Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Phật giáo và Con người »» Lời giới thiệu - Lời vào sách »»

Phật giáo và Con người
»» Lời giới thiệu - Lời vào sách

Donate

(Lượt xem: 10.432)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Phật giáo và Con người  - Lời giới thiệu - Lời vào sách

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

LỜI GIỚI THIỆU
của Viên Giác Tùng Thư nhân kỳ tái bản lần thứ nhất năm 2020

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện trên cõi Ta-bà này trong thân tướng con người như mỗi người chúng ta, cũng chỉ vì một thiện duyên duy nhất là cứu khổ cho muôn loài chúng sanh, mà trong đó có vai trò đặc biệt là loài người. Trung Bộ Kinh có ghi đoạn đức Phật nói với Tôn giả Xá Lợi Phất về chính mình như sau: "Những ai nói về Ta một cách chân chánh sẽ nói như sau: Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người“ (Trung Bộ Kinh I, 83).

Bởi thế, hình ảnh đức Phật là hình ảnh một “con người“ tự tầm đạo, tu tập và chứng ngộ. Sau khi chứng ngộ, đức Phật đã đem giáo pháp nhiệm mầu ấy dạy cho con người. Đầu tiên cho hai vị thương gia cư sĩ Tapassu và Bhalluka, rồi ngay sau đó cho năm anh em Tôn giả Kiều Trần Như. Ngài luôn dạy chúng đệ tử không cầu khẩn, van xin phước lành từ các đấng Thần linh, mà phải dựa vào tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực để cầu đạo giải thoát.

Tác giả cuốn sách Phật Giáo và Con Người này là một người đã tự mình hành trì những lời dạy đó. Hòa Thượng Thích Như Điển đã và đang đi trên con đường ấy, tính đến nay (2020) đã hơn 55 năm. Hòa Thượng không nhìn Phật Giáo dưới con mắt của một học giả mà là của một người thực sự dấn thân bước đi trên con đường học và hành giáo lý vi diệu này. Độc giả sẽ bắt gặp nơi đây những hình ảnh lý thú về đạo Phật trong những sinh hoạt không xa lạ với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Thiết tưởng điều này rất cần thiết và hữu ích cho những ai đang trên bước đường học Phật. Viên Giác Tùng Thư xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả gần xa tác phẩm Phật Giáo và Con Người của tác giả Thích Như Điển trong kỳ tái bản lần thứ nhất năm 2020.

Nhân đây Viên Giác Tùng Thư cũng xin cám ơn cư sĩ Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến đã giúp đỡ chúng tôi trong việc biên tập và trình bày cuốn sách này. Xin cám ơn hai đạo hữu Nguyên Hùng và Nguyên Ân đã hỗ trợ cho các hoạt động của Viên Giác Tùng Thư được thập phần viên mãn.

Xin chắp tay nguyện cầu cho ngày càng nhiều người trên hành tinh này thấm nhuần giáo lý nhiệm mầu của Phật Pháp, bỏ ác làm lành, lợi lạc nhân sinh.

Đức quốc, đầu năm 2020
Viên Giác Tùng Thư
 
 

LỜI VÀO SÁCH

Cứ mỗi năm Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức lại tài trợ cho tôi viết một quyển sách, ngoài những giúp đỡ khác cho tờ báo Viên Giác, lễ lộc cũng như những chi phí phụ của chùa. Đây là lý do và cũng là động cơ thúc đẩy tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự lưu tâm của Bộ Nội Vụ.

Mới đây, ông Dammermann là một Thượng Nghị Sĩ, từ Bonn đã đến thăm chùa sau hơn 15 năm Bộ đã giúp cho chùa rất nhiều phương diện qua các thời kỳ tiền nhiệm của ông Dr. Geißler, ông Dr. Lewandowski, bà thư ký Michael và lần này chính ông Dammermann đã đích thân đến chùa để thăm cơ sở và tìm hiểu sơ qua sự sinh hoạt tại đây và bàn bạc về vai trò của ngôi chùa cũng như Tôn Giáo, nhất là Phật giáo, cho kỳ triển lãm kỹ nghệ thế giới Expo năm 2000, từ tháng 6 đến tháng 10. Trong 5 tháng trời ấy, thành phố Hannover dự định đón nhận 35 triệu người trong nước Đức cũng như từ khắp nơi trên thế giới.

Một lượng khách lớn như thế và một chủ đề: Mensch, Natur und Technik (Con Người, Thiên Nhiên và Kỹ Thuật) đã làm cho mọi người phải quan tâm đến, mà ngôi chùa Viên Giác nằm cách khu triển lãm này không quá 10 phút đi bộ.

Câu chuyện của 4 năm nữa còn phải bàn bạc thêm rất nhiều và dĩ nhiên Phật giáo Việt Nam cũng sẽ đóng góp phần tâm linh của mình vào sự phát triển của thế giới cũng như nhân loại trong hiện đại.

Mùa An cư kiết hạ cũng là mùa mà tôi có nhiều thì giờ nhất cho chính mình và đây cũng là cơ hội để tôi tĩnh tâm, tu niệm cũng như viết sách. Thời biểu hằng ngày là như sau:

- 6 đến 7 giờ sáng mỗi ngày là giờ công phu khuya, thiền hành và thiền tọa.

- 7 đến 8 giờ sáng là giờ viết sách.

- 8 giờ sáng, Tăng chúng dùng điểm tâm trong chánh niệm.

- 9 đến 10 giờ, tôi có thêm một giờ nữa để viết sách.

- 11 giờ đến 12 giờ là giờ quá đường và thiền hành, tụng kinh.

- 12 đến 2 giờ trưa là giờ chỉ tịnh.

- 14 giờ 30 đến 16 giờ 15 là giờ dạy học cho Tăng chúng trong mùa An cư cũng như cho các lớp người Đức.

- 17 đến 18 giờ là giờ đọc sách.

- 18 giờ 30, dùng chiều trong chánh niệm.

Vào lúc 20 giờ, tất cả mọi người vân tập nơi Chánh điện để lạy Kinh Đại Bát Niết Bàn, mỗi chữ mỗi lạy cho đến 21 giờ 30, sau đó là giờ của cá nhân.

Kinh Đại Bát Niết Bàn là một trong những kinh tối thượng thừa, Đức Phật đã nói trong 8 năm sau cùng của đời Ngài cùng với Kinh Pháp Hoa tại Linh Thứu Sơn nơi thành Vương Xá.

Trong những năm trước, khi mùa An cư kiết hạ đến, tôi có cho Tăng chúng và Phật tử học các khóa giáo lý căn bản, kế đó là phát nguyện tu Bát quan trai một ngày một đêm vào mỗi cuối tuần trong suốt mùa Kiết Hạ. Những năm sau đó, tôi đã phát nguyện lạy kinh Ngũ Bách Danh (500 lạy), rồi Tam Thiên Phật Danh (3.000 lạy), rồi Vạn Phật (hơn 11.000 lạy), nhưng cảm thấy nội lực vẫn chưa tăng trưởng nhiều, nên tôi đã phát nguyện lạy kinh Pháp Hoa, mỗi chữ mỗi lạy.

Năm 1990 bắt đầu lạy kinh Pháp Hoa. Năm ấy lạy được 14.213 lạy. Năm 1991 lạy 13.767 lạy. Mặc dầu năm này có tổ chức lễ Khánh Thành chùa Viên Giác, nhưng Tăng chúng cũng rất tinh tấn trong việc tu hành. Đến năm 1992 lạy được 13.409 lạy. Năm 1993 lạy được 12.393 lạy. Năm 1994 có lẽ là năm lạy nhiều nhất, mặc dầu chỉ lạy trong 55 lần của mùa hạ, mà đến 17.090 lạy. Như vậy trung bình mỗi ngày lạy 310 lạy. Năm 1995, phần còn lại chỉ lạy trong 18 ngày, tổng cộng 5.130 lạy. Như vậy, nếu làm một con số thống kê ta sẽ có được 76.002 lạy. Trong kinh Pháp Hoa phần đầu có nói là hơn 60 ngàn lời được Đức Phật diễn thuyết, nhưng đó có lẽ là phần chữ Phạn hoặc chữ Hán, còn dịch ra tiếng Việt đã hơn 76 ngàn chữ vậy. Đây là một công đức rất thù thắng trong việc tu hành mà chùa Viên Giác cũng như cá nhân tôi đã thực hiện trong thời gian qua.

Tôi vẫn thường hay nói với quý Phật tử rằng: Tu phước cũng giống như cây đèn cầy, một ngày nào đó đốt mãi cây đèn cầy cũng phải hết. Riêng tu đức hoặc trí huệ cũng giống như ánh sáng của cây đèn cầy, sáng mãi không bao giờ hết. Nếu ta đem ánh sáng ấy thắp tiếp tục cho những ngọn đèn bên cạnh, ánh sáng lại càng tỏ rõ hơn nữa. Từ đó, chúng ta có thể hiểu, việc tu hành cả phước và huệ đều bổ sung cho nhau, không nên để thiếu một trong hai thứ ấy.

Đa phần chúng ta thường ít sử dụng tự lực mà chỉ muốn nương vào tha lực, nên con người, vốn đã yếu đuối, lại càng yếu đuối hơn nữa. Vì thế, tu tập là một việc làm rất cần thiết cho Phật tử tại gia lẫn xuất gia.

Sau khi lạy xong kinh Pháp Hoa, tôi lại phát nguyện lạy tiếp kinh Đại Bát Niết Bàn. Kinh này gồm 2 tập. Mỗi tập không dưới 500 trang và chữ nhỏ hơn kinh Pháp Hoa, nên có lẽ phải lạy hơn 10 mùa hạ nữa mới xong. Việc tu hành không phải chỉ nhắm vào hình tướng. Vì tất cả cái gì có tướng đều hư vọng cả. Nhưng muốn đạt được tánh chân như, trước tiên phải nương vào tướng để hiển bày sự tu học là vậy. Có người phá chấp không cần lễ Phật nữa, nhưng riêng tôi thì chủ trương khác. Con người ai cũng có bịnh cả. Bịnh do nghiệp mà ra. Vả lại ta có thân nên phải có bịnh. Mà nghiệp thì có thể chuyển được. Muốn chuyển nghiệp thì phải tu. Chỉ có thế thôi. Mà tu thì phải đem thân lễ bái, đem tâm sám hối và đem miệng đọc tụng lời kinh Phật. Nếu ai ai cũng thực hiện được việc này thì nhơn gian này sẽ biến thành Tịnh độ. Việc khó nào rồi chúng ta cũng sẽ thành tựu viên mãn.

Ngày xưa Phật còn tại thế, có lẽ Ngài và chư Tăng an cư kiết đông chứ không kiết hạ. Vì mùa đông mới có mưa, còn mùa hạ thì khô ráo. Mùa mưa chính là mùa côn trùng hay sinh nở và không tiện cho việc đi khất thực, nên Đức Phật và chư Tăng ở lại tịnh xá để tham thiền và trau giồi giáo pháp. Đó cũng là thể hiện lòng từ bi đối với muôn loài vạn vật. Còn Việt Nam và Trung Quốc hay an cư kiết hạ vào mùa hè. Có lẽ đây thuộc về trường phái Bắc Tông, giữa Phật Đản và Vu Lan có 3 tháng chẵn, nên an cư vào 3 tháng ấy cũng hợp lý chăng, nên chư Tăng Bắc Tông an cư vào mùa nóng. Trong khi đó Nam Tông không có lễ Vu Lan nên không bị lệ thuộc vào 3 tháng mùa hè. Tuy nhiên, ngày nay ở Việt Nam cũng như ngoại quốc có một vài nơi an cư kiết đông, nhưng cũng không tiện lợi mấy vì ít có người tham gia, chư Tăng phải theo học ngoại điển, mà trường học ở ngoại quốc và Việt Nam thời gian nghỉ hè 3 tháng nhưng nghỉ đông chỉ một tháng thôi. Do đó khó bề thực hiện được.

Ở Âu Châu này, nhất là nước Đức, mỗi năm có 4 mùa rõ rệt. Mùa đông bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3. Mùa xuân từ tháng 4 đến tháng 6. Mùa hạ từ tháng 6 đến tháng 9 và mùa thu từ tháng 10 đến tháng 12. Mỗi mùa như vậy khí hậu thay đổi rõ rệt. Cây cối cũng theo đó mà đâm chồi nảy lộc hay tàn tạ theo khí hậu chung quanh. Nhưng có khi thời tiết cũng đổi thay đột ngột, đang nắng bỗng mưa, đang nóng bỗng lạnh. Có nhiều khi không có mùa xuân, mà từ đông, thời tiết đổi sang mùa hạ. Đôi khi trong hạ có những ngày lạnh kinh hồn. Hoặc giả đã sang đông, nhưng trời vẫn còn ấm áp. Lỗi ấy có lẽ không phải tại thiên nhiên, mà do con người làm ô nhiễm môi sinh nên thiên nhiên mới trừng phạt con người như thế.

Cách đây mấy ngàn năm về trước, con người sống trong sơ khai, hoang dã, nhưng tâm thức rất thảnh thơi, không phải lo chống chọi với mưa nguồn thác lũ. Bây giờ đây khoa học tiến bộ rất nhanh, đầu óc con người cũng tiến bộ theo, nhưng đồng thời sự văn minh của cơ giới và hóa học đã trở lại làm hại con người, nên con người trong hiện tại còn khổ đau hơn bao giờ hết.

Nhìn từ quan điểm của Phật giáo, cách bảo vệ môi sinh hay nhất là mỗi người hãy tự có trách nhiệm với chính mình trong mọi hành động và cử chỉ, thì kết quả sẽ khác hẳn đi khi trách nhiệm ấy quy về cho tập thể và bắt tập thể phải có trách nhiệm như nhân loại hiện nay đang kêu gào. Tâm bình, thế giới bình; tâm loạn, thế giới loạn là vậy.

Trời mùa hạ năm nay (1996) bỗng chốc mưa, bỗng chốc nắng. Khó mà lường trước được khí hậu ở chốn này. Có ngày nhiệt độ lên tới 32 độ C, nhưng có hôm chỉ còn 20 độ C. Phật Đản 2540 năm được tổ chức vào ngày 31 tháng 5 và ngày 1, ngày 2 tháng 6 năm 1996, có cả hơn 5.000 người về tham dự, nhưng trời vẫn không thương xót những kẻ có lòng, cứ mưa rả rích suốt trong 2 ngày lễ. Mặc dầu vào chiều thứ sáu trước đó, ngày 31 tháng 5 là nhiệt độ khí hậu mùa hè, trời quang mây tạnh, nhưng đến sáng thứ bảy và chủ nhật nhìn bầu trời không khác nào mùa đông và nhiệt độ tự nhiên xuống rất thấp.

Ở đây đi đâu, gặp ai và ở bất cứ chốn nào, câu gặp gỡ chào hỏi đầu tiên là sức khỏe, sau đó mới nói cho nhau nghe về thời tiết. Từ đó chúng ta thấy, thời tiết và sức khỏe của con người gắn chặt với nhau. Do vậy, việc chọn lựa an cư kiết hạ hay kiết đông của Đức Phật và chư Tăng ngày nay trên thế giới cũng có một tầm vóc rất quan trọng trong cuộc sống tâm linh của mỗi người.

Con người ai cũng muốn tự do, nghĩa là không bị trói buộc bởi chung quanh. Cũng thế, tu là tự tập cho mình đi đến sự giải thoát toàn diện. Giải thoát có nghĩa là cởi bỏ mọi sự ràng buộc của thế gian, cả vật chất lẫn tinh thần. Sự giải thoát ấy chỉ có đuợc, khi mình tự chọn cho mình một lối đi. Mà giải thoát ở đây có nghĩa là giải thoát khỏi sự khổ đau, tục lụy, chứ không phải giải thoát khỏi tội lỗi. Từ điểm này tôi tự chọn cho mình một lối đi, có lợi cho chính mình và cho kẻ khác nữa. Cứ mỗi năm 3 tháng tôi có được những thời gian riêng cho chính mình và trong thời gian này tôi trở về với con người của chính mình.

Cuộc chiến đấu nào cũng cam go và cạm bẫy cả. Riêng cuộc chiến đấu với nội tâm, tự mình phải làm chủ lấy mình là một cuộc chiến đấu rất khó khăn và đầy đủ giá trị thực tiễn của nó.

Năm nay quyển sách này được viết bằng hai thứ tiếng, nhan đề là: Phật giáo Với Con Người. Ở đây tôi sẽ cố gắng giới thiệu đến quý độc giả xa gần, Việt cũng như Đức, từ dễ đến khó, từ lý thuyết đến thực hành. Sau chương giới thiệu tổng quát về Phật giáo, chúng tôi sẽ phân tích cặn kẽ Phật giáo cho con người Á Châu, Phật giáo cho người Việt Nam, Phật giáo cho người Âu Mỹ và những vấn đề trong hiện tại mà người Phật tử cần nơi Đạo Phật cũng như Đạo Phật thiết thực như thế nào đối với con người. Một đề tài như thế có tính cách nghiên cứu vừa tổng quát vừa chi tiết, nhưng tôi sẽ cố gắng trình bày trong khả năng có thể của mình để mang đạo vào đời và mong rằng tác phẩm này sẽ góp một phần nhỏ tri thức trong cuộc sống tâm linh của mọi người.

Hôm nay tôi có được cơ hội này để gởi đến quý độc giả xa gần những điều căn bản của Đạo Phật là nhờ ân đức của Tam Bảo cũng như ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha, ơn huấn dục của Thầy Tổ và ơn hộ trì của Đàn Na thí chủ. Tất cả những công đức lành nếu có được, xin hồi hướng đến pháp giới chúng sanh, trong ấy có những ân đức vừa kể.

Ngược lại, nếu có điều gì khiếm khuyết đều là do sở học còn hạn chế của bản thân tôi, kính mong chư tôn đức và các bậc thiện hữu tri thức chỉ bảo cho. Điều ấy tôi rất hân hạnh được đón nhận.

Ngoài ra cũng xin cảm ơn tất cả những anh chị em công quả, cận sự, đã giúp đỡ chùa trong tất cả các khâu đánh máy, dịch thuật, in ấn, sắp thành sách v.v... nên tác phẩm này mới thành hình. Xin vô vàn đa tạ những tấm lòng vì đạo ấy và cũng nguyện mãi mãi làm những người luôn luôn hỗ trợ, cho Phật Pháp được tồn tại lâu dài trên thế gian này.

Xin nguyện cầu cho mọi người được đầy đủ phước huệ để tiến tu đạo nghiệp và con đường giải thoát đang rộng mở thênh thang để đón mời những tâm hồn biết quay về bến giác.

Chùa Viên Giác vào đầu hạ năm 1996
Tác giả cẩn chí: Thích Như Điển


« Sách này có 7 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.106.130 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...