Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả. (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Phù trợ người lâm chung »» Kinh Đại thừa nói về các diệu trí vô thượng lúc cận tử »»

Phù trợ người lâm chung
»» Kinh Đại thừa nói về các diệu trí vô thượng lúc cận tử

Donate

(Lượt xem: 7.167)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Phù trợ người lâm chung - Kinh Đại thừa nói về các diệu trí vô thượng lúc cận tử

Font chữ:


Mặc dù tất cả giáo pháp của Đức Phật đều có chung một mục đích, nhưng các giáo pháp này lại vô cùng khác biệt trên phương diện đề tài cũng như sự tu trì. Mỗi quyển kinh sẽ nhấn mạnh một điểm nào, trên một chiều hướng nào đó. Vì đức Phật rất quan tâm việc làm sao giúp các đệ tử Thanh văn đương thời của Ngài một cách hữu hiệu nhất, bằng cách ban cho họ những tư liệu mà họ có thể dùng được và không nhận chìm họ với những dữ kiện dư thừa. Ngài không hề tìm cách giảng về một đề tài từ đầu đến tận cùng rốt ráo để rồi không bao giờ trở lại nữa. Ngài thường phân bố các điều giải thích dần dần trong các bài Pháp, và không ngại nhắc lại nhiều lần các ý niệm quan trọng, nếu cần thì thêm một sắc thái, một sự soi sáng hay mở bày mới hơn.

Theo cách đó, trong quyển "Kinh Đại thừa nói về các diệu trí vô thượng lúc cận tử", một lần nữa đức Phật tuyên thuyết về các trạng thái tâm thức mà chúng ta nên phát khởi lúc gần nhắm mắt lìa đời. Lần này có năm tâm thức.

Có một số trong năm tâm thức này đã được đề cập trong bản kinh trước, nhưng lại được phát biểu một cách hơi khác đi, như quý vị sẽ thấy.

Theo thông lệ, trước tiên tôi sẽ truyền dạy kinh này bằng cách đọc lên [toàn văn kinh] một lần:

"Quy mạng nhất thiết chư Phật và chư Bồ Tát.

Tôi nghe như vầy, một thời Bạc Già Phạm tại Sắc Cứu Cánh thiên cung, thuyết Pháp cho đại chúng. Lúc ấy Hư Không Tạng Bồ Tát, vị đại anh hùng, lễ Bạc Già Phạm và hỏi rằng:

– Bạc Già Phạm, Bồ Tát phải quán như thế nào vào lúc cận tử?

Bạc Già Phạm dạy:

– Hư Không Tạng Bồ Tát, lúc cận tử, Bồ Tát phải quán các diệu trí lúc cận tử. Thế nào là các diệu trí lúc cận tử?

1) Vì tất cả các pháp bản thể đều thanh tịnh, nên quán tưởng viên mãn nhất là quán về tánh Không của tất cả các pháp.

2) Vì tất cả các pháp đều có trong tâm Bồ-đề, nên quán tưởng viên mãn nhất là quán tâm đại bi.

3) Vì tất cả các pháp bản thể là quang minh, nên quán tưởng viên mãn nhất là quán vô nhất vật trong các pháp.

4) Vì tất cả các pháp đều vô thường, nên quán tưởng viên mãn nhất là quán tâm vô chấp.

5) Vì tâm là nhân của trí huệ bát-nhã, đừng tìm tánh Phật ở đâu khác.

Bạc Già Phạm lặp lại bằng kệ rằng:

Các Pháp vốn thanh tịnh,
Hãy quán về tánh Không.
Đầy đủ Bồ-đề tâm,
Hãy quán tâm đại bi.

Các pháp vốn quang minh,
Quán pháp vô nhất vật.
Các Pháp vốn vô thường,
Hãy quán tâm vô chấp.

Tâm sinh diệu trí huệ,
Phật tánh tìm đâu xa?

Bạc Già Phạm thuyết Pháp như thế rồi, Bồ Tát Hư Không Tạng và đại chúng vô cùng hoan hỉ tán thán.

Phật thuyết Kinh Đại thừa nói về các diệu trí vô thượng lúc cận tử."


Kinh Đại thừa này đã được tuyên thuyết trong điều kiện nào? Đó là một ngày đức Phật có các vị đệ tử vây quanh, nhất là các vị Bồ Tát. Một trong các vị Bồ Tát này tên là Hư Không Tạng (Tạng ngữ: Namkhai Nying Po) đảnh lễ đức Phật và hỏi: Lúc cận tử, các vị Bồ Tát nên quán như thế nào?

Trong lời giải đáp, đức Phật dùng chữ "diệu trí vô thượng" để nói về năm trạng thái tâm thức mà Ngài đặc biệt sách tấn. Chúng ta đã thấy rằng mình không bắt buộc phải áp dụng cả năm. Ngược lại, mục đích là để có sự lựa chọn và áp dụng vào từng trường hợp riêng, tùy theo điều mà người lâm chung có thể hay không thể tư duy: tánh Không, hoặc tâm đại bi v.v...

1. Quán tánh Không

Lời dạy rất ngắn gọn này thật ra nói lên sự không có thực của vạn vật, tức là tánh Không của chúng. Lúc lâm chung, khởi lên trong tâm trí tuệ về tánh Không của các pháp là một điều vô cùng lợi ích. Để giảng rộng lời kinh, "các pháp" nghĩa là các hiện tượng, "bản thể vốn hoàn toàn thanh tịnh" nghĩa là bản thể của chúng hoàn toàn không có tự tánh hay thực thể. Vì thế, chúng ta phải quán xét, phải phát triển hiểu biết về sự vắng mặt của tự tánh [tự tồn] trong tất cả hiện tượng như nói trên.

Tôi nghĩ rằng quý vị nghe câu này có vẻ quen thuộc, vì chúng ta đã gặp lại niệm tưởng thứ mười trong mười một niệm tưởng đã được nêu rõ trong quyển kinh đề cập trước đây.

Không cần phải nói, lời khuyến dụ này không phải dành cho bất cứ ai cũng được. Người nghe phải từng được học tập trước đó, phải có một hiểu biết căn bản. Nhưng nếu đã có được sự hiểu biết cần thiết, việc có thể quán xét về tánh Không trong giờ phút ấy sẽ mang đến một sự lợi ích lớn lao, bởi rất nhiều lý do. Chúng ta đã đề cập qua, nhưng nhắc lại về khái niệm này cũng không phải là một sự dư thừa.

Trong Phật giáo, "phàm phu" là người còn ở trong cõi Ta-bà, còn luân hồi trong các cảnh giới hữu vi quyết định bởi nghiệp và phiền não. Cho rằng đó là trường hợp của chúng ta, thì nguyên nhân là từ vô thủy chúng ta đã bị đánh lừa bởi nhận thức sai lầm về cái gì là có. Thế nhưng, nếu phân tích một cách đúng đắn thì chúng ta có thể nhận ra rằng sự vật được nhận thức – bất cứ một hiện tượng nào – có thật đấy, nhưng chắc chắn không phải dưới dạng thức mà nó trình hiện. Đúng vậy, cái hình tướng trình hiện trong tâm trí chúng ta là một sự kiện được nhận thấy một cách biệt lập với sự vật khác. Chúng ta có cảm tưởng là nó xuất hiện bằng chính khả năng của nó, không tùy thuộc vào bất cứ sự kiện nào khác, vào một nhân hay một duyên nào, trong khi sự thật lại khác hẳn.

Các hiện tượng có là một điều đương nhiên, nhưng chúng luôn luôn đến từ một nhóm nhân tố, nói giản dị là từ một nhóm nhân duyên. Thế mà tâm trí ta lại thấy ngược hẳn, và trong khi cảm nhận của chúng ta hoàn toàn sai lầm, ta lại tin đó là chân thật đến nỗi ta chấp vào sự vật dưới cái hình tướng chung ấy. Chúng ta tin rằng sự vật tự có, và có một cách độc lập, ta gán cho chúng một tính cách tuyệt đối. Chính cái thấy sai lầm đó của chúng ta đối với tất cả các sự hữu đã tạo nên cái vô minh gọi là căn bản, vì vô minh này đã trói chặt chúng ta vào cõi Ta-bà từ vô thủy cho đến nay.

Cho nên, hiểu theo hướng ngược lại, thấy được sự thật, nhận thức được sự vắng mặt của tự tánh là rất có ích cho chúng ta. Nhất là nếu quán xét được như thế ngay trước khi chết thì thật là kịp lúc.

Tốt hơn hết là hãy lấy một thí dụ có ý nghĩa vì gần với ta nhất, đó là cái "tôi", cái "ta", và cách thức mà chúng ta tự nhận thức về mình. Suốt ngày chúng ta dùng đến chữ "tôi", chữ "ta": "Tôi làm cái này, tôi làm cái kia", "tôi đi đến chỗ đó" v.v... Khi chúng ta đang nghĩ như thế, "ta đến, ta đi" v.v… và khả năng thực hiện điều đó tùy thuộc vào cái cấu tạo cá nhân chúng ta, nghĩa là vào thân và tâm ta. Ấy vậy mà chúng ta không thấy khía cạnh đó, và ta không hề nghĩ rằng mọi sự vốn diễn tiến như thế.

Thật ra, thỉnh thoảng chúng ta nên dành một ít thì giờ để quan sát cách ta nhận thức về chính mình khi nghĩ đến những gì ta làm, điều này khá quan trọng. Khi chúng ta đang nghĩ đến chương trình "ta sẽ đi đến đó", thì ta hình dung cái "ta" đó như thế nào? Phải chăng là chúng ta hình dung nó như một cái "tôi" hoàn toàn độc lập, tự hữu, không tùy thuộc vào bất cứ gì khác, ngay cả thân và tâm của nó? Phải chăng đó là hình ảnh được thành lập trong trí của chúng ta?

Hình ảnh một cái "tôi" độc lập đối với tất cả, và nhất là đối với thân và tâm, là cái mà ta gọi là "chấp ngã", biểu trưng của sự vô minh. Rõ ràng chúng ta hiện hữu như một cá nhân, nhưng để hiện hữu, chúng ta phải có một thân và một tâm đã chứ! Không biết chúng ta sẽ làm cách nào để hiện hữu như một cái "tôi" nếu hoàn toàn không kể đến thân tâm và không tùy thuộc vào chúng?

Ấy vậy mà chúng ta nào có nhận thức sự vật như thế đâu! Thật thế, khi chúng ta nghĩ "tôi sẽ đi đến chỗ đó", ta nhận thức về cái "tôi" ấy rất giản dị, nếu không nói là đơn giản hoá quá mức! Chúng ta hài lòng với ý nghĩ "tôi" trong tâm, không hề đặt nghi vấn, cho đến nỗi không một chút nghi ngờ rằng cái "tôi" ấy không hề độc lập như mình tưởng!

Để lấy một thí dụ rõ rệt hơn, hãy tưởng tượng là có người công kích hay lăng nhục chúng ta. Thường thì chúng ta phản ứng như thế nào? Hãy thú nhận rằng chúng ta rất phật ý và cảm thấy có chút gì tức giận. Vì chúng ta phẫn nộ, có thể chúng ta nảy sinh ý nghĩ: "Nó dám nói thế với ta! Với chính ta!" Và cái "ta" ấy có vẻ tự áp đặt lên chúng ta. Nó hiển hiện như một thực tại, tự hữu, một hiện thể tuồng như độc lập. Chắc chắn không phải trong những lúc như thế mà chúng ta có thể tự nhận ra rằng cái tự xưng là "ta" tuyệt đối ấy hoàn toàn không hề tuyệt đối. Phải, chúng ta hiện hữu như một cái "ta", như một "cá thể", nhưng là tùy thuộc vào thân và tâm của mình. Không có thân và tâm, chúng ta là cái gì?

Xét trường hợp ngược lại. Lần này chẳng những người đối diện không công kích ta mà còn đưa ta lên mây: "Tôi phục ông (hay bà) quá! Ông thật là tài trí vẹn toàn! Ngoài sự hiểu biết uyên thâm, ông còn tỏ ra thật là tốt đối với người khác! Đã vậy mà còn sang trọng quá!"

Trước những lời tâng bốc như thế, có người vẫn có thể giữ tâm bất động và biết rõ mình thật sự như thế nào, nhưng phần đông sẽ cảm thấy khoái chí, êm tai. Thay vì nhận thấy đó chỉ là những lời nói làm đẹp lòng, thường thì họ lại dễ dàng nảy sinh ý nghĩ: "Nghĩ cho cùng, ông ta nói đúng! Ta đây cũng khá lắm chứ!" Đồng thời, ý niệm chúng ta có về chính mình như là một cá nhân có thật, rõ ràng hiện hữu bằng chính khả năng của mình. Hắn có đó, hoàn toàn có đó. Chúng ta thấy như vậy và không đi tìm xa hơn.

Một thí dụ khác rất thông thường. Cho là chúng ta có một ngôi nhà. Nhưng mái nhà bị thủng và chúng ta phát hiện có nước dột. Là một tay thợ gan dạ, chúng ta quyết định tự sửa lấy. Vì chỗ dột nằm ngay bên cạnh máng nước, chúng ta bèn mạo hiểm trèo lên gần mé. Thình lình chân ta trượt trên mái nhà, chúng ta hoảng hồn, sợ điếng người. Thật ra chúng ta chưa ngã, chỉ bị trượt chân thôi, nhưng lập tức chúng ta hãi hùng nghĩ rằng "Tôi ngã!" Và dĩ nhiên, cái "tôi" đó rất thật có đối với chúng ta. Chúng ta thấy đó là một cái gì hoàn toàn tự nó hiện hữu, chứ không hề nghĩ rằng cái "tôi" ấy, nghĩa là cá nhân của chính ta đây, là một hiện tượng hoàn toàn tương đối và giả danh. Trong giai đoạn hiện thời, chúng ta không có khả năng nghĩ như thế!

Khi ở bờ mé của mái nhà hay của một hố thẳm chúng ta hoảng hốt kêu lên "tôi ngã", hay trước mặt mọi người, sung sướng với những lời tâng bốc quá khích chúng ta tự bảo "nghĩ cho cùng, ta cũng khá lắm chứ!", cái khái niệm "tôi" hình thành trong trí chúng ta [theo cách đó] có phải là một sự "chấp thật có" không? Không, chưa hề. Bề ngoài nó có vẻ như thật một cách tuyệt đối, nhưng chúng ta chưa nảy sinh tâm chấp trước vốn đi đôi với sự thật sai lầm ấy. Tuy nhiên, một nhận thức về một sự việc mà tướng trạng chung có vẻ như hiện hữu độc lập theo lý thuyết lại thường kéo theo một tâm chấp trước đối với tướng trạng chung ấy. Thế là chúng ta tin rằng cá nhân thật sự hiện hữu dưới bề ngoài ta nhìn thấy được, hay nói cách khác, đúng như tướng trạng chung mà họ trình hiện. Vậy thì, sự chấp thật tức là sự tin tưởng rằng đối tượng được nhận thức – ở đây là cái cá nhân dưới dạng cái "tôi" – tự nó hiện hữu, không tùy thuộc vào bất cứ gì khác.

Để miêu tả từ đầu đến cuối tiến trình này, trong trường hợp một kẻ phàm phu, thì người này hình dung bất cứ đối tượng nhận thức nào của mình, và đặc biệt là cái "tôi", hoàn toàn biệt lập với tất cả mọi nhân duyên. Trên căn bản của những sắc tướng bên ngoài như thế, họ bèn "chấp" mọi vật dưới dạng ấy: Họ tin chắc rằng mọi sự vật, và đặc biệt là chính con người của họ, hiện hữu thật sự dưới hình tướng mà họ nhận thấy. Đó là cái mà Phật giáo gọi là "chấp ngã", hay nói cách khác là "chấp thật".

Sự chấp ngã ban cho đối tượng bị chấp (cái sở chấp) một quyền lực rất lớn, chấp ngã càng nặng bao nhiêu thì quyền lực càng lớn bấy nhiêu: cái cá nhân có vẻ như thật có (với nghĩa là biệt lập với mọi nhân duyên) được thành lập như một cái gì tuyệt đối và có một tầm quan trọng tối cao đối với người chấp ngã (năng chấp). Khái niệm về "tôi" càng chắc chắn bao nhiêu thì khái niệm về "người khác" cũng đồng thời chắc chắn và rõ rệt bấy nhiêu. Sự ngăn cách giữa "tôi" và "người khác" trở nên rất rõ ràng và triệt để, và không hề có một mối tương quan hay một nhịp cầu nào giữa hai bên. Kết quả là, một cách rất tự nhiên và không thể tránh được, ta cảm thấy đắm luyến mãnh liệt đối với cái "tôi" mà ta cho là tối thượng, cùng với tất cả những gì mà ta nghĩ là đứng về phe ta. Và cũng không tránh được, điều đó làm khởi sinh ác cảm với "kẻ kia" và những gì dính dấp tới hắn. Từ đó – sự đắm luyến đối với chính mình cùng những gì thuộc về mình, và ác cảm đối với kẻ khác lẫn những gì thuộc về họ – nảy sinh tất cả mọi phiền não của tâm thức. Và mỗi lần các phiền não khởi sinh, dầu là vì đắm trước hay vì ác cảm, chúng sẽ tác động lên ba bình diện (thân, khẩu và ý) và kéo theo sự tích lũy trong tâm những chủng tử tương đương. Sau đó, các chủng tử ấy sẽ biến thành nghiệp báo đưa chúng ta đi vào những kiếp tái sinh mới trong cõi Ta-bà.

Đó là cách phàm phu cứ thế mà xoay vần trong thế giới Ta-bà, do phiền não và nghiệp thức đưa đẩy đi từ cõi hữu vi này đến cõi tạo tác khác. Khi ta tự bảo là nên, hay nói cách khác là phải, cấp bách thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn ấy, cái vòng luân hồi vô tận đưa ta đến những kiếp tái sinh đồng loại ấy, thì chỉ có một cách duy nhất là chấm dứt ngay những yếu tố nuôi dưỡng nó. Phải trừ diệt vô minh, và chính xác hơn là cái vô minh ngã chấp. Đó là lý do vì sao trong bản kinh này đức Phật đã nhấn mạnh ngay từ đầu là người hấp hối mà tư duy được, tức là hiểu được "vạn pháp đều không", với nghĩa là chúng không "có" một cách biệt lập và có thật tánh – thì thật là tốt cho người ấy.

Một người phàm phu chắc chắn có chấp ngã, nhưng điều đó không có nghĩa là sự chấp ngã lúc nào cũng hiện diện trong tâm thức họ. Điều đó không phải lúc nào cũng rõ ràng minh bạch. Chỉ trong những trường hợp như vừa đề cập trên thì nó mới xuất hiện một cách rất rõ nét. Vậy thì chính những kinh nghiệm hơi tế nhị, tốt hay xấu, khởi động niệm tưởng về ngã khiến cho sự chấp ngã công khai phát xuất. Nếu không, dĩ nhiên là sự chấp ngã hiện hữu nơi mỗi người, nhưng rất thường xuyên một cách tiềm tàng.

Tại sao tư duy về tánh Không, về sự vắng mặt của tự tánh vào lúc cận tử lại là điều đáng làm và phải lúc?

Vì là phàm phu, nên từ vô thủy chúng ta đã quen chấp ngã, tức là cái vọng tưởng chấp lấy mọi sự vật và ngay cả chính mình, như những thực thể tuyệt đối. Lúc giờ chết gần kề, sự chấp ngã trở nên mãnh liệt bội phần. Nó sẽ nổi lên với một sức mạnh vô song, một là do thói quen cố hữu, hai là vì cái giờ phút tế nhị đang trải qua. Thế nhưng, sự chấp ngã tăng cường sẽ củng cố tất cả những gì mà nó phát sinh.

Với thời gian, chúng ta đã chấp trước khá nhiều vào chính chúng ta và thân tâm của mình. Trong những giây phút quá đặc biệt này, sự chấp trước tăng lên rất mạnh vì chúng ta biết rõ rằng mình sẽ không còn ở lâu trong cõi đời này nữa. Thân xác chúng ta sẽ không còn nữa. Chúng ta sẽ phải bỏ nó lại phía sau vì nó sẽ bị tiêu diệt, tan biến. Một người phàm phu, trong viễn cảnh ấy gần như không thể nào không bị chìm đắm trong một sự chấp trước vào thân thể của mình mãnh liệt hơn lúc trước rất nhiều. Càng thấy mình sắp mất nó, mình càng bám chặt vào nó. Sự khát ái và tham luyến đối với thân thể sẽ làm cho một chủng tử nghiệp trở nên thành thục, đó là nghiệp đưa ta đi tái sinh, vì chính nghiệp này sẽ phóng ta vào một kiếp sống mới trong cõi Ta-bà.

Một người lâm chung sẽ ở trong trạng thái tâm thức nào? Họ thường tự nhủ: "Ta sẽ biến mất! Ta sẽ bị tiêu diệt!" Thật ra, cái sẽ biến mất là thân xác của họ, nhưng họ lại không thấy như thế. Họ sẽ không thể phân tích như thế nếu họ không đã từng miên mật huân tập từ trước. Phản ứng tự nhiên sẽ là "Tôi đang biến mất" chứ chắc chắn không phải là "chỉ có thân thể tôi đang bị hủy diệt chứ không phải tôi".

Người lâm chung tự đồng hóa một cách rất tự nhiên với thân thể, và đó là bởi vì quá chấp chặt vào thân thể của họ. Sự chấp trước vào thân thể của họ mạnh đến nỗi họ thấy mình với nó là một. Họ không thể làm khác hơn được. Đó là những phản xạ tự nhiên. Vào cuối đời, sự đắm trước đối với chính họ sẽ bùng lên một cách tự động, trừ những trường hợp ngoại lệ.

Thật thế, điều gì xảy ra cho những người đã nhờ thiền định mà trực tiếp hiểu được tánh Không, sự vắng mặt của một cái ngã tự hữu và tuyệt đối? Những vị đã chứng đắc điều này được gọi là bậc thánh (arya), nhưng các ngài không có cùng chung một trình độ. Có nhiều cấp bậc khác nhau. Hai cấp bậc đầu bao gồm các vị thánh còn phải sinh vào Dục giới, tức là cõi mà chúng ta đang sống. Thuật ngữ Phật giáo gọi là "nhập lưu" và "nhất lai" (tức là các bậc thánh Thanh văn chỉ còn mỗi một kiếp tái sinh nơi Dục giới).

Mặc dầu thật chứng được tánh Không, nhưng ngay cả những vị này cũng còn nảy lên một niệm chấp ngã trong tâm lúc cận tử. Sự khác biệt với phàm phu – những người chưa chứng được tánh Không – nằm ở chỗ là nhờ ý thức được sự vắng mặt của tự tánh nơi vạn pháp và nhất là nơi con người, các vị thánh này không nhượng bộ tâm chấp trước. Trong tâm họ nảy sinh niệm chấp ngã, nhưng họ không để cho niệm này trói buộc. Họ không bị niệm chấp trước khống chế, vì họ không tin vào nó. Họ hiểu rất rõ rằng những điều hiện ra trong trí họ toàn là những vọng tưởng tai hại, hoàn toàn sai lầm.

Những vị thánh đã đạt đến một trình độ cao hơn, tức là những vị không bao giờ còn phải tái sinh trong Dục giới, đã vượt qua sự chấp trước cho đến mức, dẫu trong phút lâm chung, niệm ấy cũng không còn có thể nảy sinh trong tâm họ.

Như vậy, khi chưa đạt đến trình độ cao của quả vị thánh, chắc chắn là lúc cận tử tâm của chúng ta bị xâm chiếm bởi sự ái luyến bản thân. Một trong các hậu quả là niệm chấp ngã rất mãnh liệt trong tâm người lâm chung. Vì thế mà đức Phật đã khuyên rằng, nếu được thì lúc ấy nên tư duy về tánh Không, và quán "sự vắng mặt" – hiểu theo nghĩa đen – của mọi hiện tượng, tức là [tính chất] "Không, vô tự tánh" của mọi hiện tượng, dẫu chỉ trong khoảnh khắc.

Mục đích là để đối trị tâm chấp ngã, chấp trước vào bản thân, và để hạn chế những tai hại về sau của các tâm ấy.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Dưới bóng đa chùa Viên Giác


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Bhutan có gì lạ


Hạnh phúc là điều có thật

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.207.204 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (130 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...