Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Phù trợ người lâm chung »» Kinh 11 niệm tưởng phải có »»

Phù trợ người lâm chung
»» Kinh 11 niệm tưởng phải có

Donate

(Lượt xem: 7.308)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Phù trợ người lâm chung - Kinh 11 niệm tưởng phải có

Font chữ:


Chữ kinh, theo định nghĩa là những giáo pháp do đức Phật Thích-ca tuyên thuyết. Trong kinh này, đức Phật đã dạy chư đệ tử: “Này các tỳ-kheo, vào lúc lâm chung, người xuất gia phải khởi 11 niệm tưởng.”

Tại sao lại nói đến những 11 trạng thái tâm thức? Đừng lo! Đức Phật không có ý dạy rằng ta phải phát khởi hết 11 tâm thức trong cùng một lúc. Ngược lại, Ngài cẩn thận cho phép chúng ta chọn lựa, bởi vì, như Ngài rất nhiều lần khai thị, giáo pháp phải được thích nghi với từng trường hợp. Người lâm chung sẽ có khả năng trụ trong một trạng thái tâm thức thiện này nhưng không trụ được trong một trạng thái [tâm thức] khác. Điều quan trọng là mỗi người phải có sẵn một phương thức thích hợp với chính mình. Chẳng hạn, rất nhiều người sẽ không thể nào suy nghiệm một tý gì về tánh Không, nhưng lại có thể khơi dậy tình thương hay tâm từ bi một cách dễ dàng...

Kinh này dạy tiếp: “Những gì là 11? Đó là: [buông] xả chấp thủ; thương yêu giúp đỡ người khác; buông bỏ hiềm thù; phát lộ sám hối; trì giới; tiêu giảm tội ác; tăng trưởng căn lành dẫu rất nhỏ; không sợ sệt trước những kiếp tái sanh sắp tới; vạn pháp vô thường; vạn hữu vô ngã; Niết-bàn tịch tĩnh an vui. Đó là 11 niệm tưởng mà người xuất gia cần phải có [vào lúc lâm chung].”


1. Niệm tưởng buông xả chấp thủ

Tâm xả chấp là tâm ngược hẳn với tâm chấp trước, nghĩa là “xả bỏ cõi Ta-bà”: không cảm thấy gì khác hơn là sự ghê sợ và chán ghét vòng luân hồi sinh tử trong các cõi hữu vi cùng với những hạnh phúc giả tạm và tài sản phù du của chúng.

Đức Phật dạy rằng, lý tưởng nhất là chết với một trong 11 trạng thái tâm thức này. Thí dụ, chết mà không còn vướng chấp vào điều gì nữa cả. Một trong những hàm ý của câu này là nếu không được như thế, ta sẽ có nguy cơ bị khống chế bởi những tư tưởng trái nghịch. Hậu quả là gì? Ngay lập tức tâm trí bị khuấy động, và sau này với thời gian, ta còn phải chịu nhiều đau khổ nữa.

Như vậy, ngược lại với xả chấp là chấp trước hay bám víu, và người ta có thể bám víu vào nhiều đối tượng. Hoặc là chấp vào thân, ở đây ta muốn nói đến thân người lâm chung. Trên thực tế, sự chấp trước có thể bao gồm tất cả các pháp hữu vi, kể cả thanh danh. Để giản dị hóa, ta nói là có ba loại đối tượng chính để chấp trước: thân thể, tài sản của cải và người thân.

Hãy ghi nhận rằng, ít nhất là theo sự phân tích của Phật giáo, sự chấp trước là một “tưởng” hay nhận thức lệch lạc, và khi ước lượng đối tượng, nhận thức này luôn luôn có một xác suất sai lầm. Mặt khác, dầu sai lầm như thế nhưng thói quen chấp trước đã có cội rễ quá sâu trong ta nên nó hiện hành một cách dễ dàng, dầu ta muốn hay không muốn.

Thói quen chấp trước đã mọc rễ một cách kiên cố trong tâm ta. Trong lăng kính của sự tái sanh – mà Phật tử cũng như rất nhiều người khác chấp nhận – vì ta đã di chuyển từ kiếp này sang kiếp khác từ vô thủy nên tập khí chấp trước đã có trong ta cũng từ vô thủy. Dầu ta có chối bỏ thuyết luân hồi và tuyên bố rằng ta chỉ sống vỏn vẹn có mỗi một đời này thôi, thì trong trường hợp đó sự chấp trước cũng đã có mặt trong ta ngay từ giây phút đầu tiên [của đời này]. Đó là một thói quen mà chúng ta mang theo mình từ đầu, cho dầu với ta chữ “từ đầu” chỉ đánh dấu lúc ta mới sanh ra trong kiếp này hay đã từ trong các kiếp trước.

Sự chấp trước này đã phát sinh trong tâm ta bằng cách nào? Thì ra, từ khi mới lọt lòng ta đã phát triển một cảm giác sở hữu đối với một thứ thật ra không trực tiếp thuộc về mình. Chúng ta chiếm đoạt một thứ không phải của mình, và bởi vì chúng ta coi như nó thuộc quyền sở hữu của riêng mình nên chúng ta rất quyến luyến nó.

Tôi đang nói về cái gì vậy? Đó là về cái món mà chúng ta có một cảm giác sở hữu rất mạnh ngay lúc phôi thai: thân thể của ta – cái thân thể mà thật ra đã được cấu tạo bằng tế bào của cha mẹ ta. Thế thì rõ ràng đây là một phần thân thể của người khác, mà ngay từ lúc thần thức ta tiến nhập vào các tế bào ấy, chúng ta đã nhận chúng là của mình, hoàn toàn thuộc về mình. Đúng rồi, ở một mức độ nào đó, có thể công nhận rằng thân thể này là của ta. Nhưng tin chắc rằng – như chúng ta đã tin chắc – nó chỉ thuộc về ta, từ bản chất nó đã là của ta thì cũng có hơi lạm dụng: từ căn bản, nó đã được cấu tạo bởi những tế bào thuộc về cha mẹ ta.

Thế thì, một trong những nguyên nhân đã phát sinh sự ái luyến mà chúng ta cảm thấy đối với chính mình, hay đối với thân thể mình, là cái khuynh hướng bẩm sinh thấy mình là chủ nhân duy nhất và hợp pháp nhất của những thành phần mà dầu sao, theo lý luận lại không hề là của ta!

Một lý do khác là không biết chúng ta nhận thức về thân thể của mình thế nào mà lại lẫn lộn nó với chính mình. Khi thật ra là đang nói về thân thể, chúng ta gần như luôn tự động dùng chữ “tôi”. Điều này cho thấy là chúng ta đồng hóa thân thể với cái tôi của mình. Chúng ta cảm thấy hai thứ là một.

Để lấy một thí dụ đơn giản, hãy tưởng tượng có người đến giáng một cú thật mạnh lên đầu ta. Chúng ta không rõ lắm tại sao người ta lại làm như thế, nhưng giả dụ như có chuyện ấy xảy ra, chúng ta sẽ nói gì nếu không là “Họ đánh tôi!” Chúng ta lập tức nghĩ rằng có một sự tấn công, mà tấn công ai? Tấn công mình. Chúng ta coi như chính mình đã trực tiếp là mục tiêu, trong khi nói cho đúng, cái bị đánh là cái đầu của ta. Thế đấy, mà chúng ta đâu có chấp nhận mình tóm tắt chỉ quy về cái đầu mà thôi! Bình thường khi nghĩ về chính mình, chúng ta không tự giới hạn ở cái đầu, nhưng trong những tình huống như trên thì chúng ta lại tự đồng hóa với nó.

Không ai chối cãi là có một sự liên hệ giữa cái đầu của ta với ta. Mà nếu có ai đánh lên đầu ta, thì cũng không thể phủ nhận rằng trong mắt họ, họ cũng nghĩ rằng họ đang đánh chính ta. Điều này đúng thôi. Nhưng cú đánh của họ chỉ gián tiếp, chứ không trực tiếp lên ta như họ và ta đều tưởng. Bởi vì chúng ta không thể bào chữa rằng một bên là cái đầu của mình, và bên kia là con người của mình, hai thứ ấy không thể “tuy hai mà một” được. Cũng có một tí gì khác biệt giữa hai thứ đó chứ!

Sự thật là có một sự khác biệt giữa các thành phần của thân chúng ta và cái cá nhân mà chúng ta xưng là “tôi”, là “ta”. Nhưng bình thường, chúng ta không nhận thấy và thường nhầm lẫn hai thứ ấy với nhau rất mau, cho nên hễ có chuyện gì xảy ra cho một thành phần nào đó trên thân ta, chúng ta liền phản ứng bằng cách dùng chữ “tôi” hay ít nhất cũng là “của tôi”.

Vì đó là những nhận thức đến với chúng ta một cách rất tự nhiên khi liên can đến chính mình và cái thân vật chất của mình, nên thế có nghĩa là ta đã quen thuộc với cách nhìn ấy từ khá lâu rồi. Nếu chỉ kể đời này thôi, thì tùy theo tuổi tác, chúng ta đã quen nhìn như thế từ hai, ba chục năm nếu tính theo những vị trẻ tuổi nhất ở đây, hay bảy, tám chục năm cho những ai cùng thế hệ với tôi.

Tại sao lại nhấn mạnh như thế trên một vấn đề quá thông thường đến mức độ vô vị? Trong suốt cả đời, từ lúc phôi thai, chúng ta không ngừng tự thấy mình là “tôi”, là “ta”. Thế mà, chính bởi cách nhận thức mà tôi vừa mới chấm phá một vài nét cho quý vị thấy, chúng ta đặt một tầm quan trọng rất lớn trên tất cả những gì mà chúng ta gọi là “tôi”, là “ta”, kể cả thân thể của mình. Do đó chúng ta săn sóc nó, chăm chút nó, chải chuốt nó, tóm lại là tỏ ra rất ái luyến nó, bám víu vào nó, và cứ như thế từ năm này sang năm khác cho đến tận cuối đời. Nhưng lúc tử thần gõ cửa, và hiển nhiên chúng ta phải chia tay với cái thân mà chúng ta đã tự đồng hóa trong suốt bấy lâu thì thật là đứt ruột!

Đó là lý do tại sao thông thường những người nào ý thức được mình sắp chết và cái thân của họ sẽ bị bỏ lại nửa chừng như vậy đều cảm thấy rất kinh hoàng. Đối với họ, sự biến mất của thân thể đồng nghĩa với sự tiêu diệt của chính họ. Tư tưởng này nảy sinh một cách rất tự nhiên, phải nói là theo bản năng ở phần đông những người trong thời kỳ hấp hối.

Mặt khác, nếu chúng ta thấy rằng – như trong Phật giáo – là vẫn còn cái gì đó sau cái chết, thì chúng ta sẽ quan niệm thế nào về cái chết? Không thể chối cãi, chết nghĩa là cái thân vật chất sẽ biến mất, nhưng cái nhân vật trong trạng thái nguyên vẹn của nó thì không. Ngay khi chúng ta chấp nhận có một cái gì đó “bên kia” cửa tử, điều ấy bao hàm một sự kéo dài của cái gì đó, cho dầu cái thân có bị bỏ lại phía sau. Theo Phật giáo, cái kéo dài đó là tâm tương tục của ta, tức là tâm thức nhìn dưới khía cạnh chiều dài của thời gian. Trong viễn tượng đó thì chết là sự chia lìa của một cái thân vật chất và cái tâm tương tục đã tiến nhập vào nó lúc phôi thai, thế thôi! Chết chỉ bao hàm sự chấm dứt của một cái thân vật chất, chứ hoàn toàn không phải là sự chấm dứt toàn diện của đương sự.

Ấy thế mà, vì lúc bình thường ta đồng hóa con người của mình với cái thân sở y, nên ta chỉ có thể phát sinh một sự chấp trước mãnh liệt vào nó. Và nỗi khổ đau mà ta cảm nhận khi biết mình sắp mất sẽ tương xứng với sự chấp trước của ta đối với nó.

Trên thực tế, cho dầu chúng ta có thể chấp trước vào đủ loại đồ vật, kể cả những món vật chất ở ngoài thân chúng ta, nhưng tâm chấp trước mà ta dành cho bản thân rất đặc biệt. Nó mãnh liệt hơn đối với bất cứ vật gì khác ngoài thân, dầu vật ấy vô cùng đắt giá hay quý báu.

Để có một ý niệm rõ hơn, chúng ta chỉ cần nghĩ đến sự chăm sóc kỹ lưỡng mà suốt cả cuộc đời mình đã dành cho cái thân dường như vô cùng quan trọng ấy. Mà đúng là nó thực sự quan trọng. Và thực sự chúng ta phải chăm sóc nó. Mục đích ở đây không phải là khuyến khích ta bỏ bê nó, chứ đừng nói là xử tệ với nó. Nhưng cho dù như thế, hãy nghĩ đến tất cả những nhọc nhằn mà ta đã phải chịu đựng để cho nó được thoải mái, để cung cấp cái tiện nghi quý hóa cho nó... Đôi khi chúng ta có hơi thái quá chăng?

Dầu sao đi nữa, nói chung là chúng ta rất chấp trước vào bản thân. Chúng ta cưng chiều nó, nâng niu nó. Kết quả là khi cái chết gần kề, khi thấy mình không thể giữ nó vĩnh viễn, nếu chúng ta lại cảm thấy khổ sở thì có gì đáng ngạc nhiên đâu? Ta có thể nói rằng nỗi khổ ấy không hợp lý bởi vì sự chia ly với thân xác này là một điều tự nhiên và không thể tránh. Nhưng dù hợp lý hay không, nỗi đau khổ ấy được cảm nhận rất thật, và điều ấy mới đáng nói.

Để lấy một thí dụ giản dị, hãy tưởng tượng là chúng ta đã ở trong một căn nhà suốt khoảng 20 năm, và chúng ta đã cảm thấy an vui trong căn nhà ấy. Ngày mà chúng ta phải dọn nhà đi nơi khác ở, chúng ta không cảm thấy một chút bùi ngùi sao? Tuy tỷ lệ không đồng, chỉ một căn nhà thân yêu cũng khó mà xa lìa được.

Một thí dụ khác thông thường hơn nữa: chúng ta chắc ai cũng có một món đồ vật mà mình đặc biệt ưa thích và sử dụng thường xuyên, nếu không nói là luôn luôn. Rồi bỗng một ngày ta đánh mất nó. Điều đó hẳn làm cho ta buồn lắm chứ, phải không?

Mỗi lần chúng ta buồn bã như thế, thật ra chúng ta đã không hoàn toàn hợp lý, vì chính sự sở hữu một vật gì hôm nay xui khiến ta phải mất vật ấy về sau. Sự bất bình hay đau buồn mà chúng ta cảm nhận trong trường hợp ấy thật không hợp lý. Những tình cảm ấy không đúng, vì sự chia ly là điều bình thường, không thể tránh được. Tuy vậy, sự thật là hiện nay nếu phải mất mát một thứ gì mà chúng ta hơi ưa thích, ta cũng vẫn buồn.

Làm sao để khỏi buồn? Một trong những phương thức là suy nghiệm trước rất lâu để tự chuẩn bị cho sự mất mát ấy. Mục đích là ngay từ đầu phải làm sao để thật quen thuộc với ý niệm là khi có vật gì là thế nào cũng sẽ mất vật ấy một ngày nào đó. Nhưng đừng mơ tưởng hão huyền. Không phải vì chúng ta bắt đầu làm quen với cái quan điểm đúng đắn đó mà lập tức chúng ta sẽ tránh được tất cả mọi đau khổ lúc chia ly. Nhưng nỗi đau khổ ấy sẽ giảm nhẹ hơn. Sự tổn hại sẽ được hạn chế.

Nói cho cùng, làm như thế để làm gì nếu không phải là để trở nên thực tế hơn, và để ý thức được bản chất phù du của mọi sự vật? Trong một cuộc hội ngộ, chúng ta chỉ có thể chắc chắn mỗi một điều là thế nào nó cũng sẽ kết thúc bằng một sự chia ly. Bây giờ, phải công nhận là những hiểu biết như thế không phải đặc quyền của Phật tử. Đó chỉ là những sự ghi nhận đến từ một tâm trí tỉnh táo không hơn không kém, cho đến độ nó có một tầm vóc phổ quát: nó liên quan đến tất cả mọi người. Bất cứ ai cũng có thể hiểu được điều đó, cố nhiên với điều kiện duy nhất là chấp nhận bàn đến vấn đề này và quan sát nó một cách chăm chú hơn một chút.

Nhưng đây không phải là một lãnh vực dành riêng cho Phật tử. Biện pháp được đề nghị rất đơn giản, vô cùng đơn giản: sự vật như thế nào thì hãy nhìn nó đúng thật như thế ấy. Thì ra, sự gặp gỡ nào cũng dẫn đến sự chia ly, và “được” cái gì cũng dẫn đến sự “mất” cái ấy. Điều nên làm là hãy mở mắt ra, nhìn thẳng vào sự thật, chọn một cái nhìn chân chính từ nay, hay một cái nhìn ít nhất cũng phải gần với sự thật hơn. Điều này chắc hẳn sẽ thích hợp với tất cả chúng ta.

Cách nhìn như thế rất có lợi, vì khi phải chia tay chúng ta sẽ có thể chấp nhận, khiến cho điều đó bớt đau đớn và cuối cùng sẽ không còn đau đớn nữa. Tôi đồng ý với quý vị là, chúng ta ai cũng đã từng nói như thế. Bởi vì chúng ta là những người có suy nghĩ và thành thật, nên đôi khi chúng ta đã từng nói: Phải, cũng đúng thôi, một ngày nào đó thế nào cũng phải chia ly. Nói như thế rồi, nhưng chúng ta có nghĩ về điều mình đã nói không? Trong tận đáy lòng, chúng ta có tiếp tục mong ước – vả lại, rất có thể không hề biết là mình đang mong ước, phải xét kỹ lại vấn đề này – một điều hoàn toàn trái ngược với câu nói của mình? Chúng ta vừa nói “phải, một ngày nào đó mình phải chia tay” nhưng đồng thời lại vừa nghĩ “ừ nhưng biết đâu, nếu tiếp tục được thì...”

Những gì vừa nói chỉ có mục đích là chỉ rõ sự tác động của tâm chấp trước đối với thân thể của chúng ta. Sau đó, đối với những đối tượng khác mà chúng ta ưa thích, đặc biệt là tài sản và của cải vật chất, thì sự thể cũng chẳng khác là bao, cũng quá trình đó sẽ tái diễn.

Đừng tưởng việc chấp nhận trong hiện tại rằng có một ngày chúng ta sẽ mất hết tất cả những gì mình có là một điều dễ dàng. Thế mà ngày ấy sẽ tới! Chúng ta có cam lòng chấp nhận không? Bởi vì, dầu sao đi nữa, phần đông chúng ta ai cũng phải khó nhọc lắm mới tậu được tài sản ấy. Chúng ta đã phải kiếm tiền, nghĩa là phải làm việc. Để có thể làm việc, chúng ta đã phải học hành. Một khi tậu được của cải, chúng ta đã phải tìm cách để giữ gìn và bảo vệ chúng. Chúng ta đã phải suốt cả một đời cật lực học hành, làm việc, kiếm tiền, dành dụm... làm đủ thứ như vậy mới tậu được cái này cái kia, vậy mà sẽ có một ngày chúng ta phải buông bỏ hết, xa lìa hết. Thật không dễ chút nào!

Huống chi đối với người thân, chúng ta phải nói thế nào đây? Đó có thể là người ruột thịt: cha mẹ, anh em, con cái, vợ chồng – hay là bạn bè thân thiết. Trước hết, chúng ta không hề muốn lìa xa những người mình quý mến, thương yêu. Thật sự là chúng ta không hề muốn, ai cũng công nhận điều ấy. Ấy thế mà, sự thật là khi cái chết đến với ai, dầu muốn dầu không thì người ấy cũng sẽ bị giật ra khỏi những người mà họ vô cùng ràng buộc. Không ai thoát khỏi được và đó cũng không phải là một kinh nghiệm dễ dàng.

Như tôi đã nói, trong kinh Phổ Diệu đức Phật dùng hình ảnh của một tán lá cây để giải thích rằng: “trong một kiếp sống, người ta tụ lại với nhau để kết thành một gia đình, một nhóm bạn v.v..., cho đến ngày chia ly. Cuối cùng, tất cả các thành viên của nhóm ấy sẽ phân tán mỗi người một nơi, như những chiếc lá tan tác trong gió thu. Những chiếc lá ấy, suốt mấy tuần trước đã họp lại với nhau để tạo thành tán cây, một khi tản mác ra rồi thì sẽ không bao giờ có thể tụ họp lại với nhau nữa.” Cuộc chia ly lúc ấy sẽ vô phương vãn hồi. Một ngày nọ, cơ cấu kia có thể được tái tạo giống y như cũ không? Không, không bao giờ. Sẽ có những cơ cấu khác được thành hình, đúng thế, nhưng khác biệt. Mỗi tập hợp một khi bị giải tán sẽ không bao giờ hội tụ lại giống như xưa.

Quý vị sẽ nói với tôi rằng, là Phật tử thì công nhận có tái sinh, tức là công nhận là sau này rất có khả năng ngẫu nhiên trong một kiếp nào đó ta sẽ gặp lại cha mẹ, bạn bè... mà ta đã bắt buộc phải lìa xa trong kiếp này. Rất đúng. Đúng là chúng ta sẽ gặp họ lại. Gặp lại tất cả. Vâng, nhưng không trong cùng một điều kiện. Dầu cho chúng ta rất có thể gặp lại, nếu không nói là không thể không gặp lại những người thân yêu ấy vào một lúc này hay lúc khác [trong chuỗi thời gian vô tận], nhưng chúng ta sẽ không thể nhận ra họ. Hôm nay họ là mẹ, là cha, là anh, là chị, là con... mai này họ có thể kết một sợi dây liên hệ với chúng ta, nhưng dưới hình dạng khác, trong vai trò khác. Lúc ấy, chúng ta sẽ không thể nhớ ra rằng ngày trước họ và ta đã từng có mối quan hệ thế này, thế kia đối với nhau.

Cái chết và sự chia lìa là những hiện tượng vừa tự nhiên vừa không thể tránh, nhưng điều làm cho chúng ta đau khổ là sự ái luyến hay chấp trước mà chúng ta đã kết chặt với nhau. Nếu ta có thể vượt qua sự chấp trước ấy – tức là, đừng quên, một nhận thức sai lầm không có thật chút nào – đừng sợ là chúng ta sẽ trở nên lạnh lùng vô tình. Chúng ta vẫn sẽ có cảm tình, vẫn cảm nhận có gì đó cho nhau, nhưng sự xa lìa sẽ không còn có quyền năng làm cho chúng ta chìm đắm trong tuyệt vọng, như điều ấy có thể xảy ra do tâm chấp trước. Dầu gì chúng ta cũng tiếp xúc với rất nhiều người mà chúng ta không đặc biệt đam mê ái luyến, và lúc phải rời họ ta có thể chào vĩnh biệt mà không cảm thấy gì cả. Điều đó chứng minh rằng một sự chia biệt rất có thể trung dung, không đau đớn.

Mục đích [của nhận thức này] ở đây là cảnh báo ta về tâm chấp trước. Ngày hôm nay, chúng ta nghĩ sao về phản ứng của mình trước sự chia biệt? Chắc hẳn là chúng ta sẽ rất đau khổ? Nếu chúng ta nhận thức rằng điều ấy sẽ làm cho chúng ta buồn kinh khủng, thì có lẽ chúng ta đang bị tình cảm chấp trước khống chế. Trong trường hợp đó, tốt nhất là không nên chậm trễ, phải trừ bỏ nó đi một khi đã khám phá sự hiện diện của nó trong tâm mình. Thay vào đó, hãy khơi dậy trạng thái tâm thức nên có nhất và có lợi nhất: tâm buông xả chấp thủ.

Chúng ta có thể làm được, vì nếu suy nghĩ sâu một chút, chúng ta sẽ từ từ dễ dàng nhận ra: thứ nhất, tâm chấp trước không gì khác hơn là một nhận thức sai lầm, và thứ hai, nó không đem lại gì cho ta cả, ít ra là không đem lại gì tốt đẹp.

Nghe tôi nói như vậy, thế nào cũng có người sẽ tự bảo rằng: “Rinpoche đang nói gì vậy nhỉ? Thầy bảo chúng ta không nên chấp trước vào gì cả, cả thân xác lẫn tài sản và người thân nữa. Nhưng sống như thế thì còn có nghĩa lý gì... Đời sống sẽ chả còn có gì hết. Nó sẽ trống rỗng, không còn chút ý nghĩa. Đạo Phật gì lạ vậy? Khủng khiếp quá …!”

Nếu quý vị tự bắt gặp mình phản ứng như thế, tôi tự đặt mình vào địa vị của quý vị, không thể trách quý vị được. Vì thế tôi muốn trấn an quý vị ngay. Không, cuộc sống của chúng ta sẽ không mất hết ý nghĩa. Không, nó sẽ không hoàn toàn trống rỗng. Chúng ta chỉ cần loại bỏ tâm chấp trước, thay vào đó, ta có thể vun trồng tình thương đối với người khác chẳng hạn, hoặc là sự trìu mến, dịu dàng, lòng từ mẫn, ý nguyện chân thành đem lại lợi ích cho họ. Hay là đối với thân thể, tôi chỉ gợi ý là không nên đam luyến nó quá lố, không có nghĩa là phải bỏ bê nó. Ngược lại, chúng ta phải nhìn nhận đúng giá trị của nó. Đúng vậy, nó rất có ích. Nó rất quý giá. Chúng ta phải chăm sóc nó, phải cố bảo trì nó, giữ cho nó lành lặn, trân trọng nó vì nó xứng đáng được trân trọng. Nhưng điều đó không hề hàm ý là phải tiếp tục chấp trước vào nó.

Phật giáo nhấn mạnh là chúng ta phải tận lực chăm sóc thân thể của chúng ta, chính vì nó rất có ích cho ta. Nó đã phục vụ ta nhiều và còn có thể [tiếp tục] giúp ích cho chúng ta nữa. Nhờ nó chúng ta đã tránh được rất nhiều khó khăn. Nếu khéo dùng, nó sẽ còn đem lại cho ta nhiều hơn những gì ta có thể tưởng tượng.

Ngay cả về tài sản, tôi cũng chỉ đề nghị không nên quá ràng buộc đối với chúng. Điều này cũng không muốn nói là không được sở hữu gì cả và phải tìm vui trong sự thiếu thốn bần cùng. Không, không nên hiểu như thế. Hãy thực tế. Vì chúng ta là hữu tình nên cần có một số tối thiểu các thứ vật dụng vật chất để duy trì sự sống và tiếp tục con đường của mình. Nhưng có lẽ cũng không cần luôn luôn tìm cách kiếm thêm và tích trữ ngày càng nhiều hơn. Chúng ta không bắt buộc phải trở thành tỷ phú, nhưng cũng phải có một mức sống tối thiểu, nếu không thì chúng ta sẽ thật sự có vấn đề bất ổn.

Có một ít của cải và sống sung túc, tại sao lại không? Dầu sao đi nữa, chúng ta cũng có thể sử dụng tài sản của mình một cách lợi lạc. Vả lại, theo Phật giáo, nếu trong một kiếp nào đó chúng ta sung túc hoặc rất giàu sang, thì điều đó cũng chỉ nằm trong luật nhân quả. Điều đó không gì khác hơn là một kết quả tốt đẹp đến từ những hành vi hiền thiện mà chúng ta đã làm từ trước hay xa xưa. Sự sung túc vật chất đến từ những hành vi hào phóng rộng rãi đã thực hiện trong những kiếp trước. Trong bối cảnh này, nếu ngày xưa chúng ta đã làm việc thiện và kết quả là kiếp này ta được hưởng một cơ nghiệp nào đó, thì không những không có gì phải xấu hổ mà còn thật sự có ích nếu ta biết khéo sử dụng. Vì khi ta giàu có thì giống như ta có một sứ mệnh, có bổn phận phải làm một việc gì [tốt đẹp cho người khác]. Nếu ngược lại ta chỉ biết phung phí, vung tiền qua cửa sổ thì nhìn theo luật nhân quả là không khôn ngoan lắm. Làm thế không hợp lý lắm và có nguy cơ gây khó khăn cho ta về sau. Dầu gì đi nữa, không có sự bắt buộc nào, không có sự lợi ích nào trong sự đam mê luyến tiếc tài sản của mình.

Đặc biệt là đối với người thân – ruột thịt và bạn bè – chấp trước vào họ có lợi gì cho ta? Chẳng đem lại điều gì tốt cho họ cũng như cho ta cả. Thế thì tốt hơn hết là đừng chấp trước hay từ bỏ tâm ấy đi. Điều đó không hề ngăn ngại ta ngày càng thương yêu họ hơn, ngược lại là khác. Điều mà chúng ta cho họ được là tình thương, một tình thương ngày càng lớn và thuần túy hơn, gồm ý muốn đem lại hạnh phúc cho họ, sẵn sàng vì họ mà hành động, và tìm đủ cách để giúp đỡ họ mà không tính toán. Chính đó là những điều mà ta được khuyên nên làm, huống chi theo Phật giáo, nếu hôm nay ta có những quan hệ đặc biệt với người thân, đó không phải là chuyện ngẫu nhiên. Đó là nghiệp quả tích lũy từ quá khứ. Bởi vì quan hệ giữa chúng ta và những chúng sinh này đã có từ lâu đời, nếu hiện nay chúng ta có phương tiện đem lại lợi ích thật sự cho họ, ta hãy làm ngay đừng do dự gì cả. Nhưng tuyệt đối đừng có tâm chấp trước trong việc làm ấy.

Đó là trạng thái tâm thức thứ nhất trong mười một trạng thái mà chúng ta nên có vào lúc lâm chung, hạnh xả chấp. Tôi đồng ý rằng đây không phải là một đề tài đem lại niềm vui cho chúng ta. Trái lại, đôi khi nó có tác dụng dìm ta vào trong một nỗi buồn.

Sở dĩ đề tài này không vui, vì nói đến xả bỏ xa lìa là gợi đến sự chia biệt. Điều này đẩy chúng ta vào chân tường, bằng cách làm cho chúng ta thấy rằng vì đã được tụ họp với nhau, chúng ta chắc chắn phải có một ngày chia biệt. Chúng ta không thể trốn tránh được. Ý thức điều ấy không có tác dụng đem lại niềm vui cho ta. Nhưng đó chính là lý do vì sao tốt hơn là chúng ta nên thực tế.

Không có gì tốt hơn là chấp nhận nhìn vào sự thật, một sự thật hiển nhiên: khi cái gì phải đến xảy ra, chúng ta sẽ chịu đựng dễ dàng hơn vì đã được chuẩn bị, nên chúng ta sẽ bớt khổ đi nhiều. Có thể chúng ta sẽ không khổ chút nào, đó là nhờ từ nay chúng ta đã chấp nhận có cái nhìn khách quan và thực tế. Vì thế, cho dù việc đề cập đến các điểm này không đem lại vui vẻ hứng thú gì, nhưng thật cần thiết và quý báu biết bao!

Hãy cố gắng nhận hiểu rằng, nếu chúng ta cứ giữ mãi những tập quán cũ, nếu chúng ta cứ muốn tìm vui trong sự mong cầu, hay đúng hơn là mộng tưởng, rằng tình thế sẽ được duy trì mãi mãi, nếu chúng ta cứ muốn bằng mọi cách ôm giữ những gì đã có trong quá khứ, thì chúng ta có mối đe dọa phải hứng chịu khổ đau, một nỗi khổ đau khủng khiếp.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.137.244 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...