Tất cả chúng ta đều phải làm việc. Tuy nhiên, mỗi người có thể nghĩ về
mục đích của công việc theo một cách khác nhau, và điều này tùy thuộc
vào loại công việc đang làm cũng như vai trò, vị trí ta đang nắm giữ
trong xã hội. Nhưng yếu tố quan trọng hơn hết chính là nhận thức của bản
thân chúng ta về ý nghĩa của công việc mình đang làm. Bởi vì, chỉ cần ta
nhận thức khác đi về ý nghĩa của công việc đang làm, thì ngay lập tức ta
sẽ thấy mục đích của công việc ấy cũng thay đổi khác đi.
Một người làm công có thể chỉ xem công việc của mình chỉ là một phương
tiện để kiếm sống. Bao lâu mà người chủ thuê còn chấp nhận trả lương cho
anh ta theo mức bình thường thì anh ta sẽ tiếp tục công việc của mình mà
không cần quan tâm suy nghĩ đến những ý nghĩa khác của công việc đó.
Xuất phát từ nhận thức này, mọi quan hệ của anh ta với công việc, với
người chủ thuê, với bạn đồng nghiệp... sẽ chỉ là xuất phát từ nhu cầu
tiền bạc. Và ý nghĩa công việc làm của anh ta không gì khác hơn là một
phương tiện để kiếm tiền.
Nhưng nếu có một hôm người ấy chợt nhận ra và thay đổi nhận thức về công
việc. Anh ta có thể sẽ thấy là cách nghĩ trước đây của mình thật hẹp hòi
và không đúng với sự thực. Bởi vì trong thực tế thì công việc mà anh ta
đang làm không chỉ mang lại tiền lương mỗi tháng, nó còn mang lại nhiều
ý nghĩa khác nữa cho cuộc sống này.
Trước hết, bất cứ công việc nào cũng mang ý nghĩa phục vụ cho người
khác, cho dù là trực tiếp hay gián tiếp. Bởi vì chính qua việc phục vụ
những người khác mà công việc mới có thể mang lại cho chúng ta tiền bạc,
lợi nhuận. Như đã nói, trong mối quan hệ hai chiều giữa chúng ta và xã
hội thì chính công việc là phần đóng góp của chúng ta, và tiền lương là
một trong những biểu hiện cụ thể của những gì ta nhận được từ xã hội.
Khi chúng ta làm công việc sản xuất hay dịch vụ, ý nghĩa phục vụ người
khác rất dễ dàng nhận biết, bởi vì luôn có những khách hàng sử dụng sản
phẩm của chúng ta hoặc được chúng ta trực tiếp phục vụ. Tuy nhiên, hết
thảy mọi công việc khác cũng đều không ngoài ý nghĩa phục vụ người khác.
Một nhà thơ, một nhạc sĩ, hay những người làm nghệ thuật nói chung,
thường không trực tiếp phục vụ cho bất cứ ai, nhưng có rất nhiều người
nhận được lợi ích từ việc làm của họ. Bởi vì một bài thơ hay, một khúc
nhạc êm ái, một bức tranh đẹp... tất cả đều là những nhu cầu tinh thần
thiết yếu của chúng ta trong cuộc sống. Ngay cả những vị tu sĩ có vẻ như
không trực tiếp làm ra gì cả, nhưng thực tế lại là những chỗ dựa tinh
thần vững chắc, những tấm gương đạo đức tốt đẹp giúp tạo ra một sự quân
bình cần thiết cho xã hội bon chen này. Vì thế, họ lại chính là những
người phục vụ người khác nhiều nhất, và bao giờ cũng nhiều hơn những gì
họ nhận được từ xã hội...
Nhận thức về ý nghĩa phục vụ người khác sẽ cho chúng ta có một cái nhìn
đúng hơn về công việc mình đang làm. Một công nhân ngồi may từng chiếc
áo nên nghĩ đến những người sẽ mặc chiếc áo của mình may; một người phu
quét đường nên nghĩ đến niềm vui và sự thoải mái của những người được đi
trên con đường sạch đẹp, cho đến người công nhân lắp máy cũng nên nghĩ
đến những người sẽ được ngồi trên chiếc xe do mình lắp ráp... Cho dù bạn
đang làm bất cứ loại công việc nào, tôi đoan chắc là luôn có những người
khác nhận được sự phục vụ của bạn, và do đó sẽ luôn có những người khác
sẽ được thoải mái hơn, vui vẻ hơn nếu bạn cố gắng làm tốt hơn công việc
của mình.
Ý nghĩa phục vụ người khác không chỉ tồn tại trong mối quan hệ giữa
chúng ta với những người sử dụng sản phẩm, dịch vụ... Ý nghĩa phục vụ
còn tồn tại cả trong quan hệ giữa người làm công với người chủ thuê,
giữa những nhân viên với người lãnh đạo của mình trong công việc... cho
dù chúng ta thường ít khi quan tâm đến khía cạnh này.
Trong mối quan hệ bề mặt, người chủ thuê trả tiền lương để những người
làm công thực hiện công việc cho họ. Vì thế, chúng ta thường nghĩ là
người làm công đang phục vụ cho người chủ thuê. Tuy nhiên, nếu xét kỹ
chúng ta sẽ thấy rằng cách hiểu như thế chỉ là một chiều, và do đó là
chưa đầy đủ. Hãy thử đặt câu hỏi: Làm thế nào mà người chủ thuê có tiền
để chi trả cho những người làm công? Rõ ràng là, để làm được điều đó,
anh ta luôn phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của công việc, về phần lợi
nhuận đủ để chi trả cho tất cả những người làm công. Một người làm công
chỉ cần làm xong việc là có thể tin chắc mình sẽ nhận được tiền lương,
nhưng với người chủ thuê thì điều đó có vẻ không được chắc chắn như vậy.
Nếu sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc phải bán với giá thấp dẫn
đến thua lỗ, anh ta buộc sẽ phải bỏ tiền túi ra để bù vào khoản tiền
lương cố định của những người làm công.
Như vậy, xét trong ý nghĩa này thì người chủ thuê chính là đang phục vụ
những người làm công qua việc chịu trách nhiệm mang về khoản tiền lương
cho từng người tương xứng với phần công việc mà họ đã làm. Chỉ khi nào
anh ta làm tốt công việc phục vụ đó thì những người làm công mới có thể
yên tâm không sợ bị mất việc vì sự phá sản của anh ta. Nếu thấy được ý
nghĩa này, những người làm công sẽ dễ dàng hơn trong việc cảm thông với
những khó khăn của người chủ thuê; và ngược lại, người chủ thuê sẽ thấy
rõ hơn phần trách nhiệm lớn lao của mình, không chỉ là mối quan hệ tiền
lương và công việc, mà còn có ý nghĩa phục vụ đời sống của những người
làm công cùng với gia đình của họ.
Tương tự như vậy, những nhân viên trong một tổ chức khi phục tùng mệnh
lệnh của người lãnh đạo không chỉ là đang phục vụ cho người ấy, mà sự
thật là người lãnh đạo cũng đang phục vụ những nhân viên của mình qua
việc điều hành tốt công việc của tổ chức để có thể mang lại hiệu quả cao
và đưa cả tập thể đó vươn lên.
Nếu tất cả chúng ta đều nhận thức được ý nghĩa phục vụ người khác qua
công việc của mình, thì điều tất nhiên là mục đích của công việc mà ta
đang làm sẽ được mở rộng hơn, nâng cao hơn đúng với những giá trị thật
có của nó.
Ý nghĩa thứ hai của công việc chính là sự nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau.
Trong ý nghĩa này, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả chúng ta đều nương tựa vào
nhau để có thể tồn tại, đều giúp đỡ lẫn nhau trong việc hoàn thành công
việc của mỗi người. Không có sự nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau thì không
ai có thể làm được bất cứ việc gì có ích trong xã hội này.
Những người làm thuê nương tựa vào người chủ thuê để có được công việc
và tiền lương, nhưng đồng thời người chủ thuê cũng nương tựa vào những
người làm thuê để có được phần lợi nhuận của mình. Những người làm thuê
giúp đỡ người chủ thuê thực hiện công việc để thu về lợi nhuận, nhưng
đồng thời người chủ thuê cũng giúp đỡ họ có được một công việc ổn định
và thu nhập thỏa đáng để nuôi sống bản thân và gia đình. Trong mối quan
hệ hai chiều này, cả hai bên đều cần đến sự giúp đỡ của bên kia, đều
nương tựa vào bên kia để có thể sống được.
Ngay cả trong mối quan hệ giữa những người cùng làm việc, chúng ta cũng
có thể thấy được tính chất nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau. Bạn không thể
thực hiện công việc một cách có hiệu quả nếu như những người đồng nghiệp
luôn gây khó khăn, cản trở hoặc không làm tốt những phần việc của họ. Vì
thế, khi bạn làm tốt công việc của mình thì có nghĩa là bạn cũng đồng
thời giúp đỡ các bạn đồng nghiệp dễ dàng hơn trong việc thực hiện công
việc của họ. Và khi bạn có thể thực hiện tốt công việc của mình thì điều
đó cũng có nghĩa là bạn đã nhận được một sự giúp đỡ nhất định từ những
người đồng nghiệp.
Khi nhận thức được ý nghĩa nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau trong công
việc, mối quan hệ giữa những người đồng nghiệp, cũng như giữa người chủ
thuê với những người làm công, tất cả đều sẽ được mở rộng hơn và trở nên
tốt đẹp hơn đúng với những giá trị thật có. Mọi người sẽ có sự tôn trọng
lẫn nhau và luôn biết ơn về những gì mà người khác đã làm cho mình. Nhờ
đó, môi trường làm việc của chúng ta chắc chắn sẽ trở nên hài hòa tốt
đẹp hơn, thân thiện hơn, và do đó bản thân mỗi người cũng sẽ thanh thản
hơn. Và chúng ta sẽ thấy rằng mục đích của công việc mình đang làm không
chỉ đơn thuần là để có được tiền lương, mà thật ra còn là một phần quan
trọng trong cuộc sống, góp phần tạo nên những giá trị đích thực cho cuộc
sống mỗi người.