Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Phù trợ người lâm chung »» Phật tại tâm »»

Phù trợ người lâm chung
»» Phật tại tâm

Donate

(Lượt xem: 8.909)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Phù trợ người lâm chung - Phật tại tâm

Font chữ:


"Vì tâm là nhân của trí huệ bát-nhã, đừng tìm tánh Phật ở đâu khác."

Nhờ hiểu được tâm là đạt được trí Bát-nhã, nên quán chiếu viên mãn nhất là [biết được] không cần tìm Phật tính ở một nơi nào khác.

Phát biểu thứ năm này vừa là câu kết luận, vừa là tổng hợp của bản kinh này. Thật thế, qua năm điều mà Ngài xiển dương, đức Phật đã vạch ra cả một con đường.

Ta bắt đầu bằng cách quán sát cẩn thận những tai hại của thế giới Ta-bà và phát khởi lên tâm xả chấp, và khi nhận thức rõ những khổ đau đang chờ đợi mình nếu cứ tái sinh mãi trong cõi Ta-bà, ta không thể cam lòng được nữa mà chỉ còn mỗi một ý muốn là xuất ly. Hiểu rõ cõi Ta-bà đối với ta tai hại ra sao rồi, cần phải phát triển ý nghĩ đó hướng đến người khác. Khi ta thấy người khác cũng phải chịu cùng những khổ đau như mình, ta cảm nhận rằng đối với người khác cũng như đối với ta, điều ấy không thể chấp nhận được! Thế thì, sau khi khởi tâm xả chấp trước những khổ đau của chính mình, cần phải phát triển tâm từ bi, tâm đại bi, và cảm thấy bất bình trước sự khổ đau của người khác. Do sự thúc đẩy bởi tâm đại bi, ta bèn quyết định ra tay hành động để cứu người khác thoát mọi khổ đau, điều này dẫn đến việc phát tâm Bồ-đề, vì càng suy nghĩ ta càng thấy phải đi đến kết luận rằng để giúp đỡ người khác một cách hữu hiệu và cứu họ thoát mọi khổ đau một cách chắc chắn, biện pháp duy nhất là chính mình đạt đến quả vị Phật càng nhanh càng tốt.

Tóm lại, ta bắt đầu từ tâm xả chấp để khởi tâm đại bi, dẫn đến việc phát tâm Bồ-đề. Tâm cuối cùng này quan trọng nhất. Nhưng vì mục đích là đạt đến Phật quả nên tâm này vẫn chưa đủ: phải kết hợp tâm này với trí huệ tánh Không, nghĩa là trí huệ thấy biết sự vắng mặt của tự tánh nơi mọi sự hữu.

Hiểu được các pháp đều là Không trong một khoảng thời gian đặc biệt nào đó vẫn chưa đủ. Một khi đã bước lên đến trình độ hiểu biết ấy rồi, ta phải tiếp tục kiên trì và tu tập cho tâm thức quen thuộc với quan điểm mới mẻ này. Sự phối hợp giữa tâm Bồ-đề và trí tuệ trực ngộ tánh Không sẽ đối trị và cuối cùng phá tan tất cả các màn chướng vốn che phủ tâm của phàm phu. Các màn chướng này, quý vị đã ghi nhận, vốn chỉ là từ bên ngoài đến, nghĩa là do trần cảnh tạo ra. Khi tâm đã được gột sạch [những bụi trần này] cho đến các tầng lớp sâu thẳm nhất, tức là vi tế nhất của hai loại che chướng, thì người này trở thành một vị Phật. Nói cách khác, người thành Phật là người mà tâm đã vĩnh viễn loại bỏ hai loại che chướng trên tất cả bình diện, kể cả các bình diện vi tế nhất của chúng.

Từ những điều này ta rút ra được rằng, cuối cùng, cái [sẵn có] trong ta mà một ngày nào đó sẽ thành Phật chính là dòng tương tục, là tâm của chúng ta. Chúng ta khám phá Phật ở đâu, nếu không phải là ở trong tâm ta? Chính tâm ta phải được chuyển hóa thành Phật. Đức Phật cũng nói đúng như thế ở đây: "Không cần phải đi tìm Phật – tính Phật – ở ngoài quý vị. Phải tìm ở bên trong tự thân mình. Hãy làm cho tính Phật này hiển lộ trong mình. Hãy làm cho tâm quý vị thăng tiến cho đến khi thành Phật."

Vì đề tài này khá quan trọng, hãy trở lại nhìn dưới một góc độ hơi khác một chút. Nếu chúng ta cẩn thận đọc lại điểm thứ năm trong lời dạy của đức Phật, ta sẽ hiểu rằng trên phương diện chân đế không hề có sự khác biệt giữa bản thể tâm của một đức Phật và bản thể tâm của chúng ta, những kẻ phàm phu. Ngược lại, trên phương diện tục đế, sự khác biệt rất rõ rệt. Tâm của đức Phật không hề bị nhiễm ô bởi bất cứ sự che chướng ở bất cứ trạng huống nào, thí dụ như phiền não hay gì khác, trong khi đó tâm chúng sinh thì luôn bị các che chướng bao phủ. Phải thấy rõ rằng, chỉ có bản chất tương đối của tâm mới bị tạm thời che phủ, còn bản chất tuyệt đối của nó thì không. Bản chất này bình đẳng giữa tất cả hữu tình, Phật và chúng sinh không khác.

Phân tích như thế đem lại gì cho ta? Vì còn là phàm phu, chúng ta nên phối hợp phương tiện thiện xảo và trí tuệ tánh Không hay vô ngã. Phương tiện thiện xảo là khởi tâm Bồ-đề trên căn bản đại từ và đại bi, cả hai [tâm này] được gọi là "đại" vì chúng bao hàm tất cả chúng sinh đau khổ không chừa một ai. Tư duy về tâm Bồ-đề phối hợp với trí tuệ trực ngộ vô ngã có công năng làm cho chúng ta thành tựu được "phúc trí nhị nghiêm": vừa phát triển trí tuệ, chúng ta vừa tích lũy được rất nhiều phước đức.

Con đường này dẫn ta đến đâu? Khi đạt tới mức độ viên mãn, trí tuệ của một cá nhân vốn từ trước đến nay chỉ là một phàm phu sẽ biến chuyển thành "Trí pháp thân" (Jđna-dharmakya) của một đức Phật. Trong tiến trình tu tập trí tuệ, một cá nhân sẽ lìa bỏ các lậu hoặc và các màn che chướng, các thứ này sẽ trở thành "Đoạn đức" của vị Phật mới thành.

Thế thì, theo Phật giáo, nếu muốn thăng tiến và đạt quả vị Phật, không thể hướng ra bên ngoài mà tìm được kết quả. Thật ra, đó là những điều mà ta không thể tìm kiếm ở bên ngoài. Ta muốn thành Phật? Nếu muốn, thì phải hạ thủ công phu tu trì. Sự tu trì này gồm có những pháp môn tịnh hóa và sự tích lũy công đức. Nói giản dị hơn, phải xả bỏ những tập khí xấu, những lậu hoặc đã tích chứa từ vô thủy. Cùng lúc phải tu phước và tu huệ. "Phước huệ song tu" cũng có nghĩa là vun bồi nhiều đức hạnh, trong đó có trí huệ. Khi phối hợp sự tịnh hóa với phước-trí thì một người có thể chuyển hóa địa vị phàm phu của mình để chứng được quả giác ngộ của một vị Phật. Hãy ghi nhận rằng chính đức hạnh của người này đã biến chuyển thành đức hạnh của một vị Phật. Chính tâm người này đã biến thành Nhất thiết trí của Phật. Vì thế, tìm cầu sự giác ngộ ở bên ngoài là một ảo tưởng.

Một sự thăng tiến như thế có thể thành tựu được bởi vì, ít nhất là theo Phật giáo, tất cả chúng hữu tình đều hàm chứa "Như Lai tạng" (Tathgata-garbha). Từ ngữ tiếng Phạn này ta còn có thể dịch là "tánh Phật", "hạt giống Phật".

Như Lai tạng là tiềm năng thành Phật. Tiềm năng này sẵn có trong tất cả hữu tình, loài người hay các loài khác. Như Lai tạng này là gì? Các triết gia Phật giáo đề nghị nhiều định nghĩa, trong đó có ba định nghĩa chính. Nhưng đây là một đề tài tự nó riêng biệt và khá phức tạp. Ở đây cần thiết nhất là chúng ta hiểu rằng đức Phật khuyên hãy xem kỹ hơn những khả năng ẩn tàng trong mỗi chúng ta. Nói rằng trong mỗi chúng ta đều hàm chứa Như Lai tạng, có nghĩa là ai cũng có thể thăng tiến và đạt đến trạng thái viên mãn mà Phật giáo gọi là "tánh Phật". Khi hiểu và tin chắc điều này rồi, chúng ta chỉ cần hạ thủ công phu và áp dụng các phương tiện cần thiết để đạt đến mục đích.

°

Chúng ta vừa xem qua hai quyển kinh nói về những trạng thái tâm thức nên có vào giờ phút cuối của cuộc đời. Như thế, chúng ta có thể thấy rằng có rất nhiều sự chọn lựa khác nhau để giúp đỡ một người lâm chung, huống chi hai quyển kinh này chỉ đề cập đến những khía cạnh chính, chứ không liệt kê hết tất cả những trạng thái tâm thức thuận lợi cho người lâm chung.

Tuy nhiên, dầu người lâm chung là người khác hay là chính chúng ta, để đạt được các trạng thái tâm thức nói trên trước khi trút hơi thở cuối cùng, hiển nhiên là nếu chúng ta có tập luyện trước, có kinh nghiệm trước về những trạng thái này thì trong những giây phút rất tế nhị lúc sắp lìa đời, chúng ta sẽ có thể sinh khởi chúng trong tâm một cách dễ dàng hơn.

Để chuẩn bị một trạng thái tâm thức tốt vào giờ lâm chung, theo Phật giáo thì quan trọng nhất là phải giữ thiện giới. Vì tuy đức hạnh nào cũng rất có lợi cho người sắp lìa trần, nhưng trong tất cả các đức hạnh mà ta có thể trau dồi trong trường hợp này, giới hạnh có tác dụng trực tiếp nhất, vì chỉ có thiện giới mới có công năng giúp ta lìa xa ác nghiệp và tích lũy thiện nghiệp. Nhờ giữ thiện giới mà sau khi nhắm mắt lìa đời ta có thể hướng đến một nẻo tái sinh tốt. Nếu ta không thể giữ tất cả các giới thì ít nhất cũng cần giữ một giới, miễn là phải giữ cho thật nghiêm túc, như vậy đã là rất có ích cho ta. Điều này thì mọi người, chắc chắn là tất cả mọi người đều có thể làm. Hãy lấy thí dụ về giới không giết hại, nghĩa là ta phát khởi quyết tâm không giết hại. Lý tưởng nhất là ta không giết hại bất cứ sinh mạng nào, nhưng điều này không phải ai cũng có thể giữ được trong mọi lúc. Nếu ta không giữ được giới không giết hại một cách trọn vẹn (tức là không giết hại bất cứ chúng sinh nào, dưới bất cứ hình thức nào), chúng ta vẫn có thể giữ được giới không giết hại ngay cả khi ta là một thợ săn. Về nguyên tắc, thợ săn là người phải giết hại để mưu sinh, nhưng một người thợ săn vẫn có thể giữ giới không giết hại, chẳng hạn như bằng cách phát nguyện rằng: "Tôi không thể bỏ nghề thợ săn, nhưng tôi nguyện từ nay sẽ không giết loài thú này nữa." Thú vật có rất nhiều loài, người thợ săn có thể quyết tâm không giết một trong những loài thú như cách nói trên. Như thế, đối với riêng loài thú ấy, ông ta đã có thể giữ giới một cách đúng đắn, và làm như thế cũng rất có lợi cho ông ta trong đời này cũng như đời sau, [hơn là không giữ giới gì cả].

Có một cách khác để giữ giới, tuy hạn hẹp nhưng vẫn đúng đắn, đó là không tự hạn chế các loài chúng sinh nữa mà tự đặt ra giới hạn thời gian. Lấy lại thí dụ người thợ săn ban nãy. Người này có thể tự nhủ: "Tôi không thể hoàn toàn từ bỏ nghề săn bắn, nhưng từ nay tôi phát nguyện không săn bắn ban ngày nữa mà chỉ săn bắn ban đêm." Hoặc ngược lại, ông ta có thể nói: "Từ nay tôi chỉ săn bắn ban ngày mà thôi, và bắt đầu từ lúc màn đêm buông xuống cho tới bình minh hôm sau tôi quyết không săn bắn nữa." Nếu giữ vững được quyết định trên là ông ta đã có giới, tuy không trọn vẹn thật nhưng vẫn thuộc về thiện giới.

Tôi khẳng định rằng những điều vừa nói trên đều có ghi rõ trong kinh sách do Phật dạy, chứ không phải là một phát kiến mới của bất cứ ai hay là chính tôi, càng không phải là một kiểu thỏa hiệp để cho việc giữ giới được dễ dàng hơn. Thật thế, điều này có thể tìm thấy trong các kinh điển mà đức Phật giảng cho một trong Thập đại đệ tử của ngài, tôn giả Ca-chiên-diên, hoặc trong các luận giải của ngài Vô Trước, khi ngài liệt kê 10 nghiệp bất thiện và chỉ dẫn 10 phương pháp để có thể tránh phần nào các nghiệp bất thiện ấy.

Ở đây chúng ta chỉ đưa ra một vài thí dụ, nhưng ngài Vô Trước đã đưa ra tới 100 phương pháp để giữ giới bằng cách này hay cách khác. Ngài chỉ dẫn mười cách để giữ một phần giới không giết hại; rồi cũng thế, ngài chỉ dẫn mười cách để giữ giới trộm cắp, tà dâm v.v... Như thế, với mười giới bất thiện thì ta có 100 phương pháp để có thể giữ một phần nào các giới luật.

Như ta đã biết, những ai muốn giúp đỡ người lâm chung thì quan trọng nhất là phải làm thế nào nói lên những lời khuyên thích hợp vào một thời điểm thích hợp, giúp cho người lâm chung an trụ được vào một trạng thái tâm thức hiền thiện, tốt lành. Nhưng ngoài việc này ra, còn có những phương pháp khác để giúp một người lâm chung, như cầu nguyện cho họ, hay là tạo công đức và hồi hướng công đức ấy về cho họ.

Chúng ta vừa bàn xong những phương pháp có công năng giúp đỡ người lâm chung. Nhưng rồi sau đó, làm sao giúp đỡ một người đã vào thân trung ấm? Câu hỏi này chỉ có liên quan đến những người tin có tái sinh, vì nếu quả quyết rằng cuộc sống chỉ giới hạn trong mỗi một đời này mà thôi thì câu "giúp người đã vào thân trung ấm" không có một ý nghĩa nào cả.

Giả sử chúng ta tin có tái sinh, và muốn giúp đỡ một người đang tạm thời trong cõi trung hữu. Hoàn cảnh của mỗi người trong cõi trung hữu có thể rất khác biệt, nhưng nói chung thì không dễ dàng, và chúng sinh trong cõi này thường phải chịu đựng nhiều khó khăn, nhiều khổ đau. Điều này dĩ nhiên tùy thuộc vào nghiệp lực đưa đẩy, tùy thuộc vào những thói quen mà họ đã tạo hay không có lúc còn sống.

Nhưng nói tóm lại, đối với đa số thì khoảng thời gian trong cõi trung hữu không dễ dàng chút nào, và nếu muốn giúp những chúng sinh trong cõi ấy, điều chúng ta làm được là cầu nguyện và tạo công đức để hồi hướng cho họ. Việc làm công đức có thể là bất cứ việc gì, miễn là hiền thiện, tốt lành thì chúng ta đều có thể hồi hướng cho họ, thí dụ như cầu nguyện, tụng kinh, tụng chú hoặc cúng dường, làm việc từ thiện. Thế thì những việc hiền thiện và mang lại lợi ích cho tha nhân có thể nhiều vô kể, miễn là làm việc ấy rồi chúng ta hồi hướng cho người trong cõi trung hữu để giúp đỡ họ là đủ.

Đúng vậy, theo quan điểm Phật giáo, khi có một chúng sinh chết và tái sinh trong cõi trung hữu, họ không hề được hưởng một chế độ tuyệt đối bình đẳng, vì thật ra có nhiều loại trung hữu. Có những cõi trung hữu dẫn dắt đến những kiếp tái sinh tốt như cõi trời, và có những cõi dẫn đến những con đường xấu ác như kiếp súc sinh. Điều này tùy thuộc vào các nghiệp lực đã thành thục trong tâm người lâm chung ngay trước khi tâm thức ở bình diện thô của họ ngừng hoạt động.

Hãy tưởng tượng một người có nghiệp ác đã thành thục, khi ánh quang minh của sự chết vừa chấm dứt, họ đã tái sinh vào cõi trung hữu, mà lẽ ra sẽ đưa họ đến kiếp tái sinh của súc vật. Nếu họ phải đương đầu một mình, nếu không có ai giúp đỡ họ, thì họ sẽ tái sinh ngay trong thân một con thú. Nhưng nếu có người can thiệp để giúp họ bằng cách hồi hướng công đức cho họ sau khi thực hiện những việc hiền thiện tốt lành như bố thí chẳng hạn, thì hoàn cảnh của họ liệu có phải là vô phương cứu vãn hay không?

Phần đông Phật tử sẽ trả lời "không", và những nghiệp súc sinh đã thành thục vào giây phút cuối cùng của đời sống không nhất thiết sẽ đưa họ đầu thai vào cõi súc sinh. Nếu được sự giúp đỡ từ bên ngoài, họ sẽ có cơ hội chuyển qua một cõi trung hữu khác lợi lạc hơn, và điều đó có thể đưa họ tái sinh về cõi người, hay cõi trời không chừng. Đó là lý do vì sao người Phật tử quan niệm rằng việc giúp đỡ một người sau khi mạng chung rất cần thiết và quan trọng, nếu tin rằng người ấy vẫn còn mang thân trung ấm.

Đến đây thì ta có thể tự hỏi, làm sao mà việc những người khác gom góp công đức lành và hồi hướng cho một chúng sinh trong cõi trung hữu có thể tác động đến chúng sinh ấy, và sẽ giúp họ trong việc gì? Nghĩa là đã có một sự thay đổi, nhưng thay đổi như thế nào?

Đúng vậy, khi một chúng sinh ở trong cõi trung hữu, nhất là một cõi trung hữu mà lẽ ra sẽ dẫn dắt đến kiếp súc vật, thì chúng sinh ấy khó có thể phát khởi một trạng thái tâm thức đức hạnh, một trạng thái tâm thức tốt lành. Nhưng nếu có những người ngoài, những người tạo công đức với một động cơ tốt lành và hồi hướng cho chúng sinh nói trên một cách chân thành và đúng pháp, thì điều này có thể tác động lên thân trung ấm của chúng sinh kia đến mức độ có thể giúp họ sinh khởi một trạng thái tâm thức tốt lành và hữu ích, điều mà họ không làm được lúc lâm chung. Và điều này có thể làm cho những nghiệp lành trong tâm thức chúng sinh ấy trở nên thành thục [sớm hơn], nên thay vì ở lại trong một cõi trung hữu mà kết thúc là tái sinh trong thân thú vật, thì ngược lại chúng sinh ấy sẽ có khả năng tạm gọi là chuyển sang một cõi trung hữu khác để tái sinh vào một cõi tốt đẹp hơn.

Có một câu hỏi khác là, làm sao chúng ta có thể chấp nhận rằng một chúng sinh trong cõi trung hữu có khả năng, ngay cả trong trạng thái này, khởi sinh những tư tưởng đức hạnh, hiền thiện? Đó là vì tâm của tất cả mọi chúng sinh, nghĩa là bao hàm cả tâm của những chúng sinh trong cõi trung hữu, là một hiện tượng rất vô thường, rất dễ thay đổi. Chúng ta dùng chữ "tâm" để đơn giản hóa vấn đề một chút, sự thực thì điều chúng ta đang nói đến là một dòng tâm thức tương tục, luôn luôn lưu chuyển. Và thật ra, trong sự chuyển tiếp không ngừng của dòng tâm tưởng thiên sai vạn biệt ấy có thể xảy ra những sự chuyển hóa đáng kể. Nghĩa là một người, bao hàm cả người đã thác vào cõi trung hữu, trong một lúc nào đó có những tư tưởng xấu ác và độc hại, lại rất có khả năng khởi lên những tư tưởng đức hạnh và hiền thiện ngay trong niệm tưởng sau đó chỉ vì hoàn cảnh đã thay đổi. Vì thế, khi nhân duyên hoà hợp trong một chiều hướng tốt đẹp hơn thì một người vừa có những tư tưởng bất thiện trong niệm tưởng trước đó có thể nảy sinh những tư tưởng vô cùng đức hạnh trong niệm tưởng tiếp theo sau.

Như vậy, một người vừa kết thúc cuộc đời một cách bất lợi vẫn có thể có được một cơ hội để chuyển sang chiều hướng tốt đẹp hơn nhiều nhờ được giúp đỡ như đã nói trên. Chính vì lẽ đó mà Phật giáo cho rằng tiếp tục giúp đỡ một người dầu đã quá cố là điều vô cùng quan trọng, và đặc biệt là trong vòng 49 ngày sau khi người này lìa đời. Vì sao? Vì theo quan điểm Phật giáo thì khi một người chết đi và sinh vào cõi trung hữu, họ sẽ trụ ở trong cõi này cho đến khi tìm được những điều kiện phù hợp với kiếp tái sinh được định đoạt bởi những nghiệp lực đã thành thục của họ. Có thể những điều kiện cần thiết này sẽ xuất hiện rất mau lẹ, nhưng không nhất định như vậy. Trong trường hợp đó, chúng sinh này sẽ trụ ở cõi trung hữu trong một thời gian rất ngắn. Nhưng nếu không tìm được những điều kiện thích hợp thì sao? Theo Phật giáo thì mạng sống của một chúng sinh trong cõi trung hữu không vượt quá bảy ngày. Nghĩa là sau bảy ngày, nếu người này chưa tìm ra những điều kiện cần thiết để tái sinh thì nhất định người ấy sẽ phải chết đi để tái sinh trở lại cũng trong cõi trung hữu. Và điều này chỉ có thể lặp lại không quá bảy lần liên tiếp, nghĩa là chúng sinh chỉ có thể trụ trong cõi trung ấm 49 ngày mà thôi, với những thọ mạng tối đa là 7 ngày. Chính vì lý do này mà cứ mỗi 7 ngày, người Phật tử sẽ tìm đủ mọi cách để tích tập công đức, làm điều thiện bằng cách này hay cách khác và hồi hướng cho thân nhân vừa mới mạng chung, vì họ tin rằng trong trường hợp người quá vãng chưa tìm được điều kiện thích hợp thì vẫn còn phải đương đầu với một cái chết và một sự tái sinh mới trong cõi trung hữu, và chính ở những giây phút chuyển tiếp ấy ta mới có thể giúp đỡ hương linh một cách trực tiếp.

Ta còn có thể giúp đỡ một thân nhân một thời gian lâu dài sau khi người này đã qua đời không? Theo Phật giáo thì có thể. Bằng cách nào? Bằng cách cầu nguyện và làm công đức hồi hướng cho họ y như khi họ còn ở trong cõi trung hữu, bất kể họ đã qua đời từ bao nhiêu năm trước.

Có một cách khác để giúp đỡ các sinh linh, không chỉ riêng loài người mà còn là tất cả chúng sinh hữu tình đã mạng chung, đó là dùng những chất liệu đã được chú nguyện đặt trên tử thi, hoặc trên tro, xương cốt còn lại của họ. Ở đây cần cử hành một số lễ nghi, trì tụng một số câu chú để chú nguyện vào những chất liệu như nước, cát, hay bất cứ gì khác. Trong Phật giáo [Tây Tạng], người ta tin rằng nếu đổ những chất ấy lên di thể của hương linh mà ta muốn hộ trì, với một lòng tin và sự cầu nguyện chí thành, thì điều này có thể giúp ích cho họ. Đây là một cách nhìn hoàn toàn theo Phật giáo [Tây Tạng], dĩ nhiên những người thuộc về các tôn giáo khác không nhất thiết phải đồng ý. Nhưng dầu sao đi nữa, người Phật tử [Tây Tạng] nhìn sự việc như thế.

Nhưng khi người Phật tử xử sự như vậy đối với một sinh linh đã qua đời từ lâu, thì họ hy vọng giúp đỡ sinh linh này bằng cách nào? Nếu sinh linh này đang sống một cuộc sống mới, họ tin rằng họ cũng giúp đỡ được sinh linh ấy ngoài sự gia trì phù hộ của chư Phật và chư Bồ Tát hoặc những vị cao tăng trong thiền định của các ngài. Nhờ thế, sinh linh này có thể thành công trong việc làm, được sức khoẻ dồi dào, không bệnh tật v.v... và nhất là vì kiếp tái sinh nào cũng vô thường nên sinh linh ấy sẽ phải một lần nữa đương đầu với cái chết, và sự giúp đỡ hồi hướng của người Phật tử nói trên sẽ có công năng hướng dẫn sinh linh ấy tới một kiếp tái sinh thật sự thuận lợi.

Những công đức mà ta có thể làm cho thân nhân quá cố, là tạo tượng Phật, in ấn hoặc giúp lưu hành, phổ biến kinh sách, hoặc cúng dường Tam Bảo, giúp đỡ các tự viện. Ngoài ra ta cũng có thể bố thí cho người nghèo, người bệnh... Tóm lại, ta có thể giúp đỡ người quá cố bằng đủ mọi hình thức, [miễn là những việc hiền thiện, tốt lành, làm lợi lạc cho người khác].

Chúng ta đã nói một cách khá ngắn gọn về những phương pháp mà người Phật tử có thể làm để giúp những người trong thân trung ấm hoặc những người đã quá vãng từ lâu. Thời gian trôi nhanh quá, chúng ta đã có hai ngày cùng nhau thảo luận những đề tài khác nhau về cách giúp đỡ người lâm chung và những hương linh trong cõi trung ấm hoặc đã quá vãng và tái sinh. Quý vị đã đến khá đông đảo và đã chăm chú nghe, tôi rất vui mừng và cám ơn sự tham gia của quý vị.

Bây giờ, sau khi đã thâu thập được những sự hiểu biết như thế rồi, tôi rất mong quý vị có thể rút tỉa được những phương pháp áp dụng thực tiễn để giúp cho những chúng sinh đang ở trong các giai đoạn khó khăn trước [và sau] cửa tử. Tôi sẽ không quên cầu nguyện cho mọi người thành công trong những cố gắng này.

Khi nói đến "phù trợ người lâm chung", phần đông chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng điều này chỉ liên quan đến người khác chứ không liên quan đến chính mình. Nhưng trên thực tế, điều này liên quan rất nhiều đến chính ta, vì ta cũng là người lâm chung trong tương lai. Chúng ta đã sinh ra đời, nghĩa là [chắc chắn] một ngày nào đó ta sẽ chết, điều này không thể tránh được. Nói cách khác, những gì chúng ta đã học, dĩ nhiên ta sẽ dùng để giúp đỡ người khác, và điều này rất tốt, rất đáng làm. Nhưng nếu không giúp được ai khác, nếu ta không bao giờ có cơ hội đem những hiểu biết của mình để làm lợi lạc cho người khác thì ít nhất một ngày nào đó ta sẽ có thể giúp được chính mình khi đến lượt ta. Cứ cho là mạng sống của ta còn dài, nhưng từ đây đến giờ phút ấy, lý tưởng nhất là chúng ta phải làm sao rút tỉa được tất cả những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống, và làm tất cả những gì lợi lạc nhất để chuẩn bị cho chính cái chết của mình trong tương lai.

Hiện chúng ta còn sống và khoẻ mạnh, nghĩa là ta đang có những điều kiện lý tưởng nhất để chuẩn bị cho cái chết của ta [về sau] được hoàn hảo. Và dĩ nhiên, điều đó tùy thuộc vào con đường của mỗi người, nghĩa là niềm tin vào một tôn giáo hay phi tôn giáo. Nhưng có tôn giáo hay không, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là sự chọn lựa của mỗi chúng ta để có thể tự chuẩn bị cho giây phút lìa đời của mình được lợi lạc nhất, hoàn hảo nhất.

Và như tôi vừa nói, chúng ta đang có được những điều kiện lý tưởng, vì chỉ riêng việc chúng ta có mặt với nhau ở đây [hôm nay] cũng đủ chứng tỏ rằng trên phương diện thể chất, chúng ta hãy còn mạnh khoẻ, thể xác hay tinh thần không bị giày vò nhức nhối đến mức không thể suy nghĩ được, không thể tư duy được. Cho dầu chúng ta có thể có những lúc đau đớn hay khó chịu nhưng không đến nỗi tất cả khả năng suy tư của ta bị ngưng trệ. Vậy thì, khi chúng ta hãy còn có thể tùy ý sử dụng khả năng tư duy của mình, cũng như khi không quá bệnh hoạn, không quá khổ đau hay lo âu, chúng ta nên tận dụng thời gian này để chuẩn bị.

Thời gian qua mau, nếu đợi đến lúc phải giáp mặt với những giây phút tế nhị nhất, tức là những giây phút cuối cùng của đời mình, chúng ta mới bắt đầu suy tư lần thứ nhất thì lúc ấy chúng ta có nguy cơ chịu nhiều đau đớn thể xác và không còn suy nghĩ gì được nữa.

Tôi xin mời mỗi người trong quý vị hãy cố gắng tự chuẩn bị khi các điều kiện thể chất và tinh thần còn cho phép. Tôi sẽ cầu nguyện cho quý vị đạt đến những kết quả tốt đẹp.

Ngoài ra tôi không có gì đặc biệt để nói thêm, trừ một lời khuyên nhỏ: "Quý vị hãy cố gắng tối đa để giữ cho tâm mình thanh thản và an bình." Xin cho tôi được nhấn mạnh điều này. Bởi vì, để có thể làm một điều gì và muốn cho điều mình làm có kết quả tốt đẹp, thì chúng ta phải làm với tâm thanh thản và an bình. Điều này rất quan trọng.

Xin cám ơn tất cả quý vị!


    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Ai vào địa ngục


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.75.217 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...