Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở »» CHẶNG ĐƯỜNG CUỐI »»

Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở
»» CHẶNG ĐƯỜNG CUỐI

Donate

(Lượt xem: 2.765)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở - CHẶNG ĐƯỜNG CUỐI

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Bây giờ là 10 giờ sáng ngày 17 tháng 3 năm 1994, tôi đang ngồi trên chuyến máy bay KLM 802, trên đoạn đường hướng về Amsterdam sau khi đã dùng bữa sáng. Tôi sẽ viết tiếp đoạn cuối để hoàn thành quyển sách nhỏ bé này và sẽ gởi đến quý độc giả trong vài tháng nữa.

Chiều ngày 14 tháng 3 năm 1994, Đại Đức Seelawansa và một thầy khác cùng với tôi và 2 em bé đi dạo quanh đồng ruộng núi đồi. Đại Đức bảo là suốt 20 năm ở tu viện này, trước khi đi Áo, Đại Đức chưa bao giờ đi dạo và cũng chưa đi ra khỏi chùa xa như ngày hôm ấy. Theo tôi nghĩ, người Tích Lan chưa có nhu cầu đi dạo. Hoặc giả đời sống nông thôn của họ có đầy đủ không khí trong lành và thì giờ rảnh rỗi, chỉ có ngày mùa mới bận bịu, nên họ chẳng cần đi dạo chăng?

Viết đến đây tôi lại nhớ, đúng 17 năm về trước, khi tôi từ Nhật đến xứ Đức này, mới chiều thứ sáu, anh Trâm bạn tôi, nay là bác sĩ, bảo tôi rằng đã cuối tuần. Tôi trố mắt nhìn Trâm với vẻ ngạc nhiên và hỏi: “Cuối tuần gì mà sớm thế?” Ở Nhật bao nhiêu năm, cuối tuần của tôi cũng chỉ có ngày Chủ nhật, mà ngày Chủ nhật lại bận bịu với công việc chùa chiền, cũng xem như chẳng có cuối tuần nào.

Một hôm nọ, Trâm rủ tôi đi dạo bờ hồ, tôi cũng ngạc nhiên hỏi đi dạo là thế nào? Ở Nhật, một xứ năng động nhất thế giới, nhưng có bao giờ tôi nghe đến danh từ ấy đâu? Quả thật, khi người ta nhàn nhã quá hay bận rộn quá, đôi khi thường quên đi thì giờ. Ở Nhật sau này có một bệnh gọi là bệnh làm việc quá nhiều. Trong khi đó, những dân tộc ở xứ nóng lại sinh bệnh lười, chẳng muốn làm gì cả.

Chúng tôi leo lên một ngọn đồi cao. Nơi đó có một am thờ Phật, có một vị Sư già đang chăm chỉ với kệ kinh. Gặp chúng tôi, vị Sư mừng lắm, chào chào hỏi hỏi, làm như suốt cả năm không có ai tới lui nên thiếu người tâm sự. Người cũng bảo rằng:

- Tuổi tôi đã quá thất tuần nhưng không có đệ tử, nên muốn giao chùa lại cho người khác trông giữ.

Tôi hỏi Đại Đức Seelawansa, việc này sao dễ dãi thế? Đại Đức trả lời:

- Ở Tích Lan, việc vị Tăng làm chủ các ngôi chùa và các động đá không có gì khó khăn cả. Đó là luật của chính phủ đã định. Chỉ có một điều cần lưu ý là tất cả những gì hiện hữu như chùa viện và các tảng đá thiên nhiên không được dời đổi nếu không có lệnh của chính phủ. Nên đã là tăng sĩ thì ai cũng ở được.

Ở đây các vị tăng sĩ và các chú tiểu ở chùa cũng nhận được một số tiền tượng trưng từ chính phủ để mua sách vở và dùng để đi lại.

Mỗi nước có một phong tục khác nhau. Ví dụ tại Thái Lan, người nữ không được phép trao bất cứ một vật gì tận tay một vị Thầy, mà phải đặt vật ấy bên trong một bì thư, hoặc trên một cái mâm hay cái đĩa. Nhiều vị nữ cư sĩ hay nhường cho nam cư sĩ lo việc trao gởi ấy. Phật tử Thái Lan khi hầu chuyện với các Sư thì ngồi, còn ở Tích Lan thì phải đứng.

Khi đi xe, ghế ngồi của các vị Sư Thái Lan tất cả đều ở phía sau xe bus, còn ở Tích Lan thì nằm phía trước. Nhưng tất cả các vị Sư Tích Lan đều phải trả tiền, còn các vị Sư Thái Lan thì khỏi. Các vị Sư Tích Lan có thể nhận tiền hoặc đồ dùng trực tiếp từ tay người nữ và cũng không giữ khuôn phép quá đáng như tại Thái Lan.

Ở Tích Lan có nuôi những chú tiểu rất nhỏ từ 7, 8 tuổi, nên quý Thầy rất cực nhọc. Sáng nào cũng đánh thức 5, 3 lần nhưng các chú chưa thức dậy hẳn. Có nhiều bậc cha mẹ muốn con mình đi tu nên đã gởi con vào chùa sớm, nhờ thế mới có cơ hội để học hỏi tiếng Pali và Phạn ngữ. Nếu về sau người con ấy tu không được nữa, trở về đời thường cũng chẳng hại gì. Nếu ai thuận duyên thì tiếp tục con đường tu tập. Ở đây việc bỏ dỡ đường tu trở lại đời thường là chuyện rất thường tình, chẳng ai thắc mắc cả.

Quả thật mỗi nước lại có một phong tục tập quán riêng và chính cái lâu đời nó trở thành phong tục ấy đã bó buộc người ta ở nhiều phương diện.

Chúng tôi lên tận trên đồi cao, nhìn phong cảnh chung quanh thấy đâu đâu cũng một màu xanh biêng biếc, toàn những ngọn dừa và mít, cau... Trong khi Âu Châu toàn một màu trắng của tuyết và rất trân quý màu xanh, còn ở đây thì màu xanh dư thừa và các tia nắng chói chang đã làm cho tôi gần như lúc nào cũng bị say nắng.

Ngắm nhìn trời rộng mây cao, phong cảnh hữu tình, tôi đã quên đi rất nhiều về những gì đã, đang và sẽ xảy ra nơi Đức quốc. Tôi và quý Thầy ngồi đó thật lâu để mỗi người có thời gian nhìn về mỗi hướng. Trên đời này có nhiều điều khó lường được. Đại Đức Seelawansa kể cho tôi nghe rằng cùng tu với Đại Đức cách đây 30 năm có 3 người tất cả:

- Một người tu 20 năm, rồi phải lòng một tín nữ nên đã trả áo lại cho nhà chùa để về gia đình báo ân báo hiếu.

- Một vị khác vẫn giữ áo nhà tu cho đến ngày nay và đang ở chùa với Sư phụ của Đại Đức, nhưng vì ít dạn dĩ và xốc vác nên vẫn sống yên chốn quê đồng cỏ nội.

- Còn Đại Đức Seelawansa tiến thân được như ngày nay cũng từ quê hương đó.

Quả thật mỗi người có một nghiệp lực khác nhau. Sau khi xong Trung Học, Đại Đức lên học Đại Học. Sau khi xong Đại Học lại có duyên sang Áo Quốc làm luận án Tiến Sĩ và bây giờ là Giáo sư Đại Học. Mấy ngày tôi ở đó, Đại Học quốc gia tại Colombo cũng có đến mời Đại Đức dạy, nhưng Đại Đức rất miễn cưỡng chưa chịu nhận lời.

Tôi có hỏi tại sao? Đại Đức bảo rằng:

- Đại Học là chốn giáo dục tự do. Nếu dạy cho chính phủ phải theo những gì của chính phủ Tích Lan đặt ra, nên Đại Đức không thích.

Quả thực:

“Bần cư náo thị vô nhơn vấn,
Phú tại sơn lâm hữu khách tầm.”

Nghĩa là người nghèo dầu sống nơi phố chợ ồn ào náo nhiệt vẫn không ai hỏi thăm đến. Nhưng kẻ giàu có thì ở trong chốn sơn lâm cùng cốc cũng có người tìm đến. Nhưng trường hợp của Đại Đức ở đây phải nói là:

“Khó khăn thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ trạng tám nghìn nhân duyên.”

Đúng như lời Thiền sư Huyền Quang đời Trần, sau khi đỗ Trạng nguyên và rồi đi tu, đã cảm thán về thế thái nhân tình như vậy.

Sáng ngày 15 tháng 3 năm 1994, chúng tôi đi Colombo để làm một số việc như đi thăm Đại Học Phật Giáo, thăm người bạn của Đại Đức đang làm trong Bộ Tài Chánh, thăm một người bạn tu từ Toronto về.

Riêng tôi đến thăm một Thầy người Tích Lan và nay mai Thầy ấy sẽ được bảo lãnh sang Đức để tu học. Sau đó chúng tôi được một tờ báo Anh ngữ tại Colombo mời phỏng vấn về chuyến đi này.

Trên đường về, chúng tôi ghé siêu thị mua một số vật dụng cần thiết để giúp cho một trại mồ côi và một trại dưỡng lão.

Chúng tôi đã mua “ra” (drap) trải giường, “xà rông” cho những người lớn tuổi, xà phòng, dao cạo râu, khăn mặt, bột sữa và các đồ gia dụng cần thiết như chổi quét nhà cũng như các xô và thau để giặt giũ quần áo. Tất cả số tiền giúp đỡ này đều do gia đình của hương linh Phật Tử Lâm Đạo Tứ, Pháp danh Thiện Niệm tại Speyer - Đức Quốc - gởi tôi làm phước và mong hồi hướng cho hương linh của Tứ được sớm cao đăng Phật quốc.

Chiều tối chúng tôi mới đến được Cô Nhi Viện. Nhìn các em mà nhớ đến những em bất hạnh khác ở quê hương mình. Tuy chúng ở đây có người săn sóc, nhưng thiết tưởng đâu có bằng tình yêu ruột thịt của mẹ cha? Mẹ cha sau khi sinh ra các cháu, vì lý do này hay lý do khác, nên phải chấp nhận để các cháu thành những người không có cội nguồn. May mà nhờ Hội Phật Giáo và các cơ quan từ thiện ở đây đỡ đầu, nếu không các cháu sẽ trở thành những đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ để xin ăn và sống nhờ sự bố thí của mọi người.

Trưa ngày 16 tháng 3 năm 1994, có một gia đình Phật tử gần tu viện mời đến nhà thọ trai. Hòa thượng Viện Trưởng cùng với chư Tăng đã đi và dĩ nhiên tôi là một người khách quý cũng được mời.

Đây là cách thức một buổi thọ trai ở xứ này.

Gia đình Phật Tử túc trực sẵn trước ngõ nhà. Nơi ấy có để một chậu nước và một cái khăn. Có một thanh niên múc nước rửa chân cho quý Thầy, một vị lớn tuổi lau chân và một vị khác hướng dẫn quý Thầy vào theo một đường thảm đã trải sẵn.

Đây là một tục lệ từ xưa, khi Đức Phật còn tại thế Ngài và Tăng chúng vẫn thường dùng. Có lần Đức Phật hỏi La-hầu-la, người đệ tử cũng là người con yêu quý của Ngài rằng:

- Nước trong chậu sạch hay nước đã rửa chân sạch?

La-hầu-la trả lời:

- Bạch Đức Thế Tôn! Dĩ nhiên là nước trong chậu sạch hơn nước đã rửa chân rồi.

Đức Phật bảo tiếp:

- Cũng như thế đó, người lười biếng, không chăm tu thiền định giống như nước dơ bẩn kia. Hãy đổ nó đi, đừng giữ lại nữa.

Đó là lời nhắc nhở của Đức Phật đã làm cho La-hầu-la tỉnh ngộ và cố gắng tu hành.

Đức Phật ngày xưa, Ngài hay dùng ba cách để độ đệ tử. Đó là thân giáo, khẩu giáo và ý giáo.

Những ai đáng dùng thân để độ, thì Ngài hiện ra nội thân để độ họ.

Những ai đáng dùng lời để độ, thì Ngài thường hay thuyết pháp để đưa họ về nẻo chánh.

Những ai đáng dùng ý để độ, thì Đức Phật đã tùy thuận theo hoàn cảnh của từng người mà dùng ý để độ.

Vì vậy mà Đức Phật được tôn xưng là Pháp vương, nghĩa là Vua giảng pháp.

Khi vào nhà, tất cả các ghế ngồi đã được trải “ra” trắng và đón mời chư Tăng ngồi vào đó, đoạn gia chủ ra thi lễ sát đất trước các vị Sư. Sau một lúc nghỉ ngơi, vị Hòa Thượng giảng một bài pháp, mọi người quỳ chắp tay cung kính nghe.

Sau khi nghe pháp, đến lễ dâng ngọ thực lên chư Tăng. Đầu tiên là dâng một ít cơm và đồ ăn tượng trưng. Sau đó chư Tăng tụng kinh độ năm mười phút. Lúc bấy giờ, người trong gia đình Phật tử ấy lần lượt đi đặt vào bình bát cho các vị Sư những phần thức ăn còn lại. Họ đi lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, trong khi các vị Sư vẫn dùng cơm. Nếu món nào quý Sư còn muốn dùng nữa thì để họ tự nhiên đặt vào bát, món nào không muốn dùng thêm nữa thì lấy tay đậy bát lại. Tất cả đều dùng bằng tay và sau cũng như trước khi xong bữa cơm đều có một bát nước để rửa tay.

Sau phần cơm là bánh trái, trà nước. Mỗi mỗi đều được cung kính làm trong chánh niệm. Cuối cùng là mời trầu. Ở đây mọi lễ nghi đều dùng trầu, có cả việc dâng cau trầu lên cúng Phật.

Sau phần dùng ngọ trai, Đại Đức Seelawansa nói một thời pháp ngắn. Sau đó tôi cũng nói một thời pháp bằng tiếng Đức, Đại Đức dịch sang tiếng Shingahalese. Nội dung của bài pháp, tôi đã nói về công đức của việc bố thí và nhiệm vụ của người Phật Tử tại gia cũng như của người xuất gia.

Sau đó gia đình dâng quà lên chư Tăng và ra về. Buổi lễ ngọ trai chấm dứt. Gia chủ ra tận ngõ để đảnh lễ chư Tăng, đoạn đưa lên xe để về tu viện.

Đó là một lần cúng dường như bao nhiêu lần cúng dường khác mà Phật tử tại gia thường cung thỉnh chư Tăng đến nhà để dùng ngọ.

Trường hợp Việt Nam mình cũng thế, nhưng có một vài nghi lễ khác hơn. Ở đây, nghi lễ hầu như được làm giống khi Phật còn tại thế, ít sửa đổi gì.

Chúng tôi về lại chùa nghỉ trưa và buổi chiều đến trại dưỡng lão gần đó để phát quà và ủy lạo. Nhìn những người già không có thân nhân, hoặc vì một lý do nào đó phải vào đây để ở, thiếu thốn vô cùng. Mặc dầu ở đây cũng có người giúp đỡ họ, nhưng trông hờ hững quá. Khi nhìn những người già ngoài 80 tuổi, tôi nghĩ về quá khứ của họ trước đây 50 năm, khi thực dân Anh còn cai trị nơi xứ hải đảo này. Chắc rằng họ cũng khổ lắm, nhưng lúc ấy họ còn trai trẻ, ở lứa tuổi 30, tràn đầy nhựa sống. Chắc họ đã chẳng nghĩ rằng họ có ngày hôm nay. Ngày nay, mặc dầu họ được sống trong một xã hội tự do thoải mái hơn, nhưng tuổi tác đã làm cho họ khổ sở hơn là thời còn trai trẻ.

Mang quà đến Viện dưỡng lão

Thăm hỏi và trao quà cho từng cụ già

Những cụ già ở Viện dưỡng lão

Tay run run cầm những món quà chúng tôi trao cho, các cụ cảm động sâu xa, thể hiện ra cử chỉ và nét mặt.

Trên đường về, tôi nói với Đại Đức Seelawansa:

- Rồi đây chúng ta cũng phải già như vậy, nhưng may mắn hơn là chúng ta có học hỏi cũng như thực hành giáo lý của Đạo Phật nên hy vọng sẽ tốt hơn. Những người này, khoảng 40 hay 50 năm trước có thể cũng là những người trẻ đẹp, ngang dọc tung hoành, chọc trời khuấy nước, nhưng thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, giờ đây cái chết đã đến gần kề. Không biết họ có còn tiếc nuối quá khứ nữa chăng?

Thỉnh thoảng chúng tôi nghe được một vài cụ lớn tuổi đang hát. Có lẽ là những điệu dân ca, nhưng không nhịp nhàng và hình như cụ đã lẩn thẩn. Mấy cụ ngồi bên cạnh cùng cười và cụ cũng cười lớn lên. Những người bên cạnh hỏi cụ đã hát gì thì cụ bảo hát để quên đời.

Chúng tôi đến từng giường để thăm từng cụ ông. Có người đi đứng được, dầu đã ngoài 80 tuổi. Nhưng có người bị bại liệt nên phải đến tận nơi để han hỏi tận tình. Món quà cũng như tấm lòng đều đáng quý giá. Điều đó nói lên tinh thần nhập thế của Đạo Phật trong cuộc sống này.

Chúng tôi trở về chùa để chuẩn bị một buổi lễ khác vào tối 16 tháng 3 năm 1994. Đó là lễ tiễn chân tôi về lại Đức quốc.

Tôi không ngờ lại có được lễ tiễn biệt này và tôi nghĩ đây có lẽ cũng là một thông lệ để tiễn chân kẻ đi xa, cần được bình an vô sự, đi đến nơi về đến chốn.

Đầu tiên, Hòa thượng Viện Trưởng và chư Tăng cũng như một số Phật tử đến Tu viện Piriven, nơi chúng tôi ở mấy ngày nay, để cùng làm lễ tiễn đưa vào lúc 19 giờ tối. Hòa thượng đã cầu Phật cho tôi đi được bình an và Tăng chúng cũng đồng lòng cầu nguyện với mọi người như thế.

Trước phần cầu nguyện là lễ đốt đèn cúng Phật. Đèn được đốt bằng dầu dừa và tim đèn bằng bông gòn nên cháy rất đượm. Mỗi gia đình mang đến một giỏ hoa đủ loại, đặc biệt là hoa sứ màu trắng, mà miền Bắc thường gọi là hoa đại. Hoa lài, hoa thiên lý cũng được cúng Phật. Người phía sau cùng mang từng đĩa bông trao qua một người khác kế bên và cứ thế chuyền mãi đến người cuối cùng là Hòa Thượng trụ trì, dâng lên cúng Phật.

Đồng lúa được mùa

Sau lễ, Hòa thượng nói một thời pháp rất dài và được Đại Đức Seelawansa dịch ra từng đoạn một. Đại Đức dịch rất hay, ngắn gọn nên rất dễ hiểu và nội dung rất sâu sắc.

Đại ý Hòa thượng đã nói về sự vui mừng của Ngài cũng như Tăng chúng được đón tiếp một vị khách quý đến từ Đức, nhưng vị đó không đòi hỏi gì nhiều như bao Phái đoàn Phật giáo khác đã đến đây, mà hoan hỷ ở trong làng quê hẻo lánh vui với cảnh nghèo nàn của Tu Viện.

Đoạn Ngài giới thiệu về lịch sử truyền thừa của Phật giáo Tích Lan, đến từ thế kỷ 3 trước Tây lịch, đã có hơn 2.300 năm lịch sử và trải qua nhiều triều đại huy hoàng nên mới xây dựng được những nơi như Polonnaruwa, Anuradhapura, Kandy... Nhưng trải qua nhiều cuộc bể dâu, xứ Tích Lan đã bị người Anh chiếm làm thuộc địa hơn 150 năm và gần 50 năm nay Phật giáo Tích Lan được sống trong tự do để truyền đạo và phục hồi Phật Giáo làm quốc giáo như hiện nay, nhưng cũng còn nhiều trở ngại lắm. Vì lẽ khi trăm hoa đua nở, các luồng tư tưởng cứ tùy tiện phát triển, nên so với Âu Châu thì sự trật tự và nề nếp không bằng.

Ngài đã nói rất nhiều về Đại Đức Seelawansa và tôi, khen ngợi có, tán dương có và lưu ý trên đường hành đạo cũng có. Ngài nói:

- Có nhiều người có khả năng hành đạo, nhưng ngoại ngữ không thông. Ngược lại, những người thông ngoại ngữ lại không rành Phật Pháp. Ở đây các vị đều có đủ 2 yếu tố ấy, nên tôi mong rằng 2 vị sẽ mang Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa đến với người Âu Châu dễ dàng hơn.

Ngài có bảo rằng, Ngài đã ở Áo được 3 tháng, tuy không hiểu ngôn ngữ nhiều, nhưng nghe người Áo gọi điện thoại đến thăm hỏi và tìm hiểu Phật Pháp nơi Đại Đức Seelawansa cũng như đến gặp gỡ hằng ngày, quả là điều lợi lạc biết bao, nếu mình giúp đỡ họ trực tiếp được về vấn đề tinh thần. Ngài nói Ngài chưa đi Mỹ, nhưng Ngài tin chắc chắn rằng cũng giống như thế. Đoạn Ngài nói:

- Tôi có nghe ở Hannover có chùa lớn là do sự đóng góp của Phật tử đó đây, dưới sự lãnh đạo của Thượng Tọa và nơi đó đã quy tụ được nhiều người đến học hỏi tu niệm, quả là điều đáng quý biết bao.

Ngài nói về sự hiện hữu của Phật giáo Đại Thừa tại các nước Á Châu nhiều hơn Tiểu thừa và Ngài cũng tán dương tôi cũng như Đại Đức Seelawansa đã thể hiện tinh thần đại đồng tôn giáo đó mà đi giúp đỡ các trẻ em mồ côi cũng như người già cả, quả là điều quý giá vô cùng. Ngài cũng nói, mặc dầu Phật giáo Đại Thừa được thành lập sau, nhưng đã phát triển mạnh, nhờ có con đường phóng khoáng đó và hy vọng những người Âu Mỹ dễ chấp nhận con đường này hơn. Ngài bảo rằng, trong tương lai cũng nên trao đổi tăng sĩ các nước với nhau để tất cả đều hiểu rõ tinh thần Đại thừa và Tiểu thừa, để cùng học hỏi lẫn nhau.

Lời cuối, Ngài nguyện cầu cho tôi trở lại Đức quốc được bình an và hy vọng nhưng không chắc rằng còn gặp lại Ngài được nữa.

Sau khi Ngài nói bài pháp như dặn dò, như khuyên bảo, như chỉ dẫn, như tán dương, tôi cảm tạ thật nhiều về tấm thạnh tình ấy và sau đó tôi dùng tiếng Đức để trình bày cảm nghĩ của tôi sau 15 ngày ở tại xứ này:

“Đầu tiên con xin cảm ơn Ngài cũng như Đại chúng, nhất là Đại Đức Seelawansa và sau đó là ông trưởng làng cũng như dân làng này đã đón tiếp, giúp đỡ và tạo cho con cơ hội rất tốt trong 15 ngày qua. Ơn ấy con không bao giờ quên được. Vào 5 giờ 30 phút sáng ngày mai, con phải lên đường để trở về Đức quốc, nên con xin tạm có mấy lời để cảm tạ Ngài cũng như Đại chúng và những người hiện diện nơi đây.

“Khi con đến đây, con nghĩ như một người con trở lại gia đình sau bao nhiêu năm xa cách, nhưng đã không biết được mẹ cha, huynh đệ là ai. Và khi đến đây cũng như bây giờ, sau 15 ngày sống tại đây, con đã thấy được đây là một đại gia đình có đầy đủ những yếu tố đó. Con đã đến đây với tâm trạng rất bình thường, nên cũng chẳng muốn khoa trương một điều gì cả. Vì đời sống của người tu là một cuộc sống đơn giản mà con đã học được từ lâu và bây giờ con lại có cơ hội để thực hiện.

“Con được biết là quê hương của Ngài đã bị trên 150 năm đô hộ của người Anh. Quê hương con cũng vậy, 1.000 năm bị lệ thuộc người Tàu, 80 năm bị người Pháp chiếm làm thuộc địa. Nhưng quê hương Ngài may mắn có những người ngoại quốc như Đại Tá Olcott, người Mỹ, đã giúp đỡ Tích Lan khôi phục lại nền Phật giáo nước nhà. Còn chúng con thì không có được duyên may đó.

“Con vẫn thường hay nói với những người Áo mới gặp ở đây rằng:

- Tuy Tích Lan nghèo về vật chất, nhưng đời sống tinh thần thì rất cao. Ngược lại Âu Châu thì quá dư thừa vật chất, trong khi đó đời sống tinh thần rất thiếu thốn. Họ cần học hỏi và trao đổi với Tích Lan. Những người Áo đã hoàn toàn đồng ý với con điều đó và họ đã cảm nhận đó là một sự thực khó phủ nhận.

“Khi con hướng dẫn cho người Đức, con vẫn thường nói với họ rằng:

- Quý vị đừng lo ngại gì cả. Vì đạo Phật là đạo thể hiện tình thương, chối từ bạo lực, ai thích thì theo, không thích thì xin tự tiện không đến chùa. Không có một điều kiện nào buộc ràng cả. Giáo lý của Đức Phật giống như một bông hoa thơm ngát, quý vị có thể nhìn ngắm hoa ấy, quý vị cũng có thể phê bình đẹp xấu và ngay cả việc quý vị cũng có thể đem hoa ấy về trồng vào trong vườn hoa tâm linh của quý vị.

“Con cũng hy vọng rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của Phật Giáo tại Âu Mỹ. Phật Giáo như một cây đại thụ, gốc rễ nằm tại Á Châu và chắc chắn hoa trái sẽ đâm chồi nảy lộc tại Âu Mỹ. Mặc dầu Phật giáo không đi truyền đạo, nhưng đạo Phật như một bầu không khí ngày càng lan rộng.

“Bởi vậy con mong rằng với ánh sáng trí tuệ của Đức Phật, với lòng từ bi của chư Tăng, hãy cầu nguyện cho chúng con cũng như Đại Đức Seelawansa có đầy đủ nghị lực để mang đạo giải thoát đến với mọi loài và mọi người trên các quốc độ mà chúng con đang cũng như sẽ đi qua.

“Gần 50 năm nay, Ngài Đại Đức Narada, người Tích Lan, nay đã viên tịch, đã có công lớn mang Phật giáo Nam Tông truyền đến Việt Nam của chúng con. Đến năm 1963, sau thời kỳ tranh đấu dưới thời Ngô Đình Diệm, chúng con đã tạo thành một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Thống Nhất ở đây bao hàm nhiều ý nghĩa, trong đó có việc thống nhất các tông phái Phật giáo, đặc biệt là giữa Tiểu thừa và Đại thừa.

“Quê hương chúng con may mắn có được cả 2 luồng tư tưởng ấy. Con cũng đã gởi 2 đệ tử sang học tại Ấn Độ. Hy vọng tương lai sẽ gởi thêm một vài đệ tử đến Tích Lan và theo chiều ngược lại, chúng con cũng muốn đón mời những vị tăng sĩ Tích Lan đến Đức hoặc Áo để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm v.v... Điều đó chúng con rất vô cùng hoan hỷ.

“Một lần nữa, chúng con xin cảm tạ Ngài và xin lạy 3 lạy để đền ơn Ngài cũng như Đại chúng đã cưu mang con trong 15 ngày qua tại chốn Tu Viện này.”

Sau khi tôi đảnh lễ Hòa Thượng, ông trưởng làng là một Phật Tử, đứng lên có vài lời trước khi giã biệt. Ông ta rất bùi ngùi luyến tiếc về sự trở lại Đức quốc của tôi. Ông hy vọng rằng trong thời gian ngắn sẽ gặp lại tôi nữa.

Ông ta cũng xin lỗi về những gì không hài lòng nếu có, do vô tình hoặc do phong tục tập quán hay sơ sót gây ra.

Tôi cười đáp lễ và ra dấu là không có một việc gì đáng lưu tâm cả.

Sau đó tôi nhận một số tặng vật của Hòa thượng Viện Trưởng và của một số Phật tử trao tặng. Toàn là những món đồ tiêu biểu của Tích Lan. Rất cảm động và ngậm ngùi. Chư Tăng giải tán, còn tôi ra chào hỏi những người Phật tử hiện diện để họ thăm hỏi và đảnh lễ tạ từ.

Buổi lễ đã qua làm tôi nhớ lại ngày xuất gia trong mấy mươi năm trước. Trước khi tôi ra đi, gia đình tôi cũng làm một lễ cầu an như thế. Nhưng khi lên đường đi du học năm 1972, tôi không có được một buổi lễ như tối hôm nay, mà chỉ có một bữa tiệc chia tay rồi ra đi.

Từ Nhật sang Đức tôi đi trong vội vàng nên cũng chẳng có buổi đưa tiễn nào, vì tôi lúc ấy không chuẩn bị ở lại luôn tại Đức. Để rồi hôm nay ở xứ người, chỉ nhân một chuyến viếng thăm ngắn ngủi có 15 ngày mà tôi đã dự không biết bao nhiêu lễ nghi quan trọng của Thiền môn.

Còn một việc cũng khá quan trọng, suýt nữa tôi quên. Đó là lễ chú nguyện chuyền thần lực nơi sợi chỉ. Sau khi chư Tăng chú nguyện, Hòa Thượng Viện Trưởng đã cột dây cầu nguyện vào tay tôi.

Đêm ấy là đêm 16 tháng 3 năm 1994. Trời thì lâu sáng, mà giấc ngủ của tôi cứ mãi chập chờn, vì một phần trông mau sáng, phần khác nghĩ về những đạo tình của Hòa thượng, của Đại Đức Seelawansa và của chư Tăng mà tôi phải thẹn thùng. Thẹn vì nỗi chính mình không thể thực hiện như vậy được khi một khách Tăng từ xa đến, đừng nói gì phục vụ một cách tận tình mà không bao giờ có một hành động khách sáo nào cả.

Suốt trong những ngày tôi ở đó, vị Thầy bạn của Đại Đức hết hỏi tôi uống nước dừa tươi lại đi pha trà. Hết trà đến nước nóng, hết nước nóng đến dọn sáng, dọn chiều... Nhiều lúc Thầy ấy còn bỏ mùng cho tôi ngủ nữa. Vì có lần muỗi cắn tơi bời, tôi chỉ cho Thầy ấy, cũng chỉ vì một nguyên do nhỏ là không biết thả mùng. Mùng phải thả ra ngoài thành giường rồi lấy gối chắn lại muỗi mới không vào được. Nếu chỉ chắn mùng đơn giản, đêm khuya muỗi sẽ lợi dụng kẽ trống để vào.

Đúng 5 giờ sáng ngày 17 tháng 3 năm 1994, vợ chồng ông trưởng làng đã chở thức ăn sáng tới. Trước đó ông cũng đã cho người ở bẻ thơm, bẻ chuối, hái đu đủ và chặt dừa mang đến để tôi gói mang về Đức cùng với 5 trái mít thật xinh của vườn chùa. Tôi có nói với quý Thầy là ở Âu Châu mỗi ký-lô mít phải trả 10 đô-la Mỹ. Quý Thầy cười và bảo rằng: Thầy qua đây chở mấy xe cam-nhông cũng được.

Trời chưa sáng nhưng các chú tiểu trong chùa đã dậy hầu hết, ra đảnh lễ tôi và từ biệt kể từ giờ này. Trước đó tôi có để lại một ít tiền để biếu cho các chú. Vì nếu đưa riêng cho từng chú một, các chú sẽ tiêu vặt hết, nên tôi đã giao cho vị Thầy giáo thọ trước. Có nói bằng tiếng gì thì các chú cũng mỉm miệng cười thôi, còn nhỏ quá không có trình độ để hiểu Anh ngữ hoặc Đức ngữ.

Đúng 5 giờ 30 phút, người tài xế đã mang xe túc trực trước cửa Tu Viện. Tôi lên đảnh lễ Hòa thượng Viện Trưởng một lần nữa và giã từ tất cả những vị còn ở lại chùa.

Con đường đi đến phi trường không đơn giản, đồi dốc, hầm hố, lính gác đó đây.

Trời mới hừng sáng nên những con chó, con mèo vẫn còn ngái ngủ nằm ngoài đường như tưởng rằng chưa có ai qua lại. Xe cộ chạy tứ tung, người qua lại đủ hướng, còi bóp inh ỏi, chim chóc kêu nhau gọi đàn lúc mặt trời sắp mọc nghe cũng vui tai. Tôi không biết rằng ai đó trong tu viện có buồn khi tôi đi không, chứ tôi thì đã quen quá rồi với bao lần đưa tiễn, nên chẳng có giọt nước mắt nào, hoặc một nỗi buồn nhỏ cũng chưa gợn thấu tâm hồn. Có lẽ tâm sự của người đi chẳng có gì đáng nói, vì họ có mục đích để đến. Còn người ở lại, kỷ niệm vẫn còn đây mà người xưa đâu còn nữa, nên chắc cũng có kẻ buồn. Rồi thời gian cũng sẽ qua đi. Đúng thế, thời gian, chỉ có thời gian mới giải quyết được tất cả. Thời gian qua sẽ làm mờ nhạt bụi gió sương, rồi đâu cũng sẽ vào đấy.

Đến phi trường không biết bao nhiêu là thủ tục, nhưng nhờ chiếc áo vàng mà mọi thủ tục cũng qua nhanh. Ở đây Phật giáo là quốc giáo nên mọi người rất tôn trọng các vị Sư. Các vị Sư đi đến đâu, dầu là công sở của chính phủ cũng vậy, nhân viên đứng lên để đón các vị Sư, sau đó mới ngồi xuống làm việc. Những bậc trưởng thượng đi qua, Tăng chúng đều đứng dậy. Vì tôn trọng mà đó cũng là theo tinh thần giới luật Phật dạy. Còn ở đây, người Tích Lan đã thấm nhuần tinh thần Phật giáo từ nhỏ nên việc lễ nghi cũng rất phổ thông. Chùa chiền mọc lên khắp nơi tại làng xóm, thôn ấp, còn nhà thờ chỉ thấy nơi đô thị. Quả thật đạo Phật là đạo của quần chúng, đạo của mỗi người dân.

Người cân hành lý cho tôi bảo rằng ông cũng là Phật tử. Ông hỏi tôi đến Tích Lan để làm gì, rồi cho qua ngay. Hầu như chẳng có cổng nào phải dừng lại lâu.

Tôi ra từ biệt Đại Đức Seelawansa và những người đi đưa tiễn, một số tiền rupee còn lại tôi đã gởi Đại Đức để sử dụng những việc cần thiết tại chùa.

Còn không bao lâu nữa phi cơ sẽ đáp xuống phi trường Amsterdam. Từ đó tôi sẽ đổi máy bay trở về lại Hannover.

Ghi vội những dòng này để làm quà lưu niệm đến quý Phật Tử xa gần những gì tôi đã biết, tôi cũng mong quý vị được chia sẻ cái biết của mình. Như thế chuyến đi của tôi cũng mang lại được nhiều lợi lạc.

Nếu trong tác phẩm này có những điểm nào đó làm phiền lòng quý độc giả, cũng mong quý vị lượng tình hỷ thứ cho. Người viết chỉ có một tâm nguyện duy nhất là làm sao cho lợi mình, lợi người. Đó chính là con đường Bồ Tát đạo.

Nguyện cầu niềm an lạc sẽ đến với tất cả quý vị.

Viết xong vào lúc 12 giờ trưa
ngày 17 tháng 3 năm 1994
trên chuyến bay KLM 802 hướng về Amsterdam
- Thích Như Điển


    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


Hạnh phúc là điều có thật


Dưới cội Bồ-đề


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.135.53 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (261 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...