Bài viết này được trình bày trong Hội thảo về thiền Vipassana tại Dhamma Giri, Ấn Độ, vào tháng 12 năm 1986. Việc thực hành nuôi dưỡng tâm từ (mettā bhāvanā) là một pháp bổ trợ quan trọng cho phương pháp thiền Vipassana - thực ra, đây là một hệ quả tất yếu. Trong việc nuôi dưỡng tâm từ, thiền sinh phát tỏa tâm từ và ý nguyện tốt đẹp hướng đến tất cả chúng sinh, với chủ ý đưa vào bầu không khí quanh mình sự an tĩnh, những rung động tích cực của sự tinh khiết và lòng thương yêu bi mẫn. Đức Phật hướng dẫn các đệ tử của ngài phát triển tâm từ để đưa đến một cuộc sống bình an và hòa hợp nhiều hơn, cũng như giúp cho những người khác đạt được như vậy. Thiền sinh Vipassana được khuyến khích thực hành theo hướng dẫn đó, bởi vì tâm từ (mettā) là cách để chia sẻ với người khác sự bình an và hòa hợp mà ta phát triển được.
Luận giải Kinh điển nói: Mijjati siniyhatiṛti mettā. (Điều tạo nên khuynh hướng thân thiện chính là tâm từ.) Đó là một ước nguyện chân thành, không chút dấu vết của ác ý, cầu mong sự tốt đẹp và hạnh phúc cho tất cả mọi chúng sinh. Và cũng nói: Adosoṛti mettā (Không có oán ghét, đó là tâm từ.) Đặc điểm chính của tâm từ là một thái độ vị tha sẵn lòng giúp đỡ. Điều này dẫn đến sự thể nhập tự thân với muôn loài chúng sinh – nhận thức được quan hệ thân thiết giữa mọi sự sống.
Nhận hiểu khái niệm này chỉ trên bình diện tri thức thì khá dễ dàng, nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều để phát triển được thái độ sống như vậy trong chính tự thân mỗi người. Để làm được điều này, cần có sự tu tập rèn luyện, và chúng ta có pháp tu nuôi dưỡng tâm từ (mettā-bhāvanā) hay thiền tâm từ, một sự vun bồi có hệ thống ý nguyện tốt lành hướng về người khác. Để thực sự có hiệu quả, thiền tâm từ nhất thiết phải được thực hành song song với thiền Vipassana. Khi những điều tiêu cực như sự oán ghét vẫn còn ngự trị trong tâm ý thì thật vô ích khi cố hình thành những ý nguyện tốt đẹp, và việc làm như vậy hẳn cũng chỉ là một nghi thức trống rỗng không có ý nghĩa nội tại. Nhưng khi những điều tiêu cực được thanh lọc qua sự tu tập thiền Vipassana thì những ý nguyện tốt đẹp sẽ tự nhiên tràn ngập trong tâm. Được thoát ra từ ngục tù tự giam hãm của lòng vị kỷ, chúng ta bắt đầu biết tự mình quan tâm đến hạnh phúc của người khác.
Vì lý do này, pháp tu thiền tâm từ (mettā-bhāvanā) chỉ được giới thiệu vào cuối khóa thiền Vipassana, sau khi các thiền sinh đã trải qua tiến trình thanh lọc. Vào một thời điểm như thế, thiền sinh thường cảm thấy nguyện ước sâu sắc cho hạnh phúc của người khác, giúp cho sự thực hành tâm từ của họ thực sự có hiệu quả. Cho dù trong khóa tu chỉ có một ít thời gian hạn chế được dành cho thực hành thiền tâm từ, nhưng đây có thể được xem như thành quả sau cùng của việc thực hành thiền Vipassana.
Niết-bàn (Nibbāna) chỉ có thể được chứng nghiệm bởi những ai có đầy từ tâm và lòng bi mẫn với tất cả chúng sinh. Chỉ đơn thuần nguyện ước không thôi thì chưa đủ: chúng ta nhất thiết phải thanh lọc tâm mình để đạt đến từ tâm và lòng bi mẫn như thế. Và chúng ta làm điều này qua việc thực hành thiền Vipassana. Do vậy, phương pháp này được nhấn mạnh trong suốt khóa tu.
Khi thực hành, chúng ta bắt đầu nhận biết được thực tại ẩn tàng của thế giới này, bao gồm cả tự thân chúng ta, chính là [một tiến trình của] sự sinh khởi và diệt mất trong từng khoảnh khắc. Chúng ta nhận ra rằng tiến trình thay đổi này tiếp diễn vượt ngoài sự kiểm soát của chúng ta và bất chấp những mong muốn của ta. Dần dần ta hiểu được rằng bất kỳ sự bám víu nào vào những thứ phù du giả tạm đều tạo ra đau khổ cho ta. Chúng ta học được cách không bám víu và luôn giữ tâm quân bình trước bất kỳ hiện tượng thoáng qua nào. Và chúng ta bắt đầu trải nghiệm được những gì là hạnh phúc chân thật: không phải sự thỏa mãn những khao khát hay ngăn chặn được sự sợ hãi, mà đúng hơn là giải thoát ra khỏi vòng xoáy của những khao khát và sợ hãi. Khi sự an định nội tâm phát triển, chúng ta sẽ thấy một cách rõ ràng vì sao người khác vướng mắc vào khổ đau, và tự nhiên một ước nguyện khởi sinh: “Nguyện cho chúng sinh tìm được những gì tôi đã tìm được: phương pháp thoát khỏi khổ đau, con đường đi đến an bình.” Đây là ý nguyện thích hợp cho việc thực hành nuôi dưỡng tâm từ (mettā-bhāvanā).
Tâm từ không phải sự cầu nguyện [thụ động], cũng không phải hy vọng một nguồn lực trợ giúp từ bên ngoài. Ngược lại, đó là một tiến trình năng động tạo ra bầu không khí hỗ trợ mà trong đó những người khác có thể có thể hành động để tự giúp chính họ. Tâm từ có thể hướng đến một người cụ thể hay cũng có thể phóng tỏa đến khắp mọi nơi. Nhận thức rằng tâm từ không được tạo ra bởi chúng ta giúp cho sự lan tỏa của nó thực sự là vô ngã.
Để sinh khởi được tâm từ, tâm thức phải an định, quân bình và không còn những điều tiêu cực. Đây là loại tâm thức được phát triển trong thực hành thiền Vipassana. Một thiền giả nhận biết qua kinh nghiệm rằng giận dữ, oán ghét hay ác ý sẽ hủy hoại sự bình an như thế nào cũng như vô hiệu hóa mọi nỗ lực giúp đỡ người khác. Chỉ khi tâm ghét bỏ được loại trừ và sự bình tâm được phát triển thì chúng ta mới có thể hạnh phúc và mong ước hạnh phúc cho người khác. Lời nguyện “Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc” chỉ có năng lực lớn lao khi được phát ra từ một tâm thanh tịnh. Dựa trên sự thanh tịnh này, lời nguyện ấy chắc chắn sẽ có hiệu quả trong việc mang lại hạnh phúc cho người khác.
Vì thế, chúng ta nhất thiết phải tự xét mình trước khi thực hành thiền tâm từ, để xem liệu ta có thực sự có khả năng phóng tỏa tâm từ hay không. Nếu ta tìm thấy dù chỉ mảy may sự căm ghét, oán hận trong tâm mình, ta nên tạm dừng lại vào lúc đó. Nếu không, ta có thể sẽ lan tỏa những tiêu cực ấy, gây hại cho người khác. Tuy nhiên, nếu thân tâm ta tràn đầy sự an tĩnh và một niềm phúc lạc thì điều tự nhiên và thích hợp là chia sẻ hạnh phúc đó với người khác: “Nguyện cho quý vị được hạnh phúc. Nguyện cho quý vị giải thoát khỏi mọi phiền não gây ra khổ đau. Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được an lành.”
Khuynh hướng yêu thương này cho phép chúng ta hành xử khéo léo hơn trong sự thăng trầm của cuộc đời. Chẳng hạn, khi ta gặp một người hành động với ác ý hãm hại người khác, phản ứng thông thường – với sự sợ hãi và căm ghét – là chỉ vì chính mình, sẽ không có tác động gì cải thiện tình huống, trong thực tế còn làm tăng thêm sự tiêu cực. Hẳn sẽ hữu ích hơn nhiều nếu ta duy trì được sự an định và bình tâm, với thiện chí tốt đẹp, nhất là đối với người đang hành động sai trái. Điều này không thể chỉ thuần túy là một quan điểm tri thức, một vẻ ngoài cao thượng che giấu những tiêu cực chưa giải trừ. Tâm từ chỉ hiệu quả khi được tự nhiên tuôn tràn từ một tâm thức đã thanh tịnh.
Sự an định đạt được trong khi hành thiền Vipassana sẽ tự nhiên làm khởi sinh tâm từ, và tâm từ này sẽ tiếp tục tác động một cách tích cực đến chúng ta và môi trường quanh ta. Do đó, Vipassana cuối cùng có một chức năng kép: vừa mang lại hạnh phúc cho ta bằng cách thanh lọc tâm, vừa giúp ta nuôi dưỡng hạnh phúc của người khác qua việc chuẩn bị sẵn sàng để ta thực hành tâm từ. Xét cho cùng, mục đích của việc tự giải thoát mình khỏi những tiêu cực và chấp ngã là gì nếu không phải là chia sẻ những lợi lạc này với người khác? Trong một khóa ẩn tu, chúng ta tạm thời tách biệt bản thân mình với thế giới là để rồi sẽ quay trở lại và chia sẻ với người khác những gì ta đạt được trong khi ẩn tu. Hai khía cạnh này của sự thực hành Vipassana là không thể tách rời.
Trong thời đại ngày nay, khi bệnh khổ tràn lan, giàu nghèo phân cách, bạo loạn bất an, nhu cầu nuôi dưỡng tâm từ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nếu bình an và hòa hợp có thể ngự trị trên khắp thế giới này thì trước hết những phẩm tính ấy phải được thiết lập ngay từ trong tâm thức của hết thảy mọi người.
Lời cảm tạ Hầu hết những bài viết trong tuyển tập này mang tên ngài S. N. Goenka. Ban biên tập xin bày tỏ lòng biết ơn đối với ngài Goenka và Viện nghiên cứu Vipassana (Vipassana Research Institute) ở Igatpuri, Ấn Độ về việc đã cho phép sử dụng những tài liệu này.
Các bài viết trích từ Bản tin Vipassana (Vipassana Newsletter) gồm có:
- Sự ra đi trong Chánh pháp của mẹ tôi (S. N. Goenka),
- Hiện hữu như thật – đã và đang (Graham Gambie),
- Một cái chết mẫu mực (S. N. Goenka),
- Nghiệp – Sự thừa kế đích thực (S. N. Goenka),
- Sống và chết trong Chánh pháp (S. N. Goenka),
- Bình tâm đối mặt bệnh nan y (Mr. S. Adaviappa),
- Hãy tu tập để tự cứu mình (S. N. Goenka)
- Bảy mươi năm đã qua (S. N. Goenka).
Các tài liệu khác của Viện nghiên cứu Vipassana gồm có:
- Về pháp thiền Vipassana,
- Nghệ thuật sống: Thiền Vipassana,
- Thực hành nuôi dưỡng tâm từ trong thiền Vipassana
- Bảng thuật ngữ cuối sách
- Một số các bản dịch từ kinh văn và nhiều trích dẫn khác nhau của S. N. Goenka và Sayagyi U Ba Khin.
Tất cả các thi kệ Hindi (doha) được trích từ thi tập Hãy đến đây, nhân loại thế gian này (Come People of the World) của S. N. Goenka.
Các phần Hỏi Đáp với Thầy Goenkaji (I, II và III) được trích từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm từ các Bản tin Vipassana và những cuộc tham vấn riêng.
Bài Sự ra đi của Graham của tác giả Anne Doneman trước đây được in trong sách Realizing Change của Ian Hetherington, ấn bản của Vipassana Research Publications.
Bài Điều gì xảy ra lúc chết của S. N. Goenka ban đầu được in trong tạp chí Sayagyi U Ba Khin Journal của Viện nghiên cứu Vipassana.
Bài Nguyên lý duyên khởi được trích từ sách Tóm lược các bài giảng (The Discourse Summaries), phần bài giảng ngày thứ 5, ấn bản của Viện nghiên cứu Vipassana.
Các trích dẫn của ngài Venerable Webu Sayadaw được trích từ sách Con đường đưa đến an tĩnh tuyệt đối (The Way to Ultimate Calm), do Roger Bischoff chuyển dịch, ấn bản của Buddhist Publication Society, 2001.
Các dữ liệu để viết bài Chỉ khoảnh khắc hiện tại và Đối diện cái chết được lấy từ những cuộc phỏng vấn riêng với Susan Babbitt và Terrell, Diane Jones. Một phần của bài Chỉ khoảnh khắc hiện tại cũng đã được xuất bản với tên là Hòa vào vũ khúc vũ trụ (Join the Cosmic Dance), ấn bản của Thee Hellbox Press.
Cuộc phỏng vấn với Rodney Bernier để viết thành bài Một cái chết hoan hỷ (Smiling All the Way to Death) là do Evie Chauncey cung cấp.
Bài Dòng nước mắt (The Flood of Tears) do C. A. F. Rhys Davids dịch sang Anh ngữ, được trích từ sách The Book of Kindred Sayings, Phần II, ấn bản của Pali Text Society.
Lá thư của John Wolford trong bài Mãi mãi tri ân (The Undying Gratitude) được mẹ của John, bà Laurie Campbell cung cấp. Xin cảm ơn Laurie và Gabriela Ionita đã cho phép sử dụng những lá thư riêng của họ gửi đến ngài Goenkaji.
Bài kệ của Ambapālī được Amadeo Solé-Leris dịch sang Anh ngữ, trích từ sách Cuộc đời, công hạnh và di sản của các vị đại đệ tử Phật (Great Disciples of the Buddha: Their Lives, Their Works, Their Legacy) của Nyanaponika Thera và Helmuth Hecker, Buddhist Publication Society giữ bản quyền (2003), được tái bản với sự cho phép của The Permissions Company, Inc., thay mặt cho nhà xuất bản Wisdom Publications (www.wisdompubs.org).
Các bài kệ số 41, 128, 165, 288 và 289 trong kinh Pháp Cú (Dhammapada), bản dịch Anh ngữ của Harischandra Kaviratna, được sử dụng với sự cho phép của Theosophical University Press, Pasadena, California.
Kinh Paṭhama-ākāsa (thuộc Trung Bộ Kinh) được trích từ tạp chí Vipassana Journal, ấn bản của Viện nghiên cứu Vipassana.
[Các trích dẫn từ] Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya II, 10) do Ven. S. Dhammika dịch sang Anh ngữ, được trích từ sách Gemstones of the Good Dhamma, ấn bản của Buddhist Publication Society.
Các kệ tụng khác trong Tam tạng Kinh điển (Tipiṭaka) được trích dẫn ở đây, rất tiếc là chúng tôi không biết rõ nguồn. Ban biên tập chân thành cáo lỗi với các dịch giả nào có bản dịch được sử dụng mà không nêu tên.
Irek Sroka đã thiết kế bìa trước của bản sách Anh ngữ và Julie Schaeffer thiết kế bìa sau.
Về các bức hình:
- Hình của Graham Gambie, được Anne Donemon cho phép sử dụng.
- Hình của Rodney Bernier, do Patrick McKay bấm máy.
- Hình của Ratilal Mehta, được Himanshu Mehta cho phép sử dụng.
Công việc biên tập rà soát được thực hiện bởi Luke Matthews, Ben Baroncini, Michael Solomon, Peter Greene, William Hart, Frank Tedesco, Julie Schaeffer và một số người khác.
Hình ảnh được Eric M. Madigan chỉnh sửa.
Cuối cùng, xin cảm tạ Bill, phu quân của tôi, về trí tuệ của anh và sự kiên nhẫn không giới hạn khi trợ giúp tôi trong suốt mọi công đoạn chuẩn bị bản thảo tuyển tập này.