大 手 印; S: mahāmudrā;
Một trong những giáo pháp tối thượng của Kim cương thừa (s: vajrayāna), được truyền dạy trong tông phái Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa) của Tây Tạng. Trong tiếng Tây Tạng, Ðại thủ ấn được hiểu là tâm ấn của sự chứng ngộ được tính Không (s: śūnyatā), của việc giải thoát khỏi Luân hồi (s: saṃsāra) và sự thông hiểu rằng, hai mặt đó không hề rời nhau.
Giáo pháp này xem Bản sơ Phật Phổ Hiền (s: samantabhadra) – hiện thân của Pháp thân (s: dharmakāya; Ba thân) – là người đã truyền Ðại thủ ấn cho vị Ma-ha Tất-đạt (mahāsiddha) Tai-lô-pa (s: tilopa). Tai-lô-pa tiếp tục truyền cho Na-rô-pa (t: nāropa). Mã-nhĩ-ba (t: marpa) được chân truyền giáo pháp này và mang về Tây Tạng chỉ dạy cho Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa). Phép tu Ðại thủ ấn bắt đầu bằng tu Chỉ (s: śamatha) và lấy đó làm căn bản để biến chuyển mọi kinh nghiệm thành sự trực ngộ tính Không. Có người xem Ðại thủ ấn như »Thiền« Tây Tạng. Ngoài phép tu thông thường, người ta còn lưu truyền phép tu »đặc biệt« của Na-rô-pa với tên Na-rô lục pháp (Sáu giáo pháp của Na-rô-pa; t: nāro chodrug).
Truyền thống Tây Tạng xem xét phép Ðại thủ ấn dưới ba khía cạnh: kiến (s: darśana), tu (s: bhāvanā) và hành (s: caryā).
1. Kiến được định nghĩa là tri kiến nhận ra rằng thể tính đích thật của tâm là sự thống nhất giữa Không và Ánh sáng. Mỗi hiện tượng đều mang dấu ấn đặc biệt này.
2. Mục đích quan trọng nhất của tu tập thiền định là trực nhận thể tính của tâm thức, một sự trực nhận rất tự nhiên không cần sự cố gắng nào. Có hai cách để chuẩn bị phép thiền đó: a) bốn phép tu quán chiếu sự quí báu khi có được thân người, luật vô thường, Nghiệp báo và tính bất toàn của luân hồi; b) bốn phép tu đặc biệt gồm những Nghi quĩ (s: sādhana) với những phương pháp thanh lọc Thân, khẩu, ý.
3. Hành là hành động, ứng dụng sau khi đã kinh nghiệm trực tiếp Ðại thủ ấn, dẫn đến một tâm thức tự tại, siêu việt các qui ước thông thường, dẫn đến các tác phong kì lạ của các bậc »Cuồng thánh.«
Cát-mã-ba Lãng-tuấn Ða-kiệt (t: rangjung dorje; 1284-1339) viết như sau về Ðại thủ ấn:
»Ðiều gì phải thanh lọc: là tâm, tự tâm là tính Không, là Ánh sáng; Ai thanh lọc: đó là phép tu kim cương của Ðại thủ ấn; Cái gì được lọc bỏ: Vô minh hiện tiền đang lừa dối con người.
Mong thay quả vị thanh tịnh, Pháp thân diệu dụng sẽ được thực hiện! Ðó là kiến giải đối trị vô minh, là phép tu đích thật, đó là sự dẫn đến hành động vô thượng. Mong thay tín tâm nơi ba điều đó luôn luôn hiện diện.«