thời kinh nguyện bên thành cổ thápmột thời kinh nguyện, một tiếng kinh cầuniệm câu vô thường niệmgiữa khung trời bao la huyền nhiệm mây trắng thảnh thơi, thanh khí nhiệm mầuan nhiên như gió thổi qua mau.chí tâm đảnh lễ một câu kệ, một hồi chuôngtừng giọt sương buôngnhư nguồn từ chảy về từ vô lượng kiếp. buông xả, buông xả hếttà kiến, tạp niệm, chấp ngã, vọng tâm đã bao lần Bồ Tát đại nguyện hóa thân từ bi cứu độ.con quỳ đây cầu xin gia hộ ngơ ngác giữa hư vô dưới chân phù-đồ,bên thành cổ tháp trùng trùng cao ngất ôm vào lòng xá-lợi trầm tích mấy ngàn năm!bao lợi danh cũng đã chôn vào lòng đất chỉ còn lời kinh theo gió quyện hương trầm!bốn cõi hồng trần thơm hương bát-nhãtrong lời kinh thâm nghiêm cao cả mong chúng sanh mau thoát nẻo luân hồi.Tùy Anh(Trong chuyến hành hương Sri Lanka, tháng 7.2011)Đôi dòng cảm niệm về chuyến hành hương Tích Lan Phương QuỳnhTrong thâm tâm tôi vẫn luôn cảm nhận mình là một Phật tử chưa thuần thành, vì đã hơn 25 năm qua trên xứ người, tôi chưa lần nào tham dự các khóa tu học như Thọ bát quan trai, Huân tu tịnh độ, tu gieo duyên và khóa tu học Phật pháp Châu Âu, chứ đừng nói chi đến một lần hành hương xứ Phật.
Nhưng có lẽ nhờ căn lành của nhiều kiếp trước, nên ngày 2 tháng 7 năm nay tôi lại hăng hái ghi danh theo phái đoàn hành hương của Hòa thượng Phương Trượng tổ chức trong dịp nhị vị Hòa thượng Khánh Anh và Viên Giác được Hội đồng Tăng-già và chính phủ Sri Lanka trao giải thưởng cao quý danh dự.
Có hai điều làm tôi nao nức muốn tham dự. Thứ nhất là tôi muốn chứng kiến tận mắt lễ trao giải thưởng cho nhị vị Hòa Thượng. Thứ hai là tôi muốn chiêm bái các thắng tích và chùa chiền của Phật giáo tại xứ Tích Lan, nơi mà đạo Phật được truyền bá từ Ấn Độ sang vào thế kỷ 3 trước Tây lịch.
Chiều ngày 2 tháng 7, chuyến bay của hãng Oman rời phi trường Frankfurt để đến phi trường Colombo, thủ đô của Tích Lan vào trưa hôm sau.
Hình ảnh đầu tiên từ sân bay ra cổng phi trường là Hòa thượng và đoàn hành hương được Thầy Bhante Seelawansa và những đại diện của Bộ Ngoại giao ra tiếp đón. Các vị đại diện này đã đến quỳ dưới chân Hòa Thượng Phương Trượng để thi lễ với thái độ thành tâm cung kính.
Xe bus đón phái đoàn về khách sạn ở vùng Negombo nghỉ ngơi. Rồi những ngày sau đó, Thầy Bhante hướng dẫn đoàn đi thăm Đại Bảo tháp và nhiều đền đài, chùa cổ. Những nơi đó đã trải qua hàng ngàn năm biến chuyển, thế mà những hình tượng đá vẫn còn nguyên dấu vết thật cổ kính uy nghi. Chúng tôi thầm ca tụng công sức người xưa và cảm nhận Phật pháp thật nhiệm mầu.
Ngồi trên xe bus, nhìn cảnh vật hai bên đường là những vườn trái cây xanh tươi rậm rạp, nào là mít, xoài, sa-kê, cóc, ổi, đu đủ chín vàng chen lẫn trong vườn dừa cao nghiêng bóng cành lá đu đưa trong tiếng gió biển thổi rì rào, lòng tôi bỗng chùng xuống, chạnh nhớ về quê hương đất mẹ biết bao!
Cách đây 5 năm, tôi có về Việt Nam chịu tang mẹ già. Bây giờ nhìn thấy cảnh vật nơi đây sao giống quê nhà quá, làm cho lòng tôi thêm xao xuyến. Huống gì nhị vị Hòa thượng đã gần 40 năm chưa trở lại quê hương, chắc chắn hai Thầy còn xót xa hơn tôi gấp mấy mươi lần!
Đến ngày 8 tháng 7, ngày mà chúng tôi mong đợi đã đến. Hôm ấy tất cả các chị em người nào cũng đẹp và sang trọng trong nhung gấm lụa là. Những bộ áo dài thuần túy Việt Nam nhiều màu sắc thướt tha. Có cô bạn đạo người Áo gốc Thổ Nhĩ Kỳ cũng mặc chiếc áo dài của tôi cho mượn. Cô ta thích thú vô cùng, vì ngẫu nhiên mà lại vừa vặn thật đẹp.
Tất cả các Thầy, Sư cô và những nhân viên người Tích Lan trong khách sạn đều trố mắt ngạc nhiên khen ngợi. Họ khen quốc phục của phụ nữ Việt Nam quá đẹp và thật dịu dàng.
Hai chiếc xe bus chở chúng tôi và đoàn Phật tử người Áo đến thủ đô Colombo theo lời mời của Tổng Thống Tích Lan, nhưng thiếu nhân duyên nên xe đến trễ hẹn không tham kiến được vì Tổng Thống đã có hẹn khác. Từ đó chúng tôi đến phòng khánh tiết để dự lễ trao giải thưởng danh dự vào lúc 16 giờ.
Trong khung cảnh trang nghiêm với rừng cờ Phật Giáo, những bản nhạc oai hùng và trang trọng của đoàn vũ công vây quanh hai chiếc lọng che. Nhị vị Hòa thượng từ từ tiến vào phòng khánh tiết với sự nghinh đón của đức Tăng Thống và các vị Trưởng Lão trong Hội Đồng Tăng-già Tích Lan cùng với Thủ Tướng và phái đoàn Chính phủ cũng như đông đảo Phật tử hiện diện.
Tất cả chúng tôi đều im lặng, nhưng trên nét mặt mọi người đều mang một niềm vui chung, đó là danh dự của nhị vị Hòa thượng cũng như cho tất cả các Phật tử hải ngoại. Hơn 30 năm nhị vị Hòa thượng đã làm được những gì? Và niềm vui hôm nay là sự công nhận kết quả hoằng dương Phật pháp không ngưng nghỉ của hai Thầy ở hải ngoại!
Để mừng hai Thầy nhận được phần thưởng danh dự, hai chị em Phật tử Minh Phụng đã cúng dường một bữa tiệc Pizza tại nhà hàng gần khách sạn chúng tôi ở. Ngoài những lời chúc tụng còn có thêm vài tiết mục ngâm thơ và ca hát.
Sau ngày đại lễ, chúng tôi tiếp tục được Thầy Bhante đưa về thăm làng cũ của Thầy. Nơi đó, chúng tôi được một gia đình Phật tử Tích Lan, đệ tử của Thầy Bhante, tiếp đãi nồng hậu. Ăn uống thoải mái no nê, được thưởng thức trái cây tươi ngon ngọt, uống nước dừa tươi.... Vừa ăn, vừa được hái mang về khách sạn. Tình cảm của Thầy và của Phật tử Tích Lan tràn đầy trong tình thương yêu của người con Phật đã dành cho chúng tôi thật là cảm động vô cùng.
Làng cô nhi cũng có mời chúng tôi đến và thết đãi cơm trưa tại làng. Sau khi các Thầy và chúng tôi dùng cơm trưa xong thì các cháu gồm hơn 20 em cũng vừa đi học về. Nhìn đám trẻ thơ mồ côi cha mẹ, nét mặt em nào trông cũng hiền lành, hồn nhiên thật dễ thương, làm cho chúng tôi thêm chạnh lòng. Mặc dù Ban Từ Thiện Xã Hội của Sư Bà Diệu Tâm qua Hòa Thượng Minh Tâm đã trao tặng 1.000 Euro, nhưng lòng từ tâm của những người con Phật lại phát sinh, rồi ai nấy đều tự mở ví lấy thêm tiền cho các cháu, cũng được hơn 1.000 Euro nữa. Nhìn các cháu, bất chợt hình ảnh trận sóng thần (tsunami) năm nào lại hiện rõ trong đầu tôi, làm tôi nhớ đến lời dạy của Đức Như Lai: Cuộc sống vô thường, cuộc đời là bọt nước.
Chúng tôi ra về, các cháu đứng nhìn theo trông thật tội nghiệp. Ngoài những ngày học chữ ở trường, các cháu còn đi học giáo lý Phật giáo vào ngày cuối tuần với pháp phục áo quần màu trắng. Môn Phật học được ghi trong giáo trình và tính điểm như các môn học khác của Bộ Giáo Dục xứ này.
Trên đường đến thành phố Kandy thăm quốc bảo Xá-lợi Răng Phật trong lâu đài cổ của mấy ngàn năm trước, xe bus bị trục trặc nhưng cũng đến kịp 6 giờ chiều để đảnh lễ. Nhờ uy tín của Thầy Bhante mà cả đoàn chúng tôi được lên tận lầu ba để chiêm bái. Bảo tháp này bằng vàng, tàng trữ Xá-lợi Răng Phật trong đó.
Muốn mở bảo tháp này, mỗi năm một lần, phải cần 4 chìa khóa của bốn vị: Tăng Thống, Tổng Thống, Thủ Tướng và vị Trụ Trì nơi có bảo tháp. Thật là một phước đức lớn cho phái đoàn khi chúng tôi được chiêm bái tận mắt tháp vàng đựng Xá-lợi Răng Phật. Khung cảnh lâu đài thật uy nghi, lộng lẫy, vàng ròng chiếu sáng vô cùng huyền nhiệm. Tôi không thể diễn tả hết bằng lời.
Ở tầng trệt dày đặc những người đến chiêm bái. Họ quỳ cúi đầu sát đất, chú tâm cầu nguyện. Khi đến chiêm bái các hang động, những người không mang theo áo tràng phải mua vé vào cửa (mỗi vé 25 đô-la Mỹ). Có hang động nằm trên một vùng núi cao lớn ở Karutara phía bắc Sri Lanka. Muốn lên tới hang động phải leo vài trăm bậc tam cấp. Buổi trưa nắng gắt, chúng tôi tưởng chừng như không thể nào leo nổi. Vừa leo vừa niệm Phật, cuối cùng cũng lên đến nơi.
Bên trong hang động, người xưa đã đào sâu vào 10 mét. Nhiều tượng Phật toàn bằng đá nguyên khối. Hang động nào cũng có tượng Phật nhập Niết-bàn. Trên trần đá tạc hoa văn cả ngàn năm trước mà đến nay vẫn còn rõ nét. Vùng này là một trong những vùng Phật tích được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đến thăm quốc bảo thứ hai là cây bồ-đề. Đây là cây bồ-đề do công chúa con vua A-dục mang từ Ấn Độ đến. Vì không có áo tràng nên tôi đành đứng phía dưới đảnh lễ, không được lên tận gốc cây bồ-đề ở tầng cao tụng Kinh Lăng Nghiêm cùng quý Thầy.
Trong thời gian này, có đại lễ Dâng Hoa Cúng Phật kỷ niệm gần 2.300 năm Phật giáo hiện diện ở xứ này. Suốt ba ngày đêm, có khoảng hơn 800 ngàn người đi kinh hành chung quanh cội bồ-đề và Bảo tháp. Họ mặc đồng phục, váy và áo trắng, tay cầm cờ Phật giáo, tay cầm hoa, miệng niệm kinh và đi kinh hành trông thật huyền nhiệm.
Ngồi trên xe bus, ngày nào chúng tôi cũng nói cười vui vẻ hân hoan. Dọc đường thỉnh thoảng có mấy lều nhỏ bán trái cây, bắp luộc bốc hơi nghi ngút. Thầy Phương Trượng biết chúng tôi ưa thích nên bảo tài xế dừng lại và đưa tiền cho thị giả xuống mua trái cây. Quày dừa thì để dưới chân Thầy, còn mấy buồng chuối xiêm thì Thầy Nguyên Tân treo lủng lẳng trên trần xe, nơi Ni Sư Diệu Trạm ngồi. Xe chạy, mấy buồng chuối lắc lư. Từ từ chuối rụng từng trái. Ai ngồi gần đưa tay ra hứng và chia nhau ăn thật là vui nhộn.
Ở Sri Lanka, tiếng Anh là ngoại ngữ chính. Trong đoàn phần đông đã tốt nghiệp Tú Tài, nhưng từ mấy chục năm qua không dùng tới Anh ngữ, nên chữ nghĩa đã trả lại cho thầy cô giáo cũ hết rồi. Cũng may có Thầy Phương Trượng giỏi tiếng Anh và bốn vị tăng sinh du học Ấn Độ theo đoàn cũng thông thạo Anh ngữ, nên mỗi ngày chúng tôi muốn thay đổi món ăn gì cho ngày hôm sau đều nhờ quý Thầy thông dịch cho những người phục vụ ở khách sạn. Có chị bạn đạo kể, trong lần hành hương sang Nhật cách đây khá lâu, Thầy Phương Trượng cũng thông dịch tiếng Việt ra tiếng Nhật hay ngược lại. Ngoài ra Thầy còn biết tiếng Tàu, Nga, Pháp và dĩ nhiên là giỏi tiếng Đức.
Chuyến hành hương Tích Lan lần này mang thật nhiều ý nghĩa. Riêng tôi hiểu thêm được cách sống theo tình đời nghĩa đạo. Sau hơn 10 ngày sống gần Thầy, đây là lần đầu tiên và cũng là lần đặc biệt nhất trong đời tôi. Có lẽ nhờ phúc duyên lần này sẽ chuyển hóa tôi trở thành người Phật tử thuần thành.
Xin cảm ơn anh chị em trong đoàn đã dành cho tôi những tình cảm thân thương như chung một mái nhà.
Xin đảnh lễ tạ ơn Thầy và nguyện cầu cho Thầy mãi mãi an lạc, nhiều sức khỏe để Phật tử chúng con còn có dịp theo Thầy tham dự những chuyến hành hương khác hầu lĩnh hội được Giáo pháp của đức Phật và thăng tiến hơn trên con đường tu học.
Tháng 8/2011Phương Quỳnh