Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên bảo vị vương tử thứ tư
là Năng-già-la phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vị này liền nghe
theo lời khuyên ấy, cho đến phát nguyện được cõi thế giới thanh tịnh
cũng đều giống như vương tử thứ ba.
“Khi ấy, đức Phật Bảo Tạng bảo vương tử Năng-già-la rằng: ‘Lành thay,
lành thay! Thiện nam tử! Khi ông tu hành đạo Bồ Tát, dùng trí huệ kim
cang mà phá trừ vô lượng vô biên các núi lớn phiền não của chúng sinh,
làm nên những Phật sự lớn lao, rồi sau đó mới thành tựu quả A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thiện nam tử! Vì thế, nay ta đặt tên ông là Kim Cang
Trí Huệ Quang Minh Công Đức.’
“Bấy giờ, Phật bảo Bồ Tát Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức: ‘Thiện
nam tử! Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát
sông Hằng, khi bước vào số a-tăng-kỳ kiếp lần thứ hai cũng nhiều như số
cát sông Hằng, về phía đông của thế giới này, trải qua vô số thế giới
như số bụi nhỏ trong các thế giới nhiều như số cát của mười con sông
Hằng, có một thế giới tên là Bất Huyễn. Thiện nam tử! Ông sẽ ở trong cõi
thế giới đó mà thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai, Ứng cúng, Chánh
biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều
ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.
“Những sự trang nghiêm tốt đẹp của cõi Phật ấy đều đúng như sở nguyện
của ông, đầy đủ không có gì thiếu sót.’
“Thiện nam tử! Khi đức Như Lai Bảo Tạng thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề cho Đại Bồ Tát Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức thì giữa
hư không liền có vô lượng vô biên trăm ngàn ức na-do-tha chư thiên xuất
hiện tán thán rằng: ‘Lành thay, lành thay!’ Và rải xuống như mưa đủ các
loại hương bột chiên-đàn Ngưu Đầu, hương a-già-lưu, hương đa-già-lưu,
hương đa-ma-la-bạt để cúng dường.
“Khi ấy, Bồ Tát Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức bạch Phật: ‘Thế
Tôn! Nếu như sở nguyện của con được thành tựu, được lợi ích bản thân,
nay con xin kính lễ chư Phật Thế Tôn, nguyện cho khắp các cõi thế giới
mười phương nhiều như số cát sông Hằng đều tràn ngập hương thơm nhiệm
mầu của chư thiên. Hết thảy các loài chúng sinh đang ở các cảnh giới địa
ngục, súc sinh, ngạ quỷ, cho đến cõi trời, cõi người, nếu ngửi thấy
hương thơm này thì mọi sự khổ não, bệnh tật của thân và tâm đều được lìa
xa.’
“Thiện nam tử! Lúc đó, Bồ Tát Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức vừa
phát nguyện xong liền cúi đầu sát đất lễ Phật.
“Khi ấy, trong các cõi thế giới mười phương nhiều như số cát sông Hằng
liền có hương thơm nhiệm mầu lan tỏa khắp nơi. Chúng sinh ngửi được
hương thơm ấy đều được lìa xa hết thảy mọi sự khổ não của thân và tâm.
“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng liền vì Bồ Tát Kim Cang Trí Huệ Quang
Minh Công Đức thuyết kệ rằng:
Bậc Trí huệ Kim cang,
Nay ông hãy đứng lên!
Mười phương các cõi Phật,
Đã tỏa hương nhiệm mầu,
Giúp vô lượng chúng sinh,
Được lìa khổ, hoan hỷ,
Ông quyết sẽ thành Phật,
Bậc Vô thượng thế gian.
“Thiện nam tử! Khi ấy, Bồ Tát Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức nghe
kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ
bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết
pháp.”
“Thiện nam tử! Lúc đó, Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên bảo vị vương tử thứ
năm là Vô Sở Uý phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến phát
nguyện được cõi thế giới thanh tịnh cũng như vậy.
Khi ấy, vương tử Vô Sở Uý đáp với Phạm-chí rằng: ‘Chỗ sở nguyện của tôi
không muốn ở nơi cõi thế giới bất tịnh này mà thành A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề. Nguyện khi tôi thành Phật, trong cõi thế giới không có các
cảnh giới địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Mặt đất toàn bằng ngọc lưu ly quý
màu xanh biếc. Nói rộng ra thì hết thảy đều giống như những sự trang
nghiêm tốt đẹp ở thế giới Liên Hoa.’
Rồi vương tử Vô Sở Úy liền cầm hoa sen dâng lên đức Phật Bảo Tạng, thưa
rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con thành tựu, được lợi ích
bản thân, nguyện cho con được nương vào oai thần của Phật mà ở ngay
trước Phật được nhìn thấy hết thảy mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của các
phép tam-muội. Lại nguyện cho không trung mưa xuống đủ mọi loại hoa sen,
to lớn như bánh xe, đầy khắp các cõi Phật trong mười phương nhiều như số
hạt bụi nhỏ trong số thế giới bằng với số cát sông Hằng, cũng khiến cho
con từ xa được nhìn thấy rõ tất cả.’
“Thiện nam tử! Vương tử Vô Sở Úy nói lời ấy xong, liền được nương oai
thần của Phật tức thời được thấy hết thảy mọi sự trang nghiêm tốt đẹp
của các phép tam-muội. Không trung liền mưa xuống đủ mọi loại hoa sen,
to lớn như bánh xe, đầy khắp các cõi Phật trong mười phương nhiều như số
hạt bụi nhỏ trong số thế giới bằng với số cát sông Hằng, tất cả đại
chúng đều được nhìn thấy từ xa. Thấy như vậy rồi đều sinh tâm hoan hỷ.
“Bấy giờ, Phật bảo vương tử Vô Sở Úy: ‘Thiện nam tử! Ông có thể phát
khởi đại nguyện thâm sâu mầu nhiệm như thế, cầu được cõi Phật trang
nghiêm thanh tịnh, lại có thể tức thời được thấy hết thảy mọi sự trang
nghiêm tốt đẹp của các phép tam-muội. Lời nguyện của ông không hề hư dối
nên không trung mưa xuống vô số hoa sen như vậy.’
“Vương tử lại bạch rằng: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con sẽ thành
tựu, được lợi ích bản thân, thì nguyện những hoa sen này đều dừng lại
giữa hư không đừng rơi xuống.’
“Khi ấy, đức Phật Bảo Tạng bảo vương tử Vô Sở Úy: ‘Thiện nam tử! Ông chỉ
một lời nguyện mà có thể tức thời khiến cho các hoa sen này được giữ lại
như được ấn vào hư không. Vì thế, nay ta đặt hiệu cho ông là Hư Không
Ấn.’
“Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ Tát Hư Không Ấn: ‘Thiện nam tử! Trong đời vị
lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, khi vào số
a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, về hướng đông
nam của cõi Phật này, trải qua trăm ngàn muôn ức cõi thế giới nhiều như
số cát sông Hằng, có thế giới tên là Liên Hoa, ông sẽ ở thế giới
đó thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Liên Hoa Tôn
Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian
giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.
Đại chúng của ông nơi thế giới ấy chỉ toàn là các vị Đại Bồ Tát, số đông
vô lượng không thể kể xiết. Thọ mạng của Phật ấy là vô lượng vô biên. Sở
nguyện của ông sẽ được thành tựu đầy đủ.’
“Khi ấy, Đại Bồ Tát Hư Không Ấn cúi đầu kính lễ đức Như Lai Bảo Tạng,
rồi đứng dậy lui ra gần đó, chắp tay cung kính ngồi yên lặng lắng nghe
thuyết pháp.
“Bấy giờ, đức Thế Tôn vì Bồ Tát Hư Không Ấn thuyết kệ rằng:
Thiện nam tử nên biết,
Tự làm lợi cho mình,
Dứt phiền não trói buộc,
Thường được sự tịch tĩnh,
Chỗ công đức có được,
Như số cát sông Hằng.
Thế giới nhiều như bụi,
Đều thành tựu chẳng mất.
Ông ở đời vị lai,
Sẽ thành đạo vô thượng.
Như chư Phật quá khứ,
Không có gì khác biệt.
“Thiện nam tử! Bồ Tát Hư Không Ấn nghe kệ rồi liền sinh tâm hoan hỷ.
“Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên bảo vị vương tử thứ
sáu là Hư Không phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến phát
nguyện được cõi thế giới thanh tịnh cũng đều như vậy.
“Vương tử Hư Không liền bạch Phật: ‘Thế Tôn! Sở nguyện của con là không
muốn thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ở cõi thế giới bất
tịnh này. Chỗ phát nguyện của con về đại lược cũng giống như sự phát
nguyện của Bồ Tát Hư Không Ấn.
“Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện như vậy của con có thể thành tựu, được
lợi ích bản thân, nguyện cho trong khắp các cõi thế giới mười phương
nhiều như số cát sông Hằng tự nhiên đều có những lọng quý nhiệm mầu bằng
bảy món báu hiện ra đầy khắp trên hư không, có lưới bằng vàng ròng phủ
lên trên lọng, có những chuông nhỏ bằng bảy món báu dùng để tô điểm
trang nghiêm. Những chuông báu trên lọng này thường phát ra các âm thanh
Phật, âm thanh pháp, âm thanh tỳ-kheo tăng, những âm thanh nói về sáu
pháp ba-la-mật cùng với sáu thần thông, mười sức, vô uý... Chúng sinh
trong các thế giới được nghe những âm thanh ấy rồi liền phát tâm
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Phát tâm rồi liền được địa vị không còn
thối chuyển. Những âm thanh Phật, Pháp, Tăng cho đến vô sở uý... đều
vang ra khắp các thế giới mười phương. Nhờ oai thần của Phật nên tất cả
chúng sinh đều có thể tự nghe được.
“Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con sẽ thành tựu, được lợi ích bản
thân mình, thì nguyện hôm nay con được phép Tam-muội Tri nhật. Nhờ sức
tam-muội nên hết thảy các căn lành đều được tăng trưởng. Được phép
tam-muội ấy rồi, nguyện chư Phật thọ ký cho con quả A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề.’
“Khi vương tử Hư Không vừa nói ra lời nguyện ấy, liền nhờ oai thần của
Phật mà tức thời được phép Tam-muội Tri nhật.
“Bấy giờ, đức Thế Tôn khen ngợi vương tử Hư Không: ‘Lành thay, lành
thay! Thiện nam tử! Chỗ phát nguyện của ông thật hết sức thâm sâu.’
“Nhờ nơi nhân duyên công đức thâm sâu, liền khiến cho tức thời trong
khắp các cõi thế giới mười phương nhiều như số cát sông Hằng tự nhiên
đều có những lọng quý nhiệm mầu bằng bảy món báu hiện ra đầy khắp trên
hư không, có lưới bằng vàng ròng phủ bên trên lọng, có những chuông nhỏ
bằng bảy món báu dùng để tô điểm trang nghiêm. Những chuông báu trên
lọng này thường phát ra các âm thanh Phật, Pháp, Tăng, cho đến âm thanh
nói về pháp vô sở uý... Khi ấy có trăm ngàn ức na-do-tha chúng sinh được
nghe những âm thanh ấy rồi liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Đức Phật Bảo Tạng dạy: ‘Vì những việc ấy, nay ta đặt hiệu cho ông là Hư
Không Nhật Quang Minh.’
“Bấy giờ, Phật bảo Đại Bồ Tát Hư Không Nhật Quang Minh: ‘Trong đời vị
lai, ông sẽ thành tựu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Trải qua số
a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, bước vào số a-tăng-kỳ kiếp
thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, về phương đông của thế giới này
trải qua số cõi Phật nhiều như số cát của hai con sông Hằng, có thế giới
tên là Nhật Nguyệt, ông sẽ ở trong thế giới ấy mà thành tựu quả
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Pháp Tự Tại Phong Vương Như Lai,
Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô
thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’
“Khi ấy, Bồ Tát Hư Không Nhật Quang Minh được nghe thọ ký rồi liền cúi
đầu làm lễ dưới chân đức Phật.
“Đức Thế Tôn liền vì Bồ Tát Hư Không Nhật Quang Minh thuyết kệ rằng:
Ông nay hãy đứng lên,
Khéo dùng giới điều phục,
Tâm đại bi thuần thục,
Vì hết thảy chúng sinh,
Dứt trừ mọi khổ nạn,
Rốt cùng được giải thoát,
Trí huệ khéo phân biệt,
Nên đạt đạo Vô thượng.
“Thiện nam tử! Khi ấy Bồ Tát Hư Không Nhật Quang Minh nghe kệ rồi sinh
tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới
chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.
“Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên bảo vị vương tử thứ bảy là Thiện
Tý phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến phát nguyện được cõi
Phật thanh tịnh.
“Khi ấy, vương tử Thiện Tý bạch Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Sở nguyện của con
là không muốn thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ở cõi thế
giới bất tịnh này. Nguyện cho thế giới của con trong đời vị lai sẽ không
có các cảnh giới địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, không có nữ giới, cho đến
không có cả tên gọi, cũng không có việc sinh ra từ bào thai; không có
các núi Tu-di, núi Thiết vi lớn và nhỏ; không có những chỗ núi đồi, gò
nổng, cát đá dơ xấu, gai góc, gió độc, rừng cây rậm rạp, biển cả, sông
ngòi; không có mặt trời, mặt trăng, ngày đêm không phân biệt; không có
những chỗ tối tăm hôi hám.
“Các loài chúng sinh đều không có tất cả những sự bài tiết hôi hám, từ
đại, tiểu tiện cho đến khạc nhổ, chảy nước mũi... Thân và tâm không phải
nhận chịu những điều không vui, khổ não. Đất đai toàn bằng mã não, không
có các thứ bụi đất, chỉ dùng toàn trăm ngàn vô lượng các thứ trân bảo để
trang nghiêm tốt đẹp. Không có các loại cây cỏ, chỉ có loài hoa xinh đẹp
nhiệm mầu là mạn-đà-la hoa cùng với đủ các loại cây báu để tô điểm trang
nghiêm. Bên dưới những cây báu đều có lọng quý tuyệt đẹp. Lại có đủ các
loại áo quý, vòng hoa, đủ mọi thứ chuỗi anh lạc, hương hoa, kỹ nhạc, các
món báu vật, các hoa báu xinh đẹp... dùng những thứ như vậy để tô điểm,
trang sức cho cây báu.
“Trong thế giới ấy không có sự phân biệt ngày đêm, chỉ dựa vào sự nở ra
hay khép lại của hoa mà biết được thời gian. Khi hoa khép lại, có các vị
Bồ Tát tự nhiên sinh ra giữa hoa. Khi sinh ra rồi, liền được thấy đủ các
sự trang nghiêm tốt đẹp của các phép tam-muội. Nhờ sức tam-muội lại được
nhìn thấy chư Phật hiện tại trong vô số thế giới mười phương nhiều như
số hạt bụi nhỏ, ở nơi tam-muội ấy chỉ trong khoảnh khắc của một niệm
được có đủ sáu thần thông.
“Nhờ có thiên nhĩ thông nên nghe được tất cả âm thanh thuyết pháp của
chư Phật hiện tại trong các thế giới mười phương nhiều như số hạt bụi
nhỏ. Nhờ có trí huệ của túc mạng thông nên biết được hết thảy những sự
việc trong vô lượng kiếp quá khứ nhiều như số hạt bụi nhỏ của một cõi
Phật. Nhờ có thiên nhãn thông nên thấy được đủ mọi sự trang nghiêm tốt
đẹp của tất cả các thế giới chư Phật trong mười phương. Nhờ có trí huệ
tha tâm thông nên chỉ trong thời gian một niệm có thể biết được mọi suy
nghĩ niệm tưởng của chúng sinh nhiều như số hạt bụi nhỏ của một cõi
Phật. Mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng
chẳng bao giờ mất đi phép tam-muội này.
“Vào lúc sáng sớm, bốn phương đều có những cơn gió nhẹ trong sạch thổi
đến, mang theo hương thơm mầu nhiệm và tung rải các loại hoa. Do sức của
gió này, các vị Bồ Tát liền ra khỏi tam-muội, rồi tức thời được sức Như
ý thông. Nhờ sức thần thông này nên chỉ trong khoảnh khắc của một niệm
có thể đi đến khắp các cõi Phật trong mười phương, ở mỗi phương đều trải
qua số thế giới nhiều như số hạt bụi nhỏ của một cõi Phật. Đi đến rồi
liền cúng dường chư Phật Thế Tôn trong hiện tại, thưa hỏi và nhận lãnh
chánh pháp nhiệm mầu, rồi chỉ trong khoảng thời gian một niệm lại trở về
cõi thế giới của mình không một chút khó khăn trở ngại.
“Các vị Bồ Tát đều ngồi kết già giữa các đài hoa mạn-đà-la và ma-ha
mạn-đà-la để tư duy về các pháp môn. Nếu có vị nào muốn được nhìn thấy
con đang ở đâu, liền tùy theo chỗ vị ấy đang hướng về mà đều được nhìn
thấy. Nếu đối với pháp sâu xa còn có chỗ nghi trệ, được thấy con rồi sẽ
tức thời dứt hết. Nếu có chỗ ý nghĩa cần thưa hỏi, muốn được nghe thuyết
pháp, nhìn thấy con rồi liền được thấu hiểu, không còn nghi ngờ gì nữa.
“Các vị Bồ Tát ở thế giới ấy đều thấu hiểu sâu xa về ý nghĩa không có
ngã và ngã sở, cho nên có thể xả bỏ thân thể, mạng sống, chắc chắn không
bao giờ còn thối chuyển đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thế giới ấy không có hết thảy những tên gọi bất thiện, cũng không có
những tên gọi như thọ giới, phạm giới, phá giới, hối lỗi... Thân thể của
tất cả chúng sinh đều có đủ ba mươi hai tướng tốt, được sức mạnh như lực
sĩ na-la-diên cõi trời, mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng không có bất cứ ai bị thiếu khuyết sáu căn.
“Chúng sinh ở thế giới ấy vừa sinh ra thì râu tóc tự rụng mất, trên
người liền có đủ ba tấm pháp y, được phép tam-muội Thiện phân biệt, rồi
mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng không
bao giờ mất đi. Những chúng sinh ấy thảy đều được hòa hợp tất cả các căn
lành, không có bất cứ người nào phải chịu các nỗi khổ già, bệnh, chết.
“Các vị Bồ Tát đến lúc mạng chung liền ngồi kết già, nhập hỏa định tự
thiêu thân xác. Thiêu thân xác rồi, từ bốn phương liền có gió mát thổi
đến nơi ấy, đưa xá-lợi của Bồ Tát đến những thế giới không có Phật ở
khắp mười phương. Không bao lâu, xá-lợi ấy liền biến thành bảo châu
ma-ni, cũng giống như bảo châu của vị Chuyển luân Thánh vương. Nếu có
chúng sinh nào nhìn thấy hoặc được sờ vào bảo châu ma-ni ấy liền không
còn phải đọa vào trong ba đường ác, rồi mãi cho đến khi được thành tựu
Niết-bàn không lúc nào còn phải nhận chịu các sự khổ não, liền được xả
bỏ thân ấy mà sinh về nơi hiện đang có Phật thuyết pháp ở phương khác,
thưa hỏi và thọ nhận chánh pháp nhiệm mầu, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề, liền được địa vị không còn thối chuyển.
“Chúng sinh ở thế giới ấy vào lúc mạng chung tâm nhập thiền định, không
có sự tán loạn, không phải chịu những nỗi khổ như yêu mến phải xa lìa...
Sau khi mạng chung không phải sinh vào nơi có tám nạn, nơi không có Phật
ra đời, mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề
thường được gặp Phật, được thưa hỏi và thọ nhận chánh pháp, cúng dường
chúng tăng.
“Hết thảy chúng sinh ở thế giới ấy đều đã lìa xa tham dục, sân khuể, ngu
si, ân ái, tật đố, vô minh, kiêu mạn. Trong thế giới không có các hàng
Thanh văn, Duyên giác. Hết thảy đại chúng ở đó chỉ thuần là các vị Đại
Bồ Tát, đầy khắp cõi thế giới. Tâm ý các vị đều nhu nhuyễn, không có sự
nhiễm ô vì ái dục, được các phép tam-muội, kiên định vững chắc, không
còn thối chuyển đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thế giới ấy chỉ thuần có ánh sáng thanh tịnh soi chiếu. Các cõi Phật
khác trong khắp mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ thảy đều nghe biết
và nhìn thấy thế giới của con.
“Thế giới của con có loại hương thơm mầu nhiệm tỏa khắp các cõi thế giới
Phật khác trong mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ. Chúng sinh ở thế
giới của con thường được khoan khoái vui vẻ, chưa từng nghe biết đến
việc nhận chịu khổ não.
“Bạch Thế Tôn! Thời gian tu hành đạo Bồ Tát của con không hề có giới
hạn, miễn sao có thể trang nghiêm được cõi Phật thanh tịnh như thế. Con
sẽ khiến cho hết thảy các loài chúng sinh đều được thanh tịnh, đầy khắp
trong cõi nước, rồi sau đó con mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề.
“Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề sẽ phóng
ra vô lượng vô biên đạo hào quang sáng rực, chiếu khắp các cõi Phật mười
phương nhiều như số hạt bụi nhỏ trong một ngàn cõi Phật, khiến cho chúng
sinh trong các thế giới ấy đều từ xa được nhìn thấy ba mươi hai tướng
tốt của con, tức thời được dứt trừ tham dục, sân khuể, ngu si, tật đố,
vô minh, kiêu mạn, hết thảy phiền não, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề, theo như chỗ mong cầu liền được phép Đà-la-ni, Tam-muội, Nhẫn
nhục.
“Khi được nhìn thấy con rồi, hết thảy những chúng sinh ở trong địa ngục
Hàn băng liền được vui sướng ấm áp, giống như vị Bồ Tát nhập cảnh giới
thiền thứ hai. Những chúng sinh ấy được nhìn thấy con nên thân tâm đều
được thọ hưởng niềm vui sướng nhiệm mầu bậc nhất, liền phát tâm
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đến khi mạng chung chắc chắn sẽ được
sinh về cõi Phật của con. Sinh về đó rồi liền được địa vị không còn thối
chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Hết thảy những chúng sinh ở cảnh giới địa ngục Nhiệt cũng được như vậy.
Cho đến những chúng sinh ở các cảnh giới súc sinh, ngạ quỷ cũng đều được
như vậy.
“Khi ấy, chư thiên cõi trời đều được nhìn thấy ánh sáng rực rỡ tăng thêm
gấp bội.
“Nguyện cho thọ mạng của con là vô lượng vô biên, không ai có thể tính
đếm được, chỉ trừ bậc Nhất thiết trí.
“Bạch Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi,
chư Phật hiện tại trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới mười phương
đều xưng tán, ngợi khen con. Những chúng sinh ở các thế giới ấy nếu được
nghe những lời ngợi khen xưng tán con liền phát nguyện tạo các căn lành
để mau chóng được sinh về thế giới của con, rồi sau khi mạng chung thảy
đều sẽ được sinh về thế giới của con, chỉ trừ những kẻ phạm năm tội
nghịch, hủy hoại chánh pháp, phỉ báng các bậc thánh nhân.
“Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi,
những chúng sinh trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới khắp mười
phương, nếu được nghe tiếng con, phát nguyện muốn sinh về cõi thế giới
của con, thì những chúng sinh ấy vào lúc lâm chung đều sẽ được nhìn thấy
con cùng với tất cả đại chúng vây quanh. Vào lúc đó, con sẽ nhập
Tam-muội Vô ế. Nhờ sức tam-muội nên có thể hiện đến trước các chúng sinh
ấy, vì họ mà thuyết pháp. Các chúng sinh ấy nhờ được nghe thuyết pháp
nên liền được trừ dứt hết thảy mọi khổ não, trong lòng vô cùng hoan hỷ.
Nhờ tâm hoan hỷ nên liền được phép tam-muội Bảo điền. Nhờ sức tam-muội
nên tâm đạt được niệm và Vô sinh nhẫn. Sau khi mạng chung chắc chắn sẽ
được sinh về thế giới của con.
“Nếu như có những chúng sinh ở các cõi thế giới khác không có bảy thánh
tài, không muốn tu tập hành trì giáo pháp trong Ba thừa, không muốn được
thọ sinh trong hai cõi trời, người; cũng không tu hành hết thảy mọi căn
lành cùng với ba điều phúc, làm những việc trái với chánh pháp, tham đắm
ái dục nhơ bẩn, chỉ toàn làm theo tà kiến. Những chúng sinh như thế,
nguyện khi con nhập Tam-muội Vô phiền não sẽ dùng sức tam-muội mà khiến
cho họ khi mạng chung được thấy con và đại chúng ở trước mặt, vì họ mà
thuyết giảng diệu pháp, lại vì họ mà thị hiện cho thấy cõi Phật thanh
tịnh, khuyến khích họ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Những chúng sinh ấy được nghe pháp rồi liền đối với con sinh lòng tin
sâu vững, trong tâm được hoan hỷ, an lạc, liền phát tâm A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề. Con sẽ khiến cho những chúng sinh ấy được trừ dứt
mọi khổ não. Trừ dứt khổ não rồi, liền được phép Tam-muội Nhật đăng
quang minh, trừ dứt mọi sự ngu si tăm tối, sau khi mạng chung liền sinh
về thế giới của con.’
Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng ngợi khen rằng: ‘Lành thay, lành thay! Nay
ông có thể phát khởi lời nguyện lớn lao và nhiệm mầu đến thế!’
“Vương tử Thiện Tý liền bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con
thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện cho các cõi thế giới Phật trong
mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ đều sẽ có mưa xuống hương
ưu-đà-la-bà-la cùng với hương chiên-đàn, hương chiên-đàn Ngưu Đầu, đủ
các loại hương bột. Nếu có các chúng sinh ở mỗi thế giới ấy ngửi được
mùi hương ấy liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nguyện cho
con nay được Tam-muội Kim cang nguyện. Nhờ sức tam-muội nên có thể từ xa
trông thấy trời mưa các loại hương ấy xuống những thế giới ấy.’
“Thiện nam tử! Khi vương tử Thiện Tý nói ra lời ấy rồi, liền tức thời
được tam-muội, tự thấy khắp các cõi Phật trong mười phương nhiều như số
hạt bụi nhỏ, có các loại hương ưu-đà-la-bà-la, hương chiên-đàn, hương
chiên-đàn Ngưu Đầu, đủ các loại hương bột, cùng thấy được vô số chúng
sinh nhiều không thể tính đếm ở khắp mọi phương, thảy đều chắp tay cung
kính phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Đức Như Lai Bảo Tạng bảo vương tử Thiện Tý: ‘Thiện nam tử! Sở nguyện
của ông đã được thành tựu. Không trung mưa xuống đủ các loại hương thơm
mầu nhiệm, có vô số chúng sinh nhiều không thể tính đếm đều chắp tay
cung kính phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế, nay ta đặt
hiệu cho ông là Sư Tử Hương. Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ
kiếp nhiều như số cát sông Hằng, bước vào số a-tăng-kỳ kiếp lần thứ hai
cũng nhiều như số cát sông Hằng, về phương trên của thế giới này, trải
qua các cõi Phật nhiều như những hạt bụi nhỏ trong số thế giới bằng số
cát của bốn mươi hai con sông Hằng, có một thế giới tên là Thanh Hương
Quang Minh Vô Cấu. Ông sẽ ở nơi thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Quang Minh Vô Cấu Kiên Hương Phong Vương Như
Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải,
Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’
“Thiện nam tử! Bấy giờ, Bồ Tát Sư Tử Hương liền cúi đầu sát đất kính lễ
đức Như Lai Bảo Tạng.
“Khi ấy, đức Như Lai Bảo Tạng vì Bồ Tát Sư Tử Hương thuyết kệ rằng:
Bậc thầy cõi trời, người,
Nay ông hãy đứng dậy!
Thọ nhận sự cúng dường,
Độ người thoát sinh tử,
Khiến lìa mọi đau khổ,
Dứt trói buộc, phiền não,
Đời vị lai sẽ thành,
Tôn quý trong Ba cõi.
“Thiện nam tử! Lúc đó, Bồ Tát Sư Tử Hương nghe kệ rồi trong lòng hết sức
hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, rồi lui ra gần đó
ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.”
“Thiện nam tử! Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên bảo vị vương tử thứ
tám là Mẫn-đồ phát tâm Bồ-đề, cho đến phát nguyện nhận lấy cõi Phật của
mình.
“Vương tử Mẫn-đồ nghe lời khuyên ấy rồi, liền bạch trước Phật rằng: ‘Thế
Tôn! Sở nguyện của con là ở ngay nơi thế giới bất tịnh này để tu hành
đạo Bồ Tát, lại còn tu sửa trang nghiêm cho mười ngàn thế giới bất tịnh,
khiến cho đều được trang nghiêm thanh tịnh giống như thế giới Thanh
Hương Quang Minh Vô Cấu. Con cũng sẽ giáo hóa vô số các vị Bồ Tát khiến
cho đều được tâm thanh tịnh, không có mọi sự cấu uế, thảy đều hướng theo
Đại thừa. Những Bồ Tát như thế đầy khắp trong cõi thế giới của con, sau
đó con mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thế Tôn! Nguyện khi con tu hành đạo Bồ Tát phải vượt trội hơn so với
các vị Bồ Tát khác.
“Thế Tôn! Trong bảy năm qua con đã ngồi ngay ngắn tư duy về những công
đức thanh tịnh của chư Phật, Bồ Tát, cùng với đủ mọi công đức trang
nghiêm tốt đẹp của các cõi Phật. Khi ấy con liền được thấy đủ mọi sự
trang nghiêm của các phép tam-muội, bằng với mười một ngàn môn tam-muội
của hàng Bồ Tát tu hành tinh tấn.
“Thế Tôn! Con cũng nguyện cho các vị Bồ Tát trong tương lai khi tu hành
đạo Bồ Tát thảy đều được các phép tam-muội như vậy.
“Thế Tôn! Nguyện cho con đạt được Tam-muội Xuất ly tam thế thắng tràng.
Nhờ sức tam-muội nên thấy được khắp vô lượng vô biên thế giới của chư
Phật trong mười phương, tại mỗi thế giới ấy đều có chư Phật hiện tại,
lìa khỏi ba đời vì chúng sinh mà thuyết giảng chánh pháp.
“Thế Tôn! Nguyện cho con đạt được Tam-muội Bất thối. Nhờ sức tam-muội
nên chỉ trong thời gian một niệm có thể thấy hết các vị Phật và Bồ Tát
số nhiều như những hạt bụi nhỏ, cùng với chúng Thanh văn cung kính vây
quanh. Nguyện cho con ở chỗ mỗi một vị Phật ấy đều đạt được Tam-muội Vô
y chỉ. Nhờ sức tam-muội nên có thể biến hóa thành những hóa thân, cùng
lúc hiện đến chỗ các đức Như Lai nhiều như số hạt bụi nhỏ trong một cõi
Phật để cúng dường lễ bái. Nguyện cho mỗi một hóa thân ấy đều dùng đủ
mọi thứ trân bảo quý giá nhất, cùng với các thứ hương hoa, hương phết,
hương bột, những âm nhạc nhiệm mầu thù thắng, đủ mọi cách trang nghiêm
tốt đẹp để dâng lên cúng dường hết thảy chư Phật.
“Thế Tôn! Nguyện cho mỗi một hóa thân của con ở chỗ của mỗi một vị Phật
đều trải qua số kiếp nhiều như số giọt nước trong biển cả để tu hành đạo
Bồ Tát.
“Nguyện cho con được Tam-muội Nhất thiết thân biến hóa. Nhờ sức của
tam-muội nên chỉ trong thời gian một niệm có thể ở trước mỗi một đức
Phật mà biết được hết thảy các thế giới của chư Phật nhiều như số hạt
bụi nhỏ trong một cõi Phật.
“Thế Tôn! Nguyện cho con được phép tam-muội Công đức lực. Nhờ sức của
tam-muội nên có thể ở nơi trước mỗi một đức Phật mà hiện đến chỗ của chư
Phật nhiều như số hạt bụi nhỏ trong một cõi Phật, dùng những lời ngợi
khen xưng tán vi diệu để xưng tán chư Phật.
“Thế Tôn! Nguyện cho con được Tam-muội Bất huyễn. Nhờ sức của tam-muội
nên chỉ trong thời gian một niệm có thể thấy hết được chư Phật đầy khắp
trong vô lượng vô biên thế giới mười phương.
“Thế Tôn! Nguyện cho con được Tam-muội Vô tránh. Nhờ sức của tam-muội
nên chỉ trong thời gian một niệm có thể thấy hết được những thế giới
thanh tịnh nhiệm mầu của chư Phật trong hiện tại, quá khứ và vị lai.
“Thế Tôn! Nguyện cho con được Tam-muội Thủ lăng nghiêm. Nhờ sức của
tam-muội nên có thể biến hóa thành thân của chúng sinh địa ngục, vào
trong địa ngục thuyết giảng chánh pháp nhiệm mầu cho chúng sinh trong
đó, khuyến khích và làm cho họ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
Những chúng sinh ấy được nghe chánh pháp rồi liền nhanh chóng phát tâm
Bồ-đề Vô thượng, liền đó mạng chung sinh lên cõi người, rồi tùy nơi sinh
ra thường được gặp Phật. Tùy chỗ gặp Phật được nghe thuyết pháp; nghe
nhận chánh pháp rồi liền trụ yên nơi địa vị không còn thối chuyển.
“Đối với tất cả các loài chúng sinh như càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la,
khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, loài người, loài phi nhân... cho đến chư
thiên, rồng, quỷ thần, dạ-xoa, la-sát, tỳ-xá-già, phú-đan-na, già-trá
phú-đan-na, đồ-sát, khôi quái, thương giá, dâm nữ, súc sinh, ngạ quỷ...
cũng đều như thế, đều khuyến khích giáo hóa, khiến cho phát tâm
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại có những chúng sinh tùy chỗ sinh ra mà có những hình tướng khác
nhau, con nguyện sẽ phân thân hóa thành giống họ, cùng làm những nghề
nghiệp như họ, cùng nhận chịu những nỗi khổ, niềm vui như họ. Nguyện cho
con biến hóa ra những thân như vậy để tùy theo việc làm mà giáo hóa
những chúng sinh ấy.
“Thế Tôn! Nếu có những chúng sinh dùng các ngôn ngữ khác nhau, nguyện
con sẽ có thể tùy theo từng loại ngôn ngữ ấy mà thuyết pháp cho họ nghe,
khiến cho tất cả đều được hoan hỷ. Nhân nơi sự hoan hỷ ấy liền khuyến
khích họ phát tâm, trụ yên trong chánh pháp, khiến cho đạt được địa vị
không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thế Tôn! Con nguyện sẽ giáo hóa cho tất cả chúng sinh trong mười ngàn
cõi Phật, khiến cho được tâm thanh tịnh không còn hết thảy mọi nghiệp
tạo tác và các độc phiền não, cho đến dù chỉ một người cũng không để cho
bốn thứ ma não hại, huống chi là nhiều người?
“Nếu như con đã trang nghiêm tốt đẹp cho mười ngàn cõi Phật, khiến được
thanh tịnh như thế giới Thanh Hương Quang Minh Vô Cấu của Phật Quang
Minh Vô Cấu Tôn Hương Vương, được đủ mọi sự trang nghiêm vi diệu như thế
giới ấy, rồi sau đó bản thân con và quyến thuộc sẽ phát những đại nguyện
giống như vị Bồ Tát Sư Tử Hương kia.
“Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con sẽ thành tựu, được lợi ích bản
thân, xin nguyện cho những chúng sinh trong mười ngàn cõi Phật đều được
dứt hết mọi khổ não, được tâm nhu nhuyễn, được tâm điều phục, mỗi chúng
sinh đều có thể tự ở nơi Bốn cõi thiên hạ của mình mà thấy được đức Phật
Thế Tôn hiện đang thuyết pháp. Hết thảy chúng sinh lại tự nhiên có được
đủ các loại trân bảo, hương hoa, hương bột cùng với hương phết, đủ mọi
thứ y phục, cờ phướn... Mỗi chúng sinh đều dùng những thứ ấy để cúng
dường đức Phật. Cúng dường Phật rồi, thảy đều phát tâm Bồ-đề Vô thượng.
“Bạch Thế Tôn! Nguyện cho con nay sẽ được sức Tam-muội Kiến chủng chủng
trang nghiêm, từ xa nhìn thấy hết thảy những việc như thế.’
“Vương tử vưa nói xong liền đúng như sở nguyện được nhìn thấy tất cả.
“Khi ấy, đức Thế Tôn khen ngợi vương tử Mẫn-đồ: “Lành thay, lành thay!
Thiện nam tử! Thế giới của ông bao quanh bốn phía có mười ngàn cõi Phật
trang nghiêm thanh tịnh, trong đời vị lai lại sẽ giáo hóa vô lượng chúng
sinh, khiến cho được tâm thanh tịnh, lại sẽ cúng dường vô lượng vô biên
chư Phật Thế Tôn.
“Thiện nam tử! Do nhân duyên ấy, nay ta đổi tên cho ông là Phổ Hiền.
Trong đời vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng,
trong khoảng sau cuối của số a-tăng-kỳ kiếp lần thứ hai cũng nhiều như
số cát sông Hằng, về phương bắc của thế giới này, trải qua số cõi Phật
nhiều như số cát của sáu mươi con sông Hằng, có thế giới tên là Tri Thủy
Thiện Tịnh Công Đức, ông sẽ ở nơi thế giới ấy mà thành tựu quả
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Trí Cang Hống Tự Tại Tướng Vương
Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian
giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’
“Thiện nam tử! Khi ấy, Đại Bồ Tát Phổ Hiền liền cúi đầu sát đất lễ kính
đức Phật Bảo Tạng.
“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng vì Bồ Tát Phổ Hiền thuyết kệ rằng:
Đạo sư hãy đứng lên!
Ông đã được như nguyện,
Khéo điều phục chúng sinh,
Khiến cho được nhất tâm,
Vượt qua sông phiền não,
Thoát khỏi mọi điều ác.
Mai sau làm đuốc sáng,
Soi khắp cõi trời, người.
“Thiện nam tử! Bấy giờ, trong pháp hội có mười ngàn người sinh tâm nôn
nóng không muốn đợi lâu, liền đồng thanh bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn!
Chúng con vào đời vị lai nguyện cũng sẽ ở nơi cõi Phật trang nghiêm
thanh tịnh như vậy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng
nguyện tu tập trang nghiêm các cõi thế giới giống như Bồ Tát Phổ Hiền.
“Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện sẽ tu tập đầy đủ sáu pháp ba-la-mật. Nhờ
đầy đủ sáu pháp ba-la-mật nên mỗi người chúng con đều sẽ được ở nơi các
cõi Phật mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’
“Thiện nam tử! Khi ấy đức Như Lai Bảo Tạng liền vì mười ngàn người ấy mà
thọ ký: ‘Các thiện nam tử! Khi Bồ Tát Phổ Hiền thành tựu quả A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề, các ông sẽ ở trong mười ngàn cõi Phật thanh tịnh mà
Bồ Tát Phổ Hiền đã tu tập trang nghiêm, cùng lúc thành tựu quả
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, trong đó có một ngàn người thành Phật
cùng hiệu là Trí Sí Tôn Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh
hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu,
Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.
“Lại có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Tăng Tướng Tôn Âm Vương.
“Lại có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Thiện Vô Cấu Tôn Âm
Vương.
“Lại có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Ly Bố Uý Tôn Âm Vương.
“Lại có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Thiện Vô Cấu Quang Tôn Âm
Vương.
“Lại có năm trăm người thành Phật cùng hiệu là Nhật Âm Vương.
“Lại có năm trăm người thành Phật cùng hiệu là Nhật Tạng Tôn Vương.
“Lại có năm người thành Phật cùng hiệu là Lạc Âm Tôn Vương.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Nhật Quang Minh.
“Lại có bốn người thành Phật cùng hiệu là Long Tự Tại.
“Lại có tám người thành Phật cùng hiệu là Ly Khủng Bố Xứng Vương Quang
Minh.
“Lại có mười người thành Phật cùng hiệu là Ly Âm Quang Minh.
“Lại có tám người thành Phật cùng hiệu là Âm Thanh Xưng.
“Lại có mười một người thành Phật cùng hiệu là Hiển Lộ Pháp Âm.
“Lại có chín người thành Phật cùng hiệu là Công Đức Pháp Xứng Vương.
“Lại có hai mươi người thành Phật cùng hiệu là Bất Khả Tư Nghị Vương.
“Lại có bốn mươi người thành Phật cùng hiệu là Bảo Tràng Quang Minh Tôn
Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Giác Tri Tôn Tưởng Vương.
“Lại có bảy người thành Phật cùng hiệu là Bất Khả Tư Nghị Ý.
“Lại có ba người thành Phật cùng hiệu là Trí Tạng.
“Lại có mười lăm người thành Phật cùng hiệu là Trí Sơn Tràng.
“Lại có năm mươi người thành Phật cùng hiệu là Trí Hải Vương.
“Lại có ba mươi người thành Phật cùng hiệu là Đại Lực Tôn Âm Vương.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Sơn Công Đức Kiếp.
“Lại có tám mươi người thành Phật cùng hiệu là Thanh Tịnh Trí Cần.
“Lại có chín mươi người thành Phật cùng hiệu là Tôn Tướng Chủng Vương.
“Lại có một trăm người thành Phật cùng hiệu là Thiện Trí Vô Cấu Lôi Âm
Tôn Vương.
“Lại có tám mươi người thành Phật cùng hiệu là Thắng Tôn Đại Hải Công
Đức Trí Sơn Lực Vương.
“Lại có bốn mươi người thành Phật cùng hiệu là Vô Thượng Bồ-đề Tôn
Vương.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Tri Giác Sơn Hoa Vương.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Công Đức Sơn Trí Giác.
“Lại có ba người thành Phật cùng hiệu là Kim Cang Sư Tử.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Trì Giới Quang Minh.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Thị Hiện Tăng Ích.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Vô Lượng Quang Minh.
“Lại có ba người thành Phật cùng hiệu là Sư Tử Du Hý.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Vô Tận Trí Sơn.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Bảo Quang Minh.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Vô Cấu Trí Huệ.
“Lại có chín người thành Phật cùng hiệu là Trí Huệ Quang Minh.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Sư Tử Xứng.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Công Đức Biến Vương.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Vũ Pháp Hoa.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Tạo Quang Minh.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Tăng Ích Sơn Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Xuất Pháp Vô Cấu Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Hương Tôn Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Vô Cấu Mục.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Đại Bảo Tạng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Lực Vô Chướng Ngại Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Tự Tri Công Đức Lực.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Y Phục Tri Túc.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Đức Tự Tại.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Vô Chướng Ngại Lợi Ích.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Trí Huệ Tạng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Đại Sơn Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Lực Tạng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Cầu Công Đức.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Hoa Tràng Chi.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Chúng Quang Minh.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Vô Ngại Công Đức Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Kim Cang Thượng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Pháp Tướng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Tôn Âm Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Kiên Trì Kim Cang.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Trân Bảo Tự Tại Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Kiên Tự Nhiên Tràng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Sơn Kiếp.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Vũ Ngu Lạc.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Tăng Ích Thiện Pháp.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Sa-la Vương.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Công Đức Biến Mãn Đại Hải Công
Đức Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Trí Huệ Hòa Hợp.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Trí Sí.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Hoa Chúng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Thế Gian Tôn.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Ưu-đàm-bát Hoa Tràng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Pháp Tràng Tự Tại Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Chiên-đàn Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Thiện Trụ.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Tinh Tấn Lực.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Tràng Đẳng Quang Minh.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Trí Bộ.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Hải Tràng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Diệt Pháp Xứng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Hoại Ma Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Chúng Quang Minh.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Xuất Trí Quang Minh.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Huệ Đăng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là An Ẩn Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Trí Âm.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Tràng Nhiếp Thủ.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Thiên Kim Cang.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Chủng Chủng Trang Nghiêm Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Vô Thắng Trí.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Thiện Trụ Ý.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Nguyệt Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Vô Thắng Bộ Tự Tại Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Sa-lân-đà Vương.
“Lại có tám mươi người thành Phật cùng hiệu là Sư Tử Bộ Vương.
“Lại có năm mươi người thành Phật cùng hiệu là Na-la-diên Vô Thắng Tạng.
“Lại có bảy mươi người thành Phật cùng hiệu là Tụ Tập Trân Bảo Công Đức.
“Lại có ba mươi người thành Phật cùng hiệu là Quang Minh Tạng.
“Lại có hai mươi người thành Phật cùng hiệu là Phân Biệt Tinh Tú Xưng
Vương.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Công Đức Lực Sa-la Vương.
“Lại có chín mươi người thành Phật cùng hiệu là Vi Diệu Âm.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Phạm Tăng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Đề-đầu-lại-trá Vương.
“Lại có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Liên Hoa Hương Trạch Xưng
Tôn Vương.
“Lại có sáu mươi người thành Phật cùng hiệu là Quang Minh Sí Đăng Vương.
“Lại có ba mươi người thành Phật cùng hiệu là Liên Hoa Hương Lực Tăng.
“Lại có hai người thành Phật cùng hiệu là Vô Lượng Công Đức Đại Hải Trí
Tăng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Diêm-phù-âm.
“Lại có một trăm lẻ ba người thành Phật cùng hiệu là Công Đức Sơn Tràng.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Sư Tử Tướng.
“Lại có một trăm lẻ một người thành Phật cùng hiệu là Long Lôi Tôn Hoa
Quang Minh Vương.
“Lại có một người thành Phật hiệu là Thiện Thú Chủng Vô Ngã Cam Lộ Công
Đức Kiếp Vương.
“Lại có một ngàn người thành Phật cùng hiệu là Ly Pháp Trí Long Vương
Giải Thoát Giác Thế Giới Hải Nhãn Sơn Vương.
“Tất cả đều có đủ mười hiệu là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh
hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu,
Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.
“Hết thảy các vị Phật này đều trong cùng một ngày, một giờ, mỗi vị ở nơi
thế giới của mình mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thọ
mạng của mỗi vị đều là mười trung kiếp, đều nhập Niết-bàn trong cùng một
ngày. Sau khi nhập Niết-bàn rồi, sau bảy ngày chánh pháp sẽ diệt mất.
“Thiện nam tử! Khi ấy, mười ngàn người cùng hướng về đức Phật Bảo Tạng,
cúi đầu làm lễ.
“Bấy giờ, đức Thế Tôn vì mười ngàn người ấy thuyết kệ rằng:
Long vương hãy đứng lên!
Được kiên cố tự tại,
Phát nguyện lành vô thượng,
Thanh tịnh và hòa hợp,
Dụng ý của các ông,
Gấp rút như gió mạnh,
Tinh tấn và chuyên cần,
Tu học pháp Lục độ,
Đời vị lai sẽ thành,
Tôn quý trong Ba cõi.
“Thiện nam tử! Khi ấy, mười ngàn người cùng nghe kệ rồi sinh tâm hoan
hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật
rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.
“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại khuyên bảo vương tử thứ
chín là Mật-tô phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến phát
nguyện được cõi Phật.
“Khi ấy, vương tử Mật-tô bạch trước Phật rằng: ‘Thế Tôn! Khi con tu hành
đạo Bồ Tát, nguyện được hết thảy chư Phật hiện tại trong các thế giới
mười phương nhiều như số cát sông Hằng vì con mà chứng minh, nay con ở
trước Phật phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thế Tôn! Nguyện trong khi con tu hành đạo Bồ Tát cho đến khi thành
Phật, chẳng bao giờ sinh tâm hối tiếc, đến khi thành Phật cũng vẫn
thường trụ yên nơi nhất tâm, không có sự thối chuyển, luôn theo đúng như
sự thuyết dạy mà làm, theo đúng như việc làm mà thuyết dạy, cho đến
chẳng có một người nào đến làm não hại tâm con. Con rốt ráo chẳng cầu
Thanh văn, Duyên giác, chẳng khởi tâm dâm dục, chẳng khởi các tư tưởng
ác. Con cũng chẳng bao giờ để tâm rơi vào những trạng thái mê ngủ, kiêu
căng, ngạo mạn, nghi ngờ, hối tiếc... cũng chẳng sinh khởi những tâm
tham lam, dâm dục, giết hại, trộm cắp, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời
độc ác, nói lời không chân chánh, sân hận, tà kiến, ganh ghét; cũng
chẳng bao giờ dám khi dễ, xem nhẹ chánh pháp.
“Trong suốt thời gian con tu hành đạo Bồ Tát cho đến thành tựu quả
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nguyện không sinh khởi các pháp xấu ác
như vậy, cho đến thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, mỗi bước
chân đi vẫn thường niệm tưởng chánh pháp, niệm tưởng chư Phật, được thấy
chư Phật, thưa hỏi và nhận lãnh chánh pháp nhiệm mầu, cúng dường chúng
tăng.
“Mỗi khi con sinh ra ở bất cứ đâu, nguyện thường xuất gia tu tập. Ngay
khi xuất gia liền tự nhiên có đủ ba tấm phấn tảo y, thường ngồi tư duy
một mình dưới gốc cây, ở nơi thanh vắng tịch tĩnh thường thực hành việc
khất thực, không cầu được lợi dưỡng, thực hành hạnh biết đủ, thường
giảng thuyết chánh pháp, thành tựu được vô lượng tài biện thuyết không
có chướng ngại, không phạm vào các tội lớn; không rơi vào chấp ngã khi
vì người nữ thuyết pháp, khi thuyết pháp thường luôn giữ lấy tướng
không, trong tâm nhớ nghĩ muôn pháp đều không, chắp tay ngồi ngay ngắn,
khi nói chẳng để lộ răng.
“Khi gặp những người học tập theo Đại thừa, luôn khởi ý tưởng xem đó như
đức Thế Tôn, thường luôn cung kính cúng dường. Ở bất cứ nơi đâu được
nghe chánh pháp đều khởi ý tưởng xem như được gặp Phật. Đối với các vị
sa-môn, bà-la-môn cũng luôn cung kính, cúng dường tôn trọng. Khi thực
hành việc bố thí, cúng dường, chỉ trừ ra đức Phật Thế Tôn, còn đối với
tất cả mọi người khác đều không có tâm phân biệt là ruộng phước hay
không phải ruộng phước.
“Con nguyện đối với những người bố thí pháp không sinh lòng ganh ghét.
Nếu có chúng sinh nào sắp bị hình phạt giết chóc, con nguyện xả bỏ thân
mạng để cứu giúp, bảo vệ. Nếu có chúng sinh nào phạm vào tội lỗi, con
nguyện dùng hết sức mình với mọi phương tiện như lời nói, tiền bạc, của
cải... để cứu giúp, khiến cho được giải thoát.
“Nếu có những người tại gia hoặc xuất gia mắc phải lỗi lầm, con nguyện
không mang những việc ấy ra phô bày với người khác. Đối với những sự lợi
dưỡng, danh vọng, con sẽ luôn tránh xa như hầm lửa, như đao kiếm, như
cây có độc.
“Bạch Thế Tôn! Nếu như sự phát nguyện của con hôm nay trước Phật, cho
đến quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi sẽ được thành tựu đúng như
vậy, xin khiến cho trong cả hai tay con đều tự nhiên có được bánh xe báu
cõi trời với ngàn cây nan hoa, ánh sáng tỏa ra như ngọn lửa lớn.’
“Thiện nam tử! Khi vương tử Mật-tô vừa nói xong lời ấy, trong cả hai tay
liền tự nhiên xuất hiện mỗi tay một bánh xe báu có ngàn cây nan hoa,
đúng như lời nguyện.
“Khi ấy, vương tử Mật-tô lại bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của
con thành tựu, được lợi ích bản thân, thành tựu quả vị A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì nay con sẽ sai khiến các bánh xe báu cõi trời có
ngàn cây nan hoa này bay đến những cõi thế giới không có Phật với đủ năm
sự uế trược. Những bánh xe báu này sẽ phát ra âm thanh rất lớn, vang dội
khắp các cõi Phật. Cũng giống như các vị Long vương Nan-đà, Long vương
Ưu-ba Nan-đà phát ra âm thanh lớn vang khắp thế giới, âm thanh của những
bánh xe báu này cũng vang dội khắp nơi như vậy. Đó là những âm thanh thọ
ký cho Bồ Tát, âm thanh không để mất chánh niệm, trí huệ; âm thanh tu
học pháp không và Pháp tạng của chư Phật.
“Chúng sinh ở khắp mọi nơi, nếu nghe những âm thanh chánh pháp này liền
được trừ dứt tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn, xan lận, tật đố, đạt
được sự tư duy tịch tĩnh và trí huệ rất thâm sâu của chư Phật, liền phát
tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’
“Thiện nam tử! Khi ấy, vương tử Mật-tô tức thời sai khiến hai bánh xe
báu. Cũng giống như thần túc của chư Phật hóa hiện cực kỳ nhanh chóng,
những bánh xe ấy cũng đến rồi đi nhanh chóng như vậy, hóa hiện khắp
những cõi thế giới xấu ác không có Phật, vì những chúng sinh ở đó mà
phát ra những âm thanh thọ ký cho Bồ Tát, âm thanh không để mất chánh
niệm, trí huệ; âm thanh tu học pháp không và Pháp tạng của chư Phật.
Chúng sinh ở khắp mọi nơi khi nghe những âm thanh chánh pháp này liền
được trừ dứt tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn, xan lận, tật đố, đạt
được sự tư duy tịch tĩnh và trí huệ rất thâm sâu của chư Phật, liền phát
tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Rồi chỉ trong phút chốc, các bánh xe
ấy đã quay về ngay trước mặt vương tử Mật-tô.
“Thiện nam tử! Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng ngợi khen vương tử Mật-tô:
‘Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nguyện lành của ông khi hành đạo Bồ
Tát thật là cao trổi nhiệm mầu bậc nhất, sai khiến những bánh xe báu này
bay đến những cõi thế giới không có Phật với đủ năm sự uế trược, khiến
cho vô lượng vô biên a-tăng-kỳ trăm ngàn ức chúng sinh được dừng yên,
trụ vững nơi tâm không uế trược, tâm không não hại, khuyến khích giáo
hóa cho thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Do vậy, nay ta
đổi tên ông là A-súc, trong đời vị lai sẽ thành bậc Thế Tôn. Nay ông nên
đối trước Phật mà vui mừng hoan hỷ, phát nguyện nhận lấy cõi Phật với đủ
mọi sự trang nghiêm tốt đẹp.’
“Bấy giờ, Bồ Tát A-súc bạch Phật: ‘Thế Tôn! Sở nguyện của con là được
cõi Phật với đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp như thế này: Nguyện cho thế
giới của con chỉ dùng toàn vàng ròng làm đất, đất đai bằng phẳng như
lòng bàn tay, có rất nhiều mọi thứ báu vật cõi trời, đầy khắp trong thế
giới; không có những núi đồi gò nỗng, đất cát sỏi đá, các loại gai
góc... Mặt đất mềm mại êm ái như vải lụa cõi trời, khi đi thì bàn chân
lún sâu vào đất đến bốn tấc, khi nhấc chân lên mặt đất liền khép lại.
“Thế giới ấy không có các cảnh giới địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, không
có những điều bất tịnh, hôi hám, dơ bẩn. Khắp thế giới chỉ có toàn hương
thơm mầu nhiệm bậc nhất của chư thiên cùng với các loại hương hoa
mạn-đà-la, ma-ha mạn-đà-la xông tỏa khắp nơi. Chúng sinh ở thế giới ấy
không có già yếu, không có bệnh tật, mỗi người đều sống rất tự tại,
không hề e dè, sợ sệt lẫn nhau, thường không não hại người khác.
“Thế giới ấy không có những trường hợp chết yểu, đến lúc mạng chung tâm
không có sự hối tiếc, oán hận. Người sắp chết luôn có tâm quyết định,
không có sự sai lầm, rối loạn, luôn giữ tâm niệm tưởng, tư duy đến chư
Phật Như Lai. Sau khi mạng chung không đọa vào các đường ác, không sinh
về những thế giới xấu ác có năm sự uế trược không có Phật.
“Chúng sinh ở thế giới ấy mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề thường luôn được gặp Phật, thưa hỏi và nhận lãnh
chánh pháp nhiệm mầu, được cúng dường chúng tăng.
“Chúng sinh ở thế giới ấy trừ bỏ dâm dục, giận hờn, si mê, thảy đều thực
hành theo Mười điều lành. Trong thế giới không có mọi thứ ngành nghề
khéo xảo, không có sự phạm tội, cũng không có cả tên gọi để chỉ sự phạm
tội; cũng không có Thiên ma và những trở ngại khó khăn trên đường tu
đạo.
“Hình thể của chúng sinh không có các tướng xấu xí, cũng không có sự
phân biệt thứ bậc cao thấp. Hết thảy chúng sinh đều thấu hiểu sâu xa lý
vô ngã, rằng không thật có cái ta và vật của ta. Hàng Thanh văn và Bồ
Tát cho đến trong giấc mộng cũng không khởi tâm bất tịnh. Chúng sinh
thường ưa muốn, mong cầu chánh pháp, lắng nghe chánh pháp, không có bất
cứ một người nào sinh ra các kiến giải điên đảo, cũng không có ngoại
đạo. Chúng sinh không có sự mỏi mệt của thân và tâm, hết thảy đều đạt
được năm thần thông, không phải chịu đói khát và mọi sự khổ não. Tùy
theo sự vui vẻ ưa thích các món ăn thức uống, liền tức thời có bát quý
tự nhiên hiện ra trong tay, lại có đủ mọi món ăn, giống như chư thiên ở
các cõi trời Dục giới.
“Chúng sinh ở đây không có những sự bài tiết ô uế như khạc nhổ đờm dãi,
đại tiện, tiểu tiện, cho đến chảy nước mắt, nước mũi, cũng không có nóng
bức, rét lạnh, thường có gió mát mang theo hương thơm chạm nhẹ vào thân
thể.
“Loại gió ấy có đầy đủ các hương thơm mầu nhiệm, có thể xông ướp cho chư
thiên và loài người, không cần đến loại hương thơm nào khác. Gió thơm ấy
lại có thể tùy theo sự mong cầu lạnh hay ấm của chư thiên và loài người
mà khiến cho tất cả đều được vừa ý. Nếu có chúng sinh nào mong muốn được
loại gió mang hương hoa ưu-bát-la, hoặc hương hoa ưu-đà-sa-la, hoặc
hương trầm thủy, hoặc hương đa-già-la, hoặc hương a-già-la... hoặc đủ
các loại hương thơm, thì đều tùy theo chỗ mong cầu, vừa mới phát tâm
liền được thành tựu, trừ ra những chúng sinh ở các thế giới có năm sự uế
trược.
“Nguyện cho thế giới của con có lầu bằng bảy báu. Trong lầu báu ấy có
giường cũng bằng bảy báu, chăn đệm toàn bằng các loại vải lụa mềm mại êm
ái như vải của chư thiên. Chúng sinh ở trên giường ấy, tất cả đều được
vui vẻ, khoái lạc. Bao quanh lầu báu bốn bên đều có hồ nước đẹp. Nước
trong hồ có đủ tám công đức, chúng sinh tùy theo ý muốn mà dùng nước ấy.
Trong thế giới có rất nhiều cây đa-la bằng vàng, với đủ loại hoa trái
xinh đẹp, thơm tho mầu nhiệm, lại có đủ các loại y phục tốt đẹp quý giá,
các loại lọng báu, chân châu, anh lạc dùng để tô điểm trang nghiêm đẹp
đẽ trên cây. Hết thảy chúng sinh nếu ưa thích loại y phục tốt đẹp nào
thì tùy ý đến nơi cây ấy lấy dùng. Đối với các loại hoa trái thơm tho
cũng đều như vậy.
“Bạch Thế Tôn! Nguyện cho cây Bồ-đề ở thế giới ấy chỉ thuần bằng bảy món
báu, cao một ngàn do-tuần, thân cây to lớn choán đến một do-tuần, cành
lá che phủ ra đến một ngàn do-tuần, thường có gió nhẹ thổi qua cây Bồ-đề
ấy làm phát ra những âm thanh mầu nhiệm diễn thuyết về sáu pháp
ba-la-mật, năm căn, năm sức, bảy thánh giác, tám thánh đạo... Tất cả
chúng sinh nghe được những âm thanh mầu nhiệm này liền được lìa khỏi tâm
tham dục.
“Những nữ nhân ở thế giới ấy thảy đều thành tựu hết thảy mọi công đức
nhiệm mầu, giống như các vị thiên nữ trên cõi trời Đâu-suất, không có
những điều bất tịnh của nữ giới, không nói lời hai lưỡi, không bị những
tâm xan lận, ganh ghét che lấp, không có dục tâm qua lại cùng nam giới.
Nếu có người nam khởi tâm dâm dục tìm đến chỗ người nữ, người nữ liền
khởi tâm thương yêu mà nhìn trong chốc lát, người nam ấy liền được lìa
khỏi tâm dâm dục, tự sinh chán lìa, lập tức quay về, không bao lâu liền
đạt được Tam-muội Thanh tịnh Vô cấu. Nhờ sức tam-muội nên được giải
thoát khỏi mọi sự trói buộc của ma, chẳng bao giờ còn khởi tâm dâm dục
xấu ác.
“Những người nữ như vậy, nếu nhìn thấy người nam mà có tâm ái dục thì
liền thụ thai, rồi cũng được lìa khỏi tư tưởng dâm dục. Đang khi mang
thai, dù là con trai hay con gái, thân tâm người mẹ cũng không có những
sự khổ não, vẫn thường thọ hưởng sự khoái lạc tột bậc giống như chư
thiên trên cõi trời Đao-lợi.
“Người mẹ mang thai trong bảy ngày bảy đêm, được thọ hưởng những khoái
lạc giống như chư thiên, lại cũng giống như vị tỳ-kheo nhập cảnh giới
thiền định thứ hai. Thai nhi dù là nam hay nữ cũng đều không bị nhơ nhớp
bởi những điều bất tịnh, trải qua đủ bảy ngày liền được sinh ra. Đang
khi sinh ra được hưởng mọi sự khoái lạc, lại có âm thanh vi diệu. Người
mẹ khi sinh con không có những điều khổ não. Sau khi sinh, cả hai mẹ con
cùng xuống nước tắm gội thân thể.
“Lúc ấy, người mẹ có được chánh niệm. Nhờ sức chánh niệm nên liền đạt
được Tam-muội Thanh tịnh ly dục. Nhờ sức của tam-muội nên tâm thường an
định, đối với mọi sự trói buộc của ma đều được giải thoát.
“Nếu có những chúng sinh do nghiệp lực đã tạo phải thọ sinh làm thân nữ
trong vô lượng ức kiếp. Nhờ sức của tâm định liền được lìa bỏ thân nữ,
vĩnh viễn trừ hết mọi nghiệp quả của thân nữ, mãi mãi cho đến khi đạt
được Niết-bàn cũng chẳng bao giờ còn phải thọ thân nữ lần nữa.
“Hoặc có những chúng sinh do nghiệp lực đã tạo phải vào bào thai chịu
mọi khổ não trong vô lượng ức kiếp. Nguyện khi con thành tựu quả
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, những chúng sinh ấy nếu được nghe
danh hiệu của con liền sinh tâm hoan hỷ. Sinh tâm hoan hỷ rồi, không bao
lâu sẽ mạng chung, khi vào thai liền sinh về thế giới của con. Vừa sinh
ra rồi liền vĩnh viễn dứt nghiệp thọ thai, mãi cho đến khi thành tựu quả
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng chẳng bao giờ còn phải vào thai lần
nữa.
“Hoặc có những chúng sinh trồng nhiều căn lành, liền được hiện đến thế
giới của con, từ trong hoa sen mà sinh ra. Hoặc có những chúng sinh có
ít căn lành, phải chịu vào thai hoặc thọ thân người nữ mà sinh về thế
giới của con, rồi sau đó mới được mãi mãi dứt nghiệp thọ thai.
“Hết thảy chúng sinh ở thế giới của con chỉ toàn thọ hưởng khoái lạc
nhiệm mầu. Gió nhẹ thổi vào những cây đa-la bằng vàng, phát ra âm thanh
vi diệu như khổ, không, vô ngã, vô thường... Những người nghe được các
âm thanh ấy thảy đều đạt được Tam-muội Quang minh. Nhờ sức tam-muội nên
đạt được các phép tam-muội Không định rất thâm sâu. Khắp thế giới của
con hoàn toàn không có những âm thanh gợi tư tưởng dâm dục.
“Bạch Thế Tôn! Khi con ngồi dưới gốc Bồ-đề, chỉ trong thời gian của một
niệm đã thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nguyện cho thế
giới của con không có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, không phân biệt
ngày đêm, chỉ có khác biệt là các đóa hoa nở ra hoặc khép lại.
“Nguyện khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền
dùng hào quang sáng rực chiếu khắp cõi Tam thiên Đại thiên thế giới. Nhờ
sức của hào quang ấy khiến tất cả chúng sinh đều được thiên nhãn. Nhờ có
thiên nhãn liền thấy khắp vô lượng vô biên thế giới của chư Phật trong
mười phương, tại mỗi thế giới đều có chư Phật Thế Tôn hiện đang thuyết
pháp.
“Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi,
thuyết giảng chánh pháp, nguyện cho âm thanh thuyết pháp ấy vang ra khắp
cõi Tam thiên Đại thiên thế giới. Chúng sinh nghe qua liền đạt được
Tam-muội Niệm Phật. Nhờ sức tam-muội, những chúng sinh ấy trong khi đi
lại xoay chuyển, dù hướng về đâu cũng thường được thấy con. Nếu như đối
với các pháp có chỗ nghi trệ, nhờ nhìn thấy con liền được dứt nghi.
“Bạch Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi,
trong khắp vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới của chư Phật mười phương,
tại mỗi thế giới nếu có những chúng sinh tu học pháp Thanh văn, hoặc tu
học pháp Duyên giác, hoặc tu học pháp Đại thừa, khi nghe được danh hiệu
của con rồi, khi mạng chung chắc chắn sẽ được sinh về thế giới của con.
“Những chúng sinh tu học pháp Thanh văn, khi nghe con thuyết pháp liền
được Tám giải thoát, chứng quả A-la-hán. Những chúng sinh tu học Đại
thừa nghe con thuyết pháp liền được thâm nhập sâu xa các môn đà-la-ni,
pháp nhẫn và các phép tam-muội, không còn thối chuyển đối với quả
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, có được vô lượng chúng Thanh văn làm
quyến thuộc, số nhiều đến vô biên, ngoài chư Phật ra thì không ai có thể
tính đếm được.
“Bạch Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, bất
cứ nơi nào con đặt chân xuống liền sinh ra hoa sen vàng ngàn cánh. Hoa
ấy rất nhiệm mầu, tỏa hào quang rực sáng, con liền sai khiến hoa ấy bay
đến những thế giới không có Phật để xưng dương tán thán danh hiệu của
con. Nếu có chúng sinh nào được nghe hoa ấy xưng tán danh hiệu của con
liền sinh tâm hoan hỷ, trồng các căn lành, mong muốn được sinh về thế
giới của con, ngay khi mạng chung liền được sinh về đúng như ý nguyện.
“Đại chúng xuất gia ở thế giới của con đều đã lìa bỏ những tâm ô nhiễm
như siểm nịnh, tà vạy, ganh ghét, gian trá, khinh dễ bậc sa-môn... Hết
thảy đều tôn trọng chánh pháp. Đối với những món cần dùng cho đến danh
vọng, lợi dưỡng đều không xem trọng, thường ưa thích các pháp khổ,
không, vô thường, vô ngã, thường chuyên cần, tinh tấn, tôn trọng chánh
pháp, nương theo Tăng-già.
“Hết thảy các vị Bồ Tát, nếu đã được địa vị không còn thối chuyển, con
đều khiến cho được Tam-muội Long vũ. Nhờ sức tam-muội liền vì chúng sinh
thuyết giảng pháp Bát-nhã ba-la-mật, khiến cho được lìa khỏi sinh tử,
rồi mãi mãi về sau cho đến khi được thành Phật cũng không bao giờ quên
mất những pháp mà mình đã thuyết được.
“Bạch Thế Tôn! Khi con thành Phật rồi, thọ mạng ở đời là mười ngàn đại
kiếp. Sau khi nhập Niết-bàn rồi, chánh pháp ở đời đủ một ngàn kiếp.’
“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng ngợi khen Bồ Tát A-súc: ‘Lành thay, lành
thay! Thiện nam tử! Nay ông nhận lấy cõi thế giới thanh tịnh. Trong đời
vị lai, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, bước vào
số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, về phương
đông cách thế giới này một ngàn cõi Phật, có một thế giới tên là Diệu
Lạc, có đủ hết thảy những điều trang nghiêm tốt đẹp theo như sở nguyện
của ông. Ông sẽ ở nơi thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề, cũng lấy hiệu là A-súc Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri,
Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng
phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’
“Khi ấy, Bồ Tát A-súc bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con
thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện hết thảy chúng sinh ở thế gian
đang bị khống chế bởi các ấm, nhập, giới đều có được tâm từ, không còn
những tư tưởng oán thù và những điều xấu ác, nhơ bẩn, thân và tâm được
khoái lạc như các vị Bồ Tát ở hàng Thập trụ ngồi kết già trên tòa sen
nhập tam-muội, do sức của tam-muội nên tâm thanh tịnh không cấu uế. Các
chúng sinh kia cũng được thân tâm khoái lạc giống như vậy. Nay con cúi
đầu kính lễ Phật, nguyện cõi đất này tỏa ánh sáng màu vàng ròng.’
“Thiện nam tử! Khi ấy Bồ Tát A-súc liền cúi đầu sát đất kính lễ dưới
chân Phật. Ngay khi ấy, hết thảy vô lượng chúng sinh liền được sự khoái
lạc lớn lao nơi thân tâm. Mặt đất nơi ấy cũng tỏa ra ánh sáng rực rỡ màu
vàng ròng.
“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng vì Bồ Tát A-súc thuyết kệ rằng:
Bậc tôn quý, đứng lên!
Nay ông đã khiến cho,
Hết thảy mọi chúng sinh,
Được tâm không phẫn nộ,
Đối với chúng sinh khác,
Lại khởi lòng đại bi.
Trong hai tay đều có,
Bánh xe ngàn nan hoa,
Ý thanh tịnh ngày sau,
Thành bậc Thiên nhân sư!
“Thiện nam tử! Khi ấy, Bồ Tát A-súc nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền
đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra
gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.
KINH BI HOA
HẾT QUYỂN IV