Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Phật giáo và Con người »» Chương Năm: Chế độ lương bổng, hưu trí, nghỉ hè ra sao đối với một người tăng sĩ? »»

Phật giáo và Con người
»» Chương Năm: Chế độ lương bổng, hưu trí, nghỉ hè ra sao đối với một người tăng sĩ?

Donate

(Lượt xem: 3.554)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Phật giáo và Con người  - Chương Năm: Chế độ lương bổng, hưu trí, nghỉ hè ra sao đối với một người tăng sĩ?

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Người Âu Châu đặt nặng vấn đề này. Đó là một đời sống ổn định. Muốn một đời sống ổn định, người Tăng sĩ cũng phải có những điều kiện về an sinh xã hội, lương bổng, bảo hiểm, nghỉ hè và hưu trí v.v… Nhưng đối với các xã hội Á Châu, người Tăng sĩ hầu như không có những ưu tiên này. Vì lẽ người dân chưa có bảo hiểm sức khỏe, người dân vẫn chưa có hưu trí, ngay cả xã hội Nhật Bản là một xã hội văn minh nhất tại Á Châu cũng chưa có vấn đề này, làm sao các Tăng sĩ tại Á Châu hưởng được các quy chế ấy?

Về lương bổng chắc chắn không có rồi. Vì tất cả các Chùa, Viện tại Á Châu hoặc Âu Mỹ đều do Phật tử cúng dường bằng tiền bạc hay vật liệu để xây nên, không phải bằng tiền thuế của Phật tử đóng, nên sự đóng góp cũng không thường xuyên. Nếu có nhiều thì xây chùa lớn, có ít thì xây chùa nhỏ. Từ đó dẫn đến việc ăn uống cũng vậy. Đa số các chùa Nam Tông đều đi khất thực, tại chùa hầu như không phải nấu gì, nên việc dành dụm tiền bạc để mua sắm đồ ăn cũng không cần thiết nữa. Nếu có thì tín đồ mua đem đến chùa cho chư Tăng dùng. Về phương diện này thì các chùa Phật giáo Bắc Tông thoải mái hơn, chùa có thể dùng tiền cúng dường của tín đồ để mua sắm đồ ăn, thức uống, thuốc men cho vị Trụ Trì và Tăng chúng. Cung cấp đầy đủ y phục, sách vở v.v… Do đó người Tăng sĩ cũng không phải lo lắng nhiều, chỉ chuyên tu và chuyên học là đủ rồi.

Khi còn làm chú Tiểu được chùa nuôi nấng như thế, khi lớn lên đi làm việc cho Giáo Hội là một bổn phận đương nhiên, không ai đòi hỏi thù lao một đồng nào, do đó đề cập đến lương bổng của chư Tăng là điều mà ở Á Châu không bao giờ có. Nhiều chùa có tín đồ giàu có cung cấp xe cộ, tiện nghi cho chùa, hay xây chùa to Phật lớn thì đó là cái phước của vị Trụ Trì, chứ không ai ganh tị làm gì. Vì tục ngữ Việt Nam có câu rằng: “Phước ai nấy hưởng.”

Từ chế độ lương bổng không được thiết lập, cho nên chế độ hưu trí cũng không có. Một vị Trụ Trì, một vị Thượng Tọa, Hòa Thượng hay Tăng Thống chẳng hạn, không có giới hạn ở sự làm việc. Ở Âu Châu quy định đàn ông ở tuổi 65 và đàn bà ở tuổi 60 thì về hưu, nhưng ở Á Châu hầu như không có, làm việc cho đến khi nào không thể làm việc được thì thôi. Có nhiều người chết trong khi làm việc vì tuổi già nữa. Mọi người dân đã như vậy, thì Tăng sĩ cũng chỉ thế thôi.

Người Á Châu có con đông, vì lẽ về già cha mẹ sẽ được con cái chăm sóc, lo lắng cho hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Nếu người nào có phước phần, có nhiều con trai thì chính những người con trai, con dâu và cháu nội ấy sẽ lo lắng cho cha mẹ ông bà lúc về già như bịnh hoạn, thuốc men v.v…

Ở Singapore có ra một Đạo Luật rằng, nếu con cái không nuôi dưỡng cha mẹ thì sẽ bị phạt tù. Đây là một loại đạo đức của Khổng Mạnh chứ không phải đạo đức xã hội như người Tây Phương, khi còn trẻ đi làm lo đóng thuế, đến già chính phủ phải trả tiền hưu trí.

Ở Á Châu ít đóng thuế trên sức lao động, mà chỉ đóng thuế trên sản phẩm đã hoàn thành, nên có rất nhiều nghề chính phủ không thu thuế được. Vì vậy chế độ hưu trí rất lỏng lẻo. Vì Á Châu đặt căn bản trên nền tảng gia đình chứ không phải xã hội. Đây là căn bản của Đạo Khổng qua các việc tu thân, tề gia rồi mới ra trị quốc và bình thiên hạ. Á Châu và Âu Châu còn khác xa nhiều lắm. Đời sống người dân đã thế, thì Tăng sĩ cũng vậy. Một vị Hòa Thượng sẽ được đệ tử xuất gia và tín đồ cung phụng nuôi nấng khi già yếu cũng như đau ốm. Vị Hòa Thượng không có con cái nên nhận đệ tử như con cái của mình. Đệ tử ấy sẽ chăm sóc Thầy mình cho đến khi chết. Đó là đạo hiếu và đạo làm người của Á Đông. Hơn 2/3 nhân loại trên thế giới thuộc về Á Châu, ngày nay họ vẫn còn sống trong một chế độ như thế.

Người dân tại Á Châu hầu như không có nghỉ hè. Nếu là nhà nông thì quanh năm suốt tháng bên bờ ruộng nương khoai, mùa nắng ráo trồng tỉa, khai phá, mùa mưa nuôi tằm, dệt vải trong nhà. Suốt bốn mùa xuân hạ thu đông hầu như không có một ngày nào nghỉ. Chỉ trừ 2 ngày Tết âm lịch hay những ngày kỵ giỗ trong nhà, hay cưới hỏi, ma chay v.v…

Người Nhật cho đến hôm nay là cuối thế kỷ 20 rồi, đã qua 200 năm canh tân đất nước và kỹ nghệ hóa như Âu Châu, nhưng đi làm 3 năm mới được 2 tuần lễ nghỉ hè. Trong khi đó ở tại xứ Đức này mỗi tuần chỉ làm từ 35 đến 40 giờ và mỗi năm được 4 đến 6 tuần lễ nghỉ hè. Đó là chưa kể đến nghỉ bịnh nữa. Quyền lợi của nhân công tại Âu Châu rất nhiều. Trong khi đó các xã hội Á Châu là xã hội nông nghiệp nên hầu như không để ý đến vấn đề này.

Trong chùa quanh năm suốt tháng không có ngày nghỉ lễ. Mỗi ngày đều vang vọng 2 thời công phu sáng chiều và thiền tọa, chỉ trừ khi bịnh hoạn mới nghỉ ngơi vài ngày, sau khi mạnh lại tiếp tục sự tu trì, không ai nghĩ đến chuyện đi dưỡng bệnh hay đi nghỉ hè dài ngày như ở Âu Châu này. Khi làm việc nhiều phải dùng sức, điều ấy rất cần thiết, nhưng phú quý mới sinh lễ nghĩa được, chứ còn bần cùng thì phải làm sao cho khỏi đói, có thì giờ đâu mà lo chuyện nghỉ ngơi? Ở Á Châu các chùa giàu họ cũng không hãnh diện mà chùa nghèo cũng không mặc cảm. Vì lẽ cuộc đời là vô thường, cái gì cũng qua sự giả hợp mà thành, có gì đâu để hãnh diện và cũng có gì đâu để bị mặc cảm. Nhân cách sống của con người lệ thuộc nơi tư cách chứ không lệ thuộc nơi giàu nghèo.

Bệnh hoạn thì người dân phải tính sao đây?

Tại Á Châu không có chế độ bảo hiểm sức khỏe như ở Đức, nên trong gia đình có người thân bị bệnh thì gia đình phải bỏ tiền ra để lo thang thuốc. Nếu người giàu thì sẽ được chữa trị nơi tốt hơn. Người nghèo thì họ cũng cam phận chữa trị vừa với túi tiền của họ. Nếu người nào nghèo quá không có thân nhân thì vào nhà thương thí. Những nhà thương này do chính phủ lập nên hay do những người giàu có bỏ tiền ra xây cất với tính cách từ thiện để giúp đỡ những người nghèo. Đa số những nước Đông Nam Á Châu khi bị bịnh họ vẫn nằm ở nhà, mời bác sĩ đến để săn sóc, chỉ trừ trường hợp nào quá nặng mới mang vào nhà thương để chữa trị.

Người tu cũng không thể thoát ra bốn cảnh sanh, lão, bệnh, tử ấy, nên lúc sống cũng như lúc bịnh và lúc chết đều giống như trường hợp của người dân tại các nước này, như đã nêu trên. Đây là một sự thực mà ít thấy sách vở Âu Mỹ nào đề cập đến. Có lẽ một phần cũng vì sống theo công nghiệp, nên người dân Á Châu ít để ý đến những gì lợi ích riêng cho mình, mà chỉ lo cho đại gia đình, cho đoàn thể, cho quốc gia và xã hội. Mặt khác, người dân Á Châu ảnh hưởng Phật giáo rất mạnh nên quan niệm cuộc sống chỉ là một sự gởi gắm tâm linh cũng như thể xác mà thôi. Trong Tu viện cũng như ngoài dân chúng, đâu đâu cũng chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa này.

Riêng cá nhân tôi, kể từ năm 1972 đến nay (1996) đã ở ngoại quốc gần 25 năm rồi, có dịp đi học từ Á, rồi sang Âu Châu làm việc, đi Mỹ Châu, Úc Châu và Phi Châu, 5 châu lục đã có mặt và đi gần 60 nước lớn có nhỏ có trên thế giới, nghèo có giàu có, văn minh có, bán khai có, nên cũng đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về việc đã nêu trên.

Ở Âu Châu tôi vẫn làm việc như ở Á Châu, nghĩa là không có ngày nghỉ. Nếu có, phải tự mình chọn ra một thời điểm nào đó để nghỉ và dĩ nhiên là cũng không ăn lương. Tuy nhiên, bảo hiểm phải đóng. Ở Đức đóng bảo hiểm là điều bắt buộc. Vì không ăn lương nên cũng không có hưu trí vậy. Có lẽ tôi cũng phải tự chọn cho mình một thời điểm nào đó để hưu trí, khi thấy rằng tuổi mình đã lớn và đệ tử của mình đã trưởng thành.

Trong gần 25 năm ấy, có nghĩa là xấp xỉ 1/4 thế kỷ tôi đã làm gì và đã suy nghĩ gì về cuộc sống, về thế sự, về con người, về giáo lý của Đạo Phật như một Tăng sĩ Á Châu sống trên đất Âu Châu, tôi đã viết và giới thiệu trong 20 tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mặc dầu trong hiện tại tôi có quốc tịch Đức, nơi tôi đã sinh sống gần 20 năm nay, nhưng tư tưởng của tôi vẫn là tư tưởng của một người Việt Nam, một người Á Châu thuần túy. Vì mỗi ngày tôi vẫn ăn cơm chứ không ăn khoai tây và bánh mì như người Đức. Vì mũi tôi vẫn thấp, tóc vẫn đen, không cao và không vàng như mũi của người Đức. Tuy nhiên khi sống trong xã hội này tôi phải hội nhập với người địa phương, đồng thời tôi cũng phải có bổn phận bảo vệ ngôn ngữ mẹ đẻ, phong tục và tập quán của Á Châu để tránh tình trạng bị đồng hóa vào xã hội này. Mặc dầu xã hội người Đức rất tốt, nhưng tốt với người Đức mà thôi. Còn người ngoại quốc vẫn phải có những sắc thái riêng của họ thì mới gọi là nơi đa văn hóa được.

Như trên đã trình bày, việc nghỉ hè cũng do tôi tự chọn, nên mỗi năm tôi thường hay đi chỗ này chỗ kia, đôi khi đi thành đoàn thể, đôi khi chỉ đi có một mình, vì lý do thời gian cũng như điều kiện tài chánh vậy. Có nhiều lần đi Ấn Độ với 30 người hay đi Mỹ, Úc với 50 người. Đó là những chuyến hành hương lớn. Nhưng cũng có những lộ trình tôi đi một mình độc lữ mà thôi. Trên hành trình thiên lý ấy có biết bao nhiêu chuyện đáng ghi lại. Vì vậy nhân viết quyển sách này, tôi sẽ ghi lại chuyến nghỉ hè của năm nay (1996) từ ngày 1 đến 11 tháng 7 năm 1996 với 23 người đi trong 4 xe, gồm 10 vị Tăng Ni và 13 Phật tử.

Thông thường trong những năm trước nếu có nghỉ hè hay hành hương ở đâu đó tôi hay chọn tháng 9 đến tháng 12, nhưng năm nay chẳng biết tại sao. Có lẽ vì cần chút nắng của mùa hè nên tôi đã chọn thời điểm ấy để đi thăm các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý. Đây là 3 nước chính mà phái đoàn đã đặt chân đến. Mùa An Cư Kiết Hạ mỗi năm từ tháng 5 đến tháng 8, trọn 3 tháng này tôi đều ở chùa, nhưng năm nay lại ra đi để có những chuyện vui buồn lẫn lộn mà tôi sắp kể ra đây để bạn đọc được tường, để nhớ về một chuyến đi và cũng để lưu lại một vài kỷ niệm khó quên trong đời, trong mùa An Cư Kiết Hạ của năm 1996.

Phái đoàn do tôi và Thượng Tọa Quảng Bình hướng dẫn. Tôi là một người như quý vị đã biết, hay nóng tính, khó chịu khi đệ tử làm sai một vấn đề gì. Thượng Tọa Quảng Bình thì dễ dãi hơn nhưng hay đổi ý bất thình lình. Thầy đến từ Đan Mạch và ở đây an cư với tôi 3 tháng. Đây là lần đầu tiên.

Thầy Nhật Trí đến từ Canada, có giọng ca vọng cổ, ngâm thơ và hát tân nhạc rất truyền cảm.

Hạnh Bảo, đệ tử của tôi, mới từ Singapore về lại để an cư kiết hạ năm nay.

Ni Sư Như Viên rất vui khi biết được rằng sẽ đi được nhiều nước.

Sư Cô Hạnh Tịnh, Sư Cô Hạnh Ân, Sư Cô Hạnh Châu, Cô Hạnh Ngọc tại chùa Viên Giác và Cô Hạnh Như từ Đài Loan về là những người đệ tử của tôi đã ra đi từ chùa Viên Giác.

Đó là 10 Tăng Ni.

Ngoài ra phái đoàn còn 13 Phật tử, gồm:

Hai Bác Sáu, người làm vườn và làm bánh giúp Chùa Viên Giác trong suốt mười mấy năm qua.

Mẹ con chị Thị Khiêm, người đã chịu khó nhọc với Chùa trong việc làm bánh trái.

Đạo hữu Diệu Nghĩa Tôn Nữ Tâm Giảng từ Canada đến, có giọng ngâm thơ rất hay.

Đạo hữu Thiện Ý, người siêng tu học và làm việc.

Minh Hòa, Thiện Hiệp, Thiện Hà là 3 chú thanh niên trẻ tuổi nhất trong đoàn lo nhiệm vụ lái xe.

Người đứng tuổi nhưng lái xe rất giỏi là Bác Thị Tâm, Hội Trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Đức.

Anh chị Tâm Lượng và Tâm Phương cũng là những người đã kề cận bên Chùa làm công quả lâu nay.

Đó là 12 Phật tử đi từ Đức. Khi qua Pháp, nơi Chùa Thiện Minh, Phật tử Hứa Tri từ Việt Nam mới sang, muốn tháp tùng chung với phái đoàn, nên có con số lên tới 23.

Ngày xưa Thầy trò Tam Tạng thỉnh kinh chỉ có 4 người và một ngựa. Đi toàn là đường bộ và ma chướng kinh thiên qua truyện Tây Du Ký đã diễn tả. Còn ngày nay Thầy trò chúng tôi cũng cưỡi ngựa nhưng mà ngựa sắt; không đi trên đường núi cheo leo, mà chạy trên con đường thẳng tắp, nhiều khi chạy đến 180 cây số giờ. Thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh về vì sơ ý nên thủy ngưu đã liếm hết chữ, nên chỉ còn kinh vô tự, còn chúng tôi cũng về lại Hannover, nhưng với một quan tài và lòng ai cũng nặng trĩu, tuy không gánh lên người, nhưng cũng khó buông bỏ ra khỏi tâm thức của mình.

Trước đó mấy ngày, nào lo xe cộ, chấm bản đồ đi đường, lo thức ăn, thức uống, thuốc men cụ bị v.v… tất cả đều đầy đủ để chuẩn bị cho một chuyến đường dài 6.000 cây số đi và nghỉ trong 11 ngày.

Tờ mờ sáng ngày 1 tháng 7 năm 1996, đúng 6 giờ sáng mọi người đã tập hợp tại sân chùa, tôi gặp Thầy Quảng Bình, Thầy ấy bảo “chắc tôi không đi quá”. Tôi nghe mà lo, bảo rằng giờ này mà Thầy còn thay đổi nữa sao! Thôi xin mời lên xe đi, tôi sẽ nói cô Hạnh Như qua lái xe cho Thầy để Thầy an tâm hơn. Thế là cô Hạnh Như lấy hành lý bên xe của Minh Hòa qua nơi xe Thầy Quảng Bình, nhìn vẻ mặt của cô không vui mấy, có lẽ vì xe cũ kỹ quá, hay vì cô ấy mệt mỏi thì không ai hiểu được. Trong xe Thầy Quảng Bình có Thầy ấy, Thầy Nhật Trí, cô Hạnh Như và Chúc Nghĩa.

Phái đoàn hướng về Frankfurt để xuất quân và hẹn gặp nhau ở tại Alsfeld, nhưng 2 xe đã lạc và còn lại chỉ có 2 xe. Thế là xe của Thiện Hiệp cố đuổi theo xe của Thầy Quảng Bình và xe của Minh Hòa, cuối cùng rồi 4 xe cũng gặp nhau ở đoạn đường gần Darmstadt. Cả phái đoàn nghỉ mệt, sau đó hẹn nhau ở biên giới Pháp-Đức gần Freiburg (Müllheim). Khi qua biên giới này khỏi cần trình giấy thông hành nữa. Pháp và Đức là 2 trong 7 nước có hiệp ước ấy. Hòa Lan, Bỉ, Lục Xâm Bảo, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng vậy. Thỉnh thoảng có các nhân viên cảnh sát đứng đó, nhưng họ cũng không buồn xét hỏi giấy tờ. Biên giới phía Bắc giữa Đức và Hòa Lan, vùng Nordhorn đã đập phá luôn các trạm kiểm soát, xe cộ qua đó giữ tốc độ bình thường 120 hay 140 Km/giờ như đi trên xa lộ cũng không sao. Cách đây vài năm thì không được điều đó, nhưng bây giờ các nước Âu Châu lại thông nhau như cùng trong một nước rất tiện lợi. Từ vấn đề đó, nên các khách du lịch ngoài Âu Châu có visa vào được một nước thì có thể đi 6 nước kia khỏi cần xin chiếu khán nữa. Thế giới càng ngày càng văn minh, thủ tục càng ngày càng đơn giản và do vậy, con người có thể làm được nhiều việc khác nhau trong cùng một lúc. Thật là tiện lợi.

Trạm mà chúng tôi hướng tới là Chùa Thiện Minh nằm gần sát nách của Lyon. Nhờ người chỉ đường rành mạch nên sau 10 tiếng đồng hồ, chạy đúng 1.000 cây số, chúng tôi đã đến Chùa vào một chiều đẹp trời của mùa hạ. Chùa nằm trên đồi núi, có triền dốc thoai thoải, mặt chính hướng về một dãy núi, trông xa xa như dãy Trường Sơn. Phía sau lưng chùa được án ngữ bởi triền đồi và nhà cửa của dân Pháp cư ngụ. Phía trước chánh điện dựng tượng Quán Âm lộ thiên bằng đá cẩm thạch Ý, cao 5m50, có nét từ bi hiện lên trên các đường chạm trổ, dầu cho đó là một tượng do người Pháp tạc, nhưng mang vẻ Á Đông thuần túy, trông rất đẹp mắt. Trong hồ có trồng hoa súng, hoa sen. Chung quanh tượng có làm lưỡng long tranh châu, hoặc chầu nguyệt. Có nhiều bậc tam cấp để lên xuống bãi đậu xe trước đó. Trước cùng là cổng Tam Quan làm theo lối Á Đông. Từ ngoài nhìn vào, trông chùa như ở một cảnh giới thần tiên mộng ảo nào đó, mà khách trần ai, nếu không nghĩ mình vẫn còn trong cõi tục, thì đã lạc lối thiên thai và quên về với thực tại rồi. Chánh điện chùa tuy nhỏ, không có sức chứa năm bảy trăm người, nhưng nhìn từ bên ngoài trông rất có vẻ Việt Nam. Nóc có rồng phụng, mái cũng uốn cong và ngói màu xanh lá cây cũng rất hợp mắt.

Phái đoàn ăn cơm tối, sau đó đi ngủ, để sáng hôm sau ngày 2.7.96 các cô chú đại diện phái đoàn đã đảnh lễ Thượng Tọa Trụ Trì và cúng dường tịnh tài lên Tam Bảo. Buổi sáng Thầy Trụ Trì cho người địa phương hướng dẫn phái đoàn đi thăm vườn hồng và thành phố, sau đó về lại chùa ăn cơm trưa và 3 giờ chiều thì phái đoàn trực chỉ đến miền Nam nước Pháp qua xa lộ mặt trời “auto route du soleil” để đến vùng biển Valras Plage.

Đây là môt vùng biển tương đối yên tĩnh. Trước đây khoảng 10 năm, Thượng Tọa Minh Tâm, Thượng Tọa Tánh Thiệt và tôi đã có dịp đến đó nghỉ hè 10 ngày tại căn biệt thự mùa hè của gia đình Đạo hữu Hồ Văn Nguyên. Ông bà là những người Phật tử giàu đạo tâm và có lòng từ, đã hỗ trợ chùa Khánh Anh, chùa Thiện Minh và chùa Viên Giác suốt 20 năm qua. Lần này chúng tôi tới gia đình hai Đạo hữu rất vui, đón tiếp và hướng dẫn phái đoàn đi thăm địa phương này.

Ngày 3.7.96, phái đoàn đi Grande Motte, cũng là nơi nghỉ mát rất đẹp, ở gần Montpellier. Nơi đây có rất nhiều du khách và các khách sạn cất theo lối mỹ thuật muôn màu. Mỗi một khách sạn cất theo mỗi kiểu khác nhau, như để phô trương thời trang để khách du lịch ai thích loại nào thì chọn theo thị hiếu của mình cho dễ. Cũng có vài Thầy và vài Phật tử đi tắm biển vùng Valras Plage, nhưng ở đây biển còn động, có lẽ tháng 7 năm này chưa đủ sức nóng của mặt trời, nên ai cũng sợ nước, bãi tắm vắng người lắm.

Trong chuyến đi này phái đoàn dự định là sẽ ghé đảo Palma bên Tây Ban Nha, nhưng đường đi quá xa, vả lại quá tốn kém nên phái đoàn đã chuyển hướng là đi vào đất liền của Tây Ban Nha chứ không đi đảo nữa. Nguyên là gia đình của hai Đạo hữu có người con rể là anh Quí, kiến trúc sư, cũng có một ngôi nhà nghỉ mát tại Cambris de Mer, cách Barcelona chừng 100 cây số về hướng Nam. Do đó sáng ngày 4.7.96 phái đoàn đã đi đến đây hơn 5 tiếng đồng hồ. Xa lộ Tây Ban Nha cũng rộng rãi, tuy núi đồi hơi nhiều ở phần mới vào nơi biên giới, nhưng đi một đoạn lại thấy đồng bằng. Các xe đi qua biên giới Tây Ban Nha cũng không bị xét hỏi giấy tờ chi cả. Đến nơi, anh Quí đã chờ sẵn tại biệt thự để đón khách. Phái đoàn chia ra làm 2 nơi để nghỉ ở hai nhà khác nhau.

Chiều ngày 4.7.96 nhiều người đã ra biển tắm. Dọc theo hai bên đường đến biển, các hàng cây ô-liu nặng trĩu trái, ai nấy xem thấy cũng trầm trồ. Ở đây là xứ Âu Châu mà khí hậu giống Việt Nam lắm. Cái nắng chói chang rọi vào mặt người, tiếng gầm gừ của biển cả. Gió mát có mang hương vị mặn của muối v.v… chỉ chừng ấy thứ đã đưa chúng tôi trở về lại quê hương Việt Nam lúc nào không hay biết. Chiều hôm đó chúng tôi đã đi tắm biển, đã lặn hụp với thiên nhiên, mãi đến 7 giờ tối mới về nhà để chờ bữa cơm chiều thật thú vị. Thức ăn chỉ là rau tươi, bánh mì, cơm, tương chao, đậu hủ, nhưng hôm đó ai ăn cũng quên thôi. Vì lẽ bụng ai cũng đói.

Sau khi dùng cơm, tôi ra vườn để xem cây chuối, bụi sả, giàn su-su và những con cá Nhật Bản bơi lội ngây thơ trong hồ nhỏ trước nhà. Ngồi nhìn trời trăng nhớ về quê hương Việt Nam trong muôn thuở.

Tối đó anh Quí dẫn phái đoàn đi thăm phố Tarragona, ai xem xong cũng trầm trồ là phố sá sạch sẽ và đẹp mắt lắm. Do đó ngày hôm sau mới có thêm một chuyến đi thuyền từ Cambris de Mer đến Tarragona một tiếng đồng hồ nữa, nhưng hôm đó biển động nên ai cũng ngất ngư. Cả phái đoàn cũng đã làm một buổi lễ cầu an tại nhà anh Quí cũng như tại nhà của Bác Nguyên trước đó. Những cành trúc đào trước ngỏ được bẻ vào chưng thành một lọ hoa tươi tắn để cúng Phật, rồi nhang trầm, rồi chuông, rồi mõ đã làm cho ngôi nhà vốn yên lặng, bây giờ lại rộn rã lên tiếng cầu nguyện của 26 con người. Đây có lẽ là buổi lễ đầu tiên tại căn biệt thự sang trọng này.

Chiều ngày 5.7.96 chúng tôi định đi tắm biển thêm một lần nữa, nhưng biển động lại thôi. Thế là tôi lại có dịp để ở nhà tập bơi trong hồ tắm của gia chủ. Từ hồi nào đến giờ tôi chưa biết bơi, nếu có rớt xuống nước chắc phải chìm nghỉm quá. Lần đầu tôi cố tập. Qua sự hướng dẫn của Bác Nguyên, tôi đã bơi nổi được từ bờ hồ bên này qua bờ hồ bên kia, cả ngang lẫn dọc. Thầy Quảng Bình và Thầy Nhật Trí đã cười tôi khi thấy tôi đập loạn xạ như con ếch bị phỏng nước sôi. Có Thầy thì bảo rằng phải bị uống nước mới bơi được, riêng tôi thì tự nhủ rằng tại sao phải bị uống nước mới bơi được, cứ cố gắng tập, cuối cùng rồi cũng được. Ở tôi có lẽ khác với nhiều người, ví dụ như học ngôn ngữ cũng vậy, phải học cách đọc và cách viết, tôi mới nói được. Trong khi đó có nhiều người không biết mặt chữ nhưng vẫn nói được. Tôi thì không làm được việc đó. Từ việc ấy suy ra, bất cứ chuyện gì cũng vậy, nghĩa là có học thành bài thành bản thì tôi mới diễn tả thành câu thành lời được. Tôi vẫn biết nguyên tắc rằng cứ thả tay ra là tự động nổi, nhưng không đơn giản thế, hai tay tôi vẫn níu chặt vào thành hồ, mới thả hai chân mà nó đã chìm nghỉm rồi. Có phải tôi nặng quá chăng? Cũng không phải thế. Vì có nhiều người mập hơn tôi, nhưng khi bơi có sao đâu! Cuối cùng thì Bác Nguyên đã chỉ cho tôi cách phóng mình trên nước như con ếch duỗi thẳng hai chân trước, thì tôi đã làm được và cũng chưa phải bị uống nước lần nào. Xin cảm ơn Bác Nguyên đã hướng dẫn cho tôi điều đó.

Ở cái tuổi gần 50, cái gì rồi nó cũng chậm chạp, ngay cả việc học sinh ngữ cũng như luyện tập một cái gì đó. Nhưng ý chí quan trọng hơn tất cả mọi vấn đề khác.

Sau khi ăn cơm chiều thì phái đoàn về lại Valras Plage, ở đó một đêm để sáng hôm sau ngày 6 tháng 7 lại lên đường để đi Marseille, ghé thăm chùa Pháp Hoa do Hòa Thượng Thích Thiền Định trụ trì. Chúng tôi đến đây vào khoảng 12 giờ trưa và chiều đó phái đoàn đi phố để thăm bến tàu cũng như thăm chùa Phổ Đà của Ni Sư Thích Nữ Như Tuấn. Buổi cơm tối hôm đó do Hòa Thượng chiêu đãi phái đoàn trên lầu thượng của căn gác sau chùa. Cảnh trí rất nên thơ và buổi tối đó Thầy Nhật Trí, Đạo hữu Diệu Nghĩa cả hai vị đều đến từ Canada đã ngâm và hát những bài thơ Đạo và ca ngợi về tình mẹ nghe rất đậm đà, nhiều người đã rơi lệ, đồng thời nhiều tràng pháo tay cũng đã nổ vang rền để tán thưởng những tài nghệ ấy.

Cuộc vui nào rồi cũng qua, tất cả chúng tôi đều lo đi ngủ sớm để ngày hôm sau 7.7.96 dậy sớm tụng kinh và chuẩn bị rời chùa để hướng về La Mã. Hòa Thượng đã bảo cô Hạnh Như lo cho phái đoàn bữa ăn sáng hôm đó. Nhìn cô Hạnh Như không vui, như có điều gì đã báo trước, nhưng Hòa Thượng cũng đã từ bi chỉ vẽ cho cô rất tận tường.

Chùa Pháp Hoa nằm trên một ngọn đồi. Phía trước là thành phố, phía sau là dãy đồi ngự trị. Thế đứng rất vững. Bên cạnh chùa còn có Thích Ca Phật Đài lộ thiên và Quan Âm cũng như lầu chuông cũng lộ thiên, góp thêm cảnh đẹp của thiên nhiên càng hùng tráng hơn cảnh trí. Tiếng đại hồng chung từ đây có thể vang vọng xuống dưới phố thị mỗi chiều về hay hồi chuông công phu buổi sáng, làm cho khách trần ai có thể tỉnh cơn mộng điệp mà quay về với thực tại của cuộc đời.

Chúng tôi ra đi vào tờ mờ sáng. Đến trưa thì đã vào được xứ Monaco, là một nước rất nhỏ cạnh bên nước Pháp. Đây là một thành phố có nhiều nhà chọc trời. Phía trước là biển, phía sau là núi. Không gian thu hẹp nhưng lòng người lại mở rộng và trải dài tại chốn này. Đến đây thì kẻ đến trước người đến sau, nên phải chờ và cuối cùng rồi cũng không tham quan được điều gì đáng ghi nhớ, chỉ trừ việc đi thăm lầu Ông Hoàng Monaco. Đến đó để chờ dưới ánh nắng mặt trời gay gắt cả tiếng đồng hồ cho Ông Hoàng xuất hiện, nhưng cuối cùng thì Ông đi ngỏ bên cạnh để ai nấy cũng đều ngỡ ngàng khi nhìn theo chiếc xe hơi láng bóng chạy gần đó, trong ấy người ngồi chễm chệ phía ghế sau, chính là Ông Hoàng, mà tất cả mọi người đang đứng chờ ở nơi đây. Cảnh trí Monaco thật đẹp, nhưng đời sống ở Monaco thì quá đắt đỏ. Đắt gần gấp đôi ở Đức. Có lẽ xứ họ chỉ sống về cờ bạc và du lịch, nên ai đến đây cũng phải chịu chi một số tiền lớn để được ở vài giờ hay vài ngày rồi lại ra đi tiếp tục nữa.

Tối ngày 7.7.1996 thì phái đoàn đã đến Rome qua một chặng đường dài cũng 1.000 cây số kể từ Marseille. Đi qua biên giới Ý lần này cũng không bị xét giấy tờ gì cả và đến Viaréggio thì có hai lối đi đến Rome, nên một xe đã đi hướng Grosseto và 3 xe khác đi hướng xa lộ Firenze. Cuối cùng rồi cũng đã gặp nhau trong mệt mỏi, nhưng rất vui là mọi người đã đến. Đúng với câu tục ngữ “đường nào cũng đến La Mã”. Cảnh vật hai bên đường xanh tươi, đậm nét vùng nhiệt đới, trông giống Việt Nam. Người Ý không cao như người Đức, nói hơi nhiều. Khi nói thì vung tay vung chân, nheo mắt, cong miệng v.v… Nhìn vào cử chỉ của họ, mình cũng có thể đoán được phần nào là họ muốn nói cái gì rồi.

Đêm hôm đó phái đoàn được chia ra 3 nhà để ở. Quý Thầy, quý Cô ở nơi nhà anh chị Phước. Quý Đạo hữu nam ngủ nhờ nơi nhà Bác Hiền và quý vị bên nữ ngủ nhờ nơi nhà người em của cô Đông. Các xe cộ phải gởi dưới garage để phòng ngừa chuyện trộm cướp. Vì theo kinh nghiệm những xe có bảng số ngoại quốc, nhất là bảng số Đức, đến xứ Ý phải xem chừng.

Một đêm ngủ nghỉ dưỡng sức đến sáng hôm sau phái đoàn đi thăm chỗ xử tử những người không theo Đạo Chúa hồi thời La Mã thịnh hành và thăm đền Chiến Thắng.

Đấu trường là một căn nhà tròn đã hư hao khá nhiều. Bên trên có ghế đá cho vua chúa và dân chúng xem xử tội. Bên dưới là những bức tường cao xây vòng cung. Khi người tử tội được xử cũng chính là lúc họ bị thả ra để đọ sức với cọp. Nếu ai chiến thắng được cọp dữ, thì người ấy còn được tự do. Nếu ai bị cọp xé xác, xem như vụ án đã xong. Nhưng mấy ai còn sót lại, sử sách không thấy ghi, khi nhìn cảnh này thấy tàn ác và không thể hiện một chút từ bi nào cả. Đối với Đạo phải thể hiện lòng từ bi thì Đạo đó rất cao cả. Đằng này vua chúa bắt họ phải phải theo đạo. Nếu không theo thì đem họ ra hành hình. Đúng là sức mạnh của kẻ có quyền, nhưng đã bị đời đời nguyền rủa.

Sau khi dùng Pizza Ý ngoài trời, phái đoàn di chuyển về Tòa Thánh để xem trung tâm quyền lực của Thiên Chúa Giáo. Đây là giáo đô của 800 triệu tín đồ, nên tôi cũng đã có ước nguyện từ lâu là phải đến tận nơi để xem cho biết.

Từ ngoài nhìn vào thấy cách kiến trúc của Tòa Thánh rất hùng vĩ, đa số bằng đá hoa cương hay cẩm thạch. Có nhiều cây trụ đá to cả mấy người ôm. Tòa nhà giữa rộng thênh thang có thể chứa đến 10.000 người. Điện thờ ở giữa rất trang nghiêm, nhưng không khí có vẻ lạnh lẽo. Đặc biệt trên cao trong cùng không thấy thánh giá mà chỉ thấy ánh sáng của chân lý. Không biết kiến trúc này có tự bao giờ mà khác biệt với các Thánh Đường bây giờ nhiều lắm. Tầng dưới là mộ của các Đức Giáo Hoàng. Vào đây ai cũng im lặng để giữ sự trang nghiêm, nhưng cảnh vật giống như vào thu của trời đất, nên có vẻ u buồn. Phái đoàn chúng tôi sau đó mua vé lên nóc của chính tòa. Đầu tiên đi bằng thang máy. Sau đó phải đi bộ cả 300 nấc thang mới lên tới đỉnh của Tòa Thánh. Từ đó có thể nhìn thấy hết cảnh vật chung quanh của quốc gia Vatican. Đặc biệt phía trước, tất cả xe cộ và người chỉ có vào chứ không ra được. Nếu có, xe cộ đi lần hai bên, chứ không có đường ra trực tiếp. Có lẽ đây là dụng ý của Kiến trúc sư khi hoàn thành công trình này chăng? Trên nóc Tòa Thánh nhìn từ phía sau thấy toàn bộ khu làm việc, khu cư trú của Đức Giáo Hoàng, Đại Học và khu Thư Viện của Vatican v.v… Đến đây mới thấy cái quyền lực của Đạo Thiên Chúa là không nhỏ. Tuy nhiên ở xứ này bây giờ cây Bồ Đề cũng đã phát triển khá mạnh mẽ rồi. Các vị Sư Huynh, Linh Mục người Ý và ngoại quốc gặp chúng tôi, họ biết ngay là Tăng Sĩ Phật giáo, họ chụp hình chung, nói chuyện, trao đổi địa chỉ v.v… Có nhiều người Á Châu đến đây vẫn niệm Phật và nghĩ rằng Đức Chúa cũng giống như một vị Bồ Tát đã thực hành hạnh nguyện cứu đời, độ sanh cũng đáng tán dương và ca ngợi vậy. Con người, chính thể có thể sai đúng tùy lúc, tùy thời, nhưng chân lý và từ bi trí tuệ thì bao giờ cũng là ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho mọi người đi về con đường thiện. Chỉ có con người làm sai chân lý, chứ chân lý thì bất biến vạn năng.

Chúng tôi lặn lội trong dòng người và dòng xe ấy mấy tiếng đồng hồ mới về đến nhà được. Tối đó định đi thăm một vài nơi nữa, nhưng ai cũng mệt nhoài, nên lại thôi, chờ sáng mai đi tiếp.

Sáng hôm sau ngày 9.7.96 phái đoàn định dùng sáng xong chia ra làm 2 nhóm. Một nhóm đi mua sắm và nhóm kia đi thăm một vài nơi khác. Trong khi dùng sáng vui vẻ có quý Thầy, quý Cô, quý Chú và quý Đạo hữu, cười nói huyên thiên về tiếng Tàu, tiếng Anh, tiếng lóng như “đông dui hao”, đọc trại gần giống tiếng Anh nhưng giải thích ra thì có nghĩa là: càng đông thì càng vui, càng vui thì càng hao tốn (đông, vui, hao). Mọi người đều cười ngất, trong đó Cô Hạnh Như là người cười nhiều nhất, vừa dùng mì ăn liền, vừa cười. Sau đó Cô thấy khó chịu nên đi vào nhà vệ sinh. Từ nhà vệ sinh ra, cô vịn vào vai cô Đông, chủ nhà, và xin nằm nghỉ một lát.

Tôi từ phòng bên cạnh nghe nói ồn ào nên mới bước sang, thấy mặt mày của cô trắng bệt, tay chân bủn rủn. Mọi người cho là trúng gió. Khi đó tôi bước lên phòng khách vẫn thấy mọi người cười nói huyên thuyên. Tôi bảo cô Hạnh Như đã bị trúng gió, mọi người chưa tin, bảo rằng cô mới nói cười đây mà. Khi Thượng Tọa Quảng Bình vào thì cô không nói được nữa, Thầy ấy mới dùng ngoại khoa để cứu, lấy tay giật nhơn trung, chỗ dưới lỗ mũi mấy cái và anh Phước làm hô hấp nhân tạo thì cô tỉnh dậy. Cô ấy nói mấy câu đại ý có quý Thầy nghe rằng: Quý Thầy nên đem con đi nhà thương đi, sợ chết ở nhà người ta không nên. Thầy Nhật Trí chen vào câu pha trò là: Đi chơi mà sao chết được. Cô Hạnh Như cười rất tự tại. Sau đó cô nói thêm là chắc cô về với Phật quá và nếu cô có ra đi thì nên thiêu cô. Sau đó thì quý cô cạo gió cho cô, đồng thời anh chị Phước, chủ nhà, gọi Bác sĩ nhà đến xem mạch cho cô, thì Bác sĩ khuyên rằng nên đem cô đi bệnh viện.

Cả phái đoàn cũng nghĩ là không sao, nên cũng chần chờ để cô ở nhà cho khỏe nên mới chia người ở lại trực, nhưng thấy không ổn, lại cho đem vào nhà thương. Thiện Hà và Thiện Hiệp dìu cô đi, khi ra đến cửa nhà, cô còn nhắc là hãy đem theo y áo luôn thể. Không ai nghĩ là chuyện gì sẽ xảy ra nên cứ an tâm mà đi công chuyện của mình, người khác thì ở nhà đợi tin từ bệnh viện. Khi lên xe hơi chở đi bệnh viện cô không nói gì nữa và khi vào bệnh viện lúc 10 giờ, khi ấy anh Phước vẫn còn thông dịch cho cô những điều cần thiết và anh ra ngoài ngồi chờ.

Tại nhà sau khi ăn cơm trưa thấy lâu quá chưa về, tôi, Thầy Quảng Bình, cô Hạnh Ngọc, Minh Hòa và cô Đông vào thăm để đổi cho anh Phước, Thiện Hà, Thiện Hiệp về ăn cơm. Thiện Hà, Thiện Hiệp và cô Đông mới vừa về đến nhà thì chúng tôi báo tin là cô Hạnh Như đã ra đi. Tin nghe như sét đánh, ai cũng bàng hoàng ngơ ngác. Vì ai cũng nghĩ rằng cô vào bịnh viện để đo nhịp tim, rồi sau đó đưa cô về lại Đức bằng máy bay, còn phái đoàn chúng tôi thì tiếp tục cuộc hành trình còn lại bằng xe hơi, mà cũng thật vậy, lần này cô về bằng máy bay nhưng là một quan tài chứ không phải bằng thể xác lẫn tâm thức bình thường nữa.

Thế là thủ tục khám nghiệm, liên lạc gia đình, liên lạc chùa viện và bà con thân thuộc của cô ta để báo tin, cũng như hoãn lại tất cả chương trình đi thăm tiếp tục tại Bologna và thành phố nổi Venézia cũng như München.

Cả ngày 9, ngày 10 và 11.7.96 đều lo thủ tục ấy, gia đình bên Pháp, bên Đức lần lượt kéo qua. Mãi cho đến ngày 12.7 mới tẩn liệm được và quan tài của cô đưa về Hannover vào ngày 15 tháng 7 năm 1996. Phái đoàn chúng tôi chia ra làm hai, một số về trước vào ngày 11.7 gồm 3 xe và xe Thượng Toạ Quảng Bình với Thầy Nhật Trí ở lại cho đến khi tẩn liệm xong mới về lại Hòa Lan.

Tối ngày 11.7 chúng tôi đến biên giới Thụy Sĩ, hai xe có đầy đủ giấy tờ qua được biên giới, còn xe của Minh Hòa phải đi vòng ngõ Mont Blanc cao chót vót của Âu Châu, bọc qua Pháp trở lại để về Đức. Phái đoàn chúng tôi về tới chùa độ 14 giờ chiều ngày 12 tháng 7 thì xe của Minh Hòa đến 22 giờ đêm mới về đến chùa. Trên đường về lần này không ai còn có niềm vui nào nữa để kể cho nhau nghe bất cứ chuyện gì, mà ai ai cũng trầm tư suy nghĩ về cái chết của cô Hạnh Như vừa rồi. Quả thật đời nó vô thường quá. Đâu có ai biết được rằng ra đi là vĩnh biệt và cũng đâu có ai biết rằng lúc nào thì phải ra đi? Nếu biết được mình không thể làm chủ được mình như thế thì ai cũng cố gắng tu hành rồi.

Ai cũng muốn biết tại sao cô chết đột ngột như thế? Câu trả lời của Bác sĩ là bị bịnh nhồi máu cơ tim (Herzinfacto) và đứt dây tĩnh mạch dẫn về tim nên cô ra đi đột ngột như thế. Với tuổi đời chỉ có 42 và mới xuất gia được 4 năm. Ở Âu Châu 2 năm và ở Đài Loan gần 2 năm. Trước khi cô đi tu thì cô đã lập gia đình, có 2 con trai và các cháu ấy bây giờ cũng đã trưởng thành rồi.

Viết đến đây cũng xin cảm ơn anh chị Phước-Đông rất nhiều, đã tận tụy lo cho quý Thầy, quý Cô trong thời gian ở Rome, cũng như gia đình Bác Hiền và gia đình em của cô Đông. Nếu không có những tấm lòng nhân hậu ấy, thì chắc chắn công việc càng trở ngại hơn nữa. Trong đoàn không có người nào biết tiếng Ý, chỉ biết tiếng Anh, Đức, Pháp, nên khi đi đến xứ này cũng thật khổ sở vô cùng. Trong khi lo chạy công việc giúp đỡ cho quý Thầy và phái đoàn, anh Phước và cô Đông cũng thấy đời mong manh quá, nên sáng ngày 11.7.96 cả gia đình đã quy y Tam Bảo tại nhà để đời sống tâm linh cũng được có ý nghĩa nhiều hơn.

Vào lúc 11 giờ ngày 20 tháng 7 năm 1996, đám tang của cô Hạnh Như đã được cử hành tại Chùa Viên Giác gần 2 tiếng đồng hồ qua các lời chia buồn, tụng niệm, phúng điếu và tiễn đưa v.v… đã làm cho bao nhiêu giọt lệ không ngớt tuôn trào. Phật tử Bá Linh đã về tiễn đưa cô rất đông. Ngoài ra còn có Phật tử từ München, Nürnberg và các nơi khác nữa. Độ 150 tâm hồn đã hướng về sự ra đi của cô.

Sau đám tang, gia đình có cúng lễ Trai Tăng dâng tứ vật dụng lên chư Tăng để cầu phước cho người đã mất. Cũng chính đám tang này cô đã độ được nhiều người còn đang sống phải tỉnh mộng và vì thế Frank Salzubacher tức Thiện Bình cũng đã phát nguyện đi tu, là một người Đức, đã ở Chùa Viên Giác 2 năm nay, và ngày 19 tháng 9 âm lịch này nhằm ngày 30.10.1996 sẽ thế phát xuất gia. Thời gian được bao lâu thì chưa biết, nhưng dẫu sao đó cũng là nhờ sự cảnh tỉnh qua cái chết của cô Hạnh Như.

Cô người Việt, sinh trưởng tại Lào nên chẳng biết quê hương Việt Nam là gì. Vừa rồi cô lại có cơ hội về thăm Việt Nam, Lào, Nhật Bản trước khi về lại Đức để làm giấy tờ và an cư kiết hạ tại Chùa Viên Giác năm nay và trên đường đi, theo Thượng Tọa Quảng Bình thuật lại, cô thường hay nhắc đến tình mẹ cũng như về 2 đứa con của cô. Có lẽ một người sắp ra đi họ hay có những linh tính ấy chăng? Bây giờ nhìn lại những hình ảnh cuối cùng của cô đã chụp tại La Mã, thấy vẻ mặt rất buồn. Có lẽ cô biết trước về sự ra đi này chăng?

Đời là vô thường, cuộc sống là tạm bợ, đâu có gì để tranh giành với nhau, cho dù đó là tiền bạc, kim cương, hột xoàn và những của gì quý báu hơn chăng nữa, khi ra đi rồi, con người cũng chẳng mang theo được một vật gì, ngoại trừ hai bàn tay trắng với nghiệp lực của chính mình mà thôi.

Quyển sách này có nhan đề là Phật giáo và Con Người, khi tôi để chương này vào đây có lẽ cũng không thừa, vì lẽ con người có sanh, có tử, có sống, có chết và Phật giáo cũng phải ý niệm như thế nào về việc này. Đó là điều quan trọng, nên đây cũng có thể là một lời nhắc nhở cho mọi người khi hành xử một vấn đề gì trên thế gian này.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 7 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.12.122 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...