Những hiểu biết, biện giải trong phạm trù tư duy ngôn ngữ bao giờ cũng là điều kiện để nảy sinh những nghi vấn, thắc mắc. Càng hiểu biết sâu rộng về một vấn đề, ta càng có nhiều khả năng nảy sinh những nghi vấn, thắc mắc phức tạp hoặc tinh tế hơn về vấn đề ấy. Trong rất nhiều trường hợp, sự phát triển như thế cuối cùng rồi sẽ chạm đến một giới hạn nhất định, khi ta không còn khả năng sử dụng tư duy ngôn ngữ để biện biệt, giải đáp những nghi vấn của chính mình.
Nhưng khả năng nhận biết của chúng ta thật ra là vô hạn. Sự giới hạn trong phạm trù tư duy ngôn ngữ là do chính ta đặt ra theo một vòng xoay luẩn quẩn tưởng chừng như không lối thoát. Khi nhận hiểu về một đối tượng, ta lập tức đặt ra tên gọi và khái niệm đi kèm để mô tả về đối tượng đó. Điều này giúp ta dễ dàng hơn trong việc hệ thống và truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, nhưng đồng thời nó cũng đóng khung đối tượng vào tên gọi và khái niệm, khiến ta không còn khả năng trực nhận đối tượng một cách toàn vẹn và như thật. Tên gọi và khái niệm do chính ta đặt ra đã trở thành một giới hạn, và ngay khi giới hạn này được hình thành thì ta sẽ mất đi khả năng vượt qua nó để trực tiếp nhận hiểu về đối tượng.
Đó là vì chúng ta luôn có khuynh hướng nhận hiểu về một đối tượng thông qua những tên gọi và khái niệm sẵn có, thay vì trực tiếp tiếp cận bằng khả năng nhận biết khách quan của chính mình.
Mặt khác, những thông tin mà ta nhận được qua ngôn ngữ luôn được bọc gói trong lớp vỏ ngôn ngữ ấy, và do đó luôn có một khoảng cách khác biệt nhất định với bản chất thực sự của vấn đề. Chẳng hạn, những mô tả bằng ngôn ngữ, dù rất chi tiết và sinh động, về một cảnh quan kỳ vĩ, cũng không bao giờ mang lại cho ta những cảm giác như khi thực sự đứng trước cảnh quan kỳ vĩ ấy.
Vì thế, đạo Phật xem mọi lý thuyết diễn đạt về sự tu tập, ngay cả những gì trình bày trong Kinh điển, chỉ như “ngón tay chỉ trăng”, và mục đích thực sự của việc tu tập là làm sao có thể trực nhận được “mặt trăng” chứ không phải là “những ngón tay” chỉ về nó. Mặc dù vậy, tiến trình vượt qua khoảng cách giữa tri thức và sự trực nhận không phải bao giờ cũng dễ dàng. Thậm chí chúng ta rất thường không nhận biết được khoảng cách này và do đó sẽ rơi vào sự nhầm lẫn giữa những hình chiếu của sự vật, hiện tượng qua tên gọi và khái niệm với bản thân sự vật, hiện tượng đó một cách toàn vẹn và đúng thật như nó đang hiện hữu.
Tiến trình tu tập theo đạo Phật chính là giúp chúng ta xóa bỏ dần khoảng cách giữa tri thức và sự trực nhận về thực tại. Trong khi tri thức chất đống ngổn ngang trong ta những ngôn từ, khái niệm nhưng không bao giờ đủ để diễn đạt, mô tả hay giúp ta nhận hiểu trọn vẹn về thực tại, thì trí tuệ trực giác giống như một khoảng không đơn sơ nhưng bao la, ôm trọn mọi hiện tượng khởi sinh trong thực tại, như một tấm gương sáng tự nó không mang màu sắc, nhưng khi đặt bất kỳ đối tượng nào trước gương thì lập tức xuất hiện một đối ảnh của vật ngay trong đó. Tuy nhiên, những so sánh như thế là khập khễnh và chỉ mang tính gợi mở hơn là mô tả, bởi hư không tuy hàm chứa sự vật nhưng là một sự hàm chứa vô tri giác, còn như ảnh chiếu trong gương tuy là giống hệt như thật nhưng vẫn không phải là bản thân vật được phản chiếu. Trí tuệ trực giác thì khác, nó giúp ta trực nhận mọi đối tượng hoàn toàn đúng thật và trọn vẹn như chúng đang hiện hữu trong thực tại, nhờ đó ta có thể xóa bỏ mọi ảo giác, nhận thức sai lầm về hiện thực.
Sự am hiểu và uyên bác không giúp ta đạt đến khả năng trực nhận bằng trí tuệ trực giác. Vì thế, trong Tâm kinh đã nhấn mạnh từ câu đầu tiên về phương pháp đã giúp Bồ Tát Quán Tự Tại đạt đến sự thấy biết như thật chính là “hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa”. Tuy nhiên, pháp tu tinh yếu này có thể xem như “tuyệt kỹ” rốt ráo mà không phải bất kỳ ai khi bước chân vào đạo Phật cũng có thể ngay lập tức tiếp cận. Hầu hết chúng ta cần có những chuẩn bị nền tảng ở mức độ căn bản hơn, tuần tự hơn, trước khi có thể thực sự bước chân vào cảnh giới “hành thâm Bát-nhã”. Sự chuẩn bị ấy được đức Phật chỉ dẫn cặn kẽ qua trình tự tiến tu theo quy trình “Giới - Định - Tuệ”.
Theo quy trình được mô tả hết sức đơn giản này, điểm khởi đầu chung cho tất cả chúng ta sẽ là sự tu tập Giới hạnh. Nói đến việc trì giới, chúng ta không nên liên tưởng ngay đến hình ảnh những nhà tu khắc khổ mỗi ngày chỉ ăn một bữa và thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng... Cũng có thể đến một giai đoạn nào đó, những điều này sẽ trở nên thích hợp với ta, nhưng bước khởi đầu thường đơn giản hơn nhiều. Nói một cách dễ hiểu nhất, tu tập giới hạnh hay trì giới là tự nguyện chấp nhận và tuân theo một số những nguyên tắc sống được đề ra theo giới luật, tránh đi những tư tưởng, hành vi và lời nói mà giới luật không cho phép.
Chẳng hạn, người cư sĩ khi thọ giới sẽ có 5 nguyên tắc để tuân theo. Thứ nhất, không gây tổn hại đến sự sống của muôn loài; thứ hai, không trộm cắp những tài sản thuộc về người khác; thứ ba, không sống chung như vợ chồng với người không phải vợ hoặc chồng mình; thứ tư, không nói dối, chỉ nói những điều đúng thật; thứ năm, không sử dụng các chất gây say, gây nghiện như rượu, thuốc lá, ma túy...
Năm nguyên tắc cơ bản này được gọi là Năm giới, khi thực hành sẽ giúp chúng ta tránh được rất nhiều hành vi gây tổn hại cho chính mình và người khác. Sự tu tập như thế giúp thân tâm ta được an ổn hơn, và do đó làm khởi sinh một mức độ an định cho cả thân và tâm. Hệ quả tất nhiên này được Kinh điển mô tả là “nhân giới sanh định”, nghĩa là nhờ vâng giữ theo giới luật mà làm sinh khởi sự an định. Sự an định thân tâm lại có công năng giúp ta trở nên sáng suốt hơn, tỉnh giác hơn trong mọi tư tưởng, hành vi và lời nói. Sự sáng suốt này sinh khởi nhờ vào sự an định của thân tâm, nên gọi là “nhân định phát tuệ”.
Khi tâm trí được sáng suốt hơn, nhận thức của chúng ta về giới luật và sự áp dụng, hành trì giới luật trong cuộc sống cũng sẽ trở nên sâu sắc, toàn diện và đúng đắn, thích hợp hơn. Điều đó giúp cho hiệu quả tu tập giới được nâng lên mức độ cao hơn, nhờ đó ta lại có một sự an định vững chãi hơn, ổn định hơn trước đó. Và mức độ an định vững chãi hơn lại là điều kiện giúp ta càng trở nên sáng suốt, tỉnh giác hơn nữa. Cứ như vậy, vòng xoay này sẽ tiếp tục như một chiếc cầu thang xoắn ốc đưa ta ngày càng đi lên cao hơn, cao hơn... Giới làm sinh khởi định, định giúp phát triển tuệ, rồi tuệ lại giúp cho giới càng thêm hoàn thiện, nhờ đó định càng thêm vững chãi, và tuệ lại phát triển hơn nữa...
Cũng với tương quan như thế, nếu ta buông thả, phóng túng trong việc trì giới, điều đó sẽ ảnh hưởng ngay đến mức độ an định của thân tâm; thân tâm càng loạn động thì trí tuệ càng giảm sút; và trí tuệ giảm sút thì việc giữ giới càng kém hiệu quả, do không thể có được những cách hành xử thích hợp, đúng pháp... Như vậy, vẫn giống như một chiếc cầu thang xoắn ốc, nhưng hướng đi lúc này sẽ là đi xuống, ngày càng thấp hơn...
Với cách hình dung này trong sự tu tập, chúng ta có thể thấy rõ việc tiến bộ đi lên hay sa sút đi xuống đều hoàn toàn do chính ta quyết định theo quy trình Giới - Định - Tuệ.
Kinh Duy-ma-cật dạy rằng: “Từ chỗ khởi làm ắt được lòng tin sâu vững. Từ lòng tin sâu vững ắt tâm ý được điều phục. Do tâm ý được điều phục ắt có thể làm đúng theo như lời được thuyết dạy.”
Khởi làm ở đây chính là bắt tay vào sự tu tập hành trì, với điểm xuất phát là Giới luật như đã nói trên. Năm giới của người Phật tử tại gia là điểm khởi đầu tốt nhất và là khả thi cho bất kỳ ai có quyết tâm thay đổi, hoàn thiện cuộc đời mình. Và điều kỳ diệu ở đây là, tuy nội dung năm giới không có gì quá sâu xa, phức tạp nhưng công năng của nó lại vô cùng mạnh mẽ và mầu nhiệm, có thể làm chuyển hóa thân tâm chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chỉ cần có sự quyết tâm nghiêm cẩn thọ trì năm giới thì hiệu quả tốt đẹp sẽ đạt được là điều chắc chắn. Chính trong ý nghĩa khởi đầu từ việc nghiêm trì giới luật mà đức Phật đã từng có lời dạy chúng ta phải lấy giới luật làm thầy.
Khi hiểu được rằng tri thức chưa thực sự là mục đích của sự tu tập, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc khởi sự thực hành để xóa đi khoảng cách giữa tri thức và trực nhận. Sự hiểu biết uyên bác nhưng thiếu thực hành sẽ không thực sự mang đến nhiều lợi lạc cho bản thân ta và người khác, trong khi sự thực hành có công năng giúp ta hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn những gì đã biết.
Vì thế, những nhận thức có được thông qua sự học hỏi suy luận cần được sử dụng như nền tảng chuẩn bị để khởi sự thực hành tu tập. Chẳng hạn, nếu ta chỉ dừng lại ở mức độ nhận hiểu về bản chất khổ đau của đời sống hay tính Không của vạn pháp, cho đến bản chất vô thường của mọi hiện tượng hay tính chất không thật có của một “cái ta” giả hợp, thì những tri thức ấy sẽ hoàn toàn chưa đủ để mang lại lợi lạc cho đời sống của ta. Chỉ khi thực sự bắt tay vào sự tu tập hành trì theo lời Phật dạy ta mới có được một trí tuệ sáng suốt đủ để đi vào quán chiếu sâu xa các ý nghĩa như thế, và từ đó tiến dần đến việc trực nhận được những tính chất khổ, không, vô thường, vô ngã bằng trí tuệ trực giác, không còn thông qua những diễn đạt ngôn từ, khái niệm.
Khi một sự vật được trực nhận bằng trí tuệ trực giác, ta nhận biết về sự vật ấy đúng thật như nó đang tồn tại, không có sự lệch lạc và giới hạn do những định kiến và khái niệm đã có. Ta biết được sự vật ấy là như thế, như thế... mà không cần đến những từ ngữ, khái niệm mô tả. Nhưng ngay khi ta khởi tâm dùng đến từ ngữ, khái niệm để mô tả, truyền đạt những gì mình biết, lập tức những từ ngữ, khái niệm ấy sẽ trở thành lớp vỏ bọc giới hạn và chia tách sự nhận biết của ta với thực tại toàn vẹn, và sự nhận biết như thế sẽ không còn đúng thật nữa.
Các tính chất khổ, không, vô thường, vô ngã cũng cần được trực nhận theo cách như thế. Khi ta hiểu về bản chất khổ đau của đời sống qua tri thức, điều đó không giúp ta buông bỏ được tập khí tham ái hay sân hận vốn có nguồn gốc khởi sinh từ lâu đời và hết sức kiên cố trong tâm ta. Nhưng khi ta trực nhận được tính chất khổ đau qua những trải nghiệm thực tiễn trong đời sống, tập khí tham ái trong ta sẽ giảm mạnh và trở nên yếu ớt hơn trước. Thêm vào đó, với sự trực nhận về các tính chất Không, vô thường, vô ngã thì sức hấp dẫn, lôi cuốn của những đối tượng tham muốn đối với ta sẽ không còn mạnh mẽ như trước. Tất cả đều hiện ra dưới ánh sáng soi chiếu của trí tuệ Bát-nhã, hiển lộ rõ tính chất giả hợp và mong manh không thật. Điều đó tất yếu sẽ dẫn đến sự buông bỏ một cách tự nhiên những tham luyến đối với chúng.