Mùng một, Tháng Giêng, năm 1996 - Diễn văn bế mạc
Dhamma dành cho mọi người.
Các con trai và con gái Dhamma thân mến của thầy,
Một lần nữa chúng ta lại tề tựu trong cuộc họp hằng năm. Bây giờ công việc Dhamma đang lan rộng ra khắp thế giới, có nhiều người phục vụ, nhiều thiền sư và nhiều trung tâm được xây dựng, lẽ đương nhiên cuộc họp sẽ trở nên lớn hơn. Đây là một dấu hiệu tốt. Nhưng số lượng người phục vụ Dhamma gia tăng nên chúng ta phải hết sức cẩn thận để duy trì sự tinh khiết của sự phục vụ Dhamma. Nếu người ta đến phục vụ mà không biết tại sao hay phục vụ những gì thì họ có thể bắt đầu làm hại Dhamma và làm hại chính họ.
“Tại sao tôi lại phục vụ? Tại sao tôi lại bỏ nhiều thì giờ cho việc này?” Ta phải xét nghiệm chính mình.“Tôi phục vụ để có được chức danh và địa vị. Hôm nay tôi chỉ là một người phục vụ Dhamma bình thường, nhưng rất có thể sau khi thấy sự phục vụ của tôi, thầy có thể cho tôi làm một tín viên. Sau này tôi có thể trở thành một thiền sư cho trẻ em, trở thành một thiền sư phụ tá và rồi là một thiền sư. À, đây rồi, đây là mục đích của tôi, là để trở thành một thiền sư hoàn toàn, một thiền sư kỳ cựu! Sau đó tôi sẽ có quyền lực, ưu thế và thế lực. Tôi sẽ làm một người trông coi một khu vực!”
Thật là điên rồ! Nếu vậy các con đã hoàn toàn không hiểu Dhamma là gì. Tốt hơn các con nên hành thiền và chờ một thời gian rồi sẽ bắt đầu phục vụ. Khi nào cái “tôi” còn ở đó, các con không làm việc cho người khác, các con chỉ phục vụ chính mình. Không có cái vô ngã thì hoàn toàn là ngã mạn, các con đã không giúp chính mình trong Dhamma thì làm sao các con có thể giúp người khác trong Dhamma được. Hãy tiếp tục xét nghiệm chính mình, hãy tự xem xét bản thân.
Vì lợi lạc và tốt lành của nhiều người, những lợi ích của các con sẽ tự nhiên tới vì đó là quy luật của tự nhiên. Khi các con phục vụ cho Dhamma thì rồi Paramis của các con sẽ được phát triển và các con sẽ đạt được mục đích cuối cùng một cách dễ dàng.
Bậc Giác Ngộ nói có hai hạng người rất đáng quý trên thế giới. Một loại là pubbakāri: Là người chủ động trong việc phục vụ người khác, hay có những bước tiên phong. Nếu trong bước đầu tiên ta tự hỏi, “Ta sẽ được lợi những gì?” rồi mới phục vụ. Đây không phải là pubbakāri. Hãy nghĩ về sự phục vụ trước và quên đi những gì các con sẽ nhận được. Không trông mong được đền đáp bất cứ thứ gì. “Khi ta bắt đầu dần dần thoát khỏi khổ đau, hãy để càng ngày càng có nhiều người thoát khỏi khổ đau. Ta đã được nhận được phương pháp tuyệt vời này, hãy để cho càng ngày càng có nhiều người nhận được lợi lạc.”
Và rồi có một người cảm thấy kataññū, lòng biết ơn. Nếu các con nghĩ rằng, “Bây giờ ta đã có phương pháp này rồi thì ta còn cần gì tới Đức Phật Gotama?” Thì rồi các con đã không hiểu được Dhamma, các con đã nhận được Dhamma từ đâu? Trong vô lượng kiếp, ngài là một vị Bồ Tát và không ngừng phát triển pāramīs của ngài. Trong mọi kiếp, ngài phục vụ người khác bằng cách này hay cách khác, hàng triệu kiếp.
Hãy hiểu rằng, khi ngài tiếp xúc với vị Dīpakara Buddha. Nếu ngài chịu học Vipassana thì với những paramis của mình, ngài có thể trở thành một vị A-La-Hán ngay lập tức. Nhưng ngài không muốn chỉ một mình ngài được giải thoát. “Hãy để tôi trở thành một sammāsambuddha và phục vụ vô lượng người. Trong khi phát triển pāramīs của tôi, tôi sẽ cũng phục vụ những người khác.” Rồi với lòng quyết tâm, ngài không ngừng phát triển pāramīs của mình. Ngài đã chịu gian khổ trong rất nhiều kiếp để cho ai? Để cho chúng ta. Nếu ngài chỉ dùng phương pháp này cho riêng ngài mà không ban phát nó thì làm sao chúng ta có thể nhận được nó? Với vô lượng từ bi, Ngài đã bắt đầu ban phát Dhamma.
Và sau đó từ thầy tới trò, phương pháp được duy trì, nhất là ở quốc gia láng giềng là Miến Điện. Ấn Độ đã rất may mắn, nhưng chỉ trong vòng 500 năm đã đánh mất phương pháp. Nhưng quốc gia lân cận đã duy trì phương pháp được ít nhất là 2500 năm, mặc dù chỉ bởi một số ít người. Do đó lòng biết ơn phải được nảy sinh.
Đôi lúc có người sẽ hỏi thầy, “Tại sao tháp Pagoda lại có ở đây? Tại sao không phải là một ngôi chùa, một ngôi đền, hay một nhà thờ? ”Cái tháp là một biểu tượng của lòng biết ơn. Khi Dhamma từ quốc gia này đến Miến Điện, để tỏ lòng biết ơn và nhớ tới nguồn gốc của Dhamma, người Miến đã chọn biểu tượng của quốc gia này, kiến trúc của Tháp Sāñci được đặt ở đó. Những tháp ở Miến Điện được xây dựng giống tháp ở Sāñci để người địa phương luôn nhớ tới Ấn Độ. Tất nhiên những hoa văn trang trí, giống như hoa văn của bánh Giáng Sinh, sau này được thêm vào. Tuy nhiên, tại Sagaing gần Mandalay ở Miến Điện, họ có một bảo tháp cùng một kiểu như tháp Sāñci.
Bây giờ Dhamma đã từ Miến Điện tới đây. Chúng ta dùng kiến trúc Miến Điện như một biểu tượng của lòng biết ơn, để nhắc nhở chúng ta rằng, Vipassana đã trở về từ Miến Điện. Hằng nhiều thế kỷ, hãy để cho người ta nhớ được rằng chúng ta đã đánh mất châu báu tuyệt vời này và quốc gia lân cận đã duy trì nó trong sự tinh khiết ban sơ. Chúng ta có lòng biết ơn đối với quốc gia đó và tất cả những Thiền Sư đã duy trì phương pháp được thuần khiết.
Đức Phật nói, “Những người có lòng biết ơn sâu đậm và muốn phục vụ người khác mà không trông mong được đền đáp là một người rất quý hiếm.” Do đó hai phẩm chất này rất quan trọng cho những ai muốn phục vụ trong lãnh vực Dhamma.
Một điều quan trọng khác nữa là các con phải duy trì nó trong sự tinh khiết nguyên sơ. Tại sao phương pháp lại mất đi tại quốc gia này? Tổ chức nghiên cứu của chúng ta sẽ tìm hiểu tất cả những khía cạnh khác nhau về đề tài này. Nhiều lý do sẽ được tìm thấy, nhưng một lý do thầy thấy, đó là khi các tông phái được thành lập và thấy đây là một phương pháp rất có ấn tượng và hiệu quả, họ nghĩ, “Nếu bằng cách nào đó chúng ta có được phương pháp này cho tông phái của mình thì rất là tuyệt vời. Bằng không những người của chúng ta sẽ chạy theo phương pháp này và tông phái của chúng ta sẽ trở lên suy yếu.” Một khi họ đã mang phương pháp vào tông phái của họ và thêm vào những khía cạnh của tông phái, phương pháp sẽ không còn hiệu quả và dần dần biến mất.
Về phần chúng ta, chúng ta truyền dạy phương pháp một cách tự do, và nếu có người làm ô nhiễm nó bằng cách thêm những gì khác vào, đó là trách nhiệm của người đó, chúng ta không bận tâm. Chúng ta sẽ duy trì nó trong sự tinh khiết ban sơ. Những người làm việc trong lĩnh vực phục vụ người khác bằng phương pháp tinh khiết này không nên thêm bất cứ điều gì vào. Không cần phải thêm vào điều gì ngoài paripunam,nó đầy đủ. Parisuddham, nó tinh khiết, hoàn toàn tinh khiết. Không có gì phải lấy ra.
Một người có thể vì quá nhiệt tình nghĩ rằng, “Để coi, nếu tôi thêm một chút thứ này vào, thì người ở cộng đồng đó sẽ tới. Bằng không, họ sẽ không tới. Chỉ để giúp họ nên tôi sẽ thêm điều này vào, điều kia vào và điều khác nữa vào.” Những sự thêm thắt này sẽ làm cho toàn thể phương pháp bất tịnh, không còn tinh khiết và sự hữu hiệu của nó sẽ mất đi. Do đó, riêng về phương pháp này mà nói, không có sự sửa đổi.
Hãy hiểu phương pháp là gì. Chúng ta ở đây để quan sát sự thật mà chúng ta chứng nghiệm trong bản thân, sự tương quan giữa tâm và thân. Làm sao chúng có thể ảnh hưởng lẫn nhau, bởi vì sự xúc chạm giữa tâm và thân nên cảm giác nảy sinh, dễ chịu hay khó chịu, và làm sao, bởi vì vô minh, chúng ta phản ứng lại chúng. Nếu chúng ta quan sát chúng một cách khách quan, khuôn mẫu thói quen phản ứng của chúng ta sẽ mất đi, rất là giản dị. Có cần thiết phải thêm bất kỳ điều gì vào không?
Các con phải trở nên vững vàng trong Dhamma và phải chắc rằng các con sẽ giúp người khác vững vàng trong Dhamma. Và điều này chỉ có thể được khi các con tiếp tục giữ cho toàn thể phương pháp được tinh khiết và phổ quát. Giây phút các con thêm bất kỳ điều gì vào, nó sẽ biến thành một tông phái. Và một khi biến thành tông phái thì những gì là tinh túy của Dhamma sẽ bị mất đi. Rồi phương pháp cũng sẽ mất đi. Hãy thực hành một cách cẩn thận, kỹ lưỡng và khôn khéo.
Đức Phật không bao giờ thành lập một tông phái, Ngài thành lập Dhamma thuần khiết. Trong tất cả 15.000 ngàn trang nói về giáo huấn của ngài, những từ Buddhist (Phật tử) hoặc Bauddh(a) không được tìm thấy. 500 năm sau thời của Đức Phật, lần đầu tiên từ này được dùng. Trong 500 năm không có ai tự cho mình là Bauddha và gọi giáo huấn của Đức Phật là Bauddha.
Thầy được hỏi trong một cuộc phỏng vấn ở quốc gia lân cận:
“Có phải ông dạy về Buddhism – về Phật giáo không?”
Thầy nói, “Không, tôi không dạy về Phật giáo.”
“Này! Ông không dạy về Phật giáo ư? Ông không cải đạo người ta sang Phật Giáo?”
“Không, tôi không cải đạo ai cả.”
“Vậy ông không phải là Phật tử?”
“Đúng. Tôi không phải là Phật tử.”
“Ông không phải là Phật tử. Ông không giảng dạy về Phật giáo. Ông không cải đạo mọi người sang Phật giáo!”
Và điều này bắt đầu lan sang các quốc gia lân cận, “Đây là một người rất vô ơn. Ông ta đã nhận được Dhamma từ quốc gia chúng ta và giờ đây ông ta đã dùng nó cho mục đích riêng. Ông ta không cải đạo người khác.” Ồ! Một sự lầm lẫn lớn đã bắt đầu.
May mắn thay, thầy được mời tới đó và rồi thầy giải thích, “Bây giờ hãy cho tôi biết Đức Phật đã cải đạo ai sang Phật giáo? Ngài đã biến bao nhiêu người thành Phật tử? Trong số những thiền sinh của Ngài, Moggallāyan thuộc dòng dõi Bà La Môn, một Golta. Ông đã trở thành một Bauddhāyan thay vì thành một Moggallāyan. Kātyāyan là một bộ lạc của Bà La Môn. Ngài không bao giờ nói rằng, “Từ hôm nay trở đi bạn sẽ được gọi là một Bauddhāyan.” Ngài không cải đạo bất cứ người nào. Tôi là ai mà có thể cải đạo người khác được. Tôi có vượt trội hơn không? Tôi có giác ngộ nhiều hơn Đức Phật không? Hãy đọc qua tất cả những lời của Đức Phật, quý vị có thể tìm thấy từ Buddhist ở đâu không?” Và rồi họ nhận ra rằng, “Đúng, ông đã hoàn toàn đúng.”
Nếu nó là Phật giáo, nó sẽ chỉ có giới hạn trong một số người tự gọi là Phật tử. Phật giáo cho Phật tử, Ấn giáo cho người theo Ấn giáo….. nhưng Dhamma là cho tất cả, Vipassana là cho tất cả. Dhamma là vô hạn đã trở thành giới hạn, appamāo dhammo, đây là những lời của Đức Phật. Các con phải hiểu ngay từ lúc đầu là các con ở đây không phải để cải đạo người ta, không phải biến người ta thành Phật tử.
Chúng tôi chi tìm thấy năm hay sáu từ trong tam tạng kinh điển mà Đức Phật đã dùng cho những người đi trên con đường Dhamma: dhammiko, dhammaho, dhammī, dhammacārī, dhammavihārī. Họ trở thành người theo Dhamma chứ không phải Phật tử.
Do đó, chúng ta phải hết sức cẩn thận. Chúng phải làm việc và hiểu rất rõ về lòng biết ơn đối với Đức Phật Gotama và mặt khác là chúng ta không có liên quan đến bất kỳ đến tông phái nào. Chúng ta không phải ở đây để cải đạo người ta sang tôn giáo này hay tôn giáo nọ.
Chúng ta phải chú trọng đến Dhamma mà Đức Phật đã giảng dạy để chúng ta có thể củng cố trong Dhamma và giúp người khác cũng làm được như thế. Hãy để cho họ tự gọi họ bằng bất cứ tên nào. Có gì khác nhau đâu? Người ta nên trở thành dhammiko, dhammic. Họ phải được củng cố trong Dhamma, sống một cuộc đời Dhamma để họ được hạnh phúc hơn, bình an hơn. Một khi ta thực sự trở thành một Dhammic thì đương nhiên ta sẽ cách xa những tông phái. Đây là thước đo để đo ta có thực sự củng cố trong Dhamma hay không. Nếu ta càng ngày càng thuộc về tông phái, hãy hiểu rằng: người này còn xa Dhamma nhiều lắm.
Hãy luôn luôn ghi nhớ điều đó trong lòng, hãy tiếp tục tăng trưởng trong Dhamma vì lợi ích của chính các con và cũng vì lợi ích cho mọi người khác. Nguyện cho Dhamma tăng trưởng và có nhiều người thoát khỏi khổ đau mà không liên quan đến tông giáo này, tông giáo nọ. Nguyện cho Dhamma được lan truyền vì lợi ích của nhiều người.
Bhavatu sabba mangalam.