Chuyến đi tham dự lễ trao giải thưởng tinh thần cao quý của Chính phủ và Hội đồng Tăng già Sri Lanka cho nhị vị Hòa thượng Thích Minh Tâm (Pháp quốc) và Hòa Thượng Thích Như Điển (Đức quốc) đã cho tôi cơ hội được chiêm bái hai thánh tích nổi tiếng của Phật giáo tại đất nước Sri Lanka. Đó là hai bảo vật quốc gia, được chính phủ và người dân nước này lễ bái hằng ngày, là nơi mà hằng năm người Phật tử Sri Lanka hành hương để chiêm bái cúng dường: Đó là Xá-lợi Răng của đức Phật và cây bồ-đề thiêng liêng.
1. Đại Thọ Bồ Đề Linh ThiêngĐại Vương Thống Sử (Mahavassa) - một bộ sách ghi chép về lịch sử đất nước cũng như Phật giáo Sri Lanka - đã ghi lại nhân duyên và sự tiếp nhận cây bồ-đề thiêng liêng này. Sau khi đức Tôn giả Mahinda và chư vị tỳ-kheo truyền bá giáo lý Phật-đà tại đây, đức vua Devānaṃpiyatissa và hoàng gia nhanh chóng tiếp nhận và trở thành đệ tử tại gia của Ngài. Sau đó, Công nương Anulā, phu nhân của bào đệ đức vua đã cùng với 500 cung phi đến đảnh lễ Tôn giả Mahinda, lắng nghe Tôn giả thuyết giảng về Petavatthu (Ngạ quỉ sự), Vimānavatthu (Thiên cung sự) và Saccasamyutta (Đế tương ưng). Và các nữ nhân này đã chứng Thánh quả thứ nhất (Tu-đà-hoàn) và muốn xuất gia làm tỳ-kheo ni. Tôn giả Mahinda đã gợi ý đức vua Devānaṃpiyatissa nên gởi thư mời Trưởng lão Ni Saṅghamittā, và cũng không quên gợi ý thỉnh cầu vua Ashoka tặng cho đất nước Sri Lanka một nhánh của cây bồ-đề linh thiêng, nơi đức Phật đã thành chánh quả, tức Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay.
Hiện tại, cây bồ-đề này đang tọa lạc tại Anuradhapura, phía bắc Sri Lanka, khoảng 250 km từ thủ đô Colombo. Tôi được nghe một vị Tăng ở đây nói, cây bồ-đề này có một đội ngũ bác sĩ riêng chăm sóc hằng ngày. Không giống như cây bồ-đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, cây bồ-đề ở đây cành lá ít hơn, không sum suê bằng. Vị tăng này cũng cho biết, đã lâu lắm rồi không thấy cây lớn lên thêm, cả vài chục năm nay cây vẫn thế. Để bảo vệ bảo vật sống linh thiêng này, người ta đã xây tường xung quanh cây, làm thành hai tầng, luôn có người canh gác để hạn chế người lên và sờ vào thân cây.
Đoàn chúng tôi có phước duyên lớn nên mới được mở cửa cho lên tầng trên để có thể đảnh lễ và sờ vào thân cây. Phật tử các nơi chỉ được đứng phía dưới. Họ gởi phẩm vật cho chúng tôi mang lên thay họ cúng dường cây bồ-đề.
Cây bồ-đề này đã sống hơn 23 thế kỷ, tức là tuổi thọ còn hơn cây bồ-đề ở Bồ-đề Đạo Tràng. Vì cây bồ-đề ở Ấn Độ đã nhiều lần chết mất, rồi sau được trồng mới lại, trong khi cây bồ-đề ở Sri Lanka được gìn giữ và sống mãi từ khi được trồng tại đây 23 thế kỷ về trước.
Đất nước Sri Lanka tuy nhỏ, là một nước nghèo trên thế giới nhưng đã làm nhiều điều tốt lành cho Phật giáo năm châu, như là nước gìn giữ và học tập nhiều bộ kinh bằng tiếng Pali và Sanskrit, là nước đề xuất lá cờ Phật giáo, là nước gìn giữ hai bảo vật linh thiêng của Phật giáo thế giới. Và bảo vật linh thiêng thứ hai chính là Xá-lợi Răng của đức Phật.
2. Xá-lợi Răng PhậtXá-lợi Răng Phật được tôn trí ở thành phố cổ Kandy, một cố đô của Tích Lan. Thành phố không lớn lắm nhưng đông khách du lịch. Đoạn đường từ Colombo đến Kandy tuy không dài, chỉ khoảng gần 150 km, nhưng do đường quá nhỏ nên phải mất gần 4 tiếng đồng hồ di chuyển. Đường quốc lộ của đảo quốc Sri Lanka khá nhỏ, chỉ có hai làn xe, nên việc di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác mất khá nhiều thời gian.
Trên đường đi, Hòa thượng Phương trượng Viên Giác cho biết Xá-lợi Răng Phật được tôn trí ở cố cung của vua Tích Lan ngày xưa. Nơi đây chính là cung điện của các triều đại, sau này khi kinh đô chuyển về Colombo, mới quyết định dùng cung điện nơi đức vua ở để tôn trí Xá-lợi Răng Phật. Hòa thượng cũng cho biết, nếu muốn mở tháp vàng bao bọc bên ngoài Xá-lợi này thì phải có đủ bốn chiếc chìa khóa do bốn người giữ, đó là: Tổng thống, Thủ tướng, đức Tăng thống Sri Lanka và vị trụ trì nơi tôn trí Xá-lợi Răng Phật.
Nơi tôn thờ Xá-lợi Răng Phật hiện nay rất đẹp và tôn nghiêm. Tại đất nước Phật giáo này, bất cứ ai, mỗi khi vào đến sân chùa đều phải bỏ giày dép ở ngoài, và không được đứng quay lưng lại với tháp và tượng Phật. Mỗi ngày ba thời, chư Tăng ở đây tụng kinh cầu nguyện và mở cửa lên bảo tháp chính để lễ lạy.
Người hành hương bình thường không thể vào bên trong nơi thờ bảo tháp được, chỉ ở bên ngoài hướng về phía thờ bảo tháp để lễ bái. Vì là đoàn của bốn vị vừa mới lãnh giải thưởng tinh thần có công truyền bá Phật pháp của chính phủ Sri Lanka nên chúng tôi được chào đón rất nồng hậu, được dẫn đi hết các nơi mà chỉ có lãnh đạo cấp chính phủ hay các phái đoàn ngoại giao mới được phép viếng thăm.
Đúng sáu giờ, thời tụng kinh chiều diễn ra, nhạc công tiến đến trước cửa chính dẫn lên nơi thờ Xá-lợi Răng Phật, bắt đầu trổi nhạc cúng dường. Quý chư Tăng Sri Lanka được Phật tử lấy nước rửa chân trước khi bước vào Đại Bảo Tháp. Đoàn chúng tôi được hướng dẫn đi lên phía trên. Quan sát thấy phòng phía dưới toàn phẩm vật quý giá của các đoàn cúng dường. Đi lên cầu thang sẽ đến căn phòng thờ bảo tháp Xá-lợi Răng Phật. Nơi đây được yêu cầu không chụp hình. Căn phòng thờ bảo tháp khá nhỏ, chỉ đủ một người vào lễ lạy. Có hai vị Tăng đứng hai bên hướng dẫn, một vị đưa một nhúm hoa lài để người lễ lạy cúng dường bảo tháp. Bảo tháp bằng vàng tuyệt đẹp, để trong khung kính, cao khoảng gần 1 mét, Xá-lợi Răng Phật được tôn thờ bên trong đó, ít người thấy được. Nhưng đối với chúng tôi, đó là một đại nhân duyên, một đại phước đức, nếu không đi cùng nhị vị Hòa thượng trưởng lão thì khó mà có thể vào tận bên trong để tận mắt nhìn thấy bảo tháp.
Sau khi lễ lạy, đoàn được hướng dẫn đi ra bên ngoài. Bên ngoài có rất nhiều Phật tử địa phương tập trung lễ lạy từ xa. Đoàn tiếp tục được hướng dẫn đi tham quan một số khu vực. Có một khu vực mà ai cũng thích, đó là lan can nhìn ra phía trước, nơi ngày xưa nhà vua đứng để nói chuyện với công chúng. Ai cũng tranh thủ được làm… vua một lần, đứng nơi đó ghi lại khoảnh khắc ngày xưa.