Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tổng quan về Nghiệp »» PHẦN HAI: NGHIỆP LUẬN PHẬT GIÁO - CHƯƠNG III. CĂN BẢN GIÁO NGHĨA VÀ BỘ PHÁI »»

Tổng quan về Nghiệp
»» PHẦN HAI: NGHIỆP LUẬN PHẬT GIÁO - CHƯƠNG III. CĂN BẢN GIÁO NGHĨA VÀ BỘ PHÁI

Donate

(Lượt xem: 843)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tổng quan về Nghiệp - PHẦN HAI: NGHIỆP LUẬN PHẬT GIÁO - CHƯƠNG III. CĂN BẢN GIÁO NGHĨA VÀ BỘ PHÁI

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

I. GIÁO NGHĨA A-HÀM - NIKĀYA

Thánh điển nguyên thủy ở đây chỉ giới hạn trong bốn Nikāya, và các A-hàm Hán dịch. Một số kinh văn được Tì-bà-sa dẫn chứng và Câu-xá dẫn lại để làm cơ sở giáo chứng cho các quan điểm của mình. Các dẫn chứng này liên hệ đến các vấn đề bản thể và bản chất của nghiệp, các phân loại nghiệp, tác động và hậu quả của nghiệp.

1. Phân biệt nghiệp báo

Trung A-hàm, 170 Kinh Anh vũ. Tương đương Pāli, M. 135. Kamma-vibhṅga. Hán, Việt dịch, No 78: Đâu-điều kinh; No 79: Anh Vũ kinh; No 80: Thủ-ca trưởng giả thuyết nghiệp báo sai biệt kinh; No 81: Phân biệt thiện ác nghiệp báo kinh.

“Bạch Cù-đàm, do nhân gì, do duyên gì, chúng sanh kia đều thọ thân người mà có người cao kẻ thấp, có người đẹp kẻ xấu. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, tôi thấy có kẻ sống lâu, người chết yểu; có kẻ nhiều bệnh, người ít bệnh; lại thấy có kẻ thân hình đoan chánh, có người không đoan chánh; lại thấy có kẻ có oai đức, người không oai đức; lại thấy có kẻ sanh nhằm dòng dõi tôn quý, có người sanh nhằm dòng dõi ti tiện; lại thấy có kẻ giàu có, có người nghèo hèn; lại thấy có kẻ thiện trí, có người ác trí.”

Đức Thế Tôn trả lời:

“Chúng sanh kia do nơi hành nghiệp của chính mình, nhân bởi nghiệp mà thọ báo, duyên vào nghiệp, y nơi nghiệp, tùy theo nơi nghiệp xứ có cao thấp mà chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp.”

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch Thế Tôn rằng:

“Sa-môn Cù-đàm nói vắn tắt quá, không phân biệt một cách rộng rãi, tôi không thể hiểu hết được. Mong Sa-môn Cù-đàm nói một cách rộng rãi cho tôi nghe để tôi được hiểu rõ ý nghĩa.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Ma-nạp, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt một cách rộng rãi cho ông nghe.”

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch:

“Kính vâng, tôi xin vâng lời lắng nghe.”

Đức Phật nói:

1. “Này Ma-nạp, do nhân gì, do duyên gì mà kẻ nam hay người nữ thọ mạng rất ngắn ngủi? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu, ý nghĩ ác hại, không có tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, cho đến các loài côn trùng; người ấy lãnh thọ nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi, lại sanh vào nhân gian, tuổi thọ rất ngắn ngủi. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến nhận lãnh sự đoản thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu. Này Ma-nạp, nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhơn gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ thọ mạng rất dài? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào xa lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát, bỏ hẳn dao gậy, có tâm tàm, có tâm quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến loài côn trùng; người ấy thọ nghiệp này, tạo tác nghiệp ấy đầy đủ rồi đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, thọ mạng rất dài. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến nhận lãnh sự trường thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ xa lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát. Này Ma-nạp, nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

2. “Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ đa phần có tật bệnh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nhiễu hại chúng sanh; người ấy hoặc nắm tay, hoặc dùng cây đá, hoặc dùng dao gậy nhiễu hại chúng sanh. Người ấy thọ nghiệp này, tạo thành nghiệp ấy đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, chịu nhiều tật bệnh. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến chỗ chịu nhiều bệnh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào nhiễu hại chúng sanh. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có tật bệnh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không nhiễu hại chúng sanh, người ấy không dùng tay nắm, không dùng cây đá, không dùng dao gậy nhiễu hại chúng sanh. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành nghiệp ấy đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời rồi, lại sanh vào nhân gian, không có tật bệnh. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến hưởng thọ không tật bệnh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào nhiễu hại chúng sanh. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

3. “Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có thân hình không đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay người nữ mà tánh nóng nảy, hay bực dọc, vừa nghe chút ít đã nổi cơn giận dữ, nổi ganh ghét mà sanh lo buồn, nổi thịnh nộ tranh chấp; người ấy thọ lấy nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, hình thể không đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể không đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh nóng nảy, hay bực dọc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có thân hình đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không hay bực dọc, người ấy nghe lời nói êm ái hay thô bỉ cộc cằn không nổi cơn giận dữ, không ganh ghét sanh ra buồn rầu, không nổi thịnh nộ tranh chấp. Người ấy thọ nghiệp, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời lại sanh vào nhân gian, hình thể đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không nhiều bực dọc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

4. “Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có oai đức? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào bên trong ôm lòng tật đố; người ấy thấy kẻ khác được cung kính, cúng dường, liền sanh lòng tật đố; nếu thấy kẻ khác có của thì muốn làm sao của ấy được về mình. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi, lại sanh vào trong nhân gian, không có oai đức. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo không có oai đức, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào bên trong ôm lòng tật đố. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có oai đức lớn? Nếu có kẻ nam hay người nữ không ôm lòng tật đố, người ấy thấy kẻ khác được cung kính cúng dường mà không sanh lòng tật đố. Nếu thấy kẻ khác có của, không có lòng ham muốn của ấy được về ta. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời rồi, lại sanh vào nhân gian, có oai đức lớn. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo có oai đức, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không ôm lòng tật đố. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

5. “Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ sanh vào dòng dõi ti tiện? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào kiêu ngạo, ngã mạn, người đáng cung kính thì không cung kính, đáng tôn trọng thì không tôn trọng, đáng quý thì không quý, đáng phụng thờ thì không phụng thờ, đáng cúng dường thì không cúng dường, đáng nhường lối thì không nhường lối, đáng nhường chỗ ngồi thì không nhường chỗ ngồi, đáng chắp tay hướng về lễ bái, thăm hỏi thì không chắp tay hướng về lễ bái, thăm hỏi. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, sanh nhằm dòng dõi ti tiện. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo sanh nhằm dòng dõi ti tiện, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào kiêu ngạo, đại mạn. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ sanh nhằm dòng dõi tôn quý? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không có lòng kiêu ngạo, đại mạn, người đáng cung kính thì cung kính, đáng tôn trọng thì tôn trọng, đáng quý thì quý, đáng phụng thờ thì phụng thờ, đáng cúng dường thì cúng dường, đáng nhường lối thì nhường lối, đáng nhường chỗ thì nhường chỗ, đáng chắp tay hướng về lễ bái thăm hỏi thì chắp tay hướng về lễ bái thăm hỏi. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian nhằm dòng dõi tôn quý. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo sanh nhằm dòng dõi tôn quý, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không kiêu ngạo, đại mạn. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

6. “Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có của cải? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không làm thí chủ, không thực hành bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, cho kẻ nghèo cùng đơn độc ở xa đến xin những thứ như đồ ăn, thức uống, quần áo, chăn mền, vòng hoa, hương thoa, nhà cửa, giường chõng, đèn dầu và sai dịch; người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, không có của cải. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo không có của cải, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không biết làm người thí chủ, không thực hành bố thí. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có nhiều của cải? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào biết làm người thí chủ, biết thực hành bố thí; người ấy bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn và kẻ nghèo cùng, cô độc, từ xa tới xin những thứ như đồ ăn thức uống, áo quần, chăn mền, vòng hoa, hương thoa, nhà cửa, giường chõng, đèn dầu và sai dịch. Người ấy thọ nhận nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có nhiều của cải. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo có nhiều của cải, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào làm người chủ bố thí, biết thực hành hạnh bố thí. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

7. “Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có trí tuệ kém cỏi? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không thường đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn danh đức, người ấy không thường đến nơi đó hỏi đạo nghĩa, rằng ‘Thưa Chư Tôn, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là không vi diệu? Thế nào là trắng, thế nào là đen? Trắng đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại như thế nào? Ý nghĩa của quả báo vị lai như thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như thế nào?’ Giả sử có hỏi nhưng không chịu thực hành. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ kém cỏi. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo trí tuệ kém cỏi, nghĩa là kẻ nam hay người nữ ấy không có thường đến nơi kia hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có trí tuệ tốt đẹp? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi việc. Nếu có sa-môn, Bà-la-môn danh đức, người ấy thường đến nơi ấy mà hỏi đạo nghĩa, rằng ‘Thưa Chư Tôn, thế nào là nghiệp thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là không vi diệu? Thế nào là trắng, thế nào là đen? Trắng và đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại là thế nào? Ý nghĩa của quả báo vị lai là thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như thế nào?’ Hỏi xong lại thường thực hành. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ tốt đẹp. Vì sao vậy? –Vì con đường này đưa đến thọ báo có trí tuệ tốt đẹp, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Ma Mạp nên biết, tạo tác nghiệp tương xứng với đoản thọ, tất chịu đoản thọ. Tạo nghiệp tương xứng với trường thọ, tất được trường thọ. Tạo tác nghiệp tương xứng với nhiều tật bệnh, tất phải chịu nhiều tật bệnh. Tạo tác nghiệp tương xứng với ít tật bệnh, tất được ít tật bệnh. Tạo tác nghiệp tương xứng với sự không đoan chánh, tất phải thọ sự không đoan chánh. Tạo tác nghiệp tương xứng với đoan chánh, tất được đoan chánh. Tạo tác nghiệp tương xứng với không oai đức, tất phải chịu không oai đức. Tạo tác nghiệp tương xứng với oai đức, tất được oai đức. Tạo tác nghiệp tương xứng với dòng dõi ti tiện, tất phải sanh nhằm dòng dõi ti tiện. Tạo tác nghiệp tương xứng với dòng dõi tôn quý, tất được sanh vào dòng dõi tôn quý. Tạo tác nghiệp tương xứng với không của cải, tất bị không của cải. Tạo tác nghiệp tương xứng với nhiều của cải, tất được nhiều của cải. Tạo tác nghiệp tương xứng với trí tuệ kém cỏi, tất bị trí tuệ kém cỏi. Tạo tác nghiệp tương xứng với trí tuệ tốt đẹp, tất được trí tuệ tốt đẹp.

“Này Ma-nạp, đó là những điều Ta đã nói từ trước rằng ‘Chúng sanh do hành nghiệp của chính mình, do nghiệp mà thọ báo, duyên nơi nghiệp, tùy theo nghiệp xứ cao thấp mà chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp.’... ”

2. Nghiệp đen-trắng

Tạp A-hàm, Việt, kinh số 943. Đại chánh, kinh 1039. Pāli, A. 10. 176. Cunda.

“Có Sa-môn, Bà-la-môn thờ phụng nước, thờ Tì-thấp-ba Thiên, cầm trượng, bình nước, thường rửa sạch tay mình. Vị chánh sĩ như vậy thường khéo nói pháp rằng: ‘Này thiện nam, vào ngày mười lăm mỗi tháng, dùng mạt vụn hồ-ma và am-ma-la để gội tóc, tu hành trai pháp, mặc đồ mới sạch, đeo tràng hoa dài, lụa trắng, nằm lên trên đất trét phân bò. Này thiện nam, sáng mai dậy sớm lấy tay sờ đất và nói như vầy: ‘Đất này trong sạch. Ta cũng sạch như vậy.’ Tay cầm cục phân bò cùng nắm một nắm cỏ tươi, miệng nói: ‘Cái này trong sạch. Ta cũng trong sạch như vậy.’ Nếu ai như vậy thì được thấy là trong sạch. Nếu ai không như vậy, hoàn toàn không trong sạch.’ Bạch Thế Tôn, Sa-môn, Bà-la-môn nào, nếu trong sạch như vậy thì đáng cho con kính ngưỡng.”

Phật bảo Thuần-đà:

“Có pháp đen và báo ứng đen; bất tịnh cho quả bất tịnh; gánh nặng thì chúc xuống. Nếu ai đã thành tựu những pháp ác này, dù cho sáng mai dậy sớm lấy tay sờ đất, và nói rằng ‘thanh tịnh’ thì vẫn bất tịnh, cho dù không chạm cũng không thanh tịnh. Người này cầm cục phân bò và nắm cỏ tươi nói rằng ‘thanh tịnh’ thì vẫn bất tịnh, cho dù không chạm cũng không thanh tịnh.

“Này Thuần-đà, thế nào là pháp đen, báo ứng đen, bất tịnh cho quả bất tịnh, gánh nặng thì chúc xuống... cho đến chạm hay không chạm, tất cả đều bất tịnh?

“Này Thuần-đà, đối với tất cả chúng sanh, cho đến côn trùng cũng không tránh xa sự sát hại, tay thường tanh máu, tâm thường suy nghĩ đến đánh đập, sát hại, không hổ, không thẹn, tham lam, keo kiệt. Đó là nghiệp ác sát sinh.

“Đối với tài vật, làng xóm, đất trống của người, cũng không xa lìa trộm cắp.

“Đối với những người được bảo hộ bởi cha mẹ, anh em, chị em, phu chủ, thân tộc cho đến người trao vòng hoa, mà dùng sức cưỡng bức, làm mọi việc tà dâm, không lìa bỏ tà dâm.

“Nói dối không chân thật: Hoặc ở chốn vua quan, các nhà nói chơn thật, nơi có nhiều người tụ tập cần lời nói thích đáng, nhưng lại nói lời không thật; không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, không nghe nói nghe, nghe nói không nghe; biết nói không biết, không biết nói biết. Vì chính mình, vì người khác, hoặc vì tài lợi, biết mà nói dối không chịu lìa bỏ. [271c] Đó gọi là vọng ngữ.

“Hoặc nói hai lưỡi gây chia lìa; đem chuyện đầu này đến nói đầu kia, đem chuyện chỗ kia đến nói chỗ này, phá hoại lẫn nhau, làm cho tan rã sự hòa hợp. Thấy người chia rẽ thì mừng.

“Hoặc không lìa bỏ lời nói thô ác, mắng nhiếc. Có những lời nói dịu dàng, êm tai, làm vui lòng, rõ ràng dễ hiểu, lời nói được ưa nghe, được nhiều người yêu mến, hợp ý, tùy thuận tam-muội. Xả bỏ những lời như vậy mà nói lời gắt gao, cộc cằn, bị nhiều người ghét, không ưa, không hợp ý, không dẫn đến tâm định. Nói những lời như vậy, không lìa bỏ lời nói thô. Đó gọi là ác khẩu.

“Hoặc lời nói phù phiếm, phá hoại; nói không đúng lúc, nói không thực tế, lời nói vô nghĩa, lời nói phi pháp, lời nói thiếu suy nghĩ. Nói những lời phá hoại như vậy.

“Không lìa bỏ tham lam; đối với tài vật người khác khởi tham dục, nói rằng ‘Phải chi ta có vật này thì rất tốt.’

“Không xả bỏ sân nhuế tệ ác; trong tâm suy nghĩ: chúng sanh kia đáng bị trói, đáng bị roi vọt, gậy gộc, đáng giết; muốn cho nó khó sống.

“Không bỏ tà kiến; điên đảo thấy như vầy: ‘Không bố thí, không quả báo, không có phước, không có điều thiện điều ác, không có quả báo của nghiệp thiện ác; không có đời này, đời khác, không có cha mẹ, không có chúng sanh hoá sanh; thế gian không có A-la-hán, không có các vị chánh hành, chánh hướng mà trong đời này hay đời khác tự biết tác chứng, tự biết ‘Ta, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’ Này Thuần-đà, đó gọi là pháp đen, báo ứng đen, bất tịnh, quả bất tịnh, gáng nặng thì chúc xuống... cho đến cầm lấy hay không cầm lấy tất cả đều bất tịnh.

“Này Thuần-đà, có pháp trắng, báo ứng trắng, tịnh và quả tịnh, nhẹ nhàng đi lên. Nếu ai đã tạo thành những điều này, mà sáng sớm sờ đất, nói cái này tịnh ta tịnh, thì cũng được thanh tịnh, hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh. Hoặc cầm cục phân bò cùng nắm cỏ tươi, nếu nhân tịnh quả tịnh thì dù có cầm nắm hay không cầm nắm cũng được thanh tịnh.

“Thuần-đà, thế nào là pháp trắng, báo ứng trắng, đến, sờ hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh?

“Đó là, có người không sát sanh, lìa bỏ sát sanh, bỏ đao trượng, biết hổ thẹn, thương xót nghĩ đến tất cả chúng sanh. Không trộm cướp, lìa bỏ trộm cướp, vật cho thì lấy, không cho không lấy, tâm sạch không tham. Lìa tà dâm hoặc đối người được cha mẹ bảo hộ,... cho đến người trao vòng hoa, đều không cưỡng bức làm chuyện tà dâm. Lìa nói dối, căn cứ vào sự thật mà nói. Xa lìa nói hai lưỡi, không đi đến chỗ này nói chuyện chỗ kia, đến chỗ kia nói chuyện chỗ này, phá hoại lẫn nhau; đã bị ly gián nên làm hòa hợp, đã hòa hợp nên tùy hỷ. Xa lìa ác khẩu, không thô rắn, những lời nói ra khiến nhiều người ưa thích. Tránh xa lời nói phá hoại, nói lời chân thật, [272a] nói đúng lúc, nói đúng sự thật, nói có ý nghĩa, nói như pháp, nói theo hiểu biết. Lìa tham dục, đối với của cải, đồ vật người khác không tưởng là của mình mà sinh tham đắm. Lìa sân nhuế, không nghĩ đến việc đánh đập, bắt trói, giết hại, gây các tai nạn. Thành tựu chánh kiến, không thấy điên đảo, nói có bố thí, có quả báo, có phước, có quả báo thiện hành, ác hành, có đời này, có cha mẹ, có chúng sanh hoá sinh, trong đời có A-la-hán, ngay trong đời này hay đời khác mà hiện tại tự biết tác chứng, tự biết ‘Ta, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sinh đời sau nữa.’ Này Thuần-đà, đó gọi là pháp trắng, báo ứng trắng, đến, sờ hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh.”

3. Nghi vấn về thọ nghiệp

Trung A-hàm, 171 kinh Phân biệt đại nghiệp. Tương đương Pāli, M. 136 Mahā-kammavibhaṅga-sutta.

i. Định và Bất định nghiệp

Phật nói:

1. “Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối,... cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ lành, sanh lên trời. Này A-nan, hoặc có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, sự thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ ác, trong địa ngục.

2. “Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ ác, trong địa ngục. Này A-nan, hoặc có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly và thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, trong cõi trời.

ii. Tà kiến không ác hành

“Này A-nan, ở đây có người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung, người ấy sanh về chốn lành, trong cõi trời. Nếu có vị Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng, ‘Không có thân ác hành, cũng không có quả báo của thân ác hành. Không có khẩu và ý ác hành, cũng không có quả báo của khẩu và ý ác hành. Vì sao? Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ sự lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, nhưng khi thân hoại mạng chung sanh về cõi lành, trong cõi trời. Nếu có những trường hợp khác cũng tương tự như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về cõi lành, trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà.’ Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’

iii. Tà kiến không diệu hành

“Này A-nan, ở đây có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng: “Không có thân diệu hành, không có quả báo của thân diệu hành, không có khẩu và ý diệu hành, cũng không có quả báo của khẩu và ý diệu hành.’ Vì sao? Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ sự lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có những trường hợp khác cũng tương tự như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà.’ Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’

iv. Quan điểm có ác hành

“Này A-nan, ở đây có người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: ‘Có thân ác hành, có quả báo của thân ác hành, có khẩu và ý ác hành, cũng có quả báo của khẩu và ý ác hành.’ Vì sao? Ta thấy kẻ kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà.’ Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng: ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’

v. Quan điểm có diệu hành

“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: ‘Có thân diệu hành, cũng có quả báo của thân diệu hành; có khẩu và ý diệu hành, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hành. Vì sao? Ta thấy kẻ kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Nếu lại có trường hợp khác tương tợ như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung nhất định sẽ sanh về nẻo lành, sanh trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà.’ Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng: ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’

vi. Chánh kiến nghiệp báo

1a. “Này A-nan, ở trong đó, nếu vị Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, ‘Không có thân ác hành, không có quả báo của thân ác hành. Không có khẩu, ý ác hành, không có quả báo của khẩu và ý ác hành.’ Ta không chấp thuận vị ấy. Nếu vị ấy nói như thế này, ‘Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh lên trời.’ Ta chấp thuận vị ấy. Nếu nói như vầy, ‘Nếu có những trường hợp khác tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về chỗ lành, [708a] sanh lên trời.’ Ta không chấp thuận vị ấy. Nếu có ai nói như vầy, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà.’ Ta không chấp thuận. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không chấp thuận. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

1b. “Này A-nan, trong đó có Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói thế này, ‘Không có thân diệu hành, cũng không có quả báo của thân diệu hành; không có khẩu, ý diệu hành, cũng không có quả báo của khẩu và ý diệu hành.’ Ta không chấp thuận vị ấy. Nếu nói thế này, ‘Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục.’ Ta chấp thuận vị ấy. Nếu có ai nói thế này, ‘Có những trường hợp khác tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục.’ Ta không chấp thuận. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà.’ Ta cũng không chấp thuận. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không chấp thuận. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

2a. “Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như vầy, ‘Có thân ác hành, cũng có quả báo của thân ác hành. Có khẩu, ý ác hành, cũng có quả báo của khẩu và ý ác hành.’ Ta chấp thuận vị ấy. Nếu kia nói như thế này, ‘Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục.’ Ta chấp thuận vị ấy. Nếu nói thế này, ‘Những trường hợp tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục.’ Ta không chấp thuận. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà.’ Ta cũng không chấp thuận. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không chấp thuận. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

2b. “Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Bà-la-môn chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, ‘Có thân diệu hành, cũng có quả báo của thân diệu hành; có khẩu, ý diệu hành, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hành.’ Ta chấp thuận vị ấy. Nếu nói như vầy, ‘Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời.’ Ta chấp thuận họ. Nếu nói như vầy, ‘Nếu có những trường hợp tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời.’ Ta không chấp thuận họ. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà.’ Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

vii. Thuận thọ nghiệp

1. “Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Ấy là, nếu trước kia nó đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do sự không xả ly, không thủ hộ, cho nên ở trong đời hiện tại thọ báo xong, họ sanh về nơi đó. Hoặc do hậu báo cho nên người kia không vì nhơn này, không vì duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, do xả ly và thủ hộ nên chưa tiêu hết, cần phải được thọ báo ở chốn lành; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc khi chết khởi các tâm, và tâm sở hữu pháp thuộc thiện tương ưng với chánh kiến; kia nhờ nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

2. “Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Người ấy do trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, do sự xả ly, thủ hộ cho nên ở trong đời hiện tại họ thọ báo xong, cho nên sanh về nơi đó. Hoặc do bởi hậu báo cho nên họ không vì nhơn này, duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do không xả ly và không thủ hộ nên chưa tiêu hết, phải [708c] thọ báo ở địa ngục; họ do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh tâm và các tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

3. “Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Kia do chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do sự không xả ly, không thủ hộ mà chưa tiêu hết, nên phải thọ báo ở địa ngục; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, kia do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

4. “Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Kia nhờ chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, nhờ có xả ly, có thủ hộ mà chưa tiêu hết, phải được thọ báo thiện; kia nhờ nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc đến lúc chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp thiện tương ưng với chánh kiến, kia do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

viii. Bốn hạng người

“Lại nữa, có bốn hạng người. Hoặc có người không có mà tợ như có. Hoặc có mà tợ như không có. Hoặc không có tợ như không có. Hoặc có tợ như có.

“Này A-nan, cũng như có bốn loại xoài. Hoặc xoài không chín mà giống như chín. Hoặc chín giống như không chín. Hoặc không chín giống như không chín. Hoặc chín giống như chín.

“Cũng vậy A-nan, bốn thứ xoài được thí dụ với người. Hoặc có người không có mà tợ như có. Hoặc có mà tợ như không có. Hoặc không có tợ như không có. Hoặc có tợ như có.”

4. Bản chất nghiệp

i. Nghiệp & Định mệnh

Tạp A-hàm, Việt kinh số 1358. Đại chánh, kinh 977. Pāli, S. 36. 21. Sīvako. Biệt dịch, No 100 (211).

“Thưa Cù-đàm, có một số xuất gia Bà-la-môn quan điểm như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả những gì được giác tri bởi con người, tất cả những thứ ấy đều là nhân đã được tạo tác từ trước. Tu các khổ hạnh khiến cho các nghiệp quá khứ sạch hết, không còn tạo ra nghiệp mới, đoạn các nhân duyên, không còn các lậu trong đời vị lai. Vì các lậu đã hết nên nghiệp hết. Vì nghiệp hết nên hết khổ. Khổ hết nên rốt ráo biên tế của khổ.’ Ở đây quan điểm của Cù-đàm là như thế nào?”

Phật bảo Thi-bà:

“Sa-môn, Bà-la-môn kia thật sự nói một cách mơ hồ, không suy xét, không cân nhắc, ngu si, không khéo léo, không biện biệt. Vì sao? Hoặc khổ khởi lên do gió mà chúng sanh giác tri, hoặc khởi do đờm, hoặc khởi từ nước dãi, hoặc khởi từ đẳng phần, hoặc do tự hại, hoặc do kẻ khác hại, hoặc do thời tiết khí hậu. Người tự hại kia, hoặc nhổ tóc, hoặc nhổ râu, hoặc thường đứng giơ tay, hoặc ngồi xổm trên đất, hoặc nằm giữa tro đất, hoặc nằm trên chông gai, hoặc nằm trên cái chày, hoặc nằm trên ván, hoặc nằm trên đất trét phân trâu, hoặc nằm trong nước, hoặc một ngày tắm rửa ba lần, hoặc đứng một chân, thân xoay chuyển theo mặt trời. Họ siêng năng thực hành mọi thứ khổ như vậy. Này Thi-bà, đó gọi là tự hại. Còn khổ do kẻ khác hại là, hoặc bị người khác dùng tay, đá, dao, gậy, các thứ hại thân. Đó gọi là kẻ khác làm hại.

“Này Thi-bà, hoặc bị thời tiết làm hại, như mùa đông thì thật lạnh, mùa xuân thì thật nóng, mùa hạ vừa nóng vừa lạnh. Đó là bị thời tiết hại. Những điều này thật có ở thế gian, chẳng phải hư vọng. Này Thi-bà, thế gian có những thực tế này như bị gió làm hại... cho đến bị thời tiết, khí hậu làm hại. Chúng sanh kia giác tri như thật. Ông cũng tự có những tai họa này: gió, đờm, nước dãi, thời tiết làm hại, ... cho đến biết thời tiết làm hại như vậy, được giác tri như thật như vậy.

“Này Thi-bà, Sa-môn, Bà-la-môn nào nói rằng: tất cả những gì người ta tri giác được đều là nhân đã được tạo từ trước, đó là bỏ việc thực tế ở thế gian mà nói theo sự nhận thấy hư vọng của chính mình.

“Này Thi-bà, có năm nhân, năm duyên sinh tâm ưu khổ. Những gì là năm? Nhân bởi tham dục triền phược, duyên bởi tham dục triền phược mà sinh tâm pháp ưu khổ. Nhân bởi sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi triền phược; duyên bởi sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi triền phược sinh tâm pháp ưu khổ. Này Thi-bà, đó là năm nhân, năm duyên sanh tâm ưu khổ?

“Này Thi-bà, có năm nhân, năm duyên không sanh tâm ưu khổ. Những gì là năm? Nhân tham dục trói buộc, duyên tham dục trói buộc sinh tâm ưu khổ; lìa tham dục trói buộc, không khởi tâm ưu khổ. Đây gọi là năm nhân, năm duyên không khởi tâm ưu khổ, ngay hiện tại không bị thiêu đốt, không đợi thời tiết, thông suốt những gì được thấy, duyên nơi chính mình mà giác tri.

ii. Nghiệp & Vô ngã

Tạp A-hàm, bản Việt, kinh số 104’ Đại chánh, kinh 58. Pāli, tham chiếu các kinh, S. 22. 82. Puṇṇamā; M. 109. Mahāpuṇṇama-sutta; 110. Cūḷapuṇṇama-sutta.

Bấy giờ, trong chúng lại có một vị Tỳ-kheo khác căn trí đần độn, không hiểu biết, vì vô minh che lấp, nên khởi tà kiến ác, nghĩ rằng: “Nếu vô ngã, tạo nghiệp vô ngã, vậy thì ai là người sẽ chịu quả báo trong đời vị lai?”

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết những ý nghĩ trong tâm của vị Tỳ-kheo kia, liền bảo các Tỳ-kheo:

“Ở trong chúng này, có người ngu si, vô trí, vô minh nghĩ rằng: ‘Nếu sắc là vô ngã, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã, tạo nghiệp vô ngã, thì ai là người sẽ nhận quả báo?’ Những điều nghi ngờ như vậy, trước đây Ta đã giải thích. Thế nào Tỳ-kheo, sắc là thường hay vô thường?”

Đáp: “Bạch Thế Tôn, vô thường.”

Hỏi: “Vô thường, là khổ chăng?”

Đáp: “Bạch Thế Tôn, là khổ.”

Hỏi: “Vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy là ngã, khác ngã, ở trong nhau không?”

Đáp: “Bạch Thế Tôn, không.”

“Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, này các Tỳ-kheo, những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải là ngã, chẳng phải những gì thuộc về ngã, người thấy như vậy được gọi là thấy đúng. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử quán như vậy, thì liền tu tập tâm nhàm chán. Đã nhàm chán rồi, thì ly dục. Do ly dục mà giải thoát, giải thoát tri kiến, biết rằng, ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

iii. Đệ nhất thiện

Trung A-hàm, 179 kinh Ngũ Chi Vật Chủ. Tương đương Pāli, M.78 Samaṇamaṇḍikā-sutta.

“Này Vật chủ, theo lời Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, nếu quả thật như vậy thì trẻ sơ sanh tay chân mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, cũng sẽ thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về thân, huống nữa là tạo nghiệp ác của thân. Nó chỉ có thể cử động thân. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về miệng, huống nữa là nói ác. Nó chỉ biết khóc. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về niệm, huống nữa là niệm ác, duy chỉ biết bập bẹ. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về mạng, huống nữa là sống tà mạng, duy chỉ suy niệm đến sữa mẹ. Này Vật chủ, theo lời Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, như vậy thì trẻ sơ sanh cũng thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực.

“Này Vật chủ, nếu người nào có bốn sự, Ta tuyên bố rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, nhưng không phải là bậc Vô thượng sĩ, không thể chứng đắc đệ nhất nghĩa, cũng không phải là Sa-môn chất trực.

“Những gì là bốn? Là thân không tạo nghiệp ác, miệng không nói ác, không sống tà mạng và không suy niệm niệm ác. Này Vật chủ, nếu người nào có bốn sự, Ta tuyên bố rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, nhưng không phải là bậc Vô thượng sĩ, không thể chứng đắc đệ nhất nghĩa, cũng không phải là Sa-môn chất trực.

“Này Vật chủ, thân nghiệp, khẩu nghiệp, Ta tuyên bố đó là giới.

“Này Vật chủ, niệm, Ta tuyên bố đó là tâm sở hữu đi theo với tâm.

“Này Vật chủ, Ta nói nên biết giới bất thiện. Nên biết giới bất thiện phát sanh từ đâu? Nên biết, giới bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nên biết, đệ tử Hiền Thánh làm thế nào để diệt trừ giới bất thiện?

“Này Vật chủ, Ta nói nên biết giới thiện. Nên biết giới thiện phát sanh từ đâu? Nên biết, giới thiện bị diệt không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nên biết, đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ giới thiện?

“Này Vật chủ, ta nói nên biết niệm bất thiện. Nên biết niệm bất thiện phát sanh từ đâu? Nên biết, niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nên biết, đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ niệm bất thiện?

“Này Vật chủ, ta nói nên biết niệm thiện. Nên biết niệm thiện phát sanh từ đâu? Nên biết, niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nên biết, Hiền Thánh làm thế nào để diệt trừ niệm thiện?

“Này Vật chủ, thế nào gọi là giới bất thiện?

“Thân hành bất thiện, miệng, ý hành bất thiện. Đó gọi là giới bất thiện.

“Này Vật chủ, giới bất thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tâm. Tâm là thế nào? Nếu tâm có dục, có nhuế, có si, nên biết giới bất thiện phát sanh từ tâm này.

“Này Vật chủ, giới bất thiện bị diệt trừ, không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Đa văn Thánh đệ tử xả bỏ nghiệp bất thiện về thân, tu tập nghiệp thiện về thân; xả bỏ nghiệp bất thiện về miệng, ý, tu tập nghiệp thiện về miệng, ý. Đây là giới bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, đệ tử Hiền Thánh làm thế nào diệt trừ giới bất thiện? Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Như vậy là Hiền Thánh đệ tử đã diệt trừ giới bất thiện.

“Này Vật chủ, thế nào gọi là giới thiện? Thân hành thiện, miệng, ý hành thiện. Đó gọi là giới thiện.

“Này Vật chủ, giới thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tâm. Tâm là thế nào? Nếu tâm không có dục, không có nhuế, không có si, nên biết giới thiện phát sanh từ tâm này.

“Này Vật chủ, giới thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Đa văn Thánh đệ tử hành trì giới mà không dính trước nơi giới, đây là giới thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, Hiền Thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ giới thiện? Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Như vậy là Hiền Thánh đệ tử đã diệt trừ giới thiện.

iv. Nghiệp & Đệ nhất nghĩa Không

Tạp A-hàm, Việt, kinh số 299. Đại chánh, kinh 335.

“Thế nào là Kinh đệ nhất nghĩa Không? Này các Tỳ-kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo mà không tác giả. Uẩn này diệt rồi, uẩn khác tương tục, trừ pháp tục số. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy, trừ pháp tục số.”

II. BỘ PHÁI LUẬN THUYẾT NGHIỆP

1. Tổng quan các bộ phái

Cho đến thời đại Thế Thân của Câu-xá, các bộ phái Phật giáo y cứ trên giáo nghĩa A-hàm và Nikāya lên đến con số 20 theo nguồn tư liệu của Huyền Trang. Sau này A. Bareau tổng kết tất cả các nguồn tư liệu, tổng kết số lượng và giáo nghĩa có tất cả 23 bộ phái. Theo suy đoán, mỗi bộ phái tất có luận đến nghiệp, nhưng không phải hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Nhiều bộ phái có chung quan điểm về một vấn đề, cũng có quan điểm độc lập không chia sẻ với các bộ khác.

A. Bareau nghiên cứu khá đầy đủ chi tiết về các bộ phái, lịch sử, địa bàn hoạt động, và giáo nghĩa. Trong phần phụ lục ông lập bảng tổng kết giáo nghĩa, trong đó các điểm giáo nghĩa liên hệ đến nghiệp được chia làm ba nhóm: nghiệp thể (22 điểm), nhân khởi của nghiệp (17 điểm) và nghiệp quả (13 điểm). Những điểm quan trọng của vấn đề nghiệp được Tì-bà-sa dẫn và phân tích khá rõ nên không cần phải liệt kê ra đây. Những điểm còn lại không quan trọng lắm đối với vấn đề nghiệp nên cũng không cần thiết dẫn chi tiết ở đây.

Vì lý do luận thư của phần lớn các bộ phái này không còn lưu truyền, do đó những điểm giáo nghĩa căn cứ các tư liệu sử từ Pāli (Kathāvatthu), Tây tạng (Taranatha), và nhiều nhất là Hán. Một số các bộ phái được Đại Tì-bà-sa dẫn để biện luận như Đại chúng bộ (Mahāsaṅgika), Độc tử bộ (Vātsīputrīya), Chánh lượng bộ (Sammitīya), Kinh lượng bộ (Sautrāntika), Thí dụ sư (Dārṣtāntika), Phân biệt thuyết (Vibhajjavāda). Do được dẫn để biện luận nên các điểm giáo nghĩa được phân tích khá rõ.

Trừ Hữu bộ Tì-bà-sa với nguồn điển tịch phong phú phần lớn do Huyền Trang phiên dịch và chú giải bởi đệ tử thân truyền là Phổ Quang và Pháp Bảo; ngoài ra luận thư của một số bộ phái khác cũng được lưu truyền qua Hán dịch, như Tam-di-để luận thuộc Chánh lượng bộ; Thành thật luận được phỏng định thuộc Kinh lượng bộ; Tứ đế luận, Thủy Dã Hoằng Nguyên cho là tác giả không rõ thuộc bộ phái nào, nhưng Ấn Thuận suy đoán thuộc Kinh lượng bộ, với nhận xét “Thành thật luận, và Tứ đế luận của Bà-tẩu-bạt-ma đều thông qua Kinh bộ nhưng không hạn cuộc trong Kinh bộ.” Quan điểm các bộ này đều được giới thiệu trong Đại Tì-bà-sa cùng với bình luận.

Ngoài ra, Xá-lợi-phất A-tì-đàm, luận thư của Pháp thượng bộ (Dharmaguptaka), giới thiệu khá đầy đủ và chi tiết những luận điểm về nghiệp của bộ phái này.

Tóm lại, trong nguồn văn hiến về nghiệp hiện còn khá đầy đủ và luận thuyết có hệ thống, chỉ thuộc hai bộ phái, phương Nam với Thượng tọa bộ và phương Bắc với Hữu bộ Tì-bà-sa. Luận thuyết của Tì-bà-sa là cơ sở chính của Câu-xá luận, do đó sẽ được nói chi tiết trong nhiều chương của phần Tổng luận này. Trong chương hiện tại, chúng ta tóm tắt những điểm chính trong thuyết lý về nghiệp của Thượng tọa bộ (Theravāda).

2. Nhiếp nghĩa luận

A-tì-đạt-ma nhiếp nghĩa luận (Abhidhammattha-saṅgaha), luận thư cương yếu của Abhidhamma-Pāli, vị trí trong Thượng tọa bộ cũng giống như Câu-xá là tác phẩm cương yếu của Abhidharma-Sanskrit của Thuyết nhất thiết hữu bộ, đặc biệt Hữu bộ Tì-bà-sa.

Nội dung Nhiếp nghĩa luận diễn giải bốn thể tài lớn: tâm (citta), tâm sở (cetasika), sắc (rūpa) và Niết-bàn (nibbāna). Trong bảng phân chương của Narada, nghiệp chỉ là một trong năm chủ đề được luận trong chương V: Vīthimutta-vibhāgo, “Thoát ly lộ trình”.

Tổng quát, các vị Thượng tọa bộ phân loại nghiệp được Phật thuyết trong hai trình độ khác nhau. Trình độ phổ thông, được chỉ rõ trong các Kinh, gọi là tục đế (sammuti-sacca), nghiệp trong hiện thực thường nghiệm, được nói theo ngôn ngữ quy ước. Trong trình độ này, Phật chỉ nói đến nghiệp bất thiện (akusala-kamma), nghiệp thiện (kusala-kamma), nghiệp thiện sắc giới (rūpāvacarakusala-kamma), nghiệp thiện vô sắc giới (arūpāvacarakusala-kamma).

Trong trình độ gọi là cao hơn, vượt ngoài tri thức thường nghiệm, gọi là thắng nghĩa đế (paramattha-sacca), chân lý siêu nghiệm, nghiệp được Phật nói trong Abhidhamma. Đây cũng là chủ đề nghiệp được diễn giải trong Nhiếp nghĩa luận. Trong trình độ này, nghiệp được phân loại thành bốn phạm trù.

(1) Phân loại theo tác dụng (kicca-kamma), có bốn:

(a) Janaka-kamma, sanh nghiệp, nghiệp dẫn sanh. Nghiệp dẫn tái sinh từ đời sống này sang đời sống khác.

(b) Upatthambaka-kamma, trì nghiệp, nghiệp duy trì. Nghiệp duy trì sự tồn tại trong một đời sống sau khi sinh cho đến khi chết.

(c) Upapīḍaka-kamma, phương hại nghiệp hay chướng nghiệp, có tác dụng ngược lại với nghiệp dẫn sinh. Nghiệp thiện bị chướng ngại bởi bất thiện, như người giàu sang nhưng không hưởng được khoái lạc từ sự giàu sang này. Hoặc nghiệp dẫn sinh bất thiện bị chướng ngại bởi nghiệp thiện, như con chó được chủ nhà giàu cưng.

(d) Upaghātaka, tổn hại nghiệp, hủy diệt nghiệp dẫn sinh thiện hoặc bất thiện. Như người được dẫn sinh bởi nghiệp thiện nhưng gây ác nghiệp nghiêm trọng khiến nghiệp này bị hủy, cắt ngang để nhận quả báo của nghiệp bất thiện.

(2) Phân loại theo cảm dị thục (pākadānapariyāya-kamma), có bốn:

(a) Garuka-kamma, trọng nghiệp, thiện hoặc bất thiện với thế lực cực mạnh cho kết quả trong đời này hay đời sau mà không thế lực nào cản trở được.

(b) Āsannā-kamma, cận tử nghiệp, nghiệp tái hiện ngay trước sát-na mạng chung, định hướng dẫn sinh đời sống tiếp theo.

(c) Ācinna-kamma, tích tập nghiệp. Nghiệp được lặp lại thường xuyên thành tập quán, thiện hoặc bất thiện, khiến cho người tạo nghiệp ứng xử theo tập quán đó hoặc bị ám ảnh bởi việc đã làm như một hội chứng rối loạn.

(d) Kaṭattā-kamma, dĩ tác nghiệp. Nghiệp đã gây có thể bị quên nhưng nó vẫn được tích lũy để sau này cho kết quả.

(3) Phân loại theo thời gian (pākakāla-kamma), có bốn:

(a) Diṭṭhidhammavedanīya-kamma, thuận hiện sinh thọ nghiệp, cho quả dị thục ngay trong đời này.

(b) Upapajjavedanīya-kamma, thuận thứ sinh thọ nghiệp, cho quả trong đời tái sinh tiếp theo.

(c) Aparāpariyacedanīya-kamma, thuận hậu sinh thọ nghiệp, cho quả sau đời sau.

(d) Ahosi-kamma, quá khứ nghiệp, đã chìm vào quá khứ, không còn cho quả nữa.

(4) Phân loại theo xứ (pākathāna-kamma), có bốn:

(a) Akusala-kamma, (dục giới) bất thiện nghiệp;

(b) Kusala-kamma, (dục giới) thiện nghiệp.

(c) Rūpāvacarakusala-kamma, sắc giới thiện nghiệp.

(d) Arūpāvacarakusala-kamma, vô sắc giới thiện nghiệp.

Trong các phân loại nghiệp dẫn trên, hình thức phân loại tuy có khác, nhưng nội dung không mấy khác biệt với Hữu bộ. Những loại nghiệp trong các phân loại này được gọi là luận thuyết theo thắng nghĩa đế, nhưng thực chất là những phân loại để giải thích các hiện tượng rất thường gặp trong đời sống của các loài. Những giải thích này nhiều khi vượt ngoài chứng nghiệm thực tế, vốn dựa vào lòng tin hơn là bằng chứng cứ hiển nhiên.

3. Luận sự (Kathāvatthu)

Kathāvatthu (Luận sự), luận thư thứ năm trong bảy luận thư căn bản thuộc tạng Abhidhamma của Thượng tọa bộ (Theravāda), soạn tập bởi Moggallīputta Tissa, vị chủ trì Đại hội Kết tập lần thứ ba dưới thời Vua A-dục, ghi chép cùng với phê phán quan điểm các bộ phái Phật giáo tại Ấn-độ. Trong số 18 bộ theo ghi chép của Dīpavaṃsa (Đảo sử), và thêm 6 bộ nữa theo Buddhaghosa, vị chú giải Luận sự, các giáo nghĩa của 12 bộ được nêu, với 226 luận điểm. Bản dịch Anh bởi Shwe Zan Aung & Mrs. Rhys Davids lập hai bảng mục lục phân tích khá chi tiết. Bảng I các luận điểm được sắp theo chủ đề. Có tất cả 10 chủ đề, trong đó nghiệp được liệt vào phần B của chủ đề “VIII. Vũ trụ luận” với 11 luận điểm. Một số luận điểm khác liên hệ đến nghiệp được liệt vào trong các chủ đề khác, như vấn đề thiện và bất thiện trong chủ đề “X. Đạo đức”. Bảng II liệt kê 12 bộ khác nhau cùng với các luận điểm của mỗi bộ.

Các luận điểm liên hệ đến nghiệp trong các bộ phái theo bảng phân tích của A. Bareau nhiều hơn gấp bốn lần. Theo đây có thể biết nhiều luận điểm được triển khai sau thời A-dục; thời kỳ mà các Upaniṣad được tập thành, các Puraṇa xuất hiện, cùng với những kinh điển căn bản của Ấn-độ giáo như Brahmasūtra, Bhagavadgītā, và sự xuất hiện các hệ phái triết học như Pūrvā-Mīmāṃsā, Vedānta, Nyāya-Vaiśeṣika, Yoga-Saṃkhyā; thêm vào đó là sự phát triển của Kỳ-na giáo; tất cả đều nhắm tấn công các giáo nghĩa căn bản của Phật giáo. Như Kỳ-na giáo với tính chất vật chất của nghiệp, Pūrva-Mīmāṃsā với yếu tố apūrva, Vedānta với yếu tố adṛṣṭa. Những điểm này không phải không có căn cứ tâm lý thực nghiệm; nhưng giá trị chân lý trong giới hạn nào, đó còn là vấn đề tranh luận. Do vậy, các bộ phái Phật giáo đã phải phát triển lý luận, và do bởi hoàn cảnh xã hội hoặc vị trí địa lý mà các luận điểm của các bộ phái này nhiều khi chống trái nhau. Thượng tọa bộ phát triển tại đảo Tích-lan, Phật giáo không có hệ tư tưởng đối thủ, do đó có thể giữ được hình thức khá gần nguyên thủy, và cũng tất nhiên là khá đơn sơ so với các bộ phát triển trên lục địa Ấn.

Các luận điểm về nghiệp trong bảng mục lục phân tích của Shwe Zan Aung & Mrs. Rhys Davids lược dẫn như sau:

1. (a). Đất là dị thục của nghiệp (paṭhavī kammavipāko ti). Luận điểm của An-đạt-ca (Andhaka). Nghiệp dẫn đến quyền làm chủ tự tại (issariya) và quyền chi phối (adhipacca) đối với đất, do đó đất là dị thục của nghiệp. Thượng tọa bộ phản đối: đất không phải là nghiệp dị thục, vì nó không tương ưng với khổ thọ hay lạc thọ, không tương ưng với xúc, tưởng, tư, tâm; nó không có đối tượng để duyên (sārammana: hữu sở duyên), không có chuyên tâm (samannāhāra), không có tác ý (manasikāra).

(b) Sắc là dị thục (rūpaṃ vipāko ti). Luận điểm của An-đạt-ca và Chánh lượng bộ. Các pháp tâm-tâm sở (citta-cetasika) phát sinh bởi nghiệp đã tạo; cũng vậy, sắc phát sinh bởi dị thục.

2. Già-chết là dị thục (jarāmaraṇaṃ vipāko ti). Luận điểm An-đạt-ca. Nghiệp dẫn đến dung sắc xấu xí (dubbavaṇṇa) và tuổi thọ vắn (appāyu), tức dẫn đến già và chết; do đó, già-chết là dị thục của nghiệp.

3. Dị thục là pháp của dị thục pháp (vipāko vipākadhammadhammo ti) . Luận điểm của An-đạt-ca. Bốn uẩn vô sắc (arūpīkkhandha) hỗ tương làm duyên (aññamaññapaccaya), chúng là dị thục và cũng là pháp dị thục; do đó dị thục là pháp của pháp dị thục (dị thục sinh dị thục).

4. A-la-hán thoái thất quả A-la-hán do bởi nhân là nghiệp (kammahetu arahā arahattā parihāyatī’ti). Luận điểm của Đông sơn bộ (Pubbaselīya| Pūrvaśaila) và Chánh lượng bộ (Sammitīya).

5. Hết thảy nghiệp đều có dị thục (sabbaṃ kammaṃ savipākan’ti). Luận điểm của Đại chúng bộ, dẫn chứng lời Phật: “Này các Tỳ-kheo, Ta không nói nghiệp đã được cố ý tạo tác, được tích tập, chưa cho quả cảm thọ trong đời này, trong đời sau, trong đời sau tiếp theo, mà diệt.” (A. 10.217)

6. Thanh là dị thục (saddo vipāko ti). Luận điểm của Đại chúng bộ, dẫn lời Phật: “Ai mà có nghiệp đã được tạo tác, được tích tập, được sung mãn, được phát triển như vậy, vị ấy có âm thanh như Phạm thiên (brahmassaro), như chim ca-lăng-tần-già (karavikabhāṇi). Thượng tọa bộ: thanh không tương ưng với khổ thọ, lạc thọ hay phi khổ phi lạc thọ, không có sở duyên (anārammaṇa), nên không phải là dị thục.

7. Tất cả sáu xứ (saḷāyatana) đều là dị thục. Luận điểm của Đại chúng bộ; sáu xứ phát sinh do bởi nghiệp đã tạo tác, do đó chúng đều là dị thục.

8. Sáu xứ trụ thai mẹ đồng thời không trước không sau (saḷāyatanaṃ apubbaṃ acarimaṃ mātukucchismiṃ saṇṭhātī’ti). Luận điểm của Đông sơn trụ bộ (Pubbaselīya) và Tây sơn trụ bộ (Aparaselīya); nếu cho rằng các căn mắt, tai, ngửi, nếm phát sinh sau này, vậy nó tạo nghiệp trong thai mẹ để thủ đắc mắt (mātukucchismiṃ cakkhupaṭilābhāya kammaṃ karotī’ti)?

9. Nghiệp khác với tích tập của nghiệp (aññaṃ kammaṃ añño kammūpacayo’ti). Luận điểm của An-đạt-ca và Chánh lượng bộ; nghiệp tích tập (kammūpacaya) không tương ưng tâm (cittavippayutta), vô ký (avyākata) và không sở duyên (anārammaṇa), do đó khác với nghiệp.

10. Tất cả cái này đều do nghiệp (sabbam idaṃ kammato’ti). Luận điểm của Vương sơn bộ (Rājagirīka) và Nghĩa thành bộ (Siddhatthika); dẫn lời Phật: “Thế gian bị vận chuyển bởi nghiệp. Chúng sinh bị vận chuyển bởi nghiệp. Chúng sinh bị buộc chặt vào nghiệp như trục xe quay theo bánh xe (kammanibandhanā sattā, rathassāṇīva yāyato).” (M.ii.460).

11. Hết nghiệp đều là định nghiệp (sabbe kammā niyatā’ti). Luận điểm của An-đạt-ca và Bắc sơn bộ (Uttarāpathaka|Uttaraśaila), nghiệp nhất định cho quả của nó trong đời hiện tại, đời tiếp theo hay các đời tiếp theo nữa.

12. Chư thiên có luật nghi (atthi devesu saṃvaro’ti). Sớ giải không nêu bộ phái; chỉ giải thích và đề xuất phê phán; theo luận điểm này, chư thiên kể từ Tam thập tam trở lên do không phạm năm cấm giới nên có luật nghi (saṃvara).

13. Nghiệp là luật nghi (saṃvaro kaman’ti). Luận điểm của Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika); vì Kinh nói, “Mắt thấy sắc, không chấp thủ tướng của sắc, cho đến, ý biết pháp không chấp thủ tướng của pháp”, do đó luật nghi và bất luật nghi đều là nghiệp. Thượng tọa bộ phê phán (Sớ giải): Chính tư (cetanā) tạo tác nghiệp. Thân dẫn đầu bởi tư được gọi là thân nghiệp. Ngữ và ý cũng vậy. Nếu luật nghi là nghiệp, vậy luật nghi dẫn đầu bởi phòng hộ nhãn căn nên gọi là nhãn nghiệp?

14. A-la-hán cũng tích tập phước. Luận điểm của An-đạt-ca; vì A-la-hán cũng bố thí y, bát, ngọa cụ các thứ cho Tăng, và cũng hành lễ nơi tháp miếu, cho nên cũng tích tập phước.

15. Năm thức cũng thiện, cũng bất thiện (pañcaviññāṇā kusalāpi akusalāpī’ti). Không có sớ giải.

16. Biểu là giới (viññatti sīlan’ti). Luận điểm của Đại chúng bộ và Chánh lượng bộ; thân biểu (kāya-viññatti) là nghiệp bởi thân (kāya-kamma); ngữ biểu (vācī-viññatti) là nghiệp bởi ngữ (vācīkamma).

17. Vô biểu là ác giới (aviññatti dussilyanti). Luận điểm của Đại chúng bộ; người quyết định hành ác, chỉ một mình nó biết mà thôi, do đó vô biểu là ác giới.

18. Người trụ một kiếp (trong địa ngục) khả năng không đắc tâm thiện (kappaṭṭho kusalaṃ cittaṃ na paṭilabheyyā’ti). Quan điểm của Bắc đạo bộ (Uttarāpathaka); nếu từ đó (địa ngục) xuất mà nó sở đắc tâm thiện, thế thì nó cũng đắc sắc giới thiện tâm, vô sắc giới cho đến xuất thế thiện tâm? Thượng tọa bộ: trụ một kiếp nó cũng có thể đắc thiện tâm; nó có thể bố thí Tăng, kính lễ tháp miếu.

19. Bất thiện căn tục sinh thiện căn (akusalamūlaṃ paṭisandahati kusalamūlanti), và ngược lại. Luận điểm của Đại chúng bộ; cũng như nó có thể viễn ly vật mà nó tham trước, và ngược lại, tham trước vật mà nó viễn ly, cũng vậy, bất thiện căn tiếp nối thiện căn và ngược lại.

20. Sắc thiện hoặc bất thiện (rūpaṃ kusalākusalan’ti). Luận điểm của Hóa địa bộ; thân nghiệp và ngữ nghiệp thiện hoặc bất thiện; thân biểu (kāya-viññatti) bởi thân nghiệp, ngữ biểu (vacī-viññatti) bởi ngữ nghiệp, hoặc thiện hoặc bất thiện.

21. Giết mẹ, dù không cố ý, đọa vô gián (asañcicca mātaraṃ jīvitā voropetvā ānantariko hotī’ti). Luận điểm của Bắc đạo bộ (Uttarapāthaka).

Bảng liệt kê trên đây chưa phải là đầy đủ, nhưng cũng cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về các luận điểm liên hệ đến nghiệp sau khi Phật giáo phân phái và trước thời kỳ của Luận sự xuất hiện. Bảng liệt kê của A. Bareau nhiều hơn, cho thấy sự phát triển về sau.

4. Dị bộ

Sử liệu về các bộ phái, Hán dịch có Dị bộ tông luân luận, soạn tập bởi Thế Hữu (Vasumitra), dịch bởi Huyền Trang và sớ giải giáo nghĩa bởi Khuy Cơ. Tài liệu này khá quan trọng để nghiên cứu tư tưởng các bộ phái phát triển cho đến thời Thế Hữu, với bản Hán dịch sớm nhất bởi Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva), trước Huyền Trang hơn 300 năm; nhưng bản dịch Huyền Trang khá quan trọng với sớ giải của Khuy Cơ, vì thời đại của Huyền Trang là giai đoạn mà sự phát triển của các bộ phái đã quá cực điểm, không có giải thích đặc biệt nào về giáo nghĩa. Sự chu du của Huyền Trang, gặp gỡ Tăng đồ các bộ phái còn tồn tại bấy giờ, hẳn cung cấp khá nhiều chi tiết quan trọng về sự hiểu và hành các giáo nghĩa trong các bộ phái.

Các điểm giáo nghĩa của các bộ phái được A. Bareau biên tập khá kỹ từ Dị bộ tông luân luận với sớ giải của Khuy Cơ, cũng với các nguồn tư liệu bổ sung khác. Riêng về chủ đề nghiệp, luận điểm đồng và dị giữa các bộ phái khá nhiều, và khá chi ly phức tạp khó dẫn hết ra đây. Những luận điểm quan trọng được Tì-bà-sa dẫn và phê bình cũng khá chi tiết, mà phần lớn có thể thấy trong Câu-xá, do đó cũng không cần phải liệt kê hết ra đây.

Ngoài Dị bộ tông luân luận, một số luận thư khác của các bộ phái tồn tại trong Hán dịch cũng cung cấp thêm nhiều chi tiết cụ thể về giáo nghĩa của các bộ phái.

Trong số luận thư Hán dịch này, ba bộ quan trọng cũng nên nhắc qua ở đây.

5. Xá-lợi-phất A-tì-đàm

Xá-lợi-phất A-tì-đàm luận (śāriputrābhidharmaśāstra). Đây chính xác là luận thư của Pháp mật bộ, cũng gọi là Đàm-vô-đức bộ (Dharmagupta), cùng một hệ với Luật Tứ phần. Hiển nhiên nhất là trong phần tường thuật về Đại hội Kết tập lần thứ nhất, các bộ khác chỉ đề cập đến tạng Kinh và Luật, chỉ riêng Tứ phần có đề cập đến kết tập Luận tạng với nội dung được kể là “hữu nạn, vô nạn, hệ tương ưng, tác xứ.” Đây là nội dung các phần của Xá-lợi-phất A-tì-đàm: “Vấn phần, Phi vấn phần, Nhiếp tương ưng phần, Tự phần.”

A. Bareau, trong chương về Dharmagupta, liệt kê và diễn giải chi tiết các luận điểm giáo nghĩa của Pháp mật bộ, chia làm hai phần. Phần thứ nhất gồm 13 giáo nghĩa căn bản dẫn từ nguồn sử liệu của Vasumitra, Bhavya và Vinitadeva. Phần thứ hai thuật 79 luận điểm của bộ phái này, tất cả đều trích từ Xá-lợi-phất A-tì-đàm. Một số luận điểm quan trọng liên hệ đến chủ đề nghiệp lược nêu như dưới đây.

1. Sắc uẩn thuộc (a) Dục giới hệ... thân biểu (kāya-vijñapti), ngữ biểu (vāg-vijñapti) phát khởi bởi tâm (citta-samutthāna); vô biểu bất luật nghi (asaṃvara-avijñapti) của thân và ngữ; vô biểu luật nghi (saṃvara-avijñapti) của thân và ngữ hữu lậu. (b) Sắc giới hệ... thân, ngữ biểu phát khởi bởi tâm; vô biểu luật nghi của thân và ngữ hữu lậu. (c) Vô sắc giới hệ... vô biểu luật nghi của thân ngữ hữu lậu.

2. Năm uẩn đủ cả ba tính chất thiện, bất thiện và vô ký. Sắc uẩn thiện: thân và ngữ biểu phát khởi bởi tâm thiện; vô biểu luật nghi của thân và ngữ hữu lậu; thân tinh tiến, thân khinh an; chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Sắc uẩn bất thiện: bất thiện, thân, ngữ biểu phát khởi bởi tâm bất thiện; vô biểu bất luật nghi của thân và ngữ. Sắc uẩn vô ký: thân, ngữ biểu phát khởi bởi tâm vô ký.

3. Năm giới, thảy đều thuộc sắc, vô kiến, vô đối, có dị thục, không tương ưng tâm, phi tâm sở, không tùy tâm chuyển, không tương ưng nghiệp, không tùy nghiệp chuyển; chỉ có trong Dục giới, là pháp có dị thục, sẽ cho quả dị thục.

4. Năm căn (āyatana: xứ): mắt, tai, mũi, lưỡi và thân đều là dị thục. Hương, vị, xúc hoặc dị thục, hoặc phi dị thục. Hương dị thục, chỉ mùi hương của nội thân, thơm hoặc không thơm, sản phẩm của nghiệp phiền não. Hương phi dị thục thuộc ngoại xứ, sở duyên của tỉ thức. Vị, và xúc, cũng vậy. Sắc, thanh, ý và pháp hoặc dị thục, hoặc pháp có dị thục . Sắc dị thục là sắc của nội thân, có đẹp có xấu, sản phẩm của nghiệp phiền não, là thân biểu chuyển động bởi cảm thọ tâm. Sắc có dị thục là thân biểu phát động bởi tâm thiện hoặc bất thiện. Thanh cũng vậy.

5. Bốn đại chủng hoặc dị thục, hoặc phi dị thục. Thuộc nội thân, sinh bởi nghiệp phiền não, chúng là dị thục. Thuộc ngoại giới, chúng là phi dị thục.

6. Biểu nghiệp bởi thân (kāya-vijñapti) là thân nghiệp (kāya-karma) thuộc sắc xứ (rūpāyatana). Vô biểu nghiệp bởi thân (kāya-avijñapti) là thân nghiệp thuộc pháp xứ (dharmāyatana). Biểu nghiệp bởi ngữ (vāg-vijñapati) là ngữ nghiệp (vāk-karma) thuộc thanh xứ (śabdāyatana). Vô biểu nghiệp bởi ngữ là ngữ nghiệp thuộc pháp xứ. Ý nghiệp, là duyên (nhân) của nghiệp.

7. Ba bất thiện căn (akusala-mūla), không phải nghiệp, nhưng tương ưng với nghiệp; cả ba đều phi tâm, nhưng tương ưng với tâm; thảy đều là những tâm sở.

8. Ba uẩn thọ, tưởng và thức là nhân (của dị thục, vipākahetu). Hai uẩn sắc và hành vừa là nhân vừa không phải là nhân. Sắc uẩn là nhân, đó là biểu nghiệp và vô biểu nghiệp của thân và ngữ. Không phải là nhân, đó là sắc nội thân như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đẹp hay xấu, đáng ưa hay không đáng ưa; thân và ngữ biểu phát khởi bởi tâm vô ký; cũng với ngoại xứ sắc và thanh, sở tri bởi mắt và tai; những thứ này không phải là nhân của dị thục.

6. Thành thật luận

Tuy không được nghiên cứu rộng rãi bằng Câu-xá, Thành thật luận cũng chiếm một vị trí khá quan trọng trong nghiên cứu Phật học theo thứ lớp giáo nghĩa từ Tiểu thừa đến Đại thừa. Phật giáo Trung Hoa luận giáo nghĩa căn bản tập trung trên hai luận đề Hữu và Không. Trong Tiểu thừa, Câu-xá đại biểu cho Tiểu thừa Hữu tông; Thành thật luận đại biểu cho Tiểu thừa Không tông; Trung quán, Đại thừa Không tông, và Duy thức Đại thừa Hữu tông. Phân tông đại cương này chỉ có tính cách ước lệ.

Thành thật luận sở thuộc tông phái, có khá nhiều ý kiến bất đồng. A. Bareau theo nhận định của Chân Đế (Paramārtha) cho rằng thuộc Đa văn bộ (Bahuśrutīya) và liệt kê 18 luận điểm của bộ này dẫn từ Thành thật luận.

Các học giả Nhật Bản cũng luận khá chi tiết về bộ phái của luận thư này. Chủ yếu là ý kiến của Thủy Dã Hoằng Nguyên, Thành thật luận thuộc Thí dụ bộ. Ý kiến của Ấn Thuận, Thành thật luận xuất phát từ Kinh bộ nhưng không hoàn toàn theo Kinh bộ. Đại sư kết luận: “Ha-lê-bạt-ma, từ A-tì-đạt-ma mà đi vào Kinh bộ, rồi lại đi sâu vào năm bộ, cuối cùng khảo nghiệm dị đồng, phê phán đúng sai, không chỉ thâu thái sở trường các luận sư khác mà còn đi thẳng vào “thật nghĩa trong Tam tạng”. [...] Thành thật luận gần với nghĩa của Kinh bộ, nhưng không thể nói là thuộc Kinh bộ. Nếu nói về tông phái, Thành thật luận lập thành một tông riêng vậy.”

Luận phân làm năm tụ. Tụ đầu, “Phát tụ”, tổng quát giáo nghĩa căn bản. Bốn tụ tiếp theo y theo bốn Thánh đế. “Nghiệp luận” thuộc tụ thứ ba “Tập đế”, gồm 26 phẩm, từ phẩm 95-120. Dưới đây chỉ lược thuật một số luận điểm trong các phẩm này.

1. Thể của thân nghiệp: di động. Luận điểm này được nêu để phê bình trong Câu-xá; được nói là của Chánh lượng bộ, y trên cơ sở là sắc pháp ngoại giới tồn tại trên một sát-na đủ thời gian để di chuyển. Thành thật luận thừa nhận chủ trương pháp diệt trong từng sát-na, nhưng pháp khi sinh ở nơi khác mà gây tổn hại hay hữu ích cho kẻ khác, đó là thân nghiệp. Vả lại, nói thân nghiệp là theo ngôn ngữ quy ước (thế tục đế) trong phạm vi thường nghiệm; nếu trong sự thực siêu nghiệm, thân không phải là nghiệp. Thân chỉ là công cụ của nghiệp. Khi nào, do tác động bởi tâm, nó xuất hiện trong nhiều vị trí khác nhau và tích tập tội phước, đó mới là thân nghiệp.

2. Ý có vô biểu (avijñapti). Vì Phật đã nói, ý quan trọng nhất trong ba nghiệp. Do sự tích tập của trọng nghiệp mà nói là vô biểu; vì trọng nghiệp thì thường xuyên tăng trưởng. Kinh bộ không thừa nhận có vô biểu nghiệp. Hữu bộ thừa nhận vô biểu nhưng ý nghiệp không có vô biểu.

3. Nhân bởi tâm mà sinh tội hay phước, dù trong khi ngủ say hay ngất, tội phước vẫn tăng trưởng. Sự tăng trưởng này là do vô biểu. Câu-xá dẫn tám luận cứ của Hữu bộ chứng minh tồn tại vô biểu. Thành thật luận chỉ nêu bốn luận cứ: (a) vô biểu là thể của giới; (b) phước tăng trưởng; (c) sai người khác làm; (d) nếu không có vô biểu thì không có luật nghi (saṃvara). Lý luận đại để cũng giống như Hữu bộ.

4. Vô biểu là hành không tương ưng tâm, trong hành uẩn, không phải sắc pháp. Hành là tín hiệu (nimitta), tức nguyên nhân, tác thành sự sinh khởi. Sắc pháp do bản chất biến hoại nên không thể tác thành.

Thân và ngữ nghiệp thuộc sắc. Vô biểu chỉ được gọi là nghiệp thân và ngữ, nhưng không phải được tạo tác bởi thân và ngữ. Nhân bởi thân, ngữ và ý nghiệp mà phát sinh nên nói là có thể tính của thân, ngữ, ý nghiệp. Hoặc chỉ phát sinh từ ý nên gọi là vô biểu.

Vô biểu chỉ phát sinh từ nghiệp thiện hoặc bất thiện. Nghiệp vô ký yếu ớt, không làm phát sinh vô biểu. Vô biểu phát sinh từ sát-na thứ hai trở đi.

5. Trong vô sắc giới cũng có vô biểu.

6. Có nghiệp được làm bởi cố ý (sañcita: tư, hay cố tư) hay không cố ý. Trước biết mà vẫn làm gọi là cố ý; hoặc nghiệp được làm bởi tâm quyết định, gọi là cố ý. Nghiệp cố ý mới có quả dị thục.

7. Nghiệp cố ý mới được tích tập và cho quả trong đời này, đời tiếp theo, hay những đời tiếp theo sau nữa. Nhưng nơi vị chứng đắc chân trí nghiệp không còn được tích tập, như hạt giống đã hư mục.

8. Nghiệp đối với quả có định và bất định. Định nghiệp, dù ít dù nhiều, nhất định phải thọ quả. Xác định mức tội cũng như Hữu bộ được nói trong Câu-xá.

Còn nhiều luận điểm khác nữa; những điểm quan trọng đều có được đề cập trong Câu-xá nên không cần thiết dẫn hết ra đây. Những điểm trên đây chỉ nêu tượng trưng để có thể hiểu được tình hình luận nghiệp giữa các bộ.

Ngoài ra, trong các luận thư như Tam-di-đế luận của Chánh lượng bộ, Tứ đế luận suy đoán thuộc Thí dụ bộ, cũng đề xuất những lý giải về nghiệp. Những luận điểm dị biệt giữa các bộ phần lớn được dẫn và phê bình trong Luận sự (Kathāvatthu) và trong Câu-xá, do đó cũng không cần thiết phải dẫn hết ra đây.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.225.149.158 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...