam-ye [bsam-yas]), cách thủ đô Lha-sa khoảng 60 km hướng Ðông nam. Vị trụ trì đầu tiên ở chùa này là Tịch Hộ và dưới sự quản lí của sư, chùa này trở thành trung tâm Phật giáo đầu tiên tại Tây Tạng, nhiều kinh sách được dịch sang Tạng ngữ.
Cũng trong thời gian này, nhiều vị Ðại sư Phật giáo người Trung Quốc đang giáo hóa tại Tây Tạng. Tri-song Ðet-sen ra lệnh triệu tập các vị Ðại sư của hai trường phái Phật giáo – Ấn Ðộ và Trung Quốc – để tổ chức một buổi tranh luận công khai về giáo lí. Trưởng đoàn người Ấn là Liên Hoa Giới (s: kamalaśīla), một môn đệ của Tịch Hộ. Trong phái đoàn Trung Quốc thì Hòa Thượng Ðại Thừa dẫn đầu. Phái đoàn Ấn Ðộ toàn thắng trong cuộc tranh luận này và các vị Ðại sư Trung Quốc phải trở về nước.
Mặc dù rất có công với Hiển giáo, tận tình giúp đỡ Tịch Hộ và môn đệ nhưng Tri-song Ðet-sen vẫn chú tâm đến Mật giáo và những phép bùa chú của Liên Hoa Sinh hơn. Truyền thống của tông Ninh-mã xếp ông vào 25 vị đệ tử chân truyền cuả Liên Hoa Sinh và chính ông cũng tổ chức một buổi lễ long trọng để tiễn biệt Liên Hoa Sinh.
Ông mất vào năm 798 qua một mũi tên của một thích khách.