Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Phật giáo và Con người »» Chương Hai: Tinh thần Phật giáo đối với các dân tộc Á châu và Âu Mỹ »»

Phật giáo và Con người
»» Chương Hai: Tinh thần Phật giáo đối với các dân tộc Á châu và Âu Mỹ

Donate

(Lượt xem: 3.526)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Phật giáo và Con người  - Chương Hai: Tinh thần Phật giáo đối với các dân tộc Á châu và Âu Mỹ

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Phật giáo khởi nguyên từ Ấn Độ, một trong những nước lớn tại Á Châu và hầu hết các tôn giáo lớn đều bắt nguồn từ Á Châu như Ấn Độ Giáo tại Ấn Độ, Khổng Giáo và Lão Giáo ở Trung Hoa, Hồi Giáo ở Persien, Thiên Chúa Giáo ở Do Thái v.v... Có lẽ vì Á Châu có một nền văn hóa lâu đời nên các tôn giáo lớn được phát sinh từ đây. Ngược lại Âu Châu, Mỹ Châu và Úc Châu là những châu lục mới được phát triển không quá 3.000 năm, nên ít có những bậc giáo chủ như Đức Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử, Mohamed và Jesus v.v... Nhưng Âu và Mỹ Châu thì có những triết gia lớn như Montesquieu, Décartes, Socrate, Schopenhauer, Hermanhess, Nietzsche v.v... Có lẽ Á Châu là chiếc võng của tinh thần, Âu Châu là nơi phát triển chiều sâu và Mỹ cũng như Úc Châu là những nơi sàng lọc, triển khai để các tôn giáo này mãi mãi đi vào chiều sâu của lịch sử nhân loại.

Theo sự phát triển của nhân loại, Phi Châu là một lục địa có trước, nhưng cho đến ngày nay Phi Châu vẫn còn là một châu lục có nhiều khổ đau chồng chất, đất đai kém màu mỡ và văn minh tại châu lục này vẫn là văn minh của thời sơ khai. Có một vài nước ở Bắc hoặc Nam Phi có nền văn minh không kém gì Âu Mỹ mấy, nhưng ở Trung Phi đa phần còn giữ lại nền văn hóa cổ truyền tự ngàn xưa. Có lẽ vì lý do khí hậu cũng như địa lý mà các nhà hiền triết cũng như các bậc giáo chủ ít thấy xuất hiện tại đây chăng?

Ấn Độ ngày nay gần một tỷ dân nhưng chỉ còn 3 triệu tín đồ Phật giáo. Có nhiều người đặt câu hỏi rằng: “Tại sao Ấn Độ là một nước phát sinh ra Phật giáo, mà Đạo Phật ngày nay không phát triển được?” Câu hỏi này tuy đơn giản, nhưng phải đi sâu vào chiều dài lịch sử của dân tộc này, mới có thể trả lời một cách tường tận được. Nếu ta ví Phật giáo là một cây cổ thụ, có gốc tại Á Châu và cành lá, hoa quả mọc ra ở các châu lục khác thì chúng ta sẽ thỏa mãn ngay câu hỏi trên. Gốc cây bao giờ cũng phát triển trước, sau đó phải dùng nhựa sống để nuôi thân thể và hoa lá của mình, nhưng không có nghĩa là gốc cây đã chết. Tuy gốc cây có sần sùi đó, tuy gốc cây có vẻ già cỗi đấy, nhưng nếu không có gốc cây này thì các cành lá ở các nơi khác làm sao tồn tại và phát triển được. Khi người Phật tử hiểu được điều này tức hiểu thuyết nhân duyên của nhà Phật. Đâu có cái gì vĩnh viễn tồn tại trong cuộc đời này đâu. Nên phải chấp nhận định luật vô thường là thế.

Nếu trở lại trong thời hoàng kim của Đạo Phật, chúng ta phải ghi ơn các bậc quân vương của xứ Ấn, trong đó có A Dục Đại Đế. Vì sự phát triển của Đạo Phật mà ông ta đã đem giáo lý từ bi lợi tha này áp dụng vào trong đời sống của chính mình và nhân dân trăm họ. Asoka Đại Đế trị vì xứ Ấn Độ vào giữa thế kỷ 3 trước Công nguyên, là một bậc quân vương rất nổi tiếng tàn bạo, nhưng sau khi nghe được giáo pháp của Đức Phật, ông ta đã quy y và suốt cuộc đời còn lại, ông đã làm được những công việc phi thường như sau:

“Khi nhà vua còn trị vì, lúc đi chiêm bái các thánh tích nơi Đức Phật Đản Sanh, thành đạo, nơi nói pháp lần đầu tiên và nơi Đức Phật nhập Niết Bàn, nhà vua đã cho dựng những cây trụ đá, trên đầu trụ có tạc hình sư tử 3 đầu. Đây là dấu hiệu của sức mạnh lúc vua trị vì và ngay cả ngày nay trên lá cờ quốc gia xứ Ấn Độ vẫn còn biểu hiệu này với bánh xe pháp luân của Phật giáo, mặc dầu ngày nay Ấn Giáo là quốc giáo của xứ này. Có nơi trụ đá làm bằng những loại đá rất quý như ở Ba La Nại, nhưng cũng có nơi làm bằng loại đá bình thường như ở vườn Lâm Tỳ Ni hoặc ở xứ Kiều Tất La. Trên các cây trụ đá ấy nhà vua đã cho viết những chữ cổ ngữ Ấn Độ để đánh dấu nơi sanh ra hay nơi thuyết pháp lần đầu tiên của Đức Phật. Thân hình các cây trụ đá được điêu khắc tròn, cao chừng 10 thước. Chính nhờ những cây trụ đá này mà ngày nay các nhà khảo khổ học và địa chất học đã tìm ra chứng tích lịch sử xác thực của Đức Phật. Cũng như mới đây vào đầu năm 1995, sau khi khám phá một miếng đá nhỏ, nơi Đức Phật Đản Sanh do vua A Dục cho xây, lúc ông đi chiêm bái nơi này do hai nhà địa chất học Nhật Bản và Népal tìm được và đầu năm 1996 họ đã công bố cho thế giới biết, đây xác thực là miếng đá vua A Dục đã cho xây, xác nhận nơi đản sanh của Đức Phật. Vì theo sách sử kể lại, khi nhà vua đi thăm nơi này, có cho khắc vào đá tại đó. Và từ miếng đá này đi đến hồ nước thiêng khi mẫu hậu Ma Da sanh Thái Tử bước đi đúng 25 bước. Đá này sau khi giảo nghiệm đã chứng thực là loại đá có từ thời vua A Dục. Vì vậy nhà vua Népal và các vị Bộ Trưởng đã đến đây chiêm bái vào đầu năm 1996 này.

Lịch sử Đức Phật là một lịch sử có thật, không phải là chuyện hoang đường. Do đó, để thẩm định lại giá trị của nó, người ta cần tra cứu các căn nguyên của lịch sử. Nếu là thật, nhân loại có thể vững tin mà đi tiếp theo con đường đã có sẵn. Đá, dẫu có rắn chắc bao nhiêu đi chăng nữa, qua thời gian năm tháng sẽ mòn đi, nhưng nhờ nó mà có thể chứng minh cho những sự thật đã trải qua trong lịch sử. Điều quan trọng ở đây là tinh hoa của giáo lý ấy có khế hợp với trình độ của chúng sanh không và chúng sanh có thừa hành để tiêu hóa giáo lý ấy không, mới là điều đáng nói.

Những sắc dụ của nhà vua công bố, luôn luôn liên quan đến tinh thần từ bi và lợi tha dựa theo lời dạy của Đức Phật. Một trong những sắc dụ ấy bây giờ vẫn còn tàng trữ tại Lộc Uyển, nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên. Nội dung của sắc dụ đại ý nói rằng: Bất kể là ai, Tăng cũng như tục nếu vi phạn đến giáo lý của Đạo Phật sẽ bị trừng trị một cách xứng đáng. Đây có lẽ nhà vua muốn ngăn ngừa ngoại đạo lúc nào cũng manh tâm hại Phật. Đó không nói việc có ý hiềm khích với nhau. Vì Ba La Nại cũng là thánh địa của Ấn Độ Giáo, trong khi đó người Ấn Giáo tin rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là một trong những vị thần của họ mà thôi.

Trong thời vua A Dục trị vì, một Đại Hội kết tập kinh điển lần thứ 3 đã được các bậc thánh Tăng tập trung lại để tuyên dương giáo pháp của Đức Phật dưới sự bảo hộ của nhà vua và triều đình. Đức Phật nhập diệt năm 624 trước Công nguyên, sau đó 100 ngày có kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, cách 100 năm sau có kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai và cách 300 năm sau có kỳ kết tập kinh điển lần thứ 3. Mỗi lần kết tập như thế, các bậc thánh Tăng đều tuyên dương giáo lý của Đức Phật bằng miệng qua các bộ kinh, bộ luật và luận tạng. Đến thời kỳ này là thời kỳ triển khai của các hệ phái khác nhau như: Đại Thừa Giáo, Tiểu Thừa Giáo và Nguyên Thủy Phật giáo. Có phái chủ trương sửa đổi tinh thần giới luật cho hợp với thời đại, có phái chủ trương giữ nguyên và có phái chủ trương phải đi sâu và đi xa hơn nữa để hòa nhập vào tối thượng thừa. Chính trong thời kỳ này nhà vua đã cho con trai của mình là Thái Tử Mahinda và con gái của mình là Công Chúa Sanghamitta đến đảo Tích Lan, mang cây Bồ Đề và giáo lý của Đức Phật đến đó để truyền bá. Ngoài ra vua A Dục cũng đã cho rất nhiều nhà Sư đi qua đến Trung Đông như Hy Lạp, Alexandria để truyền đạo. Kết quả cây Bồ Đề đã tồn tại và phát triển tại xứ Tích Lan cho đến ngày nay.

Theo lịch sử truyền thừa của Phật giáo Tích Lan thì năm 85 trước Công nguyên, Tam Tạng Thánh Điển bằng tiếng Pali đã được khắc lên mộc bản và đây là ngôn ngữ đầu tiên của Tam Tạng đã được thành hình. Như vậy kể từ khi Đức Phật nhập diệt, cho đến khi kinh điển có chữ viết là 539 năm, thời gian này cũng đã nói lên được tính chất đặc biệt của nó. Vì thời kỳ chánh pháp giáo lý của Đức Phật có 500 năm. Trong thời gian này, bất cứ ai hễ nghe đến, thực hành giáo lý của Đức Phật thì đều được chứng quả. Còn những thời gian sau này rất hiếm người liễu ngộ giáo lý cao siêu ấy, cho nên trong kỳ kết tập lần thứ 3 này chư Tăng một giáo đoàn và nhà vua đã hết sức hỗ trợ cho các đoàn truyền giáo, để cách đó hơn 150 năm sau kinh điển đã có chữ viết, để sau này mọi người căn cứ vào đó mà kết tập lần thứ 4, thứ 5 v.v...

Tinh thần Bắc Tông hướng về phương Bắc, đại diện khuynh hướng này có Ngài Vô Trước, Thế Thân, Long Thọ và Mã Minh vào đầu thế kỷ thứ nhất và tinh thần Nam Tông thì đi về phía Nam để tạo ra hệ phái Nam Tông rõ rệt tại các xứ Đông Nam Á Châu sau này.

Khi vua A Dục cho phép Đạo Phật phát triển một cách mạnh mẽ như vậy, chắc chắn rằng các vị Bà La Môn và Ấn Độ Giáo cũng chẳng thích thú gì, nhưng vì sợ uy quyền của nhà vua Phật tử này nên họ đã chẳng dám hở môi. Những chống đối ấy ngấm ngầm qua hàng nhiều thế kỷ và cuối cùng vào những thế kỷ 12, 13 khi Hồi Giáo vào xâm chiếm xứ này, họ đã trực hoặc gián tiếp muốn làm cho ảnh hưởng của Đạo Phật càng ngày càng đi vào bóng đêm của lịch sử. Lỗi ấy do ai? Ở đây có thể có nhiều cách trả lời để minh xác về sự thịnh suy của cuộc dâu bể ấy.

Thứ nhất, về sự phát triển và suy thoái của Tăng Đoàn. Bản thể của Tăng Già có lúc lên rất cao, nhưng ngược lại có lúc chùn xuống rất thấp, chỉ vì thiếu tinh thần nghiêm trì giới luật, nên Đạo Pháp tự rơi vào trình trạng xuống cấp. Không ai có thể phá hoại Đạo Phật bằng chính những người con Phật tự hại giá trị cao cả của mình. Nhìn lại thời Phật còn tại thế cũng vậy. 12 năm đầu là thời kỳ đẹp nhất, chư Tăng tu hành tinh tấn, ai ai cũng chứng được A La Hán, nhưng sau 12 năm đó, trong Tăng chúng rất hỗn tạp. Vì Giáo Đoàn của Đức Phật không phải chỉ thuần những người phát tâm xuất gia, mà còn những kẻ ngoại đạo vào tu, lợi dụng uy thế của Đạo Phật và của Đức Phật để có chốn nương nhờ. Đây là điều căn bản để thấy rằng Đạo Phật đã bị đi xuống.

Lý do thứ hai cũng rất đơn giản dễ hiểu. Đó là ngoại đạo. Khi ngoại đạo thấy nội bộ của Phật giáo bị lũng đoạn như thế thì họ tìm cách chen vào để phá phách. Vì vậy sử sách có ghi rằng khi quân Hồi Giáo đến chiếm xứ Ấn Độ vào thế kỷ 8, họ đã giết cả hàng ngàn Tăng sĩ và đập phá hết các chùa viện. Đặc biệt là Đại Học Na Lan Đà cũng bị thiêu hủy trong thời gian này. Đại Học này là một Đại Học Phật giáo rất nổi tiếng, được thành lập từ đầu Công nguyên. Vào thế kỷ 7 - 8, Ngài Nghĩa Tịnh và Ngài Huyền Trang từ Trung Quốc đến có tòng học tại đây nhiều năm trời. Có nhiều người cho rằng bản chất của Đạo Phật là từ bi, không gây hận thù với ai và một số đạo khác thì họ không từ chối bạo lực, nên mới ra nông nổi ấy. Điều ấy có lẽ cũng đúng một phần, nhưng nói trên quan niệm của Đạo Phật về nhân duyên và nghiệp lực thì đúng hơn. Phàm cái gì có sinh ra thì phải có ở lại với đời, có sự thay đổi và cuối cùng phải đi về chỗ tan rã. Đạo Phật, hay ngay cả giáo lý của Đức Phật cũng không đi ra ngoài thông lệ ấy. Ngay cả vũ trụ này cũng phải bị biến thiên thay đổi, huống gì sự thịnh suy của một đời hay của một giáo lý nào đó. Người Phật tử chấp nhận việc này dễ dàng hơn là chấp nhận việc mạnh được yếu thua.

Triều đại A Dục Đại Đế đã đi vào lịch sử và ngày nay không những tại Ấn Độ, mà khắp nơi trên thế giới đều nhớ đến ơn đức của vị vua này. Nếu không có những bậc quân vương hộ pháp như thế thì khó giúp cho Phật giáo được tuyên dương rộng rãi như vậy. Phần khác, nhờ vào thời điểm đó có những bậc Đại Tăng ra giúp nước an dân, nên giáo lý của Đạo Phật đã đi vào lòng người, khắp hang cùng ngỏ hẻm trong thiên hạ.

Cho đến Ngài Bồ Đề Đạt Ma, Tổ Thiền Tông thứ 28 của xứ Ấn Độ, cũng là Sơ Tổ Thiền của Trung Hoa, cách xa thời Phật nhập diệt chừng 1.000 năm, Phật giáo Ấn Độ vẫn còn giữ phong độ của nó, để tiếp tục thổi ngọn gió thiền này vào một quê hương mới, mà quê hương đó đã chấp nhận tinh thần này như một chất liệu dưỡng sinh trong cuộc sống tâm linh của họ cho đến ngày nay. Đó là Trung Quốc.

Trước khi Phật giáo được du nhập vào Trung Hoa, tại đây con người đã văn minh và có hai đạo lớn. Đó là Khổng Giáo và Lão Giáo. Đức Khổng Tử xuất hiện cùng thời với Đức Phật. Có lẽ vậy nên triết lý của Phật giáo cũng rất gần gũi với người Trung Hoa. Điều đặc biệt là giáo lý của Đạo Phật đi đến đâu, luôn luôn hòa đồng vào văn hóa của xứ đó, không chống trái lại và cũng không vì thế mạnh mà đi đàn áp các đạo khác, nhất là khi vua chúa triều đình, quần thần, bá quan văn võ một khi đã trở về với Đạo Phật. Lúc ấy Phật giáo có đầy đủ các điều kiện để lấn áp các đạo khác, nhưng tuyệt nhiên không. Nhìn lại lịch sử xứ Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, tất cả đều như vậy.

Trước khi Ngài Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc vào thế kỷ 6, đã có rất nhiều vị Đại Sư truyền đạo tại xứ này từ thế kỷ thứ nhất như Ngài An Thế Cao v.v... nhưng giai đoạn đầu này là giai đoạn chuyển tiếp, nên Phật giáo còn giới hạn ở một phạm vi quần chúng nào đó, chưa đi vào đại bộ phận của nhân dân và triều đình. Mãi cho đến đời nhà Lương (thế kỷ 6) và đời nhà Đường (thế kỷ 7 và 8) mới là thời mà Phật giáo thịnh hành tại xứ này.

Vua Lương Võ Đế là một vị vua rất nhân từ, lấy tinh thần Phật học áp dụng vào phép trị nước an dân, cho xây dựng nhiều chùa viện rất nguy nga, tiếp Tăng độ chúng, tiếp đãi những người hiền, chiêu dụ họ ra làm quan để giúp vua giúp nước. Kinh Lương Hoàng Sám cũng do nhà vua sáng tác qua sự chỉ dẫn của Hòa Thượng Chí Công, một vị Đại Sư đương thời rất được nhà vua cũng như trăm họ ngưỡng mộ. Hoàng hậu Y Thị chết không siêu, nên đã báo mộng cho nhà vua và nhờ đó mà phép Sám Hối theo kinh Lương Hoàng Sám đã được ra đời. Nhà vua sám hối cho mình, cho Hoàng hậu và cho tất cả các loài chúng sanh khác trong lục đạo luân hồi. Mặc dầu Ngài Bồ Đề Đạt Ma quở vua Lương Võ Đế là chỉ biết tu phước và chưa biết hướng về cái Đức để trị dân, nhưng cũng chính nhờ cái phước đó mà nhân dân trăm họ đều hưởng ơn vua. Trung Quốc dưới thời kỳ trị vì của vua Lương Võ Đế là một trong những thời kỳ thịnh hành nhất của Phật giáo, có thể sánh với Asoka Đại Đế của Ấn Độ vậy.

Đến nhà Đường có lẽ là thời kỳ cực thịnh nhất của Phật giáo Trung Quốc. Trong thời kỳ này xuất hiện các bậc danh Tăng như Ngài Huyền Trang, mà lịch sử Phật giáo Trung Quốc cũng như Phật giáo thế giới không thể nào quên ơn được. Nếu không có Ngài Huyền Trang thì tinh thần Phật giáo Đại Thừa khó mà có cơ phát triển tại các xứ như Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam. Đây là một nhân vật lịch sử của Phật giáo đã dụng công tu luyện và suốt cả cuộc đời lo phiên dịch kinh điển từ tiếng Sanskrit sang tiếng Trung Quốc. Cho đến cuối đời, Ngài vẫn còn thể hiện được hạnh nguyện cao cả này mà rất hiếm các bậc đại sư có được.

Sở dĩ Ngài có được sự ưu việt đó cũng nhờ vào thế lực của vua Đường một phần, mà cũng nhờ vào nhân duyên khế hợp tinh thần Bồ Tát Đạo của Ngài đối với chư Tăng và Phật tử đương thời. Những gì thuộc về tư tưởng của Phật giáo, Ngài mang về từ xứ Ấn Độ đã bổ sung và làm cho giàu có thêm nền học thuật và tư tưởng của Trung Quốc lúc bây giờ. Người người đua nhau học Phật, Tăng cũng như tín đồ, nên nơi đâu cũng có đạo tràng xiển dương giáo pháp của Đạo Phật. Khi Phật giáo đã đi vào quần chúng, thế lực của Phật giáo lúc bây giờ rất mạnh, nhưng Phật giáo vẫn để cho Lão Giáo và Khổng Giáo phát triển song phương, nhằm duy trì những tập tục cổ truyền của dân tộc. Đến đời nhà Minh, thế kỷ 14, ảnh hưởng của Phật giáo tại Trung Quốc vẫn còn tương đối mạnh, nhưng đến đời nhà Thanh thế kỷ 19 - 20, thì Phật giáo trở nên yếu thế vì những lý do sau đây.

Lý do thứ nhất cũng từ chính trong hàng ngũ Tăng chúng mà ra. Chư Tăng, nhân việc phát triển của Phật giáo, lợi dụng cửa thiền để nương tựa hoặc thực hành những mục đích riêng tư, khiến cho đạo bị suy vi.

Lý do thứ hai là những Đạo sĩ lúc nào cũng mê hoặc vua quan bằng bùa phép và gièm pha những người phá trai phạm giới, khiến cho quần chúng và nhất là giới quan lại chán ghét Phật giáo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính, đẩy lùi Phật giáo vào trong bóng tối.

Lý do thứ ba không kém phần quan trọng là sự thể hiện lòng tin của quần chúng vào ba ngôi Tam Bảo. Khi Phật giáo bị suy đồi như thế, nhiều nhà Sư lợi dụng cơ hội này để mê hoặc tín đồ như bói toán, xem ngày tốt xấu, đoán xăm, bàn mộng, cầu đảo v.v... biến Phật giáo thành một đạo mê tín, ủy mỵ, ru ngủ con người. Trong các thời này thấy xuất hiện rất ít nhà Sư có danh phận lớn như Ngài Huyền Trang ở đời Đường nên Phật giáo rất khó có cơ hội để phát triển.

Chùa chiền vẫn còn đó, nhưng chỉ là đồ trang sức cho một thời đã qua. Giáo lý giải thoát của Đạo Phật rất ít người ứng dụng đến. Quần chúng rất đơn giản, nhưng cũng rất phức tạp. Vì tất cả từ đây mà ra. Cái gì mà nhân dân chấp nhận, thì cái ấy tồn tại lâu dài. Cái gì mà nhân dân chối từ, cái ấy e rất khó tồn tại. Nhân dân, quần chúng cũng như khách hàng, còn giáo pháp, giống như một món hàng. Nếu hợp với nhãn quan thì họ mua sắm để dùng, nếu không, họ lặng lẽ lánh xa. Lúc đó người bán hàng hay những vị lãnh đạo tôn giáo bắt buộc phải xem lại món hàng của mình tại sao bây giờ lại bị ế ẩm. Chỉ có những người ham rẻ mới mua hàng ế. Còn những người có tầm hiểu biết thấy xa, nhìn rộng thì xa lánh món hàng kém chất lượng này. Đây là một định luật mà các nhà làm tôn giáo, chính trị, văn hóa, xã hội, thương mại v.v... đều phải lưu tâm đến. Thông thường người bán hàng chỉ muốn bán những điều mình đem rao, nhưng lại quên rằng phải bán những điều gì người khác cần mua mới đúng. Bởi vậy giáo lý của Đạo Phật phải khế hợp với căn cơ, trình độ và hoàn cảnh của con người trong từng thời đại thì giáo lý ấy mới mong có cơ hội đứng vững trong cuộc đời.

Như vậy, con người muốn gì trong Đạo Phật? Đơn giản lắm. Người Phật tử đi chùa muốn cho tâm mình được an, phước mình được hưởng và xa hơn nữa, quả vị giải thoát cũng muốn cận kề. Ở nhà tâm đã không an, nhưng vào chùa còn bất an hơn thì người Phật tử phải suy nghĩ lại về cuộc sống của Tăng sĩ nơi đó, họ có hành trì giới luật không? Họ có tu học tinh tấn không? Người Phật tử biết rằng bố thí thì sẽ được phước đức. Nhưng sự bố thí ấy phải dựa trên nền tảng trí tuệ chứ không phải chỉ có từ bi. Vì lẽ, người Phật tử tại gia vẫn còn phân biệt nhị nguyên giữa người bố thí và kẻ được bố thí. Chỉ trừ người nào ứng dụng được phương pháp y pháp bất y nhơn. Nghĩa là nương vào giáo pháp của Đức Phật để tu, chứ không y cứ vào con người, thì những loại người này rất quý và rất hiếm. Tìm được những loại người này không phải dễ. Ngoài ra việc tu học giải thoát cũng có một số người tìm cầu. Nếu chư Tăng và chùa viện không giải quyết cho họ được những nhu cầu này thì Đạo Phật trở nên tiêu cực. Sự tiêu cực ấy căn bản là đến từ người lãnh đạo.

Đến đầu thế kỷ 20, năm 1923 trở đi, tại Trung Quốc có Ngài Thái Hư Đại Sư là một bậc Pháp sư đạo cao đức trọng đã đứng ra vận động chấn hưng Phật giáo dựa trên 3 điểm là: giáo quyền, giáo chế và giáo sản. Đây có thể cũng là điều mà Ngài đã ảnh hưởng chủ trương của Tôn Dật Tiên về Tam Dân Chủ Nghĩa chăng? Đó là: Dân sinh, dân tộc và dân quyền.

Giáo quyền ở đây có thể hiểu là Giáo Hội. Giáo Hội gồm có Tăng Ni và tín đồ, cần phải cách mạng lại. Vì lâu nay những gì Giáo Hội làm đã không được quần chúng hưởng ứng, nên bây giờ cần phải cách mạng lại.

Giáo Chế ở đây được hiểu là quy chế tu học của giới xuất gia cũng như tại gia phải được sửa đổi lại. Có lẽ chư Tăng đã xa rời đời sống Tăng Sĩ của mình và Phật tử bị dẫn vào mê lộ, nên mới cần sửa đổi như vậy.

Giáo sản ở đây có nghĩa là tài sản của Giáo Hội. Tại Trung Quốc có rất nhiều chùa tư, thuộc về tư nhân, không liên hệ với đoàn thể Tăng Già, nên Ngài Thái Hư đã đề nghị như vậy cho việc hoằng pháp có ảnh hưởng hỗ tương cho nhau và tài sản phải được đưa về một mối thì mới mong kỷ cương của Giáo Hội được duy trì.

Trên đây là những điều thao thức của Ngài Thái Hư Đại Sư cho tiền đồ của Phật giáo Trung Quốc, nhưng cũng chỉ sửa đổi cho đến năm 1949 mà thôi. Lúc bấy giờ Trung Quốc đã bị chính quyền Đảng Cộng Sản cai trị. Họ đã triệt để triệt tiêu Phật giáo để Đảng Cộng Sản được tồn tại. Đây là một thảm họa của nhân loại từ Á sang Âu của đầu thế kỷ này. Gần một thế kỷ người Cộng Sản đã tồn tại và gần một thế kỷ họ chỉ gieo rắc hận thù, tang thương và đổ nát đến muôn nơi. Lịch sử cận đại đã nói lên điều đó, thiết tưởng thời gian và năm tháng còn lại sẽ trả lời cho sự hiện hữu hay ra đi của họ tại Trung Quốc cũng như nhiều nơi trên quả địa cầu này.

Sau đây là sự phát triển của Phật giáo tại Nhật Bản.

Nhật Bản trong hiện tại thế giới phải nghiêng mình. Lý do đơn giản là người Nhật đã tự chiến đấu để ra khỏi nghèo đói, nhất là sau thời Đệ nhị thế chiến họ đã thua trận. Có nhiều người bảo rằng: Sở dĩ người Nhật được như ngày hôm nay là nhờ tinh thần tự quyết của dân tộc, tự tồn của dân sinh, nhưng cũng có nhiều người bảo rằng: Người Nhật đã nhờ chiếc nôi văn hóa của Phật giáo bảo bọc. Có lẽ cả hai lý luận ấy đều đúng. Nếu chỉ đứng về một phương diện để nhìn một cách phiến diện thì không còn là người Nhật và nước Nhật ngày hôm nay nữa.

Kỹ nghệ hóa từ thời vua Minh Trị Duy Tân (Meiji Ishin) 1868 đến nay gần 150 năm, nước Nhật ngày nay đã qua mặt Mỹ Châu và Âu Châu về vấn đề kỹ thuật và hiện là một người anh cả xứng đáng của Á Châu. Người Nhật biết giữ cái cũ và chấp nhận cái mới một cách dễ dàng. Họ học hỏi văn minh Âu Mỹ, nhưng gạn lọc lại để hòa đồng với văn minh của họ. Họ cũng chế tạo xe hơi, học hỏi từ kỹ thuật của Tây Phương vào thế kỷ 19, nhưng thế kỷ 20 này là xe hơi của Nhật. Phật giáo ngày nay tại Nhật có chừng 70 Đại Học và vô số trường Trung Học, Tiểu Học, Ấu Trĩ Viên, Cô Nhi Viện, trại dưỡng lão, khách sạn, trung tâm thương mại v.v... Có nhiều người thích Nhật nhưng cũng có lắm người không. Không phải vì vấn đề ganh tị cá nhân hay sự phát triển, mà sự khác biệt về địa lý cũng như phong tục tập quán. Ngôn ngữ dẫu khó đến đâu đi chăng nữa, người ta có thể học hỏi và làm quen được, nhưng phong tục tập quán thì mỗi dân tộc đều tự hào về mình và họ cố bám giữ lấy. Nếu đánh rơi mất phần này, xem như bị đồng hóa, có lẽ vì thế mà người Nhật cũng có một thế đứng riêng của họ cũng nên. Họ là một dân tộc thuộc đảo quốc, nên cũng dễ thâu nhận vào mà khó chi phát ra, vì vấn đề địa lý, nhân chủng của quốc gia này. Ví dụ như, khi thế giới thấy những trận động đất kinh hồn tại Kobe ở Nhật Bản năm 1995 vừa qua, ai cũng nghĩ là không ai dám đến định cư vùng này nữa, nhưng điều ấy đã lầm.. Ngày nay những ngôi nhà hiện đại vẫn mọc lên nơi đó. Họ phải chấp nhận để sống còn, vì họ là người Nhật. Chỉ đơn giản vậy thôi. Có ai trong chúng ta có thể nghĩ rằng một thước vuông đất tại Shinjuku mua để cất nhà từ 100.000 đến 200.000 đô-la Mỹ. Còn muốn rẻ hơn, vào trong núi tìm, ít nhất cũng 3.000 đô-la Mỹ một thước vuông và nơi động đất tại Kobe vừa rồi, giá cũng không dưới vài chục ngàn đô-la Mỹ một thước vuông. Đúng là tấc đất tấc vàng. Người Nhật cũng có thể đi ra ngoại quốc để lập nghiệp, nhưng rồi họ cũng trở về cố hương, vì họ không thể bỏ quê cha đất tổ của họ. Điều này cũng giống như người Trung Quốc, mặc dầu mấy đời con cháu của họ được sinh trưởng ra ở ngoại quốc, nhưng họ không bao giờ để cho con cái họ quên tiếng mẹ đẻ của họ và bao giờ cũng hướng về Trung Quốc là nơi cố quốc của nhiều người và nhiều đời. Người Nhật Bản cũng là một trong các dân tộc Á Châu nên cũng cùng quan điểm ấy.

Khi xã hội phát triển thì các tệ nạn khác của xã hội cũng phát triển theo, nên đã làm hoen ố đi phần nào văn minh của xứ Nhật nói riêng, cũng như nói chung khắp nơi trên thế giới, nhưng cái thiện bao giờ cũng phải thắng cái ác. Lúc bây giờ thì sự thật lại hiển bày. Cũng như thế ấy, suốt hai ba nghìn năm qua, các tôn giáo chơn chánh vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay, còn các chủ nghĩa, thay đổi không biết bao nhiêu là chính quyền. Các thế lực chính trị thay đổi từ lúc đời sống kinh tế tập thể sơ khai, đến thời kỳ đồ đồng, đồ đá, rồi đến các chế độ quân chủ độc tài, đến cộng sản, dân chủ pháp trị v.v... rồi đây còn thể chế nào xuất hiện nữa thì không ai biết được, nhưng thế giới luôn đổi thay, vì tánh bất ổn của nó. Tự thể của chính trị là một sự thay đổi, nên không thể so sánh với sự phát triển của tôn giáo được. Tôn giáo quý trọng ở lãnh vực tinh thần, bảo gọc giữ gìn những cái gì cũ kỹ. Trong khi đó khoa học và chính trị thì ngược lại, cái gì càng mới càng được ưa chuộng. Nếu hai điều này bổ sung được cho nhau thì thế giới có thể phát triển gần giống như một mô hình của nước Nhật trong hiện tại.

Trên đây chỉ là một ý niệm nhỏ về sự phát triển của nước Nhật ngày nay. Bây giờ chúng ta thử đi sâu vào cội nguồn căn rễ của xứ này từ những ngày đầu tiên khi Đạo Phật mới đến đây, xem thử Phật giáo đã đóng góp như thế nào cho xứ này?

Nhật Bản ngày xưa cũng ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa như Việt Nam và Đại Hàn đã ảnh hưởng. Vì vậy Phật giáo đến xứ này bằng chính người Trung Hoa buôn bán bằng thương thuyền với Nhật Bản. Nhưng cũng có sử liệu cho rằng: Phật giáo đến nước Nhật qua ngõ Đại Hàn. Nhưng giữa thế kỷ 5 - 6, Đại Hàn cũng giống như Việt Nam, đều dùng chữ Hán để giao dịch hằng ngày, nên có thể nói rằng Phật giáo Đại Hàn cũng đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của nền văn hóa Trung Quốc. Ngoài ra cũng có một số quý vị Tăng sĩ Nhật Bản qua thẳng Trung Quốc để học đạo, sau đó mang giáo lý này về truyền bá lại cho nước Nhật, trong đó có Ngài Dogen là một trong những Thiền Sư thuộc Tào Động Tông lúc bấy giờ. Đạo Phật đến nước Nhật cũng như Đạo Phật đến Trung Quốc thuở xưa. Vì lẽ văn hóa của Phật giáo hòa nhập vào văn hóa của dân tộc nên người Nhật cũng đã chấp nhận Phật giáo một cách dễ dàng.

Các vị Thiền sư Nhật Bản qua Trung Quốc học Thiền và Tịnh Độ cũng như Mật Giáo. Đây là 3 môn phái chính của Phật giáo Đại Thừa. Ngoài ra Hoa Nghiêm Tông, Pháp Tướng Tông, Thành Thật Tông v.v... cả 10 Tông phái của Trung Hoa đương thời cũng đã được truyền sang Nhật Bản. Ngoài những giáo lý căn bản này, các vị Thiền sư Nhật còn học võ đạo, kiếm đạo, thi đạo, trà đạo và nhất là nghệ thuật biến chế suối nước nóng thiên nhiên để chữa bịnh cho dân chúng cũng rất thành công thuở bấy giờ và ngay cả bây giờ. Trung Hoa cũng có trà đạo, thi đạo và võ đạo, nhưng những loại này khi du nhập vào Nhật Bản đã biến thành của người Nhật, chứ không còn của Trung Hoa nữa. Đây là cách hấp thụ tài tình của người Nhật, để không trở thành kẻ lai căn, mất gốc và nhất là đánh mất đi nền văn hóa cá biệt của mình. Đây là sự thành công rất lớn của Phật giáo cũng như dân tộc Nhật Bản mà trên thế giới ít có dân tộc nào làm được.

Những ngày tháng phôi thai của Phật giáo mới truyền vào đã được quần chúng hấp thụ một cách nhanh chóng trong thế kỷ 6, để chỉ cần một thế kỷ sau, ảnh hưởng của Đạo Phật đã lan rộng vào chốn cung đình. Trên từ vua quan, hoàng hậu, thứ phi, dưới đến bàn dân thiên hạ. Tất cả đều quy ngưỡng về Phật giáo. Đó là thời Thánh Đức Thái Tử (Sotoku Taishi) trị vì vào thế kỷ 7 tại Nhật Bản. Vị vua này đã áp dụng ngũ giới của nhà Phật vào hiến pháp để trị dân, giống như vua A Dục đã làm tại Ấn Độ cách đó 1.000 năm về trước. Mỗi ngày nhà vua quay về hướng đông lạy 7 lạy để tôn kính 7 vị Phật trong quá khứ, trước khi lâm triều. Thời này các vị Tăng sĩ cũng được mời tham dự các công việc quốc sự. Vì lẽ thuở bấy giờ, trong dân chúng Tăng sĩ là từng lớp được trọng vọng nhiều nhất sau các bậc quan quyền. Không phải vì họ có địa vị, chức tước, phẩm quyền, mà vì họ có học. Tam Tạng kinh điển bằng chữ Hán, nếu học cho hết được, đây cũng là một đại tác phẩm văn hóa cho cuộc sống tâm linh, mà các vị Sư Tăng là những người tiêu biểu. Vả lại cuộc sống thanh bần của các Ngài cũng đã làm cho nhân dân cũng như triều đình khâm phục, nên nhờ thế mà Phật giáo có một chân đứng rất vững chải trong cuộc sống tâm linh của mọi người. Các Ngài tuy có quyền uy trong chính quyền với tư cách là cố vấn cho nhà vua, nhưng các Ngài không tham danh vọng. Tính thoát tục đó đã là một bài học cao quý và đáng tin tưởng cho mọi người rồi.

Đạo Phật phát triển mạnh nhất có thể nói là thời của Thánh Đức Thái Tử trị vì và ngày nay nếu có ai đó đến Nhật Bản, tìm đến Nara, nơi cố cung này vẫn còn những ngôi chùa như Horyuji ghi đậm nét văn hóa của thời Thánh Đức Thái Tử. Hơn 1.000 năm đã trôi qua trong lịch sử, nhưng chắc chắn rằng nhiều ngàn năm khác trong tương lai dân tộc Nhật Bản cũng không bao giờ quên công lao của các bậc quân vương, của các bậc quốc sư đã mang đạo Phật vào xã hội Nhật và đó là nền tảng của xã hội Nhật Bản ngày nay. Chùa Todaiji tại Nara cũng còn sừng sững với gió sương, mặc dầu đã trải qua nhiều năm tháng. Đây là kiến trúc, là nghệ thuật tiêu biểu thời vàng son của Phật giáo dưới thời Thánh Đức Thái Tử trị vì.

Đến thế kỷ 10, 11 và 12, Phật giáo phát triển mạnh hơn và trong lúc này các vị Tổ Sư của Nhật Bản đã xuất hiện để minh thị giải bày giáo lý Đạo Phật hoàn toàn theo nhãn quan của Phật giáo Nhật Bản. Đó là Ngài Shinran Shonin của Tịnh Độ Chơn Tông và Ngài Nichiren Shonin của Pháp Hoa Tông. Sau đây chúng ta sẽ đi vào chi tiết về 2 tông phái này.

Ngài Shinran Shonin chủ trương và cũng là giáo tổ của Tịnh Độ Chơn Tông tại Nhật Bản, Tông này được thành lập từ thế kỷ thứ 13 tại Nhật. Đây cũng là một Tông phái mạnh nhất và có số tín đồ đông nhất tại đảo quốc 99% theo Phật giáo này. Đức Phật Thích Ca lúc còn tại thế đã giới thiệu cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà cho Hoàng hậu Vi Đề Hy khi bà còn ở trong ngục thất, do A Xà Thế, con mình ám hại. Ngoài ra tại Kỳ Viên Tịnh Xá ở nước Xá Vệ, Đức Phật cũng đã nói kinh A Di Đà, diễn tả về thế giới Cực Lạc để chúng sanh khi lâm chung, phát nguyện vãng sanh về đó để gặp Đức A Di Đà và hai vị đệ tử hầu cận của Ngài là Đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát. Xuất xứ từ Ấn Độ rồi được truyền qua Trung Hoa, từ Trung Hoa truyền qua Nhật Bản. Kể từ thời Đức Phật đến thời Tông này được thịnh hành ở Nhật Bản là 1.800 năm. Sau 1.800 năm giáo lý Đại Thừa Tịnh Độ Tông đối với Nhật Bản hay nói đúng hơn là người Nhật, là của riêng xứ sở mình, chứ không phải từ chỗ khác đến. Ngày nay vào chùa Nhật, họ chỉ thờ Tổ, có rất ít chùa thờ Phật Thích Ca hay ngay cả Đức Phật A Di Đà là giáo chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc nhưng họ thờ cũng khiêm nhường hơn là vị giáo tổ của họ. Điều này đã nói lên tinh thần quốc gia của xứ Nhật. Đây là một điều hay, nhưng ngược lại cũng là một điều dở. Vì khi dạy cho tín đồ, chư Tăng không giải thích hết cội nguồn, từ đâu mà Đạo Phật đến Nhật và do đâu mà Đạo Phật được tồn tại đến ngày hôm nay. Phật giáo Nhật Bản chủ trương “Tức thân thành Phật”. Nghĩa là sau khi chết sẽ thành Phật, cho nên có rất nhiều tín đồ tin rằng không có đời sau. Vì ai cũng thành Phật cả. Đây có thể cũng là một chủ trương rất táo bạo của Phật giáo Nhật Bản mà ít có quốc gia Phật giáo nào có thể làm. Dĩ nhiên theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca, tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, với tánh Phật này tu hành sẽ thành Phật. Nhưng khi nào thành Phật lệ thuộc vào người hành đạo. Lâu hay mau không hạn định, không phải chỉ giới hạn trong một đời người. Ngay Đức Phật ngày xưa, Ngài đã bao nhiêu kiếp làm chim muông, hùm beo, sư tử... để rồi tái sinh thành người tu hành tinh tấn mới thành Phật được trong kiếp này. Còn tất cả chúng ta, chúng sanh trong cõi Dục giới này, mặc dầu làm được thân người đã là quý hóa lắm rồi, nhưng nếu không tu hành chơn chánh vẫn bị đọa lạc trầm luân như thường, không phải ai cũng có thể thành Phật được.

Giáo lý của Đức Phật A Di Đà dạy nương vào tha lực, nhưng tự lực nếu không thực hiện thì nghiệp chướng vẫn còn đó, không ai có thể làm cho mình tiêu trừ nghiệp của mình, ngoại trừ mình ra. Mỗi chúng sanh đều có tội lỗi. Tội lỗi ấy cho dù chỉ nhỏ nhoi như một hạt cát nhỏ, nhưng khi bỏ vào trong nước cũng phải chìm, nghĩa là vẫn phải thọ nghiệp. Ngược lại, tuy một tội khác to lớn hơn, giống như tảng đá, nhưng nếu có ghe thuyền chở thì tảng đá kia vẫn nổi. Thuyền ở đây ví dụ cho tha lực của chư Phật. Với tha lực ấy có thể giúp chúng ta được về Cực Lạc, nhưng phải hiểu rằng khi về đó, hạt cát vẫn là hạt cát, tảng đá vẫn là tảng đá, chứ tảng đá không biến thành hạt cát và hạt cát cũng không thể tự tiêu hủy được. Nếu mình không tự tu hành thì tội lỗi, nghiệp chướng không thể tự tiêu trừ. Về được thế giới Cực Lạc là duyên tốt, nhưng không phải ai cũng nhờ đó mà tự nhiên thành Phật. Phải tự mình nỗ lực tu hành qua nhiều kiếp mới sanh lên được thượng phẩm thượng sanh, mới đến điểm cuối cùng của Bồ Tát Thập địa. Còn phải trải qua vô số năm tháng ngày giờ người ta mới có thể thành được đạo quả Vô thượng ấy. Cho nên, chủ trương ấy của Đạo Phật Nhật Bản chỉ có thể khẳng định được một điều là con người có khả năng thành Phật và khi đã về thế giới Cực Lạc rồi thì không còn bị luân hồi sanh tử nữa, và do đó sẽ dần dần thành tựu Phật quả. Hiểu như vậy thì đúng hơn là sẽ thành Phật liền ngay sau khi chết.

Đó là Tịnh Độ Chơn Tông, còn Nhật Liên Tông thì chủ trương lấy kinh Pháp Hoa làm chủ yếu. Tông phái này do Ngài Nichiren Shonin khai sáng ra, nhưng đặc biệt phẩm Phương Tiện thứ 2 và phẩm Như Lai Vô Lượng Thọ thứ 16 hầu như được trì tụng hằng ngày và triển khai trong mọi vấn đề thuộc phạm vi giáo lý.

Ngài Nhật Liên thành lập Tông này vào giữa thế kỷ 13. Ngài chủ trương rằng: Đức Thích Ca Mâu Ni là Phật đã đi vào quá khứ, hiện tại phải có Phật ra đời để giáo hóa chúng sanh như trong tinh thần của phẩm Như Lai Thọ Lượng có nói. Vì vậy sau khi Ngài Nhật Liên tịch diệt, các tín đồ Phật giáo theo Tông này tại Nhật đã tôn xưng Ngài gần như là một vị Phật tái thế ở kiếp này. Thế kỷ 13 là thế kỷ mà Mông Cổ quấy phá khắp Á Châu và qua đến tận Âu Châu, đâu đâu cũng khiếp sợ giặc Mông Cổ xâm lăng. Lúc bấy giờ Ngài Nhật Liên có làm một công hàm gởi lên triều đình gọi là: “Lập chánh an quốc luận”. Đây là một bản tấu nói về cách an dân trị nước và chống ngoại xâm. Triều đình lúc bấy giờ không tin lời dự ước của Ngài là quân Mông Cổ sẽ tấn công sang đến Nhật, nên đã đày Ngài lên nhốt tại đảo Sado. Sau đó quả nhiên quân Mông Cổ đến và chiếm xứ Nhật, giống như những gì Ngài đã dự đoán, nên triều đình lại tha cho Ngài về và lúc bấy giờ dân chúng ca ngợi Ngài như là một bậc Thánh nhân.

Ngày nay tại Tokyo, khu Shinagawa gần nhà ga Gotanda có một Đại Học Phật giáo của Nhật Liên Tông đã thành lập hơn 100 năm cũng mang tên là Risso (Lập Chánh). Lập Chánh cũng có nghĩa là tự lập chính sách của mình trong cách an dân trị nước mà cũng có nghĩa là thành lập Tông phái chánh tông để giúp dân giúp nước vậy. Đây là một nhà tư tưởng lớn của Phật giáo Nhật Bản, nên cuộc đời của Ngài cũng dệt nên rất nhiều huyền thoại. Ví dụ như khi được triều đình tha bổng từ Sado trở về đất liền Ngài đã dùng thần thông đi trên mặt nước không cần thuyền bè. Khi bị đi đày thì sóng to gió lớn, nhưng nhờ thần lực của Ngài nên sóng yên biển lặng.

Ngày nay Tông này chia ra làm 3 phái chính. Đó là: Nichiren Shonin (Nhật Liên Chánh Tông), Risso Koseikai (Lập Chánh Giảo thành hội) và Sokagakkai (Sáng Giá học hội). Nhật Liên Chánh Tông thì duy trì những chùa viện cũ từ thế kỷ 13 đến nay và cách đào tạo Tăng sĩ có tính cách cổ truyền. Ví dụ, những ai muốn làm trụ trì một ngôi chùa của Tông này thì trong suốt cuộc đời tu sĩ ấy phải đi tu 3 tháng khổ hạnh gọi là Aragyo, mỗi ngày vào mùa Đông tắm nước lạnh nhiều lần, để râu tóc không cạo và ăn cháo đạm bạc. Những ai không kham nổi đời sống này, rất khó được tín đồ tin cậy.

Risso Koseikai cũng là một phái từ Nhật Liên Chánh Tông mà ra. Phái này do Ngài Nichidatsu (Nhựt Đạt) đề xướng vào đầu thế kỷ 20 này. Phái này chủ trương hòa bình của thế giới phải tôn trọng, không được dùng bom nguyên tử và chất hóa học để giết hại lẫn nhau, có ít nhiều màu sắc chính trị chủ hòa.

Phái Soka Gakkai (Sáng Giá học hội) được thành lập bởi một Cư sĩ Phật giáo tên là Ikeda, vào sau Đệ nhị thế chiến. Phái này chủ trương mang đạo vào đời và phải thực tiễn giúp đỡ mọi người trong hai lãnh vực vật chất cũng như tinh thần. Các tín đồ của giáo phái này tự giúp đỡ với nhau về công ăn việc làm và học hỏi giáo lý với nhau. Họ có tài sản rất lớn như Đại Học riêng, Tổ đình riêng và có một đảng phái có chân trong Quốc Hội lấy tên là Komeito (Công Minh Đảng). Đảng này chính thức lấy giáo lý của kinh Pháp Hoa làm trọng tâm để hoạt động. Vị trí của các Tăng sĩ trong phái này chỉ có tính cách lễ nghi, các việc hành chánh và truyền bá giáo lý đều do các Cư sĩ nhiệt tâm lãnh trách nhiệm. Kể ra cũng đáng tán thưởng cho việc hiện đại hóa Phật giáo của giáo phái này, nhưng nhiều khi vì tiền bạc và thế lực có sẵn, người ta dễ đi vào chỗ hối mại quyền hành, tìm cách che giấu thủ đoạn chính trị v.v... mà điều này ngay từ lúc ban đầu Đức Phật đã chối từ để xuất gia tu hạnh giải thoát.

Vua Minh Trị (Meiji) là một vị vua rất được dân chúng Nhật Bản tôn sùng. Ông ta trị vì vào cuối thế kỷ 19. Năm 1868 có cuộc canh tân mọi guồng máy tổ chức trong chính quyền theo chế độ quân chủ lúc bấy giờ và lấy mẫu mực của văn hóa, kỹ thuật Tây Phương để áp dụng vào nước Nhật cho đến ngày nay. Ông là thân phụ của vua Taisho (Đại Chánh). Theo sách sử nói, ông vua Đại Chánh có bệnh tâm thần, có lẽ đó là một cái bệnh chung của các dòng họ vua chúa trên thế giới qua tính di truyền. Hoàng tộc họ lấy nhau và vì máu huyết không hợp nhau, nên sanh ra chứng bịnh ấy, gọi là bịnh Hoàng Tộc. Nhưng trong đời của ông đã triệu tập được những bậc danh Tăng để nhuận sắc lại trọn bộ Tam Tạng kinh điển bằng chữ Hán 100 quyển và sau này có sửa đổi ít nhiều nên gọi là Đại Chánh Đại Tạng Kinh và Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh.

Đến thời con vua Đại Chánh là vua Showa (Chiêu Hòa), vị vua này đã trải qua một giai đoạn lịch sử sôi động nhất của nước Nhật trong 2 kỳ Đệ nhất và Đệ nhị thế chiến. Nhật đã thua trận với Mỹ vì 2 quả bom ở Hiroshima và Nagasaki, nhưng ngược lại nhờ sự thua trận đó mà người Nhật đã cố gắng vươn lên, mà ngày nay thế giới phải cúi đầu khâm phục về sự phát triển kỹ nghệ trong thế kỷ 20 này.

Vua Chiêu Hòa băng hà, con ông là Thái Tử lấy niên hiệu Bình Thành (Hirasei) lên kế vị trong một đời sống ổn định về kinh tế cũng như ngoại giao và vị trí chính trị trên thế giới mà ngày nay ít có nước nào có khả năng làm được.

Bốn đời vua của Nhật đã trải qua gần 150 năm, nước Nhật vẫn tiến bộ, mặc dầu các ông vua này không phải là Phật tử, vì họ có Thần Đạo của họ giống như Anh Giáo của Hoàng tộc xứ Anh, nhưng không thể nói họ là những người Thiên Chúa được. Thiên Chúa mặc dầu đến Nhật ngày nay đã hơn 400 năm nhưng chỉ có một phần trăm dân chúng tin theo, còn 99% kia là Phật giáo và Thần Đạo. Thần Đạo xét cho cùng cũng giống như Khổng Giáo tại Trung Hoa, do đó Đạo Phật rất dễ hòa đồng với các tôn giáo cổ truyền này.

Cuộc cách mạng của vua Minh Trị đã làm cho Phật giáo cũng bị ảnh hưởng lây. Do đó sư sãi, chùa viện cũng phải thay đổi. Có lẽ lúc đó chế độ cúng dường không còn được thừa nhận nữa, nên chư Tăng phải tự lực cánh sinh làm việc và từ đó đã sinh ra thế tục hóa cửa Thiền. Người Tăng sĩ lấy vợ, lập gia đình và sinh con đẻ cái. Đây không phải là một điều xấu so với xã hội Nhật Bản, nhưng là một điều rất lạ so với cái nhìn của các xứ Phật giáo trên thế giới ngày nay. Chẳng biết đây là một điều hay hoặc là điều dở, nhưng đó cũng là một điều thay đổi trong nội bộ Phật giáo qua sự tiến bộ của xã hội loài người. Vì vậy Phật giáo phải thích hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại chăng? Các nước Nam phương Phật giáo đa số vẫn còn trong đời sống nông nghiệp, cuộc sống của nông dân và Tăng sĩ tương đối nhàn hạ hơn, nhưng nếu một mai đây hay ngay cả Thái Lan trong hiện tại, kỹ nghệ phát triển như Nhật, lòng người chạy theo vật chất, không biết rằng họ có đủ thì giờ để đi chùa lễ Phật, nghe thuyết pháp như trong hiện tại không? Hay cũng chỉ đợi đến già, đến chết mới vào chùa và lúc ấy tôn giáo chỉ còn là một hình thức bán mua để linh hồn được thanh thản nơi non Bồng nước Nhược?

Đạo Phật khi còn thịnh hành tại bất cứ xứ nào, chính giáo lý ấy đã đóng góp cho học thuật, văn hóa, ngôn ngữ một cách đa dạng và làm thăng hoa cuộc sống tâm linh của con người. Nhưng khi Đạo Phật tàn suy, vì lý do bên trong hay ngay cả bên ngoài, Phật giáo chỉ còn là một tôn giáo để cầu đảo. Mặc dầu Đức Phật không phải là một vị thần, nhưng nhiều người đã lầm Ngài là một vị thần có đầy đủ quyền uy để ban ơn giáng họa trong việc cầu đảo. Các vị sư tăng trong giai đoạn Đạo Pháp suy vi này cũng chỉ là những người môi giới để biến những giáo điều vốn dĩ một thời thịnh hành ấy thành một phương tiện phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của mình.

Đó có lẽ là một định luật thịnh suy trong cuộc đời, chúng ta phải chấp nhận. Cây có lúc non lúc già, người có lúc đau lúc mạnh, trời đất có xuân, hạ, thu, đông, thì giáo pháp của Đức Phật cũng phải trải qua các thời kỳ sanh, trụ, dị, diệt mà thôi.

Sau khi khảo sát về Phật giáo đối với dân tộc Nhật Bản, giờ đây chúng ta tìm hiểu sang nước bên cạnh. Đó là Đại Hàn.

Sau Đệ nhị thế chiến (1939-1945), Đại Hàn cũng bị chia đôi như Việt Nam (1954-1975). Miền Nam Đại Hàn theo chế độ dân chủ. Miền Bắc Đại Hàn theo chế độ cộng sản. Cả hai miền trước thế chiến vẫn chỉ là một như Việt Nam thuở nào. Ngày xưa Đại Hàn cũng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa rất mạnh, nên tất cả các học thuật, tư tưởng, giáo dục v.v... và nhất là tôn giáo đã chi phối xứ này và ngay cả ngày hôm nay văn tự của Đại Hàn và Nhật Bản cũng dùng đến 50% tiếng Trung Hoa. Chỉ có Việt Nam là được thoát xác, kể từ khi chữ quốc ngữ được thịnh hành vào đầu thế kỷ thứ 20 này.

Khi Đạo Phật được du nhập Đại Hàn từ thế kỷ 3 qua ngõ Trung Quốc, Đạo Phật đã phát triển một cách cực thịnh ở những thế kỷ 10, 11 và 12 để từ đó đến những thế kỷ 17, 18, 19 lại đi xuống đến bây giờ. Đến thế kỷ 20 này hầu như vị trí của Phật giáo còn ảnh hưởng rất ít đối với người dân Đại Hàn. Có dịp thăm các chùa, tu viện Phật giáo Đại Hàn như Tondosa (Thông Độ tự), Bukkoksa (Phật Quốc tự), Heiinsa (Hải Ấn tự), phải thành thật nói rằng Trung Hoa, hay ngay cả Nhật Bản cũng chưa có ngôi chùa nào tiêu biểu được như thế. Vì các chùa này đều nằm trên núi cao, mà cách năm bảy trăm năm về trước, chỉ với sức người mà đã xây dựng được như vậy. Quả là điều đáng khâm phục vô cùng. Đây có lẽ do hậu ý của những vị Thiền sư ngày xưa, sống xa mùi tục lụy, phú quý vinh hoa, chỉ muốn vui với cỏ cây hoa lá và rời xa chốn thị thành để tâm cũng như thân được thanh tịnh. Và chính cũng nhờ những vị Thiền sư nổi tiếng, nên dầu núi cao muôn ngàn hiểm trở, người Phật tử vẫn tìm đến để quây quần học đạo. Còn bây giờ nếu ai đó có dịp đi Đại Hàn, khi đến thành phố tham quan, chỉ thấy toàn là thánh giá chứ ít thấy chữ Vạn của Phật giáo. Điều đó chứng tỏ rằng không phải vì người Đại Hàn mến đạo Chúa hơn đạo Phật nên theo, mà vì lẽ xã hội phát triển, con người ít thì giờ hơn, họ muốn trong một số thời giờ nhất định phải làm một số việc nhất định, vì vậy thành phố là nơi tiện lợi nhất để họ đi lễ bái nguyện cầu, mà chùa chiền ở đây không có, bắt buộc họ phải đi nhà thờ để tâm họ được an hơn. Điều này có thể nói lên được cái không thức thời của Phật giáo Đại Hàn. Đức Phật đã vì sự đau khổ của chúng sanh mà thị hiện ra đời này, thì Phật giáo Đại Hàn cũng phải vì sự phát triển của đất nước mà phải mang đạo vào đời mới đúng. Hay họ sợ những biến đổi như Nhật Bản? Bề nào thì lợi hại cũng vẫn có, nhưng điều căn bản là cái nào thuận lợi hơn thì phải chấp nhận trước.

Có một vài Đại Học Phật giáo tại Đại Hàn, ngày nay trong phân khoa Phật Học chỉ còn chừng 10 sinh viên ghi tên học. Trong khi đó các phân khoa khác của Đại Học này lại giảng dạy giống như ở các đại học bình thường. Điều này đối với những người Phật tử là một việc đáng buồn, nhưng không biết tại sao chư Tăng Đại Hàn không làm một cuộc cách mạng để sửa đổi những sự suy thoái này? Đâu phải Đại Hàn không có người tài? Riêng tôi đã có dịp đi Đại Hàn vào năm 1993 và đã thăm nhiều Phật Học Viện của Tăng cũng như Ni. Nơi đây đào tạo cả hàng trăm, hàng ngàn Tăng Ni sinh có bằng cấp Đại Học, nhưng sau khi tốt nghiệp xong không biết họ đi đâu và họ làm gì? Tại sao tệ trạng tâm linh của xã hội Đại Hàn lên cao như thế mà Phật giáo chẳng có một tiếng nói nào?

Các xứ Phật giáo Á Châu trong hiện tại đã thay đổi vị trí của mình và nhiều dân tộc ở Á Châu như Phi Luật Tân không còn giữ bản sắc của mình là một quốc gia Á Châu nữa. Nền văn hóa của quốc gia này gần như Âu Châu. Còn Đại Hàn, nếu chư Tăng và Phật tử tại xứ này không thức thời, chắc chắn vị trí của Phật giáo sẽ không còn ảnh hưởng nữa đối với nhân dân cũng như chính quyền như những thời xa xưa. Bù vào đó các xã hội Âu Mỹ cũng đã thay đổi niềm tin. Phật giáo đang bắt đầu mọc rễ tại nơi đây và đẩy lùi đi những tín điều cực đoan của các tôn giáo khác. Hay đây là một sự hoán cải tâm linh của vũ trụ? Tôi không cho rằng tôn giáo nào tốt hơn tôn giáo nào cả. Chỉ có con người làm xấu đi, chứ bản thể của Đạo thì không xấu mà cũng chẳng phải không tốt.

Ngược lại Đài Loan là một đảo quốc rất nhỏ nhưng Phật giáo phát triển rất mạnh, nhất là từ khi Tưởng Giới Thạch đến đây từ năm 1949. Trước khi ông Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng chạy sang đây, tại đảo quốc này cũng đã có các sắc dân địa phương sinh sống. Kể từ đó đến nay gần 50 năm xây dựng thể chế dân chủ tại xứ này, Đài Loan trong hiện tại là một trong những nước có nguồn ngoại tệ dự trữ quốc gia lớn nhất thế giới. Vì đâu họ có được lợi thế này? Có lẽ vì nhờ mất mát hết tất cả, chỉ chạy sang đây bằng hai bàn tay trắng từ lục địa Trung Hoa, nên họ phải cố gắng tạo dựng cho họ một thế đứng tại đảo quốc này chăng? Đài Loan ngày nay không còn là Đài Loan của 30 năm trước nữa, mà là một Đài Loan tiến bộ về mọi mặt kỹ thuật. Song song theo đó, Phật giáo đã phát triển một cách nhịp nhàng với sự tiến bộ của khoa học xứ này.

Người Đài Loan tin vào phước đức, nên sự cúng dường vào chùa của họ để cầu phước rất nhiều. Nhờ đó mà chùa chiền, tự viện mọc lên vô số kể tại đảo quốc này. Có chùa lớn hơn cung vua, ví dụ như chùa Phật Quang Sơn ở Đài Nam và một số chùa khác ở Đài Trung và Đài Bắc. Các chùa đều có các Phật Học Viện hay Đại Học và Trung Học Phật giáo. Có các trường cho cô nhi, có nhà dưỡng lão cho những người già cả và có nhà thương thí để giúp đỡ những người nghèo. Hoạt động xã hội của Phật giáo tại Đài Loan cũng rất tích cực. Có nhiều đoàn thể cứu tế giúp đỡ thế giới bên ngoài như thiên tai, bão lụt, hạn hán, núi lửa, động đất v.v... Phật giáo tại xứ này đã xứng đáng tạo dựng được những môi trường cứu tế ấy để Phật tử có nơi chốn mà thể hiện lòng từ bi của họ.

Trụ sở của Hội Phật giáo Tăng Già Thế Giới hiện đóng tại đây và có lẽ trong những năm tháng tới vẫn còn đóng tại đây mãi, vì sự phát triển Phật giáo tại xứ này. Nhưng có điều đặc biệt là tại Đài Loan giới nữ xuất gia nhiều hơn giới nam, nên chùa nào Ni cũng đông hơn Tăng, mặc dầu chùa đó do vị Tăng trụ trì. Điều này đúng hay sai, tốt hay xấu hãy để cho thời gian trả lời. Nhưng nhìn chung, sự phát triển của Phật giáo Đài Loan trong hiện tại chỉ nhằm vào việc tu tạo phước đức hơn là kiến tạo cho một xã hội Đài Loan có sự tu học giải thoát trong ánh sáng trí huệ của Đức Phật. Nếu người Phật tử chỉ chú trọng ở một phương diện tu phước để giàu có, còn quên tu huệ để được giải thoát, quả là điều thiếu sót vô cùng.

Âu Mỹ ngày nay sở dĩ biết đến Phật giáo nhiều là nhờ có sự hiện diện của Phật giáo Tây Tạng. Vậy chúng ta thử tìm hiểu về ảnh hưởng của Phật giáo tại xứ này.

Đạo Phật truyền vào Tây Tạng đến nay độ khoảng 1.400 năm lịch sử. Từ thế kỷ 6 đến nay Tây Tạng đã phát triển trong quốc gia của mình. Kể từ đầu thế kỷ 20 một số các nhà học Phật Âu Châu tới nghiên cứu Phật giáo tại xứ này, sau đó về nước, mang theo một ít kinh sách giáo lý của Mật Giáo Tây Tạng. Cánh cửa của Tây Tạng đã hé mở và một số các học giả Tây Phương có thể len lõi vào cõi tâm linh cao rộng ở xứ huyền bí trên dãy Hy Mã Lạp Sơn này. Đặc biệt năm 1949 khi Trung Hoa bắt đầu xâm lăng Tây Tạng, dẫn đến việc Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong sang Ấn Độ (1959) thì ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng đối với thế giới ngày càng được biết đến nhiều hơn.

Phật giáo Tây Tạng chuyên về trì chú và đi sâu vào trí tuệ bát nhã và các bộ luận. Nhưng điều đặc biệt hơn là Phật giáo Tây Tạng đã giải thích cũng như ứng dụng sự tái sanh một cách linh hoạt rõ ràng hơn các xứ Phật giáo khác. Tái sanh sau khi chết là điều Đức Phật đã dạy. Mà không riêng Đức Phật, Ấn Độ Giáo cũng nói về tái sanh. Nhưng khi giáo lý này được truyền sang Tây Tạng, họ đã ứng dụng một cách triệt để. Bằng chứng là sự hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chữ Đạt Lai có nghĩa là biển trí tuệ hay hoa sen trắng, còn Lạt Ma có nghĩa là một vị Thầy. Chỉ đơn giản thế thôi. Nhưng người Tây Tạng và cả thế giới ngày nay đều tin Ngài là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Đức Quán Thế Âm theo tinh thần của giáo lý Đại Thừa là có 32 hóa thân, có ngàn tay, ngàn mắt, biến hóa vô cùng để độ sanh như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Phổ Môn thứ 25 Phật đã thuyết. Ngài nguyên là một nam nhơn nhưng khi truyền qua Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam thì Ngài hóa thân thành nữ nhơn để tiếp độ bao nhiêu người đau khổ, nhất là nữ giới ở xứ này. Cũng tinh thần Đại Thừa ấy, nhưng Đức Quán Thế Âm vào Tây Tạng, Bhutan, Sikkim, Mông Cổ thì Ngài thị hiện bằng phép tái sanh nơi những nhà quyền quý hoặc dân dã và có vị trí cao nhất trong xã hội.

Truyền thống tái sanh của Tây Tạng bắt đầu phát xuất từ thế kỷ 10, do sự liên hệ giáo lý Đức Phật mà có được, một hình thức pháp quyền và vương quyền như Phật giáo Việt Nam thời thế kỷ 11, thuộc đời nhà Lý. Nghĩa là trong dân chúng thiếu người tài giỏi ra giúp vua trị nước, chỉ có nhà Sư là có điều kiện hơn, nên đã có nhiều vị Sư làm cố vấn cho vua. Ở đây cũng tương tự như vậy khi chư Tăng đã nắm quyền bính trong tay tại xứ Tây Tạng thì Phật giáo qua hình thức nào đó phải thể hiện lòng từ bi đối với muôn dân, nên hình thức của sự tái sanh do sự biến hóa của Đức Quan Thế Âm là hữu lý nhất, nên Phật giáo Tây Tạng đã chấp nhận giải pháp này.

Theo truyền thuyết tái sanh của Phật giáo Tây Tạng được hiểu như sau: Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trong hiện tại là hiện thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Làm sao để biết được điều đó? Đây là một số điều căn bản. Theo sách vở và lịch sử, trong đó có cuốn Freiheit im Exil (Tự do trong lưu đày) và cuốn Mein Land und Mein Volk (Đất nước tôi, nhân dân tôi) do chính Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết, chúng ta hiểu rằng:

Khi vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 viên tịch để lại một số pháp bảo mà Ngài đã dùng khi còn tại thế, ví dụ như tràng hạt, mũ, gậy, đồng hồ v.v..., có một hội đồng lo bảo quản những đồ vật ấy. Sau đó một thời gian sẽ có các vị Trưởng Lão lo việc đi tìm vị tái sanh. Sau khi đứa trẻ được xác nhận qua việc tái sanh bằng nhiều hình thức khác nhau được tạm gọi là đúng, thì đứa trẻ ấy được đưa về cung điện Potala để được dạy dỗ. Sau đó có một ngày làm lễ đăng quang, sau khi đã giảo nghiệm lần cuối về sự tái sanh của đứa trẻ, ví dụ như đọc thuộc lòng, hoặc làm chủ lễ cho một thời khóa tụng các kinh điển khó, mặc dầu đứa trẻ mới 5 hoặc 6 tuổi. Ai là cha mẹ của những đứa trẻ được chọn là một vinh hạnh cho dòng họ mình, nên đã có rất nhiều người muốn được vinh dự đó. Thế nhưng, tất cả phải qua các kỳ khảo hạch của Hội Đồng Giám Sát và Hội Đồng Trưởng Lão. Đây cũng là hình thức làm hiển thị giáo lý tái sanh của Đức Phật thời còn tại thế. Điều này xã hội Âu Châu rất khó chấp nhận, nhưng ngày nay tại Âu Mỹ đâu đâu cũng nghe nói đến việc tái sanh. Vì vô minh nên con người khó nhận diện được chỗ đi và chỗ đến của mình đấy thôi. Nếu đã có trí tuệ thì đường đi lối về hẳn nhiên mọi người phải biết mà tự chọn lựa lấy.

Đức Đạt Lai Lạt Ma trong hiện tại đã được thế giới kính trọng vì sự chủ trương hòa bình bất bạo động của Ngài cũng như tranh đấu hòa bình cho thế giới. Cái rủi của nhân dân Tây Tạng là bị Trung Hoa xâm chiếm, nhưng cái may của nước này là nhờ thế mà Phật giáo Tây Tạng đã được nở hoa khắp nơi trên thế giới ngày nay.

Trong chương hai này phần lớn chúng tôi đã trình bày cho quý vị hiểu qua về Phật giáo các nước theo Đại Thừa, bây giờ xin mời quý vị khảo sát qua ảnh hưởng của Phật giáo đối với con người qua các xứ Phật giáo Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt v.v...

Lẽ ra phải đi vào nội dung từng nước một, nhưng các nước Phật giáo Nam Phương đều dùng ngôn ngữ Pali là ngôn ngữ chính, do đó có nội dung hành đạo gần giống nhau, trong khi các nước theo Phật giáo Đại Thừa, mỗi nước dùng một ngôn ngữ riêng, nên Đạo Phật tại đó cũng bị ảnh hưởng ít nhiều với nền văn hóa bản xứ khi Đạo Phật được truyền vào.

Nam Phương Phật giáo là những quốc gia giữ được nguyên vẹn tinh thần truyền thống kể từ thời Đức Phật còn tại thế cho đến ngày nay, nhất là khi Phật giáo được truyền thẳng từ Ấn Độ qua Tích Lan vào thời vua A Dục và sau đó tiếp tục truyền vào các nước Đông Nam Á Châu khác. Tại đây chư Tăng và ngay cả Phật tử có thể tụng chung cùng một ngôn ngữ Pali khi hành lễ. Trong khi đó các xứ theo Đại Thừa Phật giáo thì không có thể làm như thế được. Cho đến ngày nay chư Tăng các nước Nam Phương Phật giáo vẫn còn đi khất thực hằng ngày và mỗi ngày chỉ ăn một bữa trưa. Mỗi năm đều có an cư kiết hạ vào 3 tháng mùa mưa. Đời sống chư Tăng vẫn 3 y và 1 bình bát, đi chu du giáo hóa khắp nơi. Họ thực tập thiền định và sống đời tỉnh thức. Việc tu gieo duyên như là bổn phận của một người nam trong một thời gian ngắn từ 3 tuần lễ đến 3 năm được thịnh hành tại Thái Lan, Lào và Cam Bốt. Đây cũng là một cơ hội tốt để mọi người hành trì giáo lý của Đạo Phật. Người Phật tử tại gia thường áp dụng Tam Quy Ngũ Giới, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và Thập Nhị Nhân Duyên vào trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy đi đến các xứ này, tuy thấy họ nghèo nàn hơn các xã hội vật chất Âu Mỹ, nhưng tâm hồn ai cũng rạng rỡ vui tươi. Nụ cười lúc nào cũng nở tươi trên khuôn mặt, nam cũng như nữ, khi giao tế với những người chung quanh. Đây cũng là một trong những cách sống của Đạo Phật, thà an bần lạc đạo, còn hơn là giàu sang mà không có được một nụ cười. Tiền bạc vốn là phương tiện của cuộc sống, chẳng phải là mục đích của con người. Vả lại tiền bạc cũng không mua được hạnh phúc và sự an lạc của tâm hồn. Chỉ có những người sống đúng tinh thần của Đạo thì kẻ ấy sẽ được an nhiên tự tại.

Ở các xứ Nam Tông Phật giáo, chùa viện là nơi đào tạo tăng tài và trong khuôn viên chùa lúc nào cũng có trường học cho dân trong làng đến học, từ lớp thấp cho đến lớp cao. Trong khi đó chư Tăng là những giáo sư về tâm linh lẫn ngôn ngữ và thế học cho người đời. Chư Tăng hiến dâng sở tu sở học của mình cho quần chúng Phật tử. Người tại gia có cơ hội làm ăn, buôn bán, nên họ đã sẵn sàng cung phụng cúng dường vật chất lên chư Tăng. Như vậy giữa đời sống tinh thần và đời sống vật chất có cơ hội gắn bó nhau. Dĩ nhiên một trong hai lãnh vực, mỗi bên phải chấp nhận lấy một, không ai có thể trọn vẹn cả hai lãnh vực cùng một lúc. Người Tăng sĩ không thể làm nhiệm vụ của người cư sĩ và ngược lại cũng thế.

Có nhiều người bảo, cứ theo Phật giáo Nam Tông mãi như vậy, kinh tế không phát triển phồn vinh như các xứ Phật giáo Bắc Tông. Điều này chưa hẳn đúng. Vì ngày nay Thái Lan cũng đang phát triển mạnh và nước này cũng theo Phật giáo Nam Tông. Hoặc giả nay mai Miến Điện và Tích Lan cũng trên đà phát triển ấy. Điều ấy chứng tỏ rằng văn hóa của Phật giáo không cản trở sự phát triển của nhân loại, mà Phật giáo giống như một dòng nước, chảy đến đâu sẽ hội tụ đến đó để khế hợp với hoàn cảnh tại mỗi nơi.

Đứng trên quan điểm của Phật giáo Nam Tông, họ nhìn Bắc Tông đều sai với nguyên tắc ban đầu của Đức Phật đã đặt ra, vì phương tiện mà đã sửa đổi phần nội dung của giáo lý. Trong khi đó đứng trên quan niệm của Phật giáo Bắc Tông thì thấy rằng Nam Tông bảo thủ, không chịu khế hợp với căn cơ của chúng sanh để phát triển xã hội và nhất là vấn đề tâm linh của con người. Nhìn từ phía nào thì cũng đều có cái đúng, cái sai, do vấn đề hoàn cảnh, địa phương hay tập tục gây nên, nhưng chúng ta cũng chớ quên một điều là giáo lý của Đạo Phật là vì con người mà tồn tại, chứ không phải tồn tại vì sự cá biệt này hay cá biệt khác của mỗi quốc gia. Giờ đây đã nhiều lần trên diễn đàn của Hội Nghị Phật giáo Thế Giới các nhà lãnh đạo tinh thần của hai phái Đại Thừa và Tiểu Thừa đều gọi chỉ có một Thừa. Đó là Bouddhayana (Phật Thừa) chứ không còn Đại hoặc Tiểu nữa.

Cũng có nhiều đề nghị đáng ghi nhớ là: Tất cả chư Tăng Nam Tông nên ăn chay và phía Bắc Tông nên mặc y nguyên thủy. Nếu Thế Giới Phật giáo chấp nhận được điều này, quả là điều rất lợi ích và thiết thực cho Thế Giới Phật giáo ngày mai, nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy một bóng y vàng và cùng với tha nhân đồng loại tôn trọng sự sống của các sinh vật khác bằng lòng từ bi, nên không ăn thịt của chúng sinh, dầu cho đó là loại tam tịnh nhục, như thời Phật còn tại thế đã cho phép chư Tăng dùng.

Đạo Phật đã gắn liền với vận nước của các dân tộc này từ hơn 20 thế kỷ qua, nên mỗi bước đi, nhịp thở của dân tộc cũng là mỗi tiến trình chuyển tiếp của Phật giáo đối với sự sống còn của mỗi dân tộc Nam Phương. Ngày nay mặc dầu tại Đông Nam Á Châu có nhiều xứ Phật giáo không còn là quốc giáo nữa, mà có nhiều người đã bỏ Phật giáo để làm tín đồ của các tôn giáo khác. Điều ấy nói lên sự tự do, mở cửa và tự do tín ngưỡng của con người, chứ quyết rằng chẳng phải Đạo Phật không còn hấp dẫn với con người nữa nên người ta mới theo đạo khác. Phải nhìn lại bối cảnh lịch sử về chính sách thực dân hóa của Phương Tây đối với các xứ Đông Nam Á Châu này thì ta hẳn rõ.

Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng cả hai nền văn hóa Phật giáo Bắc Phương cũng như Nam Phương. Vậy chúng ta thử khảo nghiệm xem Phật giáo đã đóng góp gì cho dân tộc này trong suốt dòng lịch sử mấy mươi thế kỷ qua?

Có 2 giả thuyết cho rằng Phật giáo Việt Nam phần lớn được truyền sang từ phương Bắc kể từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất do các vị Sư người Trung Hoa mang sang, nhưng cũng có thuyết cho rằng: Các nhà Sư Ấn Độ đi chung với các thương thuyền của người Ấn trước khi qua buôn bán với Trung Hoa thì những vị Sư này đã ghé qua Việt Nam. Nên có thể nói rằng Phật giáo đến Việt Nam trước khi đến Trung Hoa. Đây có thể cũng là một giả thuyết, còn đúng hay sai, nhiều người sẽ tìm hiểu thêm nữa. Khi các vị Sư Ấn Độ đến đây có lẽ họ nghĩ rằng chỉ ghé qua Việt Nam để dừng chân thôi, nên những năm tháng đầu tiên họ đã chẳng xây dựng một cơ sở nào để lại xứ Giao Chỉ lúc bây giờ, mà chỉ thấy ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa mạnh hơn. Có lẽ do sự đô hộ của người Trung Hoa mà dân tộc Việt ảnh hưởng văn hóa Hán tộc nhiều hơn, nên dễ chấp nhận những tư tưởng và học thuật đến từ phương Bắc chăng? Còn Phật giáo đến từ Ấn Độ còn xa lạ với ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán của người Việt Nam thì phải?

Nhưng dầu đến từ phương nào đi chăng nữa thì Phật giáo Việt Nam cũng đã đóng góp cho dân tộc Việt Nam rất nhiều qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước trong suốt dòng lịch sử của 18 thế kỷ qua. Những thế kỷ đầu khi Phật giáo mới vào Việt Nam cũng chưa có gì khởi sắc, nhưng điều đặc biệt ở đây là nhân dân Việt Nam cũng đã chấp nhận tư tưởng, nghi lễ của Phật giáo một cách dễ dàng. Vì lẽ nền tôn giáo ấy không ngược lại những gì mà dân tộc Việt Nam lúc ấy đang tôn thờ. Đó là đạo làm người, có bổn phận phải hiếu thuận với cha mẹ và giữ đúng lễ nghĩa với anh em, bà con thân thuộc. Đi xa hơn nữa, dân Giao Chỉ lúc bấy giờ chỉ thờ những vị thần như: thần núi, thần sông, thần biển, thần lửa v.v... Đây cũng là những tôn giáo cổ truyền của các dân tộc thời tiền sử vậy. Họ sống và tin rất đơn thuần vào những đấng chúa tể của mỗi loài để họ an tâm mà làm ăn sinh sống. Trong khi đó Phật giáo cũng mang đến cho họ một sự an lạc của nội tâm, nên họ đã chấp nhận Phật giáo một cách đơn thuần như các loại thần vừa kể.

Đến thế kỷ 9, nước Việt Nam vẫn còn lệ thuộc người Trung Hoa, cho đến khi Ngô Quyền dựng nước, xưng vương năm 968 thì Việt Nam mới chính thức xây dựng nền tự chủ của dân tộc và nền tự chủ ấy kéo dài cho đến thế kỷ 19, gần 1.000 năm sống trong hạnh phúc ấm no. Tuy cũng có một số thời nhiễu nhương như Hậu Lê và Trịnh-Nguyễn phân tranh, nhưng so với các thời thực dân đô hộ của phương Bắc hoặc phương Tây, Việt Nam vẫn còn tiếng nói độc lập của giống nòi.

Từ năm 1010 đến 1222 và từ năm 1222 đến năm 1400, gần 400 năm qua hai triều đại Lý-Trần. Đây là thời lịch sử vàng son nhất của dân tộc, trong đó Phật giáo đã đóng góp rất nhiều nhân lực cũng như vật lực cho Quốc gia, Dân tộc và Đạo Pháp. Vua Lý Thái Tổ tức Lý Công Uẩn xuất thân từ cửa Thiền và Thầy của ông lại làm Quốc sư cho đầu triều Lý, thì đây là một cơ hội rất tốt để nhà vua thực hiện ý nguyện của mình. Đó là quang phục tổ quốc và trùng hưng Phật giáo.

Với tư cách là một Phật tử, vua Lý Thái Tổ và Hoàng hậu sau khi lên ngôi đã cho dựng rất nhiều chùa và giúp đỡ hỗ trợ cho chư Tăng khắp nước, mở kho chẩn thí khắp những miền đói kém và giảm thuế tô cho những người không có khả năng đóng góp cho chính quyền. Một ông vua như thế, không những chỉ người có đạo được nhờ, mà khắp cả bá tánh trong thiên hạ được hưởng phước lây. Điều ấy từ đâu mà có được, nếu không phải nhờ ảnh hưởng của Phật giáo đối với nhà vua? Đây chính là lòng từ bi vị tha của một bậc quân vương, lại là một Phật tử. Có nhiều người phê bình rằng khi Lý Thái Tổ lên ngôi chỉ biết có chùa chiền, còn không lo đến các việc khác. Điều ấy hẳn nhiên là hoàn toàn không đúng. Vì lẽ, trong nước lúc bấy giờ chưa có đạo gì khác ngoại trừ Đạo Phật. Khổng Giáo và Lão Giáo cũng dự phần vào đó, vì các nhà vua triều Lý và triều Trần đều cho hai tôn giáo kia phát triển, nên thời kỳ này gọi là thời kỳ Tam Giáo đồng quy mà. Nghĩa là ba tôn giáo cùng trở về một nẻo đạo. Đó chính là con đường hướng dẫn tha nhân biết ăn hiền ở lành và biết lo cho nước cho đạo khi quốc gia, đạo pháp cần đến sự hy hiến của nhân dân.

Thiền Sư Vạn Hạnh là một vị Quốc sư cả hai triều, triều Lê cũng như triều Lý. Ngài đã có cái nhìn rất khoáng đạt khi thấy vận nước đã suy, cần phải chấn chỉnh, nên đã không vì tình riêng mà nhân nhượng sự lỗi đạo của vua Lê, nên đã hết lòng khuyên vua, mà vua không nghe, vì vậy triều Lý mới được thành hình. Khi làm Quốc sư cho triều Lý chắc là bổng lộc nhiều lắm, nhưng Vạn Hạnh Thiền Sư đã chẳng màng đến lợi danh, mà Ngài sau khi xong việc nước lại lui về chốn am thiền. Theo thơ văn của Ngài chúng ta biết được điều đó.

“Thân như bóng xế chiều tà,
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời.
Sá chi suy thạnh cuộc đời,
Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”

Đọc 4 câu thơ này chúng ta đã hiểu tâm trạng của Quốc sư. Đây chính là giáo lý căn bản của nhà Phật, dạy về sự vô thường của nhân thế. Không nên vì bả lợi danh, mùi phú quý mà quên đi cảnh sống khổ cực của dân lành và hãy ý thức rằng cuộc đời không có gì là chắc thật cả, vì nó sẽ biến thiên theo sự đổi thay của lịch sử. Chỉ có những người hiểu đạo mới làm được việc ấy mà thôi.

Qua triều Trần có nhiều ông vua rất hiểu đạo Phật, như vua Trần Thái Tôn hay Trần Nhân Tôn, chính nhà vua cũng đã đi xuất gia cầu đạo, hay Huyền Trân Công Chúa, có thể nói rằng một hiện thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Đặc biệt lịch sử vẫn nhắc mãi về chiến công oanh liệt của Hưng Đạo Vương qua Hội Nghị Diên Hồng, lấy tinh thần Phật giáo để đuổi tan giặc Mông Cổ. Đây có thể nói là điều có một không hai trong lịch sử nước nhà.

Lâu nay chúng ta học lịch sử vẫn nghe nhắc tới Hội Nghị Diên Hồng, nhưng rất ít thấy trang sử nào nói về tinh thần Phật giáo trong đó. Nơi đây chúng ta cũng nên làm rõ nét hơn về công việc đại phá quân Mông Cổ của tiền nhân chúng ta. Giả thiết rằng, quân Mông Cổ đến Việt Nam vào thuở cuối Trần đầu Hồ, chắc chắn Việt Nam chúng ta đã thua trận. Nhưng quân Mông Cổ đã đến Việt Nam vào lúc mà Phật giáo đang thịnh hành, tinh thần Phật tử rất cao để lo dựng nước và giữ nước, nên quân Mông Cổ phải đại bại. Các tướng tài như Hưng Đạo Vương và những người con trai của ông đều là những Phật tử thuần thành. Các tướng Yết Kiêu, Dã Tượng cũng là những người đã làm cho quân Mông Cổ thất điên bát đảo. Các bô lão, các phụ nữ và ấu nhi lúc bấy giờ, ai ai cũng vì sự mất còn của dân tộc mà đứng lên gìn giữ non sông, tay trong tay, lòng trong lòng, quyết chí đánh tan giặc ngoại xâm. Tinh thần ấy là tinh thần tự chủ của dân tộc và có thể khẳng định rằng, chỉ có thể phát sinh khi Phật giáo đang vững mạnh.

Đọc sách sử Phật giáo Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản chúng ta thấy những bậc Đại Sư như Huyền Trang, Dogen v.v... trong đó cũng có sự hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát để độ sanh như Quán Âm Thiện Sĩ, Ni Cô Diệu Thiện, Quán Âm Thị Kính v.v... nhưng ít ai nhắc đến Huyền Trân Công Chúa, con của vua Trần Nhân Tôn trên lịch sử thế giới. Nàng vì nợ nước tình nhà mà chịu đi làm dâu Chiêm quốc để mang về cho nước mình một bờ cõi rộng rãi hơn. Nếu đó không phải là tấm lòng của kẻ biết hy sinh vì người khác trong tinh thần Bồ Tát Đạo thì chắc rằng nàng đã không thực hiện lời dạy bảo của vua cha. Sau khi chồng chết, nàng về lại với cố quốc để cư tang cho chồng và lo báo đền công đức sanh thành của phụ vương và hoàng hậu. Cuối cùng rồi nàng cũng đi tu để giũ sạch bụi trần và suốt bao nhiêu năm tháng trong cuộc đời còn lại Huyền Trân Công Chúa đã trở thành một Ni Cô tại Ngọa Vân Am trên núi Yên Tử để lo bề kinh kệ. Đây cũng có thể gọi là một Quán Âm tái thế của Việt Nam, sinh vào nhà hoàng tộc để độ cho gia đình cũng như người khác chủng tộc. Gương sáng ấy của Huyền Trân Công Chúa mãi đến bao giờ sử sách vẫn còn ghi.

Lịch sử vẫn là lịch sử, dầu cho ai đó có bẻ cong ngòi bút để viết thiên vị cho một mục đích nào cũng không thể nói sai sự thật được. Cuối cùng rồi sự thật phải trả về cho sự thật mà thôi. Có nhiều sử gia sau này vì không thích Phật giáo nên đã vô tình hoặc cố ý cho rằng các vua tôi đời Lý hay đời Trần chỉ cố tình nâng đỡ Phật giáo mới được như vậy và trong khi chưa lo xây lăng tẩm, đã cho dựng chùa chiền khắp nơi khắp chốn. Nhưng xét cho cùng trong 1.000 năm tự chủ từ đầu thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19 chỉ có 400 năm này là đáng nói hơn cả mà thôi. Trong 400 năm lịch sử ấy, bên trong yên ổn, bên ngoài giặc đến phải run sợ, văn hóa, học thuật, kinh điển, văn nghệ v.v... tất cả đều được phát triển một cách mỹ mãn và ngày nay văn hóa Phật giáo của hai triều đại này vẫn còn lưu lại tại miền Bắc Việt Nam qua các hình ảnh chùa chiền hay chuông, trống, pháp khí v.v... Đó là do ảnh hưởng của Phật giáo vậy.

Khi đất nước suy vong, Đạo Phật cũng phải nép mình vào nơi uyên nguyên của nó. Vì những người chăn dân trị nước không biết đạo và chính họ là những người thiếu đạo đức của tôn giáo thì làm sao dân chúng có thể noi theo và tôn thờ họ. Đạo Phật trong những thời kỳ này dường như thờ ơ với thế sự. Các vị Đại Sư đều lánh xa chốn thị thành, đi tìm núi cao rừng thẳm để tu hành. Vì cuộc thế quá đổi thay. Điều đáng nói ở đây khi Phật giáo thịnh, Phật giáo vẫn cho các tôn giáo khác phát triển đồng thời. Trong khi đó các tôn giáo khác mạnh, họ lại tìm cách tiêu diệt đối phương. Phải chăng do phẩm tính từ bi của Đạo Phật đã hóa giải được hận thù và tấm lòng vị tha này, nên Đạo Phật đã đi vào thiên thu lịch sử?

Khi người Pháp đến, mang tới Việt Nam một đạo mới. Đó là Thiên Chúa Giáo. Trên nguyên tắc, mỗi tôn giáo sẽ giúp thêm cho con người tìm về nẻo chân thiện mỹ. Nhưng đạo này ở thế kỷ 18, 19 đã toa rập với các thế lực của đế quốc La Mã mà bành trướng với chủ nghĩa thực dân hóa của Phương Tây, nên khi đến Đông Phương rất khó được chấp nhận, như cô dâu bị ép gả về nhà chồng cho một chàng rể chưa bao giờ quen biết. Văn hóa giữa Đông và Tây rất khác nhau. Vì người Phương Đông hướng về nội tâm, còn người Phương Tây hướng ra bên ngoài để tìm kiếm, nên không gặp nhau là phải.

Khi đạo Thiên Chúa đến Việt Nam, ở đây dân tộc Việt Nam đã có đạo Phật, đạo Lão và Khổng Giáo. Vì vậy giáo lý của đạo này khó lòng mà vào sâu trong lòng dân tộc. Vì vậy, thực dân Pháp đã tìm mọi cách dụ dỗ những người có quyền thế đổi đạo để được hưởng bổng lộc và công ăn việc làm. Thời nào cũng thế, ở đâu cũng có kẻ xu thời vì địa vị, vì nồi cơm manh áo rồi sau đó mới đến niềm tin, nên dần dà đạo mới này đã có chân đứng trong đất nước Việt Nam. Người Việt Nam không thù ghét gì đạo Thiên Chúa, nhưng chỉ trách vì chủ nghĩa thực dân của phương Tây mà họ đã làm cho ít nhiều dân tộc tính của Việt Nam bị thay đổi. Ví dụ như thuở bấy giờ người Việt Nam chúng ta thờ cúng Tổ Tiên, nhưng đạo Thiên Chúa thì không cho phép. Đạo Phật thì không có thờ một chúa, nhưng đạo Chúa chủ trương có một đấng tạo hóa v.v... So ra thì giữa hai giáo lý của hai tôn giáo này còn nhiều vấn đề dị biệt lắm và vấn đề này vẫn còn kéo dài mãi cho đến thế kỷ 20.

Thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20, Phật giáo Việt Nam đã không có một hoạt động tích cực nào cho quốc gia và xã hội, ngoại trừ việc thu mình trong am viện để tụng kinh bái sám và chờ thời. Nên chúng ta có thể nói rằng, khi quốc gia hưng thịnh thì Đạo Phật cũng hưng thịnh. Khi quốc gia suy vong thì Phật giáo cũng tàn lụi theo. Điều ấy chứng tỏ rằng sự thịnh suy của Phật giáo gắn liền với sự thịnh suy của Dân Tộc.

Mãi đến giữa thế kỷ 20, những phong trào chấn hưng Phật giáo mới thành hình. Nhưng rủi thay, đất nước bị chia đôi, nên nhân tâm ly tán và đạo pháp vẫn còn bị phân hóa giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam. Miền Bắc theo chủ nghĩa Cộng Sản từ năm 1954 đến nay. Miền Nam theo chế độ Cộng Hòa từ năm 1954 đến 1975 và sau đó lại bị miền Bắc thôn tính để biến Việt Nam trong hiện tại thành một nước Cộng Sản. Trong khi đó Phật giáo tại hai miền vẫn khó nhọc lắm mới có thể ngoi mình lên mà tồn tại, vì sự độc tài đảng trị của Cộng Sản không cho các tôn giáo phát triển, hoặc vì không có sự bình đẳng giữa các tôn giáo như dưới thời Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam vào thời điểm 1963.

Nhưng lịch sử đã sang trang, khổ đau và cừu hận đã biến thành nước mắt. Chỉ còn lại dòng sử Việt và sử Phật giáo phải viết tiếp những trang sử còn lại lên giấy trắng mực đen để người đời sau chiêm nghiệm lại.

Đúng ra Phật giáo Việt Nam đã thể hiện nơi việc ứng thế cũng như xuất thế qua 3 Tông phái chính. Đó là Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông. Cả 3 Tông phái này vẫn còn tồn tại ở Việt Nam tự ngàn xưa đến nay, nhưng trong hiện tại Tịnh Độ Tông rất thịnh hành từ thế kỷ 18 cho đến ngày nay.

Ngoài ra, Việt Nam là một quốc gia nằm cạnh hai nước theo Nam Tông Phật giáo, đó là Cam Bốt và Lào. Tại Cam Bốt, Phật giáo Nam Tông là quốc giáo đã nhiều đời. Trên từ Quốc vương, Hoàng hậu cho đến hoàng thân quốc thích đều theo đạo Phật, nên ảnh hưởng của Đạo Phật tại xứ này rất mạnh. Từ đó họ sang Nam Việt Nam để truyền đạo cũng rất dễ dàng. Ngoài ra Phật giáo Nam Tông Việt Nam còn được truyền sang từ Tích Lan, hay chính những vị sư Việt Nam ra đi du học đến các nước Thái Lan, Tích Lan, Ấn Độ, Cam Bốt, Lào v.v... rồi mang Phật giáo Nam Tông vào Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Vì thế, tại Việt Nam ngày nay có 2 tông phái chính. Đó là Đại Thừa Phật giáo và Nam Tông Phật giáo mà ít có quốc gia Phật giáo nào trên thế giới có được điều kiện như vậy.

Có nhiều người hỏi: Đạo Phật là đạo Từ Bi, tại sao ở Việt Nam và Cam Bốt chịu ảnh hưởng đạo Phật nhiều như thế mà vẫn xảy ra chiến tranh triền miên, huynh đệ tương tàn, tương sát như vậy?

Thật ra, mỗi một dân tộc đều có một cộng nghiệp khác nhau, bên cạnh biệt nghiệp của mỗi người dân. Ngay cả trong gia đình, các anh chị em sinh ra cùng cha cùng mẹ, cùng đi học, nhưng khi ra trường, mỗi người làm mỗi nghề khác nhau. Người giàu có, kẻ nghèo nàn. Người sống một cuộc đời sung túc, nhưng cũng có nhiều người sống chật vật. Đến khi chết, mỗi người cũng chết khác nhau. Có cái chết rất êm thắm, nhưng cũng có lắm cái chết rất khổ đau. Đó là anh em ruột mà còn như vậy. Còn ở đây là cả một quốc gia, một dân tộc, thử hỏi có biết bao nhiêu vấn đề. Từ điểm này chúng ta có thể suy ra rằng: mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều do nghiệp lực của chính mình ở đời trước mà thành. Trong hiện tại những gì chúng ta gặt hái được, chỉ là kết quả của nghiệp đã tạo từ kiếp trước mà thôi. Từ đây về sau nếu có gây tạo nghiệp gì, sẽ là nhân và quả cho kiếp kế tiếp nữa. Cứ thế mà mãi trôi theo dòng luân hồi sanh tử.

Dân tộc Việt Nam hay Cam Bốt vốn thấm nhuần tinh thần của Phật giáo, nhưng có nhiều người đã giết hại biết bao nhiêu sinh mạng của con người trong chiến tranh như Pon Pôt chẳng hạn. Đó là do biệt nghiệp của ông ta và do cộng nghiệp của dân tộc Cam Bốt mà có. Còn Đạo Phật chỉ dạy từ bi, lợi tha cho kẻ khác chứ không dạy việc giết hại tha nhân. Chỉ có con người làm sai đạo, chứ đạo dạy không sai. Việt Nam cũng vậy, là một quốc gia theo Phật giáo lâu đời nhưng cũng do biệt nghiệp và cộng nghiệp của mỗi chúng sanh trong xã hội đó, nên Việt Nam đã biến thành nồi da xáo thịt. Khi nghiệp báo đã trả xong, đất nước sẽ thanh bình. Cũng giống như một cơn giông bão qua mặt hồ, nước nơi ấy nổi sóng. Sóng ấy cũng chính từ nước mà có, nhưng sóng sẽ yên khi gió không còn xao động nữa. Ở đây gió nghiệp của dân tộc Việt Nam lâu hay mau là do nguyên nhân đời trước kết hợp mà thành vậy. Nhưng theo định luật nhân quả của nhà Phật thì không có một loại nhân nào tác thành mà không gặt hái một kết quả. Ví như một trái trên cành cây, khi thành hình, ắt phải lớn lên, già và chín. Cuối cùng rụng xuống nơi gốc nếu không người hái. Một chủ nghĩa dầu hay đến đâu cũng phải thay đổi, vì lịch sử đã chứng minh điều đó. Một tôn giáo vẫn luôn luôn tồn tại qua mấy ngàn năm lịch sử theo sự thăng trầm của nhân loại nhưng vẫn không bị tiêu diệt, vì tính cách phổ cập của nó.

Suốt 25 thế kỷ qua, Phật giáo đã có mặt tại Á Châu và suốt dòng thời gian dài đăng đẳng ấy, Phật giáo đã đóng góp phần mình vào sự hưng thịnh cũng như chịu chung số phận khi quốc gia suy vong. Mong rằng với tinh thần này, Đạo Phật đi đến đâu cũng sẽ là một chất liệu dưỡng sinh trong cuộc sống tâm linh của mọi người. Đạo Phật đi đến đâu cũng không bằng binh hùng tướng dũng, mà chỉ âm thần len lỏi vào lòng người như nguồn suối thiên nhiên thấm dần vào ruộng đồng và cây cỏ. Con người ở đâu còn đau khổ, ở đó còn có sự hiện thân của Đạo Phật.

Suốt 20 thế kỷ qua, người Á Châu ít có cơ hội giao thương với người Âu Mỹ nên ít có sự trao đổi về lãnh vực này. Sơ khởi là những người buôn bán bằng tàu biển từ thế kỷ 16, 17. Người Âu Châu đã đến Á Châu, nhưng họ cũng mang theo những đoàn thương thuyền ấy một đạo khác, nhằm để giới thiệu với người Á Châu. Trong khi đó người Á Châu thì không được cái cơ may đó. Trong những đoàn thương nhân và truyền giáo này cũng có lắm người tìm hiểu về phong tục, tập quán và tôn giáo tại Á Châu, nên cũng đã có lắm người say mê theo nghiên cứu Đạo Phật. Sau khi về nước, họ phổ biến những giáo lý căn bản cho người địa phương tìm hiểu. Thuở ban đầu của ba bốn trăm năm trước, mọi phương pháp học đạo hay truyền đạo không được nhanh chóng hoặc khoa học như ngày hôm nay, nên sự trao đổi, thông cảm giữa các tôn giáo vẫn còn thường giậm chân tại chỗ rất lâu.

Cách đây 200 năm về trước, một triết gia người Đức, tên là Schopenhauer đã cảm nhận được giáo lý của Đạo Phật và cho đến đầu thế kỷ 20 này giáo lý của Đạo Phật đã ảnh hưởng rất mạnh đến các học giả người Âu Mỹ trên phương diện nghiên cứu khoa học. Ví dụ, nhà Bác học Albert Einstein là một người Đức gốc Do Thái, sau khi tìm hiểu các tôn giáo, ông ta nói rằng:

“Tôi là người không có tôn giáo, nhưng nếu chấp nhận một tôn giáo nào đó làm tín ngưỡng cho mình thì tôi sẽ chấp nhận Đạo Phật.”

Một nhà Bác học ở thế kỷ 20 này đã thốt ra điều đó thì đủ để chứng minh rằng giáo lý của Đức Phật vẫn còn tồn tại với không gian và thời gian dài lâu hơn nữa.

Trong thế kỷ 20, tại Âu Châu đã có 3 nguồn phát nguyên chính của Phật giáo đến từ Á Châu. Đó là Nam Phương Phật giáo, Thiền, thuộc Đại Thừa Phật giáo, Tịnh Độ thuộc Đại Thừa Phật giáo và đặc biệt là Mật Tông thuộc Phật giáo Tây Tạng cũng thuộc về Đại Thừa Phật giáo. Nói chung, có 2 phái chính được truyền vào đây. Đó là Nam Tông và Bắc Tông Phật giáo.

Khi những người Tây Phương qua Á Châu tìm hiểu đạo Phật, họ về lại xứ, viết lại những điều mắt thấy tai nghe và học hỏi được để cho dân địa phương tìm hiểu. Thế là trong đó có nhiều người phát nguyện tin theo giáo lý này. Do vậy họ phải tìm đến ngọn ngành. Ví dụ Bác sĩ Paul Dahlke ở Berlin đã băng bộ đến Tích Lan vào đầu thế kỷ 20 để tầm sư học đạo. Dr. Petri tức Thượng Tọa Anurudha đã đến Việt Nam trong 10 năm từ 1969 đến 1979 xuất gia học đạo và hành đạo tại đó. Ngoài ra có vị Lạt Ma danh tiếng người Đức tên là Govinda cũng đã đi vào lịch sử của người Đức ở đây. Ngài đầu tiên tu theo Nam Tông, sau đó qua tham cứu với Phật giáo Tây Tạng và cuối cùng đã chọn ra con đường của mình. Những sách vở của Ngài viết về Phật giáo có một tầm ảnh hưởng sâu sắc trong dân tộc Đức cũng như các người Âu Mỹ khác. Ngài là một người Âu Châu nên dưới nhãn quan của Ngài, nhận xét về Phật giáo cũng có nhiều điều khác lạ hơn người Á Châu.

Ảnh hưởng thứ 2 đối với Phật giáo Âu Châu là Thiền của Nhật Bản từ đầu thế kỷ 20. Thiền tiếng Nhật gọi là Zen, cũng cùng với ý nghĩa Dhayana hay Ch’an vậy. Nhưng ngày nay nhiều người Âu Mỹ hiểu rằng: Zen là Đạo Phật hay một tông phái to lớn lắm trên thế giới. Thực ra thì trái lại, ngày nay ở Nhật Bản, người theo Thiền tông ít hơn là Tịnh Độ tông. Thiền Nhật Bản từ Trung Hoa mà sang, Thiền Trung Hoa từ Ấn Độ mà có, nhưng khi Thiền đến xứ Nhật đã trở thành Zen của Nhật. Ít người lưu ý đến xuất xứ của nó tự ngàn xưa vẫn là từ Thiền của đạo Phật.

Khi Daietsu Suzuki đến Âu Châu, đã giới thiệu Zen của Nhật Bản cho người Anh đầu tiên. Sau đó người Pháp, người Đức và ngày nay khắp cả Âu Châu, rất hiếm Phật tử địa phương mà không biết đến Daietsu Suzuki. Ông ta là một học giả của Thiền. Không phải là một Thiền sư, vì ông không xuất gia, mà chỉ là một tại gia cư sĩ, có vợ ngoại quốc người Anh và hầu hết các tác phẩm của ông đã được vợ ông ta hiệu đính để không xa lạ với người Âu Mỹ mấy, khi đọc sách của ông.

Đức Phật dạy rất nhiều pháp môn, trong đó có Thiền là một, chứ không phải Phật chỉ dạy có pháp môn Thiền. Tùy theo căn cơ của mỗi chúng sanh thích hợp với pháp môn nào thì theo pháp môn ấy. Ví dụ, có người thích Tịnh Độ Tông hơn mà không thích Thiền, thì có thể tu Tịnh Độ. Đối với người Âu Mỹ họ thích Thiền hơn. Vì Thiền là khai quật khả năng nội tại, chính tự lực của mình làm nên Phật, Thánh. Còn Tịnh Độ nương vào tha lực của chư Phật, nhất là của Đức Phật A Di Đà để được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. So ra trên thực tế, người Âu Châu thấy giống Thiên Chúa Giáo trên hình thức cứu rỗi linh hồn và tội lỗi. Nên họ ít theo. Nhưng nếu hiểu đúng theo tinh thần Tịnh Độ Tông như đã giải thích bên trên thì Tịnh Độ cũng phải cần tự lực chứ không phải hoàn toàn nương vào tha lực. Ví dụ như khi được Đức Phật A Di Đà và hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc thì chính mình cũng phải tu mới có thể chứng được những quả vị tiếp tục. Nếu không, cũng mãi mãi là một chúng sanh ở cõi Cực Lạc mà thôi. Ở đó chỉ lợi một điều là không bị tái sinh trở lại cõi Ta Bà, chỉ đơn giản thế thôi. Còn Phật và chư vị Bồ Tát chỉ trợ duyên cho chúng sanh. Nguyên tắc là như vậy nhưng lắm người lầm tưởng, cầu Phật để được Phật độ rồi giao thân tâm này cho Phật, thế là xong. Đó là ý niệm của đa số người ở các nước Á Châu theo Phật giáo Đại Thừa. Vì vậy Tịnh Độ Tông rất khó phát triển ở những xứ Âu Mỹ này.

Trong khi đó Mật Tông Đại Thừa Giáo được rất nhiều học giả Tây Phương học hỏi, nghiên cứu cũng như quy y Tam Bảo với Tông phái này. Trước khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đi tỵ nạn (1959), ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng không có nhiều ở Phương Tây, mặc dầu trước đó người Phương Tây cũng đã tìm cách vào sâu trong đất nước Tây Tạng để tìm hiểu và sau đó về Âu Châu viết sách kể lại những chuyến du hành mạo hiểm này.

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đi tỵ nạn, cùng với Ngài đã có hàng trăm ngàn dân chúng Phật tử và Tăng sĩ đi theo. Đây là một điều cần thiết để phát huy Phật giáo Tây Tạng tại hải ngoại ngày nay. Những năm tháng đầu tiên, chính Đức Đạt Lai Lạt Ma và triều đình của Ngài cũng như Tăng sĩ phải làm quen với đời sống ở ngoại quốc, nơi đó không phải quê hương của mình, thuộc về miền Bắc xứ Ấn Độ. Dần dà từ Dharamshala này, thủ đô tạm của Tây Tạng lưu vong đã làm cho thế giới chú ý đến. Từ đây đã có những bậc Đại sư sang Âu Mỹ để hóa độ cho dân bản xứ. Hoặc giả, dân Âu Mỹ cũng có cơ hội trực tiếp đến Dharamshala để học hỏi tôn giáo huyền bí này. Thật ra Tây Tạng cũng là Phật giáo Đại Thừa như Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam thôi, nhưng họ có điều đặc biệt là chú tâm vào tái sanh. Vả lại giáo lý này có tính cách truyền thừa liên tục, nên họ đã được lưu tâm nhiều hơn các quốc gia Phật giáo khác, cũng là điều dễ hiểu. Một điều càng dễ hiểu hơn nữa, chính Đức Đạt Lai Lạt Ma là một hóa thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài là một vị Thánh Tăng, đương kim là Quốc vương của Tây Tạng. Đứng đầu trên thế quyền và pháp quyền, nên đây cũng là cơ hội tốt để mang đạo Phật đến cho người Tây Phương.

Có nhiều vị Sư Tây Tạng không rành ngoại ngữ, nhưng cũng có thể đến Âu Mỹ để giáo hóa như thường. Họ sẽ không gặp khó khăn gì về vấn đề này, vì người Âu Mỹ hôm nay, có rất nhiều người giỏi ngôn ngữ Tây Tạng làm thông dịch cho các vị Đại sư này. Giáo lý họ dạy là Bát Nhã, tánh không, luân hồi, khổ, không, vô ngã v.v... nhưng đi sâu hơn vào vấn đề thực tu và thực chứng nên đã được các học giả Âu Mỹ thích thú nghiên cứu nhiều hơn là các nguồn Phật giáo khác. Dĩ nhiên Nam Tông với hệ ngôn ngữ Pali là Phật giáo chính thống rồi, nhưng với ngôn ngữ này và cách hành trì này người Âu Mỹ ít thích hợp hơn là ảnh hưởng của Phật giáo Đại Thừa, nhất là Phật giáo Tây Tạng. Bây giờ ở đâu, khắp Âu Châu, Mỹ Châu và Úc Châu hay ngay cả Á Châu, ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng ngày càng mạnh dần.

Nhìn chung sự hội nhập của tư tưởng Phật giáo cho người Âu Mỹ rất nhanh và hợp với trình độ hiểu biết cao của họ. Đa số các học giả, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư hay thành phần có học tại Âu Mỹ chấp nhận Phật giáo một cách rất dễ dàng, trong khi đó đại đa số quần chúng người Âu Mỹ vẫn chưa làm quen với tôn giáo đến từ Á Châu này. Có lẽ vì họ dè dặt, hay vì lâu đời nay họ đã có một tôn giáo cổ truyền rồi? Hay họ nghĩ rằng Phật giáo chỉ dành cho hàng thượng lưu trí thức? Hoặc giả họ cho rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo, mà là một triết học, một cách sống, nên họ còn xa lạ chăng?

Những điều xa lạ này cũng rất dễ hiểu. Vì một tôn giáo chỉ có 200 năm lịch sử truyền giáo tại các xứ Âu Mỹ quả là còn ít ỏi. Ngày xưa, ngay cả các dân tộc Á Châu như Việt Nam phải cần đến 700 năm, Phật giáo mới đâm chồi nảy lộc tại xứ này. Ở Nhật Bản chỉ cần 200 năm. Ở Trung Hoa cũng phải 400 năm Phật giáo mới thịnh hành, kể từ thời vua Lương Võ Đế. Vì vậy có rất nhiều người Âu Mỹ tò mò về Đạo Phật nên đã đến chùa làm quen với các vị Sư ở nơi đây để tìm hiểu học hỏi. Có nhiều người lầm tưởng chùa là một nhà hàng, nên quý thầy đã có nhiều lần bị hỏi là “hôm nay có bán đồ ăn không”? Có lẽ nhìn cách trang trí một ngôi chùa, không khác một tiệm ăn mấy, hay ngược lại một tiệm ăn trang trí không khác một ngôi chùa mấy, nên họ lầm chăng? Hay còn lý do dễ hiểu khác là: Khi người Trung Hoa đến các xứ Âu Mỹ, điều đầu tiên là mở những quán ăn Trung Hoa, đa số các tiệm ăn đều lấy tên PAGODE, chữ Pagode cũng có nghĩa là Tháp Chuông Chùa, nên đã có nhiều người lầm chăng?

Dĩ nhiên, chúng ta phải cần có thời gian để làm quen với người bản xứ, không phải một sớm một chiều mà người ta có thể thay thế một tôn giáo lâu đời mấy ngàn năm, để chấp nhận một tôn giáo đến từ Phương Đông dễ dàng đến thế được.

Như từ đầu chúng ta thấy, Phật giáo không đi truyền giáo. Đạo Phật cũng không đi dụ dỗ người khác bỏ đạo để theo Đạo Phật, nên Phật giáo ngày nay là một tôn giáo chỉ đứng hàng thứ 4 trên thế giới sau Thiên Chúa Giáo, Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo. Ai muốn vào đạo thì cứ tự nhiên, ai không muốn ở trong đạo nữa thì xin ra, không bị gò bó bởi một luật lệ nào cả. Nên gọi Phật giáo là một tôn giáo phóng khoáng cũng không ngoa chút nào.

Ngày xưa người Âu Mỹ không tin có luân hồi. Họ tin rằng: Chết là hết. Nếu tin Chúa, sẽ được Chúa đưa về Thiên Đàng. Nếu không, sẽ đi vào địa ngục. Người tin Chúa, chỉ có hai con đường ấy để chọn, nhưng theo thống kê mới đây cho thấy hơn 40% dân Âu Mỹ tin rằng có luân hồi, sau khi chết không phải là hết mà còn một cái gì đó hiện hữu sau hơi thở cuối cùng. Điều đó cũng dễ hiểu. Vì khoa học càng ngày càng tiến bộ thì ánh sáng chân lý của Đạo Phật càng hiển bày rõ ràng hơn. Vào năm 1996, theo thống kê tại nước Đức của Giáo sư Martin Baumann trong quyển Deutsche Buddhisten tái bản năm 1995 thì có khoảng 200 Hội Phật tử Đức theo các Tông phái Đại Thừa cũng như Tiểu Thừa. Đây là một thành quả có được sau 200 năm Phật giáo đến Phương Tây. Hy vọng giáo lý Phật giáo là một toa thuốc mới sẽ chữa lành các căn bịnh ung thư thời đại cho mọi người và từ đó Đạo Phật ngày càng triển khai ở nhiều phương diện khác như văn học, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, nghệ thuật v.v...

Vậy thì Phật giáo Việt Nam đã đóng góp được gì cho xứ Đức? Trong đó kể cả Người Tỵ Nạn Việt Nam ở đây và người Đức bản xứ?

Những người Việt Nam đến Đức trước năm 1975 để du học có độ chừng 2.000 sinh viên. Cho đến năm 1978, chính phủ Đức mới bắt đầu nhận người Việt tỵ nạn chính trị từ các trại tỵ nạn Đông Nam Á. Đến năm 1989, hai nước Đức Đông Tây thống nhất, số người Việt từ Đông Đức và Đông Âu sang Tây Đức xin tỵ nạn độ chừng 40.000 người nữa. Cho đến nay, năm 1996 số người cả hai miền Tây và Đông Đức tổng cộng là 100.000 người. 60.000 người từ phía Tây là những người tỵ nạn chính thức và đa số ra đi từ miền Nam Việt Nam, khoảng 80% là Phật tử. Còn 40.000 đến từ Đông Đức và Đông Âu đa số xuất thân từ miền Bắc Việt Nam. Họ là những người sinh sau năm 1954 nên ít biết đến Phật giáo. Tuy họ không là Phật tử, nhưng cũng không thể gọi họ là những người thuộc đạo khác được. Vì họ vẫn đi chùa và cúng lễ. Ở miền Bắc trong thời gian Cộng Sản nắm chính quyền, họ không cho tự do tôn giáo, nên mọi người chỉ đi Đền hoặc Miếu để lễ, chứ ít đi lễ chùa, nên phong tục và tập quán giữa hai miền Nam Bắc khác nhau rất nhiều. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội, khi nước Đức thống nhất, để người Việt Nam giữa Nam và Bắc hiểu nhau nhiều hơn, cũng giống như người Tây Đức và Đông Đức có cơ hội hiểu nhau sau 40 năm chia cắt vậy.

Khi người Việt Nam đến nước Đức đa số chẳng mang theo được gì, ngoại trừ niềm tin và ý chí cũng như nghị lực để hội nhập vào xã hội mới. Sau một thời gian làm quen với cuộc sống nơi đây, họ phải nhớ lại cội nguồn và tôn giáo của họ, nên đã tổ chức thành từng nhóm người, thành lập Niệm Phật Đường để lễ bái nguyện cầu và thực hành giáo lý của Đức Phật. Đây là động cơ chính mà Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - Chi Bộ tại Đức cũng như Hội Phật tử được thành hình và ngôi Chùa Viên Giác đã được hoạt động liên tục từ năm 1978 đến nay qua hình thức thuê mướn cho đến mua hẳn và xây dựng vĩnh viễn như hiện nay. Người Việt Nam tuy nghèo về vật chất so với người bản xứ, nhưng rất giàu về tinh thần, nên họ đã chung sức cùng nhau để tạo thành niềm tin và cơ sở tín ngưỡng ấy. Trong đó, phải nói rằng nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền Đức về mặt vật chất cũng như tinh thần thì khó mà hội nhập nhanh như vậy.

Ngoài Chùa Viên Giác ra, tại Đức còn có các Chùa tại Hamburg, Barntrup, Mönchengladbach, Aachen và các Niệm Phật Đường tại Berlin, München cũng như Bremen và 7 Gia Đình Phật tử cũng đã được thành lập.

Riêng tôi đã đến Đức từ năm 1977 để thăm bè bạn nơi đây và lúc ấy cũng không nghĩ đến việc ở lại xứ Đức cho đến ngày hôm nay, đã gần 20 năm rồi. Có lẽ đó là do nhân duyên mà Phật đã bổ xứ. Những thành quả mà ngày nay có được đều do Tam Bảo gia hộ và sự hỗ trợ hết mình của Phật tử khắp nơi mới thành tựu được.

Trong cuộc sống này có những điều rất nghịch lý. Có nhiều điều mình mong muốn nhưng không thành tựu. Ngược lại, có những điều không nghĩ tới mà nhân duyên đã sắp đặt sẵn, nên rồi việc đâu cũng vào đó. Tôi là người nằm trong trường hợp này. Hai mươi năm là một thế hệ, qua thời gian ấy cũng đủ dài để thẩm định lại giá trị tâm linh của cuộc sống, của chính mình và của những người chung quanh.

Đạo Phật của người Việt Nam mang theo êm đềm đi vào xứ Đức này bằng con đường chạy loạn, cũng giống như 18 thế kỷ trước, khi các vị Thiền sư Trung Hoa sang Việt Nam tỵ nạn như thế. Mặc dầu Trung Hoa lúc bấy giờ đô hộ Việt Nam, nhưng chính quyền của Sĩ Nhiếp đương thời không phải là chính quyền có ảnh hưởng mạnh của Phật giáo, nên đã không giúp gì trong lãnh vực tinh thần này cả. Các nhà Sư Trung Hoa và Phật tử đến Việt Nam thuở bấy giờ cũng giống như cuối thế kỷ 20 người Việt Nam đã đến tỵ nạn tại xứ Đức này vậy.

Tuy xứ Đức có giúp cho người tỵ nạn Việt Nam, nhưng xứ Đức là một xứ có nền văn hóa lâu đời ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo, nên họ giúp đỡ người Việt Nam với tính cách nhân đạo mà thôi, chứ không phải giúp đỡ để truyền đạo tại xứ này như các Linh Mục Thiên Chúa Giáo vào thế kỷ 16, 17, 18 đã đến Việt Nam qua chính sách thực dân của Pháp. Tôi vẫn thường hay ví rằng: Giáo lý của một Tôn Giáo giống như bông hoa đẹp, hay một vị thuốc hay để chữa bịnh. Trong vườn hoa tâm linh của xứ Đức đã nở nhiều bông hoa rồi. Giờ đây Phật giáo mang đến cho họ một bông hoa khác, có hương và sắc khác hơn những loại hoa cũ, hòa chung vào với vườn hoa muôn màu kia, để xây dựng một vườn hoa tâm linh đẹp đẽ hơn, chắc xứ Đức cũng không từ chối. Ngoài ra người Đức hay người Âu Mỹ lâu nay đã dùng một loại thuốc duy nhất để chữa bịnh tâm linh, nay Phật giáo mang đến một loại thuốc khác mạnh hơn và hiệu nghiệm hơn, vì vậy nên có nhiều người Đức muốn thay đổi thuốc nhằm chữa lành thân cũng như tâm bịnh của mình.

Trong 20 năm qua, người Việt Nam đã đóng góp vào xã hội của Đức cũng không ít, ví dụ như sự làm việc, sự học hỏi, đóng góp văn hóa, tôn giáo v.v... Đầu tiên, những người Việt Nam chịu ơn của chính phủ Đức để đi học, sau khi thành tài, họ vào giảng dạy trong các trường của Đức hay làm trong các hãng xưởng v.v... Kể ra nước Đức không phải là xứ di dân, nên cánh cửa không mở rộng như Mỹ, Canada hoặc Úc, nhưng Đức có thể trở thành một xứ đa văn hóa khi có 8% dân số là người ngoại quốc sống tại xứ này. Chỉ trừ người nào già yếu, không thích nghi vào xã hội Đức mới xin tiền xã hội để sống, ngoài ra rất ít người Việt Nam muốn ngồi không ngửa tay xin tiền xã hội. Vì họ quan niệm rằng: Có làm có ăn và phải có bổn phận đóng thuế cho chính phủ nữa. Những người thợ tuy không đóng góp được gì nhiều cho xã hội này, nhưng nếu không có họ, nền kinh tế của Đức cũng không thể phồn thịnh như ngày hôm nay. Đa số người tỵ nạn lúc ban đầu phải nhờ vả vào tiền trợ cấp của chính phủ. Bởi lẽ họ phải làm quen với đời sống nơi đây. Vả lại ngôn ngữ, tập quán v.v... chưa thành thạo thì không thể đi tìm việc làm được.

Một thế hệ 20 năm của người Việt Nam đã trôi qua. Vấn đề hội nhập xem như đã lui về dĩ vãng. Bây giờ đây còn lại là vấn đề của những thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên tại xứ này. Đối với thế hệ trẻ, họ không có vấn đề với người bản xứ, nhưng ngược lại đối với gia đình và cố quốc lại có vấn đề. Vì họ có thể nói tiếng Đức giống người Đức, suy nghĩ cũng như người Đức, nhưng ngược lại họ có thể sớm quên đi cội nguồn, văn hóa và ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Ở đây phải hiểu, sự hội nhập vào một xã hội không có nghĩa là bị đồng hóa vào xã hội đó. Do đó có nhiều bậc cha mẹ và hội đoàn, trong đó có tôn giáo, tìm cách đưa các thanh thiếu niên này về cội nguồn bằng cách cho họ học hỏi tiếng mẹ đẻ, làm quen với văn hóa dân tộc của mình qua các buổi trình diễn văn nghệ, hội hè, lễ Tết v.v...

Trong số người tỵ nạn ấy cũng có một số phần tử xấu, nhất là phía bên Đông Đức, đã làm ảnh hưởng không ít trong cộng đồng người Việt tỵ nạn tại nơi đây, nhưng ở đâu cũng có những phần tử này. Vấn đề ấy luật pháp phải thẳng tay trừng trị. Dĩ nhiên tôn giáo nào cũng không thể tán thành những tội lỗi ấy. Tôn giáo chỉ có bổn phận phải khuyên bảo, chỉ dạy. Làm được hay không, chính cá nhân phải cố gắng sửa đổi và tôn giáo không chấp nhận những sai lầm khi cá nhân ấy không ăn năn sám hối.

Về mặt thương mại, người Việt cũng đã đóng góp khá nhiều vào nước Đức qua các nhà hàng, cửa tiệm, văn phòng du lịch, hãng xưởng v.v... Nhưng đa số tập trung kinh doanh trong việc ăn uống và thực phẩm. Đây cũng có thể nói là một loại văn hóa khác mà ta đối diện hằng ngày. Thức ăn có hai loại, tinh thần và vật chất. Người Việt Nam cũng đã giới thiệu những món ăn thuần túy của quê hương mình đến với người Đức. Đây là món ăn thuộc về vật chất. Làm việc ai cũng phải tính đến sự lời lỗ. Trong sự lời lỗ ấy họ vẫn đóng thuế cho chính phủ. Đây cũng là một hình thức trả ơn cho những người đã giúp mình, hoặc giả mình phải có bổn phận giúp lại những người đến sau hoặc sinh ra sau mình nữa. Có nhiều người Đức quan niệm rằng: Người ngoại quốc đến đây để giành công ăn việc làm nên dân họ trở nên thất nghiệp. Đây là một suy nghĩ sai lầm, vì những lý do sau đây: Người Đức cũng phải tự hiểu rằng những dụng cụ, xe cộ của nước Đức sản xuất ra cũng phải gởi đi khắp nơi trên thế giới để bán, nhất là ở các nước thuộc thế giới thứ 3. Vậy ai là người mua? Nếu không có những người mua này, chắc sự sản xuất của nước Đức sẽ không có lợi nhuận và sẽ không nuôi sống được dân tộc Đức. Ngoài ra có rất nhiều người Đức ra sinh sống tại nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc hay khắp nơi trên thế giới, họ phải đối đầu với những người địa phương ra sao đây? Hay họ phải quan niệm như người Đức ở trong nước là xứ Đức chỉ để cho người Đức ở, còn ngoại kiều thì phải cút đi? Nói như vậy thì những người Đức hiện sinh sống ở ngoại quốc phải trả lời như thế nào về câu hỏi này?

Ngày nay chúng ta sống trong một xã hội văn minh về mọi mặt, chúng ta phải sống cho nhau và vì nhau để được sinh tồn, không phải sống vì lý lẽ của kẻ mạnh để uy hiếp kẻ yếu.

Vậy vai trò của tôn giáo sẽ giúp được gì trong sự căng thẳng ấy? Phật giáo hay đúng hơn các tôn giáo khác phải có bổn phận giúp đỡ tín đồ của tôn giáo mình ra khỏi những tranh chấp nhỏ nhoi và phá hoại uy tín của cộng đồng. Phải xây dựng một cộng đồng, dầu là thiểu số đi chăng nữa, phải lành mạnh và cốt làm cho người địa phương nể vì, chứ không phải bị khinh chê, miệt thị.

Xây những ngôi Chùa và những Niệm Phật Đường nơi đây mục đích đầu tiên là cho người tỵ nạn, nhưng dần dà những người địa phương cũng đã đến thăm viếng, làm quen và học hỏi giáo lý rất nhiều. Những năm đầu, khi tôi mới đến xứ Đức này, ít có người Đức đến Chùa, nhưng bây giờ sau gần 20 năm ở Đức, số người đến tham quan và học đạo mỗi năm từ 5 đến 7.000 người. Trong số này, có người đã xin quy y Tam Bảo thọ giới với tôi để học Thiền và Tịnh Độ.

Trong 4 năm qua, nhất là sau khi đã xây dựng xong ngôi Chùa Viên Giác, tôi đã có nhiều thì giờ hơn để lo cho người Việt và người Đức, nên có những khóa giáo lý dạy cho người Đức mỗi tháng một lần và 2 tuần một lần vào các ngày Chủ nhật để học hỏi giáo lý căn bản cũng như kinh Di Đà, Vu Lan, Cầu An, Cầu Siêu, Pháp Hoa v.v... Khóa học chuyên khoa này cho người Đức trung bình từ 10 đến 20 người, nhưng kết quả rất khả quan.

Trên lầu nhà Đông, chúng tôi có để một căn phòng tuơng đối rộng cho người Đức theo Phật giáo Tây Tạng sử dụng ngồi thiền, thuyết giảng, hội họp v.v... Hội Chöling này sinh hoạt rất đều đặn, hầu như hằng ngày đều có ngồi thiền và tụng kinh. Ngoài ra các Tông phái khác của Mật Tông hay Nam Tông vẫn được tổ chức các buổi hội thảo tại Chùa, không có sự phân biệt Tông này hay phái nọ. Vì tất cả cũng sẽ dẫn con người đến chỗ giác ngộ mà thôi.

Những ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan v.v... những người Phật tử Đức đã tự động đến Chùa giúp đỡ trong vấn đề trai soạn, hướng dẫn người Đức làm quen với Đạo Phật, giới thiệu cách cấu trúc của Chùa Viên Giác và phụ vào các công việc điều hành Chùa v.v... Khi xây ngôi Chùa này, chúng tôi cũng không nghĩ là chỉ dành riêng cho người Việt Nam, mà đây là một sự cống hiến nền Tôn Giáo Dân Tộc của mình cho xã hội Đức, vì vậy người Đức cũng cảm thấy không xa lạ, nên đã đến đây thường xuyên hơn. Có người còn phụ trong công việc dọn dẹp, quét tước, nấu nướng, chăm sóc hoa trái, sách vở v.v... như chính chăm sóc vườn hoa tâm linh của mình. Đó là một niềm vui. Vì người Đức đã tự động đến Chùa và xem đây là việc chung của mọi người cần phải làm, không phân biệt người Việt hay người Đức nữa.

Đó là những điểm đặc thù của Phật giáo Việt Nam đã đóng góp cho xứ Đức này. Ngoài ra Phật giáo Tây Tạng, Nhật Bản và Trung Hoa cũng đã đóng góp vào xã hội này về phương diện tinh thần không kém Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam tuy số người đông tại Đức nhưng so với Phật giáo Tây Tạng, người Đức lại theo đông hơn, mặc dầu người Tây Tạng ở Đức không có bao nhiêu. Ngày xưa người ta phải khổ công tìm kiếm đến các xứ Á Châu xa xôi hẻo lánh để học đạo. Ngày nay thì họ không cần làm thế nữa. Vì tại xứ Đức này hay ngay cả Âu Châu, vấn đề giao thông rất tiện lợi nên đã có nhiều tổ chức, các vị danh Tăng cũng có mặt nơi đây, nên họ học hỏi một cách dễ dàng và thoải mái. Ngay cả ngày nay sau khi tốt nghiệp Trung Học các sinh viên muốn học về Tôn Giáo hoặc Phật giáo, các Đại Học lớn ở Đức như Hamburg, Berlin, Hannover, Göttingen, Passau v.v... đều có dạy đầy đủ. Đây là một niềm vui mà người Đức nên đón nhận lấy. Người Đức là một dân tộc có nền văn hóa cao, nên họ rất đắn đo để chọn lựa cho mình có một lối đi thích hợp. Văn hóa ngoại quốc rất khó phát triển mạnh nơi đây. Tuy nhiên tinh thần Phật học, với dân tộc Đức có thể chấp nhận một cách dễ dàng không khách sáo.

Ngày mai Đạo Phật ở xứ Đức sẽ như thế nào, khó ai biết được. Nhưng nếu xem hiện tại để biết tương lai thì chúng ta có thể nghĩ rằng: Đạo Phật ngày mai sẽ được người Đức chấp nhận, không những chỉ người trong hàng ngũ thượng lưu trí thức, mà đa số nhân dân, những người có một trình độ hiểu biết thông thường cũng có thể gần gũi với Đạo Phật như người Phật tử Á Châu đã gần gũi suốt hơn 25 thế kỷ.

Ở Âu Châu, Áo là xứ Phật giáo được công nhận là một Tôn Giáo. Nhưng làm thế nào để Phật giáo được công nhận là một tôn giáo? Sau đây là những điều kiện:

- Thứ nhất, người theo Phật giáo trong nước đó phải chiếm một phần ngàn dân số. Nghĩa là cứ 1.000 người Áo hoặc Đức phải có một Phật tử người địa phương hoặc người Á Châu có quyền cư trú tại địa phương đó. Xứ Áo độ chừng 6 triệu dân thì chỉ cần 6.000 người theo Phật giáo là đủ.

- Điều thứ hai không kém phần quan trọng là tổ chức Hội của Phật giáo phải hoạt động trên 15 năm không được thay đổi địa phương.

- Điều thứ ba là tài chánh phải ổn định và có góp phần xây dựng đất nước sở tại.

Trên đây là 3 điều kiện căn bản để được công nhận là một tôn giáo sinh hoạt có tính cách công ích từ thiện xã hội. Tiếng Đức gọi là Offenliche Recht, nói nôm na là quyền đương nhiên. Khi nhận được quyền này rồi thì tôn giáo đó có nhiều quyền lợi hơn là một hội đoàn hay một hiệp hội. Ví dụ trong một trường học nọ có học sinh khai là theo Phật giáo, thì em này sẽ được học về tôn giáo của mình, thay vì như lâu nay ở các trường Âu Mỹ chỉ dạy cho học trò về giáo lý của Thiên Chúa Giáo, Tin Lành Giáo. Nếu không, họ xếp các em vào những người không có tôn giáo. Nhưng ở đây một vấn đề khác cũng được đặt ra là vấn đề giáo viên để dạy cũng như sách giáo khoa. Phải cần có những người vững vàng về giáo lý mới soạn thảo được vấn đề này, cũng như phải được huấn luyện trước khi ra dạy.

Mặt khác về Quan, Hôn, Tang, Tế cũng được tổ chức công khai và vị Tăng sĩ đứng ra chủ sự các lễ lộc ấy có quyền ký giấy tờ như là một vị Linh Mục. Ngoài ra, tại nghĩa địa không những chỉ có hai phòng cho 2 tôn giáo lớn tại đây mà còn cho Phật giáo nữa. Hình tượng Phật cũng phải được tôn thờ ở những nơi tôn nghiêm này.

Khi được công nhận là một tôn giáo như thế thì người tín đồ phải có bổn phận đóng thuế để bảo vệ tín ngưỡng của mình. Ở Đức, thuế nhà thờ là 3% trên tổng số tiền lương. Thuế này chiết khấu ngay trong tiền lương của tín hữu ấy. Không biết bên Phật giáo Áo đã làm chưa? Nếu đã thực hiện, chắc không tránh khỏi những sự chống đối. Ở Đức, các nhà thờ bị chống đối nhiều nhất về vấn đề này, nên hằng ngày đã có hằng ngàn người bỏ đạo cũng chỉ vì quyền lợi riêng tư của họ. Các thế giới thứ 3 khi nhận được sự giúp đỡ từ các tổ chức từ thiện tôn giáo này nghĩ rằng: Tôn Giáo này sao mà giàu có và giúp đỡ tận tình, còn Phật giáo thì nghèo nàn quá, nhưng họ không biết rằng, tiền và của cải đó là do người tín hữu địa phương đóng thuế mà có được. Ngoài ra còn những khoản tiền Bác ái, Tình thương kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người, nên sự chi viện thoải mái hơn. Vả lại các nước Phương Tây giàu có, so với các nước Á, Phi, nên khi đóng góp giúp đỡ là các nước này sẽ giúp, để con chiên theo đạo càng ngày càng đông. Và một định luật tất nhiên của tư bản chủ nghĩa là: Tiền sẽ sinh ra tiền, nếu biết kinh doanh. Khi số vốn đã cao thì số lời lại lớn, ngoài ra họ không bị đánh thuế vào số tiền cúng dường, chỉ bị đánh thuế vào việc sinh lợi trên một giới hạn nào đó thôi.

Vậy thì người tín hữu của tôn giáo đó sẽ hưởng được quyền lợi gì?

Ví dụ như những thanh niên ngày nay khi đi nghĩa vụ quân sự không muốn cầm súng, thì họ có thể ghi tên thực tập tại các trung tâm từ thiện của Tôn Giáo ấy trong thời gian một năm hay hơn nữa, dĩ nhiên là được hưởng lương tượng trưng từ chính phủ và chỉ có cơ sở nào được công nhận là một tôn giáo mới được thu nhận những người tình nguyện này. Khi sống cũng như khi chết, người tín hữu của tôn giáo đó được quan tâm và bảo vệ cũng như chăm sóc v.v...

Ở Đức thì có vấn đề đóng thuế lên tín hữu, nhưng các nước Pháp và Hòa Lan cũng như Thụy Sĩ và một số nước khác ở Âu Châu không có.

Ở Đức, vào khoảng năm 1986 một Hội Nghị lớn tập trung hết tất cả các Tông phái Phật giáo có mặt tại Đức để đi đến vấn đề thống nhất thành một tổ chức lấy tên là BRG (Buddhistische Religion Gesellschaft), nhưng nội bộ có nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Ví dụ như có nhiều hội chưa đủ túc số để ghi tên nơi Tòa án e.V (eingetragen Verein) và lúc bấy giờ cũng chưa có hội nào được công nhận là gemeinnütziger Verein, có nghĩa là một Hội Công Ích và Từ Thiện. Với tư cách này, người đóng tiền cúng dường cho Phật giáo có thể nhận được giấy chứng nhận để cuối năm xin lại thuế lợi tức của mình. Đây cũng là một quyền lợi, nhưng có lẽ lúc đó chẳng ai để ý tới. Mãi đến năm 1996 cũng chỉ có hơn 10 Hội Phật tử của người Đức có được tư cách này.

Thuở đó chính cá nhân tôi có hai đề nghị mà ông Martin Baumann trong quyển sách Deutsche Buddhisten đã dẫn chứng rằng: Ở Đức phải có hai cơ sở của Phật giáo. Một cơ sở do Tăng Già lãnh đạo, chỉ gồm Tăng Ni lo về lãnh vực tinh thần. Một cơ sở thứ hai do cư sĩ Phật tử lãnh đạo, dưới sự hướng dẫn tinh thần của chư Tăng. Nhưng Đại Hội đã không tán thành ý kiến này, vì họ sợ rằng chư Tăng sẽ thao túng quyền lực lên Hội, họ sợ bị lệ thuộc, nên không chấp nhận ý kiến đó. Khi tôi đưa ra ý kiến này tôi có lý luận rằng: Người Tăng sĩ có giới luật của Tăng sĩ, Cư sĩ có giới luật của Cư sĩ. Không thể ngồi ngang hàng để làm việc được. Dĩ nhiên ai cũng có tánh Phật giống nhau, nhưng ở một hình thức nào đó như trong gia đình phải có cha mẹ, con cái, huynh đệ, chứ ai cũng ngang hàng với nhau thì ai nói ai nghe v.v... Vả lại lúc bấy giờ hàng ngũ Tăng sĩ của nước Đức chẳng có là bao, nên hầu như không có ai chấp nhận ý kiến của tôi, để cho đến bây giờ vẫn chưa thành lập được một Offenliche Recht của Phật giáo tại xứ này.

Điều thứ hai là không chấp nhận có Cộng Sản tham dự vào trong tổ chức này, nhưng họ phớt tỉnh và lý luận rằng: Đạo Phật là Đạo Từ Bi, cánh cửa mở rộng, nên phải thâu nhận mọi Tông phái và chính kiến khác. Điều đó rất đúng với một xã hội như Đức, nhưng thử hỏi, tại sao dân Tây Tạng và dân Việt Nam phải lưu vong? Có phải vì nạn Cộng Sản không? Ở trong nước Giáo Hội bị đàn áp, Thầy Tổ bị bắt cầm tù thì ở tại xứ Đức này chúng tôi không thể ngồi chung với những người Cộng Sản đến từ Á Châu trong Hội này để làm việc được. Thế là cuộc họp không thành công, tổ chức nào về tổ chức ấy để làm việc lại. Phật tử Việt Nam có lợi thế là đông đảo gấp 10 lần các Hội Phật giáo Đức, nhưng người Việt Nam chỉ là khách ở xứ này, nên người bản xứ họ muốn quyền lợi của họ phải nằm trong tay họ. Điều đó cũng đúng, nhưng xét về phương diện chung thì không lợi được chút nào cả. Trong tương lai Phật giáo Việt Nam phải đi con đường của mình đã chọn. Nghĩa là có hai tổ chức rõ ràng như hiện nay của Chi Bộ Đức Quốc và của Hội Phật tử, thì hoạt động Phật sự mới có thể tiến triển một cách tốt đẹp được.

Ở Áo cũng thế, chư Tăng ít, chưa có vấn đề, nhưng nếu một mai đây, không biết khi người xuất gia đông đảo, nhóm Cư sĩ này sẽ giải quyết ra sao, chờ thời gian sẽ trả lời.

Một số chư Tăng Ni người Âu Mỹ qua Á Châu xuất gia, sau đó họ ở luôn tại các nước này để học đạo và hành đạo tiếp, rất ít người về lại quê hương của họ. Có lẽ tại đây môi trường sinh sống và hoạt động không giống như Á Châu. Tại Á Châu, người ngoại quốc rất được trọng vọng và ưu đãi, nhất là người tu đến từ Âu Châu lại càng được kính trọng hơn. Trong khi đó, nếu về lại quê hương của họ, có thể trở nên xa lạ. Vì vậy cho đến bây giờ tại xứ Đức này có không quá 20 Tăng sĩ người Đức. Trong khi đó số Cư sĩ Phật tử Đức độ chừng 50.000 người.

Nhìn khắp Âu Châu nước nào cũng có Phật giáo như ở Anh, Pháp, Hòa Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Sĩ, Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Tiệp, Ba Lan, Na Uy, Lục Xâm Bảo v.v... nơi nào kinh sách cũng đã được dịch ra tiếng địa phương, nhất là Tam Tạng Kinh Điển bằng tiếng Pali đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Đức cũng như tiếng Pháp rất nhiều. Trong khi đó, bên Đại Thừa Phật giáo, Tam Tạng kinh Điển vẫn chưa được dịch hết. Chỉ có kinh Pháp Hoa, Bát Nhã, Dược Sư, Di Đà, Kim Cang là được dịch sang tiếng Đức và tiếng Pháp cũng như một số tiếng tại Âu Châu.

Đại Tạng Kinh Đại Thừa gồm 100 quyển. Mỗi quyển độ 2.500 trang. Như vậy với 250.000 trang Kinh, Luật và Luận, không thể sức của một người, một nhóm người mà làm được. Phải có những nhà nghiên cứu học giả, các Đại Thiền Sư, Đại Pháp Sư hiệp lực và giỏi ngôn ngữ cũng như Phật Pháp mới có thể dịch được và phải trải qua nhiều thế hệ chứ không phải chỉ trong một vài năm. Ngay như Việt Nam, Phật giáo đã có mặt nơi đây đã 18 thế kỷ rồi, nhưng Tam Tạng Thánh Điển vẫn chưa dịch ra trọn vẹn bằng tiếng Việt, không phải vì thiếu danh Tăng nhưng vì điều kiện an ninh của quốc gia và vấn đề tài chánh. Đây là những yếu tố chính.

Có những bài kinh Bát Nhã được trực dịch từ chữ Hán hoặc chữ Nhật ra tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Pháp, tụng nghe rất hay. Người dịch vừa trực dịch vừa lột hết được ý nghĩa quan trọng theo ngôn ngữ của địa phương mình. Nhưng đa số ngôn ngữ của Âu Châu có nhiều tử âm hơn mẫu âm nên rất khó tụng. Trong khi đó ngôn ngữ Á Châu đơn âm và mẫu âm nhiều hơn tử âm nên khi tụng lên dễ nghe hơn là đọc. Tại Á Châu âm nhạc và lễ nhạc của Phật giáo rất thịnh hành trong khi tán tụng, cũng vì dựa theo cách cấu tạo của ngôn ngữ tại đó. Riêng Âu Châu, tôi chưa từng thấy một bài kinh, bài tán nào được phổ nhạc như Á Châu. Nếu có trong tương lai, có lẽ cũng na ná giống nhạc của nhà thờ, vì lẽ theo âm điệu của ngôn ngữ tại đây. Tiếng Trung Hoa có 4 dấu giọng và nửa dấu giọng ở âm phụ. Trong khi đó tiếng Việt Nam đến 5 dấu giọng, nên khi nghe người Việt Nam nói, gần như là một loại âm nhạc rồi. Trong khi đó tiếng Âu Châu nói phải ngoẹo lưỡi, gằn giọng, nuốt hơi vào trong bụng v.v... làm cho người ngoại quốc rất khó học.

Ngày xưa người ta đã coi trọng âm nhạc và ngày nay cũng thế, tiếng nhạc lời ca dễ đi vào lòng người hơn, do đó biết đâu một mai đây có những nhạc sư nổi tiếng như Mozart hoặc Beethovel sinh ra tại xứ Đức hoặc xứ Áo, nơi nổi tiếng về âm nhạc, thì họ sẽ là những người phổ lên những nốt nhạc Phật giáo bằng vần điệu và âm thanh của tiếng nước họ.

Người Âu Mỹ đang gặp khủng hoảng về tinh thần, trong khi vật chất họ rất dư thừa. Nên đa số khi đến Chùa hoặc các cơ sở Phật giáo họ đều tọa thiền hay học hỏi về các phương pháp trị liệu có tính cách tâm lý. Thiền là một cách tư duy, tập trung tư tưởng và phản quan tự kỷ, nhưng người Âu Châu nhiều khi cũng cần thiền để trị tâm bịnh của họ. Dưới mắt Đức Phật, tất cả chúng ta đều là bịnh nhân. Vì vậy giáo lý của Đạo Phật chúng ta có thể hiểu, đó là những chất thuốc chữa bịnh, bổ dưỡng để nuôi sống thân thể cũng như tâm thức của con người.

Tại Pháp, người Việt Nam sinh sống ở đây hàng trăm năm về trước, nhưng mãi cho đến năm 1975 Phật tử Việt Nam mới tạo dựng được 30 ngôi chùa. Họ đến đây sinh sống, làm việc, đi lính, tỵ nạn v.v... vì nước Pháp đã đô hộ Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, gần 100 năm lịch sử. Do đó người Pháp rất gần gũi với người Á Châu, người Anh cũng thế, trong khi đó người Đức vẫn còn xa lạ với các dân tộc Đông Phương này. Người Pháp cũng là người Âu Châu, nhưng niềm nở hơn người Đức. Người Đức có nền văn hóa cao nhưng kín, lạnh lùng, trong khi người Pháp cởi mở và dễ chịu, ít bị lệ thuộc về hành chánh như người Đức. Vì vậy khi người Việt Nam sống tại xã hội Pháp dễ hội nhập hơn là tại các xứ Âu Châu khác. Ngày nay nhiều người Pháp, Ý là Phật tử, nhiều học giả, cầu thủ, ca sĩ v.v... là những tín đồ của Đạo Phật. Họ ăn chay, không ăn thịt, ăn cá để cổ vũ cho vấn đề từ bi, lợi tha của Đạo Phật. Đây là một điểm thành công vượt bực của giáo lý Phật giáo đối với những người Tây Phương này. Họ chuộng Đạo Phật vì triết lý cao siêu ấy. Vì ngoài cõi sống còn có cõi chết và khi chết không những chỉ có hai con đường để chọn, mà có sáu đường để đầu thai vào vòng luân hồi sanh tử hay thoát khỏi cảnh trầm luân để vào Đại Định của Niết Bàn.

Các chính trị gia của Đức, Pháp, Mỹ, Ý ngày nay cũng đã có cảm tình với Đạo Phật. Có nhiều người ăn chay trường và ngồi thiền hằng ngày trước khi đi vào công sở. Nhờ sách vở ngày nay bày bán nhan nhản khắp nơi ở Âu Châu và truyền hình, báo chí, phim ảnh cũng trình chiếu hằng ngày về các tin tức Phật giáo. Đa số là những tài liệu rất hay, thỉnh thoảng cũng có một vài cuộn phim táo bạo, nhằm triệt hạ uy tín Phật giáo như của Đại Hàn hay một số tin tức không nấy tốt đẹp của Phật giáo Thái Lan cũng được trình chiếu tại các quốc gia Âu Châu này. Dĩ nhiên cuộc sống và tôn giáo nào cũng có hai mặt của nó. Đạo Đời đều giống nhau. Vì là xứ tự do và phần phán xét công luận xin trả về cho quần chúng, nên đã cho trình chiếu những phim ảnh như thế, xét thấy cũng công bằng thôi. Không như những xã hội Cộng Sản hoặc độc tài, cứ bo bo che giấu, để một ngày nào đó bị đổ bể ra, nó lại càng tai hại hơn nhiều.

Người Anh đã tiếp xúc với Phật giáo Nam Tông trước Phật giáo Bắc Tông và họ đã gần gũi nền giáo lý nguyên thủy này qua việc cai trị các xứ Tích Lan, Ấn Độ. Vì vậy các kinh điển được dịch từ Pali sang Anh ngữ đa số đều được in, ấn tại Anh và từ tiếng Anh này người Phương Tây mới dịch ra các tiếng của nước sở tại.

Đặc biệt các nước Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan có chính sách nâng đỡ tôn giáo một cách cụ thể. Có lẽ vì họ nghĩ rằng người có tôn giáo là người không gây ra rắc rối trong xã hội, hay nói ít gây ra thì đúng hơn, để họ dễ cai trị và sắp xếp đời sống an sinh xã hội. Thay vì họ phải giúp đỡ trực tiếp cho người di dân, thì họ giúp qua các hội đoàn tôn giáo và từ từ để từ đây các tôn giáo tự lo cho tín đồ của mình. Một mặt đỡ tốn kém hơn, mặt khác có được sự cảm thông sâu xa giữa người bản xứ và người ngoại kiều.

Mặc dầu tôn giáo đã tách rời khỏi chính trị từ thế kỷ 18 tại Âu Châu này, nhưng đây là hình thức nâng đỡ trong một cộng đồng đa văn hóa. Ngày xưa tại Âu Châu, tôn giáo và chính trị là một, nhiều lúc tôn giáo có quyền hơn chính phủ, nên sau cuộc cách mạng Pháp 14.7.1789, hầu như các thể chế cai trị tại Âu Châu này đã được sửa đổi rất nhiều.

Tại Bắc Âu đa số những tôn giáo như Phật giáo đều được giúp đỡ dưới hình thức như cấp phát cơ sở để thực hành nghi lễ tôn giáo của mình. Tại các nước khác ở Âu Châu tín đồ phải đóng góp hằng tháng cho Giáo hội của mình để có phương tiện sinh hoạt. Trong khi đó tại Bắc Âu như Na Uy hay Thụy Điển căn cứ vào số tín đồ của tôn giáo đó bao nhiêu để chính phủ trợ giúp một ngân khoản cho mỗi năm, để chi phí các vấn đề tôn giáo, văn hóa, văn nghệ, giáo dục v.v.... Dĩ nhiên chính phủ giúp cho các tôn giáo tại đây không phải chỉ thuần vế vấn đề tôn giáo, mà trong tôn giáo ấy còn có các vấn đề văn hóa khác như duy trì tiếng mẹ đẻ, học thuật v.v...

Ở Âu Châu này, tuy cùng một châu lục, nhưng thể chế cai trị ở mỗi nước khác nhau. Có nước rập theo của Mỹ, có nước riêng biệt như Pháp, Anh, có nước theo chế độ quân chủ v.v... nhưng tựu chung nước nào cũng có tự do tôn giáo. Đây là điều mà bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã long trọng ghi vào trong phần đầu. Vì con người không phải chỉ sống với phần thể xác mà phải có một tâm linh minh mẫn, tráng kiện. Trong đó tôn giáo góp phần chính về việc thăng hoa trong cuộc sống nội tâm này. Chỉ có một số các quốc gia Cộng Sản Đông Âu ngày xưa là loại trừ tôn giáo ra khỏi học đường và ngay cả đời sống cá nhân trong gia đình, nhưng ngày nay thì hầu hết các xứ Đông Âu đều phục hồi lại giá trị tinh thần này một cách mau chóng sau bao nhiêu năm tháng bị chôn vùi trong chế độ Cộng Sản.

Các xứ Bắc Âu ngày nay người địa phương cũng theo Phật giáo rất nhiều. Bằng chứng là khi ra đường gặp các vị Sư, họ biết chắp tay chào hỏi. Các Đại Học lớn tại các thủ đô của các xứ này đều có phân khoa về Tôn Giáo học, trong đó Phật giáo cũng được dạy. Trong các Thư viện Quốc gia, sách báo Phật giáo bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau được lưu trữ, ai muốn xem xét nghiên cứu đều có thể dễ dàng mượn hoặc tham cứu tại chỗ. Cũng có những cuộc triển lãm nghệ thuật Phật giáo đến từ các xứ Á Châu hay các buổi hòa tấu lễ nhạc Phật giáo đã được nhiều người địa phương tham gia một cách tích cực.

Âu Châu là một xứ văn minh về kỹ nghệ và học thuật, tư tưởng. Tại đây đã xuất hiện không biết bao nhiêu vĩ nhân và siêu nhân, cống hiến cho thế giới một cách đa dạng trong sự tiến hóa về kỹ thuật và triết học ngày nay. Trong khi đó Á Châu cung ứng cho thế giới những giá trị tinh thần cao cả nhất và các bậc xuất thế như Đức Thích Ca, Jesus, KhổngTử, Lão Tử và Mohamed đã vì con người và cho con người, không phân biệt cội nguồn, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ v.v... để những tinh thần ấy mãi mãi là vốn quý của nhân loại.

Bây giờ chúng ta thử điểm một vòng về sự sinh hoạt cũng như ảnh hưởng của Phật giáo tại các châu lục khác như Mỹ Châu và Úc Châu để chúng ta có một cái nhìn chính xác hơn.

Tuy Mỹ và Úc là hai châu lục khác nhau, nhưng sự hình thành về địa lý và nhân chủng gần giống nhau, cũng chỉ mới 200 năm lập quốc và các châu lục này mang đầy đủ ý nghĩa của nó là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, có nhiều sắc dân đến sinh sống nơi đây. Úc cũng vậy. Úc là độc quyền của người Anh cai trị, nhưng trong thế kỷ 20 này ngoài người Âu Châu định cư tại đó, còn có nhiều sắc dân của Á Châu đến sinh sống. Khi người di dân ra đi định cư ở một xứ nào là họ mang theo một tài sản tinh thần rất to lớn. Đó là niềm tin vào một tôn giáo. Như người Thiên Chúa Giáo hoặc Tin Lành Giáo đến Mỹ Châu, người theo Anh giáo đến Úc và người Phật tử đến từ Á Châu họ cũng đã mang đạo Phật vào châu lục này.

Do cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 ở Trung Hoa cũng đã có một số nhà Sư và Phật tử sang định cư tại Hoa Kỳ, hoặc một số người Nhật đến sinh sống tại Hawaii chẳng hạn. Bước ban đầu của người định cư chỉ là bước đi rất nhỏ, ngắn. Vì những thế hệ đi trước này cốt làm sao hội nhập vào đời sống tại bản xứ, sau đó nhờ thế hệ con cái của họ triển khai thêm. Một hai mươi năm là con số không đáng kể. Việc phát triển tôn giáo phải kể đến hàng bao nhiêu thế kỷ. Tuy nhiên Hoa Kỳ và Úc Châu là hai châu lục mà văn minh cơ giới rất tiến bộ, kỹ nghệ phát triển mạnh. Do đó việc phát triển các tôn giáo cũng theo đà đó mà tồn tại, thay đổi v.v... Người Mỹ và người Úc lúc ban đầu có lẽ cũng rất bỡ ngỡ với nền văn hóa Đông Phương xa lạ, nhưng dần dà họ quen biết Phật giáo qua sách vở hay bạn bè, hoặc giả qua những buổi thuyết giảng của những vị Đại Sư danh tiếng. Cũng có một số người Mỹ, người Úc đến Nhật Bản, Việt Nam, Đại Hàn, Tích Lan, Thái Lan để học đạo và từ đó họ trở lại quê hương của họ tìm cách phát huy nền Đạo Học Đông Phương này. Ví dụ một người Mỹ mang tên Henry Steel Olcott là người Phật tử rất có công đối với Phật giáo thế giới ngày nay. Nguyên nhân được kể lại như sau:

Vào những năm cuối thế kỷ 19, sau khi đọc một vài tác phẩm về Phật giáo Tích Lan ở Mỹ, ông Olcott có ý đến Tích Lan để du lịch và làm quen với Phật giáo. Lúc bấy giờ người Anh đang cai trị tại Tích Lan, nên mọi sự tự do tôn giáo đều bị cấm đoán. Ông là người đứng ra xuất bản báo chí tiếng Anh và xây dựng các trường học cho con em Phật tử học. Điều quan trọng nhất mà thế giới ngày nay vẫn còn nhắc đến là ông đã có công giới thiệu năm màu ngũ sắc hào quang của Đức Phật làm thành một lá cờ Phật giáo. Những năm đầu của thế kỷ 20, cờ này được bay phất phới tại các chùa Phật giáo ở Tích Lan, nhưng mãi đến năm 1950, lá cờ này mới được các quốc gia Phật giáo công nhận là lá cờ của Phật giáo Thế Giới. Ông là một người Mỹ đã có công chấn chỉnh lại nền Phật Học của Tích Lan qua mối từ tâm của mình, sau đó ông ta cũng đã quy y theo Phật giáo và cuối đời ông đã gởi xác mình tại xứ Ấn Độ.

Ngày nay tại Mỹ các trường Đại Học nổi tiếng như Harvard, UC Berkeley đều có phân khoa Phật học hoặc Tôn Giáo tỷ giảo học. Còn các Đại học khác khắp nơi trên nước Mỹ cũng có mở phân khoa Tôn Giáo, trong đó có dạy về Phật giáo. Phật giáo đi đến Âu cũng như Mỹ, Úc đầu tiên là ảnh hưởng đến tầng lớp trí thức, sau đó mới đến người dân. Điều này hầu như trái ngược hoàn toàn với Á Châu, khi đạo Phật đến các xứ này từ Ấn Độ là thâm nhập vào giai cấp bình dân trước, sau đó mới đến giai cấp quan lại vua chúa. Sự khác nhau này có lẽ do thời đại và thể chế mà có. Ngày xưa muốn đến cửa quan không phải đơn giản. Còn ngày nay những gì xảy ra trong đất nước, qua hệ thống thông tin, quan chức phải nắm rõ trước tiên, có lẽ vì thế mà có sự khác biệt này.

Tam Tạng kinh điển Đại Thừa, bản Đại Chánh tân tu Đại Tạng kinh đã và đang được phiên dịch ra tiếng Anh tại Đại Học Berkeley bởi các nhà nghiên cứu học giả người Mỹ, Nhật, Trung Hoa. Nếu Tam Tạng này được dịch ra tiếng Anh xong thì đây là thành quả to lớn của Phật giáo Đại Thừa nói riêng và Phật giáo trên thế giới nói chung. Từ tiếng Anh này, các nước khác trên thế giới theo Đại Thừa có thể phiên dịch lại ngôn ngữ của nước họ một cách dễ dàng hơn.

Riêng Phật giáo Việt Nam cũng đã đóng góp không nhỏ cho nước Mỹ qua các vấn đề văn hóa, giáo dục, tôn giáo, học thuật v.v... kể từ khi người Mỹ có liên hệ với Việt Nam từ năm 1963. Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đậu Tiến sĩ Văn chương ở Đại Học Waseda, Nhật Bản, sau đó Hòa Thượng về Việt Nam dạy tại trường Đại Học Vạn Hạnh của Phật giáo ở Sài Gòn. Đến năm 1966, qua sự trao đổi Giáo sư giữa các trường Đại Học Việt Nam và Mỹ, Hòa Thượng đã được Viện Đại Học Vạn Hạnh công cử qua Hoa Kỳ để dạy tại các Đại Học ở đây. Sau đó Ngài lập nên Quốc Tế Thiền Viện cho người Mỹ đến tu tập tại Los Angeles, California. Đã có nhiều người Mỹ quy y và xuất gia với Hòa Thượng. Hòa Thượng cũng đã thành lập Viện Đại Học Đông Phương (Oriental University) cũng ở Los Angeles để dạy về Phật giáo và các phân khoa khác ở bậc Cao Học và Tiến Sĩ. Ngài là người đầu tiên đến khai sáng Đạo Phật Việt Nam tại xứ này. Ngài cũng đã có tên trong Tự Điển Danh Nhân nước Mỹ, qua sự đóng góp trong vấn đề Văn hóa và Tôn giáo của Ngài cho xứ này.

Ngày nay tại Hoa Kỳ có khoảng 1 triệu người Việt Nam, có khoảng 300 ngôi chùa được thành lập và 300 Tăng Ni định cư tại đây. Đa số những vị đi trước năm 1975 đều có bằng cấp Cử Nhân, Cao Học hoặc Tiến Sĩ. Còn những vị đi tỵ nạn sau 1975 thì số tốt nghiệp Đại Học tại Mỹ không nhiều. Vì đây là giai đoạn đầu để hội nhập vào cuộc sống mới nên phải cần rất nhiều thì giờ cho vấn đề ổn định đời sống và trau giồi sinh ngữ.

Mỗi ngôi chùa là một trung tâm văn hóa của Phật giáo, nhưng mới chỉ đặc biệt cho Việt Nam. Do đó người Mỹ cũng khó hội nhập vào cuộc sống tâm linh với người Việt. Không những người Việt như vậy, mà người Đại Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa, Tây Tạng họ đều giữ riêng sắc thái của họ. Nếu người Mỹ muốn theo Phật giáo nước nào thì đến chùa thuộc nước đó để học hỏi giáo lý. Người Mỹ thích yên tĩnh, trong khi người Á Châu thường nói lớn tiếng, ít để ý đến những người chung quanh nên đôi khi cũng phiền toái. Nhưng tựu chung Phật giáo Tây Tạng thành công nhất tại xứ Mỹ, khó có Phật giáo xứ nào được như vậy, những lý do như đã được đề cập trong Chương này ở phần về Âu Châu.

Phật giáo Nam Tông ở Mỹ không mạnh lắm, tuy có rất nhiều bậc danh Tăng đến từ Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện v.v... nhưng có lẽ xứ Mỹ là xứ mà đất rộng người thưa, tiếng nói giới hạn ấy không thể vang vọng vào một không gian to lớn như ở Hoa Kỳ.

Tại San Francisco, khi Hòa Thượng Tuyên Hóa còn sanh tiền đã thành lập một Đại Học Phật giáo lấy tên là Pháp Giới Đại Học (Dharma Realm University) và một trung tâm tu học là Vạn Phật Thánh Thành, các sinh viên người Mỹ đến đây tu học cũng đông. Có người đã xuất gia, học tiếng Quan Thoại và đang phiên dịch Tam Tạng kinh điển bằng tiếng Trung Hoa ra Anh văn. Họ tu cũng rất khổ hạnh. Một ngày ăn rau quả tươi và một ngày ăn đồ có nêm gia vị. Sống rất đơn giản, nhưng tu học rất chuyên cần. Ngủ thì ngủ ngồi và mỗi ngày ngồi thiền nhiều tiếng đồng hồ. Trong số những người Mỹ tu tại Vạn Phật Thánh Thành này có vài vị đã hành trì pháp môn tam bộ nhứt bái, nghĩa là bước ba bước lạy một lạy. Đoạn đường đi từ Los Angeles lên đến San Francisco, phải mất nhiều tháng trời hành trì lễ bái mới xong. Đây cũng là để thử thách người tu hành về ý chí cũng như nghị lực. Vì suốt trong một chặng dài của độc lộ để đến giải thoát ấy, hành giả cần phải nhẫn nhục và tinh tiến là hai đức tính quan trọng để tôi luyện thân cũng như tâm của con người.

Tại Washington DC, nơi thủ đô của Mỹ quốc cũng có một số chùa viện của các nước được thành lập nơi đây, nhưng cũng chỉ là những nơi trao đổi gặp gỡ cũng như lễ bái nguyện cầu của người đồng hương, chứ chưa phải là những cơ sở có tầm vóc quốc tế để người Mỹ lưu tâm đến.

Tại Virginia có một trung tâm thiền viện của người Mỹ. Đây là một khu rừng để hành thiền. Những người Mỹ thích an tịnh thì vào đây tu học.

Ở Mỹ hiện có rất nhiều trung tâm như thế, nhưng mong rằng có nhiều cơ sở to lớn hơn để mở rộng tầm hiểu biết của người địa phương với tôn giáo này. Một số Đại Học Phật giáo cũng dự định thành lập, nhưng vì vấn đề tài chánh và nhân sự, nên cũng không phải là việc đơn thuần. Ở Mỹ đa số là những Đại Học tư nhân như ở Nhật, nếu Đại Học nào có tiếng dạy hay, có Thầy giỏi và học phí phải chăng thì sẽ có nhiều sinh viên ghi tên học. Ở Mỹ cái gì cũng phải cạnh tranh để sinh tồn, nếu Đại Học nào luôn luôn cải tiến thì vẫn có thể tồn tại với thời gian năm tháng. Ở Mỹ các thầy, cô giỏi đều tập trung tại đây, nên nhiều sinh viên Tăng Ni cũng đến đây học. Vả lại tiếng Anh là ngôn ngữ ngoại giao chính thức của thế giới ngày nay, nên đến được Mỹ để du học cũng giúp cho tương lai của đương sự rất nhiều.

Năm 1982 tôi đã có dịp viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam hải ngoại trước và sau năm 1975, nhưng lúc bấy giờ tài liệu còn thô sơ quá, nên cũng chưa đạt được yêu cầu. Bây giờ sau hơn 15 năm, tôi cũng muốn viết lại phần này cho đầy đủ hơn, nhưng rất tiếc sử liệu không dồi dào và phải cần thời gian tương đối nhiều để đi đến tận nơi khảo sát cho kỹ càng hơn.

Trên đây là phần nói về nước Mỹ hay nói chung Mỹ Châu cũng thế. Phần Bắc Mỹ có Canada và Nam Mỹ có Mễ Tây Cơ, Chí Lợi, Peru v.v... Các nước này cũng có những ảnh hưởng tương tự như thế.

Riêng tại Úc Châu cũng có những nguồn du nhập Phật giáo từ Á Châu và Âu Châu. Đa số người Á Châu đến đây định cư cũng đã mang theo niềm tin của họ, đó là Phật giáo. Tại Úc, Phật giáo Tây Tạng đã giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người địa phương. Kế đó là Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam. Người Việt Nam ở Úc độ 200.000 người, đa số đã thành công trên nhiều lãnh vực sau 20 năm định cư tại xứ này. Có một số người Úc cũng đi chùa Việt, nhưng đa phần là có vợ hoặc chồng Việt, họ đi vì vấn đề tín ngưỡng của người thân chứ cũng chưa có một lòng tin sâu sắc vào giáo lý của Đạo Phật. Ngay cả sau 20 năm rồi, chưa có một người Úc nào xuất gia theo Phật giáo Việt Nam. Không phải vì Phật giáo Việt Nam không đủ khả năng để huấn luyện họ, nhưng họ là những người muốn tìm sâu về cội nguồn, nên hoặc xuất gia theo Nam Tông, hai là theo Tây Tạng, chứ cũng ít xuất gia theo Phật giáo Đại Hàn, Trung Hoa hay Nhật Bản. Không những chỉ ở nước Úc mà khắp các nơi trên thế giới rất ít người địa phương xuất gia và tu học theo truyền thống Phật giáo Việt Nam. Có nhiều người ngoại quốc bảo, nếu họ theo Phật giáo Việt Nam thì họ có thể tìm đến Phật giáo Trung Quốc tiện lợi hơn. Vì vậy nên có một số quý Thầy Việt Nam chế biến giáo lý của Đức Phật có một cái gì đó cho ra vẻ Việt Nam để lôi cuốn người ngoại quốc, đôi khi sử dụng cả phương tiện sai trái với giới luật của Phật chế, cốt để người ngoại quốc theo. Làm như vậy hóa ra chỉ vì sự thị sự hiếu của người ngoại quốc mà mình lại thay đổi bản chất của mình chăng?

Ở Mỹ có một trường hợp thế này. Những người Thái Lan rất sùng đạo, chung tiền vào để xây chùa thật lớn, rồi mời các vị Sư từ bên Thái Lan qua trụ trì. Lần đầu mời những vị Sư chỉ biết toàn tiếng Thái, không rành tiếng Anh. Lúc bấy giờ chỉ có người Thái Lan đi Chùa, còn người Mỹ thì không. Sau đó Ban Quản Trị mới họp lại kiểm điểm những thành quả đã gặt hái được trong thời gian qua để rút kinh nghiệm và cuối cùng đi đến quyết định là phải mời những vị Sư người Thái giỏi Anh ngữ qua Mỹ mới có thể thu hút được người Mỹ. Điều ấy quả thật không sai, nhưng khi vị Sư người Thái giỏi tiếng Anh đến Mỹ thì chỉ quan tâm người Mỹ, không còn thì giờ dành cho người Thái nữa, nên người Thái lại không đi Chùa. Đó là hai trạng thái khác nhau ở trong một xã hội đa văn hóa. Mong rằng nếu ai làm việc đạo trong các xứ Âu, Mỹ, Á, Úc, Phi hãy lấy bài học ấy ra để chiêm nghiệm cho bản thân mình.

Tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh thì các pháp cũng đều do nhân duyên diệt, không có gì phải gượng ép và nôn nóng cả. Cái gì đến nó sẽ đến. Cũng như các vị Thiền Sư Trung Hoa khi chạy loạn đến Việt Nam chắc các Ngài cũng không mong rằng người Việt Nam phải nắm bắt cái nguồn mạch nguyên thủy ấy, nhưng ngày tháng trôi qua, dần dần ngấm dần vào trong tư tưởng và truyền thống văn hóa của dân tộc sở tại. Lúc ấy Phật giáo sẽ tự nhiên phát triển như định luật duyên sanh bên trên đã trình bày.

Úc Châu là xứ có nhiều hứa hẹn. Vì đây là một lục địa mới, nên tương lai Phật giáo sẽ phát triển mạnh tại xứ này cũng như Mỹ Châu mà trong đó sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng đa văn hóa này không nhỏ.

Người Việt Nam có cái rủi nhưng lại cũng có cái may. Cái rủi là phải bỏ nước ra đi vì nạn Cộng Sản, nên sống chết coi thường trên núi cao rừng thẳm hay sông rộng biển sâu, làm mồi cho thú dữ chim muông hay cá mập, nhưng vì hai chữ tự do mà đã bỏ lại tất cả sau lưng để đi đến một chân trời vô định. Khi đến định cư được ở các nước đệ tam quốc gia còn chưa hoàn hồn, nếp mới chưa quen thuộc, nhưng chắc chắn tinh thần lại không được phép để chìm sâu xuống bờ vực thẳm, trong ấy bả lợi danh hay mùi phú quý sẽ dễ làm cho người ta quên dĩ vãng, thì Phật giáo sẽ là một chất thuốc cực mạnh để cảnh tỉnh cơn mê ấy. Cái may là nhờ đi tỵ nạn như vậy người Việt Nam mới có cơ hội giới thiệu về văn hóa, tôn giáo của mình đến với người địa phương. Ngày nay 2 triệu người Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới là những tài sản quý giá mà nhân loại đã trân quý giúp đỡ cũng chỉ vỉ hai chữ Tự Do. Từ đó chúng ta sẽ sinh sôi nảy nở tư tưởng thêm ra. Trước 1975 các sinh viên muốn đi du học phải tốn biết bao tiền của và công sức mới ra ngoại quốc được. Ngày nay có cả 2 triệu người Việt Nam được định cư ở nước ngoài, cũng là một hình thức đi du học, nhưng có tốn kém gì đâu, mà còn học hỏi được những cái hay cái đẹp của người địa phương, biết đâu sau này về lại đất nước còn đem khả năng hiểu biết ấy để phụng sự cho quê hương, dân tộc và đạo pháp.

Phi Châu là một châu lục có trước các châu khác, nhưng vì khí hậu nơi đây khắc nghiệt, nên tôn giáo cũng khó bề phát triển tại các xứ này. Các nước như Tunésie, Algérie, Côte d’ Ivoir v.v... những nước thuộc địa của Pháp có ảnh hưởng ít nhiều của Phật giáo. Vì lẽ những người Phật tử Đông Dương sống lâu năm tại Pháp qua các xứ Phi Châu này làm việc và từ đây họ đã trao truyền giáo lý của Đức Phật cho người địa phương. Căn bản là Tứ Diệu Đế, là Bát Chánh Đạo, là Thập Nhị Nhân Duyên v.v... đây là những đề tài căn bản mà phái nào cũng phải tu học cả, dù là Tiểu Thừa hay Đại Thừa, Mật Giáo hay Thiền v.v... Ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma là một Thánh Tăng của Phật giáo Tây Tạng, Ngài đi đâu cũng thuyết giảng những đề tài ấy là chính. Tuy giản đơn nhưng bao hàm mọi ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày mà người Phật tử tại gia cũng như xuất gia phải cố gắng hành trì mới mong đạt đến chân thiện mỹ.

Không biết đến bao giờ thì Phi Châu mới có cơ duyên học hỏi giáo lý của Đạo Phật một cách thịnh hành như Á Châu hoặc Âu Châu. Vì họ vẫn còn theo đa thần giáo hoặc các tôn giáo thiên nhiên hay Hồi Giáo. Nhưng hy vọng rằng với thời gian, họ cũng sẽ được gội nhuần ánh sáng từ quang lợi tha của Đức Phật trong những kiếp lai sinh.

Trên đây là một cái nhìn tổng thể về Phật giáo đối với các dân tộc Á, Âu, Mỹ, Phi và Úc Châu. Vì ý kiến của cá nhân nên chắc chắn có nhiều chỗ sai lầm và thiển cận. Mong rằng khi đọc phần này, quý vị nào có ý kiến xin đóng góp vào thêm. Thông thường những luận án, những luận văn, những bài thuyết trình v.v... nói đến đâu phải có ghi chú đến đó để chứng minh cho mọi người biết rằng sách này, bài này được dẫn chứng từ đâu, nhưng đa số sách của tôi viết hầu như ít có dẫn chứng. Vì lẽ nó từ chương quá, khó gây cho người đọc có cảm tưởng tốt, nhất là nguồn tư liệu ấy phải được xào nấu đi để dễ tiêu hóa hơn. Dĩ nhiên những điều tôi nói và viết trên đây không ngoài sách vở mà có được, chỉ có điều như vừa trình bày bên trên, là muốn cho thức ăn được tiêu hóa nhanh thì phải xào nấu kỹ, mà trong khi xào nấu thì nó đã làm mất đi ít nhiều tính chất nguyên thủy của nó rồi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 7 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Em Là Vì Sao Sáng


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Truyện tích Vu Lan Phật Giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.14.247.161 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...