BÀI MỚI ĐĂNG
Những lúc website không truy cập được (down time) rất thường là cơn ác mộng của những người phụ trách website (webmaster). Nguyên nhân gây ra sự cố này thường rất phức tạp và không phải bao giờ cũng có thể xác định được ngay. Tuy nhiên, với một số kinh nghiệm thường gặp, chúng ta có thể sử dụng phương pháp loại trừ từng nguyên nhân dễ xác định nhất để sau đó có thể nhận biết dễ dàng hơn nguyên nhân thực sự và tìm ra giải pháp khắc phục. Chúng ta cần trang bị kiến thức về một số giải pháp có thể giúp người quản trị website tích cực khắc phục sự cố cho website của mình. Tuy nhiên, trước hết trong bài này chúng ta sẽ học cách để xác định xem website có thực sự gặp sự cố hay không.
Xác định xem có phải website thực sự bị down hay không
Điều này nghe có vẻ buồn cười, nhưng lại là điều nên làm trước nhất. Bởi có nhiều khi bạn hoàn toàn không truy cập được vào website của mình, nhưng điều đó lại không đồng nghĩa với việc website bị down. Thứ nhất, có thể do đường truyền internet bạn đang sử dụng có vấn đề. Hãy loại trừ khả năng này ngay bằng cách truy cập một số website khác, như Google.com chẳng hạn. Nếu các trang khác truy cập được tốt, bạn có thể chuyển sang bước khảo sát tiếp theo.
Nguyên nhân thứ hai có thể xét đến là website của bạn chỉ down cá biệt ở vùng bạn đang cư trú mà không phải trên toàn thế giới. Vì những lý do nào đó, có thể chính bạn không truy cập được vào website, nhưng độc giả ở những vùng miền khác trên thế giới thì vẫn xem được bình thường. Để loại trừ dần khả năng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp như sau:
1. Sử dụng command line trong Windows
Từ desktop của máy tính, nhấn phím Win (có hình cửa sổ) và chữ R cùng lúc để gọi lệnh Run. Trong hộp thoại Run, gõ vào:
cmd để mở cửa sổ Command Line. Trong cửa sổ command line, gõ vào lệnh
ping kèm theo địa chỉ website. Mục đích của thao tác này là kiểm tra trực tiếp kết nối từ máy tính bạn đang dùng đến server của website. Kết nối thành công sẽ có dạng như sau:
Nếu kết nối thành công có nghĩa là webserver của bạn vẫn đang hoạt động tốt. Ngược lại, chúng ta sẽ tiếp tục đi tìm nguyên nhân khác.
2. Sử dụng công cụ ping trực tuyến:
Truy cập website này:
https://cloudmonitor.ca.com/en/checkit.php
Nhập tên website và bấm check, kết quả sẽ tương tự như sau:
Như hiển thị trong hình, công cụ này cho kết quả truy cập website của chúng ta từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Nếu website thực sự down, ta sẽ nhìn thấy thông báo lỗi. Nếu các dòng Status (trạng thái) đều được báo là OK thì có nghĩa là website vẫn đang hoạt động tốt trên thế giới, cho dù chính ta không truy cập vào được.
3. Sử dụng Google Analytics
Hầu hết các webmaster ngày nay đều có sử dụng công cụ thống kê lượng truy cập của Google. Chương trình này giúp ích rất nhiều trong việc quản trị và phát triển website. Nếu quý vị nào chưa sử dụng thì có lẽ nên đăng ký ngay một tài khoản Google Analytics miễn phí (sẵn có cho mọi email của Gmail). Chúng tôi sẽ có một bài hướng dẫn đăng ký và sử dụng, khai thác dịch vụ miễn phí này.
Ngay khi phát hiện website không truy cập được, hãy đăng nhập Google Analytics và chọn cửa sổ xem Real-Time -> Overview. Nếu website vẫn đang hoạt động tốt, ta sẽ nhìn thấy số khách đang truy cập trên toàn thế giới. Nếu không, ta sẽ nhìn thấy thông báo lỗi.
4. Sử dụng dịch vụ trực tuyến Uptime Robot
Quý vị có thể mở một tài khoản miễn phí của dịch vụ Uptimerobot để theo dõi website của mình. Dịch vụ này liên tục kiểm tra trạng thái truy cập của website được đăng ký (cứ 5 phút một lần) và sẽ gửi email thông báo cho chúng ta ngay khi phát hiện website bị down trên thế giới.
Đăng ký dịch vụ này tại đây:
https://uptimerobot.com
Quý vị sẽ nhìn thấy:
Bấm vào nút Sign up (Free) bên góc phải, quý vị sẽ thấy:
Điền các thông tin cần thiết và bấm nút Sign-up, quý vị sẽ được đưa đến màn hình đăng nhập.
Ngay sau khi đăng nhập, chỉ cần ghi thông tin website của mình vào Dashboard là xong. Mỗi khi website có sự cố, quý vị sẽ lập tức nhận được thông báo của dịch vụ này qua email. Nhờ đó, chúng ta sẽ có biện pháp xử lý kịp thời không để website bị down quá lâu.
Với các bước đơn giản như trên, chúng ta có thể nhanh chóng xác định website của mình có thực sự đang gặp sự cố hay không để tiếp tục đi tìm giải pháp khắc phục. Nếu việc trở ngại truy cập chỉ là cá biệt từ máy tính của riêng ta thì không có vấn đề gì cần phải tác động đối với web server cả.
Trong những bài tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu các giải pháp cần áp dụng khi website thực sự bị down.
HỌC HỎI TRI THỨC - CHIA SẺ KINH NGHIỆM - TƯ VẤN GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN
CÂU LẠC BỘ PHÁT TRIỂN TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO
Quý vị có thể chia sẻ tri thức, kinh nghiệm riêng bằng cách góp ý bổ sung vào bài viết.
Xin gửi về địa chỉ: admin@rongmotamhon.net