Giọng đọc: Trường Tân
Thiền sinh: Thưa sư, con đã cố gắng để buông bỏ nhưng dường như không thể?
Nhà sư: Đặc tính thông thường của con người chúng ta là bám víu và dính mắc. Khi chưa có khả năng đó mà đã tạo ra sự buông bỏ thì có nghĩa là nó sẽ tạo ra đối tượng khác để bám vào.
Nhiều khi chúng ta nhìn nhận mọi việc chỉ trên bề mặt, do thói quen hoặc hùa theo đám đông mà không có sự hiểu biết. Trong tất cả những hoạt động ta nên học hỏi để hiểu biết một cách rõ ràng, dần dần sẽ tạo thành thói quen, khi có hiểu biết thực sự rồi thì sự buông bỏ sẽ có mặt tương ứng với trạng thái tâm thức của mỗi người.
Việc buông bỏ là một hệ quả nằm trong cả một tiến trình. Hành giả phải quán sát được sự sinh khởi của đối tượng và các nguyên nhân của nó. Quán được sự hoại diệt: trước có mặt, giờ không còn hoặc trước không có, giờ có mặt; rồi quán được cả sự sinh diệt. Quán được tất cả các quá trình đó, người ta mới tiến tới sống không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Nếu tự nhiên nói là không nương tựa, không chấp trước thì rất khó, dễ rơi vào ảo tưởng.
Thiền sinh: Thưa sư, có phải cứ sống một cuộc sống đơn giản, xuất gia không gia đình là đã buông bỏ được hết rồi đúng không ạ?
Nhà sư: Một người có thể sống rất đơn giản nhưng không hề buông bỏ, thay vào đó lại chấp chặt vào sự đơn giản. Nếu có vị sư nói rằng “Tôi ăn phải thật đơn giản, ngày ăn một bữa thôi; đừng cúng dường cho tôi đồ ăn cao lương, tôi không nhận đâu” thì ở đó không có sự buông bỏ thực sự. Nhưng nếu cúng dường gì ăn nấy, có sao mặc vậy, cúng y gấm thì mặc y gấm, cúng y rách thì mặc y rách, vậy thì người đó là người dễ nuôi - các phẩm chất buông bỏ có mặt.
Sự đơn giản ở đây không phải đơn giản ở hình thức bên ngoài mà đơn giản trong nội tâm. Khi người ta nói “bình thường tâm thị đạo” thì đây chính là tâm đạo, một tâm thức dung dị, đơn giản chứ không phải sống một cuộc đời đơn giản thì tâm thị đạo.
Thiền sinh: Vậy Thưa Sư, Đức Phật dạy cần xả bỏ điều gì?
Nhà sư: Có lần Đức Phật nói với một người đã từ bỏ hết của cải như sau: “Ông đã xả bỏ nhưng không phải là xả bỏ của bậc Thánh. Tôi sẽ nói cho ông thế nào là xả ly theo Pháp. Xả bỏ cái cần xả bỏ, xả ly cái cần xả ly. Đoạn diệt sự sát sinh, trộm cắp, tà dâm, tham, sân, tà kiến … Cái này mới gọi là xả ly. Ông xả ly bên ngoài không phải là xả ly. Ông xả ly tài sản nhưng tâm còn đầy rẫy phiền não. Cái xả ly ở trong tâm chứ không phải bên ngoài”.
Một ông vua có thể sống đầy đủ nhưng lại rất đơn giản. Một anh nông dân, sống ở túp lều tranh nhưng lại có nhiều dính mắc, nhiều ước muốn, tham vọng. Nó khác nhau ở chỗ nào? Thường thì chúng ta dễ bị hiểu lầm ở hình thức. Nó rất dễ đánh lừa tất cả chúng ta.
Thiền sinh: Thưa sư, con rất muốn trở nên rộng lượng, điều mong muốn đó có hợp lý không thưa Sư?
Nhà sư: Tại sao chúng ta lại muốn điều đó? Động cơ ở đây là gì? Chúng ta muốn có tâm thiện hay muốn tuân theo Quy luật cho và nhận? Để người ta tốt với mình thì mình phải tốt trước đi: “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.
Thiền sinh: Thưa sư, nếu con buông bỏ tài sản, vật chất thì dường như con dễ nắm bắt được những gì cao cấp hơn thuộc về thế giới tâm linh ạ?
Nhà sư: Người ta có thể rời bỏ các yếu tố thuộc về thế gian, nhưng lại nắm chặt vào các yếu tố thuộc về tâm linh, cuối cùng vẫn là quá trình “chộp”, “nắm”, chỉ là thay đổi đối tượng khác mà thôi.
Chẳng hạn như người ta có thể rời bỏ nhà cửa, vợ con, tài sản, nhưng lại nắm vào chùa chiền, các hoạt động phật sự … Nắm giữ vẫn hoàn nắm giữ, vì tâm chưa thực sự muốn buông.
Nếu nói là buông “cái thấp”, nắm “cái cao” … thì tâm sẽ tạo ra các suy nghĩ “đây là vấn đề tâm linh, lợi ích cho nhiều người, rất là cao thượng” ... đúng không? Tâm sẽ phân tách “đây là vấn đề cấp thấp, còn đây là điều cao thượng”, động cơ đằng sau tâm thức này sẽ là sự cố gắng tạo ra đối tượng để nắm bắt vào. Đến khi nhân duyên đã đầy đủ đạt được năng lực buông bỏ, thì việc buông bỏ sẽ xảy ra tự động, và tâm sẽ buông hết, không còn nắm vào điều gì cả. Khi đó việc “buông bỏ” là hệ quả trong cả tiến trình.
Tâm có thói quen bào chữa, bao biện, che đậy, … Nếu Chánh Niệm không đủ, trí tuệ không đủ sẽ tạo ra biến thái, nó hoàn toàn có thể đi sang vấn đề khác còn tệ hại hơn.
Thiền sinh: Có phải khi nào có thói quen ở đó là có sự dính mắc không ạ?
Nhà sư: Thói quen là những gì được huân tập, được lặp đi lặp lại. Có những thói quen xấu, có những thói quen tốt. Thói quen Chánh Niệm, tỉnh giác là thói quen tốt.
Chúng ta có thể nhận ra nhiều thói quen có dính mắc như là quen với việc uống một ly cà phê buổi sáng, phụ thuộc vào một trái ớt khi ăn hủ tiếu, hay ăn gạo lứt phải có muối mè … và nhiều ví dụ khác nữa. Sư cũng đã từng thử ăn cháo trắng buổi sáng, không có chút gia vị hay muối nào, chúng ta luôn có ý tưởng là phải cho một ít gia vị để cháo có vị mặn hay ngọt thì mới ăn được. Có sự dính mắc đối với việc “cái đó là phải thế này”. Chúng ta luôn dính mắc với chữ “phải” đó.
Nói một cách khác, chúng ta đang tạo ra sự lệ thuộc của mình: lệ thuộc vào cách ăn, lệ thuộc vào cách mặc, lệ thuộc vào rất nhiều điều.
Thiền sinh: Thưa sư, có phải Đức Phật yêu cầu tất cả các tu sĩ ngày chỉ được ăn một bữa và sống trong rừng không ạ?
Nhà sư: Trong bài kinh Pháp hành trì và không nên hành trì, Đức Phật nói có những điều nên hành trì và không nên hành trì. Những pháp nào làm tăng trưởng phiền não thì không nên hành trì. Với mỗi người phù hợp với các pháp khác nhau, nên Đức Phật đã không quy định rằng “phải làm pháp này”, “phải ở dưới gốc cây”, “phải ăn ngày một bữa”, “phải ăn chay”…
Ví dụ, cố gắng thực hiện tu hạnh đầu đà ăn một bữa mà khi chúng ta ăn một bữa thì khổ sở quá và luôn nhớ đến việc ăn thì thực ra lại làm các phiền não sinh khởi. Nếu tạm thời gác việc ăn ngày một bữa và chuyển sang ăn hai bữa thì phiền não không còn nữa, chúng ta sẽ chọn cái nào? Ăn hai bữa hay ăn một bữa? Ăn hai bữa không có phiền não còn hơn là ăn một bữa mà có phiền não.
Tuy nhiên, những cái đó không phải là tiêu chí cho tất cả mọi người mà tùy thuộc vào từng cá nhân. Cần luôn ghi nhớ mục đích của người tu là để ngày càng giảm thiểu các phiền não, không quá chú trọng các hình thức bên ngoài nếu chúng không đem lại lợi ích cho mục đích của mình.