Khi còn bé, hầu hết chúng ta đều rất thường đặt ra nhiều câu hỏi cho người lớn và cho chính mình. Những câu hỏi nhiều khi tưởng chừng như rất vu vơ đối với người lớn, nhưng với tuổi thơ lại vô cùng quan trọng, vì chúng đang giúp hé mở dần cánh cửa giao tiếp giữa ta với thế giới bên ngoài. Mỗi câu hỏi được giải đáp là một nấc thang đưa ta lên cao hơn để có thể phóng tầm nhìn ra xa hơn, rộng hơn về thế giới quanh ta.
Theo thời gian khi ta lớn lên, phạm vi những câu hỏi thu hẹp dần về số lượng và mở rộng dần về nội hàm. Số lượng ít dần đi, cho đến lúc chỉ còn lại những vấn đề cốt yếu nhất sẽ dai dẳng bám theo ta cho đến tận cuối đời, và nội hàm mở rộng thêm, cho đến lúc những nghi vấn của ta trở nên bao trùm hết thảy mọi phạm trù của cuộc sống, đến nỗi dường như ngoài những vấn đề ấy ra thì chẳng còn gì khác đáng để ta phải quan tâm suy ngẫm. Và như những đường thẳng đồng quy, có vẻ như cuối cùng rồi phần lớn trong chúng ta đều sẽ hướng về một nghi vấn giống nhau: Ý nghĩa thực sự của kiếp người là gì?
Dù muốn hay không thì mỗi chúng ta đều sẽ chết đi và thân xác rã tan thành cát bụi. Nếu kiếp người ngắn ngủi này thực sự chẳng mang một ý nghĩa chân thật nào đó, thì ta biết dựa vào đâu để có được niềm tin trong cuộc sống? Đúng sai, thiện ác, tốt xấu... hay muôn ngàn cặp giá trị khác nữa mà mỗi chúng ta luôn theo đuổi, phân biệt trong suốt cuộc đời mình, liệu còn có ý nghĩa gì chăng khi tất cả đều sẽ chôn vùi trong hố sâu quá khứ?
Vì thế, từ ngàn năm qua việc đi tìm một ý nghĩa chân thật cho đời sống dường như vẫn là nhiệm vụ khó khăn nhất mà mỗi con người phải đối mặt. Từ những bậc đế vương nắm quyền sinh sát một thời cho đến bao kẻ hạ tiện nghèo hèn sống lây lất dưới đáy cùng xã hội, phải chăng vẫn có một điểm chung nào đó để ta suy ngẫm? Tất cả những hạng người khác nhau ấy đều đã đi vào quá khứ, không mang theo được những gì họ khổ công tích cóp một đời. Quyền lực, địa vị, sản nghiệp, ái tình... tất cả rồi cũng sẽ chìm trong quên lãng khi thời gian trôi qua. Vậy thì rốt cùng sự hiện hữu của mỗi chúng ta liệu có ý nghĩa gì? Liệu ta có thể đặt niềm tin vào đâu để vui sống với tất cả những gì cuộc đời mang đến?
Rất nhiều người đi tìm ý nghĩa đời sống bằng cách chọn cho mình một lý tưởng sống. Chúng ta có thể có được niềm vui sống khi thực hiện lý tưởng sống mà mình đã chọn, cho dù lý tưởng ấy có dựa trên nền tảng văn hóa giáo dục, đạo đức luân lý, triết học, tín ngưỡng, tôn giáo... hay sự tổng hòa của tất cả các yếu tố ấy. Có những lý tưởng rất bình thường đối với tất cả mọi người, như nuôi dạy con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình... Có những lý tưởng lớn lao hơn, như phụng sự tha nhân, xây dựng cộng đồng, gầy dựng sự nghiệp... Lại có những lý tưởng hết sức cao cả như hóa độ quần sinh, cứu khổ muôn loài. Con đường tu tập theo Phật giáo chính là hướng theo lý tưởng cao quý này.
Cho dù ta có chọn cho mình lý tưởng sống như thế nào thì điều quan trọng vẫn là phải thực hiện lý tưởng ấy trong cuộc sống chứ không thể chỉ là những ý tưởng suông. Nhưng tiến trình sống theo một lý tưởng lại hoàn toàn không đơn giản. Theo một khuynh hướng hoàn toàn tự nhiên của tâm thức, khi đặt niềm tin vào một lý tưởng sống nào đó thì chúng ta vẫn không ngừng nảy sinh những nghi vấn và phản biện về lý tưởng sống mà mình đã chọn. Chính điều này giúp ta tránh được những chọn lựa sai lầm, luôn tỉnh giác để có thể kịp thời dừng lại và quay sang một con đường đúng đắn hơn. Đồng thời khuynh hướng này cũng buộc chúng ta luôn phải tỉnh táo nhận biết về những kết quả mà mình đạt được trên con đường đã chọn cũng như tính chất đúng đắn của những gì mình đã đặt niềm tin.
Do đó, việc tìm được một con đường thực sự đúng đắn nhất để đi theo không phải chuyện nhất thời hoặc dễ dàng, và việc xác tín vào con đường ấy lại càng khó khăn, phức tạp hơn. Trong thực tế, có thể nói đó là cả một quá trình diễn ra trong suốt cuộc đời của mỗi chúng ta. Ngay cả khi ta đã quyết tâm dấn bước theo một con đường, thì điều đó cũng không có nghĩa là những nghi vấn và phản biện trong ta về con đường ấy đã không còn nữa. Rất nhiều người cho đến quá nửa hoặc đến cuối cuộc đời mới nhận ra lý tưởng sống mà mình đã chọn là không đúng đắn, và nếu họ có đủ năng lực cũng như quyết tâm để thay đổi thì thật ra vẫn có thể được xem là may mắn hơn những kẻ chìm trong sai lầm mê muội cho đến phút cuối đời.
Vì thế, việc xác lập niềm tin và lý tưởng sống thường đòi hỏi nơi ta những quyết định lựa chọn tiếp nối nhau. Trên một con đường đã chọn, ta thường phải đối diện với những ngã rẽ khác nhau trong từng thời điểm. Chúng ta chọn lựa bằng sự trải nghiệm của chính mình trong cuộc sống, nhưng đồng thời cũng phải biết từ bỏ sai lầm bằng vào chính những trải nghiệm đó. Hơn thế nữa, thành quả không nằm ở cuối con đường ta đi, mà chính là ở từng bước chân vững chãi và tin cậy mà ta có thể đặt lên trên một con đường để có được sự an vui trong đời sống. Tuy nhiên, với những trải nghiệm và nhận hiểu khác nhau ở mỗi người, điều tất nhiên là sẽ không có một con đường hành trì hoàn toàn giống nhau cho tất cả chúng ta. Nói cách khác, với cùng một sự hướng dẫn nhưng sự nhận hiểu và vận dụng của riêng mỗi người vẫn thường luôn có sự khác biệt, do đó có thể dẫn đến những khuynh hướng tu tập hành trì khác nhau.
Những vấn đề mà chúng ta đối mặt hôm nay vốn đã từng hiện hữu từ ngàn năm trước. Có lẽ hầu hết chúng ta đều có thể dễ dàng đồng ý rằng vào thời đức Phật tại thế, Ngài chỉ thuyết giảng một con đường duy nhất hướng đến sự giải thoát mà thôi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ngày nay ghi nhận rằng khoảng 200 năm sau khi đức Phật nhập diệt thì Tăng đoàn đã có sự phân chia thành ít nhất là 18 bộ phái khác nhau. Mỗi bộ phái trong số ấy đều tin tưởng rằng mình đang đi đúng theo con đường Phật dạy, mặc dù họ có những diễn giải và hành trì khác biệt nhau.
Mặc dù vậy, nhờ có những bậc đại sư chứng ngộ nhận hiểu được Giáo pháp chân thật của đức Thế Tôn nên sự phân chia trong Tăng đoàn như trên không đưa đến sự tan rã đạo Phật, mà ngược lại đã hình thành một đạo Phật đa dạng với nhiều sắc thái nhưng vẫn duy trì được ý nghĩa cao quý nhất mà đức Phật đã thuyết dạy: hướng đến sự giải thoát, chấm dứt khổ đau. Con đường giải thoát do đức Phật khai sáng vẫn luôn được nhiều thế hệ Phật tử nối nhau tiếp bước. Và thông điệp về ý nghĩa cuộc đời do đức Phật đưa ra vẫn được chuyển tải đến với nhân loại thông qua tấm gương hành trì và đời sống an lạc của những người con Phật.
Trong bức tranh đa dạng của các tông phái khác nhau trong Phật giáo thì nổi bật lên nhất là sự khác biệt giữa hai khuynh hướng Tiểu thừa và Đại thừa. Trong thực tế, đối với hai khuynh hướng này đã có không ít những cách nhận hiểu sai lầm, đôi khi hết sức tai hại. Vì thế, để có thể thấu suốt được nguồn chân lẽ thật trong đạo Phật, chúng ta không thể không đề cập đến việc nhận hiểu đúng về hai khuynh hướng này.
Điểm khác biệt trước tiên và quan trọng nhất cần lưu ý chính là ở sự phát tâm ban đầu. Khi đức Phật ra đời, điều quan trọng trước tiên ngài muốn chỉ rõ cho chúng ta chính là bản chất khổ đau của đời sống. Xuất phát từ bản chất khổ đau này, ngài khuyến khích các vị đệ tử tu tập theo những pháp môn chân chánh để có thể dứt trừ mọi nguyên nhân khổ đau, hướng đến sự giải thoát an lạc. Và để có thể dấn bước vào con đường tu tập như thế, mỗi hành giả đều nhất thiết cần phải có một sự phát tâm ban đầu.
Tuy hướng về cùng một mục đích là đạt được giải thoát an lạc, nhưng sự phát tâm ban đầu không hề giống nhau ở tất cả mọi người. Một cách khái quát, chúng ta có thể nhận ra hai khuynh hướng phát tâm khác biệt nhau.
Khuynh hướng thứ nhất là sau khi nhận rõ được bản chất khổ đau của đời sống thì hành giả khởi tâm chán ngán, muốn xa lìa một cách mạnh mẽ. Thuật ngữ Phật giáo gọi đó là tâm yếm ly. Do tâm yếm ly mạnh mẽ, hành giả không còn bị cuốn hút bởi những tham dục như trước đây mà chỉ một lòng mong cầu được giải thoát, xa lìa mọi khổ đau trong đời sống. Từ sự phát tâm như thế, hành giả quyết lòng tu tập theo những pháp môn Phật dạy để có thể đạt đến mục đích giải thoát. Và tất nhiên, con đường tu tập mà hành giả phải trải qua đó trước hết chính là Bát chánh đạo mà đức Phật đã dạy. Sự phát tâm và đi vào tu tập theo trình tự này là hoàn toàn phù hợp với lời Phật dạy.
Khuynh hướng thứ hai là sau khi thấy biết bản chất khổ đau của đời sống, nhận rõ được những khổ đau mà bản thân mình đang phải gánh chịu trong luân hồi thì hành giả cũng đồng thời cảm nhận được những khổ đau tương tự mà những chúng sinh khác đang phải chịu đựng không khác với bản thân mình. Từ đó, hành giả khởi sinh một sự đồng cảm sâu sắc với tất cả chúng sinh đang khổ não và khởi lên sự mong muốn mãnh liệt là có thể làm bất cứ điều gì đó để giảm nhẹ hoặc dứt trừ đi tất cả những nỗi khổ ấy cho mọi chúng sinh khác. Xuất phát từ tâm nguyện này, họ quyết tâm tu tập theo những pháp môn Phật dạy để có thể đạt đến sự giải thoát, hòng có được năng lực nhất thiết trí như chư Phật và sử dụng năng lực ấy vào việc cứu khổ cho muôn loài. Đối với những người này, ngoài việc tu tập theo Bát chánh đạo như Phật dạy, họ còn chú ý nhiều hơn đến việc thực hành sáu ba-la-mật, vì sự tu tập các pháp ba-la-mật này luôn có tương quan mật thiết đến tất cả chúng sinh khác. Khuynh hướng phát tâm và tu tập như thế cũng hoàn toàn đúng theo lời Phật dạy.
Những hành giả phát tâm theo khuynh hướng thứ nhất cảm nhận sâu sắc những khổ đau của đời sống và mong muốn thoát khổ như động lực chính để phát tâm tinh tấn tu tập hướng đến sự giải thoát. Tuy rằng trong tiến trình tu tập theo lời Phật dạy, họ cũng sẽ nuôi dưỡng tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh, nhưng đó không phải là yếu tố chính yếu và mạnh mẽ nhất trong tâm nguyện của họ.
Đối với những hành giả phát tâm theo khuynh hướng thứ hai thì lòng bi mẫn, sự cảm thông sâu sắc với nỗi đau khổ của tất cả chúng sinh là động lực chính yếu thúc đẩy họ trên đường tu tập. Mọi pháp môn tu tập đều được xem như phương tiện để sử dụng vào mục đích cứu khổ cho chúng sinh. Do đó, môi trường tu tập của những hành giả này chính là những phiền não, khổ đau của chúng sinh, bởi vì chính những nhân tố này sẽ luôn nuôi dưỡng động lực tu tập của hành giả. Với tâm đại từ bi, hành giả luôn hướng về mục đích cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sinh hơn là nghĩ đến sự giải thoát của chính bản thân mình.
Sự phát tâm khác nhau sẽ có ảnh hưởng đến tiến trình tu tập và tạo thành những khuynh hướng tu tập cũng có phần khác biệt nhau. Những khác biệt này có thể xem như “đại đồng tiểu dị”, bởi về căn bản tổng thể thì tất cả đều không đi ra ngoài những lời Phật dạy, nhưng về sự hành trì đi vào chi tiết thì sẽ có những thay đổi khác biệt tùy theo khuynh hướng phát tâm của hành giả. Vì thế, nếu lưu ý đến sự khác biệt giữa hai khuynh hướng phát tâm như vừa trình bày trên, chúng ta sẽ có thể lý giải được phần nào những khác biệt trong sự phát triển về sau của các tông phái trong đạo Phật.
Sự phát tâm tu tập theo khuynh hướng thứ nhất thường đưa đến kết quả trước tiên là ly gia cát ái, nghĩa là quyết định sống đời xuất gia, cắt đứt mọi quan hệ thế tục. Hành giả quyết tâm đạt được giải thoát, chấm dứt khổ đau, nên dành trọn thời gian và tâm lực cho việc hành trì các pháp môn Phật dạy. Tăng đoàn vào thời đức Phật trong những năm đầu tiên sau khi ngài thành đạo bao gồm hầu hết là những vị có quyết tâm tu tập như thế. Họ sống cuộc sống không nhà, ngủ dưới gốc cây, mỗi ngày ôm bình bát đi khất thực trong xóm nhà chỉ một lần duy nhất để nuôi sống và dành trọn thời gian còn lại trong ngày ở những nơi tịch tĩnh, thích hợp cho sự tu tập hành trì.
Về sau, để tránh sự giẫm đạp côn trùng khi chư tăng đi khất thực trong mùa mưa, nên đức Phật đã chế định việc an cư trong ba tháng mùa mưa, nghĩa là chư tăng tập trung ở yên một nơi trong suốt ba tháng đó. Việc ẩm thực cũng như mọi nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt của chư tăng sẽ do một hoặc nhiều thí chủ phát tâm cúng dường chu cấp. Tuy nhiên, sau ba tháng an cư thì chư tăng lại tiếp tục cuộc sống khất thực hằng ngày và du hóa khắp nơi thay vì định cư ở một nơi nhất định. Nề nếp tu tập như thế được hình thành và duy trì trong suốt thời đức Phật tại thế cũng như nhiều thế kỷ sau khi ngài nhập diệt.
Ngày nay khi đọc Kinh tạng Nikaya, chúng ta dễ dàng nhận ra trong đó bàng bạc những lời dạy cho các vị tỳ-kheo tu tập theo khuynh hướng này. Cho dù ý nghĩa tốt đẹp và cao quý trong những lời dạy này vẫn có thể được vận dụng cho nhiều đối tượng, nhưng bối cảnh ra đời và đối tượng hướng đến của kinh văn đa phần chính là các vị tỳ-kheo trong tăng đoàn thời ấy, hoặc những sự kiện xảy ra và liên quan đến sự tu tập của các vị. Với sự bảo lưu khá toàn vẹn của kinh văn Pali, chúng ta không khó để nhận ra đặc điểm nổi bật này.
Điều này cho chúng ta một nhận xét là trong thời gian sau khi đức Phật thành đạo và truyền bá Chánh pháp khắp nơi, khuynh hướng phát tâm thứ nhất như vừa mô tả trên đã chiếm ưu thế gần như tuyệt đối, với một tăng đoàn đông đảo và tuyệt đại đa số quần chúng đặt lòng kính tín nơi tăng đoàn đó. Thậm chí nhiều thế kỷ sau khi đức Phật nhập diệt, khuynh hướng tu tập này vẫn chiếm đa số, và điều đó thể hiện rõ nét qua nội dung các lần kết tập Kinh điển với Ngũ bộ kinh: Trường bộ, Trung bộ, Tăng chi bộ, Tương ưng bộ và Tiểu bộ.
Một đặc điểm nổi bật của khuynh hướng tu tập này là quan điểm cho rằng việc xuất gia sống đời tu sĩ là điều kiện tiên quyết để có thể tu tập đạt đến giải thoát. Hay nói cách khác, theo quan điểm này thì hàng cư sĩ tại gia chỉ có thể cúng dường chư tăng, ủng hộ Tam bảo, tu tập Mười pháp lành để có được phước báo tái sinh vào hai cõi trời, người và có được một đời sống tốt đẹp, sung túc. Họ không thể tu tập hướng đến các quả vị giải thoát. Muốn tu tập cầu giải thoát thì trước hết phải lìa bỏ đời sống thế tục, trở thành một vị tu sĩ không nhà, chỉ sống bằng pháp khất thực và dành trọn thời gian cho việc tu tập hành trì. Quan điểm này đến nay vẫn còn tồn tại trong một số người tu tập theo Phật giáo Nam truyền, cho dù nếp sống khất thực không nhà và ăn ngày một bữa như thời đức Phật hầu như không còn nữa. Với những người theo quan điểm này thì ngày nay cho dù sống trong những tự viện kiên cố với mọi tiện nghi không khác người cư sĩ, nhưng người xuất gia vẫn có những điều kiện để có thể tu tập đạt đến giải thoát mà người cư sĩ không thể có được, chẳng hạn như sự dứt bỏ hoàn toàn ái dục.
Khuynh hướng phát tâm thứ hai dường như chỉ được ghi nhận rõ nét vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, nghĩa là khoảng 500 năm sau khi đức Phật nhập diệt. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Đại chúng bộ (Mahāsānghika) với quan điểm khác biệt so với Thượng tọa bộ (Sthavirāvāda) được ghi nhận chỉ khoảng 140 năm sau Phật nhập diệt có thể xem là một trong những biểu hiện rất sớm của khuynh hướng này, với sự quan tâm nhiều hơn đến sự tu tập của hàng cư sĩ tại gia.
Như đã nói, khuynh hướng phát tâm thứ hai chú trọng nhiều hơn đến việc làm vơi đi nỗi khổ của tha nhân. Hành giả cảm nhận sâu sắc những nỗi khổ đau của tự thân mình trong đời sống luân hồi và thông qua đó có sự đồng cảm sâu xa với những khổ đau của người khác, hay nói rộng ra là tất cả chúng sinh. Xuất phát từ tâm niệm này, hành giả phát nguyện tu tập tinh tấn để có thể đạt đến quả Phật, nhưng không chỉ vì sự giải thoát cho riêng mình, mà trước hết và trên hết là để có được năng lực cứu khổ cho tất cả chúng sinh. Thuật ngữ đạo Phật gọi sự phát tâm như thế là phát tâm Bồ-đề.
Động lực tu tập của hành giả trong trường hợp này chính là lòng bi mẫn đối với mọi chúng sinh khổ đau, và do đó hành giả chấp nhận mọi điều kiện tu tập miễn sao có thể làm lợi lạc cho chúng sinh, có thể giúp làm giảm nhẹ mọi khổ đau cho người khác. Khuynh hướng tu tập này chủ trương vận dụng những lời dạy của đức Phật vào ngay trong đời sống thế tục chứ không chỉ riêng trong môi trường xuất gia. Và như vậy, khi đức Phật dạy rằng: “Giáo pháp của ta chỉ có một vị chung là vị giải thoát” thì người cư sĩ cũng hoàn toàn có khả năng được nếm trải “vị giải thoát” trong lời Phật dạy, miễn là họ có sự quyết tâm hành trì.
Theo khuynh hướng này, phạm trù ý nghĩa của sự “giải thoát” được mở rộng thành nhiều tầng bậc chứ không chỉ riêng việc chứng đắc các thánh quả từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán mới được xem là giải thoát. Theo sự mở rộng ý nghĩa này thì bất kỳ một sự giảm nhẹ khổ đau nào nhờ vào sự tu tập Phật pháp cũng đều được xem là một biểu hiện của giải thoát, nhưng chỉ có quả vị Phật mới được xem là cảnh giới giải thoát hoàn toàn, rốt ráo và viên mãn. Vì thế, hành giả khi bước chân lên con đường tu tập đã xác định cho mình mục tiêu cuối cùng là quả vị Phật, nhưng trong suốt tiến trình tu tập hướng đến quả vị Phật thì hành giả vẫn luôn được nếm trải mùi vị của giải thoát ở những mức độ khác nhau, nhờ vào những nỗ lực chế ngự, dứt trừ các tâm hành phiền não đưa đến sự giảm nhẹ khổ đau cho bản thân và người khác.
Giáo lý Duyên khởi được các hành giả theo khuynh hướng này vận dụng vào sự tu tập ngay trong đời sống thường ngày, vì thông qua đó họ thấy rõ được là không thể có hạnh phúc riêng lẻ cho từng cá nhân nếu như mọi chúng sinh vẫn còn chìm trong đau khổ. Mối tương quan giữa cá nhân và toàn thể được quán chiếu ở mức độ sâu sắc giúp cho hành giả thấy được rằng chỉ có thể đạt được hạnh phúc chân thật và bền lâu thông qua việc cứu khổ ban vui cho mọi chúng sinh khác. Ở mức độ thường nhật, hành giả cảm nhận được những niềm vui chân thật khi có thể chân thành giúp đỡ, phụng sự người khác mà không kèm theo bất kỳ điều kiện đòi hỏi nào. Hơn thế nữa, tâm nguyện vị tha thường giúp hành giả dễ dàng cảm thấy sẵn lòng chấp nhận mọi hoàn cảnh xảy đến cho mình, bởi họ quan tâm nhiều hơn đến những khổ đau và thiếu thốn của người khác thay vì chỉ quan tâm riêng đến những bất toàn hay khiếm khuyết của bản thân.
Khuynh hướng phát tâm thứ hai này được mô tả trong nhiều kinh điển Đại thừa, chẳng hạn như hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm trong kinh Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn), hoặc Bồ Tát Địa Tạng trong kinh Địa Tạng... Các vị Bồ Tát này có tâm lực đại từ đại bi, luôn nỗ lực không mệt mỏi và không ngừng nghỉ trong việc cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sinh, không phân biệt giống loài. Bồ Tát Địa Tạng còn có đại nguyện chấp nhận vào tận cảnh giới địa ngục để cứu vớt những chúng sinh khổ đau trong đó.
Một số người có thể hoài nghi về tính xác thực của các vị Bồ Tát trong kinh điển Đại thừa như những con người thật, nhưng về những phẩm tính và công hạnh của các ngài thì thật ra chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ngay trong cuộc sống hằng ngày. Sau một trận bão lụt, hàng ngàn người không quen biết nhau vẫn sẵn lòng chia sẻ vật chất với các nạn nhân mà không hề nghĩ đến bất kỳ một sự đền đáp nào, đó chẳng phải là phẩm tính cứu khổ của Bồ Tát Quán Thế Âm đó sao? Gặp một tai nạn trên đường phố, không ít người trong chúng ta sẽ sẵn lòng đưa người bị nạn đi cấp cứu, đó chẳng phải là tâm nguyện cứu khổ luôn sẵn có trong mỗi người đó sao? Và rất nhiều hành vi cao thượng khác mà chúng ta vẫn thường gặp trong đời sống, mỗi mỗi đều cho thấy rằng phẩm tính hiền thiện, vị tha vốn luôn là hạt giống tốt đẹp sẵn có nơi mỗi con người, thậm chí là ở mỗi chúng sinh, chỉ có điều là chúng ta có khơi dậy và nuôi dưỡng được những hạt giống quý báu đó hay không mà thôi.
Những người phát tâm và tu tập theo khuynh hướng thứ nhất hình thành các tông phái mà từ nhiều thế kỷ trước đây vẫn được gọi là Tiểu thừa. Trong khi đó, những người phát tâm và tu tập theo khuynh hướng thứ hai thì hình thành các tông phái được gọi là Đại thừa. Từ khởi thủy, các tên gọi này hoàn toàn không có ý phân biệt cao thấp hay tốt xấu như nhiều người vẫn thường hiểu sai. Thậm chí có người cho rằng danh xưng Tiểu thừa hàm ý hạ liệt, thấp hèn. Những diễn giải như vậy là hoàn toàn chủ quan và sai lệch với tâm ý của người xưa khi sử dụng các danh xưng này. Danh xưng Tiểu thừa vẫn chính thức tồn tại cho đến gần đây, chẳng hạn như năm 1969 Hòa thượng Thích Quảng Độ cho xuất bản một dịch phẩm mang tên “Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận”. Chắc chắn khi sử dụng tên gọi này, Hòa thượng không hề có hàm ý chê bai Phật giáo Tiểu thừa là hạ liệt hay thấp hèn như những diễn giải vừa nêu trên.
Chữ “thừa” (乘) trong các danh xưng Đại thừa (大乘) và Tiểu thừa (小乘) được Hán dịch từ Phạn ngữ yāna trong các từ Mahāyāna và Hīnayāna. Các nhà Hán dịch đã dùng chữ thừa (乘) để chuyển tải hai ý nghĩa: một là phương tiện tu tập (để giải thoát bản thân) và hai là phương tiện cứu độ (để giải thoát cho người khác). Đây là hai ý nghĩa vốn không thể tách rời nhau. Hành giả nếu không tự giải thoát được bản thân thì không thể có khả năng giải thoát cho người khác. Cách chuyển dịch này đã nói lên được ý nghĩa cũng như sự khác biệt và tương đồng giữa hai khuynh hướng phát tâm tu tập mà chúng ta vừa đề cập. Bởi vì cho dù là Đại thừa hay Tiểu thừa thì sự tu tập của hành giả Phật giáo vẫn phải luôn bao gồm hai yếu tố: giải thoát chính mình và giải thoát cho mọi chúng sinh khác.
Khi hành giả phát tâm theo khuynh hướng thứ nhất, trọng tâm tu tập được nhấn mạnh vào sự giải thoát chính mình khỏi mọi khổ đau, chấm dứt vòng sinh tử luân hồi, bằng cách đạt đến quả vị A-la-hán, chấm dứt được mọi nghiệp lực và không còn phải thọ thân tái sinh. Mặc dù vậy, trong tiến trình tu tập Bát chánh đạo, hành giả tất nhiên sẽ nuôi dưỡng tâm từ bi và thực hành mọi việc lành làm lợi lạc cho chúng sinh. Do đó mà sự tu tập của hành giả vẫn có ý nghĩa cứu độ chúng sinh, nhưng trong trường hợp này không được nhấn mạnh bằng mục tiêu tự giải thoát. Sự phát tâm và tu tập như vậy được gọi là Tiểu thừa không hề hàm ý chê bai hay xem nhẹ, mà chỉ nói lên ý nghĩa là hành giả dốc lòng tìm đến sự giải thoát khổ đau trước khi nghĩ đến việc cứu độ chúng sinh, giống như một chiếc xe nhỏ có công năng chính là đưa người lái xe nhanh chóng về đích, nhưng việc chở thêm nhiều người khác ắt phải có phần hạn chế.
Khi hành giả phát tâm theo khuynh hướng thứ hai, trọng tâm tu tập được nhấn mạnh vào mục đích cứu khổ, làm giảm nhẹ khổ đau cho người khác. Hành giả hướng đến mục tiêu thành tựu quả Phật nhưng xem đó như một phương tiện tất yếu để có thể có được khả năng cứu độ chúng sinh, thay vì xem đó như con đường giải thoát tự thân. Có thể mô tả một cách hình tượng về hành giả phát tâm tu tập theo khuynh hướng này giống như người tài xế xe buýt, với mục đích chính là đưa nhiều hành khách về bến chứ không phải chỉ riêng bản thân mình. Trong một thành phố đông đúc dân cư, thời gian đến đích của xe buýt có thể chậm hơn nhiều so với người đi xe gắn máy, nhưng số người được đưa về đích là rất nhiều.
Hãy lấy một ví dụ, nếu trong nhà chúng ta có đủ cả xe gắn máy và xe hơi, thì mỗi khi cần đi đâu đó, trước hết ta phải chọn lựa tùy theo nhu cầu của chuyến đi. Nếu cần nhanh chóng đi đến sở làm để giải quyết công việc và chỉ đi một mình, chắc chắn ta sẽ chọn dùng xe gắn máy. Nhưng nếu cần đưa cả gia đình đi thăm viếng họ hàng chẳng hạn, tất nhiên ta buộc phải sử dụng xe hơi. Việc sử dụng xe hơi hay xe gắn máy rõ ràng không có ý nghĩa hơn kém nhau, chỉ tùy theo mục đích của chuyến đi mà thôi.
Cũng vậy, ta không thể nói rằng việc tu tập theo Tiểu thừa là kém hơn Đại thừa hay ngược lại, mà đó chỉ là những sự lựa chọn tùy theo khuynh hướng phát tâm của hành giả mà thôi. Cả hai khuynh hướng tu tập đều giúp ta đạt đến sự giải thoát khổ đau, cũng giống như cả xe hơi và xe gắn máy đều có thể giúp ta đi đến đích. Mỗi chúng ta đều sẵn có khả năng chọn lựa tu tập theo khuynh hướng nào thích hợp nhất với mình, và điều đó hoàn toàn không có nghĩa rằng điều ta không chọn lựa sẽ là kém hơn. Trong hàng ngàn năm qua, các tông phái Tiểu thừa cũng như Đại thừa đều đã có những đóng góp lớn lao trong việc làm giảm nhẹ khổ đau cho nhân loại, và đó chính là lý do tồn tại của những tông phái này. Dù đứng từ góc nhìn Tiểu thừa để phê phán Đại thừa hay ngược lại cũng đều là những sai lầm hết sức đáng buồn, bởi tất cả những sự phê phán như thế đều là xuất phát từ một cách nhìn hẹp hòi, nông cạn và không nhận hiểu đúng những lời Phật dạy.
Như đã nói, các danh xưng Tiểu thừa hay Đại thừa đều được người đi trước sử dụng để chuyển tải hai ý chính: thứ nhất là phương tiện tu tập và thứ hai là phương tiện cứu độ. Sự nhấn mạnh vào mục đích tu tập hay cứu độ chính là điểm tạo nên khác biệt, nhưng dù nhấn mạnh vào mục đích nào thì một hành giả Phật giáo vẫn phải bao gồm trong sự tu tập của mình đủ cả hai mục đích tự giác và giác tha. Vì thế, sẽ hết sức sai lầm nếu cho rằng Phật giáo Tiểu thừa chỉ cầu giải thoát cho riêng mình, và cũng sai lầm không kém nếu một hành giả tu tập theo Đại thừa muốn cứu độ người khác nhưng lại không tự mình tinh tấn cầu giải thoát.
Việc nhận hiểu sai lầm về ý nghĩa các danh xưng Tiểu thừa và Đại thừa đã khiến cho không ít người có nhận thức sai lệch cả về khuynh hướng tu tập của các tông phái khác nhau trong Phật giáo. Gần đây, người ta có khuynh hướng chuyển sang dùng danh xưng Phật giáo Nguyên thủy để thay cho Phật giáo Tiểu thừa, chỉ vì cho rằng hai chữ Tiểu thừa có hàm ý thấp kém, hạ liệt. Lại có người công khai bài bác Phật giáo Đại thừa và gọi đó là Phật giáo Tổ sư hay Phật giáo Pháp môn. Tất cả những ý niệm sai lầm này đều xuất phát từ nhận thức sai lệch về các danh xưng cũng như cách hiểu hạn chế và phiến diện về các pháp môn trong Phật giáo. Cho dù danh xưng tự nó không thể làm thay đổi bản chất thực sự của mọi hiện tượng, nhưng chính cách chọn lựa danh xưng đã cho thấy một sự xa rời nguồn chân lẽ thật.
Cách ứng xử đúng đắn nhất của người Phật tử trong trường hợp này là hãy tự mình trải nghiệm và xác tín con đường tu tập mà bản thân mình thấy là thích hợp, và tuyệt đối không bao giờ công kích, bài bác sự chọn lựa tu tập của người khác. Nếu tự mình có thể thấu suốt được nguồn chân lẽ thật qua kinh nghiệm tu tập, chúng ta sẽ thể nghiệm được một cách sâu sắc lời dạy của đức Phật: “Tất cả các pháp đều là pháp Phật.”