Niềm vui trong công việc trước tiên đòi hỏi sự hài lòng với công việc
đang làm. Khi bạn phải làm một công việc không hợp với khả năng, chẳng
hạn như một công việc quá dễ dàng so với năng lực của bạn, tất nhiên bạn
có thể không hài lòng và sẽ mong muốn, thậm chí có quyền đề nghị, đòi
hỏi một công việc ở cấp độ cao hơn, với phạm vi trách nhiệm và quyền hạn
lớn hơn, cũng như mức lương cao hơn. Nếu nhận thức của bạn là hoàn toàn
chính xác, yêu cầu của bạn sẽ là chính đáng và cần được đáp ứng, vì chỉ
như thế bạn mới có thể phát huy được hết khả năng đóng góp của mình.
Thật không may là trong rất nhiều trường hợp bản thân chúng ta thường
không tự đưa ra được những nhận xét khách quan về chính mình. Trong khi
chúng ta nghĩ rằng năng lực của mình có thể đáp ứng những yêu cầu công
việc cao hơn thì thực tế khách quan hoặc sự đánh giá của người khác lại
hoàn toàn không phải như vậy. Trong những trường hợp này, tất nhiên là
yêu cầu của chúng ta sẽ không được đáp ứng, và chúng ta sẽ tự làm khổ
mình nếu như vẫn tiếp tục không hài lòng với công việc đang làm.
Không chỉ là vấn đề năng lực, chúng ta còn rất thường sai lầm khi tự
đánh giá bản thân về nhiều khía cạnh khác nữa, nhất là về những ưu
khuyết điểm trong công việc. Và một khi đã sai lầm trong việc tự đánh
giá bản thân, chúng ta lại rất thường tiếp tục sai lầm khi không thể
lắng nghe và chấp nhận những nhận xét, đánh giá khách quan của người
khác. Và hệ quả tất yếu của những sai lầm này là chúng ta sẽ không bao
giờ có thể hoàn thiện và phát triển năng lực thật có của mình.
Tự biết mình có nghĩa là luôn hiểu đúng về bản thân, biết rõ về những ưu
khuyết điểm của chính mình. Điều này nghe ra có vẻ như đơn giản, nhưng
thật sự lại không dễ dàng chút nào. Trừ khi chúng ta có được một quyết
tâm cao trong việc học hỏi và rèn luyện bản thân, bằng không thì chúng
ta rất khó đạt được đến chỗ tự hiểu biết chính mình.
Tự biết mình là điều kiện tất yếu đầu tiên để chúng ta có thể chọn lựa
được một công việc thích hợp cho bản thân, và cũng là điều kiện tất yếu
để chúng ta có thể đạt được sự hài lòng trong công việc. Rất nhiều người
trong chúng ta phải trải qua những năm tháng dài không có niềm vui trong
công việc chỉ vì đã không thực sự hiểu được năng lực của chính bản thân
mình. Hoặc là chúng ta nuôi ảo vọng về một công việc vượt ngoài khả
năng, hoặc là chúng ta bám víu vào một công việc vốn không thể phát huy
hết năng lực của bản thân mình.
Tự biết mình sẽ giúp chúng ta nhanh chóng sửa chữa được những sai lầm,
nhưng chúng ta không thể tự biết mình nếu không biết lắng nghe người
khác. Nhờ biết lắng nghe và chấp nhận những nhận xét, đánh giá khách
quan từ người khác, chúng ta mới có thể biết được cần phải thay đổi
những gì trong phương thức làm việc hoặc trong cung cách ứng xử. Vì thế,
biết lắng nghe người khác là điều kiện quan trọng giúp chúng ta có thể
hiểu được rõ hơn về chính bản thân mình.
Rất nhiều người không hiểu được rằng việc tự biết mình là rất khó khăn
và quan trọng. Sự thật là chúng ta không bao giờ có thể trong một sớm
một chiều đạt đến chỗ hiểu rõ về chính mình. Tuy mới nghe có vẻ như một
điều bất hợp lý, nhưng quả thật để hiểu rõ về chính mình bao giờ cũng là
một công việc vô cùng khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian học hỏi cũng
như rèn luyện. Nhưng một khi đã hiểu rõ về chính mình, chúng ta sẽ luôn
có được sự tự tin cần thiết trong công việc, cũng như có thể nhanh chóng
cải thiện công việc đang làm ngày càng tốt đẹp hơn.
Mỗi người chúng ta sinh ra vốn đã không toàn hảo. Năng lực, tri thức
cũng như kinh nghiệm cá nhân của chúng ta về bất cứ vấn đề gì cũng đều
có những giới hạn nhất định. Điều không may là chúng ta rất hiếm khi tự
xác định được những giới hạn của chính mình. Vì thế, chúng ta cần đến
những hoàn cảnh khách quan để bộc lộ những giới hạn đó, cũng như cần đến
sự nhận xét, đánh giá của người khác để xác định được những điểm yếu kém
của chính mình.
Nhưng không phải ai cũng có thể nhận ra được những giới hạn của bản thân
mình qua sự bộc lộ trước hoàn cảnh khách quan hoặc nhờ vào những nhận
xét, đánh giá của người khác. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải tự
rèn luyện cho mình một thái độ cởi mở trong giao tiếp, sẵn sàng lắng
nghe ý kiến của người khác, ngay cả khi đó là những ý kiến chỉ trích
hoặc phê phán. Hơn thế nữa, chúng ta còn cần phải có một nhận thức đúng
về sự khiếm khuyết tất yếu phải có của bản thân, cũng như sự khao khát
vươn lên phát triển và hoàn thiện khả năng của chính mình trong mọi hoàn
cảnh.
Chúng ta thường rơi vào chỗ sai lầm khi tưởng rằng mình đã hiểu đúng
được khả năng của chính mình. Thật ra điều đó chỉ có thể có được qua sự
cọ xát với những môi trường làm việc và thử thách khác nhau, kết hợp với
một thái độ nhận thức khách quan và sẵn sàng tiếp thu sự phê phán, đánh
giá của người khác. Vì thế, một khi bạn nghĩ rằng đã có thể tự đánh giá
đúng về bản thân mình, bạn cần nên xác nhận lại điều đó qua sự đánh giá
của người khác, nhất là những người đang cùng làm việc với bạn mỗi ngày.
Tự hiểu biết về chính bản thân mình không chỉ là một phẩm chất cần có để
phát triển năng lực, mà còn là điều kiện tất yếu để giúp bạn có được sự
hài lòng trong công việc. Khi chúng ta không đánh giá đúng về năng lực
thật có của mình, điều tất yếu là chúng ta sẽ luôn thất vọng trước sự
đánh giá của người khác, đặc biệt là sự đánh giá của cấp trên mình trong
công việc. Sự thất vọng thường xuyên như thế chắc chắn sẽ đốt cháy niềm
vui của chúng ta trong công việc, khiến cho chúng ta luôn cảm thấy bực
dọc và không thỏa mãn trong môi trường làm việc. Trong những trường hợp
đó, ngay cả khi nhận được những điều kiện ưu đãi nhất chúng ta cũng vẫn
không có được sự hài lòng! Và vì thế, những giọt mồ hôi của chúng ta sẽ
chẳng bao giờ được nhỏ xuống trong một tâm trạng thanh thản và vui sống.