Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Nguồn chân lẽ thật »» Niềm tin vào Kinh điển »»

Nguồn chân lẽ thật
»» Niềm tin vào Kinh điển

Donate

(Lượt xem: 6.471)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Nguồn chân lẽ thật - Niềm tin vào Kinh điển

Font chữ:


Diễn đọc: Thanh Cúc
Nền tảng của đạo Phật là những lời Phật dạy được ghi chép trong Kinh điển. Người Phật tử tự nguyện đặt niềm tin vào Kinh điển với sự suy xét sáng suốt và trải nghiệm của chính bản thân mình, hoàn toàn không do bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài. Thế nhưng, tiến trình xác lập niềm tin vào Kinh điển thật không đơn giản và dễ dàng. Thứ nhất, làm sao để chúng ta có thể tự mình xác định được những bản văn thực sự là Kinh điển mà không sợ mắc phải sai lầm? Thứ hai, khi học hỏi và nghiên cứu Kinh điển để áp dụng vào sự tu tập, chắc chắn sẽ có những điểm mà chúng ta không đủ sức nhận hiểu tức thời hoặc thậm chí qua nhiều năm tu tập. Những điều không hiểu đó tất yếu sẽ là nguyên nhân làm khởi sinh những mối nghi trong lòng ta. Vậy phải giải quyết những mối nghi này theo cách như thế nào?
1. Những nghi ngại về nguồn gốc Kinh điển
Tam tạng Kinh điển hay Giáo pháp giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong đạo Phật. Trong Tam bảo (Phật, Pháp và Tăng) Tăng-già vẫn phải đặt sau Giáo pháp, bởi lý do có mặt của Tăng-già chính là để thực hành Giáo pháp và dẫn dắt Phật tử thực hành theo đó. Nếu không có Giáo pháp thì cũng sẽ không có lý do để Tăng-già tồn tại.
Đối với người học Phật, việc đọc hiểu, nghiên cứu Kinh điển để áp dụng vào sự tu tập là điều thiết yếu, bất kể chúng ta có đang tu tập dưới sự dẫn dắt của một vị thầy hay không. Cho dù một bậc thầy chân chánh có thể dẫn dắt, giúp chúng ta tu tập nhanh chóng, hiệu quả hơn nhiều lần, nhưng điều tiên quyết vẫn là vị thầy ấy phải dựa theo Kinh điển. Bất kỳ vị thầy nào, nếu đưa ra những chỉ dẫn lệch lạc, trái ngược với Kinh điển, chúng ta đều phải có sự thận trọng xem xét lại. Sở dĩ như vậy là vì Kinh điển do chính đức Phật nói ra hoặc ấn chứng, do đó có độ tin cậy cao hơn hẳn so với bất kỳ phát minh, sáng kiến nào của một người chưa hoàn toàn giác ngộ.
Thế nhưng, việc xác định một văn bản nào đó có đúng thật là Kinh điển hay không lại không phải chuyện dễ dàng chút nào, nhất là trong thời đại chúng ta, cách xa Đức Phật đã hơn 25 thế kỷ. Trong thực tế, đã có không ít những tranh biện xoay quanh vấn đề này, thậm chí có người đã không ngần ngại dùng cả từ “ngụy tạo” để chỉ đến toàn bộ Kinh điển Đại thừa. Đây là một thái độ cực đoan rất nguy hiểm cho các thế hệ tương lai, bởi nó có nguy cơ “vơ đũa cả nắm” và hủy hoại tất cả những tinh túy Phật học đã được tích lũy và trao truyền từ nhiều thế kỷ qua.
Tuy nhiên, vấn đề tưởng chừng như hết sức khó khăn này thật ra lại đã sẵn có giải pháp được đức Phật chỉ bày trong Kinh điển. Có bốn yếu tố cốt lõi trong Kinh điển được tất cả các truyền thống Phật giáo cùng thừa nhận, đã được đề cập đến trong cả kinh điển Nguyên thủy cũng như Đại thừa, thường được biết với tên gọi Tứ pháp ấn (四 法 印), với ý nghĩa là bốn dấu ấn để xác thực Chánh pháp, hoặc một tên gọi ít người biết đến hơn là Tứ pháp bản mạt (四 法 本 末), với ý nghĩa là bốn cội gốc căn bản, bao quát nhất. Nói một cách dễ hiểu hơn thì đây là bốn tính chất mà người tu tập có thể dựa vào để nhận biết và xác tín nội dung Kinh điển.
Những gì là bốn tính chất được đề cập ở đây? Theo kinh Tăng Nhất A-hàm, phẩm 26, kinh số 8 thì đó chính là các tính chất khổ, vô thường, và vô ngã của tất cả hiện tượng, như chúng ta vừa đề cập trong các chương sách trước, cùng với tính chất tịch tĩnh của Niết-bàn, kết quả thành tựu của sự tu tập.
Theo lời Phật dạy thì bất kỳ bản văn nào, dù được gọi là Kinh điển, nhưng nếu trình bày những điều đi ngược bốn pháp ấn này thì người Phật tử có thể biết được rằng đó không phải là Kinh điển do Phật thuyết dạy.
Nhưng giải pháp này cũng có sự giới hạn, vì nó giúp chúng ta loại bỏ những gì trái ngược với Kinh điển, không đúng lời Phật dạy, nhưng nếu có - và sự thật là đã có rất nhiều - những bản văn tuy không trái ngược lời Phật dạy, nhưng không thể chắc chắn được là do đức Phật trực tiếp nói ra, mà có khả năng là do những người đời sau căn cứ vào lời Phật dạy để viết ra thì sao? Vì căn cứ vào lời Phật dạy để viết ra, nên điều tất nhiên là sẽ phù hợp với lời Phật dạy, và do đó không thể dùng Tứ pháp ấn để phân biệt loại trừ được nữa. Nhưng vì có khả năng là không phải do chính đức Phật trực tiếp nói ra, nên cũng cần có sự tiếp cận khác hơn so với những bản văn có độ xác thực cao.
Một số người bi quan thường cho rằng hiện nay là thời kỳ Mạt pháp, nhưng bản thân tôi luôn tin rằng chúng ta vẫn còn rất may mắn và hạnh phúc biết bao khi được sinh ra vào một thời kỳ tuy không có Phật ra đời nhưng vẫn được tiếp cận với Kinh điển, Giáo pháp của đức Phật với một sự phong phú, đa dạng và khá toàn vẹn. Mặc dù có những hạn chế nhất định về mặt sử liệu, nhưng nhìn chung thì với những dữ kiện đã biết và được hầu hết mọi người công nhận, toàn bộ kinh tạng Nikāya qua bốn lần kết tập, đến nay hiện vẫn còn nguyên vẹn để người Phật tử có thể dựa vào đó mà học hỏi, hành trì. Về cơ bản, chúng ta chưa từng thấy có người Phật tử nào hoài nghi về tính xác thực của Tam tạng Kinh điển Nikāya, cho dù là người ấy tu tập theo bất kỳ truyền thống nào trong Phật giáo. Sự đồng thuận này có thể xem là điểm chung vững chắc giữa tất cả Phật tử hiện nay để có thể cùng nhau đi đến một cách nhìn nhận phù hợp với Chánh kiến về vấn đề tiếp cận, học hỏi và nghiên cứu Kinh điển.
Như vậy, khi tiếp cận với Kinh điển của đạo Phật, chúng ta thường sẽ gặp phải hai trường hợp sẽ trình bày dưới đây.
a. Trường hợp văn bản có tính xác thực cao
Đây là trường hợp của những Kinh điển mà chúng ta may mắn giữ được toàn vẹn qua các lần kết tập, như 34 kinh trong Kinh Trường bộ (Dīgha Nikāya), 152 kinh trong Kinh Trung bộ (Majjhima Nikāya), cho đến tất cả các Kinh trong Tam tạng Nikāya hiện còn...
Đối với những Kinh điển thuộc loại này, chúng ta nên tiếp cận và xác lập niềm tin theo đúng tinh thần lời dạy của đức Phật trong kinh Kalama, nghĩa là thông qua sự suy xét sáng suốt và thể nghiệm của chính bản thân mình, không phải vì dựa vào sự tin tưởng đối với người khác hay chỉ vì điều đó được ghi chép trong Kinh điển.
Vì sao như thế? Vì cho dù về mặt văn bản, ngôn từ, chúng ta đã tin chắc đó là lời Phật dạy, nhưng nếu chúng ta chưa có sự suy xét, thể nghiệm của chính bản thân, ta sẽ không có khả năng nhận hiểu đúng thật và đầy đủ về những lời dạy ấy. Như chúng ta đã biết, khoảng cách giữa tri thức và sự trực nhận hay thực chứng luôn cần có sự thể nghiệm, hành trì mới có thể xóa bỏ. Nếu chúng ta chỉ tiếp cận Kinh điển thông qua ngôn từ, lý luận, ta sẽ dễ dàng rơi vào chỗ nhận hiểu và thực hành không đúng như lời Phật dạy, hoặc thậm chí nguy hiểm hơn nữa là diễn giải Kinh điển sai lệch theo những tri thức, định kiến mà ta đang có.
Vì vậy, cần thấy rõ là ngay cả đối với những lời Phật dạy thì cũng cần phải có sự suy xét, nhận hiểu và thực hành một cách sáng suốt mới có thể mang lại lợi lạc cho bản thân và người khác. Những người thuộc lòng Kinh điển hoặc thậm chí có khả năng thuyết giảng Kinh điển nhưng không có sự tu tập áp dụng thực sự vào đời sống, chắc chắn sẽ không tự mình thể nghiệm được những lời Phật dạy, và do đó mà việc đi sai đường là chuyện rất dễ xảy ra.
b. Những văn bản không có tính xác thực cao
Đây là trường hợp của những Kinh điển Đại thừa mà chúng ta không thể biết được một cách chắc chắn về nguồn gốc, xuất xứ. Trong nhiều thế kỷ qua, tuyệt đại đa số Phật tử đều tin chắc rằng đây là những Kinh điển do chính đức Phật thuyết dạy, như kinh Pháp Hoa, kinh Đại Bát-nhã, kinh Lăng Nghiêm... Khoảng nửa thế kỷ trước đây, không một người Phật tử nào hoài nghi về tính xác thực của những Kinh điển này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các ngành khoa học phương Tây như văn bản học, khảo cổ học, sử học v.v... đã dựa vào những kết quả nghiên cứu để cho rằng văn bản của các Kinh điển Đại thừa xuất hiện khá muộn so với kinh điển Nguyên thủy. Điều này đã làm cho một số người bắt đầu nghi ngại về nguồn gốc của Kinh điển Đại thừa.
Khi có sự phân vân về nguồn gốc Kinh điển như thế, sự tiếp cận tất nhiên cần có những yêu cầu khác hơn, nhưng yêu cầu trước hết là chúng ta phải chấp nhận sự không biết chắc của mình. Sự chấp nhận này rất quan trọng, vì nếu không ta sẽ rơi vào sai lầm là kiên quyết bác bỏ tất cả khi cho rằng đó là những kinh “ngụy tạo”, không phải do đức Phật thuyết giảng. Trong trường hợp này, ta mắc phải sai lầm trước tiên là đã đưa ra phán quyết về một điều ta hoàn toàn không biết chắc. Và như vậy, nếu có khả năng đó thực sự là lời dạy của đức Phật thì ta đã tự mình đóng lại cánh cửa tiếp cận với Giáo pháp.
Cách ứng xử sai lầm như thế là cực đoan, không đúng với tinh thần những lời dạy sáng suốt của đức Phật.
Tốt hơn, chúng ta nên chấp nhận sự “không biết chắc” của mình để có thể tiếp cận với những Kinh điển thuộc loại này trên tinh thần của Tứ pháp ấn, sẵn sàng loại bỏ những gì không phù hợp với lời Phật dạy. Và muốn sử dụng được Tứ pháp ấn, điều tất nhiên là trước hết chúng ta phải tự mình có sự tu tập quán chiếu các yếu tố khổ, vô thường, vô ngã như đã bàn đến trong các chương sách trước. Những nội dung này cũng được chỉ dạy trong rất nhiều Kinh điển, nên việc thực hành tu tập có thể nói là khả thi đối với bất cứ ai. Điều cần lưu ý ở đây là mức độ nhận hiểu về các yếu tố vô thường, khổ và vô ngã sẽ luôn tỷ lệ thuận với công phu tu tập hành trì của mỗi người, hoàn toàn không chỉ giới hạn trong lớp vỏ ngôn ngữ.
Sau khi áp dụng Tứ pháp ấn, ít nhất chúng ta đã có thể xác định được những gì là phù hợp với lời Phật dạy. Vấn đề tiếp theo là nên nhận thức như thế nào về tính xác thực của những Kinh điển này khi ta không thể biết chắc là có phải do đức Phật trực tiếp nói ra hay không. Hiện nay, có thể quan sát thấy một số khuynh hướng nổi bật như sau:
Khuynh hướng thứ nhất là của một số người rơi vào cực đoan khi không chỉ ra được bất kỳ điều gì trái với lời Phật dạy trong những bộ kinh mình tìm hiểu (hoặc thậm chí họ chưa từng tìm hiểu) nhưng vẫn nhất quyết bác bỏ cho đó là ngụy tạo, lại còn tìm mọi cách để bài bác, công kích, xem như những tà thuyết gây hại cho mọi người. Sự phát triển quá trớn của khuynh hướng này hiện nay còn đi đến chỗ muốn phủ nhận toàn bộ những gì liên quan đến Đại thừa, chẳng hạn như truyền thống tu tập từ nhiều ngàn năm qua. Người Phật tử nên thận trọng để tránh rơi vào khuynh hướng sai lầm này. Bản thân tôi đã từng nhận được hàng chục thư điện tử cổ xúy cho khuynh hướng này và có vẻ như những người cực đoan như vậy lại tự cho là mình đang “dẹp bỏ tà thuyết” để “hộ trì Chánh pháp”.
Khuynh hướng thứ hai có phần ôn hòa hơn là không tin vào Kinh điển Đại thừa nhưng không bài bác, công kích, vì thực sự không thấy có gì trái với lời Phật dạy. Như đã nói, Kinh tạng Nikāya với sự nguyên vẹn và xác tín vẫn là một gia tài Pháp bảo vô giá luôn sẵn có cho mọi người Phật tử học hỏi và tu tập. Chúng ta có thể từ chối những kinh điển không thuộc Kinh tạng Nikāya, nhưng không thể bác bỏ, vì sự thật là ta không biết chắc được về nguồn gốc của các Kinh điển đó. Những người theo khuynh hướng này do việc không biết chắc được về nguồn gốc của Kinh điển Đại thừa nên từ chối không học hỏi và chỉ thừa nhận Kinh tạng Nikāya mà thôi.
Khuynh hướng thứ ba rộng mở hơn, chấp nhận việc tham khảo vào nội dung các bộ kinh Đại thừa để tìm kiếm những giá trị tích cực có thể áp dụng trong sự tu tập. Trải qua một truyền thống tiếp nối nhiều ngàn năm, những Kinh điển, luận giải Đại thừa được thu thập trong Kinh tạng là một khối lượng đồ sộ, hàm chứa nhiều tư tưởng, triết lý phong phú, đa dạng và thâm sâu. Khi chọn những bộ kinh thích hợp với pháp môn tu tập mà mình đang áp dụng để học hỏi, người Phật tử sẽ có nhiều khả năng mở rộng và đào sâu hơn nhận thức, hiểu biết về phương pháp tu tập của mình. Điều đó chỉ có lợi mà không có hại. Hơn thế nữa, nó giúp chúng ta thể nghiệm được những lời Phật dạy ở một góc độ bao quát, rộng mở hơn. Những người theo khuynh hướng này tuy không tin chắc rằng những Kinh điển ấy là do đức Phật trực tiếp nói ra, nhưng họ thừa nhận việc những Kinh điển ấy trình bày giáo lý do Phật thuyết dạy và thậm chí là trình bày với những phương pháp vô cùng uyên áo, sâu sắc.
Khuynh hướng thứ tư là tự mình xác tín về nguồn gốc Kinh điển Đại thừa theo đúng tinh thần những gì đức Phật đã dạy. Những người theo khuynh hướng này tin chắc rằng những Kinh điển Đại thừa đúng thật với tinh thần Tứ pháp ấn là do chính đức Phật thuyết dạy, chẳng hạn như các kinh Bát-nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, A-di-đà v.v... và rất nhiều Kinh điển khác. Người Phật tử theo khuynh hướng này được lợi ích lớn là có thể tiếp cận với toàn bộ Giáo pháp của đức Phật, bao gồm cả Kinh tạng Nikāya và Kinh điển Đại thừa. Khi kết hợp việc học hỏi Kinh điển và tu tập theo tinh thần không phân biệt bộ phái, người Phật tử thoát khỏi nhiều sự trói buộc của những quan điểm, định kiến hẹp hòi và có thể chuyên tâm hành trì pháp môn mình đã chọn.
Như vậy, dựa vào đâu để người Phật tử có thể tự xác tín về nguồn gốc Kinh điển Đại thừa? Chúng ta có thể lược kể ra một vài luận cứ như sau:
Thứ nhất, nếu người Phật tử đặt niềm tin vào lời Phật dạy sau khi đã có sự hành trì thể nghiệm thì niềm tin ấy vững chắc và mạnh mẽ hơn nhiều so với niềm tin vào các nhà khoa học, mà cụ thể ở đây là văn bản học, khảo cổ học, sử học... Các nhà khoa học này nói rằng “văn bản Kinh điển Đại thừa chỉ xuất hiện sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên”, nhưng họ không thể trả lời được câu hỏi: “Kinh điển Đại thừa xuất hiện từ lúc nào?” Và ngay cả nếu như họ có thể đưa ra câu trả lời, thì giá trị của tri thức khoa học cũng chỉ là tương đối khi so với giá trị chân lý trong lời Phật dạy. Một thời gian dài, vật lý học Newton đã thống trị hoàn toàn trong khoa học vật lý, nhưng sau những khám phá của Albert Einstein thì mọi sự bắt đầu thay đổi. Thuyết tiến hóa của Darwin cũng được nhận thức khác đi khi có những kết quả nghiên cứu mới của khoa học hiện đại. Và rõ rệt nhất là thuyết địa tâm (xem trái đất là trung tâm vũ trụ) đã được xem như tuyệt đối chính xác cho đến thế kỷ 16. Nhưng từ thế kỷ 17, khoa học đã chứng minh là nó sai lầm hoàn toàn và đã bị thay thế bằng thuyết nhật tâm... Trong khi đó, những gì đức Phật thuyết dạy dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn luôn chứng tỏ được tính chính xác, hợp lý và mang lại lợi ích an vui cho muôn người.
Ngay cả đối với sự ra đời của đức Phật, từ thế kỷ 18 trở về trước, người Phật tử chỉ có thể đặt niềm tin thông qua những ghi chép trong Kinh điển mà không hề có bất kỳ một chứng cứ khoa học nào. Chỉ đến đầu thế kỷ 19, khi các nhà khảo cổ lần lượt phát hiện các di chỉ quan trọng tại Thánh tích Lumbini như trụ đá do vua A-dục dựng lên để ghi dấu nơi đản sinh đức Phật và nhiều công trình kiến trúc cổ tại đây... thì khoa học mới bắt đầu xác tín về việc đức Phật đã từng sống và thuyết giảng trên hành tinh này.
Những phát hiện của khoa học là không thể dự đoán trước. Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến khả năng là một ngày nào đó, với những kết quả nghiên cứu mới, khoa học sẽ thay đổi cách nhìn nhận về Kinh điển Đại thừa.
Tuy nhiên, đó vẫn là chuyện của các nhà khoa học. Người Phật tử đến với đạo Phật như những con người đi tìm lối thoát cho những vấn nạn của chính thân phận con người, không phải vì những kiến thức khoa học. Thử hình dung một ngày nào đó, các nhà khoa học nổi tiếng tìm đến và nói với chúng ta: “Năm giới mà các ông đang giữ theo đó hoàn toàn không phải do đức Phật chế định. Tôi đã có đầy đủ bằng chứng về điều đó.” Chúng ta sẽ phản ứng thế nào với điều đó? Riêng tôi, chắc chắn tôi sẽ đáp lại: “Vâng, xin các ông hãy nói điều đó với giới khoa học của các ông. Còn tôi, tôi đã tự mình thể nghiệm được vô vàn lợi ích từ Năm giới, nên dù ông có chứng minh rằng nó do ai đó nói ra chứ không phải đức Phật, thì đối với tôi cũng sẽ không có gì thay đổi cả. Tôi vẫn sẽ tiếp tục giữ theo Năm giới này.”
Rõ ràng, là người Phật tử, chúng ta phải có thẩm quyền xác tín về Kinh điển của đức Phật cao hơn các nhà khoa học. Đối với họ, yếu tố quyết định “sự thật” chỉ là những văn bản, những di chỉ khảo cổ vô hồn, nhưng đối với chúng ta thì những giá trị tâm linh, những ý nghĩa nhiệm mầu trong các nền tảng giáo lý Bát-nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa... là những giá trị rất sống động, rất thật và có thể giúp ta giải quyết được những vấn nạn khổ đau, bế tắc trong đời sống. Những ai đến với Bát-nhã, Pháp Hoa... như những văn bản không hồn, chắc chắn họ sẽ còn tiếp tục truy tìm nguồn gốc qua chứng cứ khoa học. Nhưng những ai đã thực sự vượt qua nhiều giai đoạn bế tắc trong đời sống nhờ vào tư tưởng Bát-nhã, Pháp Hoa... thì sẽ hoàn toàn không cần đến điều đó. Bằng sự thể nghiệm tự thân, chúng ta có thể xác tín được đó chính là những lời được thuyết dạy bởi một đấng Giác ngộ viên mãn, bởi nó thực sự mang lại lợi lạc vô biên cho người tu tập.
Thứ hai, lịch sử phát triển của Phật giáo qua 25 thế kỷ với một không gian đang mở rộng đến khắp thế giới đã chứng minh vai trò tích cực của Kinh điển Đại thừa. Những giá trị tích cực đó cũng được chứng minh ngay tại Việt Nam chúng ta, qua hai triều đại Lý - Trần mà sự cai trị đất nước chịu ảnh hưởng rõ rệt từ Phật giáo Đại thừa. Đất nước trong thời kỳ này đã phát triển hết sức ổn định và tốt đẹp, ngay cả giặc ngoại xâm phương bắc cũng liên tục bị đánh tan nhiều lần. Phật giáo Đại thừa đã đào tạo cho dân tộc ta nhiều vị vua anh minh trong cả hai triều Lý, Trần... Nhiều người trong số họ chẳng những đã đóng góp hết sức lớn lao cho đất nước, mà còn sẵn sàng từ bỏ cả vương quyền để sống đời thoát tục sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Đó là những biểu hiện hết sức cao quý của tinh thần buông xả đúng theo lời Phật dạy.
Khi nhìn lại lịch sử như thế, chúng ta càng thấy rõ không có lý do gì để phải hoài nghi hoặc bác bỏ Kinh điển Đại thừa. Trong hiện tại, nếu có những dấu hiệu không tích cực nào đó của những cá nhân tự nhận là tu tập theo Phật giáo Đại thừa, chúng ta cần nhận rõ sự lệch lạc của mỗi cá nhân đó, không thể vì thế mà quy lỗi cho Kinh điển Đại thừa. Hơn ai hết, người Phật tử phải tiếp cận Kinh điển theo đúng tinh thần những lời Phật dạy, nghĩa là phải lấy sự thể nghiệm của tự thân làm yếu tố xác quyết quan trọng nhất.
Thứ ba, sự soi chiếu dưới ánh sáng của Tứ pháp ấn đã chứng tỏ rằng các Kinh điển Đại thừa hiện đang lưu hành không có gì đi ngược với những lời dạy của đức Phật. Điều này cho thấy có hai khả năng: hoặc là những kinh ấy do chính đức Phật thuyết dạy, hoặc là đã được những vị uyên thâm về Phật pháp viết ra dựa theo lời Phật dạy. Tuy nhiên, khả năng thứ hai sẽ bị loại trừ, bởi tất cả Kinh điển Đại thừa đều được xác tín bằng câu “Như thị ngã văn” (Tôi nghe như thế này). Đây là một lời tuyên thệ nói lên sự thật trước khi ghi chép, thuật lại Kinh văn. Vì thế, chỉ có thể tin chắc đây là lời dạy của Phật, nếu không thì các vị chép kinh đều phạm tội nói dối (vọng ngữ), và họ không có động cơ để làm như vậy, dù là tham danh hay tham lợi, vì cả hai điều ấy đều không có.
Tại sao chúng ta lại không đặt niềm tin vào những vị uyên thâm Phật pháp đã ghi chép Kinh điển Đại thừa? Với tư cách đạo đức và tâm linh của những hành giả Phật giáo, họ không thể am hiểu và hành trì Phật pháp để rồi ngay từ lúc mở đầu kinh văn đã ghi vào một câu nói dối! Vì thế, chúng ta có thể tin chắc rằng họ chỉ ghi chép lại những điều mà chính họ đã xác quyết là do đức Phật thuyết dạy.
Khả năng Kinh điển Đại thừa đã được truyền khẩu qua nhiều thế kỷ, đợi đến lúc thích hợp mới xuất hiện dưới dạng văn bản là điều hoàn toàn có thể. Trong thực tế, dòng Kagyu của Phật giáo Tây Tạng được hình thành từ khoảng đầu thế kỷ 12 và vẫn duy trì truyền thống khẩu truyền cho đến ngày nay, tuy họ có đủ điều kiện để ghi chép Giáo pháp. Như vậy, việc Kinh điển Đại thừa được truyền khẩu cho đến thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên vẫn có khả năng là đúng thật.
Một thực tế khác nữa là chính Kinh tạng Nikāya cũng đã trải qua giai đoạn truyền khẩu nhiều thế kỷ trước khi được ghi chép thành văn bản vào lần kết tập thứ tư. Trong sách The Buddha and His Teachings, ngài Venerable Narada Mahathera đã viết về lần kết tập Kinh điển này như sau:
“About 83 B.C., during the reign of the pious Simhala King Vatta Gāmani Abhaya, a Council of Arahants was held, and the Tipitaka was, for the first time in the history of Buddhism, committed to writing at Aluvihāra in Ceylon.”
(Vào khoảng năm 83 trước Công nguyên, vào thời đại của vị vua Simhala sùng tín là Vatta Gāmani Abhaya, một Hội đồng gồm các vị A-la-hán đã họp lại, và lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, Tam tạng Kinh điển được ghi chép thành văn bản tại Aluvihāra ở Ceylon - Tích Lan.)
Nhiều nguồn cứ liệu đáng tin cậy khác cũng đề cập tương tự. Hơn thế nữa, theo các nhà nghiên cứu thì ngôn ngữ mà đức Phật thực sự đã sử dụng để thuyết giảng Kinh điển không phải tiếng Pali. Các bản Kinh văn Pali thực sự chỉ là những văn bản được chuyển dịch từ một ngôn ngữ ban đầu nào đó mà hiện vẫn chưa thể xác định rõ. Như vậy, danh từ “Nguyên thủy” mà chúng ta đang dùng cũng có những giới hạn nhất định về độ xác tín. Trong sách A Short History of Buddhism, học giả người Đức Edward Conze viết về thời kỳ 500 năm trước Công nguyên của Phật giáo như sau:
“Suốt trong thời kỳ đầu này, kinh điển chỉ được truyền miệng, và phải cho đến khoảng gần cuối thời kỳ mới bắt đầu có sự ghi chép. Những gì đức Phật đã thật sự nói ra, hầu như không có gì được ghi chép lại ngay. Có thể là vào lúc ấy đức Phật đã giảng dạy bằng ngôn ngữ Ardhamagadhi, nhưng không có Phật ngôn nào được ghi lại bằng ngôn ngữ này. Về những kinh điển được ghi chép sớm nhất, ngay cả ngôn ngữ được sử dụng vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Những gì chúng ta có chỉ là bản dịch của những kinh điển đầu tiên ấy sang các thứ tiếng Ấn Độ khác, chủ yếu là tiếng Pali, và một hình thức đặc biệt của tiếng Sanskrit dùng riêng cho Phật giáo.”
Như vậy, nếu người Phật tử chúng ta không có khả năng tự mình xác tín vấn đề nguồn gốc Kinh điển thông qua chính sự thể nghiệm hành trì mà luôn phụ thuộc quá nhiều vào những nguồn thông tin khác, thì đến một lúc nào đó, sẽ không tránh khỏi việc có người nghi ngờ ngay cả tính xác thực của Kinh tạng Nikāya. Và những lý do hôm nay được đưa ra để bác bỏ Kinh điển Đại thừa thì đến một ngày nào đó sẽ được lặp lại để bác bỏ Kinh tạng Nikāya.
Tóm lại, trong bốn khuynh hướng kể trên khi tiếp cận với Kinh điển Đại thừa, người Phật tử có thể tùy theo sự nhận thức riêng của mỗi người để lựa chọn, nhưng hoàn toàn không nên rơi vào khuynh hướng thứ nhất, bởi đó là một sai lầm cực đoan nguy hại nhất cho Chánh pháp.
2. Những mối nghi khi đọc Kinh điển
Phần lớn chúng ta lần đầu tiên tìm đến với đạo Phật đều thường là với một tách trà đầy ắp và một dạ dày rỗng tuếch. “Tách trà đầy ắp” là vô số những tri thức, kiến giải, khái niệm và định kiến mà ta đã tích lũy qua nhiều năm trong cuộc sống thế tục. Và cái “dạ dày rỗng tuếch” là để chỉ cho sự đói thiếu chân lý vì chưa từng được tiếp cận với những lời Phật dạy.
Vì thế, nếu may mắn được tiếp cận với kho tàng Kinh điển, giáo lý, chúng ta sẽ như người đói khát đứng trước một bàn tiệc đầy ắp những món ngon vật lạ. Mỗi một món ăn đều có thể giúp ta qua cơn đói, nhưng đồng thời mỗi món ăn trên bàn tiệc linh đình ấy cũng đều có những màu sắc, hương vị riêng, và trong số đó có không ít những món xa lạ mà ta chưa từng biết. Điều tất nhiên là sau khi thỏa mãn cơn đói bằng những món quen thuộc, ta sẽ bắt đầu muốn thử qua những món lạ hơn, ngon hơn.
Cũng vậy, giáo lý của đạo Phật hết sức phong phú, đa dạng và có đủ mọi tầng bậc. Với người mới bước vào đạo Phật, chỉ cần nghiêm cẩn giữ theo Năm giới là chúng ta đã bắt đầu thấy ngay vô vàn lợi ích trong cuộc sống gia đình cũng như trong quan hệ xã hội. Tiếp theo, chúng ta có nhiều pháp môn để chọn lựa cho việc hành trì nhằm an định tâm thức, dừng lắng những tư tưởng lăng xăng cũng như bắt đầu đối trị với những tâm hành phiền não như tham lam, sân hận, si mê...
Phác đồ chung của bước đầu tu tập thì chỉ đơn giản thế, nhưng đi vào thực tế thì muôn người muôn vẻ, nên kinh nghiệm tu tập của mỗi người trải qua cũng đều khác biệt. Và ngay khi có được chút thành quả trong tu tập, chẳng hạn như được an ổn hơn, nhận thức sáng suốt hơn so với trước đây, thì cơn đói chân lý sẽ tạm lắng xuống và “tách trà đầy ắp” phát huy tác dụng. Ta sẽ bắt đầu phân tích những gì gặp được trong Kinh điển và so sánh với khối tri thức “đồ sộ” mà ta đã từng tích lũy. Trong giai đoạn này, không ít người rơi vào con đường truy tầm kiến thức, nghiên tầm thiên kinh vạn quyển mà quên đi tầm quan trọng của thực tế hành trì.
Những ai có thể xác lập được niềm tin hoàn toàn vào Kinh điển thông qua thực tế hành trì, người ấy có nhiều cơ may “làm trống tách trà tri thức” để trực nhận dễ dàng hơn những lời dạy từ Kinh điển. Ngược lại, người học Phật thường phải trải qua một cuộc đấu tranh dai dẳng giữa một bên là những tri thức, định kiến thế tục và một bên là những chân lý hướng đến giải thoát.
Tuy vậy, chúng ta cần biết rằng, sự dung hợp hài hòa là điều khả thi và thậm chí còn là hệ quả tất nhiên khi ta nắm hiểu được yếu chỉ trong Kinh điển. Nhưng đối với người mới bước đầu học Phật thì những bước loanh quanh để giải quyết vấn nạn “xung khắc” này thường không khỏi kéo dài qua một thời gian nhất định. Nếu may mắn có được một bậc minh sư hoặc thiện tri thức dẫn dắt, ta có thể rút ngắn được quãng đường này. Bằng không, ta vẫn phải tự mình nỗ lực để vượt qua. Người học Phật nếu hiểu được điều này thì dù trong những giai đoạn có hoang mang, nghi ngại cũng không đánh mất niềm tin vào Tam bảo.
Mặt khác, dù tham muốn háo hức đến đâu trước một bàn tiệc linh đình, ta cũng không thể thưởng thức hết tất cả các món ngon. Vì thế ta cần khôn ngoan khi chọn lựa. Được ăn ngon, ăn no là đủ để thỏa mãn nhu cầu, nhưng nếu muốn ăn cho thật nhiều, chẳng những vẫn không sao ăn hết mà còn có nguy cơ bội thực.
Đức Phật dạy rất nhiều pháp môn trong Kinh điển, thậm chí càng học ta càng nhận ra con số đó nhiều hơn nữa. Nhưng đức Phật không hề muốn làm khổ chúng ta khi truyền dạy “quá nhiều” pháp môn như thế, mà sự thật là vì cần phải có như thế mới đáp ứng được nhu cầu đa dạng của tất cả chúng sinh. Trong Kinh điển từng dạy rằng: “Vì chúng sinh có vô số phiền não nên cần có vô số pháp môn để đối trị.” Các pháp môn trong đạo Phật giống như dược liệu chứa trong một kho thuốc lớn, tuy rất nhiều nhưng chỉ phân phối đến mỗi người bệnh một số liều cần thiết mà thôi.
Mỗi chúng ta đều là người đang mang bệnh phiền não. Hãy đến với Kinh điển trên tinh thần “tùy bệnh chọn thuốc”, đừng tham muốn quá nhiều như những món ăn trên bàn tiệc kia, bởi ta sẽ không tiêu hóa được mà còn có thể chết vì bội thực. Một bậc minh sư cũng sẽ không làm gì khác hơn là “tùy bệnh cho thuốc”, bởi khi đã có thuốc rồi thì việc uống thuốc sẽ là việc riêng của mỗi người. Chính đức Phật cũng từng nói rằng: “Ta như lương y tùy bệnh cho thuốc, nếu người bệnh không chịu uống thuốc, không phải lỗi nơi ta.”
Với những nhận thức thức tối thiểu như trên, chúng ta có thể giảm nhẹ được rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với Kinh điển. Thứ nhất, khi hiểu được như thế, chúng ta sẽ có sự chú tâm “làm trống tách trà tri thức” khi đến với Kinh điển, và điều đó giúp ta có được một sự trực nhận khách quan đối với những ý nghĩa sâu xa, mới mẻ. Thứ hai, khi đến với Kinh điển trên tinh thần “tùy bệnh chọn thuốc”, ta sẽ không mất thời gian “lang thang” giữa khu rừng Kinh điển mênh mông để rồi phải cảm thấy hoang mang lạc lõng. Thay vì vậy, ta sẽ sớm biết chú tâm tìm kiếm cho mình một nội dung thích hợp để chuyên tâm nghiền ngẫm và tu tập hành trì, không chú trọng quá nhiều đến những điều không thực sự ích lợi cho sự tu tập của chính mình. Ta biết rõ bệnh mình đang cần thực sự uống thuốc chứ không phải chỉ lo việc “sưu tập thuốc”.
Việc học hỏi Kinh điển để áp dụng vào đời sống tu tập là một tiến trình lâu dài và chắc chắn không thể dễ dàng. Trong tiến trình ấy, chúng ta không tránh khỏi có những lúc sanh khởi tâm nghi vì chưa hiểu rõ được một điều nào đó ghi chép trong Kinh điển. Chúng ta không nên tự trách mình khi có những lúc khởi nghi như thế. Trái lại, việc khởi tâm nghi còn có thể là dấu hiệu cho thấy một nhận thức tích cực, bởi nếu chỉ biết lặp lại những điều ghi chép trong Kinh điển mà không tự nhận thức được thấu đáo, ta sẽ không có khả năng áp dụng một cách đúng đắn lời dạy của đức Phật vào cuộc sống. Mặc dù vậy, nếu ta không nhận hiểu đúng thì trong rất nhiều trường hợp, những mối nghi này sẽ gây chướng ngại cho sự tu tập.
Những vấn đề làm ta khởi nghi tuy rất đa dạng, nhưng có thể lược phân ra hai loại thường gặp nhất. Thứ nhất là nghi về những từ ngữ khó hiểu, và thứ hai là nghi về những ý nghĩa quá sâu xa, uyên áo.
a. Khởi nghi vì những từ ngữ khó hiểu
Có nhiều nguyên nhân khiến cho từ ngữ trong Kinh điển khó hiểu đối với chúng ta. Nếu là lần đầu tiên ta tìm hiểu về một phần giáo lý nào đó, thì sự chưa quen thuộc với lãnh vực ấy sẽ là một nguyên do. Vì thế, việc kết hợp đọc Kinh điển với tra cứu các thuật ngữ Phật học gần như là điều bắt buộc. Phần đông chúng ta đọc Kinh điển qua các bản dịch, và nếu dịch giả có sự quan tâm đến khó khăn này của người đọc, vị ấy sẽ đưa vào bản dịch nhiều chú giải cho các thuật ngữ, nhờ đó người đọc sẽ được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, dù sao thì khó khăn loại này vẫn là một thách thức tất yếu mà chúng ta phải nỗ lực vượt qua, bởi khi diễn đạt những phạm trù giáo lý sâu xa, người dịch có rất nhiều lúc buộc phải sử dụng các thuật ngữ mà không có lựa chọn nào khác.
Một nguyên nhân khác có thể là do định kiến. Khi lần đầu tiên tiếp xúc với một khái niệm trong giáo lý, nếu chúng ta có sự nhận hiểu không đúng hoặc phiến diện, thì khi gặp lại cùng những khái niệm ấy trong Kinh điển, ta thường có khuynh hướng áp đặt cách nhận hiểu sẵn có của mình, và do đó làm cho ý nghĩa câu kinh trở nên sai lệch khiến ta sinh nghi. Vì thế, sự thận trọng trong tra cứu cũng như tham học với các bậc thầy, các vị thiện tri thức là điều cần thiết để giảm thiểu những mối nghi loại này.
Nguyên nhân thứ ba là do những sai sót trong ghi chép, in ấn. Kinh điển được truyền lại qua nhiều thế kỷ, khả năng xảy ra sai sót là điều không thể tránh. Vì thế, đôi khi chúng ta có thể thấy một từ ngữ nào đó quá khó hiểu hoặc không thích hợp với ý nghĩa câu kinh. Việc tra cứu hoặc tham học để giải quyết nghi vấn loại này phức tạp hơn nhiều, vì nhất thiết phải dựa vào những nguồn cứ liệu chắc chắn cũng như có một khả năng chuyên môn trong thẩm định. Nếu không đủ sức làm việc này, chúng ta có thể nêu vấn đề lên và tạm gác lại để chờ những người có đủ khả năng sẽ thực hiện việc khảo đính, tuyệt đối không nên chủ quan dựa vào sự nhận hiểu của riêng mình mà tự ý chỉnh sửa Kinh điển.
Nguyên nhân thứ tư có thể làm khởi sinh nghi ngại là do người dịch kinh không hiểu đúng ý kinh. Chẳng hạn, trong bản Việt dịch Kinh Đại Bát Niết-bàn của cư sĩ Tuệ Khai (Hòa thượng Thích Đỗng Minh chứng nghĩa), quý vị sẽ tìm thấy câu kinh này ở quyển 2:
“Chúng con chưa thoát khỏi năm mươi bảy phiền não trói buộc mà sao đức Như Lai liền muốn buông bỏ, vào với Niết Bàn?”
Câu kinh này khơi dậy sự nghi ngại ở điểm là ta chưa từng nghe trong bất cứ kinh điển, luận giải nào khác có nói đến 57 loại phiền não! Với mối nghi này, chúng tôi đã đối chiếu nguyên bản Hán văn và cả thảy 5 bản dịch khác nhau, bao gồm 3 bản Việt dịch và 2 bản dịch từ Hán ngữ sang Anh ngữ. Bản Hán văn chép là: “我未如是脫五十七煩惱繫縛。云何如來便欲放捨入於涅槃。” (Ngã vị như thị thoát ngũ thập thất phiền não hệ phược, vân hà Như Lai tiện dục phóng xả nhập ư Niết-bàn?)
Như vậy, “ngũ thập thất” được dịch là 57 thì dường như không có gì sai. Trong số các bản dịch thì Hòa thượng Thích Trí Tịnh bỏ hẳn câu này không dịch, còn lại 4 vị kia đều dịch như nhau - hai bản Anh ngữ đều ghi là “fifty-seven illusions”. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn không thể giải tỏa mối nghi này, vì nếu không kể ra được đủ 57 loại phiền não thì câu kinh này có thể xem như hoàn toàn vô nghĩa.
Kiên trì tiếp tục mở rộng tiến trình tra cứu, tìm kiếm thông tin, cuối cùng chúng tôi đọc thấy trong một bản sớ giải cách giải thích như sau: “五十七煩惱者, 三種煩惱也。 (Ngũ thập thất phiền não giả, tam chủng phiền não dã. - Năm mươi bảy phiền não, đó là chỉ cho 3 loại phiền não.) Và một bản khác nói rõ hơn: “五五蓋也。十十 纏也。七七漏也。” (Ngũ, ngũ cái dã; thập, thập triền dã; thất, thất lậu dã. - Năm là chỉ cho năm che chướng; mười là chỉ cho mười triền phược; bảy là chỉ cho bảy lậu hoặc.)
Như vậy, rõ ràng ở đây không thể hiểu là 57 phiền não, mà là 3 nhóm phiền não bao gồm ngũ cái, thập triền và thất lậu. Nhưng kinh văn ngày xưa không sử dụng các dấu ngắt câu, nên thay vì “ngũ, thập, thất phiền não” (các nhóm gồm năm, mười và bảy loại phiền não), các dịch giả tiền bối đều đã nhận hiểu nhầm là “ngũ thập thất phiền não” (57 loại phiền não).
Những trường hợp tinh tế như vậy, chúng ta cũng khó trách người dịch kinh, nên tốt nhất vẫn là nên đọc Kinh văn với một sự thẩm xét sáng suốt để có thể nhận ra ngay những chỗ chưa hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, những ví dụ trên cũng cho thấy quá trình nhận hiểu, giải tỏa những mối nghi khi đọc Kinh điển không hề đơn giản. Chúng ta không thể chỉ dựa vào một vài nguồn cứ liệu hoặc ý nghĩa được diễn giải ở đâu đó để xác định và điều chỉnh ý nghĩa Kinh văn. Quá trình này chẳng những cần được mở rộng tối đa đến các bản văn liên quan, mà còn phải hết sức khách quan, thận trọng, chắt lọc các nguồn thông tin tìm được trước khi đi đến quyết định điều chỉnh một cách hiểu từ ngữ nào đó trong Kinh điển. Nếu tự thấy những nỗ lực của mình chưa thể giải quyết rốt ráo được vấn đề, chúng ta nên tham vấn các vị tôn túc, thiện tri thức và chờ đợi một ai đó có đủ khả năng làm rõ, thay vì nóng vội và tự mình chỉnh sửa theo những hiểu biết, suy diễn chủ quan. Ngoài ra, cũng không nên dựa vào thông tin trong các từ điển, ngay cả các từ điển Phật học, để điều chỉnh Kinh văn. Những người biên soạn từ điển cũng có giới hạn nhất định và sai sót là chuyện không thể tránh khỏi.
b. Khởi nghi vì những ý nghĩa uyên áo
Những nghi vấn loại này thường liên quan nhiều đến “tách trà tri thức” luôn đầy ắp của chúng ta. Thường thì ta rất ít khi ý thức được việc cần phải “làm trống” nó trước khi tiếp nhận những tư tưởng mới từ Kinh điển. Những tri thức thế tục qua một thời gian dài đã chiếm chỗ trong tâm trí ta và khẳng định giá trị nhất định của chúng. Nếu tiếp tục chấp nhận những giá trị ấy thì ta không cần thiết phải thay đổi gì cả. Nhưng vấn đề ở đây là, khi cảm thấy cần thiết phải tìm đến với đạo Phật thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc ta đã nhận ra những bế tắc hay bất ổn nào đó trong cuộc sống. Nói cách khác, nếu không bắt đầu nhận dạng được khổ đau trong đời sống thì chúng ta sẽ chưa cảm thấy cần đến giáo lý của đạo Phật.
Vì thế, khi đến với đạo Phật, đến với Kinh điển, chúng ta cũng đồng thời có nhu cầu chuyển hướng tâm thức để tìm một giải pháp cho những khổ đau trong đời sống. Nếu ta vẫn loay hoay theo đường hướng cũ, thì việc đọc Kinh điển chẳng qua cũng chỉ tích lũy thêm cho ta một khía cạnh tri thức lý luận mới, nhưng đó lại không phải là mục đích của Kinh điển. Những người đọc Kinh điển để suy diễn, lý luận, tranh cãi về phương diện này hay phương diện khác, hầu hết đều rơi vào cách tiếp cận sai lầm này.
Khi xác định mục đích học hỏi Kinh điển là để có được những giải pháp tu tập áp dụng vào đời sống nhằm chuyển hóa khổ đau, mang lại lợi lạc cho chính mình và người khác, chúng ta nhất thiết phải “làm trống” đi tách trà tri thức đầy ắp của mình. Có như vậy, ta mới có thể dễ dàng trực nhận được những giá trị lợi lạc vô song từ Kinh điển.
Cũng trên tinh thần đó, người học Kinh điển sẽ tránh được tình trạng sa đà vào sự nghiên tầm lý luận quá nhiều mà không chú trọng đúng mức vào công phu hành trì, tu tập. Chính trong ý nghĩa này mà kinh Duy-ma-cật có dạy rằng: “隨其發行則得深心。隨其深心。則意調伏。隨其調伏則如說行。”(Tùy kỳ phát hành tắc đắc thâm tâm. Tùy kỳ thâm tâm tắc ý điều phục. Tùy kỳ điều phục tắc như thuyết hành.- Từ chỗ khởi làm ắt được lòng tin sâu vững. Từ lòng tin sâu vững ắt tâm ý được điều phục. Do tâm ý được điều phục ắt có thể làm đúng theo như lời được thuyết dạy.)
Nếu nhận hiểu trình tự tu tập như trong câu kinh này, chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của việc khởi sự tu tập thay vì chỉ loanh quanh trong vòng lý luận.
Dù vậy, việc khởi tâm nghi khi gặp những câu kinh mang ý nghĩa thâm áo cũng là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp đó, chúng ta cần biết phân biệt giữa sự “nghi” vì chưa hiểu được huyền nghĩa là khác với sự “ngờ vực” vì cho rằng những điều trong kinh có khả năng sai lầm hoặc không hợp lý, không thể đặt niềm tin. Tâm nghi đúng đắn sẽ mở ra cho chúng ta một khả năng tiến xa hơn khi giải được mối nghi, trong khi sự ngờ vực lại là một trong những nguyên nhân che chướng, làm trở ngại con đường tu tập của chúng ta.
Vì thế, khi gặp những ý nghĩa uyên áo trong Kinh điển khiến ta không đủ sức nhận hiểu ngay và khởi sinh tâm nghi, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, việc khởi tâm nghi không có gì sai trái, thậm chí còn là yếu tố cần thiết để giúp ta tiến tới trên đường học đạo. Nhưng chỉ nên “nghi” mà không nên “ngờ vực”. Từ vấn đề có nghi vấn, chúng ta nên nỗ lực tìm kiếm thông tin liên quan bằng mọi phương tiện có thể được, để thông qua đó làm rõ hơn vấn đề đang nghi.
Thứ hai, tuy tìm kiếm thông tin nhưng vẫn chỉ nên xem đó như những nguồn tham khảo, không nên vội tin vào chỉ riêng một nguồn thông tin nào đó để vội vã đưa ra những chỉnh sửa đối với Kinh điển.
Thứ ba, nên tham khảo ý kiến nhiều người, các bậc tôn túc, các vị thiện tri thức... để cùng nhau suy xét tìm câu giải đáp. Bản thân người có nghi tình tuy có thể đề xuất câu trả lời nhưng không cố chấp xem đó là giải pháp cuối cùng, mà chỉ nên nêu ra để rộng đường thảo luận.
Với những ý nghĩa đó, khi tiếp cận Kinh điển chúng ta nên luôn ghi nhớ rằng, Giáo pháp của đức Thế Tôn như một kho chứa muôn ngàn loại dược liệu khác nhau. Mỗi chúng ta nên “tùy bệnh chọn thuốc và uống thuốc” để sớm được “khỏi bệnh”, an vui trong đời sống, đừng mất quá nhiều thời gian chỉ để sưu tập cho mình một “kho thuốc đồ sộ” mà không thực sự sử dụng được bất cứ liều thuốc nào. Đó là sự phí phạm thời gian quý báu của kiếp người ngắn ngủi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vì sao tôi khổ


Tôi đọc Đại Tạng Kinh


Đừng đánh mất tình yêu


Rộng mở tâm hồn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.208.236 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...