Bài viết sau đây được đăng tải lần đầu tiên trên Bản tin Vipassana (Vipassana Newsletter) số tháng 9 năm 1990. Khoảng 10 năm trước, vợ tôi, Parvathamma, được chẩn đoán mắc bệnh tế bào thần kinh vận động (motor neuron disease), một căn bệnh hiếm gặp, cho đến nay vẫn không có cách chữa trị. Cô ấy phải trải qua tình trạng các cơ bắp tay chân và cổ dần dần suy thoái, cần được trợ giúp ngay cả trong những hoạt động bình thường. Các phương thức trị liệu do các bác sĩ chuyên ngành khác nhau như điều trị đối chứng, điều trị vi lượng đồng căn, điều hòa theo tự nhiên (Ayurveda) và liệu pháp tự nhiên đều không mang lại kết quả gì. Cô ấy trở nên u sầu và thường xuyên than khóc.
Thật đau lòng, tuy nhiên mọi người trong gia đình cố chăm sóc không để cho cô ấy rơi vào tình huống khó chịu, hay có bất kỳ cảm giác bị bỏ rơi nào. Tất cả những cố gắng của chúng tôi nhằm động viên tinh thần vợ tôi mạnh mẽ hơn, nhưng mặc dù vậy, cô ấy thường suy sụp mỗi khi có bạn bè hay họ hàng đến thăm viếng.
Chính trong giai đoạn này, sau khoảng bốn năm sống trong bệnh tật, vợ tôi tham dự một khóa thiền Vipassana ở Jaipur dưới sự hướng dẫn của thầy Goenkaji. Chỉ mới ngày đầu khóa học, cô đã cảm thấy phải cố gắng ngoài sức mình, nhưng với những thiền sinh đầy yêu thương chung quanh, cô ấy đã mỉm cười chịu đựng được khó khăn.
Vào ngày thứ tư, ngày Vipassana, cô đã thay đổi thành một con người khác. Cô thể nghiệm được một luồng cảm giác vi tế xuyên suốt cơ thể. Cô rạng rỡ đầy niềm vui, và thậm chí cảm nhận được thân thể mình đang phục hồi sức lực. Khóa tu dưỡng của cô đã tỏ ra là một nơi tạm trú 10 ngày lợi lạc nhất.
Trong suốt những tháng sau đó, cô thực hành thiền thường xuyên cho dù tình trạng cơ thể suy kém đi. Tiếc là do việc làm yêu cầu, tôi phải đi Ajmer, nhưng bất cứ khi nào quay trở về Jaipur, tôi đều ngồi thiền chung với vợ mình. Những băng giảng của Goenkaji và những cuộc thăm viếng của các thiền sinh địa phương đã thôi thúc và hỗ trợ cô.
Chỉ sau một khóa thiền Vipassana, tư chất cô bắt đầu thay đổi đáng kể. Niềm vui đã lan tỏa từ cô. Những người đến an ủi cô ra về trong bình an. Cô chẳng bao giờ than thở về bệnh, cũng chẳng than tiếc về cảnh ngộ khốn khổ của mình. Cô thường xuyên có những lời thăm hỏi đầy yêu thương nhân ái về sức khỏe của những vị khách đến thăm cùng gia đình của họ, cầu chúc họ hạnh phúc, an lạc.
Căn bệnh tiến triển thật nhanh. Cô cảm nhận được những cơ bắp suy nhược rất nhanh, góp phần làm giảm lượng đường và oxygen trong người cô. Mặc dù phải chịu đựng những đau đớn tột độ, cô vẫn cố kềm nén, giữ được hoàn toàn tâm trí tỉnh táo. Từ cổ trở xuống, thân người cô là những đống cơ, xương thảm thương teo tóp lại, nhưng gương mặt Parvathamma lại rạng rỡ với nụ cười tỏa sáng. Và cô cứ tiếp tục thiền.
Hai ngày trước khi ra đi, cô nồng nhiệt thỉnh cầu mọi người trong gia đình hãy tha lỗi cho cô về bất kỳ những lời lẽ khó nghe nào trong suốt thời gian họ chăm sóc cô, đồng thời bày tỏ những cảm xúc khi cảm thấy may mắn có được một gia đình nhân hậu và bao dung như vậy.
Căn bệnh giờ đây đã lan ra đến cơ tim và phổi, và cô không thể ngủ được nữa vì những cơn ho rũ rượi mỗi khi di chuyển thay đổi tư thế ngồi. Đêm tiếp đó, cô đã ngủ tương đối an lành trong xe lăn của mình. Cứ mỗi lần thức giấc, cô lại bảo những người ngồi bên cạnh cô hãy đi nghỉ ngơi, và hỏi thăm xem những người khác trong gia đình có ngủ được không.
Lúc 7:15 sáng, cô uống chút sữa, theo sau là một cơn ho, điều mà cô luôn khiếp sợ. Cảm thấy ngạt thở, cô nhờ tôi gọi bác sĩ. Ông ta đến trong vòng 15 phút, nhưng khi bác sĩ vừa đến ngưỡng cửa nhà, cô đã trút hơi thở cuối cùng sau một cơn ho nhẹ. Buổi sáng ngày 15 tháng 1 năm 1985, cô đã ra đi bình yên với tinh thần minh mẫn, với ánh mắt nhìn yêu thương dành cho mọi người chung quanh.
Chúng ta học từ Goenkaji rằng việc hành thiền của ta cũng là sự chuẩn bị cho cái chết. Trải nghiệm của gia đình chúng tôi là một minh chứng cho sự thật này. Giữ được sự bình tâm giữa những đau đớn tột cùng, vợ tôi đã luôn kiểm soát được năng lực tâm trí của mình từ đầu đến lúc ra đi. Cô ấy là một nguồn cảm hứng tuyệt vời cho tất cả mọi người, những thiền sinh chúng ta vì thế càng chuyên tâm thực hành Dhamma nghiêm túc hơn. Nỗ lực quyết tâm và thường xuyên thực hành đã giúp chúng tôi giảm nhẹ được cú sốc đau buồn vì mất mát một người thương yêu như cô ấy. Chúng tôi vẫn thường xuyên gởi đến cô ấy tâm từ (mettā) với những lời nguyện cầu cho cô được thoát khỏi mọi đau khổ.
- Ông S. Adaviappa
Pralayaṅkārī bādha meṅ,
tū hī terā dvīpa.
andhakāramaya rāta meṅ,
tū hī terā dīpa.
—Hindi doha, S.N. Goenka
Giữa cơn hồng thủy kinh hoàng,
Tự mình là đảo an toàn trú thân.
Giữa màn đêm tối vô song,
Tự mình là ngọn đèn chong soi đường.
—Thi kệ (doha) Hindi, S. N. Goenka
Dòng nước mắt “Này các tỳ-kheo, khởi điểm của sự sống này là từ vô thủy. Chúng ta không thể biết được thời điểm bắt đầu của dòng luân hồi này, của sự sống này, khi chúng sinh chìm đắm trong vô minh, trói chặt với tham ái.
Và như vậy, các ông nghĩ sao? Những dòng nước mắt mà các ông đã than khóc giữa cuộc luân hồi bất tận này khi phải sống chung với người mình không ưa thích, phải ly biệt với người mình yêu thương... có nhiều hơn chăng khi đem so với nước trong bốn biển lớn?”
“Bạch Thế Tôn! Như chúng con đã được Thế Tôn dạy bảo, dòng nước mắt mà chúng con đã than khóc giữa cuộc luân hồi bất tận này khi phải sống chung với người mình không ưa thích, phải ly biệt với người mình yêu thương... là nhiều hơn nước trong bốn biển lớn.”
“Nói đúng lắm, đúng lắm, hỡi các tỳ-kheo! Các ông đã hiểu đúng giáo pháp do ta giảng dạy. Quả thật là nước mắt nhiều hơn...
“Này các tỳ-kheo, trong rất nhiều ngày tháng dài đã qua, các ông từng trải qua những lần mẹ chết, con trai chết, con gái chết..., các ông từng trải qua sự mất mát bà con quyến thuộc, tiêu tán tài sản, bệnh tật khổ sở... Dòng nước mắt của các ông khi than khóc trong từng trường hợp cũng như trong tất cả những trường hợp kể trên, khi các ông trải qua các kiếp sống, khi luân hồi qua thời gian đằng đẵng, phải sống chung với người mình không ưa thích, phải ly biệt với người mình yêu thương... nước mắt ấy nhiều hơn nước trong bốn biển lớn.
“Vì sao vậy? Vì khởi điểm của sự sống này là từ vô thủy, hỡi các tỳ kheo. Chúng ta không thể biết được thời điểm bắt đầu của dòng luân hồi này, của sự sống này, khi chúng sinh chìm đắm trong vô minh, trói chặt với tham ái.
“Này các tỳ-kheo, như vậy là quá đủ để các ông thấy nhàm chán mọi thứ trong thế giới này, quá đủ để buông xả mọi sự tham muốn, quá đủ để vượt thoát tất cả.”
Kinh Nước mắt - Tương Ưng Bộ Kinh, 2. 126Dịch sang Anh ngữ: C.A.F. Rhys Davids