"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Ai vào địa ngục »» Những tâm hồn trĩu nặng »»

Ai vào địa ngục
»» Những tâm hồn trĩu nặng

Donate

(Lượt xem: 6.672)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Ai vào địa ngục - Những tâm hồn trĩu nặng

Font chữ:


Trong cuộc sống, trạng thái tâm hồn chúng ta thường xuyên thay đổi, phần lớn là tùy thuộc vào tính chất của những gì xảy đến với ta và cảm nhận của bản thân ta đối với những sự việc ấy. Khi gặp những diễn tiến thuận lợi, những cảm nhận êm ái, thích thú, tâm hồn ta thấy vui vẻ, sảng khoái, và những lúc ấy ta trải qua một trạng thái tâm hồn thường là nhẹ nhàng, thanh thản. Ngược lại, khi gặp phải những điều trở ngại, bất lợi, những cảm nhận bực dọc, khó chịu, tâm hồn ta thường trải qua một trạng thái nặng nề, trầm uất...

Nhưng đó chỉ là nói qua một vài khía cạnh nổi bật nhất. Sự thật thì mỗi người chúng ta nếu tĩnh tâm suy xét lại, tự phân tích những trạng thái tâm hồn mà mình đã trải qua, đều có thể thấy được vô số những dị biệt, vô số những cảm nhận khác nhau, thậm chí có thể nói là không sao kể ra hết được. Đôi khi chúng ta còn có cả những trạng thái xen lẫn như nửa buồn nửa vui hoặc vừa mừng vừa sợ... Nói cách khác, vấn đề vô cùng phức tạp và hầu như hoàn toàn không thể phân tích theo phương pháp liệt kê của toán học hay phân loại cụ thể theo khoa học...

Tuy nhiên, trong sự rối rắm phức tạp vô cùng đó, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nổi bật lên hai khuynh hướng chính trái ngược nhau. Một số trạng thái tâm hồn có thể được mô tả là nhẹ nhàng, thanh thản, tất nhiên là với những mức độ khác nhau, và một số trạng thái ngược lại có thể mô tả như là nặng nề, trầm uất, cũng với những mức độ khác nhau. Khi hai khuynh hướng này đồng thời xuất hiện, chúng sẽ tác dụng theo nguyên tắc “mạnh được, yếu thua”, nghĩa là khuynh hướng nào mạnh hơn sẽ đẩy tâm hồn ta đi về phía tương ứng của nó, hoặc là nhẹ nhàng thanh thản, hoặc là nặng nề trầm uất...

Hai khái niệm “nhẹ” và “nặng” được dùng ở đây tất nhiên là với nghĩa trừu tượng của chúng, nhưng điều đó không có nghĩa là không liên quan đến nghĩa đen của từ. Nếu ta nhớ lại những trạng thái tâm hồn mà bản thân mình đã từng trải qua, ta sẽ có thể thấy rằng việc sử dụng hai khái niệm này để mô tả các trạng thái của tâm hồn là vô cùng chính xác.

Khi tâm hồn ta thực sự nhẹ nhàng, thanh thản, có khi ta cảm thấy bản thân mình cũng như tất cả mọi sự vật quanh ta đều nhẹ nhàng đến mức dường như có thể dễ dàng bay bổng lên, nhảy múa trong niềm hân hoan hay sự sảng khoái mà ta đang cảm nhận. Mỗi một hành vi, cử chỉ của ta trong lúc ấy đều có thể nhẹ nhàng, linh hoạt và được thực hiện một cách dễ dàng, như thể trọng lượng cơ thể ta đã thật sự “nhẹ” đi rất nhiều...

Ngược lại, khi tâm hồn ta chìm sâu trong sự nặng nề, trầm uất, ta cảm thấy bản thân mình cũng như mọi thứ chung quanh đều nặng nề, chậm chạp. Trong tâm trạng đó, ta cảm thấy ngay cả những cử động thông thường như nhấc tay, đưa chân... cũng đều nặng nề, khó khăn hơn, như thể là trọng lượng thân thể đã “nặng” thêm rất nhiều...

Và thực ra thì sự nặng, nhẹ của những trạng thái tâm hồn như thế đã thay nhau chi phối cuộc sống của chúng ta. Và trong một chừng mực nào đó, chúng tác động đến tình cảm, cung cách ứng xử cũng như quan điểm của ta về đời sống.

Khi tâm hồn ta nhẹ nhàng, thanh thản, ta dễ có khuynh hướng giúp đỡ, tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, kể cả những lầm lỗi của chính bản thân mình, cũng như luôn nhìn đời một cách lạc quan, tích cực.

Ngược lại, khi tâm hồn ta rơi vào trạng thái nặng nề, trầm uất, ta dễ có khuynh hướng vị kỷ, né tránh người khác, dễ cáu gắt, bực dọc và luôn cố chấp đối với những lỗi lầm của người khác cũng như của chính bản thân mình. Trong tâm trạng đó, cuộc sống quanh ta thường luôn bao phủ trong một lớp sương mù xám xịt, u ám và mang đầy màu sắc bi quan, ảm đạm.

Đến đây, có lẽ bạn đọc đã có thể dễ dàng hình dung được mối tương quan giữa những khái niệm trừu tượng của hai từ nặng, nhẹ khi được dùng để mô tả tinh thần với nghĩa đen của chúng khi được dùng để biểu thị những tính chất cụ thể của sự vật. Và câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu có thể chỉ ra được những tâm trạng nặng nề và nguyên nhân sinh khởi của chúng hay chăng?

Câu trả lời là có, và hầu như tất cả mọi người đều có thể đưa ra. Chỉ cần có một sự xem xét khách quan những diễn biến trong nội tâm cũng như một chút so sánh và suy luận là có thể thấy được ngay mối tương quan giữa những gì xảy đến cho chúng ta trong cuộc sống với những tâm trạng nặng nề mà ta phải gánh chịu.

Tuy nhiên, việc phân tích và hệ thống được tất cả các nguyên nhân làm cho tâm hồn ta trở nên nặng nề lại không phải là chuyện dễ dàng, bởi tính chất phức tạp và đa dạng của vấn đề. Mặc dù vậy, với trí tuệ siêu việt của mình, cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Phật đã từng làm điều đó và đưa ra những lời dạy rất cụ thể về các nguyên nhân này.

Trong rất nhiều kinh điển, Phật dạy rằng có năm nhóm nguyên nhân làm cho tâm hồn ta u ám, nặng nề, mất đi sự sáng suốt. Và vì chúng che mờ đi sự sáng suốt của tâm trí, nên được gọi chung là ngũ cái. Chữ cái có nghĩa là ngăn che, làm khuất lấp, nên ngũ cái tức là năm sự ngăn che, làm khuất lấp. Và làm khuất lấp ở đây được hiểu là làm khuất lấp đi sự sáng suốt của tâm hồn.

Nhóm nguyên nhân thứ nhất được kể ra ở đây là sự tham lam. Khi trong lòng ta ôm ấp sự thèm muốn, khao khát về một đối tượng nào đó, sự khao khát làm cho tâm hồn ta luôn ở trong một trạng thái không thanh thản. Sức mạnh của lòng tham lam buộc ta phải luôn hướng về đối tượng, chìm đắm trong những ý tưởng – nhiều khi là vô nghĩa – về đối tượng đó, và trí óc thì không ngừng hoạt động để tìm ra phương cách chiếm hữu, đạt được đối tượng.

Bởi vì có vô số đối tượng của lòng tham, nên cũng có vô số các trường hợp khác nhau, với những mức độ chi phối khác nhau đến tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, khuynh hướng chung là sự tham lam luôn làm cho tâm hồn ta trở nên nặng nề, mất đi sự sáng suốt và không một lúc nào được nghỉ ngơi thanh thản. Vì thế, người ta thường so sánh tác hại của lòng tham lam như một ngọn lửa vô hình, thiêu đốt tâm hồn chúng ta ngay từ lúc bắt đầu sinh khởi, và sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi nào ta có thể nhận ra và diệt trừ được nó.

Nói chung, lòng tham lam ở mức độ nhỏ nhoi, tầm thường sẽ gây ra những tác hại nhỏ nhoi, tầm thường. Chẳng hạn như khi ta mong muốn có được một đôi dép mới, một cái cà-vạt hay một chiếc nón hợp thời trang... Có thể bạn thấy ngại khi dùng cụm từ “lòng tham” trong những trường hợp này, bởi có vẻ như đây là những sự việc quá nhỏ nhoi, tầm thường, và bạn khó lòng nhận ra được cái gọi là “tác hại” của chúng. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ bạn sẽ thấy rằng sự mong muốn đó của bạn quả thật không phải gì khác hơn là một mức độ thấp của lòng tham lam, và do đó mà không thể không có những tác hại nhất định cho tâm hồn bạn. Những tác hại ấy được biểu hiện ở việc chúng chiếm chỗ thường xuyên trong ý nghĩ của bạn, thôi thúc bạn hành động theo hướng để đạt được sự mong muốn đó, và cuối cùng, nếu như một hoàn cảnh không thuận lợi nào đó xảy ra làm cho bạn không thể thỏa mãn sự mong muốn – dù là nhỏ nhoi – đó, bạn sẽ thấy trong lòng không vui, thậm chí có thể là bực dọc.

Mặt khác, giá trị vật chất của đối tượng đôi khi cũng không phải là yếu tố duy nhất quyết định lòng tham lam của bạn là “lớn” hay “nhỏ”. Đôi khi người ta có thể theo đuổi những sự vật rất tầm thường với một niềm khao khát mãnh liệt, và đôi khi sự mong muốn đối với những giá trị vật chất lớn lao lại cũng có thể chỉ ở mức bình thường. Vì thế, tác hại của lòng tham đến mức độ nào là do nơi cường độ của nó trong tâm hồn chúng ta, chứ không thể đánh giá qua giá trị vật chất của đối tượng được theo đuổi.

Một giải thưởng văn chương với trị giá chỉ bằng một vài tháng lương, nhưng có thể là mục tiêu theo đuổi của bạn trong nhiều năm. Bởi vì kèm theo cái giá trị vật chất nhỏ nhoi đó lại là một danh vọng lớn lao mà bạn khao khát, và bạn luôn nghĩ rằng những nỗ lực, cố gắng của bản thân có thể giúp bạn đạt được điều đó. Mỗi khi giải thưởng được công bố và bạn không có tên trong danh sách đoạt giải, một nỗi buồn lớn lao có thể xâm chiếm tâm hồn bạn suốt nhiều ngày sau đó.

Ngược lại, sự mong muốn đối với một giải trúng khuyến mãi hàng trăm triệu đồng khi bạn mua một món hàng lại là rất nhỏ nhoi, và bạn có thể dễ dàng quên đi ngay sau khi mở gói hàng và thấy rằng mình là người không trúng giải...

Có thể nói tóm lại một điều là, lòng tham lam là một trong các nguyên nhân gây khổ não cho tâm hồn bạn. Lòng tham càng mãnh liệt thì khổ não càng lớn lao, bạn càng bị nhấn chìm vào những tâm trạng nặng nề hơn trong cuộc sống. Trong thực tế, bạn có thể nhận biết quanh mình không ít những con người đang bị lửa tham thiêu đốt và có những hành vi ứng xử hoàn toàn thiếu sáng suốt. Sự thực là những người ấy luôn sống trong những tâm trạng nặng nề, u uất và không ai có thể cứu thoát họ ra khỏi đó ngoài những nỗ lực hướng thiện của chính họ.

Nhóm nguyên nhân thứ hai làm cho tâm hồn ta trĩu nặng chính là sự sân hận. Nói theo một cách dễ hiểu hơn, đó là sự tức giận đối với những điều không vừa ý. Và ở mức độ nặng nề hơn thì sự tức giận đó trở thành sự oán hận, căm ghét đối tượng.

Vì sao chúng ta tức giận? Có vô số nguyên nhân khác nhau, nhưng có thể nói một cách khái quát nhất là vì chúng ta không được hài lòng, vì sự việc đã không diễn ra theo ý chúng ta, hoặc khi ai đó không làm đúng theo như ta mong muốn.

Như vậy, nói một cách khác thì sân hận là kết quả gây ra do sự trái ý. Nếu mọi sự việc đều diễn ra theo ý chúng ta, nếu mọi người đều làm theo đúng ý ta, ta sẽ không tức giận. Và vì không tức giận nên cũng không thể có sự oán hận hay căm ghét.

Nhưng một cuộc sống mà trong đó không có bất cứ điều gì trái ý chúng ta, không có bất cứ ai làm trái ý ta, lại là điều mà chúng ta không sao có thể hình dung ra được!

Vì thế, sự thật là hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua trạng thái tức giận ở những mức độ khác nhau. Tùy theo mức độ của sự trái ý mà chúng ta có thể nổi giận với những “cường độ” khác nhau. Và cũng giống như lửa tham, ngọn lửa sân hận cũng sẽ không ngừng thiêu đốt chúng ta ngay từ khi nó vừa sinh khởi.

Vì nguyên nhân của sân hận là sự trái ý, nên vấn đề “hợp lý” hay “bất hợp lý” thường ít khi được nhắc đến. Khi một người nổi giận, chúng ta rất hiếm khi có thể thành công trong việc thuyết phục anh ta về những gì là hợp lý hay không hợp lý trong sự nổi giận của anh ta. Điều duy nhất có thể làm được thường là phải chờ cho cơn giận qua đi, trước khi anh ta có thể chấp nhận lắng nghe người khác hoặc tự mình nhận ra những sai trái.

Một học sinh tốt nghiệp phổ thông và chọn thi vào ngành y, không có gì sai trái và không thể bị buộc tội vì quyết định của mình. Nhưng quyết định đó của em lại có thể là nguyên nhân gây ra cơn giận khủng khiếp ở người cha, chỉ vì từ lâu ông ta luôn mong muốn rằng em sẽ học để trở thành một thầy giáo! Người cha có thể hoàn toàn vô lý trong việc này, nhưng sự vô lý đó sẽ không bao giờ có thể được nhận ra khi ông ta đang giận! Và sự thật là khi sự trái ý của đứa con làm cho ông ta nổi giận, thì đối với ông ta, việc nổi giận đó lại chính là phản ứng “hợp lý” nhất. Khi một đứa con làm trái ý mình, nếu người cha không nổi giận, đó mới là chuyện hoàn toàn “vô lý”!

Vì chúng ta thường xuyên gặp phải những điều trái ý trong cuộc sống, nên khả năng “nổi giận” là rất thường gặp. Nếu mức độ “trái ý” là nhỏ nhặt, chúng ta thường chỉ khởi lên sự bực tức hay khó chịu ở mức độ khó nhận ra. Tuy nhiên, vì những bực tức hay khó chịu này là hoàn toàn có thật, nên chúng vẫn gây ra cho tâm hồn ta những tác hại nhất định. Điều này dễ dàng nhận ra nhất là khi chúng được tích lũy lại ở một mức độ “đậm đặc” đủ để làm thay đổi tâm trạng của chúng ta. Bạn đã từng trải qua một trường hợp tương tự như vậy hay chưa? Đó là khi mà trong cùng một ngày bạn liên tiếp gặp phải những chuyện “trái ý” nhỏ nhặt. Mỗi sự việc ấy không đủ để làm cho bạn nổi giận, nhưng vì có quá nhiều sự việc như thế, nên sự bực tức của bạn sẽ tích lũy và dồn nén lại cho đến khi bộc phát ra – có thể là vào cuối ngày – bởi một nguyên nhân cuối cùng nào đó. Vì thế, nếu chỉ xét riêng nguyên nhân cuối cùng này, chúng ta sẽ thấy rằng “cơn giận” ấy là hoàn toàn vô lý.

Nói tóm lại, lòng sân hận là nguyên nhân thứ hai trong các nhóm nguyên nhân gây ra trạng thái nặng nề, trầm uất cho tâm hồn chúng ta. Với mức độ nặng nề, những cơn giận có thể đốt cháy hoàn toàn mọi khả năng phán xét của lý trí cũng như sự nhẹ nhàng thanh thản của tâm hồn. Vì thế, chúng góp phần trong việc giam hãm, trói buộc tâm hồn chúng ta, và chính bằng cách này, chúng tạo ra những tâm trạng nặng nề, trầm uất.

Nhóm nguyên nhân thứ ba được đề cập đến ở đây là trạng thái mê ngủ hay mỏi mệt của cơ thể. Bởi vì mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác là không phủ nhận được, nên một khi thể xác rơi vào tình trạng nặng nề, uể oải thì tất yếu tinh thần cũng sẽ nặng nề, trầm uất. Ngược lại, một thân thể khỏe mạnh, linh hoạt chắc chắn dễ dàng hơn trong việc tạo ra một trạng thái sảng khoái, hưng phấn cho tâm hồn.

Vấn đề cần nói thêm ở đây là, chúng ta rơi vào trạng thái mê ngủ hay mỏi mệt không phải bao giờ cũng do sự hoạt động quá sức của cơ thể. Những trường hợp thiếu sự nghỉ ngơi thỏa đáng để dẫn đến trạng thái này chỉ là tạm thời, vì bạn sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn ngay sau khi được nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nguy hiểm hơn, trạng thái mê ngủ hoặc uể oải, kém năng động lại là dấu hiệu của sự lười nhác, ít hoạt động. Và đây mới chính là điều mà chúng ta cần quan tâm phân tích.

Nếu bạn sống một nếp sống thụ động, không có những mục tiêu phấn đấu cụ thể để vươn tới, và thiếu một sự rèn luyện nghiêm túc về tinh thần cũng như thể lực, bạn sẽ có rất nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng vừa nói trên. Trong trường hợp đó, bạn sẽ thường xuyên bị cảm giác mệt mỏi, uể oải chi phối, lúc nào cũng muốn rơi vào giấc ngủ, ngay cả khi bạn không làm gì quá sức và cũng đã được ngủ nghỉ rất nhiều. Một con người như thế sẽ sống trong tâm trạng nặng nề, trầm uất gần như thường xuyên, và sự nghỉ ngơi không bao giờ có thể là giải pháp để cứu họ ra khỏi trạng thái ấy!

Ngược lại, giải pháp cho vấn đề phải là một sự nỗ lực thay đổi nếp sống. Chúng ta cần có những mục tiêu phấn đấu cụ thể trong cuộc sống để kích thích năng lực làm việc, và cần hoạt động trí óc nhiều hơn để vượt qua chứng bệnh “mê ngủ” đang mắc phải.

Nói tóm lại, trạng thái mê ngủ hay mệt mỏi, uể oải là nhóm nguyên nhân thứ ba gây ra sự nặng nề, trầm uất cho tâm hồn chúng ta. Trạng thái này có thể là tạm thời, do sự làm việc quá sức và thiếu nghỉ ngơi, nhưng cũng có thể là một kiểu “bệnh tật” do nếp sống không lành mạnh mang lại. Dù là trong trường hợp nào, thì việc ngăn không để thể xác rơi vào sự mê ngủ và mệt mỏi, uể oải cũng đều sẽ giúp chúng ta tránh được sự nặng nề, trầm uất cho tâm hồn.

Nhóm nguyên nhân thứ tư là tâm trạng bất an và hối tiếc. Chúng ta thường rơi vào những tâm trạng như thế này sau khi thực hiện một sự việc nào đó và rồi không hài lòng với sự việc ấy. Hai tâm trạng bất an và hối tiếc thường xuất hiện đồng thời, bởi vì khi chúng ta không hài lòng với cách thực hiện công việc của chính mình thì kèm theo đó chúng ta cũng sẽ có sự lo lắng về một kết quả không hay mà việc làm đó rất có thể mang đến.

Một ví dụ cụ thể sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn vấn đề này. Chẳng hạn như, trong một lúc bực tức bạn đã quá lời xúc phạm cấp trên của mình. Sau đó, bạn suy nghĩ lại và nhận ra được sai lầm, vì thế mà bạn cảm thấy hối tiếc về việc đã làm. Nhưng cũng đồng thời với sự hối tiếc này, bạn sẽ nảy sinh một tâm trạng bất an khi nghĩ đến những hậu quả có thể có do việc làm sai trái đó. Cả hai tâm trạng này – sự hối tiếc và bất an – sẽ kết hợp với nhau để cùng lúc gây tác hại, nhấn chìm bạn vào một trạng thái tâm hồn nặng nề, trầm uất.

Nhóm nguyên nhân cuối cùng được đề cập đến ở đây là tâm trạng nghi ngờ, phân vân không quyết định. Đó là khi bạn phải đối mặt với hai hay nhiều khả năng chọn lựa và không đủ phán đoán để đưa ra một quyết định dứt khoát. Vì tâm trí bị giằng co giữa hai hay nhiều chiều hướng khác nhau nên bạn không thể có được sự thanh thản, nhẹ nhàng, mà ngược lại sẽ rơi vào trạng thái nặng nề, trầm uất.

Sự nghi ngờ thường phát sinh khi bạn không có đủ hiểu biết hoặc niềm tin vào đối tượng. Nhưng mặt khác, đây cũng là một biểu hiện của thói quen do dự, thiếu tự quyết, thường xuyên ỷ lại vào người khác.

Nếu như sự cân nhắc nhiều khả năng khác nhau của vấn đề trước khi đi đến quyết định cuối cùng là điều rất cần thiết để hạn chế sai lầm, thì sự do dự không quyết định vào đúng thời điểm cần thiết lại là một trong các nguyên nhân dẫn đến thất bại. Hơn thế nữa, nếu điều này đã lặp lại nhiều lần đủ để hình thành một thói quen nơi bạn, nó sẽ trở thành một trong những nguyên nhân làm cho tâm hồn bạn trĩu nặng, rơi vào những trạng thái thiếu sáng suốt, nặng nề, trầm uất.

Năm nhóm nguyên nhân vừa kể trên có thể nói là bao quát hết thảy những nguyên nhân gây ra tâm trạng nặng nề cho tâm hồn chúng ta. Nếu có thể trừ bỏ được hết thảy các nguyên nhân này, điều tất nhiên là chúng ta sẽ có được một tâm hồn luôn nhẹ nhàng, thanh thản và sáng suốt. Vì thế, sự sáng suốt của tâm hồn chúng ta thực ra không phải là yếu tố có được từ bên ngoài, mà chỉ cần loại trừ được tất cả những yếu tố ngăn che, bao phủ thì sự sáng suốt ấy sẽ tự nhiên hiển lộ.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giai nhân và Hòa thượng


Vào thiền


Báo đáp công ơn cha mẹ


Tổng quan về Nghiệp

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.251.204 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...