Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Những vấn đề liên quan đến Đại Tạng Kinh »» Lời kêu gọi vận động cho công trình của Hòa thượng Tịnh Hạnh »»

Những vấn đề liên quan đến Đại Tạng Kinh
»» Lời kêu gọi vận động cho công trình của Hòa thượng Tịnh Hạnh

Donate

(Lượt xem: 4.514)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Những vấn đề liên quan đến Đại Tạng Kinh - Lời kêu gọi vận động cho công trình của Hòa thượng Tịnh Hạnh

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch chư vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ðại Ðức Tăng, Ni, các bậc giáo thọ, trưởng lão cùng tất cả chư Phật tử Việt Nam xa gần trên toàn thế giới, chúng con xin dâng tấc lòng thành, ai cầu chư tôn đức, chư đạo hữu rủ lòng từ bi tùy hỷ, hỗ trợ, cổ vũ công tác phiên dịch, san định, ấn tống Ðại Tạng Kinh do trưởng lão thượng Tịnh hạ Hạnh đề xướng.
Như ai nấy đều biết: Ðại Tạng Kinh Phật Giáo quả thật là một công trình vĩ đại tập thành tâm huyết của bao nhiêu thế hệ Tổ Sư, cổ đức Ấn Ðộ, Trung Hoa, Nhật Bản và Cao Ly. Ðó chính là một toàn tập bao gồm tất cả những thánh thư Phật Giáo theo hệ thống Nam Truyền và Bắc Truyền, là một bảo tạng vô giá, là nguồn pháp nhũ vô biên trưởng dưỡng huệ mạng của tứ chúng Phật tử. Nhìn ra thế giới, tất cả các nước theo Phật giáo đều đã có Ðại Tạng Kinh, ngay cả một nước rất nhỏ bé như Cộng Hòa Tự Trị Buriat thuộc Cộng Hòa Liên Bang Nga, hay một quốc gia kém phát triển như Mông Cổ đều có Ðại Tạng Kinh hoàn chỉnh, chỉ mỗi Việt Nam ta chưa hề bao giờ có một Ðại Tạng Kinh bằng tiếng mẹ đẻ. Do đó, những ai muốn thâm nhập giáo lý đức Phật, muốn tìm hiểu đến tận nguồn cội giáo nghĩa của pháp môn mình đang tu tập đều phải tìm học trong Hán Tạng. Tuy nhiên, càng ngày càng ít người biết tiếng Hán hơn. E rằng mai sau khi thế hệ các bậc tôn túc thông hiểu sâu xa tiếng Hán, thâm hiểu nội điển đã viên tịch hết thì những pháp bảo vô giá trong Ðại Tạng Kinh Hán Tạng sẽ đành để dành riêng cho người Hán, người Nhật, người Ðại Hàn lãnh hội, còn người Việt chúng ta tuyệt chẳng có phần!
Trên thực tế, không ít người đọc, hiểu, nói được tiếng Hán hiện đại, nhưng vẫn không thể lãnh hội được những kinh văn bằng tiếng Hán cổ, ngay cả những người Tàu chính gốc nhưng thiếu căn bản về Phật pháp cũng gặp phải trở ngại này. Tại Ðài Loan, mỗi chữ trong những bản kinh nhật tụng như kinh Di Ðà, phẩm Phổ Môn, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện vẫn phải có phù hiệu phiên âm đính kèm bên cạnh; và để giúp cho tứ chúng lãnh hội được ý chỉ kinh văn cổ, không ít vị giảng sư phải viết những tác phẩm thuộc thể loại Bạch Thoại Giải Thích (chẳng hạn như trong tác phẩm Phật Thuyết A Di Ðà Kinh Bạch Thoại Giảng Giải của Nam Ðình Hòa Thượng: mỗi đoạn chánh kinh đều phải có một đoạn văn bạch thoại kèm theo để “diễn nôm” ý nghĩa về mặt văn tự ngõ hầu những ai ít hiểu cổ văn cũng hiểu được ý nghĩa đoạn kinh đó). Có lần vì không hiểu một đoạn kinh văn trong Quán Kinh Sớ của ngài Thiện Ðạo, chúng con đã đem đoạn văn ấy hỏi một người bạn Ðài Loan làm cùng sở, sau một hồi đăm chiêu suy nghĩ, cô cũng lắc đầu chịu thua và khuyên nên đem vào chùa Tàu hỏi thì tốt hơn trong khi cô này đã tốt nghiệp đại học tại Ðài Loan trước khi đến Mỹ! Ðọc bài viết đăng trên nguyệt báo Lắng Nghe của trường Gia Giáo chùa Viên Giác, chúng con thấy ngay cả những vị học giả Hán - Nôm vẫn mắc phải những sai lầm ấu trĩ, khó thể chấp nhận khi viết về Phật giáo chỉ vì thiếu căn bản về Phật học và tư tưởng Phật giáo.
Trước tình hình ấy, chúng con thiển nghĩ: Nếu chúng ta không có bộ Ðại Tạng Kinh bằng tiếng Việt, việc học Phật của tứ chúng trong một tương lai không xa sẽ gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại, thậm chí, vận mệnh của Phật giáo Việt Nam sẽ không biết đi về đâu! Kinh điển Phật giáo quá mênh mông, quá sâu rộng, ngay cả những vị được coi là Bồ Tát thị hiện như các vị Ấn Quang, Thái Hư cũng chỉ thể duyệt hết được Ðại Tạng đôi ba lần trong cuộc đời mình. Ắt hẳn, có những Phật tử sẽ nảy sinh nghi tình: Kinh Phật nhiều như thế, nghĩa lý mỗi kinh uyên nguyên như thế thì cần gì phải đọc rộng kinh điển. Suốt đời mình chỉ cần tham học, chuyên tu một vài bản kinh phổ biến là đủ! Chúng con nghĩ rằng: “Thánh giáo như chiên đàn, miếng nào cũng thơm, miếng nào cũng viên mãn. Vì căn cơ của chúng sinh sai biệt vô tận nên các pháp môn cũng vô tận”. Có được Ðại Tạng Kinh bằng tiếng Việt, tứ chúng nhất là những vị đảm nhậm vai trò sứ giả Như Lai sẽ được trang bị bằng những kiến thức chắc thật, hiểu thấu đúng đắn lời dạy của Phật, của Tổ, sẽ tiếp độ chúng tại gia tốt hơn, sẽ có nhiều cơ hội để tùy nghi chọn lấy một pháp môn thích hợp cho mỗi căn cơ. Các vị tục gia đệ tử cũng nhân đó được mở rộng kiến văn, tránh khỏi cảnh “tu mù, luyện đui”, chạy theo những tà thuyết hoặc sa đà vào những giáo thuyết thiên chấp của những giáo phái ngoại đạo núp bóng Phật giáo. Muốn thâm nhập, chuyên tu một pháp môn hay một bản kinh thì không thể không học rộng hiểu nhiều để có thể lãnh hội tột cùng bản kinh mình coi trọng nhất!
Thêm nữa, chúng con nhận thấy khi xưa chư cổ đức giảng kinh, thuyết pháp thường dẫn rộng các kinh, sách để dùng kinh này soi rọi kinh kia, dùng ý tác phẩm này hỗ trợ ý nghĩa trước tác khác. Trong thời Mạt Pháp này, chúng con thiện căn kém cỏi, lại hay nẩy lòng ngờ, dễ đâu gặp được lương sư, thiện tri thức đoạn quyết nghi tình, phá tan tà kiến cho. Dưới sự khai đạo của Ðại Tạng Kinh bằng tiếng Việt, ắt hẳn những mối nghi tình không nên có ấy dẫu chưa thể đoạn sạch thì cũng sẽ mỏng nhẹ phần nào.
Nhìn vào lịch sử dịch kinh, chúng con cảm thấy Ðại Tạng Kinh là kết tinh vĩ đại của những tấm lòng Bồ Tát một dạ hoằng dương đạo mầu không tiếc thân mạng. Những tấm gương như ngài Bát Lạt Mật Ðế mổ bắp tay nhét kinh Lăng Nghiêm vào để lén mang đến Trung Hoa vì quốc vương nước ngài cấm cản, ngài Huyền Trang, ngài Nghĩa Tịnh lênh đênh hải giác thiên nhai, vượt bao hiểm nạn, gian nguy mang Phạn bản về Trung Hoa rồi tận lực dịch thuật cho đến hơi thở cuối cùng. Các vị cổ đức Ấn Ðộ đã vượt bao quan ải gập ghềnh, sóng gió bão bùng để đến Trung Hoa miệt mài dịch thuật. Chư Tổ Trung Hoa, Cao Ly, Nhật Bản đã nghiền ngẫm, thiên châm vạn chước, quên ăn bỏ ngủ, chẳng nệ thân mòn sức cạn để viết ra những bản chú giải lời lời trân ngọc, chữ chữ hoàng kim tạo thành gia bảo tư lương cho thế hệ mai sau. Nhiều khi đã dịch được rồi, nhưng các Tổ còn phải trải trăm cay ngàn đắng mới lưu truyền được các bản dịch ấy. Ðã thế, khi Phật giáo Trung Hoa ba lần bị đàn áp, chư Tổ đã coi thường sống chết, ẩn giấu kinh điển, khắc kinh lên đá chôn giấu trong các hang động xa xôi để thế hệ mai sau tiếp tục được ân triêm pháp nhũ. Bao thế hệ đã hy sinh để bảo tồn di sản ấy! Từ các bản kinh riêng lẻ cho đến khi được tập thành, Ðại Tạng Kinh là công sức của bao thế hệ san nhuận, hiệu đính, giảo chính, khảo duyệt khiến cho kinh văn không những chính xác mà còn là những tác phẩm văn chương, nghệ thuật tuyệt tác.
Càng hâm mộ Ðại Tạng Kinh bao nhiêu, chúng con càng buồn tủi cho dân tộc mình. Chiến tranh, quốc nạn, tai trời ách đất khiến cho bao nhiêu dự định phiên dịch Ðại Tạng Kinh sang tiếng Việt của bao thế hệ tôn túc Việt Nam chưa thành tựu nổi. Những tưởng trong kiếp sống thừa này, chúng con sẽ chẳng bao giờ được thấy Ðại Tạng Kinh bằng tiếng Việt hình thành, được có dịp tham khảo Ðại Tạng bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng may mắn sao, suốt hai mươi năm qua, Hòa Thượng thượng Tịnh hạ Hạnh cũng như ban phiên dịch do ngài kêu gọi và thành lập đã âm thầm phiên dịch gần hết phần trọng yếu nhất của Ðại Tạng Kinh Bắc Truyền bao gồm 55 quyển đầu. Thêm nữa, với sự hiệu đính, khảo duyệt, chú thích của những vị cao tăng thạc đức tinh thông Phật pháp như Hòa Thượng Quảng Ðộ, Hòa Thượng Ðỗng Minh, Hòa Thượng Minh Cảnh, Thượng Tọa Tuệ Sỹ, Thượng Tọa Trí Siêu v.v... quá trình dịch kinh của Hòa Thượng đã gần đạt đến mức độ quy mô như thời các ngài La Thập, Huyền Trang. Thật chẳng biết dùng lời lẽ nào để tán dương, tùy hỷ công cuộc hoằng pháp vĩ đại này cũng như tấm lòng truyền đăng tục diệm, thiệu long Phật chủng của Hòa Thượng cùng tất cả ban phiên dịch. Ðau đớn thay, mãi cho đến nay, những bản dịch đó vẫn còn đang trong dạng bản thảo vì chưa đủ điều kiện tài chánh để ấn hành! Chẳng lẽ, công sức tâm huyết của Trưởng Lão Tịnh Hạnh và những người đồng chí hướng thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh với ngài lại sẽ bị lãng quên trong đống bụi thời gian hay sao?
Chúng con trộm nghĩ: Ðã là Phật tử, ai nấy đều sốt sắng, thiết tha muốn cho pháp âm của đức Từ Tôn được tuyên lưu rộng rãi, ai cũng hoan hỷ muốn góp phần vun đắp lâu đài Phật giáo Việt Nam. Ấn hành Ðại Tạng Kinh Việt Nam là một bước ngoặt trọng đại trong việc xây dựng, trang nghiêm tòa lâu đài ấy; nhưng có lẽ công trình hộ pháp, hoằng pháp lớn lao này còn chưa được nhiều người biết đến; hoặc giả, chúng ta còn chưa hình dung nổi công trình này đòi hỏi một kinh phí lớn lao đến mức nào nên cho đến nay, tứ chúng vẫn còn chưa phát tâm hỗ trợ mạnh mẽ!
Nhìn vào thực tế, việc ấn tống Ðại Tạng Kinh qua các thời đại ở Trung Hoa, Nhật Bản, Mông Cổ, Tây Tạng, Cao Miên, Lào, Thái, Miến… đều do triều đình bảo trợ hoặc do toàn thể tứ chúng phát Bồ Ðề tâm hỗ trợ bằng mọi phương tiện từ tịnh tài đến công sức. Hòa Thượng Tịnh Hạnh từng bảo: “Ấn tống kinh có thể không cần đến quốc gia hỗ trợ, nhưng không thể thiếu sự hỗ trợ của tứ chúng”. Mới đây, vào khoảng năm 1995-2000, khi chùa Hải Ấn của Nam Hàn lập dự án thực hiện phiên bản điện tử Cao Ly Ðại Tạng Kinh, mặc dù chùa Hải Ấn được xếp vào quốc tự, tông Chogye (Tào Khê) rất mạnh, có rất nhiều tự viện chi nhánh khắp Ðại Hàn, họ vẫn phải nhờ đến sự bảo trợ của các đại công ty như Huyndai, Sam Sung... mới hoàn thành nổi. Hoặc công trình đưa Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh lên mạng internet và thực hiện CD Ðại Tạng Kinh của Trung Hoa Ðiện Tử Phật Ðiện Hiệp Hội (CBETA) cũng phải cần đến sự hỗ trợ của chính quyền Ðài Loan, các viện đại học quốc lập và tổ chức Ấn Thuận Cơ Kim Hội.
So ra, tầm vóc của hai công trình này xét trong một chừng mực nào đó, nhỏ hơn công trình phiên dịch Ðại Tạng Kinh của Việt Nam ta rất nhiều vì họ không phải dịch thuật, chứng nghĩa, hiệu đính, biên tập, chú thích như các Hòa Thượng, Thượng Tọa, giáo sư của chúng ta đang phải làm. Họ chỉ cần đánh máy văn bản, kiểm giảo, trình bày mỹ thuật, thiết lập các kho dữ liệu (database) để giúp cho việc truy tầm (query) các bản kinh theo thứ tự tác giả, đề mục một cách dễ dàng hơn. Do đó, muốn cho công tác ấn loát Ðại Tạng Kinh không bị mai một, Ban Phiên Dịch Ðại Tạng Kinh Việt Nam rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của tứ chúng Việt Nam khắp năm châu.
Ðể hình dung tầm vóc vĩ đại của sự nghiệp phiên dịch Ðại Tạng Kinh này, xin hãy nhớ là Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh bằng tiếng Hán gồm 100 tập. Tính bình quân, mỗi tập không kể phần mục lục là 946 trang, mỗi trang được chia thành 3 khung nhỏ, mỗi khung gồm 29 cột, mỗi cột gồm 17 chữ. Như vậy, tính đổ đồng, mỗi trang Ðại Chánh Tạng là 3 x 29 x 17 chữ = 1.479 chữ. Nếu trừ đi những chỗ chừa trống để ghi tựa đề kinh, số thứ tự kinh thì một tập Ðại Tạng Kinh gồm 946 trang x 1.479 chữ  1.399.000 chữ Hán (bỏ phần lẻ không tính).
Dĩ nhiên khi dịch ra tiếng Việt, bản kinh văn sẽ phải dài hơn nữa vì tiếng Hán quá hàm súc. Bộ Ðại Bát Nhã 600 quyển do ngài Huyền Trang dịch chiếm hết 3 tập của Ðại Tạng Kinh, bản dịch tiếng Việt của Hòa Thượng Trí Nghiêm khi ấn tống phải chia thành 24 tập. Mỗi tập trung bình gồm 769 trang (đó là số trang in chánh kinh của tập mỏng nhất, đã loại ra những trang đầu, trang mục lục…), mỗi trang 24 dòng, mỗi dòng trung bình 11 chữ. Như vậy, Hòa Thượng đã phải viết tất cả 24 x 769 x 24 x 11 = 4.872.384 chữ Việt trong suốt mười năm âm thầm miệt mài dịch thuật trên đỉnh núi Trại Thủy, Nha Trang. Bản dịch kinh Ðại Bát Nhã của Hòa Thượng chưa có phần khảo đính và chú thích mà đã dài như thế, huống hồ là bản dịch Ðại Tạng của Hòa Thượng Tịnh Hạnh và chư tôn túc sẽ dài đến thế nào!
Sau khi phiên dịch, công tác quan trọng nhất là hiệu đính, kiểm giảo, nhuận sắc và chú thích. Muốn cho việc này được viên mãn, thuận lợi, chư vị trong ban dịch kinh cần phải có một tòa nhà lớn để chư vị dịch sư, bút thọ, chứng nghĩa có thể trực tiếp trao đổi, bàn bạc về những điểm dị biệt trong các văn bản cũng như có đầy đủ những phương tiện hiện đại để mức độ tinh xác của bản dịch được đảm bảo đến tột bậc. Vì lẽ đó, việc xây dựng một viện dịch kinh là điều tối cần thiết. Thử tưởng tượng, nếu không có viện dịch kinh, chư tôn túc mỗi người một chỗ, kẻ Nam người Bắc, với phương tiện viễn thông còn hạn chế, sơ khai ở quê nhà, việc chứng nghĩa, nhuận sắc kinh điển qua thư từ, điện thư sẽ khó lòng tránh khỏi những sai sót! Kinh phí dự trù khá lớn, nhưng với sự góp công, góp của của bao Phật tử trên khắp thế giới, chắc chắn việc xây dựng viện dịch kinh sẽ hoàn thành.
Nhìn vào danh sách các vị tôn túc trong ban dịch kinh, chúng ta không khỏi lo lắng. Những vị cao tăng, học giả thạc đức, quảng văn ấy người trẻ nhất tuổi đã 60, không biết vô thường sẽ xảy đến lúc nào. Một mai khi thế hệ tinh thông Hán văn và thâm hiểu nội điển ấy mất đi, những Tăng chúng hậu duệ nói riêng và những người Phật tử như chúng ta biết nhờ vào đâu để lãnh hội được những huyền nghĩa của Phật, của Tổ? Thêm nữa, nếu việc phiên dịch Ðại Tạng Kinh được hoàn thành viên mãn, chúng ta sẽ có được những bản dịch tinh xác, không sợ kinh điển tôn quý của đức Từ Phụ bị sai sót vì lỗi lầm dịch thuật hay ấn loát. Bản Ðại Tạng Kinh đó sẽ là một bản tiêu chuẩn để mỗi khi ấn tống, trùng ấn một bản kinh nào đó, chúng ta luôn có một bản chuẩn để so sánh, kiểm giảo, giảm thiểu tối đa những sai sót không nên có.
Nếu tứ chúng, nhất là hàng Phật tử tại gia phát tâm mạnh mẽ trong công cuộc ấn tống, chúng ta sẽ có được những bản in công phu, chính xác trên giấy tốt, giữ được cả trăm năm. Thiết nghĩ, để hỗ trợ công cuộc ấn tống Ðại Tạng Kinh này, ngoài việc tùy phần tùy lực đóng góp tịnh tài của mỗi cá nhân, chúng ta hãy nên tích cực vận động sao cho mỗi chùa có được một bộ Ðại Tạng Kinh. Theo ước tính của Hòa Thượng Tịnh Hạnh, một bộ Ðại Tạng Kinh Việt Nam trị giá 5.500 dollars. Số tiền này không nhỏ so với túi tiền của một cá nhân, nhưng với khả năng của cả một đạo tràng hay toàn thể tín chúng của một tự viện thì số tiền ấy không đến nỗi vượt quá tầm tay. Khi thỉnh một bộ Ðại Tạng cho ngôi chùa Việt Nam nơi địa phương chúng ta, không những chúng ta đã góp phần hỗ trợ việc ấn tống Ðại Tạng Kinh, mà còn đã góp phần gìn giữ pháp bảo, góp phần thiệu long Phật chủng ngay tại ngôi chùa yêu mến của mỗi người Phật tử.
Hỗ trợ công cuộc phiên dịch ấn tống Ðại Tạng Kinh này không những chỉ để bồi dưỡng pháp thân huệ mạng cho hàng ngũ Tăng Ni mà cũng chính là để bồi dưỡng pháp thân huệ mạng của chúng ta. Chắc chắn, những người học Phật sơ cơ như chúng ta không thể đọc hết Ðại Tạng Kinh, nhưng nếu các vị Tăng Ni nhờ vào Ðại Tạng được học hiểu giáo pháp đến nơi đến chốn, họ sẽ hướng dẫn chúng ta rất hiệu quả trên con đường học đạo và tu tập. Thêm nữa, ngoài phần kinh điển được dịch từ Hán Tạng, Ðại Tạng Kinh Việt Nam còn bao gồm những kinh điển theo hệ thống Nam Truyền, Tạng Mật cũng như các trước tác của chư Tổ Việt Nam. Như vậy, không những chúng ta chỉ được thụ hưởng pháp nhũ từ Hán Tạng mà còn được ân triêm cam lộ từ đủ mọi truyền thống Phật giáo trên thế giới.
Không những chỉ bồi dưỡng pháp thân huệ mạng không thôi, góp phần ấn tống Ðại Tạng Kinh còn là một việc công đức vô lượng. Trong kinh Phật thường dạy trong các pháp bố thí, Pháp Thí công đức vĩ đại nhất. Vĩ đại vì pháp thí giúp cho chúng sanh thoát khỏi luân hồi, chứng nhập giác ngộ, trở lại hóa độ chúng sanh khác. Do đó, việc ấn tống Ðại Tạng Kinh đây quả là một pháp thí chẳng thể nghĩ bàn vì ấn tống Ðại Tạng kinh chính là ấn tống tất cả giáo pháp, tâm huyết của chư Phật, chư Tổ! Kinh thường xưng tán công đức biên chép một bài kệ bốn câu đã là vô lượng, nay chúng ta đã có thể góp phần ấn loát cả một đời giáo pháp của chư Phật, chư Tổ, lẽ nào công đức ấy lại chẳng nhiều bằng vô lượng lần công đức biên chép một bài kệ bốn câu hay sao? Khi xưa, cổ nhân đã từng chích máu chép kinh, chép một chữ cúi lạy một lễ; thêu kinh trên lụa, mỗi mũi kim là một tiếng niệm Phật. Theo kinh Ðại Bát Niết Bàn, đức Bổn Sư đã sẵn sàng moi tim, chẻ tủy dâng cho quỷ La Sát để được nghe một bài kệ bốn câu. Lũ chúng ta trong đời ác ngũ trược, phiền não trùng trùng, lưới mê dày đặc gặp được dịp gieo trồng ruộng phước, vun xới hạt giống Bồ Ðề này, lẽ nào cam tâm ngoảnh mặt làm ngơ để đến nỗi tâm huyết của chư cổ đức, của các bậc tôn túc trong thời hiện đại đành như cơn gió thoảng hay sao?
Chính vì tầm quan trọng của công trình vĩ đại này đối với sự tồn tại và hưng thịnh của Phật giáo nước nhà, ban biên tập trang nhà Di Ðà Nguyện Hải chúng con khẩn thiết kêu gọi và ngưỡng mong tất cả chư tôn đức, tự viện, trang nhà Phật giáo, các nguồn thông tin đại chúng, và hết thảy chư Phật tử Việt Nam trên toàn thế giới hãy dũng mãnh phát Bồ Ðề Tâm, cùng nhau đồng tâm nhất chí, tận lực cổ vũ, vận động cũng như đóng góp bằng mọi phương tiện cho công trình này, để trong một tương lai không xa tất cả chúng ta sẽ cùng được hưởng pháp lạc vô biên từ bộ Ðại Tạng Kinh bằng tiếng mẹ đẻ. Chúng con cũng xin thành tâm khấn nguyện chư Phật, chư Bồ Tát, cùng chư vị long thần hộ pháp từ bi gia hộ cho công trình phiên dịch này được hoàn thành mỹ mãn.
Nam Mô A Di Ðà Phật tác đại chứng minh.
Ban biên tập trang nhà Di Ðà Nguyện Hải kính bạch

Nguồn: Website Di Đà Nguyện Hải - http://www.niemphat.net/

    « Xem chương trước «      « Sách này có 25 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Kinh Bi Hoa


Học Phật Đúng Pháp


Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.16.212.44 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...