Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở »» GIỮA CHỐN CUNG VÀNG »»

Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở
»» GIỮA CHỐN CUNG VÀNG

Donate

(Lượt xem: 2.990)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở - GIỮA CHỐN CUNG VÀNG

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Đây cũng là đề tài chính mà tôi đã chọn để viết tựa đề cho quyển sách này. Mới đầu tôi nghĩ, nên ghi một bài tường thuật về chuyến đi này rồi đăng trên báo Viên Giác là đủ. Song, thấy hơi tiếc. Vì lẽ phải ghi thật rõ ràng tất cả các chi tiết để tất cả các Phật tử xa gần có thể theo dõi và hiểu biết về một xứ Phật Giáo, nên tôi đã cố gắng làm việc này trong mấy ngày còn lại ở Tích Lan, vì sợ rằng khi về lại Đức sẽ quên đi những chi tiết cũng như khó mà có thì giờ để hoàn thành tác phẩm này.

Ngày xưa nếu Ngài Huyền Trang không ghi lại hồi ký của Ngài khi chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ, thì ngày nay các học giả sẽ không biết đâu mà tìm đến những Thánh tích nơi Đức Phật Đản sanh, Thành đạo, nơi Chuyển pháp luân lần đầu tiên và nơi nhập Niết-bàn. Có rất nhiều chư Tăng Việt Nam đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng ít ghi lại các hướng dẫn cụ thể cũng như các nơi chốn đã đi, nên người sau không biết gì về quá khứ cả. Vì nghĩ đơn giản như vậy, nên tôi đã viết thành các quyển “Đường Không Biên Giới”, “Lòng Từ Đức Phật” và nay là “Giữa Chốn Cung Vàng”, cũng không ngoài ý nghĩa làm sáng tỏ những chuyến đi và giới thiệu cho các độc giả, nhất là các Phật tử hiểu rõ về những nơi mà họ chưa có cơ duyên đặt chân đến.

Đức Phật ngày xưa đã sinh ra giữa chốn hoàng cung và bây giờ những nơi tôn thờ xá-lợi của Ngài cũng là nơi những cung vua cũ, hay những đền tháp sang trọng nhất của cõi đời này, nên tôi lấy tên tác phẩm này là “Giữa Chốn Cung Vàng” cũng không ngoài ý nghĩa ấy.

Ở Tích Lan này, đi đâu cũng thấy tượng Phật và chùa tháp. Cứ mỗi ngã ba, nơi có cây Bồ-đề lớn là có một tượng Phật cao từ 5 đến 10 thước, ngồi trong tư thế Chuyển pháp luân.

Phái đoàn chúng tôi đã rời Dambulla để đi về Kandy là nơi thánh địa quan trọng bậc nhất, được tôn trí xá-lợi một chiếc răng của Đức Phật, nên ai ai trong chúng tôi cũng có ý mong cầu đến đó để đảnh lễ.

Từ Colombo đến Kandy không xa lắm, chừng 116 cây số, nhưng chúng tôi không phải đi đường này mà đi đường vòng từ bắc xuống nam nên tốn rất nhiều thì giờ.

Theo trong sách vở và Tam Tạng Thánh Điển viết về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Đức Phật thì có nói về răng của Ngài. Đức Phật có tất cả 40 cái răng, không phải 32 cái như chúng ta. Ngày nay trên thế giới còn giữ được 2 cái. Một cái hiện còn ở Trung Quốc và một cái được tôn trí tại Kandy, Tích Lan này. Ngoài ra xá-lợi của Ngài thì vẫn còn khắp đó đây trên cõi Ta Bà này. Bên Miến Điện có ngôi chùa thờ một sợi tóc của Đức Phật. Tóc Phật có hình trôn ốc, xoắn về bên phải nhiều vòng. Đây cũng là 1 trong 32 tướng tốt của Phật.

Kandy được xây dựng bởi vị vua cuối cùng thuộc dòng họ Sinhala tên là Sri Wickrama Rajasinghe, vào năm 1806, tương đương với thời vua Gia Long trị vì ở nước ta. Nhưng những đền đài cung điện ở Huế sau gần 200 năm đã bị hư hại rất nhiều. Còn ở đây nhờ bảo quản tốt nên vẫn còn mới mẻ và trang nghiêm vào bậc nhất trong các nơi mà chúng tôi đã được đến.

Chúng tôi đến Kandy vào lúc 8 giờ tối ngày 8 tháng 3 năm 1994, tại một Tu Viện Phật Giáo Tích Lan theo hệ phái Thái Lan. Ở Tích Lan có 2 phái chính, một phái ảnh hưởng Thái Lan và phái còn lại chịu ảnh hưởng Miến Điện. Phái ảnh hưởng Thái Lan thì giàu có hơn, chùa chiền đồ sộ hơn. Còn phái ảnh hưởng Miến Điện nghèo hơn, nhưng cơ sở học đường lại dồi dào hơn.

Cách đây 200 năm, có một vị Sư người Tích Lan sang thọ giới với Ngài Ưu Ba Ly người Thái. Sau đó đón vị Sư Thái Lan này sang Kandy để sáng lập ra hệ phái Thái Lan này. Sau khi tiếp chuyện với vị Sư trụ trì, chúng tôi được biết hiện tại Tích Lan có hơn 100 ngôi chùa và hơn 8.000 tăng sĩ thuộc hệ phái này.

Cả nước Tích Lan có 15 triệu dân và có khoảng 40.000 tăng sĩ. Trong khi đó Việt Nam chúng ta có hơn 70 triệu dân cũng chỉ có 40.000 tăng sĩ, quả là điều ít ỏi. Chúng ta phải cố gắng đào tạo thêm nhiều thế hệ tăng sĩ trẻ cho mai hậu để nối nghiệp Tổ truyền thì mới mang hạt giống giác ngộ lưu truyền mãi đến ngày sau, đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam cần phải có sự hiện diện của người Tăng Sĩ nhiều hơn nữa.

Tại thành phố này có 2 chùa thay phiên nhau để túc trực giữ gìn xá-lợi cùng với lính của chính quyền. Chúng tôi đến mùa này nhằm lúc chùa khác canh giữ và lễ bái, nên vị Sư trụ trì nơi chúng tôi tá túc đã liên lạc với chùa kia để sáng mai sớm lúc 5 giờ ngày 9 tháng 3 năm 1994 sẽ có mặt để được vào chiêm bái linh nha (răng) của Đức Phật. Mọi người trong đoàn ai cũng thành kính hướng vào bảo điện thờ răng.

Đây là một hoàng cung, do đó có lối kiến trúc rất đặc biệt và không phải ai cũng vào được tận chốn thờ răng. Chung quanh bảo tháp thờ răng Phật có ít nhất là 10 lớp cửa và có lính canh cũng như chư Tăng canh gác rất cẩn mật. Vì có nhiều lần dân Tamil theo Ấn Giáo đã đặt bom nổ ở đây, cốt uy hiếp và cố cướp đi bảo vật của Phật Giáo Tích Lan nhằm lũng đoạn niềm tin của chính quyền cũng như của người Phật tử.

Mới 5 giờ sáng mà từng đoàn hành hương đã túc trực để được dâng hoa tươi, đèn dầu và nước lên Đức Phật. Trước cửa hoàng cung này có tôn trí tượng của một vị tăng sĩ với tư thế giơ tay lên làm động tác hạ cờ xuống. Tôi có hỏi Đại Đức Seelawansa đó là dấu hiệu gì. Đại Đức có trả lời rằng:

- Đó là một vị tăng sĩ, khi quân đội Anh đến chiếm xứ Tích Lan làm thuộc địa đã treo cờ lên hoàng cung này và chính vị tăng sĩ này đã hạ cờ Anh xuống, lập tức bị quân đội Anh bắn chết. Ngày nay dân Tích Lan thờ vị này như là một anh hùng của dân tộc.

Việt Nam ta cũng không thiếu những vị anh hùng như thế. Ví dụ Bồ Tát Quảng Đức trong quá khứ và Hòa Thượng Thích Huyền Quang trong hiện tại.

Khi đứng sắp hàng như thế, chúng tôi thấy có một số quý sư cô đắp y Nam Tông cũng đứng sắp hàng để vào chiêm bái răng của Đức Phật. Khi Phật còn tại thế, chính bà Dì của Đức Phật, rồi Công chúa Da-du-đà-la và 500 mệnh phụ phu nhân qua lời thưa thỉnh của Ngài A Nan đã được Đức Phật cho xuất gia và trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Thọ Ký, chính Đức Phật cũng đã thọ ký cho 2 vị này về sau cũng sẽ thành Phật. Và cũng chính Sư cô Công chúa Sanghamitta con vua A-dục cũng là người nữ đã mang cây Bồ-đề đến xứ Tích Lan. Nhưng tại sao sự truyền thừa của những vị sư nữ ngày nay bên Nam tông không còn nữa? Ngay cả Tây Tạng cũng vậy. Đến nỗi các Sư cô Tây phương tu theo Phật Giáo Tây Tạng phải sang Trung Hoa thọ Tỳ-kheo Ni giới, còn Phật giáo Tây Tạng hiện vẫn chưa có trường phái cho người nữ.

Thái Lan vẫn có người nữ tu hành trong chùa, nhưng chỉ được mặc áo trắng như là một tịnh hạnh nhân. Riêng Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản có một truyền thống lâu đời về Ni giới, quả là điều rất quý hóa vô cùng, vì đức Phật đâu có phân chia nam bắc, tăng tục, mà Ngài dạy rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, ai cố gắng tu hành cũng đều có thể thành Phật.

Cánh cửa thứ nhất được mở, chúng tôi tiến vào và cứ thế, cho đến cánh cửa thứ 7 trở đi, thấy bên trong tất cả mọi vật đều được nạm vàng. Ở đâu cũng toàn là vàng và ngọc quý. Những đoàn hành hương khác phải đi quanh lên tầng thượng để chỉ được chiêm bái bên ngoài. Riêng chúng tôi vì có báo trước và qua sự liên hệ giữa các vị Sư trụ trì với nhau nên chúng tôi lần lượt được vào cửa thứ 8, thứ 9 và cuối cùng qua cánh cửa thứ 10. Chúng tôi được một vị Sư trưởng đứng hầu cạnh răng Phật trao cho một nhúm hoa, chúng tôi đã rải lên bàn để cúng dường Đức Phật và cầu nguyện cho Việt Nam được thanh bình an lạc như quê hương của xứ Phật.

Chung quanh răng Phật được bao bọc bởi một bảo tháp nhỏ cao chừng 1 thước, tất cả đều bằng vàng và trên đỉnh tháp ấy với hằng hà sa số là kim cương, ngọc thạch của các vị vua Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan v.v... hiến dâng lên Đức Phật. Quả thật Đức Phật đã xả bỏ tất cả lại được tất cả, còn chúng sanh cái gì cũng muốn nhưng cuối cùng rồi chẳng có gì cả, ngoại trừ nghiệp lực khổ đau của trần thế.

Chúng tôi đứng đó chừng 10 phút, vì không gian chật hẹp quá không thể quỳ xuống, lắng nghe nhã nhạc của Hoàng cung tấu những bản trầm hùng dâng lên cúng Phật. Sau đó chúng tôi quan sát đó đây, nơi đâu cũng toàn là vàng và ngọc, cho đến đỉnh trần cũng được Tổng Hội Phật Giáo Nhật Bản cúng dường, làm toàn bằng vàng, trông sáng ngời, đẹp đẽ.

Bên trong, bên dưới, bên trên, bên ngoài, đâu đâu cũng được trang trí bằng vàng và ngọc cũng như kim cương. Nếu dùng tiền để ước tính thì có lẽ đến hàng tỷ đô-la cũng không thể sắm nổi. Vì thế ít ai được vào đến đây là phải.

Nghe nói rằng được xem trực tiếp răng này chỉ có vị Tăng Vương của Thái Lan và vị Tăng Trưởng của Tích Lan. Ngoài ra các vị Vua Chúa, Thủ tướng, Tổng trưởng, Bộ trưởng, Thứ trưởng v.v... cũng chỉ được đứng gần kề như chỗ chúng tôi đứng là cùng chứ không được đến gần hơn nữa.

Mỗi năm vào tháng 8, có lễ rước xá-lợi răng của Đức Phật đi quanh thành phố cho dân chúng chiêm ngưỡng. Có hàng trăm con voi đã dự lễ cung nghinh này. Có những con voi già sau khi chết đi đã để lại 2 ngà dài 3 đến 4 thước làm vật trang trí trước bảo điện thờ răng Phật, nhìn thấy có gì đó trang nghiêm và vi diệu. Đến loài thú khi về già, không còn sống được nữa, cũng đã làm một cái gì có ý nghĩa để dâng lên cho Đức Phật, huống chi chúng ta là con người, lẽ nào lại chẳng làm được một điều gì để đóng góp cho sự tồn tại của Đạo Pháp trong mai hậu hay sao?

Việt Nam của chúng ta chẳng may bị chinh chiến triền miên, lòng người ly tán, nhưng chắc chắn một điều là niềm tin vào Đức Phật và giáo lý của Ngài quyết cũng không thua một dân tộc nào khác trên thế giới.

Chúng tôi rời nơi thờ xá-lợi răng linh thiêng ấy để đi xuống một nơi khác cũng không kém phần trang nghiêm, ngày đêm luôn có người canh giữ. Đó là một tượng Phật bằng vàng nặng khoảng 50 kí-lô và một tượng Phật bằng cẩm thạch trắng trong suốt. Trị giá 2 tượng này có lẽ cũng đến hàng triệu Mỹ kim.

Chư Tăng ở đây rất hoan hỷ cho phép chúng tôi đảnh lễ và khi nghe nói tôi từ Đức đến, đã vui vẻ tiếp chuyện và chụp hình lưu niệm. Mặc dầu hôm ấy là ngày thứ tư trong tuần, là ngày để lau chùi dọn dẹp, không cho người thăm viếng. Quả thật ở đời bao giờ cũng có những điều ngoại lệ, mà những điều ấy có được cũng chỉ do nhân duyên mà thành, chứ tiền tài, địa vị và danh vọng sẽ chẳng bao giờ mua chuộc được.

Sau khi xem 2 bảo vật ấy, chúng tôi đi lên tầng trên như bao nhiêu người khác, đứng ngoài nhìn vào và có chỗ rộng rãi hơn nên tôi đã quỳ tại đó một hồi rất lâu, hướng về linh nha của Phật cầu nguyện một lần nữa, hồi hướng cho quê hương Việt Nam sớm thanh bình an lạc và hồi hướng cho hương linh Phật tử Lâm Đạo Tứ pháp danh Thiện Niệm được cao đăng Phật quốc. Chúng tôi đã cúng dường một cách trang trọng tại 2 nơi này.

Bước xuống tầng dưới, có thờ một tượng Phật theo lối Nhật Bản bằng gỗ trầm, rất giá trị, bên cạnh tượng những ông vua hộ pháp đã có công làm cho giáo lý của Đức Phật được truyền từ đời này sang đời khác.

Đây là cung vua nên rất lịch sự và đẹp đẽ vô cùng. Nếu quý vị nào đến Tích Lan mà không thăm viếng Kandy, quả là một thiếu sót to lớn.

Giữa thành phố Kandy có hồ nước rất đẹp, chung quanh là phố thị. Ở đâu cũng có bò, có trâu, có người mua kẻ bán v.v... Đặc biệt trong phố xá tại Kandy và ngay tại thủ đô Colombo cũng có rất ít đèn xanh đèn đỏ. Ai muốn qua đường cứ băng qua, ai muốn dừng lại cứ dừng lại, còi bóp inh ỏi, nóng bức lạ thường. Quả thật, thực dân Anh khi đến xứ này cũng chỉ khai hóa được một ít về ngôn ngữ và văn minh, còn phong tục tập quán hầu như không thể nào cải đổi.

Ở đây đàn ông vẫn mặc váy hay còn gọi là “xà rông”. Đàn bà cũng vậy. Nhưng cũng có lắm người mặc đồ tây và đi giày dép như bên Âu Châu. Đa số đi chân trần. Dưới cái nóng thiêu đốt của một xứ gần xích đạo mà họ đi chân không cần giày dép, quả là một phép nhiệm mầu.

Chúng tôi trở ra nhà hàng dùng bữa sáng và sau đó trở về chùa để chuẩn bị lên đường. Còn một chuyến hành trình dài nữa.

Tất cả 9 người vừa Tăng lẫn tục, lúc ăn sáng, lúc ăn trưa đôi khi chưa quá 20 Đức mã. Mỗi người chỉ cần 2 Đức mã là có thể có một bữa ăn chay ngon lành. Nhiều lúc tôi thấy mấy người đi cùng phải ăn chay qua nhiều ngày, có nói với Đại Đức Seelawansa là nên đặt đồ mặn cho họ ăn và ngay cả Đại Đức nữa.

Đại Đức cười và bảo rằng:

- Không có gì đâu, đừng lo lắng lắm!

Cũng nhờ mấy gói mì và đồ khô từ Đức đem theo, nếu không thì tôi đã phải khổ thân lắm ở giữa chốn cung vàng này. Dầu sao đi nữa, những gì đã trở thành thói quen rồi, phải cần nhiều ngày tháng lắm mới bỏ được.

Chúng tôi có ghé thăm một thầy Việt Nam hiện tu học gần đó, cũng rất mừng, nhưng Thầy ấy cũng than phiền về lối ăn uống ở đây không quen mấy. Nếu họ ăn bằng tay mà mình ăn bằng đũa hay nĩa cũng kỳ.

Là khách như tôi ở Tích Lan 5, 7 ngày chẳng sao, chứ ở lâu chắc tôi cũng phải tập ăn bốc. Hơn nữa họ ăn mặn, mình ăn chay cũng là điều khó. Đâu có phải tự nấu ăn được. Đó chỉ là chuyện ăn. Còn mặc cũng phải theo họ, chứ không thì có người nói thế này, thế nọ. Theo tôi nghĩ, vì Đức Phật ngày xưa sinh ra tại Ấn Độ nên ngày nay chư Tăng mới ăn mặc giống như thế. Nhưng nếu Ngài sinh ra tại Việt Nam hay Nhật Bản, chắc mọi người phải ăn mặc theo các địa phương này.

Đường đời muôn thuở, nẻo đạo thênh thang, chẳng biết đâu mà lường - nhất là phong tục và tập quán mỗi nơi đều mỗi khác...


    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết-bàn


Thiếu Thất lục môn


Học đạo trong đời


Quy nguyên trực chỉ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.156.193 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...