Khi chúng ta cần tiếp xúc, học hỏi một công việc mới, thường thì ta phải
mất một thời gian mới có thể nắm vững và thực hiện nhuần nhuyễn công
việc ấy.
Thời gian học hỏi và làm quen đó kéo dài bao lâu là tùy thuộc rất nhiều
vào phương thức tiếp cận của chúng ta.
Nếu chúng ta chỉ hoàn toàn dựa vào sự rập khuôn theo những người đi
trước, chúng ta sẽ có thể thấy là công việc đó đầy sự buồn tẻ, phức tạp
hoặc thậm chí rất khó khăn. Do đó, điều tất yếu là ta phải mất một thời
gian khá lâu để có thể nắm vững mọi vấn đề liên quan và tự mình thực
hiện công việc một cách tốt đẹp.
Tuy nhiên, nếu trước khi bắt tay vào thực hiện công việc, chúng ta chấp
nhận bỏ ra một khoảng thời gian nhất định để nghiền ngẫm, nắm vững các
nguyên tắc và yêu cầu của công việc cũng như các yếu tố liên quan, thì
ngay sau đó chúng ta sẽ có thể nhanh chóng thích nghi và nắm vững được
công việc trong một thời gian ngắn nhất. Do đó, ta sẽ có thể tự mình
thực hiện công việc một cách hiệu quả mà không cần phải dựa vào ai khác.
Điều này vừa mang tính nguyên tắc, vừa là một kinh nghiệm quý báu được
truyền lại từ những người đi trước. Nói là nguyên tắc, bởi vì bạn có thể
dễ dàng dùng khả năng suy luận để thấy được tính hợp lý của nó. Nói là
kinh nghiệm, bởi vì bất cứ ai đã từng trải qua đều có thể xác quyết với
bạn về tính đúng đắn của nó.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn hãy thử tiếp xúc và tìm hiểu về một số
người học đàn guitar. Thực tế cho thấy là bạn sẽ gặp hai nhóm người học
đàn theo hai cách khác nhau.
Nhóm thứ nhất quan sát người khác chơi đàn và bắt chước theo các động
tác, từ cách cầm đàn, khảy đàn cho đến bấm phím đàn... Đồng thời, họ
cũng học thuộc lòng từng đoạn nhạc và luyện tập. Bằng cách đó, càng ngày
họ càng chơi được nhiều đoạn nhạc hơn, khả năng cảm thụ âm nhạc cũng
tăng dần, cho đến lúc họ có thể nghe và lặp lại nhiều đoạn nhạc.
Nhóm thứ hai tiếp cận với loại nhạc cụ này sau một thời gian tìm hiểu
học hỏi về các nguyên lý âm nhạc cũng như cấu trúc phím đàn và phương
pháp ký âm. Vì thế, họ hiểu rõ nguyên tắc tăng giảm của các cao độ khác
nhau trên phím đàn như thế nào, cũng như có thể đọc hiểu được sự thể
hiện của chúng trên giấy bằng các ký hiệu âm nhạc. Do đã nắm vững các
vấn đề về lý thuyết, nên khi bắt đầu sử dụng đàn guitar, họ không thấy
khó khăn trong việc nắm hiểu các chỉ dẫn của người dạy đàn, cũng như có
thể ghi nhớ và thực hiện những chỉ dẫn ấy một cách dễ dàng hơn. Hơn thế
nữa, chỉ ngay sau khi thông thạo cách sử dụng đàn, họ đã có thể nhìn vào
dòng nhạc để chơi bất cứ đoạn nhạc nào, ngay cả khi chưa từng nghe qua
đoạn nhạc ấy. Và đến một giai đoạn sau đó, họ sẽ có thể tự viết ra được
những dòng nhạc theo ý mình để thể hiện.
Cho dù kết quả cuối cùng có vẻ như giống nhau, là những người học đàn
đều có thể chơi đàn ngày càng thành thạo, điêu luyện hơn. Tuy nhiên,
những người thuộc nhóm thứ hai bao giờ cũng cảm thấy thoải mái hơn trong
suốt quá trình học hỏi, bởi vì họ luôn tự mình hiểu được những gì đang
làm mà không phải phụ thuộc vào sự bắt chước người khác. Hơn thế nữa,
chỉ có họ mới là những người có thể nảy sinh được cảm hứng sáng tạo ngay
trong khi học, bởi vì họ nắm vững được nguyên tắc để vận dụng các nốt
nhạc, trong khi những người thuộc nhóm thứ nhất không làm được điều đó,
đơn giản chỉ là vì họ chưa từng được học.
Nếu bạn quan sát những trường hợp khác trong cuộc sống, bất cứ khi nào
có nhu cầu học hỏi một công việc mới, bạn đều có thể dễ dàng nhận ra hai
phương thức tiếp cận khác nhau như trên. Khi cần sử dụng một phần mềm
mới trên máy tính chẳng hạn, bạn sẽ học hỏi rất nhanh nếu nắm vững được
các nguyên tắc hoạt động của phần mềm ấy. Ngược lại, nếu bạn chỉ học hỏi
bằng cách lặp lại đúng theo những gì được chỉ dẫn, bạn sẽ phải mất một
thời gian rất lâu mới có thể sử dụng được phần mềm ấy tương đối thành
thạo.
Và điều thú vị mà ít người nhận ra là cuộc sống này của chúng ta cũng là
một công việc lớn mà mỗi người phải mất rất nhiều thời gian để có thể
học hiểu và thực hiện tốt, có nghĩa là sống tốt. Kinh sách Phật giáo
thường gọi công việc lớn của một đời người này là đại sự. Và tất cả mọi
sự giáo huấn, giảng dạy đều không đi ngoài mục đích giúp cho mỗi người
thực hiện tốt hơn cái đại sự của đời mình, hay nói cách khác là giúp cho
mỗi người đều có thể sống tốt hơn.
Mỗi chúng ta đều mong muốn vươn lên hoàn thiện chính mình trong cuộc
sống. Công việc đó sẽ vô cùng khó khăn và vất vả nếu như ta không hiểu
được những nguyên tắc thực hiện. Ngược lại, chúng ta sẽ thoải mái hơn
nhiều, và do đó tất nhiên cũng thực hiện đại sự của mình một cách tốt
đẹp và hiệu quả hơn, nếu chúng ta nắm hiểu được những nguyên tắc chi
phối công việc của mình.
Một trong những vấn đề mà tôi muốn đề cập đến ở đây là việc “làm lành,
lánh dữ”. Có lẽ không ai trong chúng ta phản đối một quan điểm chung về
sự đồng nhất trong một chừng mực nào đó giữa người tốt với người làm
lành, và giữa người xấu với người làm ác. Có thể còn có đôi chút khác
biệt khi bàn đến “điều lành, điều dữ”, nhưng thường thì những khác biệt
như thế không lớn lắm ở các nền văn hóa hay tín ngưỡng khác nhau của
toàn nhân loại. Bởi vì có rất nhiều điều được con người nhìn nhận giống
nhau ở khắp mọi nơi trên hành tinh này. Chẳng hạn, mọi người đều dễ dàng
đồng ý với nhau rằng những hành vi như nói dối, trộm cắp, sát hại sinh
mạng... đều là những điều xấu ác; và những ai biết giúp đỡ người khác,
biết tha thứ, cảm thông, nhẫn nhịn... đều được xem là những người tốt.
Vấn đề ở đây là, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều muốn làm người tốt,
mà thực tế thì vẫn tồn tại không ít những hành vi xấu ác. Và cuộc đấu
tranh giữa thiện với ác, giữa tốt với xấu bao giờ cũng là cuộc đấu tranh
gay gắt nhất trong chính nội tâm của mỗi con người!
Chúng ta đều biết nói dối là điều xấu, nhưng thỉnh thoảng ta vẫn nói
dối. Đó là sự thật! Chúng ta đều biết tham lam là xấu, nhưng thỉnh
thoảng ta vẫn tham lam. Đó cũng là sự thật! Mỗi lần ta phạm vào một điều
xấu, ta đều có thể tự biết được sự lầm lỗi của mình. Nhưng sự thật là
những lầm lỗi như thế xảy ra hầu như ở tất cả mọi người. Thi sĩ người
Anh Alexander Pope (1688-1744) trong tác phẩm nổi tiếng của ông “An
Essay on Criticism” (1711) đã viết: “To err is human, to forgive
divine.” (Lầm lỗi là bản chất của con người, và biết tha thứ là thánh
thiện.)
Vì thế, công việc một đời của mỗi chúng ta xét cho cùng thì không gì
khác hơn là loại bỏ dần những lầm lỗi của bản thân cũng như học cách tha
thứ những lỗi lầm của người khác. Được như thế, cho dù chưa thể trở
thành một bậc thánh nhân, chúng ta cũng đã có thể tự hào về những nỗ lực
vươn lên hoàn thiện của chính bản thân mình!
Nhưng vấn đề “làm lành, lánh dữ”, như đã nói, cũng có nguyên tắc của nó.
Khi bạn đối mặt với một sự việc nào đó và nhận xét: “Đây là việc xấu, ta
không nên làm”, hoặc: “Đây là việc tốt, ta nên làm”.v.v... thì có vẻ như
đó là một phương cách cụ thể và tích cực để giúp bạn lánh dữ, làm lành.
Nhưng sự thật là không bao lâu bạn sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và chán
nản, bởi vì phải liên tục đưa ra những phán đoán đại loại như thế và
đồng thời cần đến rất nhiều nỗ lực để có thể “làm” hoặc “không làm”...
Ngược lại, nếu bạn hiểu được rằng tất cả chúng ta đều có khuynh hướng
thực hiện những việc xấu ác trong trạng thái tinh thần nặng nề, trầm
uất, và ngược lại, bao giờ cũng muốn thực hiện những việc tốt đẹp trong
trạng thái tinh thần nhẹ nhàng, thanh thản, thì sự làm lành, lánh dữ của
bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Bạn có thể tự kiểm chứng nguyên tắc này nơi chính bản thân mình, đồng
thời cũng có thể quan sát những người quanh bạn để thấy rõ là nguyên tắc
này hoạt động như thế nào.
Khi một cặp vợ chồng cãi vã nhau và chén bát, ly tách trong nhà bay tứ
tung, đổ vỡ ngổn ngang... không ai có thể cho đó là việc tốt. Và sự việc
không tốt ấy lại là hoàn toàn bình thường, vì nó luôn diễn ra theo chiều
hướng như thế trước mắt chúng ta. Nguyên nhân khởi đầu từ đâu? Chính là
trong tâm trạng nặng nề gây ra bởi sự sân hận – như chúng ta vừa đề cập
ở phần trước – mà sự việc không tốt này được thực hiện. Bạn sẽ không thể
hình dung được rằng một người chồng có khả năng kiềm chế hoặc hóa giải
cơn giận của mình mà vẫn thực hiện sự việc đập phá vô lý như thế! Đơn
giản chỉ là vì tâm trạng của anh ta quyết định hành vi mà anh ta sẽ làm.
Tương tự, nếu bạn cần đến sự giúp đỡ của cấp trên, chẳng hạn như một kỳ
nghỉ phép hoặc một đề nghị tăng lương... đừng bao giờ dại dột đưa ra đề
xuất của mình vào lúc mà thủ trưởng đang có vẻ mặt cau có. Ngược lại,
nếu bạn có thể chọn lúc thủ trưởng đang ở trong một trạng thái tinh thần
hân hoan, phấn khởi, thì đề nghị của bạn sẽ có nhiều cơ may được chấp
thuận hơn.
Cũng có thể là bạn chưa bao giờ lưu ý đến những điều tôi vừa nói, nhưng
thực tế vẫn luôn diễn ra như thế. Khi chúng ta có một tâm trạng nhẹ
nhàng, thanh thản, chúng ta luôn có khuynh hướng muốn làm tất cả những
điều tốt đẹp, chẳng hạn như giúp đỡ người khác, tha thứ cho mọi lỗi lầm,
nhẫn nhịn mọi sự xúc phạm... Ngược lại, trong một tâm trạng nặng nề,
trầm uất, chúng ta luôn có khuynh hướng thực hiện mọi điều xấu ác, gây
xúc phạm hay tác hại đến người khác, chẳng hạn như đập phá, trừng phạt,
trả thù, chỉ trích, nguyền rủa...
Và bởi vì tâm trạng bao giờ cũng quyết định việc làm của chúng ta, nên
thay vì chú ý đến việc thiện và việc ác, bạn nên chú ý nhiều hơn đến tâm
thiện và tâm ác.
Tâm thiện chính là tâm trạng sáng suốt, nhẹ nhàng, thanh thản, loại bỏ
được hoàn toàn sự chi phối bởi các nhóm nguyên nhân như tham lam, sân
hận, sự mê ngủ và mệt mỏi, bất an và hối tiếc, nghi ngờ. Vì sao có thể
nói như vậy? Bởi vì trong một tâm trạng sáng suốt như thế, chúng ta luôn
có khuynh hướng làm điều thiện, cảm nhận được niềm vui của việc làm điều
thiện, và do đó mà xét cho cùng thì đó chính là nguồn gốc khởi đầu của
mọi điều thiện. Khi đã có tâm thiện, chúng ta thực hiện mọi điều thiện
theo một khuynh hướng tự nhiên, theo một sự thôi thúc từ tự tâm, và do
đó mà không cảm thấy việc làm của mình là khó khăn hay mệt mỏi. Nếu
chúng ta tự mình chưa có được tâm thiện, thì việc làm điều thiện nếu có
cũng chỉ là những nỗ lực gượng ép, dễ gây ra sự chán nản và mệt mỏi.
Mặt khác, chính tâm thiện mới quyết định những lợi ích về mặt tinh thần
mà bạn có được trong việc làm điều thiện. Vì thế, khi bạn nuôi dưỡng tâm
thiện, cho dù không gặp những điều kiện để làm nhiều việc thiện, thì
điều đó cũng không ngăn cản bạn có được những niềm vui thanh thản, nhẹ
nhàng luôn tràn ngập trong tâm hồn. Ngược lại, khi không hiểu được điều
này, bạn có thể ngày nào cũng bắt tay làm rất nhiều việc thiện, nhưng
phần lợi ích tinh thần lại vô cùng hạn chế. Điều đó chỉ đơn giản là vì
khi bạn không có được tâm thiện thì những niềm vui thanh thản, nhẹ nhàng
có được do việc làm điều thiện sẽ không có lối nào để đi vào tâm hồn của
bạn, vốn đang bị ngăn che, bao phủ bởi các nhóm nguyên nhân như tham
lam, sân hận... Cũng tương tự như một ly nước đầy sẽ không thể nhận thêm
giọt nước nào nữa cả!
Nuôi dưỡng tâm thiện trước khi thực hiện mọi việc thiện, đó là bạn nắm
hiểu được nguyên tắc để thực hiện công việc một đời của mình dễ dàng và
hiệu quả hơn. Vì sao có thể nói như vậy? Bởi vì ngay khi bạn bắt đầu làm
một điều thiện, dù là nhỏ nhặt, thì điều thiện ấy sẽ có tác dụng nuôi
lớn thêm tâm thiện của bạn. Và tâm thiện được nuôi lớn thêm sẽ càng tạo
điều kiện cho bạn thực hiện những việc thiện tiếp theo sau đó một cách
dễ dàng và thoải mái hơn, không có bất cứ sự ngăn ngại nào trong tâm
hồn. Ở đây, mối tương quan thuận chiều giữa tâm thiện và việc làm điều
thiện sẽ phát triển theo cấp số nhân, ngày càng mạnh mẽ, vững chắc hơn.
Không ít người làm điều thiện nhưng lại chưa thực sự nuôi dưỡng được tâm
thiện. Điều đó không phải là không có lợi. Họ vẫn nhận được những lợi
ích nhất định từ việc làm điều thiện của mình. Tuy nhiên, cũng giống như
người học một công việc mà không nắm được nguyên tắc của công việc ấy,
họ sẽ phải mò mẫm, chậm chạp trong công việc. Việc làm thiện khi ấy là
đi ngược với khuynh hướng của một tâm thức còn bị ngăn che bởi tham lam,
sân hận... nên tất yếu sẽ làm cho họ cảm thấy khó khăn, mỏi mệt. Do đó,
khuynh hướng thối lui là điều rất dễ xảy ra.
Mặt khác, khi không nuôi dưỡng được tâm thiện thì điều đó cũng đồng
nghĩa với một tâm bất thiện, hay tâm ác. Bởi vì, như đã nói, một tâm
trạng nặng nề, trầm uất bao giờ cũng là mảnh đất màu mỡ cho sự phát
triển của mọi điều ác. Trong khi việc làm điều thiện đối với những người
này là khó khăn, mỏi mệt, thì việc rơi vào những điều xấu ác lại rất dễ
dàng, thuận lợi. Và mỗi khi thực hiện một điều xấu ác, tâm bất thiện lại
càng được nuôi lớn thêm, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc rơi vào
những điều xấu ác nặng nề hơn tiếp theo sau đó.
Nói tóm lại, việc nuôi dưỡng tâm thiện là sự khởi đầu khôn ngoan nhất
khi bạn muốn hoàn thiện tâm hồn để có một đời sống tinh thần tốt đẹp
hơn. Và để nuôi dưỡng tâm thiện thì không cần phải làm gì khác hơn là
loại trừ tất cả các nhóm nguyên nhân ngăn che, bao phủ sự sáng suốt của
tâm hồn như tham lam, sân hận... Khi các nguyên nhân ấy đã bị loại trừ,
tâm hồn bạn sẽ tự nhiên trở nên nhẹ nhàng, thanh thản và sáng suốt. Khi
ấy, mọi điều thiện đều sẽ sẵn sàng để được thực hiện, và mọi điều ác đều
không thể xen vào trong tâm hồn của bạn.