Tháng bảy, Vu lan về, mùa báo hiếu đến… Đoản khúc vô thanh ấy chợt vọng vang như một tiếng chuông gợi nhắc những ân tình thâm trọng. Trong thư phòng, Tiểu đưa mắt nhìn từng giọt mưa rơi tí tách ngoài hiên, loáng thoáng nhớ mấy câu thơ của một người bạn sưu tầm.
“Ta nợ mùa thu,
một mùa thu lá rụng sương mù…
Nợ quê hương, một chùm khế ngọt
Nợ thầy cô, những nét chữ ban đầu
Nợ mẹ cha, công sinh thành dưỡng dục
Nợ bạn bè, một cái vẫy tay…”
Chịu, Tiểu không biết tác giả là ai, tựa đề chính xác là gì, nguyên bản ra sao? Nhưng với mưa thì Tiểu có biết. Mưa tháng bảy không bất chợt mà da diết, sùi sụt từng cơn, lúc dầm dề, rỉ rả. Cũng có những ngày nắng vàng rực rỡ, dịu dàng. Nhưng dường như ảnh hưởng bởi tiết thu quạnh quẽ nên cứ mỗi chiều về cảnh vật cũng đìu hiu, phía chân trời, mây trôi bảng lảng… Có lẽ vì thế mà mưa tháng bảy thường man mác buồn. Ồ! Buồn mà đẹp.
Đẹp vì tháng bảy gợi nhớ những thâm tình, lòng tri ân. Những cái tình cái nghĩa làm nên duyên nợ xa gần bàng bạc trong khắp cõi người ta này chung quy không ngoài bốn ơn lớn mà đức Phật đã dạy trong kinh. Đó là ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn đất nước và ơn chúng sanh mà những ai sanh ra giữa chốn bụi hồng này đều phải có bổn phận đáp đền.
Ngang đây, Tiểu chợt nhớ tới bài thơ nhỏ của mình:
“Cha mẹ cho con mảnh hình hài
Giới thân huệ mạng nhờ thầy khai
Cơm ăn, áo mặc…công đàn việt
Yên ổn (học) tu ơn đất nước dày.”
Rồi Tiểu với tay lấy cuốn Từ Ðiển Phật Học Hán Việt mở ra xem lại. Có hai thuyết nói về tứ ân. Một, theo Kinh Tâm Ðịa Quán, bốn ơn gồm có: 1. Ơn cha mẹ; 2. Ơn chúng sanh; 3. Ơn quốc vương; 4. Ơn Tam Bảo. Hai, theo Thích Thị Yếu Lãm, bốn ơn gồm có: 1. Ơn cha mẹ; 2. Ơn Sư trưởng; 3. Ơn quốc vương; 4. Ơn thí chủ. Từ ngữ, danh tự, vị trí sắp xếp thì có khác, nhưng nội dung cơ bản rất giống nhau, đều nói lên bốn ơn lớn.
Thật vậy! Tứ ân hay còn gọi là Tứ trọng ân tức bốn ơn sâu nặng ấy đã được đức Phật chỉ bày rành rẽ trong kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán, phẩm Báo ân.
Ơn cha mẹ:
Cha thuộc từ ân, mẹ thuộc bi ân. Bi ân của mẹ dù nói một kiếp cũng không hết được. Vì sự vất vả khó nhọc, hy sinh và thương nhớ con của mẹ từ khi có thai, khi sinh nở, trưởng thành cho đến trọn đời, quá lớn lao không kể xiết được. Ơn đức ấy nhiều hơn trời đất và rộng lớn không gì sánh được…
Ví như “thế gian, núi non là cao, ơn bi mẫu còn cao hơn thế, cao hơn cả núi Tu-di. Thế gian cõi đất là nặng, ơn bi mẫu còn nặng hơn thế!” Thế nên, bổn phận làm con phải siêng năng tu tập về sự hiếu dưỡng phụ mẫu, thời như người cúng Phật, phúc báo ấy và phúc báo này bằng nhau không khác!
“Ơn Tam bảo:
Tam bảo là ba ngôi báu : Phật, Pháp và Tăng.
Phật bảo gồm ba thân là Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân, có đủ năng lực cảm hóa chúng sanh.
Pháp bảo gồm 4 loại: Giáo pháp, lý pháp, hành pháp và quả pháp… Là phương pháp dẫn dắt chúng sinh ra khỏi biển sinh tử đến bờ Niết-bàn… Chư Phật trong ba đời nói ra diệu pháp bất tư nghị ấy làm cho chúng sinh giác ngộ, nên Pháp bảo có ân đức không thể nghĩ bàn.
Tăng bảo gồm có ba hạng Tăng là: Bồ Tát tăng (Các vị tu Lục độ vạn hạnh như Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Văn Thù v.v…), Thanh văn tăng (Các vị tu Tứ đế chứng Thánh đạo như ông Xá-lợi-phất v.v…) và Phàm phu tăng (Các vị chân thiện phàm phu được Biệt giải thoát giới và những vị đầy đủ chính kiến đem lại lợi lạc cho chúng sinh).
Ba hạng Tăng trên được gọi là ‘Chân phúc điền tăng’.
Còn một hạng nữa là Phúc điền tăng, là những vị có tâm tín kính Tam bảo, thâm tín nhân quả, thường phát thiện nguyện, đầy đủ chính kiến, mặc dù những vị ấy có hủy giới cấm.
Tất cả các hạng Thánh, phàm Tăng kể trên luôn luôn đem lại sự lợi ích cho chúng sinh, nên có ân đức lớn đối với chúng sinh.
Ơn Quốc vương:
Quốc vương (Chủ tịch nước, Tổng thống...) là người đứng đầu việc cai trị trong một nước. Người đứng đầu việc cai trị này thành thực vì chúng sinh, đem chính pháp hóa trị nhân dân, nhân dân vui vẻ, trong nước giàu thịnh, không bị ngoại xâm, nội loạn, ác quỷ, tật bệnh, đói thiếu, mưa gió quá thời, trái thời, nhật thực, nguyệt thực và tinh tú biến quái… Ân đức của Quốc vương rộng lớn đối với nhân dân như thế, nhân dân phải biết cung kính tôn trọng đền đáp lại.
Ơn chúng sinh:
Hết thảy chúng sinh từ đời vô thủy tới nay, đều là cha mẹ họ hàng lẫn nhau. Hết thảy đàn ông là cha lành, hết thảy đàn bà là mẹ hiền. Đã là cha mẹ, là đã có ơn lớn. Đã có ơn lớn đương nhiên phải trả ơn ấy bằng cách phải làm lợi ích lẫn nhau, không nên gây vọng nghiệp, oán hại, chấp trước.”
Thực tế cho thấy, trong mối quan hệ hỗ tương giữa cuộc đời này, chúng ta chịu ơn hết thảy mọi người. Cha mẹ một đời lo lắng cho ta bằng tình yêu thương vô bờ bến, thầy bạn giúp ta kiến thức, chỉ rõ con đường đạo lý bằng cả tấm chân tình, đất nước cho ta cuộc sống yên ổn, thanh bình bằng sự hy sinh bảo vệ biên cương lãnh thổ của biết bao anh hùng chiến sĩ, các vị lãnh đạo quốc gia, nhân loại đồng bào trong mọi ngành nghề phục vụ cho ta cái ăn cái mặc… bằng sự lao động cần cù. Hỡi ôi, những ân sâu nghĩa nặng đó lẽ nào ta dám quên!
“Con nguyền giữ vẹn mãi ngàn sau
Tâm nguyện xuất gia của buổi đầu
Trên đáp phần nào ơn tứ trọng
Dưới cứu ba đường thoát khổ đau.”
Thoáng suy tư, một đoạn thơ nhỏ đã hiện lên trong đầu của Tiểu như vậy!
Mà nghĩ cũng lạ! “Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng”, chẳng kể chi năm tháng ngày giờ, ơn nghĩa cuộc đời thì không hạn cuộc bởi thời gian sao sự biết ơn chỉ gói tròn trong tháng bảy?...
Rồi như chợt nhận ra, Tiểu mỉm cười hiền hậu. Ồ! Tháng bảy Vu lan vẫn mãi muôn đời là thông điệp của tình thương yêu, của lòng biết ơn cao cả. Để từ đó, đạo tâm của người con Phật, lòng hiếu của tất cả những người con trỗi dậy, vượt thoát bốn mùa, đi qua tháng bảy, ngạt ngào giữa trái tim son.