Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du »» CHƯƠNG III. NGUYỄN DU - THỜI KỲ 1790-1794 »»

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du
»» CHƯƠNG III. NGUYỄN DU - THỜI KỲ 1790-1794

Donate

(Lượt xem: 2.222)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du - CHƯƠNG III. NGUYỄN DU - THỜI KỲ 1790-1794

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Trước khi đi vào chi tiết viết về Nguyễn Du trong thời gian trở lại Thăng Long vào năm 1790, chúng ta xem lại một giai đoạn lịch sử quá phức tạp trên toàn cõi Việt Nam từ Bắc vào Nam, từ Đàng Ngoài cho đến Đàng Trong và từ ngoại quốc xâm nhập vào phía Nam Việt Nam nữa. Đây có thể nói là giai đoạn đen tối nhất của lịch sử nước nhà. Do vậy chúng ta cần phải nhìn cho thật rõ thực trạng thời ấy thì chúng ta mới có thể hiểu được Nguyễn Du nhiều hơn nữa.

Đầu tiên là tình hình vua Lê ở Đàng Ngoài.

Lê Chiêu Thống (1765-1793) tên thật là Lê Duy Khiêm, khi lên ngôi lại đổi tên là Lê Duy Kỳ, là vị Hoàng đế thứ 16 của triều Hậu Lê và là vị vua cuối cùng của nhà Lê Trung Hưng. Ông ở ngôi chính thức từ tháng 7 âm lịch năm 1786 và đến đầu tháng 1 năm 1789 thì chạy sang Trung Hoa, đến năm 1793 chết tại Bắc Kinh, thọ 28 tuổi.

Ông là một người phải chứng kiến sự thay đổi lớn của lịch sử, từ việc kết thúc các đời Chúa Trịnh và sự phát triển của nhà Tây Sơn, cùng việc cầu viện nhà Thanh mang quân sang đánh Tây Sơn với hy vọng trở lại ngai vàng. Việc làm của ông cũng đã bị nhiều người đời sau phê bình là “cõng rắn cắn gà nhà”. Nhưng vua Càn Long lúc đó cũng đã già và chuẩn bị truyền ngôi lại cho con là Gia Khánh vào năm 1795, để lui về địa vị Thái Thượng Hoàng sau khi ở ngôi gần 60 năm, nên cũng không tha thiết gì mấy về lời cầu viện của Chiêu Thống. Vả lại mấy chục vạn quân Thanh cũng đã bị thua trận một cách ê chề tại Thăng Long, vào Tết âm lịch năm 1789 do Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ điều quân và đánh úp lên quân Thanh ở nhiều mặt, và cuối cùng quân Thanh đã bại trận và rút lui về nước. Do vậy Lê Chiêu Thống tức Vua Mẫn Đế có dùng bao nhiêu tấc lưỡi để biện luận giúp giải vòng vây tỏa của quân Tây Sơn tại Thăng Long thì triều đình nhà Thanh cũng không thể chấp nhận một cách dễ dàng được. Tuy mới 28 tuổi mà mất tại xứ người, chắc chắn có nhiều lý do, nhưng lý do chính có lẽ vì uất ức không được làm vua Đại Việt và ngôi vua bây giờ chính thức đã bị triều đại Tây Sơn thay ngôi đổi chủ rồi, dẫu có về lại được quê hương Đại Việt cũng chẳng xứng đáng chút nào.

Về phía Chúa Trịnh xem như “Trịnh Sâm là vị Chúa cuối cùng, đóng vai trò nhà Chúa trong 15 năm, kể từ năm 1767-1782. Ông còn có tên là Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, thụy hiệu là Thánh Tổ Thịnh Vương, là vị Chúa thứ 8 của họ Trịnh cầm quyền ở miền Bắc Đại Việt thời Lê Trung Hưng. Ông quê ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, Việt Nam.

Từ nhỏ ông đã được ăn học tử tế và có được trí thông minh, quyết đoán hơn người. Năm 1767, sau khi cha (Trịnh Doanh) qua đời, Trịnh Sâm lên ngôi. Trong những năm đầu cai trị, ông chính thức hoàn thành công cuộc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân, sửa sang nền chính trị và tiến hành việc Nam chinh, thu được đất Thuận Hóa, bên trong tiếp tục hiếp chế vua Lê, giết chết Thái tử Duy Vĩ.

Từ sau năm 1775, Trịnh Sâm ngày càng sa vào tửu sắc, chính trị suy bại, cuộc sống người dân trở nên cơ cực. Ông sủng ái Tuyên Phi Đặng Thị Huệ và Quận huy Hoàng Đình Bảo. Đến năm 1780, Thế tử Trịnh Tông nổi loạn nên bị phế truất, con Tuyên Phi là Trịnh Cán mới 4 tuổi được lập làm Thế tử. Trịnh Sâm sau đó cũng mắc bệnh và qua đời năm 1782, Trịnh Cán còn nhỏ lên nối ngôi, chỉ làm vua được 1 tháng, họ Trịnh ngày càng lún sâu vào con đường suy sụp.” (Trích Wikipedia tiếng Việt).

Tuy nhiên nhà Trịnh đến đó chưa phải là hết, mà từ năm 1782-1787 còn thêm 2 Chúa nữa cai trị. Đó là Chúa Trịnh Khải 4 năm (1782-1786) và cuối cùng Trịnh Bồng cũng chỉ được 1 tháng (1786-1887). Như vậy tất cả các Chúa Trịnh cùng với Vua Lê cai trị Đàng Ngoài tổng cộng được 242 năm (1545-1787) song song với nhà Lê thuở bấy giờ.

Đến thời kỳ của Chúa Nguyễn bắt đầu từ năm 1558 ở phía Đàng Trong, nằm bên dưới của sông Gianh và 9 vị Chúa này (Chúa Tiên, Chúa Sãi, Chúa Thượng, Chúa Hiền, Chúa Nghĩa, Chúa Minh, Chúa Ninh, Chúa Vũ và Chúa Định) đã trị vì Đàng Trong từ năm 1558 đến năm 1777. Tổng cộng là 219 năm (1777 – 1558 = 219 năm). Đến năm 1777 kết thúc giai đoạn 1 của nhà Nguyễn. Trong giai đoạn này vào thời Chúa Nguyễn Phúc Lan (Chúa Thượng 1635-1648) là thời điểm đáng nói nhất. Bởi lẽ từ năm 1640-1646 bên Trung Hoa, nhà Thanh chinh phục thành công, đã chiếm ngôi nhà Minh. Những người bài Thanh phục Minh tìm cách đi về phía Nam để tỵ nạn. Họ không thể chạy sang Đàng Ngoài. Vì lẽ Vua Lê, Chúa Trịnh lệ thuộc Trung Quốc, nếu họ đến Đàng Ngoài để xin tỵ nạn chính trị, họ sẽ dễ bị trả về lại cho Trung Hoa. Do vậy họ đi thẳng đến cửa biển Hội An hay cửa biển Thị Nại ở Bình Định của Chúa Nguyễn Đàng Trong để xin tỵ nạn chính trị.

Từ năm 1640 trở đi, cửa biển Hội An là một thương cảng lớn nên người Nhật, người Hoa, người Ấn Độ, người Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hòa Lan đến đây buôn bán suốt trong nhiều năm dài. Đây là cái mốc, một giai đoạn lịch sử cũng cần nên quan tâm và nhớ đến.

“Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777) ở ngôi 1765-1777 hay Nguyễn Duệ Tông, còn có tên khác là Nguyễn Phúc Hân, là người cai trị thứ 9 của chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào thời kỳ Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam, sau cái chết của Phụ vương (Nguyễn Phúc Khoát), Nguyễn Phúc Thuần được quyền thần Trương Phúc Loan lập làm Vương khi chỉ mới 12 tuổi, và người này sau đó thâu tóm hết chính quyền ở Nam Hà và làm nhiều việc khiến triều đình Phú Xuân ngày càng lụn bại, suy yếu.

Từ năm 1771, anh em Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn, quân nhà Nguyễn liên tục bị thua trận. Đến năm 1774, Chúa Trịnh ở miền Bắc, nhân Nam Hà có loạn nên xuất quân Nam hạ. Chúa Nguyễn phải bỏ Phú Xuân, chạy về Gia Định. Sau khi quân Trịnh chiếm được Phú Xuân và rút đi, thì nhà Nguyễn vẫn phải đối phó với quân Tây Sơn thế lực ngày càng phát triển, cộng thêm sự tranh chấp trong nội bộ giữa các tướng Nguyễn, khiến tình hình càng thêm nguy khốn. Cuối năm 1776, Nguyễn Phúc Thuần dưới sức ép của tướng mạnh là Lý Tài, phải nhường ngôi cho cháu là Đông Cung Nguyễn Phúc Dương, bản thân tự xưng là Thái Thượng Vương, nhưng vẫn còn nắm binh quyền trong tay nhằm tranh chấp với phe Phúc Vương, hình thành cục diện hai vương. Nửa cuối năm 1777, quân Tây Sơn truy kích vào nơi ở của các Chúa Nguyễn hai vương, Nhà Nguyễn đều bị bắt và xử tử. Sau đó một thành viên trong vương tộc là Nguyễn Phúc Ánh được tôn lên ngôi Chúa và lãnh đạo quân Nguyễn chống chọi liên tục với Tây Sơn trong 25 năm tiếp theo. Cuối cùng giành được thắng lợi và thống nhất Việt Nam vào năm 1802, mở ra Vương triều nhà Nguyễn, tiếp nối những Chúa Nguyễn bị đứt đoạn từ năm 1787.” (Trích Wikipedia tiếng Việt).

Từ làng Tây Sơn ở Bình Định thuộc miền Trung Việt Nam có 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ mong mỏi làm nên nghiệp đế và khởi nghĩa từ Tây Sơn để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa Chúa Trịnh Vua Lê ở Đàng Ngoài và Nhà Nguyễn ở Đàng Trong. Mục đích tuy đẹp, nhưng khi quyền hành đã vào tay người nào rồi, thì người ấy cố thủ, dẫu cho có là anh em ruột thịt trong một nhà cũng vậy. Cho nên lâu nay chữ “tranh bá đồ vương” nó không phải chỉ dành để ám chỉ cho dòng họ này lật đổ dòng họ kia, mà chính ruột thịt cũng sẽ sát phạt nhau để muốn nắm giữ ngai vàng, trong đó có anh em Tây Sơn là một bằng chứng.

“Người anh cả tên là Nguyễn Nhạc (1743-1793) hay còn gọi là Nguyễn Văn Nhạc, sau đổi lại là Nguyễn Đình Nhạc là vị vua sáng lập ra nhà Tây Sơn, ở ngôi Hoàng Đế từ năm 1778-1788, xưng là Thái Đức Hoàng Đế. Từ năm 1789-1793, ông từ bỏ đế hiệu trao quyền lãnh đạo cho em trai là Hoàng Đế Quang Trung, còn ông thay đổi tước hiệu của mình xuống thành Tây Sơn Vương…

“Song ông không có ý muốn thống nhất đất nước khi đã tiêu diệt Chúa Trịnh ở phía Bắc mà lên ngôi Hoàng Đế khi đất nước chưa thống nhất. Về sau ông đã bị lu mờ trước người tiếp tục lãnh đạo phong trào Tây Sơn trong công cuộc thống nhất chính là em trai ông, Nguyễn Huệ. Quyền lực của Nguyễn Huệ ngày càng vượt hơn anh, ông đành chấp nhận giao lại quyền lãnh đạo cho em trai là Nguyễn Huệ. Năm 1793, ông bị các tướng vua cháu Quang Toản nhân cơ hội đã chiếm lấy thành Quy Nhơn, ông uất ức đột tử mà chết.” (Trích Wikipedia tiếng Việt).

Thua em và giận cháu cũng như không tin tưởng với nhau chỉ vì quyền lợi cá nhân của mình, nên mới ra nông nổi ấy. Bằng chứng hiển nhiên là sau khi Nguyễn Huệ đại thắng, chiếm thành Thăng Long quay về lại Bình Định, điều đầu tiên mà Nguyễn Nhạc hỏi Nguyễn Huệ không phải sức khỏe trên đường chinh chiến của em trai ra sao mà ông chỉ hỏi đã lấy được bao nhiêu vàng bạc của Vua Lê, Chúa Trịnh để lại. Từ đó nội thù càng ngày càng cao chứ không thuyên giảm. Từ năm 1788 đến năm 1792 là giai đoạn lịch sử quan trọng của Đại Việt và thời kỳ này do em ruột của ông là Nguyễn Huệ lãnh đạo để thống nhất đất nước. Sau Nguyễn Huệ là Quang Toản (con thứ của Nguyễn Huệ) lên làm vua lúc 9 tuổi từ năm 1792 đến năm 1802 là chấm dứt 3 đời vua của Vương triều Tây Sơn ngắn ngủi chỉ có 24 năm.

Khi Cảnh Thịnh (vua Quang Toản) lên ngôi còn quá nhỏ và bị Thái Sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, không có kinh nghiệm trong việc triều chính, nên đã làm cho các đại thần quay sang giết hại lẫn nhau dẫn đến nội bộ lục đục, triều chính suy vi và đây là cơ hội tốt nhất để Nguyễn Ánh từ Xiêm La trở về tấn công để giành lại chính quyền cho dòng họ nhà Nguyễn.

Trong khi đó người anh hùng nổi tiếng trong triều đại này chính là Quang Trung Nguyễn Huệ, đã đại thắng quân Thanh vào năm 1789 mà lịch sử vẫn còn ghi lại. Vậy Quang Trung Nguyễn Huệ đã xuất hiện trong giai đoạn lịch sử này như thế nào và có liên hệ gì với thi hào Nguyễn Du, cũng như truyện Kiều được soạn dịch ra bằng chữ Nôm trong thời điểm này chăng thì nên xem một phần của Wikipedia tiếng Việt đã cập nhật như sau:

“Quang Trung Hoàng Đế (1753-1792), miếu hiệu Tây Sơn Thái Tổ, được dùng để phân biệt với Nguyễn Thái Tổ nhà Nguyễn, danh xưng khác là Bắc Bình Vương, tên thật là Nguyễn Huệ sau đổi tên là Nguyễn Quang Bình, là vị Hoàng Đế thứ hai nhà Tây Sơn. Sau khi Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi lại cho ông. Quang Trung không những là một trong những vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc bách chiến bách thắng, mà còn là nhà cai trị tài giỏi. Ông đã đưa ra chính sách cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam. Ông là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Huệ và hai người anh em của ông, được biết đến với tên gọi Tây Sơn tam kiệt, là những lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa 2 chế độ phong kiến, Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía Nam. Lật đổ hai chế độ này cùng nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân biệt Đàng Trong – Đàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ. Ngoài ra Quang Trung còn là người đánh bại các cuộc xâm lăng Đại Việt của Xiêm La (Thái Lan) từ phía Nam, của Đại Thanh từ phía Bắc. Bản thân ông đã cầm quân chiến đấu từ năm 18 tuổi, trong 20 năm liền đã trải qua hàng chục trận đánh lớn và chưa hề thua một trận nào…

“… Về phát triển giáo dục thì trong lịch sử Việt Nam chỉ có hai triều đại đề cao vai trò của chữ Nôm. Đó là triều đại Hồ Quý Ly và triều đại vua Quang Trung. Hồ Quý Ly tuy trọng dụng chữ Nôm, cho dịch văn Nôm nhưng vẫn chưa coi chữ Nôm như một thứ văn tự chính thức dùng trong triều đình và thi cử, chỉ đến thời đại Quang Trung chữ Nôm mới được nâng cao địa vị.

“Năm 1792, Quang Trung ra chiếu chỉ về việc dịch sách chữ Hán sang chữ Nôm. Quang Trung chủ trương bỏ Hán ngữ như là ngôn ngữ chính thức trong các văn bản của quốc gia. Ngôn ngữ chính thức được sử dụng là tiếng Việt và được viết trong các văn kiện hành chánh bằng hệ thống chữ Nôm. Quang Trung quy định các bài hịch, chiếu chỉ phải soạn bằng chữ Nôm, đề thi viết bằng chữ Nôm và đến đệ Tam trường các sĩ tử phải làm thơ phú bằng chữ Nôm. Ông còn chủ trương thay toàn bộ sách học chữ Hán sang chữ Nôm nên năm 1791 đã cho lập “Sùng Chính Viện” để dịch kinh sách từ Hán sang Nôm…”

Kế đến việc đi sứ sang Thanh của gia phả họ Vũ được viết như sau:

“Vũ Văn Dũng cầm đầu Sứ đoàn đã đến Yên Kinh và được vào bệ kiến vua Càn Long. Vũ Văn Dũng đã hoàn thành cả 2 nhiệm vụ, cầu hôn và xin đất làm đô. Vũ Văn Dũng lại được vào bệ kiến Càn Long ở Ỷ Lương Các và vua Càn Long đã đồng ý trao đất Quảng Tây cho Vua Quang Trung để làm đô và gả một Công chúa cho vị Thủ lĩnh Tây Sơn. Về việc cầu hôn, sau buổi tiếp Sứ thần Đại Việt, Vua Càn Long ra lệnh cho bộ Lễ sửa soạn nghi lễ và định ngày cho Công chúa nước Đại Thanh sang kết duyên cùng Vua Đại Việt.

Mọi việc đang tiến hành tốt đẹp thì bất ngờ Vua Quang Trung qua đời (1792), các quan dìm việc cầu hôn và việc xin trả lại đất, không cho Thanh triều biết”. (Hết trích).

Cũng nhờ chiếu chỉ của Vua Quang Trung ban ra vào năm 1792 trước khi ông băng hà, về việc thay chữ Hán bằng chữ Nôm trong tất cả các văn kiện của chính quyền đương thời và ngay cả thi văn, học tập, giáo dục, chính trị v.v… đều phải theo lệnh ấy mà thi hành. Đây là cơ hội tốt cho Nguyễn Du ngồi nhà tại Thăng Long từ năm 1790 đến 1794 để phóng tác truyện Kiều bằng chữ Nôm mà ngày hôm nay chúng ta có cơ hội để đọc đến. Nếu không có người chủ trương thì công việc làm của một người dầu tài giỏi cho đến đâu cũng sẽ dễ đi vào quên lãng. Ở đây đã có chính sách giáo dục thông thoáng của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ như vậy, nên Nguyễn Du sẽ dễ bề thi thố tài năng trong giai đoạn lịch sử này.

Việc này cũng có thể xác định rằng truyện Kiều do Nguyễn Du diễn dịch bằng chữ Nôm là vào thời Tây Sơn, chứ không phải thời Gia Long lên ngôi cũng như sau đó. Bởi lẽ sau khi Gia Long thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng Đế thì Gia Long khôi phục lại chữ Hán và dùng chữ Hán như là chữ quốc ngữ, chứ Gia Long không xem trọng chữ Nôm như Quang Trung Nguyễn Huệ.

Mặc dầu Nguyễn Du không có cảm tình với Tây Sơn nhiều như nhà Nguyễn Gia Long, nhưng trong thâm tâm ông có lẽ ông cũng phải phục Nguyễn Huệ, vì lẽ là một anh hùng của dân tộc và Nguyễn Huệ là người có cái nhìn xa, hiểu rộng, không bị chế độ của Nho gia trói buộc ở mọi phương diện như chính trị, văn hóa, tôn giáo v.v…

Một điều đặc biệt nữa cần phải nên xác nhận, là trong thời gian làm quan của Nguyễn Du dưới thời vua Gia Long từ năm 1803 đến 1820 khi ông qua đời, việc quan bận rộn do công việc của nhà nước và phải di chuyển nhiều nơi để thị sát tình hình, nên chắc rằng ông đã không có thời giờ và đầu óc rảnh rang để viết truyện Kiều thành một áng văn chương tuyệt tác để lại cho đời sau, gồm 3.254 câu như vậy. Việc này có thể tin tưởng được. Như vậy không còn lầm lẫn gì nữa là nhờ vào chế độ giáo dục cởi mở và xem chữ Nôm như là chữ Quốc Ngữ của Đại Việt do Hoàng Đế Quang Trung chủ trương mà Nguyễn Du và chúng ta ngày nay hãnh diện với thế giới rằng Việt Nam đã tiến bộ về ngôn ngữ tiếng Nôm từ thuở ấy.

Sau này khi Vua Gia Long lên ngôi cho bêu xấu chế độ Tây Sơn và gọi cái tên không có cảm tình mấy, đó là ngụy. Ngụy có nghĩa là khác với chơn. Ở đây ý nói Gia Long mới là chơn truyền của dòng họ Nguyễn, còn Tây Sơn chỉ là những anh hùng như “Lương Sơn Bạt” của Trung Hoa mà thôi. Tuy vậy lịch sử một thời đã vang bóng, khiến cho Tôn Sĩ Nghị cùng mấy vạn quân Thanh phải kinh hồn bạt mạng lo chạy trốn về Quảng Tây, còn Vua Càn Long đã chịu gả Công chúa cũng như trả lại đất Lưỡng Quảng cho dân tộc Việt, là những điều đáng được đề cao và không nên phủ nhận một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như thế.

Theo “Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia I” đã giới thiệu về “Hoàng Đế Gia Long và công cuộc khai lập Triều Nguyễn 200 năm nhìn lại” như sau:

“Kỳ I: Lập nước, đặt quốc hiệu, xưng Hoàng Đế Gia Long, vị Hoàng Đế đầu tiên sáng lập nên Triều Nguyễn, trị vì từ năm 1802 đến năm 1820, ông là người thống nhất giang sơn về một mối sau gần 300 năm chia cắt bởi cuộc chiến phân tranh Trịnh - Nguyễn. Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Hoàng Đế Gia Long, cùng nhìn lại sự nghiệp của ông và công cuộc khai sáng vương nghiệp nhà Nguyễn qua châu bản và một số tư liệu lịch sử.

“Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh) còn có húy hiệu là Chủng hay Noãn, là con trai thứ ba của Hoàng tử Nguyễn Phúc Lâm với bà Nguyễn Thị Hoàn, và là cháu nội của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ông sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (ngày 8.2.1762), mất ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (ngày 3.2.1820) truyền ngôi cho Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Đảm tức Vua Minh Mệnh (Minh Mạng).

“Có thể nói cuộc đời của Nguyễn Ánh (Gia Long) là sự nghiệp của một võ tướng trên lưng ngựa. Năm 1777 khi mới 15 tuổi ông đã phải bôn tẩu gian nan cùng với gia tộc Chúa Nguyễn, bắt đầu cuộc chiến 25 năm với quân Tây Sơn để khôi phục ngôi vị. Cho đến nay có khá nhiều quan điểm trái ngược về Nguyễn Ánh, nhiều người cho rằng ông bắt tay với Xiêm La (Thái Lan), Pháp và Nhà Thanh để chống lại Tây Sơn. Việc cầu viện ngoại bang nhằm khôi phục vương quyền đã khiến Nguyễn Ánh bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên khách quan mà nói, ông là người có công đóng góp không nhỏ trong việc thống nhất giang sơn, kết thúc cuộc nội chiến liên miên nhiều thế kỷ ở Việt Nam.

“Năm 1792, Vua Quang Trung mất, nội bộ nhà Tây Sơn suy yếu, lợi dụng cơ hội đó Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn. Năm 1802 ông chính thức lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, mở ra một triều đại quân chủ mới - Triều Nguyễn…” (Hết trích).

Trong thời gian từ năm 1778 đến năm 1792 gia tộc của Nguyễn Ánh phải bôn ba nơi Xiêm La. Ở đó Nguyễn Ánh luyện tập binh sĩ chuẩn bị thời cơ để trở lại miền Nam. Tuy Vua Rama Đệ Nhất (1782-1809) Thái Lan ủng hộ ông và gia quyến được ở lại trên đất Thái, mở trường học, chùa viện Việt Nam v.v… nhưng lúc nào ông cũng muốn báo thù cho Tổ Tiên mình, nên đã tìm đủ mọi cách để liên hệ với Pháp và nhà Thanh để mưu đồ đem quân về chiếm lại Đại Việt. Cũng may cho Nguyễn Ánh là năm 1792 Quang Trung Nguyễn Huệ đã băng hà. Nếu Quang Trung Nguyễn Huệ không phải chết ở tuổi 40 thì thời kỳ phục quốc của Nguyễn Ánh còn phải kéo dài hơn nữa.

Thời điểm từ năm 1792 đến 1802 gọi là thời Nguyễn Trung Hưng và thời gian này Nguyễn Du đang ở Thăng Long, không cộng tác với Tây Sơn như anh vợ ông là Đoàn Nguyễn Tuấn hay anh ruột của ông là Nguyễn Đề (Nễ), mà trong thời gian này có lẽ Nguyễn Du vừa sáng tác Truyện Kiều bằng chữ Nôm, vừa nghe ngóng tin tức của Nguyễn Ánh phục quốc như thế nào để sau này ông sẽ tiếp tay cho vương triều này. Không biết lý do tại sao cha Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm, anh Nguyễn Du là Nguyễn Khản làm quan dưới triều Vua Lê Chúa Trịnh, anh ông là Nguyễn Đề lại đi làm quan cho Tây Sơn và chỉ có ông là có cảm tình với Nguyễn Ánh? Có lẽ do thời thế tạo chỗ đứng cho anh hùng chăng?

“Ông cũng đã có lần nuôi ý định chạy trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh, người lúc đầu lấy hiệu là Lê Trung Hưng, để thu phục các nhân sĩ muốn khôi phục nhà Lê. Về việc này Nguyễn Du bị Quận Công Nguyễn Thân, bạn thân của người anh ruột Nguyễn Đề, bắt giam 3 tháng và chỉ trả tự do khi nhận ra người ‘tù nhân lương tâm’ này không chống Tây Sơn một cách quyết liệt như Hoàng Quang, Trần Danh An, Lê Duy Đản… mà chẳng qua đó là cách bày tỏ một thái độ đạo đức, thể hiện qua hai câu thơ:

Hán mạt nhất thời vô nghĩa sĩ,
Chu sơ tam kỷ hữu ngoan dân.

Nghĩa là:

Cuối Hán tạm thời không nghĩa sĩ,
Đầu Chu vẫn có dân trung thành.

(Trích từ Nguyễn Du và Phật Giáo, Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh, trang 76)

Ngay cả khi Nguyễn Du ở bên Trung Hoa từ năm 1788-1790 cũng chưa thấy có bài thơ nào mang tâm trạng hoài Lê hay Trịnh. Đồng thời ông cũng không có bài thơ nào chống Tây Sơn một cách quyết liệt. Có lẽ thời thế lúc ấy bắt buộc Nguyễn Du phải ẩn nhẫn chờ cơ hội minh chúa xuất hiện và mình thì chuyên tâm để viết truyện Kiều.

Theo Wikipedia tiếng Việt viết về “Kế hoạch Nam tiến dở dang” của Quang Trung có liên hệ với Nguyễn Ánh như sau:

“Ngày 25 tháng 1 năm 1787, Bá Đa Lộc (Giáo sĩ người Pháp làm Cố vấn cho Nguyễn Ánh) đã thay mặt Nguyễn Ánh ký Hiệp ước Versailles (1787) với Pháp. Theo đó, Vua Pháp đồng ý cử sang 4 chiếc tàu chiến và một đạo binh: 1.200 lục quân, 200 pháo binh, 200 lính da đen Phi Châu (Cafres) và đủ các thứ súng ống thuốc đạn để đánh Tây Sơn. Ngược lại, sau khi chiến thắng, Nguyễn Ánh nhường cho Pháp cửa Hội An (Faifo) và đảo Côn Lôn (Poulo-Condore), chủ quyền các vùng đất đó thuộc về nước Pháp ngay lúc quân đội Pháp chiếm đóng hòn đảo nói trên. Đúng lúc đó thì nước Pháp xảy ra Cách Mạng (1789), Vua Pháp không thực hiện Hiệp ước nhưng Bá Đa Lộc đã kêu gọi các thương nhân người Pháp trợ giúp cho Nguyễn Ánh.

“...Việc củng cố Gia Định cộng thêm sự giúp đỡ của người Pháp đã giúp cho thế lực của Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, có thể đối đầu với Tây Sơn. Quân Nguyễn Ánh được người Pháp hỗ trợ kéo ra đánh Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh. Quân của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc liên tiếp bại trận và mất mấy thành này. Cho tới năm 1791, Nguyễn Nhạc chỉ còn cai quản Quy Nhơn, Phú Yên và Quảng Ngãi.

“Sau khi ổn định tình hình Bắc Hà, Quang Trung quyết tâm tiêu diệt Nguyễn Ánh. Ông ra sức trấn an Nguyễn Nhạc và nhân dân trong vùng do Nguyễn Nhạc cai quản để chuẩn bị Nam tiến… Để chuẩn bị phối hợp với Quang Trung, năm 1792, Nguyễn Nhạc đóng nhiều tàu thuyền ở cửa Thị Nại để Nam tiến. Nhưng lúc đó là mùa gió nồm, chỉ thuận cho quân Nam ra, phải đợi cho đến mùa Đông mới thuận gió cho quân Tây Sơn vào. Nguyễn Ánh thừa dịp cùng quân Pháp, Bồ Đào Nha đánh úp cửa Thị Nại, đốt cháy nhiều thuyền chiến của Tây Sơn. Tây Sơn Vương không phòng bị, lại phải thu quân về Quy Nhơn …” (Hết trích).

Điểm qua lịch sử một thời hay nói đúng hơn là một giai đoạn nhiêu khê như thế từ khi trở về lại Đại Việt, Nguyễn Du phải tự chọn cho mình một thế đứng cho tương lai, vì lúc ấy ông mới có 24 tuổi, tương lai còn dài. Nếu công khai ra phò Tây Sơn như anh Nguyễn Đề của mình thì ông cũng không muốn. Chỉ có cách duy nhất là ở vậy để chờ thời.

Theo tác giả Phạm Trọng Chánh trong bài Tiểu sử Nguyễn Du qua những phát hiện mới” thì: “Từ giữa năm 1790 đến 1794, Nguyễn Du sống tại Thăng Long, nương tựa nơi anh Nguyễn Nễ, nhưng sống tại Gác Tía nhà câu cá anh Nguyễn Khản, cạnh đền Khán Xuân và Cổ Nguyệt Đường, yêu cô hàng xóm họ Hồ. Ba năm này Nguyễn Du viết Đoạn Trường Tân Thanh. Phạm Đình Hổ trong thơ chữ Hán đã trêu cô gái mới lớn Hồ Phi Mai, yêu anh chàng viết Đoạn Trường nên đứng trước gương cũng uốn éo như đứt ruột.” (Hết trích)

Như vậy chúng ta có thể khẳng định là Nguyễn Du đã viết Kim Vân Kiều truyện hay Đoạn Trường Tân Thanh trong thời điểm trên tại Hà Nội và truyện Kiều chính thức có mặt tại Việt Nam sau năm 1794 khi Nguyễn Du từ Trung Quốc về, sau 3 năm lưu lạc (1788-1790) làm nhà sư Chí Hiên và bắt gặp tác phẩm này do Thanh Tâm Tài Nhân viết bằng chữ Hán và Nguyễn Du bây giờ bắt đầu phóng tác ra chữ Nôm.

Do vậy, ở đây chúng ta cũng cần nên biết rõ nội dung của câu chuyện mà Thanh Tâm Tài Nhân đã viết từ thời nhà Minh ở bên Trung Quốc như thế nào và ông đã thêm bớt nhân vật hay hoàn cảnh ra sao để trở thành một áng văn chương bất hủ như Truyện Kiều mà ngày nay chúng ta đang có được.

Nội dung của Kim Vân Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh được trích dẫn từ Wikipedia tiếng Việt cũng như trang “TRUYỆN 4 U Net” đọc lời dẫn về truyện Kiều như sau:

“Thanh Tâm Tài Nhân sống vào đời nhà Minh. Ông quê ở huyện Sơn Âm, tỉnh Chiết Giang, học giỏi hiểu biết rộng, nhưng đi thi không đỗ, bèn làm mặc khách của Hồ Tông Hiến.

“Sinh thời đã có lần Thanh Tâm Tài Nhân thảo tờ biểu ‘Dâng hươu trắng’ cho vua nên trở thành nổi tiếng.

Ngoài tác phẩm chính Kim Vân Kiều truyện, ông còn có loạt kịch Tứ Thanh Viên (Vượn kêu bốn tiếng) gồm 4 vở kịch: Ngư Dương Lộng, Thúy Nương Mộng, Hoa Mộc Lan và Nữ Trạng Nguyên.

“Ông tên thật là Từ Văn Trường, tức Từ Vị, còn có một số bút hiệu khác là Thiện Tri, Thanh Đằng, Điền Thủy Nguyệt. Theo nhiều tư liệu, sử sách chép ông sinh năm 1521 mất năm 1593, đương thời với ca kỹ tên Vương Thúy Kiều.”

“Kim Vân Kiều là một bộ tiểu thuyết chương hồi có lối kết cấu truyền thống theo kiểu văn xuôi cổ điển Trung Quốc. Sách gồm 20 hồi, trước mỗi hồi đều có phần giới thiệu tóm lược nội dung, lời bình phẩm mà người đời sau thường xem là lời của Kim Thánh Thán. Cuối mỗi hồi đều có câu: Muốn biết sự việc thế nào, xin xem hồi sau phân giải…”

Phần dịch ra tiếng Việt 20 hồi trong mục lục truyện như sau:

第一回

無情有情陌路弔淡仙
有緣無緣劈空遇金重

Hồi 1:

Vô tình hữu tình, mạch lộ điếu Đạm Tiên,
Hữu duyên vô duyên, phách không ngộ Kim Trọng.

Hồi thứ nhất:

Đâu lẽ vô tình, trên đường viếng mộ Đạm Tiên.
Nào phải vô duyên, bỗng dưng Kiều gặp Kim Trọng.

第二回

王翠翹坐癡想夢題斷腸詩
金千里盼東牆遙定同心約

Hồi 2:

Vương Thúy Kiều tọa si tưởng, mộng đề đoạn trường thi,
Kim Thiên Lý phán đông tường, dao định đồng tâm ngữ.

Hồi thứ hai:

Thúy Kiều trong mộng, gặp Đạm Tiên làm thơ Đoạn Trường,
Kim Trọng vượt tường, cùng người yêu buông lời thề ước.

第三回

兩意堅藍橋有路
通宵樂白璧無瑕

Hồi 3:

Lưỡng ý kiên, Lam kiều hữu lộ
Thông tiêu lạc, bạch bích vô hà.

Hồi thứ ba:

Đôi bên cùng quyết, chốn Lam kiều tìm được đường sang,
Suốt đêm hòa vui, giữ vẹn băng trinh lòng ngọc.

第四回

孝念深而身可捨不忍宗淪
姻緣斷而情難忘猶思妹續

Hồi 4:

Hiếu niệm thâm nhi thân khả xả, bất nhẫn tông luân.
Nhân duyên đoạn nhi tình nan vong, do tư muội tục.

Hồi thứ tư:

Hiếu đạo sâu dày, Kiều quên thân quyết cứu nạn nhà,
Tơ duyên ngắn ngủi, tình khó quên cậy duyên em nối.

第五回

甘心受百忙裏猛棄生死
捨不得一家人哭斷肝腸

Hồi 5:

Cam tâm thụ bách mang lý, mãnh khí sanh tử,
Xả bất đắc nhất gia nhân, khốc đoạn can trường.

Hồi thứ năm:

Chuyện nhà trăm sự ngổn ngang, đành quên thân mình sống chết,
Người thân không nỡ chia ly, khóc than ruột đứt gan lìa.

第六回

孝女捨身行孝猶費周旋
金夫消屈得金全不費力

Hồi 6:

Hiếu nữ xả thân hành hiếu, do phí chu toàn,
Kim phu tiêu khuất đắc kim, toàn bất phí lực.

Hồi thứ sáu:

Con gái hiếu quên mình báo hiếu, trang trải mọi điều,
Lũ quan tham nhàn nhã được vàng, không cần nhọc sức.

第七回

含羞告父母用情之終
忍恥賦狂且失身之始

Hồi 7:

Hàm tu cáo phụ mẫu dụng tình chi chung,
Nhẫn sỉ phú cuồng thả thất thân chi thủy.

Hồi thứ bảy:

Thẹn thùng tỏ mối tình chung, nỉ non thưa cùng cha mẹ,
Nuốt nhục nhắm mắt đưa chân, thất thân với kẻ vô nghì.

第八回

王孝女甘心白刃
馬秀媽計賺紅顏

Hồi 8:

Vương hiếu nữ cam tâm bạch nhận,
Mã Tú ma kế trám hồng nhan.

Hồi thứ tám:

Hiếu nữ họ Vương, đành lòng quyên sinh bằng dao nhọn,
Tú bà họ Mã, nhẫn tâm lập kế gạt hồng nhan.

第九回

惜多才認作賊子
坑薄命偕俠圖財

Hồi 9:

Tích đa tài nhận tác tặc tử,
Khanh bạc mệnh giai hiệp đồ tài.

Hồi thứ chín:

Tiếc kẻ đa tài, vẫn mắc mưu gian đại bịp,
Hận mình phận bạc, không đường thoát chốn lầu xanh.

第十回

破落戶反面無情
老娼根煙花教訓

Hồi 10:

Phá lạc hộ phản diện vô tình,
Lão xướng căn yên hoa giáo huấn.

Hồi thứ mười:

Sa cảnh khó, phận hồng nhan đành phải đổi lòng,
Gái điếm già, lắm tài nghề dạy cách trăng hoa.

第十一回

哭皇天平康寄恨
醉風流金屋謀嬌

Hồi 11:

Khốc hoàng thiên bình khang ký hận,
Túy phong lưu kim ốc mưu Kiều.

Hồi thứ mười một:

Thơ “Khóc với trời cao” đem hận lòng san sẻ,
Say cảnh phong lưu, Thúc Sinh đẹp đôi với Kiều.

第十二回

衛華陽智伏馬娼
束生員喜聯王美

Hồi 12:

Vệ Hoa Dương trí phục Mã xướng,
Thúc Sinh viên hỷ liên Vương mỹ.

Hồi thứ mười hai:

Vệ Hoa Dương mưu cao trị Mã tú bà,
Thúc Sinh trọn niềm vui cùng Vương mỹ nữ.

第十三回

別心苦何忍分離
醋意深全不說破

Hồi 13:

Biệt tâm khổ hà nhẫn phân ly,
Thố ý thâm toàn bất thuyết phá.

Hồi thứ mười ba:

Lòng riêng đau khổ sao nỡ chia ly,
Ý ghen sâu độc giữ kín không nói.

第十四回

宦鷹犬移花接木
王美人百折千磨

Hồi 14:

Hoạn Ưng Khuyển di hoa tiếp mộc,
Vương mỹ nhân bách chiết thiên ma.

Hồi thứ mười bốn:

Nhà họ Hoạn sai Ưng Khuyển bẻ hoa đổi nhánh,
Vương Thúy Kiều sa kế độc trăm dập ngàn vùi.

第十五回

活地獄忍氣吞聲
假慈悲寫經了願

Hồi 15:

Hoạt địa ngục nhẫn khí thôn thanh
Giả từ bi tả kinh liễu nguyện.

Hồi thứ mười lăm:

Địa ngục trần gian, nghẹn lời nuốt khí hận,
Nương cửa từ bi, chép kinh mong tròn nguyện.

第十六回

觀音閣冒險相視
文殊庵陶情題詠

Hồi 16:

Quan Âm các mạo hiểm tương thị,
Văn Thù am đào tình đề vịnh.

Hồi thứ mười sáu:

Gác Quan Âm liều mạng gặp nhau,
Am Văn Thù trổ tài ngâm vịnh.

第十七回

盂蘭會突遇魔頭遭墮落
煙花寨重施風月遇英雄

Hồi 17:

Vu Lan hội đột ngộ ma đầu tao đọa lạc,
Yên hoa trại trùng thi phong nguyệt ngộ anh hùng.

Hồi thứ mười bảy:

Qua hội Vu Lan, sa thân đọa lạc bởi ma đầu,
Giữa chốn lầu xanh, buôn trăng bán gió gặp anh hùng.

第十八回

王夫人劍誅無義漢
徐明山金贈有恩人

Hồi 18:

Vương phu nhân kiếm tru vô nghĩa hán,
Từ Minh Sơn kim tặng hữu ân nhân.

Hồi thứ mười tám:

Vương phu nhân, gươm báo oán diệt người bất nghĩa,
Từ Đại Vương, ban vàng bạc trả nợ ân tình.

第十九回

假招安明山 殞命
真斷腸翠翹消劫

Hồi 19:

Giả chiêu an, Minh Sơn vẫn mạng,
Chân đoạn trường, Thúy Kiều tiêu kiếp.

Hồi thứ mười chín:

Trúng kế dụ hàng, Từ Hải thôi đành mất mạng,
Hết kiếp đoạn trường, Thúy Kiều vượt thoát nạn tai.

第二十回

金千里苦哀哀招生魂
王翠翹喜孜孜完宿願

Hồi 20:

Kim Thiên Lý khổ ai ai chiêu sinh hồn,
Vương Thúy Kiều hỷ tư tư hoàn túc nguyện.

Hồi thứ hai mươi:

Bên sông Tiền Đường, Kim Trọng chiêu hồn người sống,
Một nhà sum họp, Thúy Kiều thỏa ước nguyện xưa.

Ngoài ra cũng để làm rõ từ căn bản, nên tôi đã tìm cho ra bản gốc chuyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân biên soạn, mà Quán Hoa Đường đã ấn hành, có đăng đề tựa của 20 hồi như phía trên đã giới thiệu. Chắc rằng tại Chùa Hổ Pháo ở Hàng Châu, Nguyễn Du đã đọc được bản này từ những năm 1789, 1790. Sau đó khi về lại Việt Nam thì bắt đầu dịch và viết từ năm 1790 đến 1794.

Nguyễn Du đã căn cứ vào bản chữ Hán này mà sắp đặt lại câu chuyện cho linh động hơn, và có lẽ điều hơn hết là Nguyễn Du cũng muốn gởi tâm sự của mình vào câu chuyện này, nên đã viết sáng tác 3.254 câu thơ Kiều hoàn toàn bằng chữ Nôm và sau này người ta viết thành chữ Quốc Ngữ, nghĩa là tiếng Việt bây giờ. Chữ Nôm là một loại chữ đặc biệt, sẽ đề cập rõ ở chương sau.

Bản Hán văn Kim Vân Kiều truyện - Thư viện quốc gia, mã số R.966

Ảnh chụp hai trang đầu ghi các tiêu đề từ hồi thứ nhất đến hồi thứ tám

Ảnh chụp phần nội dung bắt đầu hồi thứ nhất
(Mời xem file PDF với đủ các hình ảnh)

Như quý độc giả đã nhìn thấy mấy trang chữ Hán bên trên, là bản chép tay phần đầu của truyện Kim Vân Kiều do Thanh Tâm Tài Nhân biên soạn. Và để rõ biết cặn kẽ hơn tôi đã vào mạng để tìm tài liệu thì tìm được bản dịch Kim Vân Kiều truyện do Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Đảng Na hiệu chỉnh và tôi xin được trích dẫn toàn bộ phần đầu này cũng như Hồi thứ nhất để quý độc giả biết thêm về một phần nội dung của cốt truyện.

Lời dẫn về văn bản

Chúng ta ai cũng biết rằng, dựa trên cơ sở văn bản Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ, Nguyễn Du đã tái tạo thành thi phẩm nổi tiếng là Đoạn Trường Tân Thanh. Vì vậy, muốn hiểu Nguyễn Du một cách đầy đủ và khách quan, đặc biệt là muốn hiểu những nỗi “đau đớn lòng” trước thời cuộc “bể dâu” mà ông đã từng “trải qua”, từng “trông thấy”, rồi đem thể hiện chúng qua ngòi bút thiên tài của mình, thì không thể không đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Hiện nay có nhiều văn bản Kim Vân Kiều truyện và bản nào cũng ghi Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ. Song khi đọc, ta không khỏi ngạc nhiên, bởi chúng không chỉ khác nhau ở một vài chi tiết mà còn khác nhau cả về nội dung cũng như cách ngắt hồi. Tựu trung, có hai loại văn bản về Kim Vân Kiều truyện: Loại in từ nửa đầu thế kỷ XX trở về trước và loại in từ giữa thế kỷ XX trở lại đây.

Loại thứ nhất, về cơ bản chúng giống nhau, sự dị biệt về chữ nghĩa là không đáng kể. Chỉ có điều khác là bản do Quán Hoa Hiên tàng bản thì không có lời đề tựa của một người tên hiệu là Thiên Hoa Tàng chủ nhân và có lời bình luận của Quán Hoa Đường, còn bản do Đại Liên Đồ thư quán thì ngược lại, không có lời bình của Quán Hoa Đường, nhưng lại có đề tựa của Thiên Hoa Tàng chủ nhân.

Loại thứ hai, chẳng hạn, bản do Đinh Hạ hiệu điểm, hoặc bản do Xuân Phong văn nghệ xuất bản… về cơ bản cũng gồm 20 hồi như các bản Quán Hoa Hiên, Đại Liên… nhưng dài hơn, có nhiều chi tiết hơn, tạo nên sự hoàn thiện cho tác phẩm, nâng giá trị về nội dung cũng như về nghệ thuật của tác phẩm cao hơn, đặc biệt tạo nên mạch logic gần gũi với lối tư duy của người hiện đại. Hơn nữa, có bản, chẳng hạn bản do Đinh Hạ hiệu điểm, cách ngắt hồi cũng khác với hai bản Quán Hoa Hiên và Đại Liên. Điều này tạo nên sự phức tạp, thậm chí rối loạn khi nghiên cứu - so sánh giữa Đoạn Trường Tân Thanh với Kim Vân Kiều truyện.

Dĩ nhiên công việc của chúng tôi không phải là phê phán các văn bản Kim Vân Kiều truyện hoặc đưa ra phương pháp nghiên cứu - so sánh, mà chỉ muốn giới thiệu một bản dịch Kim Vân Kiều truyện.

Ở Việt Nam ít nhất đang lưu hành ba dịch bản Kim Vân Kiều truyện. Bản thứ nhất do Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung dịch, in năm 1925. Bản thứ hai được dịch bởi các cụ Nguyễn Khắc Hanh, Nguyễn Đức Vân, in rônêô năm 1962, sau đó năm 1994 nhà xuất bản Hải Phòng in lại và La Sơn Nguyễn Hữu Sơn giới thiệu. Bản thứ ba do cụ Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch, in năm 1971.

Trong ba bản dịch kể trên thì bản dịch của cụ Hùng Sơn bị bỏ mất ba hồi và cũng khá tùy tiện thêm bớt, bản của cụ Tô Nam ra đời sau, lại bỏ mất những lời bình của Quán Hoa đường. Bản của các cụ Nguyễn Khắc Hanh, Nguyễn Đức Vân ra đời trước bản của Tô Nam, lại có đầy đủ cả bài tựa và lời bình. Vì vậy, chúng tôi chọn bản này để giới thiệu.

Tuy nhiên, bởi dựa vào bản chép tay ký hiệu A.953 có duy nhất vào thời kỳ bấy giờ để dịch nên bản của các cụ Nguyễn Khắc Hanh và Nguyễn Đức Vân không khỏi có một vài sai sót mà ông Phạm Đan Quế trong Truyện Kiều đối chiếu đã nêu: “...Có một số sai khác, lược bỏ một vài đoạn ngắn của một số bài thơ...”

Nay may mắn, được nhà giáo nhân dân Giáo sư Nguyễn Đình Chú, giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, cho mượn văn bản Kim Vân Kiều truyện do Tiểu Hoa Hiên tàng bản, Quán Hoa đường bình luận và được Giáo sư cùng nhà văn Siêu Hải thay mặt gia đình hai cố dịch giả cho phép tôi hiệu chỉnh lại bản dịch của hai cụ. Tôi đã hiệu chỉnh theo ba nguyên tắc sau đây:

1. Bổ sung những đoạn mà dịch giả thiếu, có thể do bản chép tay A.953 bỏ sót…

2. Điều chỉnh những chỗ khác khá xa với nguyên bản.

3. Điều chỉnh cách xưng hô. Đối với người Việt Nam, cách xưng hô biểu hiện thái độ của người giao tiếp với đối tượng mình đang giao tiếp. Không phải ngẫu nhiên, Thanh Tâm Tài Nhân toàn gọi Mã Giám Sinh là Mã Bất Tiếu, hoặc Mã Quy, trừ trường hợp duy nhất mụ mối giới thiệu y với gia đình Thúy Kiều mới gọi là Giám Sinh họ Mã. Đối với Thúy Kiều cũng vậy, lúc tác giả gọi Thúy Kiều, lúc lại gọi là phu nhân hoặc Vương phu nhân. Điều đó do dụng ý nghệ thuật của tác giả. Cách xưng hô còn biểu hiện trình độ văn hóa và quan hệ của người xưng hô với đối tượng giao tiếp. Hoạn Thư là con nhà gia giáo, có phong cách của bậc tiểu thư con quan Thượng Thư Bộ Lại, dù có ghét Thúy Kiều đến đâu nàng cũng không thể “mày tao mi tớ” với Thúy Kiều, Bạc Hạnh dù có cố phỉnh nịnh để lừa Thúy Kiều thì y cũng không thể xưng anh anh em em với nàng… Gặp các trường hợp tương tự như vậy, tôi đều hiệu chỉnh lại.

Ngoài ba nguyên tắc nêu trên, những chỗ nguyên bản không có mà dịch bản có, tôi cũng lược bỏ đi.

Sau khi hiệu chỉnh xong, tôi đã đưa để Giáo sư Nguyễn Đình Chú duyệt lần cuối cùng. Nguyện vọng của tôi là chỉ muốn cung cấp cho bạn đọc một dịch bản Kim Vân Kiều truyện càng ít sai sót và càng gần với bản Nguyễn Du dùng để sáng tạo Đoạn Trường Tân Thanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện, còn có đạt được mong muốn ấy không, lại là vấn đề khác vì nó phụ thuộc vào tình hình tư liệu và trình độ của người hiệu chỉnh.

Văn bản dùng để hiệu chỉnh là Kim Vân Kiều truyện do Tiểu Hoa Hiên tàng bản. Dù có cố gắng bao nhiêu, tôi cũng biết rằng, khó tránh khỏi những thiếu sót. Mong được sự chỉ giáo của độc giả gần xa.

Cuối cùng, có được bản Kim Vân Kiều truyện này là nhờ sự giúp đỡ của Giáo sư Nguyễn Đình Chú và nhà văn Siêu Hải – thân nhân của hai cố dịch giả Nguyễn Khắc Hanh, Nguyễn Đức Vân và Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm. Nhân đây xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó.

Hà Nội, ngày 03.01.2000

Người hiệu chỉnh
PGS.TS NGUYỄN ĐẢNG NA

QUYỂN I

HỒI THỨ NHẤT

Vô tình hay hữu tình, giữa đường viếng mộ Đạm Tiên,
Hữu duyên hay vô duyên, bỗng không gặp chàng Kim Trọng.

Trong thiên này chữ tình tuy chỉ là một chữ nhưng là đại kinh, và chữ khổ tuy chỉ một chữ nhưng là đại vĩ, song tình tất đợi có cảnh mới sinh, và khổ tất đợi gặp gỡ mà có. Bởi vậy, mở sách ra há có thể thấy được ngay. Cho nên sách này không phải vô cớ mượn một cô Lưu Đạm Tiên ra làm người dẫn truyện, và rồi từ trong một hình ảnh lờ mờ, bay ra được tám chín phần mười cái cảnh tình khổ suốt đời của Thúy Kiều, thật là một tay khéo léo, dệt không nên có. Khéo hơn nữa là, cùng một cái tình mà xét kỹ ra thì như có khác. Tả Kim Trọng từ xa đi đến, là tình vội, vì vội, nên đến mộ liền xin gặp mặt, gặp mặt liền nổi tương tư, vì tương tư liền phát thệ muốn cưới làm vợ. Tình vội khéo ở chỗ hé lộ. Còn tả Thúy Vân thì từ từ đưa ra, là tình xa, vì xa, nên lúc Kim Trọng gặp lại hai Kiều, hơi hơi hé thấy, lúc cô ta nói: Nhờ tay dắt díu, em được phong quan, lại hơi hơi hé thấy và lúc cô ta mặt mày đỏ ửng, cũng chỉ hơi hơi hé thấy. Tình xa khéo ở chỗ kín. Còn Thúy Kiều là một giống tình có rễ, có cành, có hoa, có lá, lúc nào cũng đẹp, lúc nào cũng tươi, lúc nào cũng thơm, lúc nào cũng ngát, tuy hở mà kín, tuy kín mà hở. Có điều, cách dùng bút tả, nét đậm nét phai, phỏng ai đã có thể ngó thấy? Nên tôi chỉ uống rượu cho say, đọc văn cho khoái, rồi xin nâng lấy cánh hoa, mỉm cười và khen rằng: - Đây là cuốn viết của tay tài tử.

Bài từ rằng:

Mệnh bạc tựa đào hoa, bùn cát phận buồn sao!
Đẹp đã không đủ tiếc, thơm há đáng khoe nào!
Đông Tây tan tác, biết về nhà nào?
Nghĩ thấy tình thương, mày ngại vẽ,
Chỉ thêm mấy phần ngẩn ngơ, mấy độ ngán ngao!
Thôi thôi! Oán trách chi nào,
Xưa nay sắc nước thêm người ghét,
Đành để ông xanh giết đã sao?

(Điệu Nguyệt Nhi Cao)

Khúc từ Nguyệt Nhi Cao trên đây chỉ là thở than riêng cho số phận giai nhân đeo mệnh bạc, hồng phấn gặp sự không may, sinh ra có sắc đẹp, đã không gặp được cái vinh sống ở nhà vàng, trở lại bị nỗi khổ phũ phàng hắt hủi. Thử xem từ xưa tới nay, những bậc giai nhân đệ nhất, ít thấy trên đời, phỏng có mấy ai đã thoát khỏi được vòng tai họa. Kia như Chiêu Quân sắc trội ba nghìn, không khỏi lầm than nơi ải Bắc, Quý Phi vua yêu nhất nước, tránh sao chết thảm ở Mã Ngôi, rồi đến nào Phi Yến, nào Hợp Đức, ai được vuông tròn? Nào Tây Tử, nào Điêu Thuyền, luống đeo tiếng xấu! Chẳng qua là tạo hóa ghét sự vẹn toàn, hơn điều nọ tất phải kém điều kia, cho nên sinh được một phần hồng nhan thì phải chịu mười phần đày đọa, có được một chút tài lại phải gánh thêm một phần nghiệp chướng. Tức như nàng Tiểu Thanh ở Dương Châu, tài sắc tính tình thảy đều tột bậc, mà lấy phải anh chồng xuẩn ngốc nhường kia, tưởng cũng đủ tội rồi, hay đâu còn vướng phải vòng ghen của con ác phụ, để đến nỗi sống đọa thác đày, thì há chẳng đáng đau xót? Ấy chính là đáng đau xót và cảm động, mà những mặc khách tao nhân đã vì nàng than thở, vì nàng xót xa, lại đã vì nàng chép truyện, đề thơ lưu truyền bất hủ. Giả thử, Tiểu Thanh không gặp phải bàn tay con mụ độc ác ấy, để được sống dễ dàng đôi chút trong hàng lẻ mọn, không phải chịu mây sầu mưa thảm, thành ra cảnh tuyết nguyệt phong hoa thì sao còn có thể lưu truyền bất hủ nữa? Đại để, ngọc không mài không rõ ngọc rắn, trầm không đốt không thấy trầm thơm, chẳng riêng gì Tiểu Thanh như thế. Phàm thân gái ở đời, tài mạo song toàn mà sống chẳng gặp thời cũng đều thuộc hạng Tiểu Thanh, cũng có thể cùng với Tiểu Thanh lưu truyền bất hủ. Dưới đây xin thuật chuyện một thiếu nữ, cả tài lẫn mạo, không kém Tiểu Thanh mà chịu nỗi đọa đày hình như còn có phần hơn, thật đáng sánh cùng Tiểu Thanh nghìn thu để tiếng vậy…

Nói về ở Bắc Kinh, có một vị viên ngoại họ Vương tên Lưỡng Tùng, tự Tử Trinh, tính tình thực trung hậu, gia kế thường thường, không dồi dào cũng không túng kém. Vợ họ Hà, cũng là người hiền năng, sinh được một con trai, tên Vương Quan, học tập nghiệp nho, và hai gái, chị tên Thúy Kiều, em tên Thúy Vân, tuổi đều đang độ thanh xuân. Cả hai chị em đều xinh đẹp, hiền dịu, thạo thơ phú. Riêng Thúy Kiều vẻ người tha thướt phong lưu, tính chuộng hào hoa, lại thích âm luật, rất thạo ngón hồ cầm. Thúy Vân thường can ngăn chị:

- Âm nhạc không phải là công việc khuê phòng, e người ngoài nghe biết, không được nhã!

Thúy Kiều nghe em can nhưng không cho thế là phải, thường soạn bài ca bạc mệnh phổ vào hồ cầm, trăm vần thê lương khiến người nghe thấy đều chau mày rơi lệ. Trong bài có đoạn kết như sau:

Nhớ nước cũ, Sâm Thương trằn trọc,
Buồng luân vong, vẻ ngọc xót xa.
Chị em sinh sủng một nhà,
Thoát thôi chốc hóa ra ma mới buồn.
Chúa xuân nỡ ra tuồng ghẻ lạnh,
Phụng Tiên đã khôn tránh diệt vong.
Cửa hầu thăm thẳm xa trông,
Chàng Tiêu hờ hững, còn mong ngóng gì!
Chót vướng kẻ gian phi không đáng,
Cùng Mậu – Lâm còn gắng tranh hơn.
Vì chàng vò võ cô đơn,
Cùng chàng một thác không hờn oán chi.
Hồn ly biệt, tình si mang nặng,
Luống than thầm thở ngắn bao khuây.
Tìm cha đáy nước mò thây,
Vì cha liều mạng chết thay thân mình.
Phận chiếc quạt thất tình đáng tủi,
Nâng niu rồi, hắt hủi như không.
Cửa ngoài tan tác bâng khuâng,
Già nua kiếm kẻ đoái trông phận này.
Hồng nhan vẫn xưa nay bạc mệnh,
Thì đoạn trường há tránh được sao?
Mình đầy hờn oán tiêu tao,
Nảy ra khúc oán nao nao lòng người.

Hãy gác lại ngón đàn cao diệu của Thúy Kiều. Đây nói đến trong vùng có một người học trò, con nhà giàu họ Kim tên Trọng, tự là Thiên Lý, sinh ra diện mạo giống Phan An, văn tài ngang Tử Kiến, tuổi trạc đôi mươi, đang mơ mộng gặp người tốt đôi vừa lứa, thường nghe biết Thúy Kiều thạo ngón đàn hồ cầm, lại thông thi phú, nên vẫn âm thầm hâm mộ, muốn được thấy mặt, nhưng chưa có dịp, vì thế thường kiếm nhiều cách để chờ chực lúc Thúy Kiều ra vào.

Một hôm nhằm tiết Thanh Minh, cả nhà họ Vương cùng đi tảo mộ, rồi luôn dịp dự hội Đạp Thanh. Thúy Kiều cùng em là Thúy Vân và Vương Quan thong thả dạo chơi đây đó, đi đến bờ suối, bỗng thấy một ngôi mộ chơ vơ hiu quạnh, bèn nói với Vương Quan:

- Em này, em coi ngôi mộ kia, gò giăng phía trước, cây rợp ngàn sau, cảnh trí rất u nhã mà sao không thấy ai lui tới viếng thăm?

Vương Quan nói:

- Té ra chị chưa rõ! Đấy là mộ Lưu Đạm Tiên, danh kỹ đệ nhất Bắc Kinh này. Lúc nàng sống, có một thời đã vang động tiếng tăm. Sau khi nàng chết, mụ dầu bất nhân định vứt xác nàng ra khe suối, may gặp một người khách ở xa tới thăm, thấy nàng đã chết thì nức nở khóc than: “Đạm Tiên! Đạm Tiên! Ta với nàng, sao mà vô duyên lắm vậy. Lúc sống đã không được cùng nhau thân cận, thì khi thác rồi, ta thu nhặt hài cốt của nàng, cũng không uổng một cuộc tình duyên mơ ước”. Thế rồi người khách sắm sửa xiêm áo quan quách, khâm liệm chôn cất nàng ở đây. Là nấm mồ cô đơn vô chủ thì có ai lui tới viếng thăm?

Thúy Kiều nghe xong, thở dài nói:

- Đáng thương thay! Đáng thương thay! Sống làm vợ muôn người, chết làm ma không chồng. Hồng nhan bạc mệnh đến thế là cùng! Bây giờ chị muốn xem qua tấm bia, coi viết chữ gì!

Ba người cùng nhau dạo quanh khúc suối, vượt qua chiếc cầu nhỏ, đến trước mộ thấy rêu xanh bám đầy tấm bia. Thúy Kiều đi thẳng tới, vén cỏ xem kỹ, nhận ra được mấy chữ: “Hiệu thư Lưu Đạm Tiên mộ” liền bùi ngùi than thở.

- Chị Đạm Tiên! Lúc chị sống, phồn hoa biết dường nào, mà nay thác rồi, lại hiu quạnh thế! Lúc này em được gần bạn tài sắc, đáng lẽ phải dâng chị một chén rượu, song vì không sẵn rượu đem theo, vậy em xin đề một bài thơ, gọi là chút tình thương xót. Hồn chị dưới suối vàng có biết, âu cũng không phụ một chút nhiệt tình của em!

Nhân bẻ cành trúc cắm lên mộ, rồi khấn:

- Chị Đạm Tiên! Chị Đạm Tiên! Em là Thúy Kiều, bữa nay tới đây viếng chị, mong hương hồn chị nghe với!

Liền vun đất cắm hương, sụp lạy bốn lạy, rồi đề một bài thơ rằng:

Sắc hương đâu đó tá?
Thăm viếng não lòng thay!
Chăn gấm, trăng soi lạnh
Đài gương, bụi phủ nhòa
Đất tuy vùi ngọc ấy
Tuyết chưa lấp danh này
Rượu nhiều như sông đó
Nào ai tưới chốn đây?!

Thúy Kiều đề thơ xong, buồn rầu sa nước mắt, Thúy Vân, Vương Quan thấy vậy, đều nói:

- Lạ cho chị lắm! Tự nhiên vô cớ lại hướng vào mộ người ta mà khóc!

Thúy Kiều nói:

- Hai em chưa hiểu rõ! Chị nghĩ rằng hồng nhan vô chủ, từ xưa vẫn thế. Chị Đạm Tiên này không lẽ lọt lòng ra liền là kỹ nữ, chẳng qua cũng chỉ vì sự thế đáo đầu, phải rơi vào hố lửa đây thôi! Thuyền trước đã thế, thuyền sau phải lo, biết đâu chúng mình lại chẳng cũng là người bước theo gót chị ấy? Các em coi, xưa kia gái đẹp như Tây Thi, như Quý Phi, có mấy ai được trước sau trọn vẹn! Chị nghĩ thế, nên thấy cảnh thương tình, lòng đau ruột đứt.

Vương Quan nói:

- Chị thật đáng tức cười, nói chuyện xa xôi quá. Đây là ngôi mộ hoang, âm khí nặng nề, không nên ở lâu. Về đi thôi!

Thúy Kiều nói:

- Nếu định về, thì để chị từ biệt chị Đạm Tiên đã!

Rồi quay về trước mộ khấn rằng:

- Chị Đạm Tiên! Chị Đạm Tiên! Em về đây! Nếu chị có thiêng, xin hiển linh cho em xem, khỏi phụ chút tình si của em từ nãy đến giờ.

Nói chưa dứt lời, bỗng từ phía sau mộ nổi lên một luồng gió Tây, thê lương thảm đạm, núi sông rạo rực, cây cỏ ngả nghiêng, rồi bỗng trời mây u ám, làm cho mọi người tối tăm mặt mày. Luồng gió cuốn đến bên mình Thúy Kiều, quay quanh ba vòng rồi tan ngay chốc lát. Vương Quan và Thúy Vân thấy đều kinh hoảng, đồng thanh nói:

- Chị ơi! Chúng em đã nói là ở đây âm khí nặng nề, mau về đi thôi! Trận gió này thật ghê người, ta còn ở đây làm chi nữa?

Thúy Kiều cười nói:

- Không phải gió đâu! Đó là chị Đạm Tiên hiển linh cho chị xem. Vậy chị còn muốn đề một bài thơ tạ lòng chị ấy rồi mới về!

Vương Quan nói:

- Chị Lưu mất đi, nào biết đã bao năm, nếu còn linh ứng như thế, thì chị ấy sẽ thành Bồ Tát?

Thúy Kiều nói:

- Thác, ấy là thể xác, còn, ấy là tinh anh. Tinh anh nghìn đời không mất, thường thường mượn gió nương mây, tỏ dấu linh ứng. Nếu các em không tin, để chị theo đường gió tìm dấu vết, nhất định có tăm hơi.

Vương Quan nói:

- Em thì không tin!

Thế là kẻ trước người sau, dắt nhau đi tìm, quả thấy trên đám rêu xanh lờ mờ một dãy vết giày từ Tây qua Đông, đến mộ thì hết. Vương Quan, Thúy Vân thấy vậy, mới đều kinh hãi, vội giục Thúy Kiều về ngay. Thúy Kiều nói:

- Vội chi mà! Hương hồn linh cảm như thế, chị cố phải làm một bài thơ từ biệt đã, rồi mới về chứ!

Liền rút cành hoa trên đầu, vạch cả bài thơ viếng và bài thơ an ủi lên thân cây. Thơ rằng:

Gió Tây đâu bỗng nổi?
Rào rào thật buồn thay!
Thảm thiết như hờn oán
Thê lương dạ chẳng khuây.
Xe loan đi cõi khác
Bóng hạc tưởng về đây.
Phảng phất hồn thơm đó
Rêu xanh rõ dấu giày.

Thúy Kiều vạch bài thơ xong, hãy còn nấn ná chưa muốn ra về, bỗng thấy một chàng thư sinh cưỡi ngựa từ xa tiến đến. Vương Quan nhận ra là Kim Trọng, một bạn đồng song chí thiết với mình, nhưng không ngờ anh chàng lại chú ý tìm tới đây, nên vội nói với hai chị:

- Kìa! Có anh Kim đến, các chị hãy tạm lánh đi!

Thúy Kiều thoạt nghe, ngước mắt nhìn Kim Trọng, thấy chàng vẻ người hào hoa phong nhã, đang giong ngựa tiến đến, liền cùng Thúy Vân lảng ra phía sau mộ. Kim Trọng tới trước mộ, xuống ngựa chào Vương Quan, làm như vô tình hỏi:

- Anh Hải Vọng đến đây làm gì? Đệ vì hâm mộ Lưu Đạm Tiên là người cao nhã, nên định qua thăm, không dè lại gặp tôn huynh. Vừa rồi có hai vị tiểu thư, chẳng hay đối với huynh là thân quyến thế nào?

Vương Quan đáp:

- Đó là hai chị tôi.

Kim Trọng nói:

- Đã là lệnh thư, thì chỗ bà con, không lẽ lại không chào! Vậy phiền huynh thưa giúp, cho đệ được gặp mặt.

Vương Quan chối từ không được, đành phải đến sau mộ nói với chị, liền đó Kim Trọng cũng nối gót theo sau. Hai nàng tránh không được, phải cùng bước ra chào. Kim Trọng chắp tay cúi lễ rồi lui ra thấy Thúy Kiều mày nhỏ mà dài, mắt trong mà sáng, mạo như trăng thu, sắc tựa hoa đào, còn Thúy Vân thì tinh thần tĩnh chính, dung mạo đoan trang, có một phong thái riêng, khó mô tả.

Bị sắc đẹp quyến rũ, Kim Trọng bất giác thần hồn phiêu bạt, nghĩ thầm: “Nọc tương tư này tai hại lắm đây.” Lại âm thầm phát thệ: “Mình mà không được hai nàng làm vợ thì suốt đời sẽ chẳng lấy ai.” Nhưng vì ngại có Vương Quan, không tiện đứng lâu, đành cùng nhau từ biệt.

Đồng thời, Vương Viên Ngoại cũng sai người đem kiệu đến đón. Hai nàng lên kiệu về nhà.

Chập tối hôm ấy, Thúy Kiều nói với Thúy Vân:

- Anh chàng họ Kim kể cũng đa tình, sao mà cũng biết đi viếng Đạm Tiên.

Thúy Vân đáp:

- E rằng không phải đi viếng Đạm Tiên, mà chỉ là đi ngắm hai cô gái.

Thúy Kiều nói:

- Điều đó cũng có lẽ! Mà chị coi chàng có vẻ phong lưu đĩnh ngộ, nho nhã khác thường, tất là tay tuấn kiệt!

Thúy Vân nói:

- Chị đã coi chàng vừa ý, sao không gá nghĩa cùng chàng rồi dắt díu em đây cũng được phong quang đôi chút!

Thúy Kiều nói:

- Nhân duyên tiền định, không thể cưỡng cầu. Lá số hôn nhân có phải hạt châu đâu mà hễ cứ muốn là tất được. Bữa nay chị em mình cùng gặp chàng, thì biết đâu là duyên chị hay duyên em, điều đó đành mặc cho ông tơ xếp đặt! Còn nói đến anh chàng thì coi bộ cử chỉ đoan trang, tất có tài hàn uyên. Chị đây trộm xét mình tướng bạc đức kém, e không xứng hạnh phúc với chàng đâu. Chị thấy em, về phần phúc đức hơn chị gấp mười, đáng gọi là đẹp lứa tốt đôi đấy. Chàng đã gặp chị em mình rồi, nhất định sẽ tìm cách gặp gỡ nữa. Chị em mình cần phải giữ đạo chính đối đãi cùng chàng, vì tấm thân nhi nữ, coi trọng thì như núi Thái Sơn, mà coi nhẹ ấy là lông hồng. Ngọc trắng ruồi xanh, quan hệ trọn đời không thể không cẩn thận…

Thúy Vân nói:

- Thôi mà! Chị cũng quá lan man, dây cà dây muống. Em chưa từng nói được một lời nào, mà chị rào trước đón sau, kể lể hàng tràng.

Thúy Kiều nói:

- Chị nói câu chuyện đứng đắn, sao em lại nói như thế? Dễ thường em không cần lấy chồng à?

Thúy Vân đỏ bừng mặt, lảng vào phòng đi nằm.

Muốn biết Thúy Kiều làm gì nữa, xin xem hồi sau sẽ rõ.”

(Hết trích)

Trên đây là Hồi 1 của câu chuyện, có thể là có thật, mà cũng có thể chỉ là hư cấu, trong bối cảnh dưới triều nhà Minh bên Trung Quốc. Bởi lẽ Thanh Tâm Tài Nhân là một người học trò giỏi, nhưng đi thi không đậu. Do vậy mà chán cảnh quan trường. Cho nên mới lấy một câu chuyện đương thời do vua quan ức chế, dùng mỹ nhân giữa tình và hiếu, giữa thuận và nghịch cảnh, giữa người dân và kẻ có quyền, phải được thể hiện qua các nhân vật như thế, thì tác giả mới có thể lồng hết tâm sự của mình vào câu chuyện đương thời, để giải bày nỗi oan khuất của mình chăng? Chỉ có văn chương, thơ phú, chữ nghĩa mới có thể giúp cho những người muốn nói mà không nói được, muốn bày tỏ nỗi niềm mà không bày tỏ được, nên mới viết thành câu, thành lời và thành văn chương chữ nghĩa để giải bày những nỗi oan khúc đoạn trường. Do vậy mà quyển Kim Vân Kiều này khi qua tay của Nguyễn Du đã biến thành “Đoạn Trường Tân Thanh”, nghĩa là “tiếng kêu xé ruột”. Ở đó cũng đã xoa dịu được sự dằn vặt bứt rứt của Nguyễn Du một phần nào, mà thực tế đã xảy ra trong thời kỳ của ông đang sống.

Dĩ nhiên là tiểu thuyết thì người ta có thể hư cấu nhân vật, ngay cả dã sử tiểu thuyết cũng có thể dàn dựng thêm hay bớt nhân vật, để câu chuyện được linh động hơn. Điều quan trọng của người viết truyện là phải làm sao lôi cuốn được người đọc, diễn tả câu chuyện phải có đầu có đuôi và hợp lý, thì độc giả mới có thể cảm được những nhân vật cùng nội dung trong truyện, và nhiều khi họ cũng có thể nhập vào một vai nào đó để khóc thương cho số phận của người trong cuộc. Đó là sự thành công của người viết truyện. Không ai cấm người viết tiểu thuyết vấn đề này cả.

Ngay như tác phẩm Đại Đường Tây Vức Ký sau này cũng đã được Ngô Thừa Ân chế ra 4 đến 5 nhân vật linh hoạt mà ai trong chúng ta khi xem Tây Du Ký cũng mê. Trên thực tế câu chuyện đi Tây Vức của Ngài Huyền Trang chỉ kể lại chuyến đi Ấn Độ thỉnh kinh ngang qua các nước và lúc về lại Trường An vào thế kỷ thứ 7, để cho Ngài Khuy Cơ là đệ tử biên chép lại. Thế nhưng đến thế kỷ 15 đời nhà Minh, Ngô Thừa Ân từ bộ Đại Đường Tây Vức Ký này đã chuyển sang bộ Tây Du Ký với những nhân vật và tình tiết mà ai xem qua cũng thấy là hấp dẫn.

Về Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có thể cũng như vậy thôi. Khi ở chùa Hổ Pháo tại Hàng Châu, nơi Từ Hải đã tu hành và sau trở thành tướng cướp, rồi xưng hùng xưng bá với triều đình, khiến cho Hồ Tôn Hiến phải đau đầu nhức óc, quên ăn bỏ ngủ. Do vậy Nguyễn Du có thể cảm đến thân phận của mình đang làm thân lữ thứ lưu lạc nơi xứ người, nên khi đọc được câu chuyện Kim Vân Kiều này thì như rồng gặp nước, và đã tạo thành tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” là vậy. Chương sau tôi sẽ trình bày kỹ hơn về nội dung của phần này. Bây giờ chúng ta thử điểm qua nội dung của câu chuyện, mà qua ngòi bút của Thanh Tâm Tài Nhân đã viết quyển Kim Vân Kiều như sau:

●●●

Chuyện xảy ra vào thời Gia Tĩnh nhà Minh, nghĩa là từ giữa năm 1521 đến năm 1566, vào thế kỷ 16 bên Trung Hoa. Có một gia đình trung lưu họ Vương sinh ra được 2 gái và một trai. Đó là VươngThúy Kiều, Vương Thúy Vân và Vương Quan. Ba chị em sống trong một gia đình hạnh phúc, có đủ cha mẹ, chị em đoàn viên bên cạnh nhau.

Một hôm nhân lễ Thanh Minh của tháng 3 âm lịch, 3 chị em của Kiều đi dự lễ Tảo Mộ thì Kiều đã đến thăm viếng mộ của Đạm Tiên, vốn cũng là người tài sắc vẹn toàn, nhưng là hồng nhan bạc mệnh. Bỗng đâu có chàng Kim Trọng xuất hiện và gặp Thúy Kiều, Thúy Vân qua sự giới thiệu của Vương Quan. Kể từ đó sau khi về lại nhà trọ thì Kim Trọng tương tư Thúy Kiều, còn Thúy Kiều thì được Đạm Tiên báo mộng cho biết một chốn đoạn trường mà Kiều phải trải qua.

Thế rồi chàng Kim tìm cách đến thăm nàng và hai người đã giao ước lời thề với nhau, nhưng chàng Kim nhận được tin không lành từ nhà đưa đến là phải về lại quê xưa để cư tang người chú. Hai bên nói lời từ biệt trong nghẹn ngào, vì chẳng biết bao giờ mới có thể gặp lại nhau.

Bỗng dưng nhà Vương ông bị đại biến, chẳng biết tin dữ từ đâu đưa tới, quan nha tự động đến lục soát nhà, đòi phải trả nhiều lượng vàng mới có thể tha tội. Bây giờ nhà cửa chẳng có gì cả, làm sao có vàng để chuộc mạng cho cha đây, nên Kiều nương nghĩ ra kế sách là chỉ có thể liều mình bán thân để có tiền chuộc cha khỏi sa vào cảnh lao lý. Lúc đó chính là lúc cùng quẩn, vì bên tình với Kim Trọng chưa rõ ràng, còn bên hiếu với song thân phụ mẫu, nàng cũng không thể làm ngơ, nên Kiều đã nhờ Thúy Vân thay thế mối tình của mình, làm vợ Kim Trọng khi chàng trở lại nơi này.

Chuyện nhà trăm sự ngổn ngang như vậy, lòng Kiều như ruột rối tơ vò. Với người thân chẳng nỡ chia ly, nhưng tình cảnh này chẳng biết làm sao hơn nữa. Chỉ có bọn sai nha là vui thích, vì lẽ trong tay đã có vàng thế mạng cho Vương ông. Thế là chúng đã đựng đầy túi tham, không cần quan tâm đến những cảnh khổ đau, buồn thảm của người khác.

Kiều nghĩ rằng mình đã được Mã Giám Sinh cưới về làm vợ, nhưng nào ngờ đâu chàng cũng chỉ là một người môi giới của Tú Bà. Thế là nàng đã thất thân với người mất nết. Những trận đòn roi độc ác đã giáng lên thân bồ liễu của nàng, khiến cho nàng chỉ biết khóc và chịu tiếp khách, đồng thời Kiều cũng đã tìm cách quyên sinh, nhưng lại được cứu khỏi. Nàng phải ngậm ngùi ở lại chốn lầu xanh để tiếp khách. Trong cái khó khăn tận cùng ấy có chàng Thúc Sinh, vốn là một thư sinh tuấn tú hay qua lại chốn lầu xanh và sẵn sàng bỏ vàng ra chuộc nàng ra khỏi nơi địa ngục trần gian giày vò thân liễu ấy. Nàng tin lời đường mật của Thúc Sinh, sống với nhau một thời gian lâu Kiều thấy có cái gì đó không ổn, bèn gạn hỏi Thúc Sinh về gia thế, nhưng chàng vẫn chối phăng là chưa có gia thất.

Trong khi đó thật ra chàng đã có vợ nhà rồi. Người ấy tên là Hoạn Thư. Nàng vốn là con nhà gia giáo, nề nếp nho phong, không thể ghen với chồng có vợ bé, nhưng phải ra kế sách bắt nàng Kiều về làm người hầu gái, qua sự dạy bảo của mẹ mình. Hoạn Thư gởi thơ cho Thúc Sinh bảo rằng gia đình có việc cần phải có sự hiện diện của chàng để giải quyết. Thế là chàng đã từ giã Lâm Truy để lại Kiều đơn chiếc một mình. Trong khi đó Hoạn Thư cho người bắt cóc Kiều và đốt nhà trong đó có một mạng người khác thế vào đó. Khi Thúc Sinh trở lại Lâm Truy, nghĩ rằng mình sẽ gặp lại Kiều cho đỡ nhớ thương so với những ngày mong tháng đợi. Thật ra khi chàng về lại Vô Tích thấy cửa nhà vẫn yên ổn, không có việc gì xảy ra cả, nhưng tại sao vợ cả của chàng lại đưa tin nhắn chàng phải về lại thăm quê? Hay là Hoạn Thư đã biết là chàng đã có vợ bé chăng? Đúng là ai có thể biết được tâm sự của người đàn bà cho hết được. Cho nên người xưa nói rằng: “Quả đất này bao lớn, người ta có thể đo được, chứ tâm niệm của người đàn bà, không ai có thể đo lường được bao giờ.”

Riêng nàng Kiều ở lại Lâm Truy một mình thì ngày ngóng đêm trông, nhất là những lúc trăng lên khi mờ khi tỏ. Nàng ngỡ rằng chàng đang phi ngựa thật nhanh để trở lại với mình. Bởi vì tâm trạng của nàng lúc này giống hệt như Nguyễn Du đã diễn tả rằng:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Cứ phân tích ra từng câu, từng chữ hay từng cặp chữ trong 2 câu thơ này thì ta thấy tâm trạng của Kiều và Thúc Sinh đều ẩn hiện đầy đủ tất cả nơi ấy. Vầng trăng tượng trưng cho sự hòa hiệp, sự chung thủy xưa nay như Thúc Sinh đã hứa và đã chung sống với Kiều rất là hạnh phúc. Tuy Thúc Sinh không tài hoa như Kim Trọng hay anh hùng một cõi như Từ Hải về sau này, nhưng vầng trăng đầy đặn ấy bây giờ đã bị cắt ra, chia ra, xẻ ra làm hai rồi thì còn gì là nét đẹp tự nhiên nữa. Chữ ai ở đây có thể gán cho ông Trời chăng? Hay ai đó đứng phía sau muốn phá vỡ hạnh phúc của nàng và chàng, nên đã chia loan rẽ thúy như vậy? Câu hỏi này là một câu nghi vấn chung chung, nhưng nếu ai đó đang gặp cảnh ngộ như Kiều và Thúc Sinh trong hiện tại thì thấm thía vô cùng. Một vầng trăng lành lặn lâu nay hạnh phúc biết là bao, bây giờ tự nhiên lại bị chia cắt, ly biệt và nếu có nối lại được đi chăng nữa, thì có tròn lại như xưa chăng?

Vầng trăng ấy soi vào cửa sổ của nàng, in lên đầu giường và bây giờ chỉ còn chiếc gối trống trơn, không có chàng nằm gối đầu ở đó. Còn một nửa vầng trăng kia có soi dấu chân ngựa cho chàng phi chăng? Hay ngựa kia cũng chẳng biết lối về khi bóng trăng kia khi mờ khi tỏ? Tâm trạng ấy cũng là tâm trạng của chàng. Thúc Sinh ruột nóng như lửa đốt tơ vò, mong sao phi ngựa thật nhanh về lại Lâm Truy để gặp nàng và nói những lời yêu thương để quên đi những ngày xa cách.

Khi xuống ngựa trước thềm hoa, Thúc Sinh nhận thấy một cảnh tượng thật là hãi hùng, mà trong trí của chàng không bao giờ hình dung ra nổi. Chàng tự trách sao mình về Vô Tích làm gì để cho nàng ra nông nỗi này. Trong đống tro tàn ấy chàng thấy có một cái xác, chàng nghĩ rằng trăm sự đều tại mình mà ra, và chàng đinh ninh rằng Kiều đã chết cháy theo nhà cửa. Bây giờ chàng phải quay lại với vợ nhà. Người vợ là một người đàn bà đại diện cho bao nhiêu người đàn bà khác, có đòn ghen nổi tiếng, và chính lúc này Hoạn Thư đã răn chồng về việc trăng hoa và dạy Kiều một bài học xứng đáng, vì kẻ tôi đòi mà dám đèo bồng với người chủ mới, khiến cho Thúc Sinh và Thúy Kiều đã nhìn mặt nhau, nhưng chẳng dám nói nên lời.

Kiều bây giờ không còn cách nào khác là xin Hoạn Thư ra Quan Âm Các trong vườn nhà để tụng kinh niệm Phật, bái sám, xuống tóc xuất gia. Thúc Sinh rất vui và vội đặt cho nàng một Pháp danh là Trạc Tuyền khi thấy hai câu đối, một câu bắt đầu bằng chữ Trạc và câu kia là chữ Tuyền. Cả hai chữ này đều mang nghĩa là: Nước suối để rửa, rửa sạch vết nhơ của trần thế qua mấy lần lầu xanh phận bạc. Nhưng chàng Thúc Sinh vẫn là kẻ đa tình, lúc Trạc Tuyền chép kinh và chờ Hoạn Thư đi vắng thì chàng lại lén phéng tìm sang Quan Âm Các để gặp nàng cho đỡ nhớ thương và nói lời tạ lỗi. Cho ra Quan Âm Các cũng chỉ là cái cớ của Hoạn Thư thôi, và bây giờ nàng bắt quả tang mối tình vụng trộm ấy của Thúc Sinh một lần nữa, nên chàng không còn chối cãi, không có cách nào qua mặt được người đàn bà ghen tuông bậc nhất này. Trong khi đó thì Kiều cũng tự tính cho mình một con đường khác để sống còn, trong 36 kế chỉ có kế bỏ trốn là thượng sách. Thế nhưng Kiều chẳng những trốn mà còn mang theo cả chuông vàng khánh bạc của Quan Âm Các nhà Hoạn Thư nữa, nên đây cũng là cái cớ để Hoạn Thư được tha sau này dưới trướng của Từ Hải về việc ân đền oán trả.

Kiều bỏ trốn lang thang đây đó thì gặp am tranh của Sư Giác Duyên. Nghe kể lể nỉ non, Sư cũng cho dừng chân lại vài ngày, nhưng Sư thấy cuộc đời nàng sao mà ngang trái quá, lại mang theo cả chuông vàng khánh bạc của Quan Âm Các thuộc nhà quan huyện Hoạn Thư nữa, nếu chứa chấp lâu ngày, té ra mình là một người tu nhưng là tòng phạm của việc trộm cướp, nên Sư Giác Duyên đã đem gởi nàng đến chỗ thân quen để nương nhờ tấm thân yếu mềm nhi nữ. Nhưng cũng không ngờ người bạn ấy lại mang nàng đến chốn lầu xanh và tại đây Kiều đã gặp Từ Hải. Hai bên ý hợp tâm đầu, nên đã trở thành chồng vợ. Chàng trước khi thành lục lâm thảo khấu cũng đã có lần làm Hòa Thượng tại chùa Hổ Pháo ở Hàng Châu, nàng cũng đã nhiều lần dang dở và nay anh hùng đã hội ngộ cùng thuyền quyên thì còn gì đẹp bằng và dưới trướng Từ Hải, nàng có cơ hội để thi ân báo oán. Từ Bạc Bà, Bạc Hạnh, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh đều bị gia hình. Còn những người có ơn như Sư Giác Duyên và người nô bộc đỡ đòn cho Kiều khi còn ở nhà Hoạn Thư đều được tạ ơn xứng đáng, được Từ Hải cho vàng cho bạc. Cho nên mới có thơ rằng:

“Giác Duyên dầu nhớ nghĩa nhau,
Tiền Đường thả một bè lau rước người.”

Sư Giác Duyên biết chắc rằng cô nàng này sẽ còn gặp khổ nạn nữa, nên mới dùng số vàng ấy thuê người canh giữ trong 5 năm dài ở sông Tiền Đường, chờ khi Kiều tự tử một lần nữa thì sẽ vớt lên. Đó là lòng từ của một người xuất gia đầu Phật.

Khi Kiều buộc tội Hoạn Thư thì Hoạn Thư có đủ cách để trả lời. Ví như việc hai người đàn bà có chung một chồng thì lâu nay chuyện ghen tuông cũng là chuyện thường tình trong thiên hạ, nàng phải hiểu điều đó, nên đừng trách Hoạn Thư. Hoạn Thư còn kể công và gián tiếp nêu tội của Thúy Kiều như khi trốn Quan Âm Các và Văn Thù Điện mang theo cả chuông vàng, khánh bạc chạy trốn mà nàng đâu có cho người truy nã để bắt lại. Điều ấy chứng tỏ rằng Hoạn Thư là người rộng lượng chứ đâu phải hẹp hòi gì. Cuối cùng thì Hoạn Thư được tha bổng, mà lẽ ra cái đòn chí tử mà nàng Kiều muốn dựa uy của Từ Hải nhân dịp này là đánh dẹp Hoạn Thư một cách có lý có tình, nhưng cuối cùng thì Kiều vẫn không thực hiện được.

Có người quen với Hồ Tôn Hiến và người này cũng quen biết với Thúy Kiều ở chốn lầu xanh năm trước, đã nhỏ to cùng nàng là nhân cơ hội này nàng nên khuyên Từ Hải đầu hàng để về lại với triều đình, công danh xứng nghĩa. Ban đầu thì Từ Hải không chịu hàng, nhưng tiếng nói của người đàn bà lâu nay đã làm cho mất nước không phải là chuyện hiếm. Cuối cùng rồi Từ Hải cũng nghe theo và bị trói tay về với triều đình rồi chết đứng.

Hồ Tôn Hiến đã ép duyên Kiều và Kiều tự vẫn một lần nữa. Sau đó được vớt lên và cuối cùng lại được Sư Giác Duyên cứu giúp.

Về phía Kim Trọng, Thúy Vân và Vương Quan lâu nay vẫn tìm kiếm tông tích của Kiều nhưng đã chẳng được. Chỉ nghe một điều là Kiều đã tự vẫn trên sông Tiền Đường. Do vậy họ mới đến để làm đàn chay và mời Sư Giác Duyên đến tụng kinh siêu độ. Khi đến nơi, Sư Giác Duyên mới cho biết là Kiều vẫn còn sống, và còn đang nương náu nơi chùa của mình, tại sao lại phải cầu siêu. Khi nghe được tin ấy thì ai cũng mừng và Sư Giác Duyên khuyên Kiều tự chọn con đường cho mình trong tương lai để trọn nghĩa trọn tình.

Đó là nội dung của câu chuyện, còn những tình tiết thêm vào hay bớt ra những nhân vật hay cảnh ngộ v.v… là do người sau này tạo ra để cho câu chuyện hấp dẫn hơn. Tuy nhiên ai cũng biết rằng quyển tiểu thuyết Kim Vân Kiều do Thanh Tâm Tài Nhân viết đó, cũng chỉ là một câu chuyện bình thường như bao nhiêu câu chuyện khác của thời nhà Minh mà thôi. Chỉ khi tập truyện này được vào tay Nguyễn Du rồi thì nó mới được nổi tiếng. Điều đáng nói là tác phẩm và tư tưởng của truyện Kiều ấy, bắt đầu nổi tiếng ở Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ 18 và cho đến nay sau hơn 200 năm, tác phẩm ấy đã được dịch ra bằng hai, ba chục ngôn ngữ khác nhau và được lưu hành rộng rãi khắp nơi trên thế giới.

Trên đường đi từ Hàng Châu đến Yên Kinh năm nào, chắc rằng Nguyễn Du đã đọc và nghiền ngẫm truyện Kim Vân Kiều này của Thanh Tâm Tài Nhân, và dĩ nhiên là ông rất tâm đắc và cố xây dựng làm sao cho nó thích hợp với hoàn cảnh của mình, để chia sẻ gởi gấm tâm sự vào đó. Đồng thời nội dung của Kinh Kim Cang cũng phải được lồng vào để thấy rõ được tư tưởng Phật Học trong truyện Kiều. Khi gần đến Yên Kinh thì Nguyễn Du và Nguyễn Đại Lang (1789) còn gặp mặt phái đoàn của Đoàn Nguyễn Tuấn đi sứ cho Vua Quang Trung sang Trung Hoa dưới thời Vua Càn Long để xin sắc phong An Nam Quốc Vương như các vua đời trước và kể cả việc xin hỏi cưới Công chúa nhà Thanh làm vợ Quang Trung nữa. Có một điều đặc biệt là phái đoàn đã tìm được một người giống hệt như Quang Trung trực tiếp sang cầu phong An Nam Quốc Vương. Như vậy Trưởng phái đoàn Đoàn Nguyễn Tuấn phải là người mưu lược cao lắm, nếu lỡ bị lộ tông tích ra thì phạm tội khi quân, chắc sẽ bị chém đầu. Đoàn Nguyễn Tuấn và Nguyễn Du là hai người bạn tâm giao về thơ văn. Do vậy nhân cơ hội này Nguyễn Du cũng đã đem chuyện hồng nhan bạc mệnh của nàng Kiều trong câu chuyện đang mang theo bên người để kể cho nhau nghe và hai người rất tâm đắc. Từ đó về sau Đoàn Nguyễn Tuấn mới có cảm tình với Nguyễn Du và sau khi phái đoàn về lại Việt Nam cả hai, ba việc đều thành tựu. Đó là vua Càn Long chịu cho Quang Trung đặt doanh trại tại Quảng Châu, hứa gả Công chúa nhà Thanh cho An Nam Quốc Vương Nguyễn Huệ. Nhưng chẳng may 2 năm sau đó Quang Trung băng hà (1792) nên tất cả những sự kiện trên đều không thành tựu.

Chỉ có một điều đáng quan tâm là Nguyễn Du tuy chống Tây Sơn nhưng khi về lại quê hương Đại Việt từ năm 1790 mà không thấy có một sắc dụ nào của Quang Trung muốn trừ khử người này cả. Cũng có thể do Nguyễn Nễ (Đề) là anh ruột của Nguyễn Du đang làm quan cho Tây Sơn và cũng có thể do Đoàn Nguyễn Tuấn tâu lên những điều tốt của Nguyễn Du cho ba anh em Tây Sơn nghe, nên họ chẳng đá động gì đến Nguyễn Du trong giai đoạn lịch sử ấy.

Và cũng nhờ mối duyên văn chương cũng như quen biết lớn đó, mà Nguyễn Du đã cưới được em gái của Đoàn Nguyễn Tuấn, là bà Đoàn Nguyễn Thị Huệ vào năm 1797 tại Thăng Long sau này. Rõ ràng là xưa nay việc môn đăng hộ đối, hay việc chọn vợ gả chồng vẫn luôn tồn tại trong một thời điểm nào đó nhất định của lịch sử, để họ xây dựng hạnh phúc cho nhau. Còn ngày nay ở thế kỷ 20, 21 này lại khác hẳn xưa, nghĩa là nam nữ phải tìm hiểu với nhau trước, nếu tâm đầu ý hợp, họ sẽ đi đến chuyện hôn nhân, có thể cưới gả đàng hoàng, mà cũng có thể chỉ cùng sống chung, cùng sanh con đẻ cái, nhưng không cần giá thú, để khỏi bị ràng buộc đôi bên.

Ngày xưa người ta thương yêu nhau khi còn trẻ là vì tình và khi về già người ta sống với nhau vì nghĩa cho đến trọn đời. Còn bây giờ lại khác, người nam và người nữ có quyền sống độc lập với nhau về tài chánh. Vì người đàn bà bây giờ có quyền đi làm việc để có tiền riêng, nên hầu như việc tài chánh hoàn toàn không phụ thuộc vào người chồng. Trong khi đó ngày xưa người vợ chỉ biết bổn phận “tam tòng, tứ đức”, chỉ lo cho chuyện bên trong của gia đình, chứ không đi ra ngoài hay tham gia chính trị và xã hội như bây giờ.

Ngày xưa các nước Á Châu như Trung Quốc, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản v.v… người con gái không được quyền đi học. Chỉ có con nhà quyền quý mới được tham gia việc này. Còn những người đàn bà có khả năng học tập, giỏi võ nghệ v.v… cũng không được thi thố tài năng của mình. Nếu họ có ý chí, nhiều người phải cải trang nam tử để đi thi hay ra trận mạc. Đến khi đỗ đạt hay chiến thắng quân thù rồi thì họ mới lộ diện. Lúc ấy mọi chuyện đã an bài. Thế nhưng nữ quyền vẫn không được tôn trọng và mãi đến giữa thế kỷ 20, người phụ nữ mới hưởng được quyền bình đẳng với nam giới trên mọi phương diện.

Có lẽ nhìn thấy thân phận nữ nhi bị bạc đãi như vậy, nên nhân cơ hội này ông muốn gá tâm sự của mình để nói lên cũng như đề cập đến quan niệm sống của một thời là như thế. Ngoài ra nhiều người cũng nghĩ là Nguyễn Du đã ngộ được 2 chữ “sắc không” sau khi tụng Kinh Kim Cang hàng ngàn lượt, nên mới sáng tác ra được tác phẩm tuyệt vời cho người Việt Nam và thế giới sau này. Bốn câu sau cùng của bài thơ: Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài đã nhắc lại cho chúng ta thấy và rõ biết được điều này.

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,
Tài tri vô tự thị chân kinh.

Để kết thúc giai đoạn lịch sử này của Nguyễn Du, tôi có những điểm tâm đắc như sau:

- Tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm với Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh là Nguyễn Du đã có được quyển truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân vào năm 1789 - 1790 tại Hàng Châu, Trung Quốc, chứ không phải vào lúc Nguyễn Du đi Sứ nhà Thanh năm 1813 - 1814.

- Trong 3 năm, từ năm 1788 đến 1790 là ba năm lưu lạc giang hồ trên đất khách của Nguyễn Du là điều có thật, do Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh phát hiện mà lâu nay lịch sử đã bỏ quên giai đoạn này. Việc ông xuất gia, mặc áo, đội mũ nhà tu cũng là điều có thật. Vì có như thế mới giải quyết được chuyện áo cơm trong thời gian lưu lạc nơi xứ người.

- Thời gian 3 năm này có trên dưới 1.000 ngày ở đất khách như thế cũng là thời gian ông hành trì Kinh Kim Cang để thấu rõ sắc không của vạn pháp. Nếu ông không hành trì Kinh Kim Cang thì tư tưởng nhà Phật của ông trong truyện Kiều sẽ không được thâm sâu như vậy.

- Cuối cùng chuyện khen chê lâu nay về câu chuyện gốc của Trung Hoa vẫn là chuyện thường và cá nhân tôi đứng về phía lý luận về nghiệp nhân và nghiệp quả của mỗi người để nói lên sự hiện hữu của một chúng sanh trong vũ trụ này.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đường Không Biên Giới


Phù trợ người lâm chung


Sen búp dâng đời


Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.125.60 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (261 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...