Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Em mơ cùng Đức Phật »» Phần dẫn nhập »»

Em mơ cùng Đức Phật
»» Phần dẫn nhập

Donate

(Lượt xem: 17.012)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Em mơ cùng Đức Phật - Phần dẫn nhập

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
ĐÔI ĐIỀU VỀ QUYỂN SÁCH NÀY

Chào mừng các bạn đến với tuyển tập mới “Em mơ cùng Đức Phật”. Đây là những chuyện kể Phật giáo chọn lọc để kể cho trẻ con nghe trước giờ ngủ. Thật tuyệt vời khi biết rằng nhiều người trong các bạn đã đọc và yêu thích quyển sách đầu tiên đã xuất bản trước đây của tôi: “Đức Phật kể con nghe”. Tuyển tập mới này cũng được gợi hứng từ những câu chuyện trong kinh Bản Sanh (Jataka), gồm những chuyện về tiền thân Đức Phật - là những câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa, luôn cho ta trí tuệ và sự dẫn dắt, được tin là do chính Đức Phật kể lại.

Cũng giống như những mẩu chuyện trong sách “Đức Phật kể con nghe”, những chuyện kể trong sách “Em mơ cùng Đức Phật” đã được cập nhật văn phong để trở nên lôi cuốn và gần gũi hơn với bạn đọc trẻ ngày nay.

Những mẩu chuyện này đi sâu vào thế giới các nhân vật và cấu trúc đa dạng để giúp trẻ hòa nhập với chân lý ngàn đời được chuyển tải trong từng câu chuyện. Những câu chuyện đặt trọng tâm quanh việc giải thích các nguyên tắc quan trọng làm nền tảng của Đạo Phật, thường được biết đến với tên gọi Bát Chánh Đạo.

Những hướng dẫn chi tiết hơn về Bát Chánh Đạo sẽ được đưa ra trong phần giới thiệu, nhưng nói qua về cốt lõi thì các nguyên tắc này cung cấp cho ta một bộ khung ứng xử trong đời sống hằng ngày: Hành động với sự tử tế và lòng từ bi, nói năng thận trọng, chọn cách mưu sinh có đạo đức và dùng năng lực của tâm để kiểm soát tư tưởng.

Mỗi câu chuyện được dựa trên một trong tám nguyên tắc của Bát Chánh Đạo và rút ra những ý nghĩa then chốt trong đó. Ví dụ, bạn sẽ đọc thấy câu chuyện về một con ngựa non tánh khí bồn chồn học cách kiểm soát những suy nghĩ âu lo; một cậu bé đánh bại đảng cướp bằng sức mạnh của thiền định; một người hà tiện hiểu ra rằng chỉ riêng việc kiếm nhiều tiền không tạo nên cuộc sống hạnh phúc; và đứa con trai hư hỏng của vị công tước học được cách ăn nói thận trọng và trải tâm từ đến với người khác...

Phương pháp xuyên suốt trong cuốn sách này là khuyến khích sự hiểu biết của một người học Phật sơ cơ, của một học sinh đang học hỏi theo những phương pháp của vị thầy.

Kinh Bản Sanh (Jataka), hay những chuyện tiền thân đức Phật, được dựa trên một truyền thống truyền khẩu từ xa xưa, qua đó những người lớn tuổi muốn chia sẻ tri thức triết lý sáng suốt bằng lối kể chuyện mạnh mẽ vào lúc kết thúc công việc của một ngày, khi những người nghe kể chuyện giữ tâm bình thản, thư giãn và sẵn sàng suy ngẫm về việc làm thế nào để sống tốt nhất. Bằng cách kể những câu chuyện này cho trẻ con nghe vào giờ đi ngủ, bạn sẽ vận dụng được sức mạnh và sự kỳ diệu từ cổ xưa của truyền thống kể chuyện. Việc dành thời gian chia sẻ những câu chuyện này, quan sát và đáp ứng với những phản hồi của trẻ, cũng như khuyến khích trí tưởng tượng của trẻ trong việc khám phá những nhân vật và tình tiết trong truyện, sẽ giúp bạn làm hiển lộ trí tuệ phong phú trong nền tảng của mỗi câu chuyện và nêu bật lên những chân lý bất diệt để chia sẻ với trẻ.

Bạn cũng có thể muốn khuyến khích trẻ trải nghiệm một trong những khía cạnh chính yếu của Đạo Phật là thiền tập. Những câu chuyện có thể là điểm xuất phát hữu ích cho tiến trình này, giúp trẻ thư giãn và điềm tĩnh. Trong phần giới thiệu đưa ra lời khuyên về việc kết hợp thiền định thành thói quen vào giờ đi ngủ của trẻ. Ở cuối sách, bạn cũng sẽ thấy có những chỉ dẫn các phương pháp thiền định được gợi lên từ những câu chuyện để bạn có thể cùng thực hành với trẻ.

Quan trọng hơn hết là hãy tận hưởng cơ hội chia sẻ với con trẻ sự bình yên và nhận hiểu những câu chuyện kể Phật giáo đơn giản nhưng sâu xa, có thể làm thức tỉnh tâm hồn.

ĐỨC PHẬT VÀ ĐẠO PHẬT

Thông điệp vượt thời gian của Đức Phật tiếp tục được chia sẻ với hàng triệu người trên khắp thế giới. Với sự nhấn mạnh vào thực tại vô thường trong đời sống, vào tầm quan trọng của lòng bi mẫn hướng đến người khác và tập trung vào việc kiểm soát tâm ý để tránh những lo âu, vọng tưởng vô ích, Đạo Phật dường như phù hợp với rất nhiều trong số những hiểu biết sâu sắc của ngành tâm lý và giáo dục hiện nay. Đối với nhiều người, Đạo Phật đưa ra sự hướng dẫn về cung cách hành xử có đạo đức, hợp với luân lý, cũng như sự trợ giúp thiết thực trong việc đối phó với những căng thẳng của đời sống hằng ngày - những kỹ năng mà con cái chúng ta đang cần đến hơn bao giờ hết.

Đạo Phật dựa trên những lời dạy của Đức Phật. Danh xưng “Buddha” có nghĩa là “người đã giác ngộ” và phản ánh trí tuệ rộng lớn mà Đức Phật đã đạt được trong đời Ngài.

Đức Phật ra đời khoảng năm 566 trước Công nguyên, là một hoàng tử Nepal được thừa hưởng nhiều đặc quyền, với tên gọi là Siddharta Gautama (Tất-đạt-đa Cồ-đàm). Những chuyện kể xoay quanh cuộc đời Ngài nói rằng, Thái tử ngày càng cảm thấy bất ổn hơn bởi những đau khổ mà ngài nhìn thấy ở bên ngoài những bức tường cung điện. Ngài đã từ bỏ ngôi vị của mình để tìm kiếm câu trả lời cho những khổ đau mà Ngài chứng kiến trong cuộc sống hằng ngày. Thái Tử đã lang thang trong nhiều năm theo học với những bậc thầy thông thái, sống đơn giản và học thiền định, nhưng Ngài không thỏa mãn với những câu trả lời cho những vấn đề trong cuộc sống mà Ngài đã đối mặt.

Cuối cùng, Đức Phật giác ngộ khi Ngài thiền định dưới một gốc cây bồ-đề. Ngài đã phát triển một sự hiểu biết về đời sống mà Ngài gọi là “Bốn sự thật mầu nhiệm” (Tứ diệu đế). Đó là:

1. Mọi người đều chịu đựng đau khổ trong cuộc đời - không ai tránh khỏi.

2. Sự đau khổ là do chúng ta luôn chú trọng vào thế giới vật chất. Nó sinh khởi bởi sự tham lam và không ngừng khao khát đời sống khoái lạc hơn.

3. Đau khổ có thể vượt qua.

4. Bát Chánh Đạo đưa ra những chỉ dẫn để vượt qua đau khổ.

Bốn sự thật này đã hình thành nền tảng triết thuyết mới của đức Phật và Ngài đã nhanh chóng thu hút một số đông đệ tử, những người thấy hứng khởi trước lời dạy của Ngài. Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, vào khoảng năm 486 trước Công nguyên, những vị đệ tử này tiếp tục phát triển các ý tưởng mà Ngài đã khai sáng. Đạo Phật bắt đầu lan truyền khắp Ấn Độ rồi truyền đến Nepal, Bhutan, Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản và Tây Tạng.

Ở Tây Tạng, sự truyền rộng trí tuệ của Đức Phật được biểu trưng bằng hình ảnh ốc tù và. Ốc tù và được thổi lên giống như kèn trumpet, đưa những lời dạy của đức Phật vang xa ra khắp thế giới.

Ngày nay, đạo Phật là một trong những trào lưu tâm linh phát triển nhanh nhất ở phương Tây. Giáo pháp của đạo Phật tưởng chừng như đơn giản nhưng thật ra là vừa tinh tế vừa phức tạp.

Những chuyện kể trong tuyển tập này nhằm giúp bạn đọc trẻ khám phá việc những tuệ giác sâu xa của của Đức Phật có thể giúp họ như thế nào trong cuộc sống hằng ngày, giống như Đạo Phật đã từng giúp ích cho hàng triệu người trên khắp thế giới hàng ngàn năm qua.

BÁT CHÁNH ĐẠO

Những nguyên tắc cốt lõi trong cách sống của người Phật tử được vạch ra trong Bát chánh đạo. Chính Đức Phật đã mô tả Bát chánh đạo như là phương tiện để vượt qua khổ đau trong cuộc đời. Những câu chuyện trong tuyển tập này được xây dựng dựa trên và xoay quanh những nguyên tắc này. Mỗi một câu chuyện nêu bật những phương pháp giúp trẻ hiểu rõ ý nghĩa và chân lý của mỗi một nguyên tắc trên. Tám nguyên tắc này có thể phân chia theo chủ đề thành ba nhóm chính là trí tuệ, giới hạnh và sự an định.

Trí tuệ

Trí tuệ rộng lớn trong những ý tưởng của đức Phật được biểu trưng trong Phật giáo Tây Tạng bằng hình ảnh một nút thắt vô tận (Cát tường kết hay Tạng kết - xem hình trang sau) – trí tuệ vô tận của Ngài, cũng giống như hình ảnh nút thắt này, không có điểm khởi đầu hay điểm kết thúc.

Trong nhóm trí tuệ, có hai nguyên tắc thuộc Bát chánh đạo: Chánh kiến và Chánh tư duy.

Chánh kiến đặt trọng tâm vào sự phát triển sự hiểu biết sâu sắc về Tứ diệu đế (Bốn sự thật mầu nhiệm). Bạn có thể giúp con mình khám phá hai khía cạnh quan trọng của chánh kiến. Thứ nhất, hết thảy mọi người trong cuộc đời này phải chịu đựng sự khổ đau. Thứ hai, sự đau khổ có thể được làm cho giảm nhẹ. Quan điểm cho rằng mọi người đều phải chịu đựng khổ đau có vẻ như một bài học khắc nghiệt, nhưng chính là nền tảng để từ đó lòng bi mẫn và sự cảm thông tuôn trào.

Câu chuyện “Tim và ông Joe” minh họa cho việc lòng tốt của Tim và ông nội cậu bé đối với những người và vật mà họ gặp, cũng như tấm lòng tốt đẹp của chính Tim đối với ông nội mình, đã được tưởng thưởng như thế nào.

Chánh tư duy giúp ta hiểu được tầm quan trọng của giới hạnh và sự quyết tâm trên con đường tự hoàn thiện chính mình. Nguyên tắc này chú trọng vào sự cần thiết của việc phát nguyện tự hoàn thiện chính mình để có thể lớn khôn và trưởng thành.

Câu chuyện “Cây ánh trăng kỳ diệu” kể về một con vượn chúa thông minh đã dạy cho một nhà cai trị biết cách cai trị người dân thông qua quyết tâm đã cứu thoát cả bầy vượn của nó.

Tương tự, trong câu chuyện “Danan và thủy quái mãng xà”, Danan thể hiện giới hạnh và trí tuệ nhằm cứu sống anh chị mình.

Giới hạnh

Trong Bát chánh đạo có ba nguyên tắc thuộc nhóm giới hạnh, bao gồm chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

Chánh ngữ liên quan đến việc suy nghĩ về tác động lời nói của chúng ta đối với người khác. Ở mức độ căn bản, điều này bao gồm việc không nói dối và không nói lời thô ác không có thiện ý – và đây là những ý niệm mà phần lớn các bậc cha mẹ đã giáo dục con cái. Ở mức độ sâu xa hơn, chánh ngữ đòi hỏi chúng ta phải nói năng thận trọng thay vì nói ra một cách tùy tiện không suy nghĩ.

Trong câu chuyện “Egbert và người đánh cá”, vị công tước trẻ tuổi thô lỗ cần học hỏi để tránh những lối nói xúc phạm, vô tình mà cậu thường sử dụng với những cận thần của mình. Hơn thế nữa, khi cậu nói dối để che giấu việc được một người đánh cá nghèo cứu giúp, cậu đã tự phơi bày cái xấu trước thần dân của mình và suýt nữa mất cả tước vị. Chúng ta thấy cái giá phải trả của một lời nói khinh suất quả thực có thể là rất đắt.

Chánh nghiệp đòi hỏi chúng ta cư xử với mọi người mà ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày một cách có đạo đức và phù hợp với luân lý. Chúng ta nhất thiết không được làm tổn hại người khác hoặc trộm cắp của họ.
Qua câu chuyện “Cô gái mới đến”, chúng ta nhận ra được một kẻ bắt nạt, cô bé Hazel, đã học biết về hậu quả những hành vi của mình đối với người khác, khi cô bé bị hóa phép biến thành một con thỏ - chính là con thỏ mà Hazel đã bắn bị thương bằng ná cao su. Vì cảm nhận được nỗi đau của con thỏ, cô bé Hazel thề sẽ không bao giờ hành động độc ác nữa.

Chánh mạng chú trọng vào việc kiếm sống một cách hợp đạo đức và không liên quan đến những việc gây tổn hại người khác. Trẻ con có thể được khuyến khích suy nghĩ về con đường nào chúng có thể cảm thấy yêu thích khi lớn lên.
Trong câu chuyện “Chú voi hiếu thảo” chúng ta biết được bằng cách nào một chú voi con, được một phụ nữ không có con nhận nuôi dưỡng, đã học được rằng đời sống có thể đáng sống hơn khi nó làm việc một cách hữu hiệu trong việc giúp dân làng băng qua một dòng sông nước lũ.

Sự an định

Ba nguyên tắc cuối cùng là Chánh niệm, Chánh tinh tấn và Chánh định.

Chánh niệm đòi hỏi chúng ta chú ý hoàn toàn vào giây phút hiện tại, chỉ đơn thuần quan sát những gì sinh khởi trong tâm mà không phê phán. Nguyên tắc này yêu cầu chúng ta phát triển sự tập trung để tâm hồn mình có thể vượt lên khỏi sự nhỏ nhen và sự xao lãng trong cuộc sống hằng ngày và học cách nhận thức đúng thật.
Trong truyện “Amrita và những con voi”, một cô bé làm cả làng hốt hoảng vì tin rằng ngày tận thế đang đến - tất cả đều do sức mạnh từ những ý nghĩ không được kiểm soát của cô bé. Một khi cha cô dịu dàng giúp cô trấn tĩnh lại thì Amrita và dân làng liền nhận ra rằng nỗi sợ hãi của họ hoàn toàn chỉ do sự tưởng tượng quá mức.

Chánh tinh tấn và chánh định bao gồm việc tập trung vào những tư tưởng và hành động giúp ta trở nên sáng suốt hơn. Hai nguyên tắc này bao gồm lòng từ bi, sự tử tế và lòng biết ơn. Chánh tinh tấn liên quan đến sự phát triển tự tỉnh giác. Chánh định yêu cầu chúng ta suy nghĩ về hành vi của mình và tích cực kiểm soát những suy nghĩ của mình để tránh những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và người khác.

Biểu tượng bánh xe Pháp luân của Phật giáo Tây Tạng tượng trưng cho sự tương quan tương liên giữa mọi sự vật và nhắc nhở chúng ta rằng hành vi của ta ảnh hưởng đến những người quanh ta và tiếp đó là ảnh hưởng đến nghiệp của chúng ta.

Đối với trẻ em, mục đích không phải là yêu cầu trẻ kiềm chế những suy nghĩ tiêu cực. Đúng hơn, ý tưởng ở đây là làm cho trẻ suy ngẫm về ý nghĩa có thể có trong những suy nghĩ như thế. Đây là một ý tưởng được khám phá trong chuyện “Những kẻ trộm cừu”. Hamish có thể đã không nghe theo lời khuyên của cha, nhưng cậu ta cần tự tha thứ cho chính mình về lỗi lầm này.

Trong sách này, bài học đạo đức ở cuối mỗi câu chuyện giúp nêu bật phần ý nghĩa trong Bát chánh đạo mà câu chuyện đi sâu vào. Khi bạn đọc chuyện với con mình, bạn có thể tham khảo những trang này để cân nhắc về những hàm ý của phần ý nghĩa đó trong Bát chánh đạo và cùng thảo luận với con của bạn.

PHƯƠNG THỨC KỂ CHUYỆN

Truyền thống kể chuyện rất phong phú trong mọi nền văn hóa. Kinh Bản Sanh (Jataka) là nguồn cảm hứng cho tuyển tập này cũng không khác, đã từng được yêu thích bởi mọi lứa tuổi trong hàng ngàn năm qua. Được tin là đã ra đời trong khoảng từ năm 300 trước Công nguyên đến năm 400, những chuyện kể này là một phần trong Kinh điển Phật giáo (Jataka - Kinh Bản Sanh, thuộc Tiểu Bộ Kinh).
Một trong những bản dịch sang Anh ngữ đầu tiên được Edward Byles Cowell xuất bản vào khoảng năm 1895 - 1907. Một phiên bản dành cho trẻ em có hình ảnh minh họa được Ellen. C. Babbitt xuất bản vào năm 1912.

Kinh Bản Sanh gồm 550 câu chuyện về cả người và vật. Mỗi câu chuyện kể lại một tiền thân của đức Phật. Đôi khi tiền thân đó là một con vật, đôi khi là con người. Tính cách hiền thiện, cao quý nhất trong mỗi câu chuyện có thể giống hệt như phẩm hạnh của Đức Phật.

Trong tuyển tập cách tân này, tính chất hài hước thường được sử dụng để phát triển câu chuyện và thu hút bạn đọc trẻ ngày nay. Những tính cách mạnh mẽ và kết cấu liên tưởng cũng sẽ góp phần lôi cuốn trẻ con vào câu chuyện đang kể và giúp trẻ liên hệ đến các hành động. Nhưng mục đích cốt lõi của những câu chuyện trong nguyên bản là giúp người đọc phát triển các hành vi đạo đức thì vẫn được giữ nguyên.

Trong một số câu chuyện, ta rất dễ dàng nhận ra hình ảnh Đức Phật. Ví dụ trong chuyện “Cô gái mới đến”, cô bé Hazel độc ác học được một bài học quan trọng về lòng bi mẫn từ Rosieo, một cô gái mà chỉ cần xuất hiện là đã làm cho lớp học bừng sáng lên và có năng lực biến Hazel thành một con thỏ. Ở đây, rõ ràng là đức Phật đã hóa thân thành một cô gái trẻ.

Trong chuyện “Con ngựa trắng xinh đẹp”, đức Phật hóa thân thành một con sóc tốt bụng, đã dạy cho con ngựa đang lo âu cách làm cho an định tâm hồn luôn bị quấy động của nó, còn trong chuyện “Cây ánh trăng kỳ diệu”, con vượn chúa khôn ngoan hơn nhiều so với nhà vua - người đang cố bắt nó. Lần này, đức Phật trong hóa thân là một con vượn đã giải thích về những gì cần để trở thành một nhà cai trị thật sự vĩ đại.

Khi đọc chuyện cho con nghe, bạn có thể muốn cùng trẻ khám phá những nhân vật nào biểu lộ phẩm chất tuyệt vời nhất của Đức Phật. Đặt câu hỏi với trẻ xem điều gì khiến cho nhân vật quá khôn ngoan, quá rộng lượng và những ý tưởng trong chuyện có thể biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày của trẻ như thế nào? Chẳng hạn, hầu hết trẻ con sẵn sàng đồng cảm với sự khát khao một món đồ chơi mới như được nghe qua trong chuyện “Món đồ chơi mơ ước”, nhưng đến cuối câu chuyện thì trẻ sẽ phải suy ngẫm nhiều hơn về việc sở hữu những món đồ chơi có tầm quan trọng thực sự như thế nào. Trong chuyện “Vị thần cây”, một cậu bé chứng tỏ cho cha mình thấy rằng vận may không quan trọng – vì chính nỗ lực làm việc chuyên cần của cha cậu đã đưa đến vận may tốt đẹp ở phiên chợ. Và điều này tiếp tục đưa đến những câu hỏi thú vị về việc chúng ta có thể định hình cuộc đời mình bằng chính thái độ và suy nghĩ của ta như thế nào.

Hãy tận hưởng kinh nghiệm đọc chuyện cho con bạn nghe. Phải nhớ đọc lên với sự nhiệt tình, tràn đầy năng lượng và đọc đủ chậm để trẻ có thời gian nhận hiểu những ý tưởng được nêu lên trong chuyện. Bạn sẽ gặt hái được phần thưởng là một cuộc thảo luận hào hứng và sự phát triển nhận thức của trẻ.

ĐI SÂU HƠN VÀO ĐẠO PHẬT

Những câu chuyện trong tuyển tập này hướng đến việc cung cấp một phần giới thiệu dễ tiếp cận đối với trẻ em về những tư tưởng chính yếu của đạo Phật. Nhưng còn có những phương cách khác nữa để khuyến khích con bạn đi theo con đường Phật giáo.

Một khởi điểm khả thi là tham gia cộng đồng Phật tử hoặc Tăng-già. Khái niệm Tăng-già (Tăng bảo) được xem là một trong Ba ngôi báu (Tam bảo), hoặc Ba nơi nương tựa (Tam quy) trong đạo Phật, cùng với tự thân đức Phật (Phật bảo) và Giáo pháp, hay con đường dẫn đến sự giác ngộ (Pháp bảo). Đạo Phật thừa nhận rằng việc tham gia một cộng đồng hỗ trợ gồm những người cùng chí hướng giúp cho con đường dẫn đến sự tỉnh giác hơn trở nên dễ dàng và vì vậy tất cả Phật tử đều được khuyến khích nên tham gia vào một nhóm Phật tử ở địa phương. Tại thành phố hoặc thị trấn nơi bạn sống, có nhiều khả năng bạn sẽ tìm ra một nhóm tu tập thiền định theo giáo pháp đạo Phật và bạn cùng gia đình sẽ được chào đón tham gia. Những nhóm như thế ngày càng nhận thức nhiều hơn về các nhu cầu của trẻ em và đưa ra những sinh hoạt nhóm cũng như những hoạt động khác được thiết kế đặc biệt cho tuổi trẻ.

Sự tham gia của bạn vào cộng đồng có thể với nhiều hình thức. Bạn có thể tình nguyện giúp việc dọn dẹp và bảo trì cơ sở, tham gia các lễ hội, những ngày kỷ niệm hoặc tham dự các lớp học. Tất cả mọi hình thức tham gia đều lợi lạc vì giúp bạn phát triển mối quan hệ với những người khác cùng trên đường tu tập. Cũng có những tập tục truyền thống trong Phật giáo mà bạn và con mình có thể thích thú khám phá. Chẳng hạn, trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, những lá cờ cầu nguyện – là những mảnh vải màu sắc rực rỡ hình chữ nhật - được treo vòng quanh đền, chùa. Theo truyền thống, những lá cờ được in hình một con ngựa với biểu tượng Ba ngôi báu (Tam bảo) trên lưng. Trên lá cờ cũng in những câu thần chú hoặc kệ tụng thiêng liêng. Ý niệm ẩn chứa trong lá cờ là khi nó được gió thổi tung bay phất phới thì thông điệp hòa bình và từ bi cũng sẽ được lan rộng trên khắp thế giới.

Ngay ở nhà, bạn cũng có thể muốn phát triển ý tưởng này với con mình. Hãy cùng nhau viết những thông điệp về hòa bình và yêu thương lên những mảnh vải và buộc chúng lên những nhánh cây trong vườn nhà. Nếu không có vườn, bạn cũng có thể buộc những thông điệp tốt đẹp này vào sau đuôi của một cánh diều và cùng với con bạn thả diều bay lên cao ở một công viên địa phương, để gió sẽ truyền đi thật xa những ý tưởng yêu thương và tốt đẹp của các bạn.

Một thực hành khác nữa mà bạn có thể giới thiệu với con mình là tô màu các mạn-đà-la. Mạn-đà-la là những hình biểu tượng được sử dụng trong truyền thống Phật giáo để giúp tăng khả năng tập trung và thiền định vì tạo ra một điểm tập trung tâm ý. Nhiều người sử dụng các khuôn hình mạn-đà-la có sẵn rồi dùng sơn màu, phấn màu hoặc bút chì màu tô lên. Việc tô màu tự nó là một phương thức thiền định hiệu quả và kết quả cuối cùng là một tác phẩm nghệ thuật đẹp mà bạn có thể đóng khung treo lên tường, để có thêm một phương tiện thiền định nữa. Đối với con bạn, cách làm này sẽ là một phương thức giới thiệu kỹ năng thiền tập rất vui thú. Những sách in hình mẫu mạn-đà-la (mandala stencil) hiện rất dễ mua và bạn sẽ tìm được hàng trăm mẫu khác nhau để chọn lựa.

GIỚI THIỆU THIỀN TẬP

Một trong những yếu tố then chốt của Phật giáo là phát triển thực hành thiền tập. Thiền tập dạy cho ta rất nhiều kỹ năng quan trọng và quý giá. Chúng ta học cách tĩnh tâm, học cách thoát ra khỏi những xáo động và xao lãng trong ngày, và ta khám phá được một chốn an tĩnh trong lòng, nơi ta có thể đạt đến một mức độ tỉnh giác mới. Sử dụng những ý tưởng trong sách này là một phương cách dễ dàng và thú vị để giới thiệu thiền tập với con bạn.

Bạn có thể đưa thiền tập vào giờ đi ngủ thường lệ của trẻ, thay thế cho việc đọc truyện, hoặc ngay sau khi đọc xong một câu chuyện trong sách này, vốn tự chúng đã sẵn có phẩm tính thiền mạnh mẽ qua việc làm cho trẻ tập trung chú ý và khuyến khích trẻ hình dung những tình tiết, nhân vật và sự kiện.

Thiền tập sẽ giúp con bạn tĩnh tâm trước khi ngủ. Dần dần bé có thể học được cách để tự mình thực hành thiền tập bất cứ khi nào cảm thấy bất an. Nhưng bước đầu phải cố gắng dành ra mỗi ngày từ 5 đến 10 phút thực hành việc thiền định có hướng dẫn và thử qua bài tập thư giãn ở cuối sách.

Bước khởi đầu sẽ rất hữu ích nếu bạn giải thích để trẻ hiểu khái niệm thiền tập như một cuộc phiêu lưu khám phá. Điều này sẽ khuyến khích trẻ sẵn sàng đón nhận và đối diện với bất cứ điều gì hiện ra. Nhưng điều quan trọng là phải chắc chắn rằng trẻ luôn cảm thấy an toàn và biết rằng chúng có thể dừng lại bất cứ lúc nào khi cảm thấy không thoải mái hay mệt mỏi.

Bằng việc dạy cho con trẻ biết thiền tập một cách có ý thức, bạn sẽ giúp trẻ có được sự mãn nguyện sâu xa và biết chú tâm trong đời sống thường nhật.

NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN

Có lẽ con bạn thích tự mình đọc những câu chuyện này, nhưng vì chúng có nguồn gốc từ truyền thống kể chuyện xa xưa nên việc đọc lên cho con bạn nghe sẽ có nhiều lợi ích hơn. Việc đọc chuyện thành tiếng cho phép bạn chia sẻ sự nhận hiểu của mình với con trẻ, khám phá những ẩn nghĩa trong câu chuyện và liên hệ các nhân vật trong chuyện với những sự kiện trong đời thường.

Bạn nên tự mình đọc qua câu chuyện trước đó để có thể tự tin khi đọc cho trẻ nghe với sự diễn cảm. Bạn cũng không cần phải tự đặt cho mình dưới áp lực căng thẳng, chỉ cần thực sự vui thích với việc đọc chuyện, đọc thật thong thả và dành thời gian cho bé tự đưa ra nhận xét về nhân vật và các sự kiện. Điều quan trọng là bạn phải thư giãn và chú tâm vào việc đọc chuyện, vì vậy hãy cố gắng dành ra ít phút để hít thở sâu và thư giãn trước khi bắt đầu.

Cần phải chắc chắn rằng con của bạn cũng đã tĩnh lặng và sẵn sàng lắng nghe. Những câu chuyện tự chúng đã sẵn có tác dụng gây tĩnh lặng, nhưng việc khuyến khích hít thở vài hơi thật sâu và thư giãn toàn thân để trẻ cảm thấy dễ chịu là rất hữu ích. Thậm chí bạn cũng có thể thực hành chuẩn bị theo mô tả ở cuối sách để chắc chắn rằng trẻ đã hoàn toàn thư giãn.

Mỗi câu chuyện được kết thúc với một ý tưởng tóm tắt để giúp trẻ hiểu rõ ý nghĩa trong chuyện. Hãy dành thời gian thảo luận những điều này với trẻ và tìm hiểu suy nghĩ, cảm xúc của trẻ về những ý tưởng này. Không có cách nào khác để mang đến một giấc ngủ ngon cho bé hơn là bình thản cùng nhau suy ngẫm về những tuệ giác của Đức Phật.

« Sách này có 20 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nguyên lý duyên khởi


Truyện cổ Phật giáo


Sống đẹp giữa dòng đời


Kinh Đại Bát Niết-bàn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.12.181 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...