Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du »» CHƯƠNG II. NGUYỄN DU - THỜI KỲ 1788-1790 »»

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du
»» CHƯƠNG II. NGUYỄN DU - THỜI KỲ 1788-1790

Donate

(Lượt xem: 3.121)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du - CHƯƠNG II. NGUYỄN DU - THỜI KỲ 1788-1790

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Thời điểm này có lẽ là thời điểm quan trọng nhất của cả ba triều đại đương thời: nhà Lê Trung Hưng và Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, Tây Sơn ở miền trong và Gia Long Nguyễn Ánh ở Thái Lan. Nguyễn Ánh đang có nhiều hoạt động muốn quay lại Đàng Trong. Trong thời gian này, những hiểu biết hiện nay về Nguyễn Du có rất nhiều điều cần thẩm định lại kỹ càng hơn, để những gì của sự thật phải trả về cho sự thật, qua những sự nghiên cứu có lý có tình của những học giả đó đây, trong đó có Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh.

Khi Nguyễn Ánh chính thức rời quê hương Đại Việt vào những năm 1787-1788 chạy qua Thái Lan cùng bầu đoàn thê tử cũng như những cận thần tháp tùng lánh nạn Tây Sơn, ông đã được Vua Rama (1782-1809) Đệ Nhất của Thái Lan đón tiếp nồng hậu. Và tại Thái Lan, Nguyễn Ánh đã có ý cầu viện người Pháp, mong muốn quân Pháp đem quân giúp đánh Tây Sơn và khôi phục lại triều Nguyễn đã đứt đoạn từ năm 1777.

Trong 25 năm (1777-1802), Nguyễn Ánh và tùy tùng đã tìm mọi cách để quay lại Việt Nam qua ngã Đàng Trong, nhất là sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ băng hà vào năm 1792 và Nguyễn Quang Toản nối ngôi, Nguyễn Ánh lại có nhiều cơ hội hơn để thực hiện trở lại Việt Nam trong thời kỳ 10 năm này (1792-1802).

Trong khi Nguyễn Ánh ra đi lánh nạn, ngoài những tướng tài tháp tùng còn có chư Tăng thuộc môn phái Tào Động và Lâm Tế cũng đã tháp tùng theo, nên chỉ trong một thời gian ngắn, An Nam Tông thuộc Phật Giáo Bắc Tông của Việt Nam đã được Vua Rama Đệ Nhất của Thái Lan chấp thuận cũng như hỗ trợ cho việc thành lập các chùa viện tại Bangkok và khắp nơi trên xứ Thái. Đó là cũng nhờ những tướng tài của Gia Long Nguyễn Ánh ra sức giúp Vua Rama Đệ Nhất Thái Lan đẩy lùi quân xâm lăng Miến Điện từ bờ cõi phía nam lúc bấy giờ.

Ngày nay ở thế kỷ 21 này, nếu ai đó có dịp sang Thái Lan, thăm thủ đô Bangkok vẫn còn nghe được những tiếng kinh cầu bằng Việt ngữ của hai thời công phu sáng chiều trong ngày. Đó là những chùa Phổ Phước, Khánh Vân, Cảnh Phước v.v…

Hình ảnh của chùa viện là những nơi di dưỡng tinh thần của người Phật tử, rất quan trọng trong thời bình cũng như thời chiến và dù là trên quê hương Đại Việt hay ở Thái Lan lúc bấy giờ. Đây có thể cũng là một lợi thế cho những người cơ nhỡ không có chỗ nương thân, nếu đi đâu đó không nơi tá túc, thì chùa chiền vốn là nơi có thể dung nạp được việc này với chủ trương từ bi và lợi tha, cứu khổ giúp đời như giáo lý của nhà Phật đã chủ trương. Việc tiếp nhận khách thập phương ấy không phân biệt là thân sơ hay giàu nghèo hoặc giả chánh kiến, quan niệm, tư tưởng có khác nhau đi chăng nữa, thì chùa chiền lâu nay dầu ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này, của người Việt hay của các dân tộc khác cũng đều đối xử bình đẳng với nhau không phân biệt.

Nhìn về phương Bắc, trong thời gian 1787-1788, Lê Chiêu Thống cùng bầu đoàn thê tử cũng đã tháo chạy sang Trung Hoa để cầu viện, nhưng đoàn này không thành công như đoàn của Gia Long Nguyễn Ánh. Vì lúc ấy Vua Càn Long của Trung Hoa cũng không muốn đem quân sang giúp Đại Việt và Lê Chiêu Thống ở đó cho đến năm 1793 thì qua đời.

Ở Đàng Ngoài, lúc bấy giờ dân tình đói khổ và tình thế chính trị rất bất ổn, vì người dân một cổ phải chịu cả hai tròng, vừa Vua Lê vừa Chúa Trịnh, nên họ luôn mong đợi có một lực lượng nào đến giải cứu sự bất công tàn ác này. Đây cũng là thời cơ để quân Tây Sơn thành công cả ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.

Khi Vua Lê Chúa Trịnh không còn thế lực nào lớn tồn tại nữa thì Nguyễn Nhạc, anh cả của Nguyễn Huệ lên làm vua lấy niên hiệu là Thái Đức từ năm 1778 và cai trị chỉ được 10 năm. Đến năm 1788 thì Thái Đức băng hà.

Quang Trung Nguyễn Huệ lên làm vua và chiến công lịch sử huy hoàng nhất là năm 1789. Nhưng Quang Trung Nguyễn Huệ cũng chỉ làm vua cho tới 1792 thì qua đời.

Thời gian 1788 đến 1790 là thời gian thay ngôi đổi chủ nhiều lần ở Đại Việt, cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Nguyễn Du cũng đã ngao ngán cho thế nước lòng dân nên mới quyết định sang Trung Hoa.

Mặc dầu cha làm quan đến Thượng Phẩm của triều đình nhà Lê, ông anh Nguyễn Khản cũng vậy, nhưng có lẽ họ là những ông quan thanh liêm lại có nhiều vợ, nhiều con, nên cũng chẳng giàu có gì. Do vậy mà Nguyễn Du có lẽ chỉ thừa hưởng gia tài chữ nghĩa nhiều hơn là tiền bạc. Về sau này, chúng ta xem lại những bài thơ chữ Hán trong giai đoạn này thì rõ biết. Trong “tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng sách”.

Nhưng khi chạy trốn giữ được thân rồi, còn kế sinh nhai thì phải làm sao đây? Ngay cả Nguyễn Đại Lang, người anh kết nghĩa, cũng chẳng phải giàu có gì, nhưng chắc rằng ông này đã bày mưu kế giúp Nguyễn Du để khỏi tốn kém trong khi vừa đi tỵ nạn, vừa đi giang hồ trên đất nước Trung Hoa rộng lớn như vậy, chỉ có thể làm tăng sĩ của đạo Phật là thích hợp nhất. Vì chỉ có tăng sĩ của Phật Giáo mới đi khất thực để độ thân, còn Nho sĩ và những người theo Đạo Lão thì không làm việc này.

Việc cạo bỏ râu tóc không khó, nhưng tìm thầy để quy y Tam Bảo không phải là chuyện đơn thuần. Vì mới chân ướt chân ráo từ Vân Nam sang thì biết thầy nào hay chùa nào mà làm chỗ dung thân để xuất gia đầu Phật? Phải chi lúc ấy Lê Chiêu Thống có dẫn theo nhiều nhà sư như Gia Long Nguyễn Ánh thì Nguyễn Du chắc đã có chỗ dung thân rồi.

Nhìn lui lại lịch sử thì vào những năm thay ngôi đổi chủ giữa triều Lý và triều Trần, vì Trần Thủ Độ đang tâm hại cả gia tộc nhà Lý, nên Hoàng tử Lý Long Tường vào năm 1226 mới cùng với 3 chiến thuyền và 6.000 người dong buồm đi tỵ nạn đến Đài Loan và Cao Ly. Điều đặc biệt là họ đã không qua Trung Hoa. Có lẽ họ sợ sẽ bị trả về. Nếu lúc ấy nhà Minh bên Trung Hoa đón tiếp họ, thì chắc rằng cũng đã có nhiều ngôi chùa Việt được xây dựng tại Trung Hoa. Vì lẽ cả triều đại nhà Lý có thâm tín với Phật Giáo.

Từ năm 1226 đến nay, người mang dòng họ Lý ở Nam Bắc Triều Tiên và Đài Loan đã làm nên lịch sử, góp phần làm quang vinh những xứ sở mà họ đã gởi thân tỵ nạn. Nhưng Bác Sĩ Yên Tử Trần Đại Sỹ, người đã tìm ra phổ hệ của con cháu nhà Lý ở Đại Hàn và Đài Loan cũng không cho biết là họ đã lập được bao nhiêu ngôi chùa Việt Nam tại hai xứ này. Hoặc giả tất cả những ngôi chùa ấy đã bị đồng hóa với các chùa tại địa phương? Vì lẽ Việt Nam của chúng ta theo Phật giáo Đại Thừa, cả hai nước này cũng theo Phật giáo Đại Thừa và văn tự chính để trì tụng kinh điển hằng ngày vẫn là chữ Hán, không khác chữ Hán ở Trung Hoa bao nhiêu. Nếu có khác, đó chỉ là cách phát âm. Do vậy ngày nay nếu có ai đó tìm lại cội nguồn của Dân Tộc Việt về phương diện tôn giáo tại Trung Hoa, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ khó khăn hơn Thái Lan. Bởi lẽ ở Thái Lan lúc ấy chỉ có Phật giáo Nam Truyền và đoàn người theo Gia Long Nguyễn Ánh sang đây mang theo Phật giáo Bắc Truyền, khác với Phật giáo bản địa. Do vậy mà sự tồn tại không bị đồng hóa một cách dễ dàng chăng?

Một nhà Nho như Nguyễn Du nếu có tin Phật hay quy y theo Phật cũng là chuyện bình thường. Trước đó hay sau đó hàng bao thế kỷ cũng đã có nhiều bậc tướng tài trong các triều Lý và triều Trần, triều Hậu Lê, các Chúa Nguyễn v.v… không thiếu những người đã phát tâm hành Bồ Tát Đạo như vậy để cứu đời giúp đạo. Nhưng có lẽ Nguyễn Du đã chẳng chuẩn bị cho việc này trước, nên có thể chữ Chí Hiên là do ông tự đặt cho mình chăng? Đặt như vậy để tránh bút hiệu Thanh Hiên mà nhiều người đã biết ở Việt Nam. Bây giờ mặc áo nhà tu, đầu đội mũ vàng, trên vai có tay nãi và bên hông có bình bát mang theo là đủ rồi.

Đây có thể là kế sách của Nguyễn Du tự sắp đặt cho chính mình, nhưng cũng có thể là do Nguyễn Đại Lang bày mưu tính kế. Nguyễn Đại Lang là người Hoa, ông dư biết là đa số người dân ở đây tin Phật, một nhà sư không cần phải nói nhiều khi ra đường, trừ khi giảng pháp. Cứ đầu tròn áo vuông và đi đứng ngồi nằm đúng oai nghi tế hạnh là nhiều người đã tin theo cúng dường, ít nhất là những bữa cơm trưa đơn thuần chỉ là dưa, muối, cơm, canh v.v… Như vậy đủ để nuôi sống mà ông không cần phải lệ thuộc vào ai cả trên đoạn đường thiên lý có hơn 5.000 cây số đi từ Liễu Châu qua Quảng Tây rồi đi đường Trường Sa đến Hán Dương qua sông Giang Hán đi Trường An và sau đó xuống Hàng Châu, “Giang Nam, Giang Bắc cái túi không”.

“Tại Hàng Châu, Nguyễn Du có được quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân và quyết chí diễn ra thơ nôm. Nguyễn Du và Cai Gia Nguyễn Đại Lang gặp nhau lại tại miếu Nhạc Phi, sau đó cùng đi về Yên Kinh.” (Trích Nguyễn Du – Wikipedia tiếng Việt)

Chỉ một đoạn văn ngắn được trích ra từ Wikipedia tiếng Việt trên đây chúng ta đã tìm ra được nhiều sự kiện. Đó là việc nhà Sư Chí Hiên đi bằng gì qua những địa phương với đường dài 5.000 cây số. Ví dụ như đường bộ, đường thủy, đường rừng v.v…? Đi đến đâu phải ở lại đâu? Và ngay cả Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh khi đưa ra những phát hiện mới về tiểu sử Nguyễn Du cũng tin rằng Nguyễn Du đọc hay tụng Kinh Kim Cang hơn 1.000 biến trong thời gian 3 năm này (1778-1780). Đồng thời Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh cũng nghĩ là Nguyễn Du đã gặp tác phẩm Kim Vân Kiều do Thanh Tâm Tài Nhân viết bằng chữ Hán tại chùa Hổ Pháo vào cuối năm 1790.

Sau khi về lại Việt Nam vào năm 1790, Nguyễn Du chính thức viết truyện Kiều bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát, gồm 3.254 câu, dựa theo nội dung cốt chuyện mà Nguyễn Du đã có tại Hàng Châu vào năm 1790. Thời gian viết truyện Kiều có thể là từ năm 1790 đến 1794. Trong chương này có chú trọng qua những đề mục như trên đã nêu, và dưới đây chúng ta có thể lạm bàn từng điểm một để có thể đưa đến một điểm chung về sau này, khi có người nghiên cứu đến thì có thể tham khảo được.

Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh trong bài viết nhan đề “Tiểu sử Nguyễn Du qua những phát hiện mới” đăng trên Việt Báo ngày 2.1.2016 ghi nhận như sau:

“Từ khi tìm ra Lưu Hương Ký thơ Hồ Xuân Hương có chép hai bài thơ Chí Hiên tặng. Suy diễn từ tình cảm oán trách trong bài, tôi cho rằng đó là thơ Nguyễn Du, oán trách Hồ Xuân Hương đi lấy chồng thầy lang xóm Tây, làng Nghi Tàm, khi Nguyễn Du bị tù tại Hàng Lĩnh năm 1796. Tôi cho rằng bút hiệu Nguyễn Du dùng trước khi đổi thành bút hiệu Thanh Hiên. Cuối năm 1787 Nguyễn Du sang Vân Nam bị bệnh ba tháng xuân, sau đó Nguyễn Du xuất gia thành nhà sư Chí Hiên, để đi giang hồ đến Trường An và hẹn gặp lại Nguyễn Đại Lang tại Trung Châu. Thành nhà Sư đi nhờ các thuyền buôn không mất tiền, đêm trú lại một ngôi chùa, trên đường đi tụng Kinh Kim Cương làm công quả, ăn ngủ tại các chùa trên đường đi. Chí là danh hiệu Chí Thiện Thiền Sư, Chưởng Môn Thiếu Lâm Tự thời vua Càn Long, được người đương thời kính phục, đề tài của nhiều bộ tiểu thuyết. Nhà sư giỏi võ, vác thanh trường kiếm trên vai, được các thuyền buôn tin tưởng và có thể nhờ làm lễ cầu phúc, cầu may buôn bán tốt lành. Với phương tiện này, Nguyễn Du có thể đi “Giang Bắc Giang Nam cái túi không, muôn dặm mũ vàng chiều nắng xế” (đi gần 5.000 km) và tụng kinh Kim Cương nghìn lượt (1.000: 365 ngày = khoảng 3 năm”. (hết trích)

Đọc đoạn trích bên trên của Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh, tôi đồng ý hoàn toàn, chỉ trừ việc dùng Pháp hiệu sư Chí Hiên để tặng thơ cho Hồ Xuân Hương là không có lý. Bởi lẽ không ai lấy Pháp hiệu của một nhà Sư mà đi tặng thơ cho người tình cả. Vả lại bút hiệu hay Pháp Tự này chỉ có được sau khi Nguyễn Du sang Trung Hoa và nghe danh nhà Sư Chí Thiện, chưởng môn phái Thiếu Lâm thời ấy, nên mới tự đặt cho mình thì hữu lý hơn.

Cũng có thể trước khi chia tay với Nguyễn Du, Nguyễn Đại Lang đã gợi ý dùng Pháp tự Chí Hiên và cạo đầu làm tăng sĩ, như thế sẽ dễ dàng thuận lợi cho cuộc hành trình từ Liễu Châu về Trường An là điều mà chúng ta có thể lý giải được.

Như phần đầu tôi đã trình bày là ngôn ngữ được Nguyễn Du sử dụng trên đất Trung Hoa là tiếng Quảng Đông. Vì tiếng Quảng Đông có phát âm gần giống tiếng Việt hơn, và đa phần người ở hai bên sát biên giới Hoa Việt đều sử dụng dễ dàng loại ngôn ngữ địa phương này. Hoặc giả nhiều lắm là Nguyễn Du đã sử dụng đến tiếng Phúc Kiến hoặc tiếng Triều Châu trên suốt đoạn đường đi ấy. Cùng lắm nếu ngôn ngữ phát âm không ai hiểu thì dùng bút đàm. Có như vậy Nguyễn Du mới tự tại ở chùa, trên đoạn đường đi từ Liễu Châu đến khi gặp lại Nguyễn Đại Lang tại miếu Nhạc Phi để cùng đi Yên Kinh là một thời gian dài, nên đã có nhiều bài thơ Nguyễn Du làm trong thời gian này, chứ không phải làm lúc đi sứ thời vua Gia Long của năm 1813 và 1814. Chẳng hạn như bài thơ chữ Hán dưới đây:

岳武穆墓

中原百戰出英雄,
丈八神鎗六石弓。
相府已成三字獄,
軍門猶惜十年功。
江湖處處空南國,
松柏錚錚傲北風。
悵望臨安舊陵廟,
栖霞山在暮煙中。

Nhạc Vũ Mục mộ

Trung Nguyên bách chiến xuất anh hùng,
Trượng bát thần thương, lục thạch cung.
Tướng phủ dĩ thành tam tự ngục,
Quân môn do tích thập niên công,
Giang hồ xứ xứ không Nam quốc,
Tùng bách tranh tranh ngạo Bắc phong,
Trướng vọng Lâm An cựu lăng miếu,
Thê Hà sơn tại mộ yên trung.

Mộ Nhạc Vũ Mục

Trung Nguyên trăm trận xuất anh hùng,
Trượng tám thương thần, sáu thạch cung.
Tướng phủ tội hình ba chữ án,
Trung quân thương tiếc công mười năm.
Sông hồ đâu kẻ hùng Nam Tống,
Tùng bách kiên cường trước Bắc Phong.
Hoài vọng Lâm An lăng miếu cũ,
Thê Hà chìm đắm khói sương dâng.

(Nhất Uyên dịch thơ)

Theo Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh thì 2 bài Tần Cối và 2 bài Vương Thị Tượng cũng do Nguyễn Du làm trong thời gian chờ Nguyễn Đại Lang tại Hàng Châu.

秦檜像其一

殿檜何年椎作薪,
卻來依傍岳王墳。
是非盡屬千年事,
打罵何傷一假身。
如此錚錚真鐵漢,
奈何靡靡事金人。
誰云於世無功烈,
萬古猶能懼亂臣。

Tần Cối Tượng (Kỳ I)

Điện Cối hà niên chùy tác tân,
Khước lai y bạng Nhạc Vương phần.
Thị phi tận thuộc thiên niên sự,
Đả mạ hà thương nhất giả thân.
Như thử tranh tranh chân thiết hán,
Nại hà mĩ mĩ sự Kim nhân?
Thùy Vân ư thế vô công liệt?
Vạn cổ do năng cụ loạn thần.

Tượng Tần Cối (I)

Cây cối điện xưa thành củi rồi,
Nhạc Vương mộ đây Cối nương thời.
Đúng sai chuyện cũ nghìn năm luận,
Đánh mắng giả thân mất công thôi.
Mặt sắt trơ trơ hình tượng đó.
Quân Kim luồn cúi nhục thân đời,
Kẻ này chớ bảo công không có,
Vạn cổ gian thần gương sáng soi.

(Nhất Uyên dịch thơ)

秦檜像其二

格天閣毀玉樓殘,
猶有頑皮在此間。
一世死心懷大毒,
千年生鐵負奇冤。
獄中已濺生前血,
階下徒誅死後奸。
得與忠臣同不朽,
齊天奇福太無端。

Tần Cối tượng (Kỳ II)

Cách Thiên các hủy ngọc lâu tàn,
Do hữu ngoan bì tại thử gian.
Nhất thể tử tâm hoài đại độc,
Thiên niên sinh thiết phụ kỳ oan.
Ngục trung dĩ tiễn sinh tiền huyết,
Giai hạ đồ tru tử hậu gian.
Đắc dữ trung thần đồng bất hủ,
Tề thiên kỳ phúc thái vô đoan.

Tượng Tần Cối (II)

Cách Thiên gác đổ ngọc lầu tàn,
Nhưng vẫn còn đây một kẻ gian.
Một kiếp tim đen đầy nọc độc,
Nghìn năm thỏi sắt chịu hàm oan.
Trung thần trong ngục sống tuôn máu,
Gian tặc dưới thềm chết vẫn hành.
Gian xảo, trung thần cùng bất tử,
Lạ lùng cái phúc thật vô công.

(Nhất Uyên dịch thơ)

王氏像其一

舌長三尺更何為,
好與權奸備唱隨。
後患正殷擒虎日,
前功安問飲龍期。
一生心跡同夫婿,
千古形骸辱女兒。
底事想來莫須有,
閨中私語更誰知。

Vương Thị Tượng (Kỳ I)

Thiệt trường tam xích cánh hà vi?
Hảo dữ quyền gian bị xướng tùy.
Hậu hoạn chính ân cầm Hổ nhật,
Tiền công an vấn ẩm Long kỳ.
Nhất sinh tâm tính đồng phu tế,
Thiên cổ hình hài nhục nữ nhi.
Để sự tưởng lai “mạc tu hữu”,
Khuê trung tư ngữ cánh thùy tri?

Tượng Vương Thị (Bài I)

Lưỡi dài ba tấc làm chi chăng?
Cùng kẻ quyền gian kết vợ chồng.
Định chuyện lo sau giam Hổ lại,
Còn chi công trước rượu Long mừng.
Một đời bụng dạ như chồng hệt,
Nghìn thuở dung nhan nhục má hồng.
Nghĩ đến một câu: “Chả cần có”,
Biết đâu lời thị chốn khuê phòng?

(Nhất Uyên dịch thơ)

王氏像其二

深圖密算勝夫君,
應是晨雞第一人。
不爛已生三寸舌,
純綱還得萬年身。
唱隨盡道應無悔,
伎倆同年更可親。
莫道女兒無力量,
也曾撼破岳家軍。

Vương Thị Tượng (Kỳ II)

Thâm đồ mật toán thắng phu quân,
Ưng thị “thần kê đệ nhất nhân”.
Bất lạn dĩ sanh tam thốn thiệt,
Thuần cương hoàn đắc vạn niên thân.
Xướng tùy tận đạo ưng vô hối,
Kỹ lưỡng đồng niên cánh khả thân.
Mạc đạo nữ nhi vô lực lượng,
Dã tằng hám phá Nhạc gia quân.

Tượng Vương Thị (Bài II)

Mưu mô sâu sắc cả hơn chồng,
“Gà mái gáy sớm” nhất tiếng danh.
Ba tấc lưỡi mềm trời phú thế,
Nghìn năm thân rắn thép gan thành.
Xướng tùy trọn đạo lòng cùng sướng
Xảo quyệt tương thân dạ kết đồng.
Chớ bảo nữ nhi không sức mạnh,
Phá quân Nhạc Vũ đến tan tành.

(Nhất Uyên dịch thơ)

Nguyễn Du làm 5 bài thơ trên trong thời gian chờ Nguyễn Đại Lang đến gặp tại Miếu Nhạc Phi ở Hàng Châu. Đây là tâm sự của Nguyễn Du bênh vực cho Nhạc Phi và chê trách Tần Cối cũng như Vương Thị. Thời nào cũng có kẻ trung quân ái quốc và ở đâu cũng có nịnh thần, nên nhìn đâu cũng thấy một xã hội băng hoại, thời các vua chúa của Trung Hoa trị vì ở vào thời điểm của nhiều thế kỷ trước đó.

Có một điều lạ, Nguyễn Du là một nhà Nho, nhưng chúng ta thấy Nguyễn Du ít đề cập đến tư tưởng của Khổng Tử hay Lão Trang, mà ngược lại Nguyễn Du lại có cảm tình nghiêng hẳn về Phật giáo. Có lẽ ông thấy rằng ở Phật giáo ông tìm được lời giải đáp của một kiếp nhân sinh, nhất là sau khi chết sẽ đi về đâu, do thuyết nghiệp lực của nhà Phật mà ông đã bị ảnh hưởng tại quê nhà. Do vậy tư tưởng của Nguyễn Du trong truyện Kiều hay nơi bài “Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh” đã chứng minh rõ nét việc này.

Từ Liễu Châu qua Quảng Tây đi đường Trường Sa để đến Hán Dương, qua sông Giang Hán để đi Trường An và sau đó xuống Hàng Châu. Như vậy thời gian chờ đợi Nguyễn Đại Lang tại Hàng Châu là lúc trên đường về lại phía nam Trung Hoa. Đây có thể là vào cuối năm 1790. Lúc ấy Nguyễn Du vừa đúng 21 tuổi. Vẫn tư cách một nhà tu hành, được ở tại chùa Hổ Pháo, nơi Từ Hải, tức Minh Sơn Hòa Thượng đã từng tu hành và chính nơi đây Nguyễn Du đã có được quyển Kim Vân Kiều truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân.

Hàng Châu nằm ở tỉnh Chiết Giang, không xa Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông là mấy, nhưng tiếc rằng Nguyễn Du đã không đi qua ngã này, mà đi qua tỉnh Hồ Nam dọc theo đường Trường Sa bằng ngựa và qua sông Giang Hán bằng thuyền. Nếu Nguyễn Du đến được chùa Nam Hoa ở Quảng Châu thì đã đảnh lễ được nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng rồi (638-713), nơi đây vẫn còn thờ chơn thân xá-lợi đang ngồi suốt hơn 1.000 năm của Lục Tổ và cho đến thời kỳ của Nguyễn Du, không ai là không biết Lục Tổ đã ngộ được câu kinh trong kinh Kim Cang do nghe được khi còn là cư sĩ đi đốn củi trong rừng là: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Cũng chính tư tưởng tâm giác ngộ ấy không có gốc, nên đã được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát, sau đi về chùa Quang Hiếu tại Quảng Châu để được xuất gia và sang chùa Nam Hoa để hành đạo.

Nếu Nguyễn Du đến được địa điểm này trước thì có lẽ ông ngộ được chữ “Không” trong kinh Kim Cang còn sớm hơn thế nữa, chứ không cần phải đi đến Trường An và nơi Phân kinh thạch đài của Thái tử Lương Chiêu Minh mới vỡ lẽ ra được điều này. Bởi lẽ suốt trong đoạn đường đi về 5.000 cây số ấy hằng đêm, hằng ngày Nguyễn Du đã trì tụng kinh này hơn cả 1.000 biến rồi.

Tại Trung Hoa có nhiều phong cảnh rất đẹp. Nhưng đẹp nhất là 4 Châu. Đó là: Tô Châu, Hàng Châu, Liễu Châu và Quảng Châu.

Tại Tô Châu có chùa Hàn Sơn, không lớn lắm, nhưng có bài thơ của Trương Kế viết về chùa Hàn Sơn từ đời nhà Đường rất nổi tiếng, ai ai cũng biết đến. Đó là bài Phong Kiều Dạ Bạc như sau:

楓橋夜泊

月落烏啼霜滿天,
江楓漁火對愁眠。
姑蘇城外寒山寺,
夜半鐘聲到客船。

Phong Kiều Dạ Bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch thơ:

Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,
Lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) dịch thơ
(Theo Nguyễn Quảng Tuân, Tạp chí Văn học số 191, 3-2002)

Tiếp đến là Hàng Châu, nơi có mộ Nhạc Phi, có chùa Thiên Trúc Tây Lai Phùng, có mặt hồ với nước xanh như ngọc, có những người con gái đẹp hay xuất hiện, bằng những hình ảnh thực cũng như qua thi văn của Trung Hoa cổ đại và hiện đại.

Liễu Châu có loại gỗ rất tốt. Người Hoa khi lâm chung muốn chọn gỗ của Liễu Châu để làm quan tài. Với loại gỗ ở đó, có thể giữ thi hài của người chết cả ngàn năm mà không bị mục rã.

Quảng Châu là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, nơi đây đầu bếp số một của Trung Quốc thường xuất hiện để tạo ra những món ăn ngon nổi tiếng trên thế giới, nên có rất nhiều người biết đến. Tại Quảng Châu có chùa Quang Hiếu rất cổ kính. Tương truyền rằng: Lúc thành Quảng Châu chưa xây thì chùa Quang Hiếu đã được thành lập rồi và chính nơi này Lục Tổ Huệ Năng đã xuất gia để trở thành vị Tổ thứ 6 của Thiền Tông Trung Hoa trong quá khứ. Bản thân chúng tôi đã đi đến được 3 nơi là: Tô Châu, Hàng Châu và Quảng Châu, còn Liễu Châu thì không có nhân duyên tại đó nên chưa đặt chân đến.

Từ Hàng Châu muốn đi Trường An phải qua các tỉnh An Huy rồi Hà Nam mới đến Thiểm Tây. Trường An ngày xưa còn gọi là Thường An và đây là kinh đô của 13 triều đại trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tân đổi thành Trung An và khi triều đại này sụp đổ vào năm 23 thì kinh đô cũ phục hồi trở lại. Đến triều nhà Minh, thế kỷ 14-15 tên của thành được đổi lại là Tây An và Tây An bây giờ là thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây.

Từ kinh đô Tràng An, Nguyễn Du đã ngộ ra được chữ KHÔNG thâm diệu của Kinh Kim Cương qua bài “Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài” như sau:

梁昭明太子分經石臺

梁朝昭明太子分經處,
石臺猶記分經字。
臺基蕪沒雨花中,
百草驚寒盡枯死。
不見遺經在何所,
往事空傳梁太子。
太子年少溺菸文,
強作解事徒紛紛。
佛本是空不著物,
何有乎經安用分。
靈文不在言語科,
孰為金剛為法華。
色空境界茫不悟,
癡心歸佛佛生魔。
一門父子多膠蔽,
一念之中魔自至。
山陵不涌蓮花臺,
白馬朝渡長江水。
楚林禍木池殃魚,
經卷燒灰臺亦圯。
空留無益萬千言,
後世愚僧徒聒耳。
吾聞世尊在靈山,
說法渡人如恆河沙數。
人了此心人自渡,
靈山只在汝心頭。
明鏡亦非臺,
菩提本無樹。
我讀金剛千遍零,
其中奧旨多不明。
及到分經石臺下,
才知無字是真 經。

Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài

Lương triều Chiêu Minh Thái Tử phân kinh xứ,
Thạch đài do ký “Phân Kinh” tự.
Đài cơ vu một vũ hoa trung,
Bách thảo kinh hàn tận khô tử.
Bất kiến di kinh hà tại sở.
Vãng sự không truyền Lương Thái Tử,
Thái Tử niên thiếu nịch ư văn.
Cưỡng tác giải sự đồ phân phân,
Phật bản thị không, bất trước vật,
Hà hữu hồ kinh, an dụng phân?
Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa.
Thục vi Kim Cương, vi Pháp Hoa?
Sắc không cảnh giới mang bất ngộ,
Si tâm qui Phật, Phật sinh ma,
Nhất môn phụ tử đa giao tế,
Nhất niệm chi trung, ma tự chí,
Sơn lang bất dũng liên hoa đài,
Bạch mã triêu độ Trường Giang thủy,
Sở lâm họa mộc, trì ương ngư,
Kinh quyển thiêu hôi, đài diệc di.
Không lưu vô ích vạn thiên ngôn,
Hậu thế ngu tăng đồ quát nhĩ,
Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn,
Thuyết pháp độ nhân như Hằng hà sa số.
Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Minh kính diệc phi đài
Bồ Đề bản vô thụ.
Ngã độc Kim Cang thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh,
Cập đáo Phân Kinh thạch đài hạ,
Tài tri vô tự thị chân kinh.

Đài Đá chia kinh của Thái Tử Lương Chiêu Minh

Triều Lương, Chiêu Minh Thái Tử, chốn phân kinh,
Đài đá còn ghi chữ phân kinh.
Hoang vu nền cũ trong mưa gió,
Lạnh tàn cây cỏ xác xơ cành
Chốn cũ nơi đây nào thấy kinh,
Còn nghe lưu truyền Lương Thái Tử.
Thái Tử tuổi trẻ say văn chương,
Bày chuyện chia kinh vô tích sự,
Đạo Phật vốn không, không nhờ vật,
Là gì Kim Cương và Pháp Hoa?
Nào có kinh gì để phân chia,
Văn chương không ở nơi ngôn ngữ.
Sắc không mờ mịt không hiểu rõ,
Tâm mê theo Phật, Phật thành ma,
Một nhà cha con đều mù lòa,
Ma tự sinh ra trong ý nghĩ.
Hoa sen nào thấy chốn sơn lăng.
Ngựa trắng một sớm qua Trường Giang,
Cây Sở cá ao đều bị họa,
Kinh sách ra tro đài tàn hoang,
Nghìn vạn lời lưu lại ích chăng?
Điếc tai đời sau bọn ngu tăng.
Ta nghe Thế Tôn núi Linh Thứu,
Thuyết pháp độ nhiều như cát sông Hằng,
Người hiểu được tâm ấy độ rồi,
Linh Sơn chỉ ở trong lòng người,
Bồ Đề chẳng phải cây,
Minh kính không là đài.
Ta đọc Kim Cương hàng nghìn lượt,
Lắm điều sâu kín khó hiểu rành.
Phân kinh thạch đài nay đến đó,
Mới hay không chữ là chân kinh.

(Nhất Uyên dịch thơ)

Tại Hà Nam (kinh đô cũ là Lạc Dương) nằm ở tỉnh Hà Nam gần Trường An có Chùa Bạch Mã, nơi hai Ngài Ma Đằng và Trúc Pháp Lan là những người đầu tiên dịch Kinh Tứ Thập Nhị Chương từ chữ Phạn sang chữ Hán. Ngày nay nếu có ai đến chốn này sẽ còn chiêm ngưỡng được 2 ngôi mộ của 2 ngài và ngôi chùa Bạch Mã, kể cả tượng ngựa trắng chở kinh từ Ấn Độ về đây do Vua Hán Minh Đế nằm mộng thấy người vàng xuất hiện và cho người sang Ấn Độ thỉnh kinh mang về.

Ở Lạc Dương còn có Vân Môn thạch động được tạc các tượng vào núi đá cả hàng mấy trăm năm vào đời nhà Đường và nơi đây cũng chính là nơi Bồ Đề Đạt Ma đã đến cũng như đã gặp Vua Lương Võ Đế.

Vua Lương Võ Đế (464-549) là một Phật Tử rất thuần thành, xây chùa, tiếp tăng độ chúng không biết là bao nhiêu. Khi Bồ Đề Đạt Ma, Tổ Thiền Tông thứ 28 từ Ấn Độ sang Trung Hoa đúng vào lúc ông đang trị vì (502-557). Lương Võ Đế đã hỏi Tổ Đạt Ma rằng:

“Một đời Trẫm xây dựng chùa chiền, cúng dường Tăng, bố thí thiết trai. Vậy có công đức gì không?”

Đạt Ma dạy rằng: “Thật chẳng có công đức gì cả.”

- Đệ tử chưa rõ được lý này. Mong Hòa Thượng vì đệ tử chỉ dạy.

Đạt Ma biết rằng thiền cơ chưa đến với vua, nên Ngài đã vào núi Thiếu Lâm ngồi thiền suốt 9 năm trường, sau đó truyền tâm thiền này cho Ngài Huệ Khả, làm Tổ Thiền Tông thứ 2 của Trung Quốc.

Ngày nay nếu ai đó đi hành hương đến xứ này, hãy tìm đến chùa Thiếu Lâm sẽ vẫn còn thấy được hình ảnh của Ngài Đạt Ma với nét nhìn đâm thủng đá mà người đời ai cũng phải bái phục và tôn làm Tổ. Đó là chưa kể đến chuyện Ngài quảy một chiếc dép về Tây, sau khi đã viên tịch, mà bao nhiêu chùa của Thiền Tông đều có thờ hình ảnh này của Ngài nơi bàn Tổ.

Khi Nguyễn Du cùng Nguyễn Đại Lang đến đây đã cách xa hơn 1.000 năm (có thể là năm 1789-1790), nên chỗ chạm bằng đá nơi Phân Kinh do Lương Võ Đế và Lương Chiêu Minh Thái Tử cho khắc chữ vào đây không còn thấy nữa, nên trong bài thơ trên ta thấy Nguyễn Du có chê trách việc làm này. Bởi lẽ trong lúc ấy Nguyễn Du đang trì Kinh Kim Cang, nên dưới mắt ông cái gì cũng là “không” như Tu Bồ Đề đã trả lời Đức Phật. Do vậy ông mới gọi “nhất môn phụ tử đa giao tế”, cả cha lẫn con đều bị che lấp, không rõ nghĩa này, nên nếu lấy tâm mê để chấp có, chấp không, chấp thường, chấp đoạn v.v… thì tâm ấy sẽ trở thành tâm ma, chứ không phải là tâm Phật. Câu này theo Nguyễn Du thì ông cũng dựa theo lời trong Kinh Kim Cang, và lời đối đáp giữa Vua Lương Võ Đế và Bồ Đề Đạt Ma mà thôi. Ma hay Phật cũng chỉ là một chứ không hai. Khi bóng đen đến, ấy là ma, khi ánh sáng ngự trị, ấy là Phật. Cái nào cao hơn và ngự trị dài lâu hơn, cái ấy sẽ chiến thắng.

Hai câu: “Minh kính diệc phi đài, Bồ Đề bổn vô thọ” là dùng lại ý của Lục Tổ Huệ Năng đối đáp với Thần Tú. Việc này lâu nay ai cũng biết nhưng Nguyễn Du đã thể hiện việc trì tụng Kinh Kim Cang của mình ở 4 câu cuối rất là đặc biệt. Đó là:

Ngã độc Kim Cang thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh,
Cập đáo Phân Kinh thạch đài hạ,
Tài tri vô tự thị chân kinh.

Tôi cố gắng dịch ra hai khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt như sau:

Ta đọc Kim Cang từ dạo ấy,
Hơn ngàn lần chẳng thấy gì đâu.
Ở trong kinh đó đa phần khó,
Chỉ biết phần nhiều chữ và câu.

Đến khi thấy được chỗ chia kinh,
Chữ đâu còn nữa cảm công trình.
Mới biết Kinh kia là vô tự,
Thì ra “chân” ấy chính là Kinh.

Thích Như Điển dịch

Đúng vậy! Trong Kinh Kim Cang có chia nội dung ra làm 32 đoạn, và kinh này chính cá nhân tôi cũng đã trì tụng trong vòng 10 năm tại Tu Viện Đa Bảo ở Sydney, Úc Châu từ năm 2003 đến năm 2012. Mỗi năm như vậy ít nhất tôi có trên dưới 60 ngày để nhập thất tịnh tu, dịch kinh, viết sách và cứ mỗi tối tôi thường hay trì tụng một biến kinh Kim Cang. Như vậy ít nhất cũng là hơn 600 lần như thế.

Năm 2011 khi tôi viết quyển tiểu thuyết “Chuyện tình Liên Hoa Hòa Thượng” đã đề cập khá nhiều đến tư tưởng Kinh Kim Cang trong tác phẩm này rồi. Thiết tưởng lần này không cần phải đi sâu vào nội dung của Kinh Kim Cang nữa. Ở đây chúng ta nên phân tích và lý giải về tư tưởng “ngộ chân kinh vô tự” trong Kinh Kim Cang của Nguyễn Du lúc ấy.

Ông cho biết là đã đọc Kinh Kim Cương hơn 1.000 lần. Mỗi lần như vậy, dầu tụng tiếng Hán ngày xưa hay tiếng Việt ngày nay ít nhất cũng phải mất 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ. Nếu vừa tụng vừa chiêm nghiệm lời Phật dạy trong kinh thì còn phải dùng thì giờ nhiều hơn thế nữa. Ví dụ tụng đến câu:

Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.

Nghĩa:

Nếu dùng sắc để thấy ta
Dùng âm thanh để cầu ta
Người này làm việc tà
Chẳng thể thấy được Như Lai.

Vậy Như Lai là gì?

“Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.” (Như Lai nghĩa là không từ đâu đến, lại cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai.)

Hay như câu:

Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.

Nghĩa:

Tất cả pháp hữu vi
Như mộng huyễn ảo ảnh
Như sương lại như điện
Nên quán như thế ấy.

Hoặc câu:

Bất ưng trụ sắc sanh tâm
Bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm
Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.

Nghĩa:

Chẳng nên trụ vào sắc để sanh tâm
Chẳng nên trụ vào âm thanh mùi vị sự tiếp xúc sanh tâm
Mà nên sanh tâm này ở chỗ “vô sở trụ”.

Vô sở trụ là chỗ nào? Chỉ có ngộ đạo như Ngài Huệ Năng mới rõ, chứ hỏi Nguyễn Du trước đó thì ông cũng không rõ được. Bởi lẽ ông cũng cho rằng: “Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.”

Không rõ, đây là do Nguyễn Du chưa biết, chứ không phải là lời kinh không rõ. Đây ý nói yếu nghĩa sâu xa ở kinh Kim Cương ông chưa rõ. Chỉ khi đến dưới Phân Kinh thạch đài tại Trường An ông mới rõ.

Vậy ông rõ điều gì ở đây? Ông thấy cuộc đời vô thường quá. Ngày xưa Lương Võ Đế và con là Lương Chiêu Minh đã cho người khắc Kinh Kim Cang và Kinh Pháp Hoa vào đá để giữ lại cho được bền lâu, nhưng ngờ đâu lúc Nguyễn Du đến đây thì chữ khắc Kinh Pháp Hoa cũng như Kinh Kim Cang đều không còn nữa. Đó là thời điểm năm 1789, 1790, nếu lấy 1789 trừ đi 543 là năm của Bồ Đề Đạt Ma rời Trường An, chúng ta có được 1.246 năm lịch sử. Như vậy kể ra cũng là một thời gian dài. Thế nhưng cái vạn tuế khi xưng tán một triều vua, hay cái vĩnh cửu của trời đất vạn vật nó không có thực tướng. Do mọi vật đều biến đổi bởi vô thường sinh diệt cả. Nếu đem tâm sinh diệt ấy để luận chữ vô sanh hay vô tự của chân kinh thì không thể nào so sánh và hiểu rõ lời kinh theo ý nghĩa thâm sâu kia được.

Câu “Tài tri vô tự thị chân kinh” rất hay. Bởi lẽ kinh mà còn có chữ thì kinh ấy không phải là chân kinh. Giống như trong Kinh Kim Cang đã dạy rõ là: “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” Nghĩa là nếu thấy các tướng không phải là tướng thì mới thấy được Như Lai.

Vậy thì ngay lúc ấy Nguyễn Du đã thấy được Phân Kinh thạch đài không còn chữ nghĩa gì nữa cả. Chính lúc ấy Nguyễn Du đã rõ biết được nghĩa của Kinh Kim Cương là kinh không phải dùng chữ nghĩa để hiểu được, mà phải dùng tâm vô trụ mới vỡ lẽ hết được chân kinh. Đây chính là điểm cốt yếu để sau này ông mang tư tưởng này vào diễn nôm truyện Kiều theo tinh thần “sắc tức thị không, không tức thị sắc”.

“Nguyễn Du đến Chiêu Lăng của Đường Thái Tông, phía Tây Trường An, cạnh Vị Thành. Khu mộ an táng các công thần có công giúp nước. Bùi Tấn Công tức Bùi Độ tự Trung Lập, người đời Đường làm quan dưới triều Đường Hiển Tông (806-820), có công dẹp giặc được phong Tấn Quốc Công, làm Tể Tướng 30 năm, sau vì bọn hoạn quan lộng quyền, ông cáo quan về nhà ngâm vịnh với các nhà thơ đương thời như Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tích. Thăm mộ Bùi Tấn Công phải chăng Nguyễn Du nhớ đến cha, anh, những người văn võ toàn tài, chỉ vì bọn kiêu binh lộng quyền mà mất nước. Trên cánh đồng thu rộng mênh mông gò đống bằng phẳng, tấm bia mộ còn ghi tên Tấn Công. Một tấm lòng son lưu tiếng xưa nay. Nghìn năm xương trắng chia cách kẻ sống người chết. Ông có thừa tài thao lược làm tướng văn tướng võ. Còn về hình tượng đặt tên Gác Yên Đài, ghi tên người có công không cần vẽ tranh xanh đỏ điểm tô làm gì. Đau lòng gần đây thấy cây ở Chiêu Lăng tiếng quyên kêu suốt một dãy Vị Thành.”

(Trích “Nguyễn Du: Nhà sư Chí Hiên ‘Giang Bắc Giang Nam cái túi không’” của Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh.)

裴晉公墓

蕩蕩秋原丘隴平,
墓碑猶誌晉公名。
丹心一點留今古,
白骨天年隔死生。
儘有猷為優將相,
無妨形貌厭丹青。
傷心近日昭陵樹,
一帶啼鵑徹渭城。

Bùi Tấn Công mộ

Đãng đãng thu nguyên khâu lũng bình
Mộ bi do chí Tấn Công danh
Đan tâm nhất điểm lưu kim cổ,
Bạch cốt kim niên cách tử sinh.
Tấn hữu du vi ưu tướng tướng,
Vô phương hình mạo yếm đan thanh.
Thương tâm cận nhật Chiêu Lăng thụ,
Nhất đái đề quyên triệt Vị thành.

Mộ Bùi Tấn Công

Đồng thu vắng lạnh đống gò bằng,
Tấm mộ bia ghi tên Tấn Công,
Một tấm lòng son kim cổ nhớ,
Nghìn năm xương trắng tử sinh đành.
Tài cao mưu lược tướng văn võ,
Hình dáng cần chi nét đỏ xanh.
Cây cảnh Chiêu Lăng còn thổn thức,
Quyên kêu thành Vị tiếng đau lòng.

(Nhất Uyên dịch thơ)

“Trên đường đi Yên Kinh, Nguyễn Du ghé thăm quê cũ của Dương Quý Phi (719-756), tức Dương Ngọc Hoàn hay Dương Thái Chân, người Hoàng Nông, Hoa Âm, tỉnh Thiểm Tây. Bà là sủng phi của Vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Khi “An Lộc Sơn nổi loạn, Huyền Tông chạy vào đất Thục, đến Mã Ngôi quân lính không chịu đi, đòi trừng phạt Dương Quốc Trung anh họ nàng và Dương Quý Phi. Nàng thắt cổ chết. Sự kiện Dương Quý Phi giống như Đặng Thị Huệ, Quý Phi của chúa Trịnh Sâm, em trai cũng lộng quyền, kiêu binh cũng đòi trừng trị như thế. Phải chăng Nguyễn Du mượn chuyện Dương Quý Phi để nói đến Đặng Thị Huệ, nàng không tội tình gì, bao nhiêu Tiến sĩ triều đình, bao nhiêu võ tướng đều bất tài vô dụng như phổng đá, như con ngựa làm cảnh, nên đổ oan việc mất nước cho một người đàn bà?”

(Trích tiếp cùng nhan đề và cùng tác giả.)

楊妃故里

山雲削略岸花明,
見說楊妃此地生。
自是舉朝空立仗,
枉教千古罪傾城。
簫簫南內蓬篙遍,
寞寞西郊丘隴平。
狼藉殘紅無覓處,
東風城下不勝情。

Dương Phi cố lý

Sơn vân tước lược ngạn hoa minh,
Kiến thuyết Dương Phi thử địa sanh.
Tự thị cử triều không lập trượng,
Uổng giáo thiên cổ tội khuynh thành.
Tiêu tiêu Nam Nội bồng cao biến,
Mịch mịch Tây Giao khâu lũng bình.
Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ,
Đông phong thành hạ bất thắng tình.

Quê cũ Dương Quý Phi

Bên sông hoa nở núi mây thanh,
Nghe nói Dương Phi đất ấy sanh.
Vì cả triều đình như phổng đứng,
Đổ oan nghìn thuở sắc nghiêng thành.
Tiêu tiêu Nam Nội buồn man mác,
Gò đống Tây Giao giờ vắng tanh.
Hoa phấn hương tàn ai biết nữa,
Gió đông hiu hút dưới chân thành.

(Nhất Uyên dịch thơ)

Đọc những bài thơ tả cảnh tả tình này của Nguyễn Du lúc ấy chỉ là việc tức cảnh sinh tình, vì quá khứ đã hiện về trong lòng ông, chứ tuyệt nhiên với hình thức của một tăng sĩ đi xin cơm độ nhật, tụng kinh cho bá tánh để cầu phước mà viết những bài thơ như thế này thì mọi người chung quanh sẽ ngỡ ngàng lắm. Ngỡ ngàng vì lẽ tại sao một nhà sư đi lưu lạc đó đây mà giỏi văn thơ, lịch sử và văn học như vậy. Điều này không biết rằng Nguyễn Đại Lang có giải thích cho những người chung quanh nghe, hay là những bài thơ này cất kỹ và về sau mới gom lại để nhớ những kỷ niệm, những nơi chốn mà Nguyễn Du đã đi qua và có lẽ không ai dại gì mà “lạy ông tôi ở bụi này” cả.

Đọc bài thơ “Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài” và đọc bài thơ “Thăm Mộ Dương Quý Phi” thì rõ ràng là tư tưởng có và không, hữu và vô hiện rõ lên từng câu từng chữ trong hai bài thơ này. Vả chăng dầu là hình thức của một tăng sĩ gượng ép để sống cho qua ngày tháng, và mục đích của mình đạt được qua chuyến đi giang hồ không có tiền trong vòng 3 năm, tại đất Trung Hoa để thăm những danh nhân tướng tài như Nhạc Phi, hay làm thơ để chê bai Tần Cối và tượng của Vương Thị, đồng thời đến quê cũ của Dương Quý Phi, để ghi lại những hình ảnh của Đặng Thị Huệ vẫn còn hiện rõ trong tâm cảm của mình.

“Đặng Thị Huệ được gọi là Đặng Tuyên Phi, là một cung tần của Chúa Trịnh Sâm, và là mẹ của vị Chúa tiếp theo Trịnh Cán. Trong hậu phủ Chúa Trịnh, bà được đánh giá là một giai nhân bậc nhất của phủ Chúa và cũng rất được Chúa Trịnh Sâm sủng ái.

“Theo Từ điển Lịch sử Nhân vật Việt Nam, thì bà là một người đã gây ra nhiều tai ách trong phủ Chúa Trịnh và triều đình Hậu Lê, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chính trị, xã hội Đàng Ngoài. Cuộc đời của bà trở thành đề tài của nhiều giai thoại, chủ yếu nói về nhan sắc tuyệt đẹp của bà đã làm ảnh hưởng đến Chúa Trịnh Sâm, một trong những Chúa Trịnh đáng chú ý nhất vào thời kỳ cuối của họ Trịnh. Bà đã dùng nhiều thủ đoạn chính trị, như liên kết với Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo, gạt đi thế lực của người con trai trưởng là Trịnh Khải, gây nên nạn kiêu binh làm sụp đổ chính quyền Lê – Trịnh.”

(Trích Wikipedia tiếng Việt)

Vả chăng lịch sử là một sự lặp lại mà con người dầu là vua chúa, hay người đẹp như Dương Quý Phi của Trung Hoa, hay Đặng Thị Huệ của Việt Nam đi nữa thì cũng đều phải trải qua. Điều ấy có lẽ những người đẹp kia cũng chẳng muốn, nhưng để chứng minh cho sắc đẹp có thể làm lụy đến các đấng quân vương và quốc gia phải chịu chung số phận với những người đàn bà “hồng nhan đa truân” ấy. Đây cũng là một điểm nhấn mà sau này truyện Kiều Nguyễn Du đã gán vào chuyện má hồng phận bạc chăng?

Muốn đi Yên Kinh - một tên phổ biến khác không chính thức của Bắc Kinh, liên hệ đến nước Yên đã tồn tại ở đây từ thời nhà Chu - thì từ Thiểm Tây, Tây An phải đi qua các tỉnh Sơn Tây, sau đó đến Hà Bắc và Thiên Tân thì sẽ gặp kinh đô từ thời Nhà Minh (1368–1403). Tại đó Nguyễn Đại Lang và Nguyễn Du đã có nhiều ngày tháng để ngắm nhìn kinh đô tân thời hơn là cố đô Trường An, đã đi qua những nơi từ Vân Nam đến Quảng Tây rồi Hồ Nam, Chiết Giang, Hà Nam, Thiểm Tây v.v… để thăm cho biết sự tình, nhưng tôi chỉ tiếc là tại sao Nguyễn Du không dùng cơ hội này để đi qua những nơi ấy mà ghé thăm và đảnh lễ Tứ Đại Danh Sơn của Phật Giáo như: Ngũ Đài Sơn, Nga Mi Sơn, Cửu Hoa Sơn và Phổ Đà Sơn? Nếu ông là một tăng sĩ thực thụ thì chắc rằng ông đã không bỏ lỡ những nơi này và chắc rằng ông đã không đến, nên đã chẳng có bài thơ nào ghi lại những cảnh đẹp của bốn vị Bồ Tát thị hiện tại những nơi đó.

Nếu Nguyễn Du có tâm với các vị Bồ Tát thì đã đến thăm Ngũ Đài Sơn thuộc tỉnh Sơn Tây rồi. Vì từ Thiểm Tây, Tây An muốn đi Yên Kinh bắt buộc phải đi qua địa phương này. Ngũ Đài Sơn nằm ở độ cao 3.058 mét, có 5 ngọn núi tụ lại với nhau gồm Đông Đài, Tây Đài, Nam Đài, Bắc Đài và Trung Đài, nơi đây Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đã thị hiện nhiều lần. Nguyễn Du cũng có thể đi Tứ Xuyên từ Thiểm Tây để đảnh lễ Đức Phổ Hiền Bồ Tát tại Nga Mi Sơn, núi cao 3.099 mét. Ngày nay khách hành hương vẫn tấp nập đến những nơi này để lễ bái nguyện cầu.

Từ Hàng Châu, Nguyễn Du cũng có thể đi qua tỉnh An Huy để đảnh lễ sự thị hiện của Bồ Tát Địa Tạng. Cửu Hoa Sơn cao 1.341 mét và từ An Huy Nguyễn Du cũng có thể đến tỉnh Chiết Giang qua Thượng Hải rồi dùng thuyền để đi đến Ninh Ba đảnh lễ nơi Đức Quan Thế Âm Bồ Tát thị hiện. Phổ Đà Sơn nằm giữa biển và núi chỉ cao 284 mét, nhưng cảnh trí thật là tuyệt vời và hùng vĩ.

Bản thân tôi được nhân duyên là đã đi đến đảnh lễ được 4 nơi danh sơn này. Sau khi đi bốn nơi này về lại Đức, năm 1998 tôi đã viết sách “Theo Dấu Chân Xưa” để ghi lại chuyến hành hương Trung Quốc lần đầu, và năm 1999 viết tiếp “Vọng Cố Nhân Lầu” để ghi lại chuyến hành hương thứ 2 đầy cảm động và thú vị. Mỗi lần chỉ đi được 2 danh sơn, vì phải kết hợp đi thăm những nơi khác như Quảng Đông, Bắc Kinh v.v… nên những chuyến đi như thế tốn khá nhiều thời gian, nhưng bù lại kiến thức được mở mang rất nhiều.

Ngay cả trong bài “Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài” Nguyễn Du cũng đã viết hai câu:

“Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn
Thuyết pháp độ nhân như hằng hà sa số.”

Thời của ông sau thời Ngài Huyền Trang (602–664) đến cả 1.125 năm nhưng phương tiện giao thông vẫn không tiện lợi như bây giờ ở thế kỷ 20, 21 này, nên việc di chuyển thuở ấy phải tính hàng tháng, hàng năm, hàng nhiều năm mới thực hiện được một chuyến đi, chứ không phải như bây giờ trong một tháng, có thể bay đi thăm được nhiều nơi cách xa hàng mấy chục ngàn cây số cũng không phải là việc khó. Quan trọng là thời gian và những phương tiện mình có được đầy đủ hay không mà thôi.

Nguyễn Du bảo rằng ông nghe Thế Tôn tại núi Linh Thứu, chứ ông chưa bao giờ đến đó cả, và qua kinh sách ông được biết rằng: Phật đã thuyết pháp độ sanh nhiều như số cát sông Hằng. Riêng cá nhân tôi năm 1987 được cơ duyên đi đến đảnh lễ nơi đất Phật cùng với cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, và lần đầu tiên ấy do Thầy Huyền Diệu hướng dẫn.

Sau khi đi chiêm bái tứ động tâm ở Ấn Độ về, tôi đã viết quyển sách “Lòng Từ Đức Phật” để giới thiệu về nơi Đức Phật đã Đản Sanh, Thành Đạo, Thuyết Pháp lần đầu tiên và nhập Đại Bát Niết Bàn. Ai xem xong cũng thấy hay, nhưng đi thì ngán quá. Vì đời sống Châu Âu hay Châu Mỹ khác xa so với đời sống của người Ấn Độ rất nhiều và chính trong sách này tôi cũng đã viết rằng: “Sẽ không bao giờ đi lần thứ hai nữa.” Thế mà từ đó đến nay trong hơn 30 năm ấy (1987–2020) đã có không biết bao nhiêu chuyến về thăm đất Phật và hầu như năm nào cũng có.

Ngoài ra tôi và phái đoàn hành hương đã đi 3 lần “tam bộ nhất bái”, cứ 3 bước lạy một lạy từ dưới chân núi Linh Thứu lên đến Hương Thất của Đức Phật, lạy ngang qua động đá của Ngài A Nan và Ngài Xá Lợi Phất. Nếu lạy từ 5 giờ sáng thì độ 9 giờ, lúc mặt trời đã lên cao thì hành giả sẽ diện kiến được nơi ở của Đức Phật trên núi thiêng ấy. Vì nơi đây Đức Phật đã nói những bộ kinh quan trọng như kinh Pháp Hoa trong 8 năm sau cùng, trước khi Ngài nhập Niết Bàn ở tuổi 80.

Nhân duyên là thế, nên lúc nào tôi cũng phải niệm ân Tam Bảo thật sâu. Vì nếu không có Tam Bảo thì tôi đã không có được ngày nay, và không những chỉ đi về Ấn Độ để đảnh lễ Tứ Động Tâm của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hay đi Trung Hoa để đảnh lễ Tứ Đại Danh Sơn nơi bốn vị Bồ Tát như: Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, Quan Âm thị hiện, mà cho đến giờ này (2020) ở tuổi 71, tôi đã đi thăm được tất cả 75 nước trên thế giới tại 5 châu lục: châu Á, châu Úc, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Chỉ ngần ấy thôi cũng đã là một phước báu quá lớn lao trong đời người rồi, nên tôi không còn mong gì hơn nữa ngoài việc tiếp tục tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tọa thiền, dịch kinh, viết sách, thuyết giảng v.v… để đền ân Tam Bảo và chờ ngày về với Phật mà thôi.

Viết đến đây tôi lại liên tưởng đến những sự kiện của gia đình vừa xảy ra tại Việt Nam để hầu quý vị. Đó là ông anh thứ Tư của tôi và Hòa Thượng Bảo Lạc tên là Lê Văn An, Pháp Danh Như Khương, sanh năm Quý Dậu (1933) và mất ngày 24 tháng 6 năm 2020, thượng thọ 88 tuổi. Đám tang được cử hành rất trọng thể tại quê hương Mỹ Hạc Xuyên Mỹ, Duy Xuyên, Quảng Nam vào ngày 28 tháng 6 năm 2020 vừa qua. Ngày ấy tại Đức tôi mừng sinh nhật lần thứ 71 theo tuổi tây và 72 theo tuổi ta. Đến ngày 2 tháng 8 năm 2020 bà chị thứ Năm của Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi tên là Lê Thị Đấu, Pháp Danh Như Lý sinh năm Ất Hợi (1935) thượng thọ 86 tuổi, do dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của chị, mặc dầu chị có đông con cái, cháu, chắt mà ai cũng không được gần kề lúc lâm chung vì chính quyền sợ bị lây bịnh sang người còn sống. Ngày 9 tháng 8 năm 2020 chúng tôi làm tuần 49 ngày cho ông anh thứ Tư cũng là tuần sơ thất của bà chị thứ Năm.

Một điều trùng hợp cũng hơi lạ là ngày 17 tháng 4 năm 1966 nhằm ngày 27 tháng 3 âm lịch năm Bính Ngọ, tôi từ Hội An đạp xe đạp đi về quê để chuẩn bị làm tuần chung thất cho ông anh thứ Sáu (lúc ấy tôi đã xuất gia được hơn 2 năm và đang ở Chùa Viên Giác tại Hội An), khi xe vừa đến làng Thanh Chiêm, thì phía đối diện của tôi một xe Lambretta chạy về phía Bệnh viện Hội An chở nhiều nạn nhân bị trúng đạn pháo kích tối hôm qua ở cầu Câu Lâu, và có mấy người ngoi đầu ra nói cho tôi biết là Bác tôi và Mẹ tôi đã qua đời vì bị bom rơi đúng nơi hội họp. Tay chân tôi đều bủn rủn và cố gắng đạp xe đạp đi tiếp về nhà. Ở tuổi 17 đã mất đi người Anh và người Mẹ cùng người Bác dâu chỉ trong vòng 49 ngày, và năm nay cũng nhờ cháu Sinh ở Việt Nam nhắc lại sự kiện trên, nên tôi đã chiêm nghiệm lại là bà chị thứ Năm và ông anh thứ Tư cũng trong hoàn cảnh đó, nghĩa là chỉ trong vòng 49 ngày, sau 54 năm lại lặp lại một sự kiện y hệt như thế.

Cho nên việc lập trai đàn chẩn tế cũng là điều cần phải thực hiện để cho những oan hồn được siêu thoát. Nguyễn Du cũng đã soạn ra Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh để tưởng niệm những người chết oan như vậy và phần này tôi dùng cả một chương để nói về nội dung của bài Văn Tế cũng như tư tưởng của Nguyễn Du lúc bấy giờ.

Từ Thiểm Tây qua Sơn Tây đến Bắc Kinh chắc rằng Nguyễn Du cũng đã đi xe ngựa, đi bộ hoặc dùng đường thủy v.v… mà ở đoạn đường này không thấy Nguyễn Du viết lại những bài thơ đặc biệt nào cả. Có lẽ Nguyễn Du đã say sưa đọc truyện Kim Vân Kiều cũng như mỗi tối phải trì Kinh Kim Cang và ngày đi đêm nghỉ, nên ít có thì giờ để suy nghĩ đến những việc khác chăng?

Khi đến Bắc Kinh có lẽ Nguyễn Du và Nguyễn Đại Lang không có mục đích là diện kiến vua Càn Long hay các Đại Thần nhà Thanh. Vì lẽ ông và Nguyễn Đại Lang là người chống Tây Sơn, mà chính quyền của Tây Sơn sắp có phái bộ sang Bắc Kinh để xin tấn phong cho Quang Trung Nguyễn Huệ, nhất là sau khi Quang Trung đã đại thắng quân Mãn Thanh vào năm 1789. Do vậy không lý do gì mà triều đình của Vua Càn Long lại đi tiếp một ông thầy tu khất sĩ như Nguyễn Du hay nói đúng hơn dưới mắt của vua chúa Tây Sơn, Nguyễn Du và Nguyễn Đại Lang là những loạn quân phản nghịch, đã bị bắt cầm tù, sau đó được thả ra và bây giờ đang ăn nhờ ở đậu trên đất nước Trung Hoa, nên lý do này không được vững tin lắm.

Lý do khác có thể dễ hiểu hơn là nhân cơ hội này Nguyễn Du và Nguyễn Đại Lang đến thăm Bắc Kinh là Kinh Đô mới được thành lập từ đầu triều đại nhà Minh (1408) thời Vĩnh Lạc năm thứ 5 cũng như sẽ thăm viếng Vạn Lý Trường Thành và những dinh cơ đồ sộ của nhiều triều đại đã trị vì Trung Hoa suốt 4 hay 5 ngàn năm lịch sử. Do vậy có thể đây là cái cớ để hai người cùng đi đến Bắc Kinh vào những năm 1789, 1790 ấy chăng?

“Vạn Lý Trường Thành còn gọi là Trường Thành có nhiều thành lũy kéo dài hàng ngàn cây số từ Đông sang Tây, được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 trước Tây lịch cho đến thế kỷ 16, để bảo vệ Trung Hoa khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, Đột Quyết và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu. Một số đoạn tường thành được xây dựng từ thế kỷ 5 trước Dương lịch, sau đó Hoàng Đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng ra lệnh nối lại và xây thêm từ năm 220 trước và 220 sau Tây lịch và hiện chỉ còn sót lại ít di tích. Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng được tham quan hiện nay, được xây dựng dưới thời nhà Minh từ năm 1368 đến năm 1647.”

(Trích Wikipedia tiếng Việt)

Như vậy khi Nguyễn Du và Nguyễn Đại Lang sau gần 150 năm mới đến (1789), chắc hẳn còn rất kiên cố. Riêng người viết sách này đã có dịp đến đây ít nhất là 2 lần vào cuối thế kỷ 20, trong các chuyến hành hương chiêm bái các Thánh tích Phật Giáo tại Trung Hoa, cũng đã ghé thăm Bắc Kinh và Vạn Lý Trường Thành cũng như Tử Cấm Thành và Di Hòa Cung.

Điều làm cho khách tham quan ngạc nhiên và thú vị là ngay ở dưới chân của tường thành nằm phía bắc Tử Cấm Thành thấy mấy chữ Hán rất ấn tượng là “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán.” Nghĩa là: “ Chưa đến Trường Thành chưa phải trang hảo hán.” Tôi đã dịch cho cả đoàn hành hương nghe và ai cũng cười. Bởi vì chúng tôi chẳng xưng là hảo hán, nhưng chúng tôi đã đặt chân được đến nơi đây rồi. Ngày nay từ mặt trăng, qua những kính viễn vọng, người ta chụp hình và có thể thấy được Vạn Lý Trường Thành. Điều ấy chứng tỏ rằng người xưa đã có những điều nhìn xa thấy rộng như thế, mà ngày nay con người dầu cho có nhiều phương tiện hơn ngày trước cũng như việc tính toán xác suất chịu đựng của gạch đá cao hơn và vững hơn thời ấy, nhưng chắc gì quốc gia nào đó trên quả địa cầu này có thể xây dựng được một công trình thứ hai như vậy, thì đáng khâm phục biết bao.

Đến Bắc Kinh mà không đến viếng thăm Tử Cấm Thành là một điều quá thiếu sót. Do vậy chúng ta thử dạo qua khu vực này theo như Wikipedia tiếng Việt giới thiệu như sau:

“Cố cung Bắc Kinh hay Tử Cấm Thành là cung điện của 24 vị Hoàng Đế trong triều đại nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1911). Tử Cấm Thành được xây dựng vào năm thứ 4 đời Minh Thành Tổ Chu Đệ. Toàn bộ Tử Cấm Thành nằm ở trung tâm của Bắc Kinh, có diện tích 720.000 mét vuông và diện tích xây dựng khoảng 150.000 mét vuông. Đây là kiến trúc kiểu cung điện lớn nhất hiện có trên thế giới…

“...Vào tháng 7 năm thứ 5 là năm nhuận, Chu Đệ ban hành sắc lệnh bắt đầu xây dựng Tử Cấm Thành. Chủ trì xây dựng công trình gồm Trần Khuê, Công Bộ Thị lang Ngô Trung. Hình Bộ Thị lang Trương Tư Cung, Kiến trúc sư Thái Tín (có thể là Nguyễn An?). Những nghệ nhân nổi tiếng như thợ điêu khắc đá Lục Tường, thợ nề Dương Thanh và nhiều nghệ nhân khác đã đến Bắc Kinh vào tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 5.

“Việc xây dựng Tử Cấm Thành và cải tạo Bắc Kinh được tiến hành cùng một lúc, dựa trên Kinh đô gốc. Ngay sau khi bắt đầu dự án Tử Cấm Thành thì đã bị chậm lại do việc xây dựng Trường Lạc và hai cuộc chinh phạt Mông Cổ năm thứ 8 và năm thứ 11, mãi đến tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 16 mới bắt đầu khởi công lại.

“Vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420) Tử Cấm Thành được hoàn thành vào tháng 12. Ngày đầu tiên của tháng Giêng âm lịch năm Vĩnh Lạc thứ 19 (1421), Vĩnh Lạc nguyên đô đã hoàn thành. Vào tháng 5 cùng năm, đã có một vụ sét đánh và hỏa hoạn diễn ra, ba điện phía trước bị thiêu rụi. Năm 1440, đời Vua Minh Anh Tông niên hiệu Chính Thống thứ 5, tái thiết 3 phần điện phía trước và Điện Càn Thanh.

“Năm 1459 (năm Thiên Thuận thứ 3) xây dựng Tây Uyển. Năm 1557 tức năm Gia Tĩnh thứ 36, Tử Cấm Thành gặp hỏa hoạn, 3 điện phía trước, Phụng Thiên Môn, Văn Vũ Lâu, Ngọ Môn tất cả đều bị thiêu rụi. Đến năm 1561 mới được xây dựng lại hoàn toàn. Niên hiệu Vạn Lịch thứ 25 (1597), Tử Cấm Thành lại cháy lớn, đốt cháy 3 điện phía trước, tam cung phía sau. Việc khôi phục công trình chỉ hoàn thành cho đến năm Thiên Khởi thứ 7 (1627).

“Vào năm Sùng Trinh thứ 17 (1644), Lý Tự Thành chiếm được Bắc Kinh và nhà Minh bị diệt vong. Không lâu sau, Tổng Binh (chức quan võ) Sơn Hải Quan nhà Minh là Ngô Tam Quế đã dẫn quân Thanh vào cửa thành, Lý Tự Thành đã phóng hỏa đốt Tử Cấm Thành trước khi rút lui về Thiểm Tây, chỉ có điện Vũ Anh, điện Kiến Cực, điện Anh Hoa, điện Nam Huân, xung quanh Giác Lâu và Hồng Cực Môn là không bị cháy…” (Hết trích).

Cách đây chừng một năm (2019) tình cờ xem truyền hình Đức nói về những công trình kiến trúc cổ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới, trong đó có Tử Cấm Thành của Trung Hoa ở Bắc Kinh và người điều hợp chương trình này nói rằng: Tử Cấm Thành do Minh Thái Tổ chủ trương xây dựng vào đầu thế kỷ 15 và người Kiến trúc sư tên là Nguyễn An đến từ Việt Nam. Dĩ nhiên là bản tin còn dài nữa, nhưng khi nghe đến đó thì tôi bắt đầu đi tìm cội nguồn của việc này và hôm nay ngày 6 tháng 6 năm 2020 khi viết đến đoạn này, tôi phải vào Wikipedia để tìm thêm dữ liệu thì không thấy tên Kiến Trúc Sư Nguyễn An ở đâu hết, mà chỉ thấy tên người này là Thái Tín? Nếu vậy thì A Lưu được gọi bằng tiếng Hoa cũng là Nguyễn An? Cuối cùng tôi phải tìm cho ra manh mối thì đây là kết quả của trang Soha đã đăng bằng tiếng Việt như sau:

“Thần đồng kiến trúc và số phận bi thảm trong chiến tranh.

Nguyễn An (1381-1453) quê vốn người Hà Đông. Từ thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng khắp vùng với tài hoa và đôi tay khéo léo, bản lĩnh chính trực, liêm khiết của mình. Năm 1397, khi chưa đầy 16 tuổi, tiếng lành đồn xa, ông được có mặt trong kíp thợ khéo để xây dựng các công trình cung điện tuyệt tác nhà Trần (dưới thời vua Trần Thuận Tông).

Thật đáng tiếc, danh tiếng lan ra trong thời buổi loạn lạc như vậy, chỉ mang lại nguy hiểm trùng trùng.

Minh sử ghi lại, vào tháng 12 năm Bính Tuất (1406) nhà Minh mang danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ” xâm lược nước ta. Cha con Hồ Quý Ly lên ngôi không được lòng dân nên liên tiếp thua trận. Năm 1407, nhà Hồ thất thủ, nước Đại Việt chính thức bước vào một thời kỳ đô hộ đầy máu và nước mắt.

Đại Việt Sử Ký toàn thư ghi lại: “Người Minh lùng tìm những người ẩn dật ở rừng núi, người có tài có đức, thông minh chính trực, giỏi giang xuất chúng, thông kinh giỏi văn, học rộng có tài, quen thuộc việc quan, chữ đẹp tính giỏi, nói năng hoạt bát, hiếu đễ, lực điền, tướng mạo khôi ngô, khỏe mạnh dũng cảm, quen nghề đi biển, khéo các nghề nung gạch, làm hương… lục tục đưa dần bản thân họ về Kim Lăng.”

Như vậy cùng với Nguyễn An, có hàng ngàn thợ khéo, người tài mà tiêu biểu như Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly, sau thành ông Tổ pháo thần công), Phạm Giằng, Vương Cần… đã bị đưa sang đất Bắc. Nhân tài Đại Việt còn như “lá mùa thu”.

Còn đau đớn hơn Nguyễn An khi sang đất Bắc, bị lựa chọn đem đi hoạn, trở thành thái giám trong cung cấm Trung Hoa. Bị nhục nhã về thân phận, chà đạp lên con người, điều duy nhất để có thể sống sót và không bị biến chất là bộc lộ tài hoa của mình.

Ngọc trong bùn vẫn sáng, tài năng nở rộ trên đất khách.

Nguyễn An đến đất Bắc trong thời điểm Minh Thành Tổ lên trị vì (1402-1424) và đang gấp rút cho xây dựng một kinh đô mới ở Bắc Bình, nay là Bắc Kinh.

Việc xây dựng một tòa cung cấm mới đòi hỏi một nhân tài kiến trúc, còn có một tấm lòng ngay thẳng chính trực không vụ lợi. Biết Nguyễn An là người công minh chính trực, lại có tài thiết kế, Vua Minh đã cho A Lưu (tên tiếng Hán của Nguyễn An) là Tổng Công Trình Sư, chịu trách nhiệm thiết kế, quán sát, đôn đốc xây dựng cung đình. Như vậy, Nguyễn An là người chịu trách nhiệm quyết định tối cao cho công trình, chỉ sau Minh Thành Tổ…” (hết trích).

Đến đây thì chúng ta đã biết rõ Kiến trúc sư Tử Cấm Thành của Bắc Kinh tại Trung Quốc là ai rồi. Có lẽ người Trung Quốc bị bẻ mặt trước một công trình đồ sộ như vậy do người Việt Nam thiết kế, nên họ đã cho chen những tên tuổi của người Trung Quốc vào để đỡ bẽ bàng chăng? Đó cũng là lẽ thường xưa nay của kẻ mạnh. Tuy nhiên lịch sử lâu nay bao giờ cũng là lịch sử. Nếu lịch sử mà không hiển thị được sự thật trong một giai đoạn nào đó của một dân tộc, thì gọi đó là ngụy sử chứ không còn là lịch sử nữa.

Lúc ấy Nguyễn An ra đi với tâm trạng là một tù binh, một trong nhiều người bị thua trận phải làm tôi đòi cho nước chiến thắng. Ở vào thời điểm đó Nguyễn Trãi với Bình Ngô Đại Cáo cùng với Lê Lợi, Lê Lai những anh hùng áo vải Lam Sơn tại quê hương Đại Việt đã dựng cờ khởi nghĩa chống lại quân xâm lăng nhà Minh.

Nhìn lui lại lịch sử là như vậy, nhưng khi Nguyễn Du và Nguyễn Đại Lang đến Yên Kinh (Bắc Kinh) vào những năm 1788, 1789 cũng không khác thời của Nguyễn An là mấy. Một người thì đi lang bạt giang hồ, để che mắt thiên hạ với tâm trạng là một người giá áo túi cơm, xin ăn đây đó với tư cách là một nhà sư đi lánh nạn Tây Sơn. Với Nguyễn An có thể có những tâm trạng khác Nguyễn Du, nhưng Nguyễn An muốn để lại một công trình gì đó cho đời, mặc dù là kẻ bị đối xử như nô lệ, nhưng rồi đời sau sẽ có nhiều người biết đến. Đúng là như vậy! Đến thế kỷ 20, 21 hầu như tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều biết rằng công trình hoàn thành Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh dưới thời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc) là do một kiến trúc sư người Việt Nam thiết kế. Đó là Nguyễn An chứ không phải ai khác.

Lần đi này của Nguyễn Du và Nguyễn Đại Lang đến Bắc Kinh, có lẽ chỉ đi thăm cho biết cảnh trí cũng như cung điện Vua Càn Long đang ở, với thân phận của người đi giang hồ dưới cái nhìn bất nhị của một nhà sư Chí Hiên, sẽ khác xa với lần đi sứ sắp tới của Nguyễn Du vào thời Gia Long Nguyễn Ánh vào năm 1813 và 1814 sau này.

Cả hai người bây giờ bắt đầu trở lại nơi chốn xưa và trên đường trở về đến Hoàng Châu, Hà Bắc, thì Nguyễn Du và Nguyễn Đại Lang đã gặp được đoàn của Đoàn Nguyễn Tuấn trong Sứ bộ Tây Sơn trên đường đi Nhiệt Hà, nơi nghỉ mát của Vua Càn Long. Nhưng điều đặc biệt là tại sao họ lại phải gặp nhau và có sự kiện nào liên quan đến Nguyễn Du không?

Và Đoàn Nguyễn Tuấn là ai mà được vua Quang Trung giao cho nhiệm vụ tiếp đón Sứ giả nhà Thanh năm 1789 và qua Trung Quốc vào năm 1790?

Theo Wikipedia tiếng Việt được biết như sau:

“Đoàn Nguyễn Tuấn quê làng Hải Yên, huyện Quỳnh Côi (nay là làng Hải An, xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ), tỉnh Thái Bình.

“Ông là con của Hoàng Giáp Đoàn Nguyễn Thục, Đại thần thời Lê Mạt, là con rể Tiến sĩ Nhữ Đình Toàn. Ông quen với Nguyễn Nghiễm (thân phụ của Nguyễn Du 1708-1775) và là anh vợ của thi hào Nguyễn Du.

“Ông thi đỗ Hương Cống (Cử Nhân) đời Lê (vào khoảng đời Cảnh Hưng) nhưng không ra làm quan.

“Năm Canh Tý (1780), Nguyễn Khản là anh của Nguyễn Du đang làm Trấn Thủ Sơn Tây bị khép tội mưu loạn trong vụ án năm Canh Tý, bị bãi chức và bị giam ở nhà Châu Quận Công. Lúc này Nguyễn Du được Đoàn Nguyễn Tuấn đón về Sơn Nam Hạ nuôi ăn học.

“Khoảng 1786, ông có tụ họp người làng bàn chuyện dấy binh giúp Trịnh Bồng, nhưng việc không thành.

“Cuối năm 1787, ông cùng Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm ra giúp nhà Tây Sơn, ông được cử giữ chức Hàn Lâm trực học sĩ (1788).

“Tháng 9 năm 1789, ông được giao nhiệm vụ đón tiếp Sứ giả nhà Thanh sang phong vương cho Vua Quang Trung.

“Năm 1790, ông cùng Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, được cử vào Sứ bộ của Vua Quang Trung, sang Trung Quốc triều kiến vua Càn Long.

“Đoàn Nguyễn Tuấn trong Sứ đoàn Tây Sơn trên đường đi Nhiệt Hà thì gặp Nguyễn Du trở về Hoàng Châu, gặp nhau nơi lữ quán hai người bàn luận sôi nổi về văn chương chuyện hồng nhan đa truân. Nguyễn Du về trước và hẹn gặp nhau lại tại Thăng Long.

“Khi trở về nước, ông được thăng làm Tả Thị Lang Bộ Lại, tước Hải Phái Hầu. Sau khi vua Quang Trung mất đột ngột (1792), ông tiếp tục giúp vua Cảnh Thịnh cho đến khi triều đại Tây Sơn sụp đổ.

“Năm 1797, Nguyễn Đề (anh ruột Nguyễn Du) thu xếp cùng Đoàn Nguyễn Tuấn cưới cô em út Đoàn Nguyễn Thị Huệ cho Nguyễn Du. Đoàn Nguyễn Tuấn giao cho Nguyễn Du gia trang tại Quỳnh Hải, từ đây chấm dứt cuộc đời mười năm gió bụi.

“Mùa thu năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long diệt nhà Tây Sơn. Đoàn Nguyễn Tuấn lúc này khoảng 50 tuổi, có lẽ về ẩn cư trong “Phong Nguyệt Sào” (tổ gió trăng) là một cái chòi trong vườn hoa nhà mình, ngâm vịnh trong đó, tự hiệu là Sào Ông.

“Chưa biết năm mất của ông và cũng không rõ ông có ra làm quan thời Gia Long hay không.” (hết trích).

Đọc đoạn trên đây chúng ta có thêm được nhiều chi tiết để biết về việc Đoàn Nguyễn Tuấn và Nguyễn Du gặp nhau để làm gì? Ngoài việc thơ văn nói chuyện với nhau về hồng nhan bạc mệnh, đa truân (có lẽ bàn đến chuyện Kim Vân Kiều truyện mà Nguyễn Du có được ở chùa Hổ Pháo tại Hàng Châu) và lúc này Nguyễn Du cùng Đoàn Nguyễn Tuấn chỉ là anh em bạn thôi, mãi đến năm 1797, sau khi ông về lại Thăng Long mới chính thức làm em rể của Đoàn Nguyễn Tuấn. Đồng thời khi gặp nhau chắc rằng Đoàn Nguyễn Tuấn đã chiêu dụ Nguyễn Du nên về lại quê hương để ra làm quan dưới thời Quang Trung Nguyễn Huệ. Đây có thể là một nghi vấn mà thôi. Bởi lẽ khi về lại Thăng Long năm 1790 đến khi Quang Trung Nguyễn Huệ băng hà năm 1792 và thời Quang Toản trị vì cũng không thấy Nguyễn Du xuất hiện ở chốn quan trường. Theo tôi nghĩ thời gian từ 1790-1794 là thời gian mà Nguyễn Du muốn hoàn tất quyển thơ chữ Nôm Kim Vân Kiều Truyện, nên Nguyễn Du đã chẳng đoái hoài đến chuyện quan vị chăng? Hay là ông không muốn liên hệ gì nữa với Tây Sơn? Bởi lẽ dưới thời Nguyễn Nhạc Thái Đức trị vì (1778-1788), ông đã bị cầm tù thì nay ông đâu có mặn mà gì với Tây Sơn nữa. Đây là lý do chính để ông bỏ đi sang Trung Hoa trong vòng 3 năm giả dạng làm nhà sư Chí Hiên từ năm 1788-1790. Điều hiển nhiên mà chúng ta có thể đoán ra được là dưới ảnh hưởng lớn mạnh của Đoàn Nguyễn Tuấn lúc bấy giờ, ông ta có thể bảo đảm cho Nguyễn Du về lại Đại Việt không bị phiền hà gì, cho nên ngày trở về Thăng Long năm 1790 của Nguyễn Du mới được êm đẹp như vậy. Đầu tiên là tình nghĩa thi nhân, sau đó là tình người và cuối cùng là tình anh em rể. Cả ba mối tình này gom lại thì Nguyễn Du đã không bị Quang Trung Nguyễn Huệ làm khó dễ lúc bấy giờ chăng?

Trong bài “Tiểu sử Nguyễn Du qua những phát hiện mới”, Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh viết như sau:

“Đoàn Nguyễn Tuấn có hai bài thơ ghi lại cuộc gặp gỡ này: ‘Đến Hoàng Châu vừa vặn gặp người bạn văn chương họ Nguyễn từ Yên Kinh trở về bèn phóng bút làm thơ tặng.’ Bài thơ có câu: ‘Giải cấu văn nhân sách chỉ đàm.’ (Gặp gỡ nhà văn tìm thấy đề tài sách để nói chuyện) và trên đường đi sứ Đoàn Nguyễn Tuấn có bài thơ Vô Đề có câu: ‘Hồng nhan tự cổ đa tăng mệnh (Má hồng từ xưa thường bị số mệnh ghen ghét). Nhà văn họ Nguyễn là ai? và đề tài sách gì ám ảnh Đoàn Nguyễn Tuấn phải viết một bài thơ về chuyện hồng nhan? Người bạn văn chương ấy chính là Nguyễn Du.” (hết trích).

Điều thắc mắc của Phạm Trọng Chánh đã được giải thích nơi tiểu sử của Đoàn Nguyễn Tuấn rồi và điều tâm đắc của Phạm Trọng Chánh là ông biết chắc rằng giữa Nguyễn Du và Đoàn Nguyễn Tuấn đã bàn đến cuộc đời của Thúy Kiều, mà sách ấy theo Phạm Trọng Chánh thì: “Có thể nhà sư Chí Hiên (Nguyễn Du) đã trú lại nơi chùa Hổ Pháo, nơi Từ Hải từng tu hành. Cũng chính nơi đây Nguyễn Du đã nghe chuyện Từ Hải và có được Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân viết từ đời Khang Hy, được khắc in vào thời Càn Long, đang được bán và nổi tiếng tại Hàng Châu năm 1790.” Việc nhận xét này của Phạm Trọng Chánh và của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn hoàn toàn đúng và chính thức Nguyễn Du đã có được truyện Kiều từ năm 1790 tại Hàng Châu. Nhưng theo tôi thì Nguyễn Du đã có truyện Kiều tại Hàng Châu nhân chuyến đi Yên Kinh, chứ không phải lúc từ Yên Kinh về lại Hoàng Châu và Hàng Châu mới được tác phẩm này. Bởi lẽ Nguyễn Du mang truyện Kiều ấy đi Yên Kinh và lúc từ Yên Kinh trở về Hoàng Châu ở Hà Bắc lúc ấy mới gặp đoàn của Đoàn Nguyễn Tuấn đến và hai bên gặp nhau mới bàn đến chuyện Kiều. Rồi từ đó một đàng trở lại Thăng Long và một đàng đi về Bắc Kinh sau khi đã gặp vua Càn Long nghỉ mát tại Hoàng Châu, và sau đó đi Nhiệt Hà cũng như Bắc Kinh. Lập luận này có căn cứ hơn và cũng chính thức chấm dứt được việc suy đoán nhiều cách khác nhau của nhiều người viết về Nguyễn Du sau này, là tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân được Nguyễn Du mang về Việt Nam sau lần đi sứ năm 1813 - 1814 dưới triều vua Gia Long. Nếu ông nhận được truyện Kiều trong thời gian này thì vì quá bận rộn việc quan, làm sao ông có thể diễn nôm một tác phẩm bình thường của Trung Quốc trở thành một áng văn chương bất hủ để lại muôn đời sau cho người Việt Nam với 3.254 câu lục bát như thế được?

Khi Nguyễn Du đến Hàng Châu đã trú ngụ tại chùa Hổ Pháo, nơi mà Từ Hải đã xuất gia làm Hòa Thượng vào thời nhà Minh, nhưng sau bỏ tu và cấu kết với những đảng phái khác để làm tướng cướp. Có lẽ khi Nguyễn Du được truyện Kiều tại Hàng Châu vào năm 1790, thấy những nhân vật trong truyện cũng có điều gì đó tương hợp một phần với hoàn cảnh cũng như tư tưởng của mình, nên mới diễn tả bằng thơ Hán trong truyện Kiều đời Khang Hy, thành thơ Nôm thể lục bát thuần ngữ điệu tiếng Việt, và nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều từ câu 2167 đến câu 2174 được diễn tả như sau:

“Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.
Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ tên Hải, vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.”

Chỉ 8 câu thơ này thôi, Nguyễn Du đã khéo tả về hình dáng cũng như tâm trạng của Từ Hải. Mặc dầu là một tướng cướp dưới mắt Hồ Tôn Hiến và triều đình nhà Minh, nhưng là một đấng anh hùng đối với những người cơ nhỡ. Vừa làm tướng cướp, vừa là một nghệ sĩ và cũng đã là một tăng sĩ nữa, nên một phần nào đó của Từ Hải trong truyện Kiều, cũng giống tâm sự của Nguyễn Du ra đi tỵ nạn Tây Sơn tại Trung Quốc, và làm giang hồ dưới hình dạng một nhà sư nơi đất khách. Dĩ nhiên Nguyễn Du đã chẳng làm hại ai như Từ Hải đã làm một tướng cướp lẫy lừng một thời như vậy. Người xuất gia làm kẻ đi khất thực để cầu Vô thượng Bồ-đề, nếu ai cho gì thì nhận nấy, nếu không cho gì cũng không sao, yên lặng cúi đầu cảm ơn để đi xin nơi nhà khác. Chỉ đơn giản vậy thôi và cũng chẳng làm phiền ai cả. Ở tận cùng trong tâm khảm của Nguyễn Du cũng muốn thể hiện là một dũng tướng của mình, nhưng không ngờ bị quân Tây Sơn bắt được bỏ tù và ông quyết chí không cộng tác với triều đình mới, nên mới ra đi 3 năm dài như thế (1788-1790).

Kể từ khi gặp lại người anh kết nghĩa Nguyễn Đại Lang ở Hàng Châu, chắc rằng đời sống kinh tế của Nguyễn Du có khá hơn lúc “Giang Bắc, Giang Nam cái túi không” rồi từ đó hai người đi đến Yên Kinh và từ Yên Kinh trên đường trở về lại gặp phái đoàn của Đoàn Nguyễn Tuấn nữa, thì chắc rằng Nguyễn Du không phải khổ thân như chuyến đi nữa, nhất là từ khi Nguyễn Đại Lang chia tay với Nguyễn Du tại Liễu Châu và hẹn gặp nhau lại tại Hàng Châu sau này.

Đoạn đường từ Liễu Châu đi qua Giang Bắc, Giang Nam rồi đường đến Hoàng Sa dài ra như vô tận, Nguyễn Du chỉ đành thúc thủ một mình, ban ngày cầm bát đi khất thực, tối về ghé lại một chùa hay một nhà nào đó để ngủ nhờ và trì tụng Kinh Kim Cang. Sáng ra lại đi. Thời ấy cả hai chuyến đi về đến 5.000 cây số bằng đường bộ, đường thủy, đường rừng v.v… là một vấn nạn lớn, chứ không phải là chuyện bình thường.

Khi đi cần đến 2 năm hơn và khi về thuận đường cũng như kinh phí đã được giúp đỡ bởi Nguyễn Đại Lang và Đoàn Nguyễn Tuấn, chắc rằng Nguyễn Du không phải vất vả lo sợ nữa. Chuyến đi, không biết đi đâu và tận nơi nào, nhưng khi về thì đã nắm chắc trong tay những việc gì có thể. Đó là việc tự trấn an mình với Quang Trung Nguyễn Huệ bằng sự bảo bọc của Đoàn Nguyễn Tuấn đang đi sứ tại Yên Kinh và điều quan trọng hơn nữa là anh ruột của Nguyễn Du là Nguyễn Đề (Nễ) đang làm quan dưới triều Tây Sơn Nguyễn Huệ, nên không có gì để lo lắng cả. Nếu có lo là lo mối u hoài làm sao lột tả hết được những nét độc đáo trong truyện Kiều, qua lối diễn Nôm trong thời gian sắp tới của mình tại Thăng Long mà thôi. Ví dụ như ở đâu cho yên tịnh để sắp đặt lại câu chuyện của người hồng nhan đa truân này một cách mạch lạc, ai sẽ là người chu cấp tài chánh, nơi ăn chốn ở để mình ngồi yên một chỗ để viết câu chuyện này?

Nói chung thì có rất nhiều việc để bàn và để nói về sau, nhưng qua chương này chúng ta có thể đưa ra những nhận xét đáng xác tín như sau:

- Việc trì Kinh Kim Cang hơn 1.000 lần của Nguyễn Du là có thật. Vì trong 3 năm ấy (1788-1790). Nếu mỗi ngày tụng một biến hay hai biến, trừ khi bịnh hoạn hay di chuyển xa không tụng thì bình quân ra 3 năm 1.000 biến Kinh Kim Cang là chuyện làm khả dĩ có thể thực hiện được. Qua 4 câu sau cùng trong bài “Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài” mà ta đã rõ:

Ngã độc Kim Cang thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân kinh Thạch đài hạ
Tài tri vô tự thị chân kinh.

- Việc kế tiếp là bản Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân viết từ đời nhà Minh, đã được in lại thời Khang Hy và lúc Nguyễn Du ngụ tại chùa Hổ Pháo ở Hàng Châu, thì ông đã mua bản này hay ai đó tặng cho. Đó là điều có thật. Bởi lẽ vào năm 1790 khi Nguyễn Du từ Yên Kinh đi về, thì gặp phái đoàn của Đoàn Nguyễn Tuấn tại Hà Bắc Hoàng Châu, cả hai ông đều đem chuyện hồng nhan bạc mệnh của người con gái ra nói chuyện với nhau, và sau đó còn làm thơ nữa. Đây chính là bằng chứng bản truyện Kiều đã có trong tay của Nguyễn Du, trước khi gặp Đoàn Nguyễn Tuấn và Nguyễn Du đã đọc qua rồi, nên chỗ nào tâm đắc thì hai văn nhân trao đổi với nhau tại quán trọ ở Hoàng Châu. Có lẽ họ là những người tâm đầu ý hợp, vì lẽ thơ và bạn. Xa quê lâu ngày, gần 3 năm đi giang hồ dưới lốt một nhà sư, mà bây giờ gặp bạn nơi đất khách được bàn chuyện thơ văn bằng tiếng nói mẹ đẻ như “tha phương ngộ cố tri” thì còn gì sung sướng cho bằng. Tình thân ấy cứ nối kết mãi về sau này, cho đến năm 1797 Nguyễn Du lấy em gái của Đoàn Nguyễn Tuấn là Đoàn Nguyễn Thị Huệ tại Thăng Long, thì sự thân cận hiểu nhau qua văn chương và tình tri kỷ càng sâu đậm hơn nữa.

- Việc bỏ đi giang hồ của Nguyễn Du là có thật. Vì từ năm 1788-1790 là thời gian ông không có mặt ở Việt Nam. Đã gọi là giang hồ thì phải đầu trần, chân đất, ngang dọc đó đây mới đúng nghĩa của nó. Ở đây ông là một thư sinh mới ra trường ở tuổi 22 (ông sinh năm 1766) dẫu cho có giúp việc cho anh Nguyễn Khản thời gian cai quản quân đội ở Thái Nguyên, nhưng ông không phải là người đội đá vá trời được, vì ông vốn sinh ra trong gia đình giàu có, cha ông là Nguyễn Nghiễm làm quan, đỗ Tiến sĩ, có đến 8 bà vợ và ông là con của bà thứ ba, thì đời sống thường nhật có đầy đủ tiện nghi, nên khi đi giang hồ chỉ có cách chọn cái gì dễ và nhẹ nhàng nhất để đạt được mục tiêu của mình, thì không gì hơn là cải dạng thành một nhà sư là hữu lý nhất. Có thể đây cũng là cách sắp đặt của Nguyễn Đại Lang bày vẽ cho ông và ông có thể chấp nhận được việc này.

Cạo tóc, đầu đội mũ vàng của nhà Sư, đi khất thực xin ăn độ nhật từ Liễu Châu đến Giang Nam, Giang Bắc rồi Hàng Châu đã giúp ông có đầy đủ nghị lực trên con đường thiên lý ấy. Chắc cũng phải nhờ đến 32 đoạn Kinh Kim Cang, mà hằng đêm ông thường trì tụng về lẽ vô thường sinh diệt, sắc không, không sắc, nên ông đã chấp nhận hành trì một cách miên mật như vậy cả hàng ngàn lần như thế. Đó là những sự thật.

Riêng tôi chỉ có một điều thắc mắc duy nhất, có phải Pháp hiệu Chí Hiên là do ông tự chọn, theo cách suy nghĩ về đạo hiệu của một thiền sư phái Thiếu Lâm nổi tiếng lúc đương thời, bắt đầu bằng chữ Chí, nên Nguyễn Du đã dùng chữ Chí này, còn chữ Hiên có lẽ ông muốn giữ lại từ bút hiệu Thanh Hiên mà ông đã có trước đây, như cha ông có bút hiệu là Nghi Hiên, anh ông Nguyễn Đề hiệu là Quế Hiên, cháu ông Nguyễn Thiện bút hiệu là Thích Hiên. Như vậy chữ Chí và chữ Hiên ấy đều có sự liên hệ với nhau, nhưng đúng là không có một nhà sư nào đặt cho ông Pháp hiệu ấy cả. Lẽ ra một nhà sư thì phải có Thầy thế độ và phải quy y Tam Bảo trước đó mới gọi là một người xuất gia chính thức, còn ở đây Nguyễn Du đã không có được những nghi lễ ấy trước khi cất bước đi đến Trung Hoa.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Thiếu Thất lục môn


Ai vào địa ngục


Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Tư tưởng Tịnh Độ Tông

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.211.105 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...