BÀI MỚI ĐĂNG
Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu một cách khái quát và đơn giản nhất về quy trình vận hành của một website. Những kiến thức căn bản này sẽ tạo điều kiện để chúng ta có thể tiếp tục đi sâu tìm hiểu từng công đoạn vận hành của website một cách chi tiết hơn, và qua đó sẽ quản lý hoạt động của website một cách dễ dàng, hiệu quả hơn.
Nhìn chung, quá trình hình thành và đi vào vận hành của một website bắt buộc phải cần đến những dịch vụ được trình bày sau đây. Mỗi dịch vụ cần có một nhà cung cấp dịch vụ, nhưng một số nhà cung cấp có thể đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ.
Dịch vụ 1: Tên miền (Domain)
Domain hay tên miền là yếu tố trước tiên cần có để hình thành một website. Tên miền có thể so sánh như một bảng số nhà trong thành phố. Nhờ có tên miền, một website được xác định trong không gian Internet, cũng như nhờ có bảng số nhà mà một căn nhà được tìm thấy trong thành phố. Chúng ta đăng ký tên miền và trả phí hằng năm với một nhà cung cấp tên miền như GoDady Namecheap, DreamHost v.v...
Dịch vụ 2: Server và địa chỉ IP
Server và địa chỉ IP thường được cung cấp bởi cùng một nhà cung cấp (provider). Dịch vụ này bao gồm một máy chủ (server) mà trên đó chúng ta sẽ đặt toàn bộ dữ liệu của website, và một địa chỉ IP của máy chủ đó để các máy tính khác có thể nhận dạng và truy cập đến. Địa chỉ IP này sẽ được điền vào trong A record như vừa nói ở phần trên.
Trong thực tế, để tiết kiệm số lượng IP, các nhà cung cấp có thể sử dụng một IP cho nhiều website bằng một kỹ thuật gọi là virtual host (Vhost).
Dịch vụ 3: Name Server
Một tên miền muốn hoạt động được cần phải gắn với một địa chỉ IP (Internet Protocol). Trong thực tế, các máy tính giao tiếp với nhau qua địa chỉ IP, còn tên miền chỉ được đặt ra nhằm giúp người sử dụng dễ nhớ mà thôi.
Có thể so sánh tên miền và IP như một bảng số nhà nhưng được ghi bằng 2 ngôn ngữ: một phần dành cho con người (ví dụ: rongmotamhon.net) và một phần dành cho các thiết bị máy tính (ví dụ: 23.88.59.225).
Chúng ta cần một dịch vụ Name Server để kết nối tên miền với một địa chỉ IP bằng cách tạo một bản ghi địa chỉ (A record hay Address record) có dạng như sau:
Phần "Name" để trống, vì đây là tên miền chính. Có thể ghi thêm vào khi sử dụng cho các tên miền phụ, ví dụ "m" khi muốn dùng cho "m.rongmotamhon.info"
Phần Type (loại record) cho thấy đây là A record.
Phần "Value" là địa chỉ IP muốn kết nối với tên miền.
Nhà cung cấp tên miền thường cung cấp luôn dịch vụ Name server, nhưng chúng ta có thể chọn dùng các dịch vụ Name Server khác, hoặc trả phí, hoặc miễn phí, như FreeDNS, HE DNS ...
Liên kết tất cả các dịch vụ và vận hành website:
Tóm lại, khi đã có đủ các dịch vụ nói trên, một website sẽ có thể bắt đầu vận hành. Chúng ta sẽ xét đến các trình tự theo 2 chiều: xây dựng website và sử dụng website.
A. Xây dựng website:
Sau khi đăng ký tên miền, thuê server, thiết lập A record để kết nối tên miền với địa chỉ IP, webmaster có thể bắt đầu bằng cách upload toàn bộ dữ liệu lên server, thông thường nhất là sử dụng FTP (File Transfer Protocol) để kết nối giữa máy tính với server và upload file.
Nếu là một website động (dynamic), cần có thêm một công đoạn nữa là tạo và kết nối database với server.
Khi đã có đủ dữ liệu, database trên server và IP của server đó đã được kết nối với tên miền, người dùng Internet trên toàn thế giới sẽ có thể truy cập vào những dữ liệu trên server đó và dữ liệu ấy được hiển thị lên trình duyệt của họ thành hình ảnh, thông tin, âm thanhh, video v.v...
B. Sử dụng website:
Từ góc độ của người sử dụng website là một tiến trình ngược lại và sẽ được phân tích chi ly hơn.
Bước 1.
Trước hết, người xem website phải có một trình duyệt được cài đặt trên máy tính (hoặc thiết bị di động), chẳng hạn như IE (Internet Explorer), Chrome, FireFox v.v...
Bước 2.
Người xem nhập tên miền của website muốn xem vào trình duyệt, ví dụ: rongmotamhon.net
Bước 3.
Trình duyệt gửi tên miền này đến một DNS server để nhờ chuyển dịch nó sang dạng IP. Thông thường khi ta thuê một dịch vụ Internet (chẳng hạn như VNPT, Viettel...) thì chính nhà cung cấp dịch vụ này sẽ cung cấp luôn cả DNS server. Tuy nhiên, ta có thể chọn dùng các DNS server khác, hết thảy miễn phí, chẳng như Google, Norton... Điều này sẽ cho chúng ta một số lợi ích sẽ được trình bày ở phần sau.
Bước 4.
DNS server sẽ kết nối với Domain Name System (được khai báo ở nơi ta đăng ký tên miền, ví dụ như DreamHost) để truy vấn xem tên miền đó hiện đang dùng Name Server nào (ví dụ như DreamHost sẽ chỉ đến HE DNS), sau đó mới tìm đến Name Server (ví dụ như HE DNS) để truy xuất A record xem tên miền đó kết nối với địa chỉ IP nào. Sau đó gửi địa chỉ IP này về cho trình duyệt.
Bước 5.
Sau khi trình duyệt nhận được địa chỉ IP của tên miền, nó truy cập đến server có IP đó và sẽ giao tiếp với web server (chẳng hạn như Apache, Nginx...) được cài đặt trên server đó.
Bước 6. Trong trường hợp các website tĩnh (static), web server nhận yêu cầu từ trình duyệt, phân tích yêu cầu và truy xuất dữ liệu tương ứng trên server để trả về cho trình duyệt. Trong trường hợp các website động (dynamic), web server cần xử lý các mã lệnh, kết nối với database server, sau đó mới tổng hợp các kết quả và trả về cho trình duyệt.
Hình dưới đây mô tả quy trình giao tiếp khác nhau giữa web tĩnh (static) và web động (dynamic)
Bước 7. Trình duyệt đọc kết quả nhận được và hiển thị lên màn hình hoặc phát âm thanh...
Khi có bất kỳ công đoạn nào trong 6 bước đầu bị gián đoạn thì bước thứ 7 không thực hiện được, nghĩa là người dùng sẽ không xem được website.
Một cách tổng quát, khi bị gián đoạn ở bước 1 đến bước 3, giải pháp khắc phục thuộc về người xem website.
Khi bị gián đoạn từ bước 4 đến bước 6, giải pháp khắc phục thuộc về webmaster, tức là người xây dựng và quản trị web.
Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu các giải pháp khắc phục khi một website không truy cập được.
HỌC HỎI TRI THỨC - CHIA SẺ KINH NGHIỆM - TƯ VẤN GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN
CÂU LẠC BỘ PHÁT TRIỂN TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO
Quý vị có thể chia sẻ tri thức, kinh nghiệm riêng bằng cách góp ý bổ sung vào bài viết.
Xin gửi về địa chỉ: admin@rongmotamhon.net