Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giọt mồ hôi thanh thản »» Giá trị của đồng tiền »»

Giọt mồ hôi thanh thản
»» Giá trị của đồng tiền

Donate

(Lượt xem: 41.203)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Giọt mồ hôi thanh thản - Giá trị của đồng tiền

Font chữ:


Chúng ta không phủ nhận giá trị cũng như sức mạnh của đồng tiền trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là không phải bao giờ tiền bạc cũng có thể giúp chúng ta giải quyết được mọi vấn đề. Nhiều người thường đánh giá các mối quan hệ trong cuộc sống qua giá trị tiền bạc, hoặc đánh giá người khác qua số tiền kiếm được trong công việc. Những cách đánh giá như thế thường là không chính xác, và do đó rất dễ dẫn đến nhiều nhận thức, phán đoán sai lầm về sự việc cũng như con người.

Tiền bạc cũng thường là một trong những động lực thúc đẩy sức làm việc của chúng ta. Một công việc nặng nhọc vẫn được nhiều người chấp nhận nếu như có thể giúp kiếm được một khoản tiền khá lớn; ngược lại, một công việc nhẹ nhàng và hợp với khả năng nhưng vẫn có thể bị từ chối nếu như tiền thù lao bị cho là quá ít. Khuynh hướng này có vẻ như không có gì sai trái, nhưng thực ra lại là chỗ sai lầm trong nhận thức của rất nhiều người.

Nếu cuộc sống luôn diễn ra một cách bình lặng thì việc đồng nhất giá trị tiền lương với giá trị công việc cũng sẽ không có gì đáng nói. Tuy nhiên, cuộc sống lại không mấy khi được êm ả như chúng ta mong muốn, mà sự thật là luôn có những biến cố lớn nhỏ rình rập quanh ta. Và mỗi khi phải đối mặt với những biến cố lớn trong cuộc đời, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra là tiền bạc không thể giúp ta giải quyết được tất cả!

Khi chúng ta xem tiền bạc như là giá trị duy nhất có được qua công việc, chúng ta sẽ dễ dàng thất vọng với công việc khi tiền bạc không giúp giải quyết được những vấn đề của ta. Nhưng trong thực tế, ngoài giá trị tiền bạc, công việc còn mang lại cho chúng ta rất nhiều giá trị khác như đã nói. Vì thế, chúng ta cần nhận thức lại vấn đề giá trị của tiền bạc trong công việc.

Khi chúng ta còn phải trả tiền thuê nhà mỗi tháng, ta mong muốn có được một căn nhà của riêng mình. Nhưng ta không tự mình “làm ra” được căn nhà được theo ý nghĩa trực tiếp, nên ta cần có tiền để mua nhà. Vì thế, sự mong muốn có được ngôi nhà của chúng ta chuyển thành sự mong muốn có nhiều tiền bạc. Tương tự, ta cần có tiền để chi tiêu vào những nhu cầu sinh hoạt mỗi ngày. Vì thế, do nơi những nhu cầu này mà ta mong muốn, thậm chí là thèm khát tiền bạc. Khi những nhu cầu của ta gia tăng, ta càng thèm khát tiền bạc nhiều hơn nữa!

Như vậy, tiền bạc thật ra không phải là thứ mà ta trực tiếp cần đến, nhưng thông qua tiền bạc mà ta có được những thứ ta cần thiết, mong muốn. Mối quan hệ này làm cho chúng ta có cảm giác như tiền bạc chính là thứ mà ta cần, trong khi thực tế luôn có sự khác biệt giữa hai cách nhận thức khác nhau này.

Giá trị của tiền bạc chỉ là một thứ giá trị quy ước, không phải giá trị thật. Xét cho cùng, tiền bạc chỉ là những mảnh giấy, những mảnh kim loại... và bản thân chúng không có giá trị giúp được gì cho ta. Giá trị của tiền bạc có được là nhờ sự quy ước của xã hội, của con người, thể hiện bằng những con số được in trên tiền bạc. Nếu như những quy ước đó không được xã hội chấp nhận, tiền bạc sẽ không còn giá trị gì nữa!

Lấy ví dụ như ta đang đói và nhận được một củ khoai. Củ khoai có thể giúp ta qua cơn đói. Đó là giá trị thật có của củ khoai, và dù muốn hay không cũng không ai có thể phủ nhận được giá trị thật có đó. Tương tự, mỗi một tiện nghi vật chất quanh ta đều có những giá trị thật như vậy, như nhà ở, cơm ăn, áo mặc...

Tiền bạc lại hoàn toàn không có những giá trị thật như thế. Nếu bạn có trong tay hàng tỷ đồng nhưng lạc vào một đảo hoang không bóng người, chắc chắn số tiền đó sẽ chẳng còn chút giá trị nào, vì nó không giúp được gì cho những nhu cầu của bạn!

Có thể nói vàng là một hình thức khác của tiền bạc. Bản thân vàng tuy có một số những giá trị thật, chẳng hạn như độ sáng đẹp và những tính chất vật lý khác biệt so với các kim loại khác... nhưng đó không phải là những giá trị mà đa số chúng ta cần đến. Chúng ta cần đến vàng là do giá trị quy ước của nó, vì mọi người trong xã hội đều chấp nhận vàng có thể đổi được nhiều tiền bạc, và tiền bạc có thể dùng để thỏa mãn những nhu cầu của chúng ta. Còn nhớ vào những năm 80 của thế kỷ trước, người ta mua bán nhà cửa, đất đai, xe cộ... không nói giá bằng tiền mà chỉ nói giá bằng vàng. Rõ ràng là vàng đã được sử dụng như một hình thức khác của tiền bạc. Không có loại giá trị quy ước này, chắc chắn vàng không thể mang lại được gì nhiều cho những người sở hữu nó.

Sai lầm của hầu hết chúng ta là đã đồng nhất những giá trị quy ước với giá trị thật có của sự vật. Điều này dẫn đến có những người tham tiền đến mức như điên cuồng, và hầu hết những người khác cũng đều bị cuốn hút theo tiền bạc với những mức độ khác nhau.

Tôi nhớ có một câu chuyện khôi hài để chế giễu những anh nhà giàu tham tiền. Một hôm nọ, có anh nhà giàu cùng với người đầy tớ đi đò sang sông. Vì hà tiện, anh ta không dám bỏ tiền mua nước uống. Lúc ra đến giữa sông, khát nước quá không chịu được, anh ta liền ra bên mép đò để cúi xuống vốc nước sông mà uống, không may bị ngã nhào xuống sông. Anh vốn không biết bơi nên vừa ngã xuống sông đã uống liền mấy ngụm nước lớn, rồi sặc sụa chìm dần. Người đầy tớ hoảng quá liền la lên: “Ai cứu được ông chủ tôi, xin thưởng năm quan tiền!”

Anh nhà giàu đang sắp chìm nghỉm xuống sông, vừa nghe được câu đó liền gượng hết sức ngoi đầu lên hét lớn: “Không được! Ba quan thôi! Năm quan đắt quá, thà chết còn hơn!”

Có lẽ không ai trong chúng ta lại giống như anh nhà giàu hà tiện quá độ này! Nhưng sự thật là ở một mức độ nhất định nào đó, hầu hết chúng ta đều ít nhiều mắc phải căn bệnh “hà tiện quá độ” kia.

Anh nhà giàu trong câu chuyện quả thật không phân biệt được giá trị thật có và giá trị quy ước của “năm quan tiền”, nên mới buông ra một câu là “thà chết còn hơn”. Sự thật là, một khi anh ta đã không giữ được mạng sống của mình thì dù có năm vạn quan cũng chẳng có chút giá trị gì, huống là năm quan! Suốt đời anh ta chỉ biết tích cóp tiền bạc, chỉ mong muốn có được ngày càng nhiều tiền, nhưng lại quên mất một điều là tiền đó dùng để làm gì!

Đôi khi chúng ta cũng rất thường quên mất điều đó! Chúng ta mong muốn có được những số tiền lớn, nhưng rồi quên mất là bản thân những số tiền ấy chẳng giúp được gì cho ta cả. Công năng của chúng là được dùng để đổi lấy những thứ ta cần, chứ không phải để cất kỹ và ngắm nghía! Anh nhà giàu kia nếu hiểu được điều đó, hẳn đã không giữ kỹ tiền trong túi mà nhịn khát, để đến nỗi phải uống nước sông và ngã chết! Chúng ta nếu hiểu được điều đó, cũng sẽ không vì tham tiếc tiền bạc mà đánh mất đi nhiều giá trị cao quý trong cuộc sống!

Gần đây có rất nhiều quan chức tham nhũng bị phát hiện và trừng trị. Khi phải vào tù, chắc chắn những người ấy sẽ nhận ra rằng số tiền mà họ kiếm được hoàn toàn không thể mang lại cuộc sống tự do, hạnh phúc! Thế nhưng trước đó họ đã không nhớ đến điều này. Họ đã đánh mất nhân cách, lương tri, niềm tin của bạn bè, của xã hội, thậm chí sẵn sàng nhúng tay vào những việc làm phi pháp, phi đạo đức, chỉ để đổi lấy những mảnh giấy vô tri vô giác! Và họ phải trả giá cho những sai lầm đó bằng chính cuộc đời mình, bởi vì tiền bạc mà họ kiếm được hoàn toàn không có chút giá trị thật nào cả!

Nhận thức đúng về giá trị của tiền bạc sẽ giúp chúng ta không rơi vào sai lầm trong suy nghĩ và hành động. Quả thật, chúng ta luôn cần tiền để thỏa mãn những nhu cầu trong cuộc sống. Nhưng những nhu cầu đó luôn có giới hạn nhất định, và chúng ta cũng có thể học cách sống tri túc để giới hạn một cách hợp lý mọi nhu cầu của mình. Nhưng lòng tham của chúng ta lại không bao giờ có giới hạn! Khi đói, chúng ta thèm ăn. Khi no, cảm giác thèm ăn không còn nữa. Nhưng nếu chúng ta thèm khát tiền bạc, những con số sẽ chẳng bao giờ có giới hạn, bởi vì chúng ta sẽ chẳng bao giờ được thỏa mãn! Lòng tham của chúng ta sẽ vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng cho dù ta có tích lũy được hàng chục triệu, hàng trăm triệu, cho đến hàng trăm tỷ đồng...

Nhận thức đúng về giá trị của tiền bạc, chúng ta sẽ sử dụng tiền kiếm được một cách hợp lý hơn, và sẽ không bao giờ bị cuốn hút theo tiền bạc đến nỗi quên đi những giá trị thật có khác trong cuộc sống. Thật vô lý nếu như vợ chồng bất hòa chỉ vì số tiền kiếm được trong tháng đã không được như mong muốn. Quả thật là sự thiếu hụt tiền bạc có thể làm cho cuộc sống gia đình phần nào đó khó khăn hơn, nhưng sự bất hòa cũng không giải quyết được điều đó! Ngược lại, nó chỉ càng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Nếu chúng ta có thể vui vẻ cùng nhau chấp nhận khó khăn, chắc chắn là khó khăn ấy sẽ được giảm nhẹ, ít nhất cũng là về mặt tinh thần. Như ca dao ta có câu:

Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng hòa vợ thuận gật đầu khen ngon!

Râu tôm và ruột bầu đều là những thứ bỏ đi, không ăn được. Nhưng đôi vợ chồng này nghèo khó đến mức phải ăn cả những thứ bỏ đi đó! Vậy mà nhờ có sự hòa thuận trong gia đình nên họ vẫn có thể “gật đầu khen ngon” khi ăn bát canh ruột bầu nấu với râu tôm! Thật đáng tiếc cho rất nhiều người trong chúng ta chưa đến mức phải ăn “râu tôm nấu với ruột bầu” nhưng lại không giữ được hòa khí trong gia đình ngay cả khi gặp phải những khó khăn không lớn lắm!

Khi bạn có một công việc kinh doanh thuận lợi, số tiền kiếm được mỗi ngày có vẻ như là tất cả những gì bạn cần. Nhưng rồi bất chợt một biến cố xảy ra – và cuộc sống luôn có rất nhiều biến cố như thế. Một người thân của bạn qua đời chẳng hạn. Nỗi đau khổ tràn ngập trong tâm hồn bạn, thậm chí bạn cảm thấy như không còn thiết sống nữa! Lúc này, những khoản tiền thu nhập mỗi ngày của bạn sẽ không còn chút hấp lực nào. Bạn không còn quan tâm đến chúng, bởi vì chúng chẳng giúp được gì trong việc làm vơi đi nỗi khổ đau trong lòng bạn! Chính trong những lúc này bạn mới có thể dễ dàng nhận ra được tính chất tương đối của giá trị tiền bạc, bởi vì ngoài việc giúp thỏa mãn những nhu cầu vật chất thì có vẻ như nó chẳng thể giúp bạn làm được thêm điều gì khác, trừ khi bạn có đủ hiểu biết để sử dụng nó một cách thật khôn ngoan.

Nhận thức đúng về giá trị của tiền bạc không có nghĩa là xem thường tiền bạc. Thật vô lý khi chúng ta đang cần đến tiền bạc mỗi ngày để đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt mà lại xem thường tiền bạc. Tuy nhiên, nhận thức đúng về giá trị của tiền bạc có nghĩa là chúng ta luôn nghĩ đến tiền bạc chỉ như một phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu trong cuộc sống mà không phải là sự tham đắm và tích lũy ngày càng nhiều những mảnh giấy vô tri giác kia!

Sai lầm của một số người trong việc chạy theo tiền bạc đã dẫn đến những định kiến không tốt của xã hội về tiền bạc. Không ít người trong chúng ta vẫn tin vào câu nói “vi phú bất nhân”[3] và có một định kiến không mấy tốt đối với những người giàu có. Thật ra, chỉ cần chúng ta không bị tham đắm và chạy theo tiền bạc, còn bản thân việc làm ra nhiều tiền không phải là một tội lỗi. Gần đây thường nghe nói đến cụm từ “làm giàu chính đáng”, cũng chính là để phân biệt rõ những trường hợp này. Nếu chúng ta biết vận dụng tài năng và sức lực của chính mình để làm ra nhiều tiền bạc, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta phụ thuộc vào tiền bạc. Điều quan trọng hơn cần xét đến ở đây chính là nhận thức đúng của chúng ta về tiền bạc, nghĩa là có thể hiểu được giá trị đích thực của đồng tiền để luôn sử dụng nó một cách đúng đắn phục vụ cho hạnh phúc của bản thân và mọi người quanh ta. Xã hội ngày nay không còn là xã hội của những kẻ làm giàu “thất đức” và những người nghèo khó luôn bị bóc lột đến tận xương tủy. Chúng ta đã có được mọi điều kiện thuận lợi trong cuộc sống để tự mình nỗ lực vươn lên, và do đó bất cứ ai có sự chuyên cần nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng!

Nói tóm lại, mặc dù có sự khác biệt về mức thu nhập của từng loại công việc, nhưng chúng ta không nên xem tiền bạc như là thước đo giá trị của công việc. Bởi vì có những công việc mang lại cho ta ít tiền hơn nhưng lại có nhiều giá trị tinh thần khác, chẳng hạn như niềm say mê và sự vui sống. Có những công việc tạo điều kiện cho chúng ta tiếp xúc và giúp đỡ nhiều người khác, và nếu ta có thể cảm nhận được ý nghĩa và niềm vui trong một công việc như thế thì giá trị tiền bạc rõ ràng không còn là yếu tố quyết định duy nhất!

Khi nền kinh tế xã hội ngày càng phát triển, chúng ta không còn quá khó khăn trong việc thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu như ăn no mặc ấm. Vấn đề lúc này thường phải là ăn ngon mặc đẹp và những tiện nghi đời sống khác nữa... Trong điều kiện như thế, việc chọn lựa một công việc để mang lại cuộc sống hạnh phúc chắc chắn không thể chỉ xem xét qua mức thu nhập công việc ấy mang lại, mà còn cần phải xét đến nhiều yếu tố khác nữa, chẳng hạn như môi trường làm việc, ý nghĩa công việc, sự thích hợp với quan điểm sống cũng như khả năng phục vụ của mỗi người... Vị trí thống trị của tiền bạc trong một xã hội “có tiền mua tiên cũng được” đã không còn nữa. Khi trình độ tri thức và những giá trị tinh thần được nâng cao thì giá trị của đồng tiền chắc chắn sẽ ngày càng bộc lộ rõ tính chất tương đối và hạn chế của nó. Vấn đề của mỗi chúng ta là phải sớm nhận ra điều đó để không mắc phải những sai lầm đáng tiếc trong cuộc sống.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 16 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Sống thiền


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Giai nhân và Hòa thượng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.89.89 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...