止; S: śamatha; P: samatha; T: zhi gnas;
Là sự tịnh chỉ, đồng nghĩa với Ðịnh (定; s, p: samādhi), Nhất tâm (一 心; p: cittekagattā) và bất loạn (不 亂; p: avikhepa). Ðó là một trong những yếu tố của thiện tâm.
Theo dòng Cách-lỗ (t: gelugpa) ở Tây Tạng, người ta còn phân biệt nhiều giai cấp của chỉ và nhập định là cấp cao nhất của chỉ. Muốn nhập định, hành giả phải chuyên tập chỉ và quán. Chỉ làm cho tâm bất loạn trong khi Quán (觀; quán sát với trí huệ) giúp hành giả quan sát phân tích những hiện tượng xung quanh, chứng được Chân như, tính Không.
Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, các chướng ngại của việc phát triển, tu tập chỉ được diệt trừ bằng: 9 cấp bậc của Tâm (九 住 心; Cửu trụ tâm; s: navākārā cittasthiti), 6 lực (六 力; Lục lực; s: ṣaḍabala) và 4 hoạt động của tâm (四 作 意; Tứ tác ý).
I. Cửu trụ tâm là: 1. Nội trụ (內 住; s: cittasthāpana): sự tập trung cao độ vào đối tượng thiền quán; 2. Ðẳng trụ (等 住; s: saṃsthāpana): Làm tâm vững chắc; 3. An trụ (安 住; s: avasthānana): Trau dồi liên tục sự tập trung; 4. Cận trụ (近 住; s: upasthānana): Chỉ chú tâm, chỉ đặt tâm vào phạm vi, giới hạn của đối tượng thiền quán; 5. Ðiều phục (調 服; s: damana): Thuần hóa tâm; 6. Tịch tĩnh (寂 靜; s: śamana): An tâm dạng thô; 7. Tối cực tịch tĩnh (最 極 寂 靜; s: vyupaśamana): An tâm dạng tinh tế; 8. Chuyên trụ nhất thù chi lưỡng trụ (專 住 一 殊 之 兩 住; s: ekotīkaraṇa): Nhất tâm bất loạn; 9. Ðẳng trì (等 持; s: samādhāna): Nhập định.
II. Lục lực bao gồm: 1. Thính văn lực (聽 聞 力): Lực để nghe Phật pháp (tương ưng I,1); 2. Tư duy lực (思 惟 力): Năng lực của tư duy về Phật pháp (tương ưng I, 2); 3. Niệm lực (念 力): Năng lực của Niệm (tương ưng I, 3 và 4); 4. Chính tri lực (正 知 力): Năng lực của sự thông hiểu (I, 5 và 6); 5. Tinh tiến lực (精 進 力): Năng lực của sự tập trung (I, 7 và 8); 6. Xuyến tập lực (串 習 力; xuyến tập ở đây có nghĩa là đã thấm nhuần, quen thuộc lắm rồi): Năng lực của sự thuần hóa, quen thuộc tự nhiên (I, 9).
III. Tứ tác ý là: 1. Lực lệ vận chuyển (力 勵 運 轉; Cố gắng vận động): Trong hai giai đoạn đầu thì tâm phải cố gắng nhiều mới an trụ nơi đối tượng (sở duyên), tạo mối liên hệ giữa tâm và đối tượng quán chiếu (tương ưng I, 1 và 2); 2. Hữu gián khuyết vận chuyển (有 間 缺 運 轉; một sự cố gắng còn gián đoạn, thiếu sót): Từ giai đoạn thứ ba đến thứ bảy thì sự tập trung vận chuyển vẫn còn khiếm khuyết. Tạo đi tạo lại sự tập trung vào đối tượng (tương ưng I, 3 đến 7); 3. Vô gián khuyết vận chuyển (無 間 缺 運 轉): Trong giai đoạn thứ tám thì tâm đã có khả năng an trụ vô gián nơi đối tượng (tương ưng I, 8); 4. Vô công dụng vận chuyển (無 功 用 運 轉); vận chuyển không cần dụng công): Trong giai đoạn thứ chín thì tâm thức an trụ nơi đối tượng một cách tự nhiên, vô công dụng (tương ưng I, 9).
Phương pháp trên được phát triển dựa theo nền tảng của Duy thức tông, được các tông phái tại Tây Tạng thống nhất sử dụng. Toàn bộ quá trình tu tập để đạt định thường được trình bày với những biểu tượng; hai khuynh hướng cản trở con đường tu tập là tâm đắm chìm, lừ đừ (hôn trầm) và hồi hộp không yên (trạo cử) được biểu tượng hóa bằng hai con thú: khỉ và voi. Trong quá trình tu tập chỉ thì hai con thú này dần dần được thuần hóa, chinh phục.