Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Bi Hoa »» QUYỂN V: PHẨM THỨ TƯ - PHẦN III - BỒ TÁT THỌ KÝ »»

Kinh Bi Hoa
»» QUYỂN V: PHẨM THỨ TƯ - PHẦN III - BỒ TÁT THỌ KÝ

Donate

(Lượt xem: 6.377)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Kinh Bi Hoa - QUYỂN V: PHẨM THỨ TƯ - PHẦN III - BỒ TÁT THỌ KÝ

Font chữ:

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo Bồ Tát Tịch Ý: “Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên vị vương tử thứ mười là Nhu Tâm phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến nguyện được cõi Phật.

“Vương tử Nhu Tâm lại trình bày sở nguyện cũng giống như Bồ Tát A-súc, rồi bạch Phật rằng: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, xin nguyện hết thảy chúng sinh đều tư duy về cảnh giới của chư Phật, rồi trong tay tự nhiên có các loại hương chiên-đàn, hương ưu-đà-bà-la, lại dùng các loại hương ấy cúng dường chư Phật.’

Khi ấy, đức Như Lai Bảo Tạng ngợi khen vương tử Nhu Tâm rằng: ‘Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Sở nguyện của ông thật vô cùng đặc biệt và kỳ lạ. Ông nguyện cho trong tay chúng sinh tự nhiên có các loại hương chiên-đàn, hương ưu-đà-bà-la, tư duy về cảnh giới của chư Phật, duy trì ý niệm thanh tịnh. Vì thế, nay ta đổi tên cho ông là Hương Thủ.

“Thiện nam tử! Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, trong phần sau của số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, sau khi đức Như Lai A-súc đã nhập Niết-bàn, chánh pháp diệt mất, sau đó bảy ngày ông sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Kim Hoa Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Cõi Phật ấy cũng tên là Diệu Lạc.’ 

“Bấy giờ, Bồ Tát Hương Thủ lại bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, thì nay khi con kính lễ Phật, khắp rừng Diêm-phù này sẽ mưa xuống đầy hoa chiêm-bặc.’

“Thiện nam tử! Lúc đó, Bồ Tát Hương Thủ liền đối trước đức Phật Bảo Tạng, cúi đầu sát đất lễ kính. Ngay khi ấy, khắp trong rừng Diêm-phù liền có hoa chiêm-bặc mưa xuống đúng như lời nguyện.

“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng vì Bồ Tát Hương Thủ thuyết kệ rằng:

Bậc công đức cao quý,
Nay ông hãy đứng lên!
Như lòng ông đã nguyện,
Trời mưa hoa chiêm-bặc,
Độ thoát được vô số,
Hết thảy mọi chúng sinh.
Chỉ bày mọi pháp lành,
Khiến không còn sợ sệt.

“Thiện nam tử! Khi ấy Bồ Tát Hương Thủ nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên vị vương tử thứ mười một là Mông-già-nô phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến nguyện được cõi Phật.

“Vương tử Mông-già-nô trình bày sở nguyện cũng giống như Bồ Tát Hương Thủ. Rồi vương tử dùng các loại cờ phướn quý báu để cúng dường đức Như Lai Bảo Tạng.

“Khi ấy, đức Phật liền ngợi khen vương tử Mông-già-nô: ‘Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông dùng những cờ phướn quý báu này để cúng dường, vậy ta đặt tên cho ông là Bảo Tướng.

“Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, đến phần sau của số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai, cũng nhiều như số cát sông Hằng, khi đức Như Lai Kim Hoa ở thế giới Diệu Lạc nhập Niết-bàn rồi, chánh pháp diệt mất, sau đó ba trung kiếp, thế giới Diệu Lạc đổi tên thành Nguyệt Thắng, ông sẽ ở nơi thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Long Tự Tại Tôn Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Những sự trang nghiêm tốt đẹp của thế giới Phật ấy cũng giống như thế giới Diệu Lạc, không có gì khác biệt.’

“Bấy giờ, Bồ Tát Bảo Tướng bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con được thành tựu, được lợi ích bản thân, thì nay khi con cúi đầu lễ kính dưới chân Phật, sẽ khiến cho hết thảy chúng sinh đều được chánh niệm, giống như Bồ Tát trụ yên trong Tam-muội Vô siểm, đều được lợi ích lớn, sinh lòng đại bi, phát tâm Bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Khi ấy, Bồ Tát Bảo Tướng liền đối trước đức Phật Bảo Tạng, cúi đầu sát đất lễ kính. Hết thảy chúng sinh liền được Tam-muội Vô siểm, được lợi ích lớn, sinh lòng đại bi, phát tâm Bồ-đề.

“Lúc đó, đức Như Lai Bảo Tạng liền vì Bồ Tát Bảo Tướng thuyết kệ:

Ông nay hãy đứng lên!
Tâm lành đối trước Phật,
Vì hết thảy chúng sinh,
Khéo phát lời nguyện lớn,
Có thể làm lợi ích,
Cho vô lượng chúng sinh,
Khiến tâm được trong sạch.
Vì thế trong tương lai,
Sẽ được thành quả Phật,
Tôn quý trong Ba cõi.

“Thiện nam tử! Khi ấy Bồ Tát Bảo Tướng nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Bấy giờ, vương tử Ma-xà-nô và các vương tử khác, cả thảy năm trăm vị, đều phát nguyện như nhau, nguyện được cõi Phật có đủ mọi công đức trang nghiêm tốt đẹp giống như cõi thế giới thanh tịnh của Đại Bồ Tát Hư Không Ấn.

“Lúc ấy, đức Như Lai Bảo Tạng liền vì mỗi vị vương tử đều thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tất cả đều cùng lúc ở các cõi Phật khác nhau thành tựu đạo Vô thượng, cũng giống như Đại Bồ Tát Hư Không Ấn.

“Sau đó, bốn trăm vị vương tử khác cũng phát nguyện được cõi Phật thanh tịnh, mầu nhiệm, trang nghiêm tốt đẹp, thảy đều giống như Đại Bồ Tát Kim Cang Trí Huệ Quang Minh.

“Đức Như Lai Bảo Tạng cũng vì mỗi vị vương tử đều thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tất cả đều cùng lúc ở các cõi Phật khác nhau thành tựu đạo Vô thượng, cũng giống như Đại Bồ Tát Kim Cang Trí Huệ Quang Minh.

“Sau đó, tám mươi chín vị vương tử còn lại cũng phát nguyện được cõi Phật trang nghiêm tốt đẹp giống như cõi Phật của Đại Bồ Tát Phổ Hiền, không có gì khác biệt.

“Bấy giờ, tám mươi bốn ngàn vị tiểu vương, mỗi vị đều phát khởi những lời nguyện thù thắng khác nhau, đều tự nhận lấy những cõi Phật nhiệm mầu cao trổi với đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp.

“Đức Như Lai Bảo Tạng liền vì hết thảy các vị vương tử và tiểu vương mà thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, trong đời vị lai mỗi người đều sẽ ở tại các thế giới khác nhau mà cùng lúc thành tựu đạo Vô thượng.

“Khi ấy có chín mươi hai ức chúng sinh, mỗi người cũng đều phát nguyện được cõi Phật nhiệm mầu thù thắng với đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp.

“Đức Như Lai Bảo Tạng cũng vì tất cả mà thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cho từng người: ‘Hết thảy các ông trong đời vị lai đều sẽ ở nơi những thế giới khác nhau cùng lúc thành tựu đạo Vô thượng.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải có tám mươi người con trai, đều là anh em ruột với đức Như Lai Bảo Tạng. Người con lớn nhất tên là Hải Địa Tôn.

“Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải bảo người con trưởng ấy rằng: ‘Nay con nên phát nguyện được cõi Phật nhiệm mầu thanh tịnh với đủ mọi sự trang nghiêm.’

“Người con đáp: ‘Xin cha hãy phát đại nguyện trước.’

“Phạm-chí Bảo Hải nói: ‘Sở nguyện của cha nên được nói ra sau cùng.’

“Người con lại nói: ‘Nay con nên phát nguyện được cõi Phật thanh tịnh hay là không thanh tịnh?’

“Phạm-chí Bảo Hải đáp: ‘Nếu như Bồ Tát thành tựu được tâm đại bi thì mới nên nhận lấy cõi thế giới không thanh tịnh. Vì sao vậy? Vì muốn khéo điều phục những điều xấu ác bất tịnh của chúng sinh. Việc ấy con nên tự biết.’

“Thiện nam tử! Khi ấy Hải Địa Tôn liền đến trước đức Như Lai Bảo Tạng, bạch Phật rằng: ‘Thế Tôn! Chỗ phát nguyện A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề của con là vào lúc nào tuổi thọ con người được tám vạn năm, giống như đời Phật hiện nay, thì con mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Con cũng nguyện cho tất cả chúng sinh trong thế giới của con đều trừ nhẹ được dâm dục, sân khuể, ngu si; biết chán lìa thân tâm vô thường, thấy được những chỗ tai hại mà sợ sệt chốn sinh tử, thảy đều tìm đến chỗ con để xuất gia học đạo. Khi ấy con sẽ vì các chúng sinh ấy mà thuyết giảng giáo pháp Ba thừa.

“Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện đức Thế Tôn vì con thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng bảo Hải Địa Tôn: ‘Thiện nam tử! Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, bước vào số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, khi ấy kiếp tên là Biến Phu Ưu-bát-la Hoa, cõi thế giới tên là Nguyện Ái. Vào thời ấy, nhân dân thọ tám vạn tuổi, ông sẽ ở trong thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Bảo Sơn Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’

“Khi ấy, Hải Địa Tôn lại bạch rằng: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện khắp khu rừng Diêm-phù này có mưa xuống chân châu màu đỏ, hết thảy cây cối tự nhiên đều phát ra âm nhạc vi diệu.’

“Thiện nam tử! Lúc đó, Hải Địa Tôn liền đối trước đức Phật Bảo Tạng cúi đầu sát đất kính lễ. Ngay khi ấy, khắp cả khu rừng liền có mưa xuống chân châu màu đỏ, hết thảy cây cối tự nhiên đều phát ra âm nhạc vi diệu.

“Khi ấy, đức Như Lai Bảo Tạng liền vì Hải Địa Tôn thuyết kệ:

Nay ông hãy đứng lên!
Kho trí huệ vô lượng,
Từ bi vì chúng sinh,
Làm lợi ích lớn lao.
Chỗ phát nguyện thanh tịnh,
Nay đã được thành tựu.
Vì hết thảy chúng sinh,
Làm bậc thầy dẫn dắt.

“Thiện nam tử! Khi ấy Hải Địa Tôn nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Người con thứ hai của Phạm-chí Bảo Hải là Tam-bà-bà bạch Phật: ‘Thế Tôn! Chỗ phát nguyện của con cũng giống như sở nguyện của anh Hải Địa Tôn.’

“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng liền bảo Tam-bà-bà: ‘Trong đời vị lai, vào kiếp Ưu-bát-la Hoa, ở thế giới Nguyện Ái, tuổi thọ con người tăng lên đến tám mươi ức tuổi, ông sẽ ở trong thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Nhật Hoa Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’

“Người con thứ ba cũng nguyện được cõi thế giới giống như vậy, sẽ vào lúc tuổi thọ con người là hai ngàn năm mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Hỏa Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

“Người con thứ tư thành Phật hiệu là Tu-mạn-na.

“Người con thứ năm thành Phật hiệu là Trì Giới Vương.

“Người con thứ sáu thành Phật hiệu là Thiện Trì Mục.

“Người con thứ bảy thành Phật hiệu là Phạm Tăng Ích.

“Người con thứ tám thành Phật hiệu là Diêm-phù Ảnh.

“Người con thứ chín thành Phật hiệu là Phú-lâu-na.

“Người con thứ mười thành Phật hiệu là Thắng Diệu.

“Người con thứ mười một thành Phật hiệu là Bảo Sơn.

“Người con thứ mười hai thành Phật hiệu là Hải Tạng.

“Người con thứ mười ba thành Phật hiệu là Na-la-diên.

“Người con thứ mười bốn thành Phật hiệu là Thi Khí.

“Người con thứ mười lăm thành Phật hiệu là Nam-vô-ni.

“Người con thứ mười sáu thành Phật hiệu là Giác Tôn.

“Người con thứ mười bảy thành Phật hiệu là Kiều-trần-như.

“Người con thứ mười tám thành Phật hiệu là Sư Tử Lực.

“Người con thứ mười chín thành Phật hiệu là Trí Tràng.

“Người con thứ hai mươi thành Phật hiệu là Âm Thanh.

“Người con thứ hai mươi mốt thành Phật hiệu là Tôn Thắng.

“Người con thứ hai mươi hai thành Phật hiệu là Ly Thế Tôn.

“Người con thứ hai mươi ba thành Phật hiệu là Lợi Ích.

“Người con thứ hai mươi bốn thành Phật hiệu là Trí Quang Minh.

“Người con thứ hai mươi lăm thành Phật hiệu là Sư Tử Tôn.

“Người con thứ hai mươi sáu thành Phật hiệu là Tịch Tĩnh Trí.

“Người con thứ hai mươi bảy thành Phật hiệu là Nan-đà.

“Người con thứ hai mươi tám thành Phật hiệu là Ni-câu-la Vương.

“Người con thứ hai mươi chín thành Phật hiệu là Kim Sắc Mục.

“Người con thứ ba mươi thành Phật hiệu là Đắc Tự Tại.

“Người con thứ ba mươi mốt thành Phật hiệu là Nhật Lạc.

“Người con thứ ba mươi hai thành Phật hiệu là Bảo Thắng.

“Người con thứ ba mươi ba thành Phật hiệu là Thiện Mục.

“Người con thứ ba mươi bốn thành Phật hiệu là Phạm Thiện Lạc.

“Người con thứ ba mươi lăm thành Phật hiệu là Phạm Tiên.

“Người con thứ ba mươi sáu thành Phật hiệu là Phạm Âm.

“Người con thứ ba mươi bảy thành Phật hiệu là Pháp Nguyệt.

“Người con thứ ba mươi tám thành Phật hiệu là Thị Hiện Nghĩa.

“Người con thứ ba mươi chín thành Phật hiệu là Xứng Lạc.

“Người con thứ bốn mươi thành Phật hiệu là Tăng Ích.

“Người con thứ bốn mươi mốt thành Phật hiệu là Đoan Nghiêm.

“Người con thứ bốn mươi hai thành Phật hiệu là Thiện Hương.

“Người con thứ bốn mươi ba thành Phật hiệu là Nhãn Thắng.

“Người con thứ bốn mươi bốn thành Phật hiệu là Thiện Quán.

“Người con thứ bốn mươi lăm thành Phật hiệu là Nhiếp Thủ Nghĩa.

“Người con thứ bốn mươi sáu thành Phật hiệu là Thiện Ý Nguyện.

“Người con thứ bốn mươi bảy thành Phật hiệu là Thắng Huệ.

“Người con thứ bốn mươi tám thành Phật hiệu là Kim Tràng.

“Người con thứ bốn mươi chín thành Phật hiệu là Thiện Mục.

“Người con thứ năm mươi thành Phật hiệu là Thiên Minh.

“Người con thứ năm mươi mốt thành Phật hiệu là Tịnh-phạn.

“Người con thứ năm mươi hai thành Phật hiệu là Thiện Kiến.

“Người con thứ năm mươi ba thành Phật hiệu là Tỳ-lâu-ly Tràng.

“Người con thứ năm mươi bốn thành Phật hiệu là Tỳ-lâu-bác-xoa.

“Người con thứ năm mươi lăm thành Phật hiệu là Phạm Âm.

“Người con thứ năm mươi sáu thành Phật hiệu là Công Đức Thành Tựu.

“Người con thứ năm mươi bảy thành Phật hiệu là Hữu Công Đức Tịnh.

“Người con thứ năm mươi tám thành Phật hiệu là Bảo Quang Minh.

“Người con thứ năm mươi chín thành Phật hiệu là Ma-ni Châu.

“Người con thứ sáu mươi thành Phật hiệu là Thích-ca Văn-ni.

“Người con thứ sáu mươi mốt thành Phật hiệu là Âm Tôn Vương.

“Người con thứ sáu mươi hai thành Phật hiệu là Trí Hòa Hợp.

“Người con thứ sáu mươi ba thành Phật hiệu là Thắng Tôn.

“Người con thứ sáu mươi bốn thành Phật hiệu là Thành Hoa.

“Người con thứ sáu mươi lăm thành Phật hiệu là Thiện Hoa.

“Người con thứ sáu mươi sáu thành Phật hiệu là Vô Nộ.

“Người con thứ sáu mươi bảy thành Phật hiệu là Nhật Tạng.

“Người con thứ sáu mươi tám thành Phật hiệu là Tôn Lạc.

“Người con thứ sáu mươi chín thành Phật hiệu là Nhật Minh.

“Người con thứ bảy mươi thành Phật hiệu là Long Đắc.

“Người con thứ bảy mươi mốt thành Phật hiệu là Kim Cang Quang Minh.

“Người con thứ bảy mươi hai thành Phật hiệu là Xứng Vương.

“Người con thứ bảy mươi ba thành Phật hiệu là Thường Quang Minh.

“Người con thứ bảy mươi bốn thành Phật hiệu là Tướng Quang Minh.

“Người con thứ bảy mươi lăm thành Phật hiệu là San-ni-du.

“Người con thứ bảy mươi sáu thành Phật hiệu là Trí Thành Tựu.

“Người con thứ bảy mươi bảy thành Phật hiệu là Âm Vương.

“Người con thứ bảy mươi tám thành Phật hiệu là Sa-la Vương Na-la-diên Tạng.

“Người con thứ bảy mươi chín thành Phật hiệu là Hỏa Tạng.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, người con nhỏ nhất của Phạm-chí Bảo Hải tên là Ly Bố Não, đứng trước Phật bạch rằng: ‘Thế Tôn! Bảy mươi chín người anh của con nay đều đã được thọ ký, vào kiếp Biến Phu Ưu-bát-la Hoa, ở nơi thế giới Nguyện Ái, khi tuổi thọ con người thay đổi tăng thêm, đều sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Bạch Thế Tôn! Nay con đối trước Phật phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nguyện vào phần sau của kiếp Ưu-bát-la Hoa, khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề sẽ được thọ mạng giống như bảy mươi chín vị Phật kia, cũng sẽ hóa độ chúng sinh giống như bảy mươi chín vị Phật kia, cũng sẽ thuyết giảng giáo pháp Ba thừa giống như bảy mươi chín vị Phật kia, cũng sẽ có số chúng đệ tử Thanh văn giống như bảy mươi chín vị Phật kia.

“Trong kiếp Ưu-bát-la Hoa, lại có vô lượng chúng sinh đã được bảy mươi chín vị Phật kia giáo hóa cho có được thân người, nhưng vẫn chưa được độ thoát. Con nguyện vào cuối kiếp ấy, khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi sẽ giáo hóa cho tất cả những chúng sinh ấy, khiến được trụ yên trong Ba thừa.

“Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, xin nguyện đức Thế Tôn vì con mà thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Khi ấy, đức Phật Bảo Tạng liền ngợi khen Ly Bố Não: ‘Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ông nay đã vì vô lượng chúng sinh mà khởi lòng đại bi. Thiện nam tử! Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, bước sang số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, có một kiếp tên là Ưu-bát-la Hoa, vào phần sau của kiếp ấy ông sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Vô Cấu Đăng Xuất Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Thọ mạng của tất cả bảy mươi chín vị Phật kia đều là nửa kiếp. Thọ mạng của ông cũng là nửa kiếp. Tất cả những sở nguyện như ông vừa nói đều sẽ được thành tựu.’

“Bấy giờ, Bồ Tát Ly Bố Não lại bạch rằng: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, thì nay khi con cúi đầu kính lễ Phật, nguyện khắp cả thế giới đều mưa xuống hoa ưu-bát-la, hương thơm vi diệu. Những chúng sinh nào ngửi được mùi hương ấy thì bốn đại trong thân đều được thanh tịnh, không có cấu uế, điều hòa thích hợp, hết thảy bệnh khổ đều được dứt hết.’

“Thiện nam tử! Bồ Tát Ly Bố Não nói như vậy rồi liền cúi đầu sát đất kính lễ dưới chân Phật. Ngay khi ấy, khắp cõi Phật này đều có mưa xuống hoa ưu-bát-la, hương thơm vi diệu. Chúng sinh ngửi thấy mùi hương ấy rồi thì bốn đại trong thân đều được thanh tịnh, không có cấu uế, điều hòa thích hợp, hết thảy bệnh khổ đều được dứt hết.

“Đức Như Lai Bảo Tạng liền vì Bồ Tát Ly Bố Não thuyết kệ rằng:

Bậc tâm lành, từ bi,
Đạo sư hãy đứng lên!
Các vị Phật Thế Tôn,
Thảy đều ngợi khen ông.
Có thể trừ dứt được,
Mọi phiền não kiên cố.
Tương lai ông sẽ thành,
Kho trí huệ thanh tịnh.

“Thiện nam tử! Khi ấy, Bồ Tát Ly Bố Não nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải có ba trăm ngàn đệ tử đang cùng ngồi ở một chỗ ngoài ven rừng, cùng dạy bảo các chúng sinh khác thọ Ba quy y, khiến cho họ đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Khi ấy, Phạm-chí Bảo Hải khuyên bảo các đệ tử ấy rằng: ‘Nay các ông nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cầu được cõi Phật. Như trong lòng có chỗ mong cầu gì, nay có thể đối trước Phật mà nói ra.’

“Trong số ba trăm ngàn người ấy, có một người tên là Thọ Đề, lúc đó thưa hỏi rằng: ‘Bạch thầy! Thế nào là đạo Bồ-đề? Thế nào là các pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề? Thế nào là Bồ Tát tu hành đạo Bồ-đề? Thế nào là tâm thường nhớ nghĩ được đạo Bồ-đề?’

“Bậc thầy Bảo Hải đáp: ‘Thiện nam tử! Đạo Bồ-đề mà ông hỏi đó, chính là chỗ tu tập bốn kho tàng vô tận của hàng Bồ Tát.

“Những gì là bốn kho tàng vô tận? Đó là kho tàng phước đức vô tận, kho tàng trí vô tận, kho tàng huệ vô tận và kho tàng Phật pháp hòa hợp vô tận. Thiện nam tử! Đó gọi là đạo Bồ-đề.

“Thiện nam tử! Như Phật có thuyết dạy các pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, đó là bao gồm hết thảy những pháp môn giúp người tu đạt được sự thanh tịnh, vượt qua sinh tử.

“Thiện nam tử! Xả bỏ tài vật là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì điều phục được chúng sinh. Trì giới là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì tùy theo sở nguyện đều được thành tựu. Nhẫn nhục là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì giúp có được đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Tinh tấn là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì hết thảy mọi việc đều được đầy đủ. Thiền định là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì khéo điều phục được tâm. Trí huệ là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì rõ biết được hết thảy mọi phiền não.

Nghe nhiều học rộng là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì được tài biện thuyết không ngăn ngại. Phước đức là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì là chỗ tu tập của hết thảy chúng sinh. Trí sáng suốt là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu được trí không ngăn ngại. Tịch diệt là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu tâm nhu hòa, hiền hậu. Tư duy là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu việc dứt trừ mọi sự nghi ngờ.

“Tâm từ là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu tâm không ngăn ngại. Tâm bi là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì làm việc giáo hóa chúng sinh mãi mãi không chán bỏ. Tâm hỷ là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì đối với chánh pháp sinh lòng ưa thích. Tâm xả là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu việc dứt trừ mọi sự yêu ghét.

“Lắng nghe thuyết pháp là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu việc dứt trừ năm sự ngăn che. Xuất thế là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu việc xả bỏ hết thảy việc thế gian. A-lan-nhã là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì ngăn chặn được mọi việc làm bất thiện không cho sinh khởi, giúp tăng trưởng thật nhiều căn lành. Niệm là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu việc gìn giữ, duy trì. Ý là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu việc phân biệt hết thảy các pháp. Nắm giữ là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu sự nghĩ bàn giác ngộ.

“Bốn niệm xứ là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu việc phân biệt thân, thọ, tâm, pháp. Bốn chánh cần là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì lìa xa hết thảy các pháp bất thiện, tu hành tăng trưởng hết thảy các pháp lành. Bốn như ý túc là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu được thân tâm nhẹ nhàng nhanh lẹ. Năm căn là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì thành tựu được việc thâu tóm được hết thảy các pháp lành căn bản. Năm sức là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì phá trừ được hết thảy mọi phiền não.

“Tỉnh giác là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì rõ biết được pháp chân thật. Sáu hòa kính là pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề, vì điều phục được chúng sinh khiến cho được thanh tịnh.

“Thiện nam tử! Như vậy gọi là bao gồm hết thảy những pháp môn giúp người tu đạt được sự thanh tịnh, vượt qua sinh tử.’

“Thọ Đề lại thưa hỏi: ‘Bạch thầy! Như Phật có thuyết dạy, quả báo của việc bố thí là được giàu có lớn, được đông đảo quyến thuộc; còn người nghiêm trì giới luật được sinh lên cõi trời; người nghe nhiều học rộng trí huệ lớn. Vì sao Phật cũng dạy rằng tư duy các pháp ấy vượt thoát được sinh tử?’

“Bậc thầy Bảo Hải đáp: ‘Thiện nam tử! Nếu đem lòng ưa thích cuộc sinh tử mà làm việc bố thí thì được giàu có lớn. Còn người đem tâm hướng về quả vị Bồ-đề lại vì muốn điều phục tâm nên làm việc bố thí, vì muốn tâm được tịch tĩnh nên nghiêm trì giới luật, vì muốn tâm được thanh tịnh không ái dục nhơ nhớp nên cầu nghe nhiều học rộng, vì lòng đại bi nên tư duy việc tu tập chánh đạo. Ngoài ra khi cầu các pháp khác cũng đều là dùng trí huệ thành tựu các phương tiện để hỗ trợ đạo Bồ-đề. Thiện nam tử! Như vậy gọi là các pháp hỗ trợ đạo Bồ-đề. Tu hành theo đúng như vậy, đó gọi là tâm thường nhớ nghĩ đến các pháp ấy được đạo Bồ-đề.

‘Đạo giải thoát thanh tịnh chỉ cần hết lòng mong cầu, đầy đủ nguyện lực. Đạo không có sự nhơ bẩn, vì tâm được thanh tịnh. Đạo chân chánh ngay thẳng, vì không có sự siểm nịnh, cong vạy. Đạo trong trắng, tươi mát, vì lìa xa phiền não. Đạo mênh mông rộng lớn, vì không có sự che bít ngăn ngại. Đạo bao hàm chất chứa, vì có nhiều tư duy. Đạo không có sợ sệt, vì không làm các việc ác.

“Thiện nam tử! Nay cần phải sinh tâm ham muốn đạo Bồ-đề như vậy. Đạo thanh tịnh như vậy, cần phải chuyên lòng phát khởi nguyện lực. Đạo ấy không có sự nhơ bẩn, vì tâm được thanh tịnh. Đạo ấy chân chánh ngay thẳng, vì không có sự siểm nịnh, cong vạy, trừ dứt mọi phiền não. Đạo ấy luôn yên ổn, kín đáo, vì thậm chí có thể đạt đến thành tựu Niết-bàn. Nay các ông nên phát nguyện lành lớn lao, nhận lấy cõi Phật trang nghiêm tốt đẹp, tùy ý mà cầu được cõi thanh tịnh hoặc không thanh tịnh.

“Thiện nam tử! Khi ấy Thọ-đề liền đối trước đức Phật Bảo Tạng, quỳ gối sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Con nay xin phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi thế giới bất tịnh này đều giảm nhẹ tâm tham lam, dâm dục, sân khuể, ngu si, không phạm vào những điều trái với chánh pháp, tâm không còn tham ái uế trược, không còn những tư tưởng oán thù, buông bỏ hết những tâm xan lận, tật đố, lìa xa tà kiến, trụ yên trong chánh kiến, lìa xa những tâm bất thiện, mong cầu được các pháp lành, lìa khỏi tâm sinh vào ba đường ác, cầu được ba đường lành, đối với Ba điều phúc được thành tựu các căn lành, đối với giáo pháp Ba thừa luôn tinh cần tu tập. Cho đến khi chúng sinh cõi này đều được như thế, lúc ấy con sẽ thành tựu đạo Vô thượng.

“Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện cho từ nơi hai tay con tự nhiên hiện ra voi chúa màu trắng.’

“Thọ-đề vừa nói như vậy xong, do oai thần của Phật nên từ trong hai tay Thọ-đề bỗng bay ra hai con voi chúa, thuần một màu trắng, chân voi, ngà voi và vòi voi đều phục xuống sát đất chờ sai khiến.

“Thọ-đề thấy như vậy liền bảo: ‘Voi chúa! Nay các ngươi hãy bay lên hư không, rời khỏi cõi này không xa, làm mưa xuống khắp cõi thế giới này loại nước thơm có đủ tám công đức để giác ngộ hết thảy chúng sinh. Tất cả chúng sinh dù chỉ gặp được một giọt nước ấy, ngửi được hương thơm, liền trừ dứt được năm sự ngăn che: dâm dục, giận hờn, mê ngủ, trạo hối và nghi ngờ.’

“Khi Thọ-đề nói như vậy xong, hai con voi chúa liền bay lên hư không, đến và đi nhanh chóng như người lực sĩ thiện xạ bắn mũi tên ra. Hai con voi chúa ấy làm xong sự việc đúng như lời dạy rồi bay về đứng trước Thọ-đề.

“Bấy giờ, Thọ-đề thấy việc như vậy trong lòng hết sức hoan hỷ.

“Thiện nam tử! Khi ấy, đức Như Lai Bảo Tạng liền bảo Thọ-đề: ‘Thiện nam tử! Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, đến số a-tăng-kỳ kiếp lần thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, sẽ có một kiếp tên là Âm Quang Minh, cõi thế giới này đổi tên là Hòa Hợp Âm Quang Minh, ông sẽ ở trong thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Bảo Cái Tăng Quang Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’

“Thiện nam tử! Khi ấy, Thọ-đề cúi đầu sát đất lễ kính dưới chân Phật. Đức Như Lai Bảo Tạng liền vì Thọ Đề thuyết kệ:

Tâm lìa mọi cáu bẩn,
Bậc thanh tịnh, đứng lên.
Nay ta đã thọ ký,
Ông có thể khiến cho,
Vô lượng ức chúng sinh,
Đều vào đạo thanh tịnh.
Trong tương lai sẽ thành,
Điều ngự trong Ba cõi.

“Thiện nam tử! Lúc ấy, Thọ-đề nghe kệ rồi sinh lòng hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Khi đó, ba trăm ngàn vị đệ tử của Bảo Hải, chỉ trừ ra một ngàn người, còn hết thảy đều đồng thanh phát nguyện ở nơi thế giới này mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng vì từng người mà thọ ký, tất cả đều sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến Tỳ-bà-thi, Thi-khí, Tỳ-thi-sa-bà là những vị sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề sau cuối.

“Còn lại một ngàn người kia, thảy đều đã tụng đọc kinh sách Tỳ-đà của ngoại đạo. Trong số đó, người được tôn kính nhất là Bà-do-tỳ-nữu bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Nay con phát nguyện sẽ ở nơi thế giới xấu ác có năm sự uế trược mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, vì những chúng sinh chất chứa nặng nề tham dục, sân khuể, ngu si, nhiều phiền não ở nơi đây mà thuyết dạy chánh pháp.’

“Trong số một ngàn người đó lại có một người tên là Hỏa Man, lên tiếng thưa hỏi rằng: ‘Bạch thầy! Tôn giả Bà-do-tỳ-nữu do ý nghĩa gì mà phát nguyện ở nơi thế giới xấu ác có năm sự uế trược thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?’

“Bậc thầy Bảo Hải đáp: ‘Đó là vì Bồ Tát thành tựu tâm đại bi nên ở nơi thế giới xấu ác có năm sự uế trược thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Khi ấy chúng sinh không có người cứu giúp, không có các niệm lành, trong tâm thường bị phiền não làm cho rối loạn, bị các tà kiến xâm nhập. Nếu ở trong thế giới như vậy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề mới có thể làm lợi ích lớn lao cho vô lượng chúng sinh, khéo vì những chúng sinh ấy mà làm người cứu giúp, làm chỗ cho chúng sinh nương theo, làm chỗ cho chúng sinh trú ẩn, làm ngọn đèn sáng soi đường cho chúng sinh, cùng là có thể cứu độ chúng sinh vượt thoát biển lớn sinh tử, giáo hóa chúng sinh khiến cho được trụ yên trong chánh kiến, làm cho chúng sinh được vào Niết-bàn, được uống nước cam lộ. Đó là Đại Bồ Tát muốn thị hiện lòng đại bi nên mới nguyện nhận lấy cõi thế giới xấu ác có năm sự uế trược như thế.’

“Thiện nam tử! Khi ấy đức Như Lai Bảo Tạng nói với Bà-do-tỳ-nữu: ‘Thiện nam tử! Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, đến phần sau của số a-tăng-kỳ kiếp lần thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, về phương đông của thế giới này, trải qua số cõi Phật nhiều như số hạt bụi nhỏ trong một cõi Phật, có thế giới tên là Ca-sa Tràng, ông sẽ ở trong thế giới đó mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Kim Sơn Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’

“Bấy giờ, Bà-do-tỳ-nữu lại bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, thì nay khi con cúi đầu kính lễ dưới chân Phật, nguyện đức Như Lai dùng hai bàn chân Phật với trăm tướng phước đức trang nghiêm đặt trên đỉnh đầu con.’

“Thiện nam tử! Khi Bà-do-tỳ-nữu nói xong lời ấy, liền cúi đầu kính lễ dưới chân đức Phật Bảo Tạng. Tức thời, hai bàn chân với trăm tướng phước đức của đức Như Lai liền hiện ngay trên đỉnh đầu Bà-do-tỳ-nữu. Đức Phật lại thuyết kệ ngợi khen rằng:

Bậc khởi tâm đại bi,
Nay ông hãy đứng lên!
Trí sáng suốt nhanh nhạy,
Tu hành đạo Bồ Tát,
Vì phát tâm Bồ-đề,
Chặt đứt dây phiền não,
Trói buộc từ bao đời.
Tương lai sẽ thành Phật,
Làm lợi ích lớn lao,
Cho vô lượng chúng sinh.

“Thiện nam tử! Khi ấy, Bà-do-tỳ-nữu nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Thiện nam tử! Lúc đó có chàng trai tên là Hỏa Man đến trước đức Phật Bảo Tạng, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: ‘Con nay phát nguyện ở nơi thế giới này phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Khi chúng sinh có đủ tham, sân, si, không thể chuyên tâm trụ ở các pháp lành, giữ tâm bất thiện, tuổi thọ bốn vạn năm, khi ấy con sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Khi ấy, đức Như Lai Bảo Tạng bảo Hỏa Man: ‘Thiện nam tử! Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, vào nửa sau của số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, cõi thế giới này sẽ có tên là Ta-bà. Do nhân duyên gì mà gọi tên là Ta-bà? Do chúng sinh ở đây nhẫn chịu ba độc là tham, sân, si cùng với mọi thứ phiền não, cho nên thế giới có tên là Nhẫn Độ. Vào lúc ấy có một đại kiếp tên là Thiện Hiền. Do nhân duyên gì mà gọi tên kiếp ấy là Thiện Hiền? Trong đại kiếp ấy có nhiều chúng sinh tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn, có một ngàn đức Thế Tôn thành tựu tâm đại bi xuất hiện ở đời. Thiện nam tử! Vào Hiền kiếp đầu tiên, tuổi thọ con người là bốn vạn năm, ông sẽ ở trong số một ngàn vị Phật kia mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề trước nhất, có hiệu là Câu-lưu-tôn Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn, vì chúng sinh thuyết giảng giáo pháp Ba thừa, giúp cho vô lượng chúng sinh trong vòng sinh tử đều được giải thoát, trụ yên nơi cảnh giới Niết-bàn.’

“Thiện nam tử! Lúc ấy chàng trai Hỏa Man liền kính lễ dưới chân Phật, rồi bước sang một bên ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, chàng trai thứ hai tên là Hư Không liền đến trước Phật bạch rằng: ‘Thế Tôn! Trong đời vị lai con sẽ ở nơi thế giới của đức Như Lai Câu-lưu-tôn, vào lúc tuổi thọ con người là ba vạn tuổi, sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Khi ấy, đức Thế Tôn Bảo Tạng bảo chàng trai Hư Không: ‘Thiện nam tử! Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, vào phần sau của số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, trong Hiền kiếp ở thế giới Ta-bà, tiếp sau đức Phật Câu-lưu-tôn, con người có tuổi thọ ba vạn năm, ông sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Già-na-ca Mâu-ni Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Danh hiệu của ông sẽ vang khắp mọi nơi trong thế gian.

“Bấy giờ, chàng trai Hư Không nghe thọ ký rồi liền cúi đầu lễ Phật, đi quanh ba vòng về bên phải, rồi đến đứng trước Phật, dùng đủ các loại hoa thơm rải lên thân Phật, chắp tay cung kính lễ Phật, đọc kệ xưng tán Phật rằng:

Khéo thâu nhiếp thân tâm,
Giỏi trụ nơi thiền định,
Dùng âm thanh vi diệu,
Khéo dạy dỗ, khuyên răn.
Tâm Như Lai thanh tịnh,
Không uế trược, rối loạn,
Tuy giáo hóa chúng sinh,
Không hoại mất Chánh pháp,
Danh hiệu ngài sáng rực,
Cùng với niệm tổng trì,
Trăm công đức, phước lành,
Thảy thảy đều tăng trưởng.
Vì giáo hóa chúng sinh,
Thị hiện các đường lành,
Dựng cờ báu thù thắng,
Núi công đức cao vời,
Dùng để làm lợi ích,
Cho vô lượng chúng sinh,
Khiến cho thảy đều được,
Đầy đủ mọi công đức.
Lại ban cho chúng sinh,
Đạo tịch diệt cao trổi,
Phá trừ mọi phiền não,
Như núi lớn Tu-di.
Trong Ba cõi mê lầm,
Phát khởi tâm đại bi,
Thọ ký quả vị Phật,
Cho vô lượng chúng sinh.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, chàng trai thứ ba tên là Tỳ-xá-cúc-đa liền đến trước đức Phật, dùng giường quý bằng bảy báu, phủ bằng các loại vải lụa quý hiếm giá trị cả ngàn lượng vàng. Trên giường ấy lại đặt đủ các đồ quý bằng vàng ròng với rất nhiều bảy món báu, có chậu đựng nước rửa bằng vàng ròng, gậy quý bằng bảy báu... tất cả đều dâng lên cúng dường đức Thế Tôn cùng với chư tỳ-kheo tăng.

“Cúng dường như vậy xong, Tỳ-xá-cúc-đa bạch Phật rằng: ‘Thế Tôn! Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, vào phần sau của số a-tăng-kỳ kiếp lần thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, ở trong Hiền kiếp, con nguyện sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vào khi ấy, thọ mạng của nhân dân giảm thấp, bắt đầu bước vào đời có năm sự uế trược, hết thảy chúng sinh đều chất chứa nặng nề tham lam, dâm dục, sân khuể, ngu si, xan lận, tật đố, làm theo những kiến giải tà vạy, nghe theo những kẻ tri thức xấu ác; những điều bất thiện đã che lấp cả tâm ý, đối với các căn lành đều suy giảm, đánh mất; lìa xa chánh kiến, dùng các nghề nghiệp tà ác để sinh sống. Sau khi đức Phật Già-na-ca Mâu-ni nhập Niết-bàn rồi, chánh pháp diệt mất, hết thảy chúng sinh đều mù quáng không có mắt huệ, không có minh sư dạy bảo, tuổi thọ con người giảm còn hai vạn năm, khi ấy con sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Khi ấy đức Như Lai Bảo Tạng ngợi khen Tỳ-xá-cúc-đa: ‘Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông đã thành tựu được trí huệ vô thượng. Khi thế giới này bắt đầu bước vào thời xấu ác có năm sự uế trược, con người chỉ còn sống được hai vạn năm, mù quáng không có mắt huệ, không có minh sư dạy bảo, khi ấy ông sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nay ta sẽ đặt tên cho ông là Đại Bi Trí Huệ.

“Thiện nam tử! Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, vào phần sau của số a-tăng-kỳ kiếp lần thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, ở trong Hiền kiếp, tuổi thọ con người là hai vạn năm, ông sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Ca-diếp Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’

“Thiện nam tử! Lúc ấy, Bồ Tát Đại Bi Trí Huệ liền cúi đầu sát đất lễ kính dưới chân Phật, rồi bước sang một bên, dùng đủ các loại hương hoa hương bột, hương phết để cúng dường đức Thế Tôn, đọc kệ xưng tán Phật rằng:

Tôn quý giữa loài người,
Làm lợi ích chúng sinh,
Khiến hết thảy mọi người,
Đều sinh lòng ưa thích.
Nhớ nghĩ pháp thiền định,
Nên tâm được chuyên nhất.
Con nghe tiếng nhiệm mầu,
Tâm liền sinh hoan hỷ.
Mọi phương tiện trí huệ,
Đều đầy đủ không thiếu,
Nên có thể làm được,
Việc giáo hóa thế gian,
Lại khiến cho vô lượng,
Chúng sinh được thọ ký,
Quả Vô thượng Bồ-đề.
Nhờ duyên này được thấy,
Chư Phật khắp mười phương,
Trí huệ và thần túc,
Hết thảy đều như nhau.
Mọi công đức vi diệu,
Của chư Phật Thế Tôn,
Cùng với sự thị hiện,
Tu hành đạo Bồ Tát,
Thọ ký đạo Vô thượng,
Cho hết thảy chúng sinh,
Nếu dùng lời xưng tán,
Thật không thể cùng tận!
Vậy nên con cúi đầu,
Hết lòng cung kính lễ.

“Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải lại bảo người thứ tư là Tỳ-xá-da Vô Cấu rằng: ‘Thiện nam tử! Nay ông hãy phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Khi ấy Tỳ-xá-da Vô Cấu liền đến trước Phật bạch rằng: ‘Thế Tôn! Trong Hiền kiếp con nguyện ở nơi cõi thế giới này cầu được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, không ở trong đời xấu ác có năm sự uế trược như cõi thế giới của Phật Ca-diếp. Sau khi đức Như Lai Ca-diếp  đã nhập Niết-bàn rồi, chánh pháp diệt mất, tuổi thọ con người giảm dần, cho đến chỉ còn mười ngàn tuổi. Những việc như bố thí, điều phục, trì giới thảy đều mất hết. Những chúng sinh thời ấy chuyển sang diệt mất tâm thiện, lìa xa bảy thánh tài, đối với những kẻ tri thức xấu ác lại tưởng là Thế Tôn, đối với ba điều phúc mãi mãi không có lòng muốn học, lìa xa ba điều thiện, siêng làm ba điều ác, bị các phiền não che lấp tâm trí huệ sáng suốt khiến cho không còn thấy biết, đối với giáo pháp Ba thừa không muốn tu học. Ở giữa những chúng sinh vào lúc này, nếu như con muốn thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì cũng không một ai có thể gây chướng ngại, huống chi đến lúc tuổi thọ con người chỉ còn một ngàn tuổi?

“Mãi đến khi tuổi thọ con người chỉ còn một trăm tuổi. Chúng sinh khi ấy không còn biết đến tên gọi các pháp lành, nói chi đến việc có người làm điều lành? Thời ấy xấu ác, có năm sự uế trược, tuổi thọ con người cứ giảm dần mãi, cho đến khi chỉ còn mười tuổi thì binh đao tai kiếp nổi lên. Vào lúc ấy, con sẽ từ cõi trời hiện xuống ủng hộ chúng sinh, vì chúng sinh mà hiển bày các pháp lành, khiến cho họ lìa khỏi các pháp bất thiện, cho đến được trụ yên trong mười điều lành, lìa xa mười điều ác và những phiền não trói buộc, khiến cho hết thảy đều được thanh tịnh, dứt mất năm sự uế trược ở đời.

“Cho đến khi tuổi thọ con người tăng lên đến tám vạn tuổi, khi ấy con sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vào thời ấy, chúng sinh ít tham dâm, sân khuể, ngu si, vô minh, xan lận, tật đố. Khi ấy con sẽ vì chúng sinh mà thuyết giảng giáo pháp Ba thừa, khiến cho được an trụ.

“Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện đức Như Lai vì con thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thế Tôn! Nếu như con không được thọ ký như vậy, thì nay con sẽ cầu nơi Thanh văn hoặc cầu Duyên giác, nếu như sức các thừa ấy mau chóng được giải thoát, vượt qua sinh tử.’

“Bấy giờ, đức Phật Bảo Tạng bảo Tỳ-xá-da Vô Cấu: ‘Thiện nam tử! Bồ Tát có bốn sự giải đãi. Nếu Bồ Tát rơi vào bốn việc này sẽ tham đắm sinh tử, ở trong ngục tù sinh tử mà nhận chịu mọi sự khổ não, không thể mau chóng thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Những gì là bốn? Đó là phẩm hạnh thấp kém, kết giao thấp kém, thí xả thấp kém và phát nguyện thấp kém.

“Thế nào là Bồ Tát phẩm hạnh thấp kém? Nếu như Bồ Tát dùng thân và lời nói hủy phạm giới luật, không khéo giữ gìn các nghiệp, như vậy gọi là phẩm hạnh thấp kém.

“Thế nào là Bồ Tát kết giao thấp kém? Nếu như Bồ Tát thân thiết gần gũi với hàng Thanh văn và Bích-chi Phật, cùng làm theo như họ, như vậy gọi là Bồ Tát kết giao thấp kém.

“Thế nào là Bồ Tát thí xả thấp kém? Nếu Bồ Tát làm việc bố thí mà không thể xả bỏ hết thảy những vật sở hữu của mình, đối với những người nhận bố thí lại sinh tâm phân biệt, và vì muốn được hưởng những khoái lạc nơi cõi trời nên làm việc bố thí, như vậy gọi là Bồ Tát thí xả thấp kém.

“Thế nào là Bồ Tát phát nguyện thấp kém? Nếu Bồ Tát không thể hết lòng phát nguyện được cõi Phật thanh tịnh nhiệm mầu, phát khởi thệ nguyện không vì điều phục hết thảy chúng sinh, như vậy gọi là Bồ Tát phát nguyện thấp kém.

“Bồ Tát rơi vào bốn việc giải đãi như vậy sẽ phải ở lâu trong sinh tử, nhận chịu mọi sự khổ não, không thể nhanh chóng thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Lại có bốn pháp, nếu Bồ Tát thành tựu sẽ có thể mau chóng đạt đến quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Những gì là bốn? Một là có thể giữ theo giới luật, thân, khẩu, ý đều thanh tịnh, giữ gìn phẩm hạnh đúng theo chánh pháp. Hai là thân thiết gần gũi với những người tu học Đại thừa, cùng làm mọi việc với họ. Ba là có thể thí xả hết thảy mọi vật sở hữu của mình, dùng tâm đại bi mà bố thí cho tất cả. Bốn là một lòng phát nguyện được cõi Phật đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp, lại vì việc điều phục hết thảy chúng sinh mà phát nguyện.

“Như vậy gọi là bốn pháp, nếu Bồ Tát thành tựu sẽ có thể mau chóng đạt đến quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Lại có bốn pháp, nếu Bồ Tát thành tựu sẽ có thể nắm giữ được đạo Bồ-đề Vô thượng.

“Những gì là bốn? Chuyên cần tinh tấn thực hành các pháp ba-la-mật, thâu nhiếp điều phục hết thảy vô lượng tâm chúng sinh, thường không xa rời bốn tâm vô lượng, thường thị hiện các phép thần thông tùy ý không ngăn ngại. Như vậy gọi là bốn pháp, Bồ Tát thành tựu sẽ có thể nắm giữ được đạo Bồ-đề Vô thượng.

“Lại có bốn pháp giúp tâm không nhàm chán. Những gì là bốn? Một là thực hành bố thí, hai là lắng nghe thuyết pháp, ba là tu tập hành trì, bốn là thâu nhiếp điều phục chúng sinh. Như vậy gọi là bốn pháp giúp tâm không nhàm chán, Bồ Tát cần phải học.

“Lại có bốn kho tàng vô tận, là những điều mà Bồ Tát nên thành tựu.

“Những gì là bốn? Một là tín căn, hai là thuyết pháp, ba là phát nguyện trồng các căn lành, bốn là thâu nhiếp điều phục những chúng sinh nghèo khó. Đó gọi là bốn kho tàng vô tận Bồ Tát nên tu tập cho trọn vẹn, đầy đủ.

“Lại có bốn pháp giúp Bồ Tát thành tựu sự thanh tịnh.

“Những gì là bốn? Một là thanh tịnh nhờ trì giới, vì không thấy có ngã; hai là thanh tịnh nhờ tu tập tam-muội, vì không thấy có chúng sinh; ba là thanh tịnh nhờ trí huệ, vì không thấy có thọ mạng; bốn là thanh tịnh nhờ tri kiến giải thoát, vì không thấy có người khác.

“Đó là bốn pháp thanh tịnh. Bồ Tát thành tựu những pháp này rồi thì có thể nhanh chóng thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thuyết giảng chánh pháp về thật tánh hư không, thuyết giảng chánh pháp không thể nghĩ bàn, thuyết giảng chánh pháp không thể đo lường, thuyết giảng chánh pháp về vô ngã, thuyết giảng chánh pháp vượt ra ngoài ngôn ngữ, thuyết giảng chánh pháp vượt ra khỏi thế gian, thuyết giảng chánh pháp thông đạt tất cả pháp, thuyết giảng chánh pháp nhiệm mầu tinh tế mà hết thảy hàng trời, người đều không thể thuyết giảng.

“Thiện nam tử! Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, vào phần sau của số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, khi bắt đầu Hiền kiếp, năm sự uế trược đã dứt hết, tuổi thọ con người tăng dần lên cho đến tám vạn tuổi, khi ấy ông sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Di-lặc Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’

“Khi ấy, chàng thanh niên Tỳ-xá-da liền đối trước Phật, cúi đầu sát đất lễ kính dưới chân Phật, rồi bước sang một bên, dùng đủ loại hương hoa, hương bột, hương phết để dâng lên cúng dường đức Phật và chư tỳ-kheo tăng, lại đọc kệ xưng tán Phật:

Thế Tôn không ô nhiễm,
Như núi báu vàng ròng,
Tướng quý giữa chân mày,
Trắng sáng như ngọc tuyết,
Tùy thời vì chúng con,
Thuyết giảng pháp nhiệm mầu,
Thọ ký con đời sau,
Sẽ thành bậc Vô thượng.
Có ai từng thấy nghe,
Mà không nhận giữ lấy?
Bậc tiên thánh Đại giác,
Công đức sáng soi đời!

“Thiện nam tử! Khi ấy, một ngàn người đệ tử của Phạm-chí Bảo Hải đều đã từng tụng đọc kinh sách Tỳ-đà của ngoại đạo, chỉ trừ có một người, nhưng tất cả đều được giáo hóa, khuyến khích phát tâm cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, giống như các vị Câu-lưu-tôn, Già-na-ca Mâu-ni, Ca-diếp, Di-lặc. Người thứ năm cũng giống như vậy, được thọ ký thành Phật hiệu là Sư Tử Quang Minh.

“Trong số một ngàn người ấy, chỉ trừ ra hai người, còn tất cả đều phát nguyện sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề trong Hiền kiếp.

“Trong chúng hội ấy, có một người nhỏ nhất tên là Trì Lực Tiệp Tật, Phạm-chí Bảo Hải cũng giáo hóa cho phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề: ‘Thiện nam tử! Nay ngươi đừng quán xét chuyện lâu xa mà lìa bỏ tâm tỉnh giác hiện tại, nên vì hết thảy chúng sinh mà khởi tâm đại bi.’

“Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải liền vì Trì Lực Tiệp Tật mà thuyết kệ rằng:

Ấm, giới và các nhập,
Sai sử mọi chúng sinh.
Nên sợ già, bệnh, chết,
Chìm đắm trong biển ái,
Giam cầm trong Ba cõi,
Đáng sợ thay trong ngục,
Uống nước độc phiền não,
Cùng xâm hại lẫn nhau,
Suốt đêm dài chìm ngập,
Trong biển khổ mênh mông,
Mù quáng không mắt huệ,
Đánh mất đạo chân chánh.
Ở mãi trong sinh tử,
Che lấp mọi căn lành.
Chúng sinh trong Ba cõi,
Bị lửa khổ đốt thiêu.
Đã lìa xa chánh kiến,
Trong tà kiến trụ yên,
Vần xoay trong sinh tử,
Lăn lộn giữa năm đường,
Không phút giây dừng nghỉ,
Như bánh xe lăn mãi.
Có biết bao chúng sinh,
Đã mất đi mắt pháp,
Mù quáng không nhìn thấy,
Lại không người cứu giúp!
Ông nên biết tu tập,
Pháp trí huệ vô lượng,
Lìa ngu si lầm lạc,
Khiến phát tâm Bồ-đề.
Nên vì mọi chúng sinh,
Làm bậc thiện tri thức,
Cắt đứt dây ái dục,
Trừ bỏ mọi phiền não.
Nên vì những việc ấy,
Mà phát tâm Bồ-đề.
Những ai không mắt pháp,
Bị ngu si che lấp,
Vì giúp lìa ngu si,
Ban cho đạo thù thắng!
Sinh tử là ngục lớn,
Có lửa dữ đốt thiêu,
Dùng pháp như cam lộ,
Khiến cho được đầy đủ.
Nay ông hãy nhanh chân,
Đến ngay trước Phật tòa,
Cúi lễ dưới chân Phật,
Làm lợi ích lớn lao.
Lại nên đối trước Phật,
Phát nguyện lớn nhiệm mầu.
Chỗ phát nguyện thù thắng,
Cần phải khéo giữ gìn.
Ông trong đời vị lai,
Sẽ điều phục trời, người.
Lại phát nguyện bố thí,
An ổn cho chúng sinh,
Cứu độ cho hết thảy,
Khiến đều được giải thoát,
Lại khiến cho đầy đủ,
Các pháp căn, lực, giác,
Mưa chánh pháp gội nhuần,
Nước trí huệ rưới khắp,
Giúp chúng sinh dập tắt,
Lửa phiền não, khổ đau!

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Trì Lực Tiệp Tật thưa rằng: ‘Bạch thầy! Nay con phát nguyện không cầu được quả báo sinh lên cõi trời, cũng không cầu các quả vị Thanh văn hay Bích-chi Phật, duy chỉ cầu pháp Đại thừa Vô thượng, đợi khi đúng lúc, đúng nơi, điều phục được hết thảy chúng sinh sẽ phát khởi nguyện lành. Nay con đang còn nghĩ suy những điều như thế. Bạch thầy! Xin hãy đợi cho trong chốc lát, rồi sẽ được nghe biết khi nào con thành đạo Vô thượng.’

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải từ biệt rồi thong thả ra về. Ông có năm người thị giả là Thủ Long, Lục Long, Thủy Long, Hư Không Long và Diệu Âm Long, đều gọi cả đến mà bảo rằng: ‘Nay các ông đều nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Năm người ấy đáp: ‘Bạch thầy! Chúng con chẳng có vật gì sở hữu, chẳng biết lấy gì cúng dường đức Phật và chúng tăng. Chưa trồng được căn lành, làm sao có thể phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?’

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải liền tháo hai chiếc vòng báu đang đeo ở hai tai trao cho Thủ Long và Lục Long, lại trao cái giường báu đang ngồi cho Thủy Long, trao cây gậy quý đang dùng cho Hư Không Long, và trao cái chậu rửa bằng vàng ròng cho Diệu Âm Long. Sau khi đã trao các vật quý ấy cho năm người rồi, liền bảo: ‘Các ông nay có thể mang những vật quý này đến cúng dường đức Phật và chúng tăng, rồi phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

KINH BI HOA
HẾT QUYỂN V


    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Gió Bấc


Kinh Dược sư


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.32.243 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...