Trong khi khảo cứu về Phật giáo và soạn quyển sách này, tôi tự nghĩ mình
đối với Phật pháp, cũng như con chim toan chữa lửa.
Chuyện là thế này. Tích nhà Phật có ghi lại rằng thuở trước, gặp một cơn
hỏa hoạn thiêu cháy cả núi rừng. Có một con chim thấy vậy, thương xót
cho sanh mạng của biết bao loài phải chết trong ngọn lửa dữ, nó bèn vội
bay xuống sông, thấm nước cho ướt cánh rồi bay lên giũ lông cho nước rơi
xuống đám lửa, những mong làm cho tắt đi. Vẫn biết rằng nước có thể làm
tắt lửa. Song nước mà chim kia mang lên đó, thật có thấm tháp vào đâu?
Cũng như thế, cái trí hèn của tôi có khác nào sức của chim kia, mà pháp
Phật cũng như nước sông mênh mông kia vậy. Cái trí của tôi liệu đã hiểu
được bao nhiêu trong pháp Phật mà mong làm nên chuyện cứu khổ độ sinh?
Song, tôi cũng nguyện như chim nhỏ kia, quyết gắng hết cái sức tầm
thường này mà rộng truyền pháp Phật vô tận vậy.
Đã tự biết mình như vậy, nên việc tôi biên soạn cuốn “Tăng đồ nhà Phật”
này, trong đó có cả phần giới luật của tăng sĩ Phật giáo, chắc chắn sẽ
khó lòng mà hoàn hảo được. Tuy vậy, tôi cũng rất vui được cống hiến sức
mình để ghi chép ra đây ít nhiều những tư liệu quý giá, giúp cho những
ai muốn tìm hiểu Phật pháp sẽ có được chút thuận lợi trên con đường học
hỏi cam go này!
Ngoài ra, tưởng cũng nên nói đến một nỗi khó này nữa. Trong hàng tăng
sĩ, hẳn không khỏi có đôi vị sẽ phàn nàn rằng: “Trong quyển sách này sao
lại có cả giới luật của hàng xuất gia? Đã là chuyện của hàng xuất gia,
sao chẳng giữ cho riêng biệt mà lại mang ra trình bày với người thế
tục?”
Lời ấy cũng có phần hữu lý. Có lẽ các vị sợ rằng người thế tục vốn không
thọ trì những giới luật ấy, nay biết đến thật chẳng ích gì, đôi khi lại
khinh thường mà mắc thêm tội. Còn với tăng sĩ thì đã học chữ Hán rồi, có
thể đọc ngay bản chữ Hán, chẳng cần phải dịch ra quốc âm.
Nhưng lại cũng có một số ít khác có thể âm thầm e ngại rằng, như thiện
nam tín nữ mà hiểu giới luật của tăng sĩ, sẽ mất đi sự kính trọng đối
với các ngài nếu các ngài có đôi khi sai phạm, lỗi lầm.
Thiết nghĩ rằng, chúng ta ai cũng yêu chân lý, những gì thuộc về chân lý
bổ ích thì chúng ta đều có thể tìm học. Ai dám nói rằng hàng cư sĩ tại
gia không cần phải hiểu giới luật? Không đâu, cần lắm chứ. Cư sĩ tại gia
mà hiểu giới luật, mới có thể phân biệt được một vị tăng có đức độ hay
không, mới có thể tránh xa những kẻ hủy phạm giới luật, và kính mộ nương
về theo những vị nghiêm trì giới luật. Lại nữa, ai dám chắc rằng trong
hàng cư sĩ tại gia lại không có những người có thể giữ theo một phần lớn
trong giới luật? Dù chẳng được hoàn toàn đoan chánh như các bậc cao
tăng, nhưng cũng lắm kẻ tuy là hàng bạch y cư sĩ mà tâm trí lại mong
muốn thoát trần!
Ngày xưa, lúc chư tăng kết tập kinh điển lần đầu, ngài Ca-diếp có nói
rằng: “Hàng cư sĩ tại gia cũng hiểu giới luật như chư tăng. Nếu chư tăng
sai sót hoặc bỏ bớt đi những giới nhỏ nhặt, họ sẽ trách rằng vì Phật đã
nhập diệt nên chư tăng trở nên bừa bãi, chẳng tuân giữ giới luật.” Theo
như lời ấy, người thế tục chẳng phải là cũng nên hiểu biết giới luật đó
sao?
Ở một số nước mà ngày nay đạo Phật còn giữ được quy củ nghiêm ngặt và
hàng cư sĩ tại gia thông hiểu giới luật, mỗi khi thiện nam tín nữ nhận
thấy vị tăng sĩ nào không giữ đúng giới luật, tịnh hạnh, họ liền đến
thưa với vị Trưởng lão chủ trì trong chùa. Họ làm như vậy để xây dựng
tăng đoàn trong sáng thanh cao. Vì vậy, chư tăng nơi ấy sẽ hội lại mà
tra xét, và nếu đúng vậy thì sẽ kịp thời mà trách phạt người phá giới.
Được như vậy, người tại gia hiểu giới luật chẳng phải là hữu ích lắm đó
sao?
Giới luật là chỗ nương theo của người học đạo. Có nghiêm trì giới luật
mới có thể được đạo giải thoát. Vậy nên hết thảy mọi người, nhất là tăng
sĩ, phải thường xuyên tụng đọc giới luật. Mỗi khi xem giới luật, khác
nào mình tự soi lòng. Như người có soi vào gương mới thấy chỗ dơ trên
mặt mà lau rửa. Nếu bỏ phế lâu ngày, tất nhiên khi nhìn vào phải hoảng
sợ vì thấy mặt mình dơ nhớp quá lắm vậy. Thường xem giới luật cũng thế,
giúp cho mình biết lỗi mà sửa ngay, mới giữ được sự trong sạch, tâm trí
được yên vui.
Như vậy, những ai không biết chữ Hán, nay có thể xem trong quyển “Tăng
đồ nhà Phật” này, vừa ngắn gọn, vừa rõ ràng, dễ hiểu.
Đọc hiểu giới luật, vừa để giữ mình theo đó, vừa để tìm hiểu thêm về đạo
cao thượng, vì giới luật chẳng những là giáo điều, mà cũng là triết lý
sâu xa trong đó nữa. Người giữ được giới luật sẽ trở nên trong sạch,
minh mẫn, hiểu rộng ra nhiều điều. Vậy nên giới luật cũng là những điều
rất nên tìm tòi học hỏi vậy.
Ở Nhật Bản có Luật tông là một chi nhánh rất thịnh trong đạo Phật, nhờ
các vị cao tăng luôn giữ giới luật một cách chuyên cần, thận trọng. Cùng
nhau tin theo lời Phật, quyết hành trì theo đúng giới luật. Các vị tăng
đều nhận rằng kẻ noi giữ theo giới luật tức là theo đúng pháp Phật, có
thể đắc đạo. Khi đức Phật còn trụ thế, ngài từng nói với tôn giả A-nan
rằng: “Này A-nan! Sau khi ta tịch rồi, giới luật chính là thầy của các
ngươi đó. Giới luật sẽ bảo vệ và nâng đỡ cho các ngươi.”
Do nơi giới luật mà có thể giúp người tu giữ cho thân tâm an định. Do
nơi thân tâm an định mà trí tuệ dần dần phát sanh. Do nơi trí tuệ phát
sanh mà có thể phá trừ tà kiến, ma chướng, phiền não... hết thảy những
ác nghiệp.
Mong sao quyển sách này sẽ giúp ích được phần nào cho những ai muốn bước
lên đường tu tập, có thể theo đây mà vạch ra cho mình được một hướng đi
đúng đắn lâu dài.
Tháng giêng năm 1934
ĐOÀN TRUNG CÒN