ĐẠT-LAI LẠT-MA: Có cộng nghiệp và biệt nghiệp.
MIKE AUSTIN: Vâng.
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Cộng nghiệp của thế giới này không chỉ là nghiệp của
loài người, mà là của vạn loại chúng sinh, chẳng hạn như côn trùng và
mọi sinh vật khác trên thế giới. Nếu có bốn người đặt tay lên cái bàn
này, thì cái bàn trở thành một vật được dùng chung bởi bốn người. Như
vậy, hành vi này khiến họ tạo ra một nghiệp chung, và trong tương lai họ
sẽ cùng nhận lấy kết quả của việc ấy. Còn với những sự việc mà người ta
sử dụng một cách riêng rẽ, chúng được dựa trên - cũng như tạo ra - biệt
nghiệp của từng cá nhân.
MIKE AUSTIN: Nói cách khác, ngài cho rằng DNA chính là sản phẩm của cộng
nghiệp lẫn biệt nghiệp của tất cả chúng sinh trong thế giới này, thông
qua đó mà chúng sinh xuất hiện?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Tôi không có cơ hội để quan sát chi tiết hoặc nghiên cứu
về DNA. Nó là vật thể, là đối tượng nhận biết được bởi nhãn thức. Bạn có
thể nhìn thấy được nó qua kính hiển vi không?
MIKE AUSTIN: Tất nhiên là được. Có 64 nhiễm sắc thể được cấu thành trong
một con người. Trong mỗi nhiễm sắc thể, nó được dàn trải thành hàng ngàn
hợp thể gọi là các gen.
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Đó là vật chất. Một khi nó là vật chất thì nó có thể
phân chia và chiếm chỗ trong không gian. Nó không thể là không phân chia
được. Nếu nó không phân chia được, nếu có bất cứ vật thể nào không phân
chia được, thì sẽ không có bất cứ dạng thức nào cả. Dạng thức không thể
nào hiện hữu. DNA chắc hẳn là không có sự nhận thức, nhưng đóng vai trò
như nền tảng của sự nhận thức.
MIKE AUSTIN: Nếu tự nó không có sự nhận thức thì cái gì là nguyên nhân
tạo thành nó theo cách thích hợp để xuất hiện sự nhận thức? Nếu ngài đã
nói rằng khởi nguyên tâm thức vốn không tạo thành vật thể, vậy thì chính
xác là điều gì đã tạo ra chất DNA vô tri giác này, để rồi đến lượt nó
lại tạo thành tâm thức?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Điều này cũng tương tự như thị lực của một con mắt. Đó
là vật chất, không phải là sự nhận thức, nhưng nó đóng vai trò nền tảng
của sự nhận thức, và qua vai trò đó, nó là tác nhân sinh khởi của sự
nhận thức. Chẳng hạn như bộ não, nó không phải là sự nhận thức, nhưng nó
đóng vai trò nền tảng của sự nhận thức. Một khi có cái gì đó là sự nhận
thức, thì nhất thiết nó phải không có hình dáng và màu sắc. Tuy nhiên,
như tôi đã đề cập trước đây, nhờ năng lực thiền định, hay tam-muội, mà
bạn có thể đạt tới hoặc tạo ra được một trật tự cao hơn trong một tầm
mức sắc thể. Có hai dạng thuộc loại này: một dạng có thể quan sát bằng
các giác quan, và một dạng chỉ có thể nhận biết bằng tâm thức. Có những
sắc thể vi tế chỉ có thể được biết bởi tâm thức. Vì thế mà có lửa và
nước được tạo ra do năng lực thiền định, nhưng đó thực ra không phải là
lửa và nước, vì chúng chỉ được tạo ra tùy thuộc vào định lực. Nhưng
chúng có thể có tác dụng đốt cháy hay làm ướt vật chất.
MIKE AUSTIN: Lửa mà ngài đang nói đến ở đâu?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Nó phát xuất từ người có khả năng tu tập về các thứ như
lửa, nước, gió, v.v... Điều này tương tự như bức ảnh mà người ta chụp
được bằng ấn tượng tinh thần mà hôm nay chúng ta đã được thấy. Giống như
vậy đó.
MIKE AUSTIN: Như vậy là ở một mức độ đào luyện tâm linh nào đó, thì vật
chất có thể được biểu hiện ra?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Đúng vậy.
MIKE AUSTIN: Nhằm mục đích gì?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Điều đó tùy theo động cơ của mỗi người.
MIKE AUSTIN: Tôi hiểu rồi. Tôi muốn hỏi ngài vài vấn đề có liên quan đến
chuyện này. Từ khi ngài còn nhỏ, ngài đã rất thích khoa học. Vì sao vậy?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Vì sao ư? Đó là mơ ước của tôi. Đúng vậy. Để xem nào,
tôi đã quan sát nhiều tranh ảnh, và từ đó tôi đâm ra thích thú. Từ khi
còn nhỏ tôi đã rất tò mò. Và khi bạn phát triển dần những câu hỏi “vì
sao”, đó là lý do bạn quan tâm đến khoa học.
MIKE AUSTIN: Kể cả khi tìm kiếm một nguyên nhân khởi đầu hay một điều gì
đó tương tự như thế?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Nếu bạn tìm kiếm một nguyên nhân khởi đầu thì đó không
phải là khoa học. Khoa học đến sau nguyên nhân khởi đầu.
MIKE AUSTIN: Cho đến nửa đời ngài mới rời khỏi một thế giới không có
khoa học kỹ thuật để bước vào giữa thế kỷ 20 này. Những sự phát triển,
những khám phá nào khiến ngài có ấn tượng hay quan tâm nhiều nhất?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Hôm nay tôi đã có nói đến, đó là cái máy quét này. Thật
là đặc biệt. Khi thân thể được quét qua, nó ghi nhận từng cen-ti-mét của
cơ thể bạn theo lớp cắt ngang. Thật là kì diệu.
MIKE AUSTIN: Tại sao điều ấy khiến ngài quan tâm?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: À, vì nó rất có ích.
MIKE AUSTIN: Vì lí do gì phát minh này lại đáng quan tâm nhất?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Vì không cần phải giải phẫu thân người để có được ảnh
chụp.
MIKE AUSTIN: Một số máy móc này đã gây nhiều rắc rối cũng như giúp ích
cho con người. Ngài nghĩ cách tốt nhất để vận dụng khoa học kĩ thuật là
gì?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Điều đó còn tùy thuộc vào động cơ thúc đẩy. Cần có sự
vừa phải và lòng tốt. Như thế mọi thứ sẽ tiến triển tốt đẹp. Thế thôi.
MIKE AUSTIN: Ngài cảm thấy thế nào về năng lượng hạt nhân?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Tốt. Tôi nghĩ đó là điều tốt.
MIKE AUSTIN: Tại sao?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Vì nó có ích. Nếu bạn sử dụng nó một cách thích hợp, tôi
cho là vậy.
MIKE AUSTIN: Ngài cảm thấy rằng tiềm năng lợi ích của nó vượt hơn sự
nguy hiểm?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Mọi thứ đều là duyên khởi. Bạn thấy đó, năng lượng hạt
nhân có phải là hoàn toàn có lợi không? Tất nhiên là không. Nhưng chúng
ta đang đề cập một vấn đề nan giải. Chỉ xét riêng bản thân nó, bạn không
thể quả quyết rằng năng lượng hạt nhân là xấu, bởi vì nếu bạn quả quyết
như vậy thì chính bạn sẽ là người cực đoan. Nếu bạn đi đến bất cứ sự cực
đoan nào, điều ấy cũng tai hại.
MIKE AUSTIN: Ngài nghĩ gì về những ảnh hưởng tinh thần rộng hơn của năng
lượng hạt nhân? Chúng ta đã sử dụng được năng lượng từ nguyên tử, và với
nguồn lực tự nhiên mạnh nhất này - quả thật như thế - chúng ta rất có
thể sẽ huỷ diệt cả thế giới. Ngài có thấy gì là nghịch lý trong việc này
chăng?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Một lần nữa, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào kĩ năng
của bạn trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân như thế nào. Chẳng hạn
như việc ăn kiêng, nếu bạn không biết cách ăn như thế nào cho thích hợp,
bạn cũng có thể tự giết mình.
MIKE AUSTIN: Trở lại vấn đề chúng ta đang thảo luận từ trước; sự tồn tại
và tiến hóa của vũ trụ. Khoa học phương Tây đã chỉ ra rằng đời sống trên
hành tinh này được phát triển từ những dạng thể đơn giản đến những dạng
thể tinh vi phức tạp cao hơn. Ngài có thể nào cho rằng dòng tiến hóa này
là tương tự với quan niệm của đạo Phật về luân hồi, trong đó các loài
hữu tình chuyển sinh trong một vòng luân chuyển đã xác định trước với
những hình thức đời sống căn bản?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Theo những kinh điển mà tôi đã đề cập trước đây, chúng
tôi tin vào cả dạng đời sống bậc cao dần dần thoái hóa và dạng đời sống
nguyên thủy được tiến hóa. Ngoài ra, tôi không biết. Điều này thật khó
nói. Chúng ta phải khảo sát thêm nữa vấn đề này. Tôi cho rằng những điều
khác biệt vẫn có thể đồng thời tồn tại. Những gì khoa học đã tìm ra về
bản chất hiện nay của sự tiến hóa có thể là đúng; nhưng đồng thời một
kiểu tiến hóa khác cũng có thể đang tồn tại. Điều ấy thật khó nói.
MIKE AUSTIN: Trong kinh điển có nói đến hay chăng một thời điểm cụ thể,
một mốc cố định hoặc thời kỳ mà trong vòng luân hồi, không gian và thời
gian sẽ trống rỗng không còn chúng sinh nào?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Điều này được giải thích như sau trong một quyển kinh
của đạo Phật. Nếu bạn đào sâu xuống lòng đất 1000 thước, rồi đào rộng ra
chung quanh vuông vức 1000 thước, sau đó lấp đầy hố trống này bằng tóc,
mỗi sợi dài nửa thước. Rồi nếu như cứ 100 năm lại lấy đi một sợi tóc,
cho đến khi lấy hết số tóc ấy sẽ là khoảng thời gian của một trung kiếp,
và (một đại kiếp) có 80 trung kiếp. Đại thể là như thế.
MIKE AUSTIN: Trong kinh có nói là sẽ có bao nhiêu đại kiếp không?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Ồ, vô số. Không có giới hạn đối với đại kiếp. Sự tồn tại
theo kiểu như trái đất này tan rã, rồi bắt đầu hình thành, rồi lại tan
rã, diễn ra ở khắp nơi trong vũ trụ.
MIKE AUSTIN: Vậy không có một thời điểm xác định khi vòng luân hồi sẽ
dừng lại hay sao? Chẳng phải ngài đã nói rằng vòng luân hồi sinh tử
không có điểm khởi đầu, nhưng có điểm chấm dứt đó sao?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Đối với từng cá nhân thì nó có thể chấm dứt. Với toàn
thể thì nó chẳng có khởi đầu và chẳng có kết thúc. Nếu bạn khảo sát
riêng về một con người, có hiện hữu một khả tính có thể đem lại sự chấm
dứt nguyên nhân khiến cho người ấy chịu luân hồi sinh tử. Do vậy, nó có
điểm kết thúc. Nhưng bây giờ, khi chúng ta đề cập về luân hồi nói chung,
thì rất khó nói vì nó không có giới hạn. Đối với cái gì không có giới
hạn, làm sao bạn có thể đặt một thời điểm xác định vào đó? Vấn đề là ở
điểm này.
MIKE AUSTIN: Một câu hỏi cuối - các dạng sinh vật ở quanh ta chủ yếu
được phân làm hai loại. Một là thực vật, hai là động vật. Thực vật tự
sinh tồn bằng chính cơ thể của chúng và những gì lấy được từ ánh nắng,
đất và không khí. Nhưng động vật phải ăn thức ăn từ bên ngoài và thường
là bằng cách giết hại những loài khác. Ngài thấy có ý nghĩa gì, hay ý
nghĩa về mặt tâm linh nào đối với thực tế sự sống đang tồn tại theo hai
cách như thế?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: (cười lớn). Điều ấy thật khó. Theo đạo Phật, còn có sự
khác nhau dựa trên nền tảng đó có phải là một loài hữu tình hay không.
MIKE AUSTIN: Thực vật có phải là loài hữu tình hay không? Chúng có tình
thức hay không?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Thực vật nói chung thì không phải. Nhưng nay lại có một
điều phức tạp hơn. Loài nào là thực vật thực sự và loài nào là động vật?
Điều ấy rất khó. Những cây cối quanh ta có lẽ là thực vật thực sự. Trong
trường hợp đó, chúng ta sẽ xem chúng như là loài không có tình thức. Tuy
nhiên còn có những loài thực vật khác mà rất khó nói là chúng có tình
thức hay không. Ngay cả với cơ thể con người, khi phân tích những tế bào
ra thì tôi không biết chắc là tế bào nào có tình thức và tế bào nào
không. Theo kinh điển đạo Phật, có 80.000 tế bào có tình thức, tức
80.000 chúng sinh hữu tình trong cơ thể con người, bao gồm cả giun lãi.
Tôi nghĩ là thân thể con người khó có thể chứa đựng được đến 80.000 con
lãi nhìn thấy được bằng mắt thường! Nhưng như tôi đã đề cập, không nhất
thiết là mọi vật có sự chuyển động đều phải có tình thức!