Trước khi đi vào chi tiết của giai đoạn đầu ngắn ngủi trong vòng từ năm 1786 đến năm 1788 này, chúng ta cũng nên nhìn lại lịch sử nước nhà trong khoảng thời gian ấy để có một cái nhìn cụ thể hơn lúc Nguyễn Du ở độ tuổi 20, 21 trong giai đoạn đầu của đời mình.
Thời kỳ này, ở Đàng Ngoài thì có Vua Lê, Chúa Trịnh, Đàng Trong thì có Tây Sơn và phía Nam có sự hiện diện của Gia Long Nguyễn Ánh. Một đất nước bị chia đôi ở sông Gianh mà có đến 4 thế lực chính đang hùng cứ trên quê hương, nên kẻ sĩ thời đại phải tự chọn cho mình hướng đi thích hợp với lòng mình và sự trông đợi của mọi người. Thật không phải chuyện giản đơn chút nào.
Ở Đàng Ngoài, thế lực của nhà Lê Trung Hưng đã thống trị từ năm 1533 đến năm 1789, qua 17 đời vua, trị vì trong 256 năm. Vị vua cuối cùng của triều đại này là Lê Mẫn Đế (tức Lê Chiêu Thống), trị vì từ năm 1786 đến năm 1789, là quãng thời gian Nguyễn Du đã trưởng thành. Trong thời gian đó, Chúa Trịnh cũng đã nắm quyền song song với Vua Lê, kể từ năm 1545 đến năm 1787, trải qua 10 đời Chúa, cùng cai trị với vua Lê trong 242 năm. Thời gian 5 năm cuối, từ 1782 đến 1787, cũng là thời gian có nhiều biến động trong cuộc đời Nguyễn Du. Có đến 3 vị Chúa thay nhau trong 5 năm này, Chúa Trịnh Cán chỉ nắm quyền được 1 tháng, Chúa Trịnh Khải 4 năm và Chúa Trịnh Bồng 1 năm. Thời gian này cũng tương ứng với thời gian Nguyễn Du ra làm việc quan cùng với người anh là Nguyễn Khản.
Đàng Trong do Chúa Nguyễn cai trị từ sông Gianh trở vào, từ năm 1558 đến năm 1777, trải qua 9 đời Chúa trong vòng 219 năm, mở mang bờ cõi về phương Nam. Vị Chúa Nguyễn cuối cùng nắm quyền trong 12 năm, từ năm 1765 đến năm 1777, là Chúa Nguyễn Phúc Thuần (Chúa Định).
Trong khi Tây Sơn khởi nghĩa và nắm quyền từ năm 1778 đến 1802 thì Nguyễn Ánh phải bôn đào ở Xiêm La (Thái Lan), trong đó bao gồm cả 10 năm nhà Nguyễn Trung Hưng từ năm 1792 đến năm 1802 sau khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ băng hà.
Nhà Tây Sơn chỉ có 3 vị vua. Đó là Thái Đức Nguyễn Nhạc (1778-1788), Quang Trung Nguyễn Huệ (1788-1792) và Nguyễn Quang Toản (1792-1802). Thời gian trị vì của nhà Tây Sơn chỉ trong vòng 21 năm và thời gian đầu của Nguyễn Nhạc ở Đàng Trong tương ứng với thời gian Nguyễn Du trấn đóng ở Thái Nguyên, thay mặt cho người anh là Nguyễn Khản.
Riêng Nguyễn Ánh từ năm 1777 đến năm 1802 là thời gian ở ngoại quốc và về lại Nam Việt Nam. Sau khi vua Quang Trung băng hà (1792) và Quang Toản lên làm vua từ năm 1792-1802, là giai đoạn mà Nguyễn Ánh nỗ lực khôi phục sự nghiệp chính trị của các Chúa Nguyễn đã khai phá một dải giang sơn từ sông Gianh trở vào, bắt đầu từ năm 1558 và chấm dứt vào năm 1777. Nguyễn Ánh đã không ngại nằm gai nếm mật ở ngoại quốc và xin cầu viện từ người Xiêm (Thái Lan) và người Pháp để mong khôi phục lại giang sơn của tiền nhân mình. Khi thế lực của Quang Toản nhà Tây Sơn đến hồi bế tắc, Nguyễn Ánh đã thành công và xưng đế vào năm 1802 sau khi thống nhất sơn hà, lấy hiệu là Gia Long và quốc hiệu là Đại Việt, mở đầu cho triều Nguyễn. Sau đó, 13 vua nhà Nguyễn đã tiếp tục cai trị đất nước cho đến năm 1945 thì chấm dứt. Gia tộc nhà Nguyễn trước sau có 9 đời Chúa và 13 đời Vua, cai trị 2 lần, tổng cộng là 362 năm.
Ngày nay, khi tìm hiểu lại giai đoạn lịch sử này, chúng ta thấy tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước vào thời ấy rối như tơ vò, nhất là trong giai đoạn Nguyễn Du mới bắt đầu ra làm quan tại Thái Nguyên dưới quyền người anh. Năm 1786, Nguyễn Khản mất tại Thăng Long. Năm sau đó, Nguyễn Du đã chiến đấu với quân Tây Sơn và thua trận, bỏ chạy sang Vân Nam cùng người anh kết nghĩa là Nguyễn Đại Lang.
Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh trong bài viết “Tiểu sử Nguyễn Du qua những phát hiện mới” cho biết:
“Nguyễn Du vừa đậu Tam trường ở trường thi Sơn Nam, Nguyễn Khản đã phong em làm Chánh Thủ Hiệu Quân Hùng Hậu Hiệu, chỉ huy đội quân hùng hậu nhất Thái Nguyên, cùng Nguyễn Quýnh chức Trấn Tả Đội, đội quân quan trọng khác. Quyền Trấn Thủ Thái Nguyên là Nguyễn Đăng Tiến tước Quản Vũ Hầu, tức Cai Già, Cai Gia, Nguyễn Đại Lang. Vốn là tay ‘giặc già’ Trung Quốc, gốc người Việt Đông sang tỵ nạn tại Việt Nam, được Nguyễn Khản dùng dạy võ cho các em. Thái Nguyên là nơi có nhiều người Trung Quốc sang khai thác mỏ bạc, dân giang hồ tứ chiến, việc gởi Cai Gia lên trấn Thái Nguyên là một việc hợp lý. Nguyễn Đại Lang có kết nghĩa sinh tử với Nguyễn Du, vì lớn tuổi hơn cả Nguyễn Khản (hơn Nguyễn Du 31 tuổi) nên Nguyễn Du gọi là anh Cả: Nguyễn Đại Lang. Sinh tử giao tình tại, Tồn vong khổ tiết đồng. Hai người từng bị tù, cùng chịu khổ khi bị tướng Tây Sơn Vũ Văn Nhậm bắt và cùng được tha. Nguyễn Du đã lấy quê hương của Nguyễn Đại Lang thay cho Hấp Huyện, An Huy, quê của Từ Hải: Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.”
Như vậy, qua Phạm Trọng Chánh chúng ta biết thêm nhiều điều thú vị. Đó là Nguyễn Du ngoài tài văn ra, còn có luyện võ với ông anh kết nghĩa là Nguyễn Đại Lang, và ông này đến Việt Nam chúng ta thời ấy nhằm vào lúc vua Càn Long đang trị vì tại Trung Hoa (1736-1795). Trong gần 60 năm cai trị của ông vua này, đã có nhiều người bất mãn, nên người dân và kể cả những người có học thức như Nguyễn Đại Lang (tức Cai Già) mới chạy sang nước ta để xin tỵ nạn, mặc dầu nước ta lúc ấy ở Đàng Ngoài dưới sự cai trị của Vua Lê Chúa Trịnh cũng chẳng yên ổn gì.
Thuở ấy thuộc về thời kỳ sau cùng của Vua Lê Chúa Trịnh. Người xin tỵ nạn mà được Nguyễn Khản, làm quan dưới thời Chúa Trịnh Tông (1783), cho làm đến chức Quyền Trấn Thủ Thái Nguyên, tin tưởng một cách tuyệt đối, thì biết rằng Nguyễn Đại Lang phải giỏi giang ở nhiều phương diện như võ thuật, ngôn ngữ v.v…
Ở Thái Nguyên vào thời ấy có rất nhiều người Trung Quốc qua khai thác mỏ bạc, là nơi tụ họp dân giang hồ tứ chiến, nên việc cho Cai Gia lên Thái Nguyên để trấn giữ cũng là một điều rất hợp lý. Bởi lẽ ông nói tiếng Trung Quốc (có lẽ là tiếng Quảng Đông, vì Thái Nguyên gần biên giới với Trung Quốc) và dĩ nhiên Nguyễn Đại Lang muốn hội nhập vào xã hội Việt Nam chúng ta lúc bấy giờ, nên bắt buộc ông phải rành tiếng Việt.
Từ chi tiết này, chúng ta có thể hiểu thêm việc Nguyễn Du đã dùng ngôn ngữ gì để trao đổi với Nguyễn Đại Lang. Để từ đó trong 3 năm lang thang làm tăng sĩ với Pháp danh Chí Hiên (1788-1790), ông đã không gặp khó khăn khi giao tiếp trong thời gian lưu lạc ở vùng Giang Nam, Giang Bắc đến Trường An.
Nguyễn Du thi đậu Tam trường lúc dưới 20 tuổi, đương nhiên trình độ chữ Hán của ông phải rất giỏi. Nếu không nói chuyện được bằng ngôn ngữ địa phương thì ông có thể dùng đến bút đàm. Nhưng bút đàm mất nhiều thời gian, nên nếu có thể đối thoại bằng tiếng Quảng Đông hay một ngôn ngữ khác như Phúc Kiến, Triều Châu thì Nguyễn Du sẽ không gặp khó khăn. Lập luận này có thể mở ra cho các nhà nghiên cứu một cái nhìn mới hơn về quảng đời lưu lạc của Nguyễn Du trong vòng 3 năm (1788-1790) tại Trung Hoa.
Thân phụ của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708-1776), làm quan dưới triều Lê Trung Hưng, có hiệu là Nghi Hiên (毅軒). Người anh của ông là Nguyễn Đề (阮提), còn có tên là Nguyễn Nễ (1761-1805), làm quan dưới triều Lê Trung Hưng và sau đó là Tây Sơn, có hiệu là Quế Hiên (桂軒) và người cháu là Nguyễn Thiện có hiệu là Thích Hiên. Sau này ông đến Trung Hoa, không dùng tên Nguyễn Du mà dùng tên Chí Hiên, không biết là bút hiệu hay là pháp hiệu của một người xuất gia, vì ông cũng đã có tên hiệu là Thanh Hiên (清軒) rồi. Còn khuynh hướng chính trị của Nguyễn Du lúc ấy như thế nào thật khó đoán. Chỉ sau này khi ông trốn vào Nam để tìm cách theo Nguyễn Ánh thì chúng ta mới rõ. Vì trong khi sống với anh là Nguyễn Khản tại Thái Nguyên thì Nguyễn Khản cùng cha là Nguyễn Nghiễm đều làm quan dưới triều Lê, trong khi Nguyễn Nễ về sau chấp nhận làm quan với Tây Sơn.
Như vậy, trong một nhà có đến 3 quan điểm khác nhau về việc phò vua giúp nước, nên khi Nguyễn Du đánh với quân Tây Sơn ở Thái Nguyên thua trận vào năm 1787 thì chỉ còn cách tìm đường tỵ nạn sang Trung Quốc.
Có thể ông không thích chủ trương của Nguyễn Nhạc cũng như Nguyễn Huệ, đồng thời ông cũng không phải là người hoài Lê, mà muốn chọn một minh chúa, đó chính là Nguyễn Ánh Gia Long. Ông đã làm quan dưới triều đại này gần 20 năm (1803-1820).
Khi Nguyễn Khản mất vào năm 1786 cũng là lúc Nguyễn Du cô đơn nhất, vì lẽ Nguyễn Du không có người nương tựa về cả vật chất lẫn tinh thần, nên có lẽ ông đã bàn kỹ kế sách với Nguyễn Đại Lang, chỉ có một con đường duy nhất chạy sang Trung Hoa là an ổn nhất. Bởi lẽ nếu ông ở lại sẽ không tránh khỏi sự dòm ngó của quân đội Tây Sơn, và đây có thể là thời kỳ khó khăn nhất của ông khi phải chọn lựa quê hương hay triều đại lý tưởng hoặc nên đầu hàng? Những suy nghĩ ấy là sự giằn vặt nơi ông trong thời gian này.
Nguyễn Du quyết định đi từ Thái Nguyên đến Vân Nam năm 1787 và sau đó chia tay với Nguyễn Đại Lang tại Liễu Châu. Như vậy cả hai ông đều đã bàn tính và sắp đặt trước việc này rồi. Lúc ấy danh từ tỵ nạn chắc chưa có, mà người đương thời có thể đã dùng một danh từ khác để nói lên việc mình bất mãn với chế độ đương thời, không muốn cộng tác trực tiếp, nên tìm đường thoát ly để cho tư tưởng được tự do theo nhận định của chính mình, nhất là trước ngã ba lịch sử trong giai đoạn ấy.
Đối với một người trí thức như Nguyễn Du, quả là một sự quyết định dũng mãnh và kiên cường. Bởi lẽ trước mắt Nguyễn Du mặc dù đã có Nguyễn Đại Lang là anh em kết nghĩa người Trung Hoa, có thể lo cho mình những điều căn bản khi mới đến Trung Hoa, nhưng còn những việc như cơm ăn, áo mặc, phương tiện di chuyển v.v… thì phải làm thế nào đây? Nhất là sau 3 tháng đau ốm nằm dưỡng bệnh tại Vân Nam. Nhà cửa, người thân, tiền bạc, cơm áo, lý tưởng v.v… là những đề tài không đơn giản để Nguyễn Du quyết định cho sinh lộ kế tiếp trong hành trình bỏ nước ra đi của mình.
Dĩ nhiên, ở độ tuổi trưởng thành (22) và là một ông quan trẻ đương thời, chính Nguyễn Du phải tự quyết mọi việc như trên để tìm cho mình một tương lai xán lạn hơn sau khi phải “bó thân về với triều đình” để nhận được những bổng lộc như người anh Nguyễn Nễ là điều mà ông không muốn. Trong thời đại mình, ông cũng đã nhìn thấy việc làm quan của cha và người anh Nguyễn Khản trong thời Lê mạt cũng không sáng sủa gì. Nhưng phàm là bậc lương đống của quốc gia, là kẻ sĩ Nho gia, thì bắt buộc phải chấp nhận ra làm việc với một triều đại mà nhiều khi chính mình không thích mấy. Cho nên chọn con đường ra đi khỏi quê hương Đại Việt là thượng sách.
Ai có xa quê rồi mới thấm thía nỗi nhớ quê trong muôn thuở, lúc nào cũng vọng về quê Mẹ để cố tìm lại dĩ vãng còn sót lại những hình ảnh đẹp trong tâm khảm. Tuy vậy con đường phía trước vẫn là con đường phải quyết định ngay chứ không thể chần chờ, nên quê hương đành bỏ lại sau lưng. Và ông đã cùng người anh kết nghĩa của mình rời Thái Nguyên sang Vân Nam, để rồi chia tay ở Liễu Châu. Cũng chẳng biết họ ra đi lúc ấy với giấy tờ tùy thân gì? Việc đến và ở Trung Hoa ra sao? Chúng ta có thể xem chương thứ hai kế tiếp sẽ rõ ràng hơn. Lâu nay sử sách Việt Nam ít thấy đề cập đến giai đoạn này trong đời Nguyễn Du.