Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở »» PHẦN I. GIỮA CHỐN CUNG VÀNG - XỨ PHẬT NHIỆM MẦU »»

Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở
»» PHẦN I. GIỮA CHỐN CUNG VÀNG - XỨ PHẬT NHIỆM MẦU

Donate

(Lượt xem: 3.028)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở - PHẦN I. GIỮA CHỐN CUNG VÀNG - XỨ PHẬT NHIỆM MẦU

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tôi đặt bút viết về chuyến hành hương này vào lúc 9 giờ 10 phút sáng, ngày 12 tháng 3 năm 1994, tại Tu Viện Sri Naga Piriven Viharaya. Một tu viện nhỏ chuyên đào tạo những chú tiểu sa di từ 8 đến 19 tuổi, tại tỉnh Weliweriya, nằm cách Colombo, thủ đô Tích Lan, gần 30 cây số.

Sở dĩ tôi có được chuyến đi này cũng nhờ Đại Đức Seelawansa, người Tích Lan, đã du học ở Áo hơn 11 năm qua, đã làm xong luận án Tiến Sĩ và hiện đang dạy tại Đại Học Wien về triết học Phật Giáo. Cách đây một năm Đại Đức đã cùng với Phái đoàn Phật tử Việt Nam tại Áo sang viếng chùa Viên Giác tại Hannover và Đại Đức có nhã ý mời tôi sang Tích Lan thăm một chuyến cho biết. Tôi đã đồng ý và đề nghị về chuyến đi này. Đó là lý do tại sao tôi có mặt tại Tích Lan.

Trước khi Đại Đức dẫn Phái đoàn Phật tử Áo đi Ấn Độ, tôi đã cho biết về ngày giờ đến Tích Lan bằng hãng máy bay Air Lanka, nhưng vì lý do kỹ thuật, người bán vé đã đổi lại, tôi phải đi hãng KLM của Hòa Lan. Trên nguyên tắc, tôi chỉ đến sau máy bay Air Lanka 20 phút, nên không phải báo tin. Nhưng để chắc chắn hơn, trước đó 4 ngày tôi đã đánh điện tín từ Đức để báo tin giờ đến của KLM. Nhưng rủi thay là sau khi tôi đến chùa rồi, chiều đó điện tín mới đến, nên việc đón tôi tại sân bay có hơi trục trặc.

Nếu máy bay KLM không trục trặc kỹ thuật tại phi trường Amsterdam thì đến Colombo đúng 8 giờ sáng ngày 3/3/1994. Nhưng máy bay đến trễ gần 4 tiếng đồng hồ và Đại Đức không biết tôi đi bằng hãng KLM nên không đợi mà quay về Tu Viện, tìm cách điện thoại qua Đức để hỏi tin. Khi hay tin tôi đã đi rồi, Đại Đức lại một lần nữa ra phi trường để đón, trong khi đó tôi đã trên đường về Tu Viện Piriven rồi. Thế là mãi đến 4 giờ chiều chúng tôi mới gặp nhau tay bắt mặt mừng để kể lể về chuyện trục trặc của máy bay và bưu điện.

Khi tôi đón taxi về tu viện, người tài xế cũng chẳng biết tu viện nằm ở đâu vì địa phương Weliweriya nhỏ quá không có tên trên bản đồ. Tôi hỏi lại người tài xế taxi một lần nữa cho chắc là ông ta có biết rõ chùa ở đâu không. Ông ta mỉm cười và trả lời rằng: Hãy yên chí! Nhưng tôi chẳng yên chí được chút nào, tự hỏi không biết vì sao Đại Đức lại không đến đón, vì tôi nghĩ là điện tín đã đến rồi. Còn Đại Đức cũng chẳng hiểu vì sao tôi không đến, nên trong mấy tiếng đồng hồ chưa gặp nhau, cả Đại Đức và tôi đều không an tâm chút nào.

Người tài xế taxi càng lái đi sâu vào làng quê, tôi càng lo nhiều hơn, vì chung quanh chỉ thấy toàn là đồng ruộng, trâu bò và đặc biệt là ở đâu cũng thấy dừa tươi. Dừa ở đây có hai loại. Loại màu vàng chỉ dùng để lấy nước uống, loại màu xanh ngoài việc dùng để uống còn lấy cơm dừa để dùng chung trong các thực phẩm hằng ngày.

Sau hơn một tiếng đồng hồ, xe taxi đã đưa tôi đến tu viện với một chút ngỡ ngàng của chính mình và với bao nỗi ngạc nhiên tò mò của các chú tiểu cũng như của bao nhiêu người chung quanh. Họ đứng thành từng hàng để xem tôi và mỉm cười thật duyên dáng. Có một số ít biết tiếng Anh, còn bao nhiêu thì nói tiếng Shingalese.

Người giúp việc mang hành lý tôi vào phòng và nói bằng tiếng Anh:

- Đây là phòng của Thầy.

Trong phòng có mấy người Áo đang ngồi chờ Đại Đức Seelawansa từ phi trường về sau một chuyến hành trình dài trước đó.

Nhìn lên tường thấy mấy hình chụp tại Áo, cảm thấy gần gũi, nhưng khi bỏ dép để vào phòng và ra nhà vệ sinh thì một cảm giác khó nghĩ lạ lùng đã làm cho tôi bàng hoàng khó tả. Cũng may là trước đó tôi đã hỏi Đại Đức phải làm sao khi đến Tích Lan và tôi đã được một vài hướng dẫn cũng như nhờ đọc sách nên đã biết một vài phong tục tại đây, nhưng trên thực tế và sách vở khác nhau khá xa vời. Cũng như khi tôi viết những dòng chữ này, cũng chỉ thể hiện được phần nào qua ngôn ngữ chứ không là tất cả. Chỉ khi nào quý vị tự mình đặt chân đến đây rồi mới cảm nhận được. Vì vậy Đức Phật đã dạy rằng: “Chỉ có người khát nước, khi uống nước mới biết sự đã khát như thế nào.” Dầu có diễn tả tinh tế bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể nào trọn vẹn được.

Cũng may là tôi đã không mang giày, vì các xứ Phật giáo Nam Tông cấm việc này. Được quyền mang dép, nhưng phải là loại không có quai sau. Đó cũng là lời dặn của Đại Đức Seelawansa.

Trước đây mấy năm tôi đã có lần viếng thăm Ấn Độ và Thái Lan, nên cũng có chút kinh nghiệm về các xứ này. Họ không dùng nĩa, đũa và đặc biệt là không dùng giấy vệ sinh. Nên lần này tôi đã chuẩn bị đầy đủ. Ngay cả mấy gói mì chay và một số thức ăn chay cũng đã được cụ bị trước.

Cũng may là Đại Đức biết khá nhiều về phong tục Việt Nam và Phật giáo Đại Thừa nên tôi cũng đỡ khổ. Nhưng bước đầu bao giờ cũng vậy, không dễ dàng đơn giản khi một người sống ở xứ này đi qua xứ khác. Mặc dầu tôi đã sống ở ngoại quốc hơn 22 năm và từng đi thăm năm sáu chục nước trên thế giới, nhưng mỗi nước có một phong tục riêng, hay có dở có, cần phải làm quen mới biết được.

Nếu quý vị không ăn cà-ri của Ấn Độ và Tích Lan thì không thể nào biết vị cay xé cổ như thế nào. Cũng như nếu đi hành hương có người chuyên môn hướng dẫn, ở khách sạn 4, 5 sao thì làm sao biết được cái tận cùng của một xã hội. Riêng tôi, mỗi khi đi đến đâu thường chọn những khách sạn “ngàn sao” hoặc nhiều sao dân dã thì thấy thú vị hơn. Khách sạn nhiều sao là khách sạn đơn giản, nằm trong phòng nhìn qua cửa sổ thấy được nhiều ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Còn khách sạn “ngàn sao” là những lúc phải ngủ nghỉ ngay ngoài trời, có thể ngửa mặt đếm được cả ngàn sao trong suốt đêm thâu. Đây là một sự mạo hiểm, nếu không rành ngôn ngữ quý vị sẽ không thực hiện được.

Vào lúc 17 giờ chiều hôm đó, ngày 3/3/1994, người dân cả làng này đã dành cho tôi một sự ngạc nhiên vô cùng thích thú. Có ông trưởng làng che lọng cho tôi và Đại Đức đi vào làng cùng cả hàng trăm vũ công tí hon của trường mẫu giáo thuộc tu viện. Dẫn đầu là một toán vũ công chuyên nghiệp chơi những điệu trống dân tộc theo truyền thống Phật giáo. Sau đó là hàng hàng lớp lớp những vũ khúc khác nhau tuyệt đẹp được biểu diễn. Một em Phật tử đến dâng đĩa hoa trắng có mùi thơm tuyệt diệu. Đó là một loại hoa sứ ở quê hương mình.

Tôi hỏi Đại Đức lúc này phải làm sao? Đại Đức bảo:

- Hãy nhận lấy rồi đưa sang cho một em khác.

Tôi đã nhận đĩa hoa. Đoạn em bé này phủ phục dưới chân tôi, lạy 3 lạy rồi đứng dậy mang khay lễ tiến về hội trường.

Phật tử trong làng ra đón rước

Khi gần đến hội trường có khoảng 20 chú tiểu dâng hoa một lần nữa và đảnh lễ tôi cũng như Đại Đức rồi tất cả đều được rước vào hội trường.

Đầu tiên, vị xướng ngôn viên cho biết chương trình buổi lễ. Sau đó từng tiết mục được thông qua.

Sau khi giới thiệu người khách quý đến từ phương xa Âu Châu hẻo lánh và có xuất xứ từ Việt Nam, quý Sư mời tôi châm đèn cùng với quý vị khách đến từ Áo quốc cũng như các ông bà trưởng lão trong làng.

Đèn có hình bánh xe pháp luân, 8 que, rất đẹp, tượng trưng cho trí tuệ từ những bậc trưởng thượng thắp sáng lên cho các thế hệ tương lai.

Một vị nữ Phật tử cao tuổi trong làng đã giới thiệu sơ qua về sự giáo dục con trẻ trong làng qua tinh thần Phật Giáo và sau đó là lễ phát phần thưởng cho các em học sinh xuất sắc. Cuối cùng là phát biểu cảm tưởng của tôi cũng như một buổi lễ cầu nguyện ngắn để chấm dứt buổi lễ sau hơn 3 tiếng đồng hồ.

Đến đây mới biết rằng sự giáo dục của Phật Giáo tại Tích Lan đã đi vào quần chúng từ mấy ngàn năm nay. Từ đứa bé 2, 3 tuổi cho đến những bậc trưởng thượng, không ai là không biết sự lợi ích của đạo Phật ứng dụng vào đời sống hằng ngày như thế nào. Tại Tích Lan không có chế độ đi khất thực như ở Thái Lan, nhưng mỗi gia đình Phật tử trong làng tự chia phiên mang thức ăn đến chùa cúng dường quý Sư, mỗi ngày gồm 2 bữa: sáng và trưa. Mỗi ngày chỉ có một gia đình được lo việc cúng dường, nên nếu trong làng ấy có 120 gia đình thì phải 4 tháng sau mới đến phiên trở lại. Họ rất hoan hỷ để dâng lên chư Tăng trong khả năng những gì họ có, nhưng chỉ là thức ăn và vật dụng, còn tiền bạc thì rất hiếm thấy.

Trong khi đó, những vị Sư có trách nhiệm dạy dỗ con cái họ theo tinh thần Phật giáo, không đặt ra một điều kiện nào cả. Quả thật Đạo Phật ở đây đã đi sâu vào quần chúng.

Dầu có vài nhà thờ ngự trị ở đất Phật này khi người Anh chiếm Tích Lan để làm thuộc địa, nhưng không thể sánh bằng Phật giáo, cũng giống như ở Nhật Bản. Hơn 200 năm đạo Thiên Chúa đã có mặt tại Nhật Bản, nhưng chưa đến một phần trăm dân chúng hưởng ứng. Có lẽ nhờ sự giáo dục chặt chẽ ấy nên người Phật tử đã vững lòng tin nơi Phật giáo.

Còn Việt Nam chúng ta thì quá bừa bãi về đức tin. Nhất là những gia đình đã theo Phật giáo nhiều đời, nhưng khi lấy chồng hoặc lấy vợ thì cải đạo một cách dễ dàng. Phải chăng do đức tin không vững? Lỗi ấy do từ Giáo Hội một phần, mà phần chính cũng do sự giáo dục gia đình của những người Phật tử nữa.

Các vị Sư ở đây hầu hết có trình độ rất cao. Hầu như ai cũng biết rành tiếng Pali cũng như giáo lý căn bản của đạo Phật, thấp nhất là Trung học và cao hơn là tốt nghiệp Đại học, Cao học, Tiến Sĩ v.v... Nhìn chung thì các chùa không lớn như ở Thái Lan, Trung Hoa, Nhật Bản, nhưng ở đây cả giới tăng sĩ lẫn cư sĩ đều có đức tin rất vững vàng. Vì thế nên Phật Giáo mới được gọi là Quốc giáo.

Bên Phật giáo Tiểu thừa hay Nam tông, các vị Sư ăn sáng và ngọ trai, không ăn chiều, nhưng có thể ăn mặn. Còn tôi thì ăn ngày 3 bữa và chay tịnh nên cũng hơi khác biệt ở một số nơi tôi đến, nhưng Đại Đức Seelawansa đã giải thích và cuối cùng thì mọi người đều đã hiểu.

Tôi ở lại tu viện này từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 3, được sống lại một thời làm “điệu” (chú tiểu) tại chốn tổ đình Phước Lâm, ở Hội An từ hơn 30 năm trước.

Một vị Sư Giáo Thọ lo việc dạy dỗ các chú tiểu, mỗi sáng 4 giờ rưỡi đã đánh thức các chú dậy rồi. 5 giờ là giờ ngồi thiền, sau đó từng chú phải trả bài thuộc lòng cho vị Giáo Thọ bằng tiếng Pali và tiếng Shingalese. Đến 7 giờ tất cả đều lên Điện Phật để lễ Phật.

Đặc biệt điện thờ Phật ở Tích Lan rất nhỏ, ngồi chừng khoảng 50 người là chật. Tôi đi nhiều chùa vẫn thấy thế. Trong ấy chỉ tôn thờ một tượng Phật Thích Ca. Phía trước là bàn thờ, chỉ cúng hoa tươi và dâng đèn dầu lên Phật hằng ngày hai buổi sáng chiều. Chỉ có trường học trong chùa là lớn nhất, sau đó mới đến nhà ở và các tiện nghi khác.

Sau khi các chú tiểu lễ Phật xong, đến đảnh lễ vị Sư trụ trì, rồi đến đảnh lễ tôi. Họ rất tươi vui và quỳ mọp xuống bàn chân để thi lễ, trông thật dễ thương vô cùng. Quả thật giữa người nhận lễ và người thi lễ không có gì xa cách cả. Đó chỉ là một hình thức chào hỏi các bậc trưởng thượng, nhưng ảnh hưởng tinh thần Phật Giáo rất nhiều, trong tinh thần vị tha, vô ngã. Thật là những đóa hoa quý hằng ngày đã được mang tặng cho nhau bằng niềm tin và nếp sống đạo.

8 giờ sáng thì các chú tiểu điểm tâm. Một lần, tôi tò mò muốn xem các chú ăn gì vào buổi sáng. Tôi nhận ra thức ăn chỉ gồm một gói cơm đỏ, chút đường cát và vài quả chuối. Chỉ có thế thôi. Nhìn thấy tôi, các chú thẹn thùng và cười duyên, trông thật dễ thương. Quả thật người đáng thẹn là tôi mới đúng, vì tôi sống tại một xã hội Tây Phương quá đầy đủ tiện nghi và nếu không hướng về nội tâm thì dễ xa cách với đời sống tinh thần nguyên thủy.

Sau đó các chú đi xách nước tưới cây, làm ruộng, trộn hồ xây chùa và đi học, cho đến 11 giờ trưa là giờ ngọ trai của tu viện.

Các thí chủ mang đủ cá thịt, đồ chay, trái cây đến dâng lên chư Tăng. Chư Tăng tụng kinh cầu nguyện và ban phước cho Phật tử. Trước khi ăn ai cũng rửa tay, vì ở đây không dùng đũa. Đặc biệt cũng không thấy dùng bát như ở Thái Lan hay Việt Nam, chỉ dùng dĩa mà thôi.

Tôi cũng tò mò để ý xem vị Sư trụ trì cũng như các chú tiểu ngủ như thế nào. Riêng tôi thì có một cái mùng che muỗi, còn các vị ấy chẳng có gì, không biết vì muỗi đã quen với da thịt của các vị ấy hay sao mà chẳng thấy ai có mùng. Hoặc giả chùa nghèo quá không sắm nổi những cái mùng che muỗi? Nhưng tôi thật không biết lý do. Có thể quý vị ấy cho như thế là đủ, chẳng cần đòi hỏi gì thêm chăng? Đó phải chăng là tu hạnh “biết đủ”? Quả thật, dù ở đời hay trong đạo cũng vậy, cái gì mình thấy đủ tức đã đủ rồi, còn mong cầu cho được đủ rất ít khi được mãn nguyện.

Còn chuyện mặc thì sao? Họ chỉ có ba tấm y đúng như luật Phật dạy, y thượng, y trung và y hạ. Rất đơn giản. Khi ngủ, y cũng là mền để đắp. Khi thức, y là pháp thân huệ mạng.

Khi tắm, họ ra giếng ngoài vườn hoặc một ao nước hay sông lạch nào đó. Tất cả đều do nước làm sạch cho con người. Khi mọi vật dơ con người đều lấy nước để rửa sạch, nhưng khi tâm con người dơ chắc chắn không dùng nước để rửa, mà phải dùng đến phương pháp tu hành như tụng kinh, trì giới và sám hối mới có thể làm cho thân tâm được thanh tịnh.

Đại tiểu tiện họ không dùng giấy mà chỉ dùng toàn bằng nước và lấy tay trái để dùng. Trong 5 ngón tay ấy tượng trưng cho cha, mẹ, mình, tình và bạn. 2 ngón cuối cùng dùng để rửa trôn. Ý nói một người tu hành lánh xa thế tục phải quên đi tất cả những gì riêng tư của mình, mà hãy xem đại thể là trọng, còn cá nhân chẳng có gì cả. Cho nên khi dùng cơm họ chỉ dùng tay phải, còn tay trái hầu như không dùng đến.

Một vị Tăng Sĩ có hỏi tôi là Tích Lan như thế nào?

Tôi trả lời là đẹp lắm, rất đẹp về mọi phương diện, từ tâm hồn con người cho đến phong cảnh. Nhưng để cho đẹp hơn nữa thì phải cải thiện những phương tiện vệ sinh công cộng. Vì nhiều người Âu Mỹ đến đây rất khó thích nghi với cuộc sống này. Dĩ nhiên, ở khách sạn thì việc ấy không thành vấn đề, nhưng để đi vào cuộc sống quần chúng thì những việc sơ đẳng ấy ắt phải được thực hiện.

So với xã hội Ấn Độ thì Tích Lan là mẫu mực. Vì Ấn Độ ảnh hưởng về Ấn Giáo nên giai cấp và sự nghèo giàu đã làm cho con người ngăn cách nhau rõ rệt, còn Tích Lan ảnh hưởng Phật Giáo rất sâu đậm, nên giàu nghèo hầu như rất ít phân biệt và đặc biệt nhất là nơi tư tưởng của con người. Ở Tích Lan ít thấy trộm cắp và ăn xin như ở Ấn Độ.

Suốt dọc đường tôi thấy khoảng 10 quán bán rau cải đồ chay mới có một quán bán thịt cá. Quả thật nhờ Phật Giáo mà các con vật được tôn trọng chăng? Mặc dầu các vị Sư vẫn dùng thức ăn mặn của Phật tử mang đến, nhưng cứ 10 món chay mới có một món mặn và tôi cũng đoán chắc một điều là ngày xưa đệ tử của Phật cũng như chính Đức Phật đã dùng mặn chứ không dùng chay, nhưng khi Kỳ Na giáo chủ trương chỉ dùng chay không dùng mặn, thì Đức Phật lại một lần nữa căn dặn các đệ tử rằng: “Để đi theo tôn chỉ Đại Thừa, nhằm tôn trọng sinh mạng của chúng sanh nên dùng chay hơn là dùng mặn.”

Cũng từ đó các nước theo Phật Giáo Đại Thừa chỉ dùng chay chứ không dùng mặn. Tuy nhiên, Đại Thừa như Nhật Bản và Tế Điên Hòa Thượng vẫn dùng mặn chứ chẳng dùng chay. Vì có lần Hòa Thượng Tế Điên nói rằng chính những vị Tăng trong chùa Thiếu Lâm miệng ăn chay mà tâm vẫn còn suy nghĩ việc mặn. Còn Ngài tuy miệng ăn mặn nhưng tâm lúc nào cũng chay tịnh, nên Ngài thản nhiên dùng mặn chứ chẳng dùng chay. Nhưng trong chúng ta mấy ai được như Tế Điên Hòa Thượng?

Buổi tối trong chùa thường yên tịnh. Các chú tiểu đọc kinh sách và thăm viếng nhau, còn tôi được đưa đến một nhà Phật tử thuần thành để dùng cơm tối. Mỗi lần đến gia đình Phật tử này, họ đem một khăn trắng ra để trải nơi ghế ngồi, mời tôi và một vị Sư đi cùng ngồi xuống đó, đoạn cả gia đình thi lễ rất cung kính, sau đó mời tôi dùng cơm. Đặc biệt khi nói chuyện với các vị Sư, cư sĩ không cùng ngồi để nói chuyện mà đứng suốt cả tiếng đồng hồ. Trong khi đó ở Thái Lan thì phải ngồi chứ không được đứng và sau khi chư Tăng dùng xong thì cư sĩ mới được dùng.

Việt Nam chúng ta thì có vẻ trung hòa hơn. Phật tử và chư Tăng nhiều khi ngồi ngang nhau cũng như cùng dùng cơm chung với nhau. Đó cũng là một điểm hay, nhưng khi các Phật tử Việt Nam đi đến những nước khác cũng nên thi lễ như các Phật tử địa phương thì mới thích hợp hơn và cũng đừng nên thắc mắc là tại sao không giống như ở nước mình, vì mỗi nơi có một phong tục và một tập quán khác nhau, không thể nói đâu là tốt hơn hoặc xấu hơn được. Nếu có, chỉ là sự tương đối mà thôi và những gì đã thành thói quen rồi thì chỉ có thời gian mới thay đổi được.

Trong 3 ngày này, một người Phật tử Áo có quay phim tất cả các lễ lộc tại chùa cũng như lễ chúc thọ vị Sư trụ trì ở tuổi 73. Nếu quý Phật tử nào cần phim này, xin liên lạc về chùa Viên Giác, chúng tôi sẽ gởi đến quý vị xem cho biết để chuẩn bị cho một chuyến hành trình đi về Đông Phương xa xôi nhưng rất hữu ích cho cuộc sống tâm linh của mình.

Vào ngày 4 tháng 3, tôi có dịp sang Colombo đi thăm một ngôi chùa cổ xưa hơn 1.000 năm tuổi, to lớn, đồ sộ. Đặc biệt bất cứ người tăng sĩ hay cư sĩ Âu, Mỹ hay Á Châu nào, khi vào tháp và sân chùa đều phải bỏ giày, dép và đi chân trần vào làm lễ.

Tôi đã đi giày dép mấy mươi năm nay, chỉ bỏ giày dép khi vào phòng vào nhà, còn ở đây bỏ giày dép từ ngoài sân với độ nóng chừng 30 - 400C, quả là điều cũng khó làm. Không phải sân chùa nào cũng lót gạch bằng phẳng, mà ở đây toàn cát và sạn lổm chổm. Quả cũng là một thử thách lớn vô cùng với tôi. Ai đi cũng tự nhiên, còn mình thì nhớm lên, nhớm xuống, thật chẳng giống ai.

Trên đường đi Colombo, chúng tôi ghé thăm một vị Bộ trưởng về Phật Giáo nơi dinh của vị này làm việc. Ông ta là một cư sĩ, nhưng rất thuần thành. Là một nhân viên của chính phủ, nhưng khi chư Tăng đến, ông ta thi lễ hẳn hoi như bao nhiêu người Phật tử bình thường khác. Chúng tôi đã trao đổi các Phật sự tại Âu Châu cũng như Tích Lan và hy vọng Phật Giáo tại các Châu càng ngày càng gần gũi với nhau hơn.

Đi đến bất cứ nơi nào tại Tích Lan hay nói chung trên thế giới cũng thấy toàn là khách du lịch người Đức. Tôi đã nói tiếng Đức trong chuyến hành hương này nhiều hơn là tiếng Anh. Vì ở đâu cũng gặp toàn là người Đức. Người Áo và Hòa Lan cũng như Anh và Pháp thì thỉnh thoảng mới thấy một vài người. Người Nhật lại ít hơn ở nơi đây. Tại đây chỉ có những người nào muốn tìm vào chốn nội tâm thâm diệu thì mới đến. Nếu muốn ăn chơi hưởng thụ thì ở tại Tích Lan này thấy chẳng có gì đáng nói ngoài cái nắng cháy da vì gần đường xích đạo và có một bãi bể thật là thơ mộng.

Tôi đến đây để tự quên cái tự ngã của mình là một “phú Tăng” như bao nhiêu người đã gọi. Một người tu có thể có 5, 7 triệu Đức Mã trong tay, nhưng tất cả tiền tài ấy đều do Phật tử đóng góp cho chuyện chung đại sự, tôi không và chưa bao giờ nghĩ đó là của mình và khi đến đây tôi thấy nhiều vị Sư trụ trì là Tiến Sĩ, Cao học, là Viện trưởng của các Đại Học Phật Giáo danh tiếng nhưng vẫn đi chùi cầu tiêu và sống vô sản hoàn toàn. Đúng là đời chẳng có gì đáng nói. Sống đó rồi chết đó, thân cát bụi sẽ trả về với cát bụi, danh mà chi, lợi mà chi. Tôi rất thoải mái để trở về với cái bản lai diện mục của mình, từ một con người rất tầm thường sinh ra tại một nơi quê hương bùn lầy nước đọng của xứ Quảng Nam nghèo nàn, quê mùa chất phác. Rồi may nhờ duyên Phật để ngày nay tôi có tất cả và tôi cũng được quyền xem đó như không tất cả. Chẳng có pháp hữu vi nào mà không biến thể, ngoại trừ chân lý nhiệm mầu mà thôi.

Trước khi đi hành hương sang Úc từ 27/12/1993 đến 20/1/1994 và đi Tích Lan từ ngày 2 đến 17/3/1994, tôi đã chứng kiến 2 cái chết của 2 người và tôi cũng muốn kể ra đây để thấy cái vô thường của cuộc sống là gì, để từ đó chúng ta nên sống cho tha nhân và trở lại với chính mình để được an ổn, tự tại và giải thoát.

Về cái chết thứ nhất. Đó là sự ra đi của thân mẫu Hạnh Tấn. Chú là đệ tử xuất gia của tôi, hiện tu học tại Ấn Độ và đang làm luận án Tiến sĩ để trình cho Đại Học Hannover trong vài ba năm nữa.

Cách đây khoảng 10 năm. Hồi ấy là 1984, 1985 gì đó, Chú đang học năm thứ 2 tại Đại Học Hannover về chứng chỉ sinh hóa học. Chú thường đến chùa mượn sách để đọc và một hôm nọ sau chuyến hành trình dài bên Mỹ về thì chú vào gặp tôi và xin được đi tu. Tôi cũng đã khuyên chú như khuyên bao nhiêu người khác là việc tu không phải chỉ một ngày và cả một đời sống lúc nào cũng phải hiện thân là Tăng Sĩ mới xứng đáng, nên cần tập sự một thời gian để làm quen với cuộc sống của nhà Thiền.

Chú đồng ý và vào chùa để ở, học hỏi, tu niệm và thời gian chú quyết chí xuất gia cũng là lúc gia đình chú từ Việt Nam đã được sang đoàn tụ, gồm một người mẹ và 2 em gái. Bà là một Phật tử đã quy y Tam Bảo, nhưng khi nghe con mình sắp xuất gia đầu Phật thì tim bà chết lịm giữa một đất trời bao la vô tận và xa lạ này. Bà đòi về lại Việt Nam và dùng mọi lời mọi cách để trình bày với tôi là không nên dụ dỗ chú đi tu, để chú học hành cho thành tài để đền ơn sinh dưỡng của cha mẹ và nối dõi tông đường. Ngặt nỗi là gia đình chỉ có một mình chú là trai, không thể sống bất hiếu như thế được. Nhưng lòng chú đã quyết và cuối cùng rồi lễ thế phát cho chú cũng đã xong.

Bây giờ sau bao nhiêu năm tu niệm chú cũng đã thọ tỳ-kheo nhân lễ Hoàn Nguyện chùa Viên Giác vào đầu tháng 9 năm 93 vừa qua.

Khi chú chuẩn bị lên đường du học sang Ấn Độ, chùa có tổ chức một bữa tiệc mừng chú đi. Chú có phát nguyện rằng: “Thà mất mạng chứ không bỏ đạo.” Nghe câu ấy chắc mẹ chú không vui. Vì bà đinh ninh rằng chú sẽ phải hoàn tục chứ không thể ở suốt cuộc đời trong chùa mà không lo bổn phận của một người con trai khi thân phụ của chú không còn nữa.

Buổi tiệc đã qua, chú đã lên đường sang Ấn Độ cũng chính là lúc mẫu thân chú lâm trọng bịnh ung thư máu, đã đến giai đoạn thứ 3, mà tất cả các bác sĩ đều từ chối trị liệu. Bà vẫn chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chết và lúc nào cũng hy vọng, nhưng con cái thì không dám nói sự thật cho bà nghe, sợ bà buồn. Nhưng một hôm nọ tôi có nói với những người con rể và con gái của bà, là hãy nói khéo đi những điều mà bà cần phải biết, chứ để sau này thì muộn lắm. Cuối cùng rồi họ cũng đã nói ra những việc cần nói.

Chiều 26/12/1993, tôi cùng với chú Thiện Quang, bác Minh Tôn, sui gia với bà, và ông Helmut, một người Phật tử Đức hiện ở chùa Viên Giác, đi vào bệnh viện Siloa ở Hannover để thăm. Trước đó thì tôi đã đánh điện cho Hạnh Tấn rồi, nhưng điện tín tại Ấn Độ và Tích Lan chẳng có gì khác nhau, đi chậm hơn người. Khi Hạnh Tấn về Dehli mới nghe Thượng Tọa Chơn Thiện báo tin là đã nói chuyện với tôi qua điện thoại mới biết rằng có điện tín, bảo chú về vì thân mẫu đau nặng. Chú lo giấy tờ máy bay để về trong khi đó vẫn chưa nhận điện tín, nhưng qua Thầy Chơn Thiện báo tin chú đã tỏ rõ mọi việc.

Lúc ấy là 15 giờ 30 phút ngày 26/12/1993, chúng tôi đã có mặt tại giường bệnh của đạo hữu Diệu Thanh, thân mẫu của Hạnh Tấn. Hai cô con gái của bà cũng đang hiện diện.

Tôi thấy bà vẫn còn khỏe, khi trông thấy tôi, các cô con gái đã đánh thức bà dậy. Nhác trông hai bàn tay, tôi thấy sự chết chắc cũng gần kề. Ngồi một hồi lâu, chờ cho bà khỏe, nhưng không khỏe hơn. Chúng tôi bắt đầu tụng một thời kinh cầu an. Thời kinh mới đến giữa chừng, thì mắt bà bắt đầu từ từ nhắm lại, các con của bà đưa tay lên mũi bà thì không còn hơi thở nữa, tôi bắt đầu tụng sang chú vãng sanh và Bát-nhã, thay vì cầu an chuyển thành cầu siêu. Sau đó tôi nói một ít ý nghĩa về sự vô thường của cuộc đời, khi thân trung ấm của bà trong giai đoạn tốt nhất, nghĩa là khi tâm thức mới lìa trần.

Cái chết và sự sống rõ ràng quá và kề cận quá nhưng có mấy người để ý đâu. Sống cứ lo tranh nhau từng tiếng nói, gom góp từng đống bạc đống vàng, để rồi một ngày nào đó, chẳng biết là bao lâu khi hơi thở không còn nữa, nhưng đâu có ai biết lo trước về sự chết đâu. Tôi nghĩ bà Diệu Thanh cũng không tin là mình phải chết, nhưng sự chết như bà ta cũng rất ít người có được. Phải chăng nhờ pháp Phật nhiệm mầu đã cảm hóa bà ta và nhờ có người con đi tu nên người mẹ hưởng được một phần phước báu? Chết thì ai cũng chết, nhưng có nhiều cái chết rất có ý nghĩa. Tôi đi cả hằng ngàn đám ma, nhưng chưa có một cái chết nào an nhiên tự tại như cái chết này. Nhưng dẫu sao nó cũng chỉ nằm trong cái vô thường của cuộc đời mà thôi.

Cái chết thứ hai của Phật tử Lâm Đạo Tứ, pháp danh Thiện Niệm, ở Speyer cũng là một cái chết đáng nói.

Sau khi đi Úc về ngày 20/1/94 thì tôi nhận được điện thoại từ gia đình gọi đến nói là Tứ đang bịnh nặng. Bịnh sưng cơ tim và đang muốn ấn tống Kinh Dược Sư cũng như nhờ tôi xuống quy y cho Tứ và cho gia đình. Tứ đã ăn chay được 4 năm trường và đang đi làm cho một cơ quan từ thiện Thiên Chúa giáo tại Speyer. Gia đình cũng như cá nhân Tứ đóng góp rất nhiều cho chùa Viên Giác, nên tôi cũng có bổn phận hướng dẫn thật cặn kẽ những gì mà gia đình cần. Có một điều cũng hết sức quan trọng, theo gia đình cho biết là Tứ không chịu ăn mặn trong khi bịnh, mặc dầu bác sĩ đã khuyên. Gia đình có hỏi ý tôi. Tôi dẫn giải theo Luật Tạng, chứ không phải ý riêng của mình rằng tất cả mọi trường hợp đều có lỗi, nhưng trừ khi bịnh nặng theo lời khuyên của bác sĩ có thể dùng để lành bịnh, sau khi khỏi bệnh ăn chay lại cũng không sao. Thế là Tứ dùng mặn trở lại, mặc dầu trong tâm ý cũng không thấy thích thú mấy.

Sau Tết một tuần, vào ngày 18/2/94 tôi đến nhà để làm lễ quy y cho gia đình và cho một vị thọ Bồ Tát giới tại gia, sau đó tranh thủ thời giờ đến bệnh viện để thăm Tứ và nói về chuyện vô thường của cuộc đời. Khi các anh em của Tứ đưa tôi đến bệnh viện, Tứ còn khỏe lắm, thò tay vào túi áo lấy ra một phong bì đỏ, trong ấy có nhiều tờ giấy bạc thật mới tinh của thân nhân mới lì-xì cho Tứ vào dịp Tết. Tất cả 100 Đức Mã, hai tay Tứ cầm phong bì trao cho tôi và nói rằng:

- Bạch Thầy, cơn quốc nạn và pháp nạn bên nhà chưa sáng sủa, kính nhờ Thầy chuyển giùm số tiền này về để con giúp quý Thầy bên nhà.

Tôi cầm phong bao lì-xì mà lòng nghẹn ngào khó tả. Sau khi nói chuyện với Tứ độ 30 phút về vô thường, về khổ, không, vô ngã, tôi trao phái quy y cho Tứ với pháp danh Thiện Niệm. Tứ rất vui nhận được pháp danh đó và tôi có nói với Tứ rằng:

- Quả thật ở đời có rất nhiều người thân thể vẫn còn sống nhưng tâm họ bịnh hoạn vô cùng, trong khi Tứ thì khác, tuy thân bịnh nhưng tâm chẳng bịnh chút nào.

Tứ vui vẻ nhìn tôi và cầm tay tôi rà vào lồng ngực với quả tim còn nóng hổi để cảm nhận được rằng bệnh sưng cơ tim là bệnh càng khó trị và không thể nào sống lâu hơn nữa.

Lần này tôi cũng để ý đến hai bàn tay của Tứ trông giống của bà Diệu Thanh, thân mẫu của Hạnh Tấn, nên tôi có hỏi một câu cuối cùng là: Tứ có muốn nói gì nữa không?

Tứ bảo rằng:

- Nếu con có mệnh hệ nào, xin Thầy xuống giúp con.

Chỉ đơn giản có thế thôi, rồi tôi ra về.

Sau đó 2 hôm, vào buổi tối ngày 20 tháng 2 năm 1994, trong khi chờ xem phim Đại Hàn trên đài truyền hình ZDF về một đề tài rất hay mang tên là “Con Đường Đi Đến Sự Giác Ngộ” vào lúc 23 giờ 30, ngay lúc ấy tôi nhận được tin Tứ mất và tôi hướng dẫn mọi việc cần thiết cho việc tẩn liệm cũng như cho gia đình biết rằng ngày 25/2/1994 sẽ là ngày an táng Tứ, tôi sẽ có mặt tại Speyer theo như điều nguyện ước của Tứ. Thế là một sự ra đi nữa đã đến một cách đột ngột, Tứ mới chỉ 27 tuổi đời, lứa tuổi còn đẹp lắm nhưng mấy ai đã ngờ.

Trong 2 tiếng đồng hồ xem phim, tôi đã liên tưởng đến sự chết rất nhiều, nhất là về cái chết của Tứ. Nội dung của phim không có gì đặc biệt, nhưng vì sự có mặt của một phim mang tên là “Little Buddha” được trình chiếu khắp nơi tại Âu Châu đã làm cho người ta bỏ đạo Chúa theo Đạo Phật rất nhiều, nên trên đài truyền hình liên tiếp chiếu nhiều phim về Đạo Phật để rộng đường dư luận trong quần chúng. Khi thấy tựa đề phim rất hay, nhưng tôi cũng nghi là chắc có gì không ổn nên mới đem chiếu vào giờ này như phim của Phật Giáo Đại Hàn lần trước cách đây mười mấy năm và tôi đã có lần xem cũng như viết trên Viên Giác trong mục: “Đường Không Biên Giới”. Hoặc giả họ không muốn cho nhiều người biết đến Đạo Phật chăng?

Câu chuyện được dựng thành phim như sau:

“Có một cô gái nọ trước khi có ý định xuất gia đã ăn nằm với một thanh niên, nhưng không được gia đình đồng ý. Cô ta vào một Ni Viện ở Đại Hàn để xin phép đi tu. Cùng lúc với cô cũng có 2 người khác được phép xuống tóc, nhưng cô thì không, trong khi đó vị Sư Nữ trụ trì rất mến thương cô và muốn độ cô qua các cuộc hạch hỏi về sự sanh cũng như sự tử. Cuối cùng vị Sư trưởng ấy cho cô xuất gia và sau một thời gian tu học tại chùa, cô đã được đi học ở Đại Học Phật Học. Trong thời gian đi học, nhiều người đã tranh luận về giáo lý với cô, cô đuối lý nên về chùa tìm học thêm nơi Sư phụ. Trong thời gian cô ở chùa có một chàng lãng tử hay say rượu đến chùa quấy phá ni chúng và chính cô là người bị thử thách nhiều nhứt. Trong khi cô lạy sám hối hết ngàn lạy này đến ngàn lạy khác, thì anh chàng say rượu kia động lòng dục vọng đã tìm cách cưỡng bức, nhưng kịp có người ngăn cản. Cuối cùng vị ni trẻ kia cũng muốn độ cho chàng lãng tử kia trở về con đường chơn chánh, nhưng vì nội lực chưa định thì làm sao hàng được ngoại ma? Chính cô đã mang tâm Bồ Tát muốn giúp cho một người sống cho đáng con người, nhưng người bị cảm hóa không phải là kẻ thế gian kia mà chính cô là người đã bị đồng hóa bởi cuộc đời vui ít khổ nhiều ấy.”

Mấy màn làm tình quá táo bạo đã được màn ảnh tivi phanh phui chẳng biết để làm gì? Không biết tại sao Phật Giáo Đại Hàn chẳng có thái độ về phim này? Ít nhất đây là lần thứ 2 tại nước Đức đã chiếu những phim không ích gì cho Phật Giáo!

Thế rồi cô ta buồn bã trở về chùa. Vị Sư nữ trả lại mũ nón ngày xưa để cô trở lại với cuộc đời trần thế. Cô ta đi làm y tá cũng mang Bồ Tát hạnh đi vào cuộc đời, nhưng cũng không giúp được nhân sinh bao nhiêu. Chồng cô càng ngày càng say sưa nghiện ngập và cuối cùng thì chết trong một cuộc làm tình. Vị ni cô hoàn tục đã nuôi con cho khôn lớn, trong lúc đó tại chốn núi đồi hẻo lánh kia Ni chúng vẫn tu hành, nhưng cũng không qua khỏi những thử thách của cuộc đời. Sau đó cô y tá ấy thành thân với một người chồng khác, nhưng vẫn không có hạnh phúc. Trong khi đó vị Sư nữ trụ trì sắp viên tịch, có ý nhắn cô về để nhờ các Sư trưởng, Sư muội giúp đỡ cô để trở về con đường như hạnh nguyện lúc ban đầu của cô đã đi.

Vị Sư nữ có căn dặn lại rằng:

“Thân xác vốn vô thường, sau khi hỏa thiêu xong nên đem tro xương còn lại ném vào hư không để những gì của cát bụi hãy trả về với cát bụi.” Lễ trà tỳ lửa cháy ngất trời. Ai ai cũng cảm thương cho một vị Sư chân chánh đã suốt đời vì đạo hy sinh.

Còn cô tu nữ ra đời kia chỉ chờ cho mọi người ra về, nhặt lại đống tro tàn của Sư phụ, để được một người bạn tu thuở trước dạy cho một bài học trong kinh Bát Nhã về có và không, về vô thường, vô ngã. Câu chuyện chấm dứt tại đó sau 2 tiếng đồng hồ trình chiếu.

Không biết mọi người xem phim nghĩ sao, còn tôi chỉ có 2 chữ để kết luận, đó là “vô nghĩa”. Phim không mang đến một sự giác ngộ nào cả, tại sao lấy tên là Con Đường Đi Đến Sự Giác Ngộ? Cũng như phim trước nói về sự đọa lạc của một người tăng sĩ nhưng lại lấy tên là Hoa Mạn Đà La? Tôi không biết những phim như thế các vị Sư Đại Hàn có được biết trước khi cho trình chiếu không?

Khoảng 1 giờ 30 phút khuya phim mới chiếu xong, tôi uể oải lên giường, nhưng tâm thức cứ nhớ mãi về cái chết của Tứ và về cuốn phim vô duyên ấy.

Ngày 25/2/1994, tôi có mặt ở nhà Tứ để làm lễ phục tang và sau đó ra nhà quàng để làm lễ tiễn đưa lần cuối. Cả một nhà quàng rộng lớn nhưng không còn chỗ ngồi. Có lẽ phải trên 100 người đi đưa và có hơn một nửa là người Đức. Tôi tụng kinh, làm lễ chú nguyện và nói về ý nghĩa vô thường bằng tiếng Việt và tiếng Đức cho những người Đức dự lễ nghe và chung lời cầu nguyện.

Sau khi Tứ đã nằm yên dưới lòng đất, mọi người ra về và tôi cũng thế. Khi về đến nhà, tôi làm lễ trí linh và tối đó giảng một thời pháp cho mọi người trong xóm nghe rồi hôm sau làm lễ sơ thất cho Tứ.

Ở đây có điều đáng nói là tất cả số tiền đi điếu của bà con bạn hữu xa gần độ 3.050 Đức Mã, gia đình muốn hồi hướng về chùa Viên Giác 1.000 Đức Mã, số còn lại nhân lúc tôi đi Tích Lan giúp làm phước cúng dường nơi các chùa tại đây cho Tứ cũng như giúp đỡ cho các trẻ em mồ côi và những người già. Số tiền trên đổi được 56.000 rubie. Với số tiền này một người lao động bình thường ở Tích Lan suốt cả năm trường cũng không thể dành dụm được. Vì thế khi làm một cử chỉ nào dầu nhỏ nhặt nhất như cho một người mẹ ăn xin, khi cho 5 rubie hoặc khi cúng dường cho các vị Sư và các chùa bằng một hay hai ngàn rubie, tôi đều hồi hướng cho Phật tử Lâm Đạo Tứ, pháp danh Thiện Niệm được cao đăng Phật quốc. Điều đó tôi cũng phải cảm ơn Phật tử Thiện Niệm và gia đình đã tạo cho tôi có một duyên lành với Phật pháp tại xứ này.

Một điều khác, chính nhờ cái chết của Tứ mà nhiều người đã theo đạo khác xưa nay, bây giờ đã trở về với Đạo Phật. Người ta theo vì bổn phận, vì trách nhiệm với gia đình hay vì một lý do nào đó, nhưng nay tất cả không phải thế. Chính niềm tin mới là cuộc sống của tâm linh, là sự giải thoát của linh hồn, còn tình yêu, vật chất, sắc đẹp v.v... nó chỉ ở trong sự giới hạn của cuộc đời.

Qua hai cái chết của 2 người ở hai hoàn cảnh khác nhau lồng vào trong 2 chuyến hành hương có ý nghĩa của tôi, nên tôi quyết đưa vào sách này và lấy tên sách là “Giữa Chốn Cung Vàng”, tường thuật lại chuyến đi đầy ý nghĩa này.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những tâm tình cô đơn


Cho là nhận


Rộng mở tâm hồn


Kinh Đại Bát Niết-bàn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.9.196 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (261 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...