Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH Y HỌC THƯỜNG THỨC »» Viêm gan - Biết để sống tốt hơn »» CHƯƠNG VIII: VIÊM GAN VÀ VẤN ĐỀ DINH DƯỠNG »»

Viêm gan - Biết để sống tốt hơn
»» CHƯƠNG VIII: VIÊM GAN VÀ VẤN ĐỀ DINH DƯỠNG

Donate

(Lượt xem: 5.783)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Viêm gan - Biết để sống tốt hơn - CHƯƠNG VIII: VIÊM GAN VÀ VẤN ĐỀ DINH DƯỠNG

Font chữ:

I. Vấn đề dinh dưỡng

Trong mọi điều kiện sức khỏe, vấn đề dinh dưỡng luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với tất cả chúng ta. Cho dù là không có bệnh tật gì, nhưng nếu không có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, sẽ không thể duy trì được sức khỏe một cách tốt đẹp và lâu dài.

Những người không may mắc bệnh viêm gan, nhất là viêm gan đã chuyển sang mạn tính, là những người “dù muốn dù không” cũng phải chấp nhận mang trong người một căn bệnh “lâu dài”. Đối với những người này, một chế độ dinh dưỡng thích hợp càng có ý nghĩa quan trọng hơn nữa.

Rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh có thể gây tổn hại đến các tế bào gan, nên người bị viêm gan cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi dùng bất cứ một loại thuốc nào. Ngay cả các loại dược thảo tuy vẫn thường được xem là rất an toàn, nhưng trong một số trường hợp vẫn có thể gây ra những tác hại nhất định.

Khi gan bắt đầu bị chai, thậm chí một số thức ăn, thức uống rất thông dụng hàng ngày cũng có thể trở thành những độc tố tác hại trực tiếp đến gan.

Trong những năm gần đây, khoa học về dinh dưỡng đã lôi cuốn được sự chú ý của nhiều người, và cũng chứng tỏ được tầm quan trọng không gì thay thế được trong việc duy trì điều kiện sức khỏe cho cơ thể.

Mặc dù chúng ta không phủ nhận quan điểm “ăn để sống” thay vì là “sống để ăn”, nhưng muốn sống một cuộc sống đúng nghĩa, vui tươi, khỏe mạnh, chúng ta nhất thiết không thể coi thường việc ăn uống đúng cách. Đối với người đã bị viêm gan, điều này càng trở nên cực kỳ quan trọng.

Tuy nhiên, “nói dễ hơn làm”. Ngoài những hiểu biết nhất định về các loại dinh dưỡng, người muốn ăn đúng cách còn cần phải có một ý chí cương quyết và kiên trì để thực hiện đúng theo những hiểu biết của mình. Nhiều người ăn rất đúng “kiểu”, nhưng chưa chắc đã đúng “cách”. Các món ăn cầu kỳ, tốn nhiều công sức, vừa phải chế biến công phu vừa đòi hỏi nhiều nguyên liệu khó tìm, rất có thể sẽ làm cho các tay đầu bếp kỳ cựu phải thán phục, nhưng chưa hẳn đã tốt cho sức khỏe hoặc có thể mang lại một hiệu quả dinh dưỡng tương ứng.

Ngược lại, các chế độ ăn uống kiêng khem, “hành xác”, thường cũng không mang lại sức khỏe tốt cho cơ thể.

Điều quan trọng là chúng ta cần biết những món ăn nào nên “kiêng khem”, hoặc thậm chí “cấm cửa”, và những món ăn nào nên ăn, cho dù chúng có thể rất đơn sơ, giản dị.

Cung cấp vừa đủ dinh dưỡng cho cơ thể và tránh xa các chất độc hại là nguyên tắc chính trong việc chọn lựa một chế độ dinh dưỡng thích hợp cho mỗi người.


II. Dinh dưỡng cho người viêm gan

1. Đôi điều cần biết

Thông thường, khi cơ thể chúng ta đang khỏe mạnh, dù có ăn uống một cách “bừa bãi” cũng chỉ gây ra một vài hậu quả xấu không đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề dinh dưỡng trở nên vô cùng quan trọng khi gan đã bị viêm, không còn tốt như xưa. Vì thế, người bệnh viêm gan cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo thích hợp với thể trạng của mình.

Tuy nhiên, trước khi đi vào cụ thể các chế độ dinh dưỡng cho người viêm gan, chúng ta cần bàn qua một vài quan điểm về vấn đề dinh dưỡng nói chung.

Chuyện ăn uống từ xưa nay vốn là chuyện “sát sườn” trong cuộc sống hàng ngày, nên mỗi người trong chúng ta đều ít nhiều đã có một số hiểu biết nhất định về dinh dưỡng. Một phần trong những hiểu biết đó đôi khi học được qua truyền khẩu, qua sự trao đổi tiếp xúc trong đời sống. Có những điều có thể đúng, một số khác có thể hoàn toàn sai, nhưng đặc điểm chung của dạng kiến thức này là thường chỉ “nghe nói” và “làm theo” mà ít khi có được một sự chứng minh cụ thể, khoa học.

Những điều truyền miệng cho nhau đó thường là đã xuất phát từ xa xưa, thế hệ này truyền qua thế hệ khác, và không ai đặt vấn đề xác định lại tính đúng đắn của nó. Chúng được lan truyền trong cộng đồng chủ yếu qua những lời “khuyên bảo” rất chí tình dành cho nhau. Lâu ngày, chúng tích lũy nơi kiến thức của mỗi người và trở thành những điều rất “tự nhiên”, không cần xét lại.

Một vài lời khuyên đại loại như nên “ăn rau má” khi thấy trong người nóng nảy, có thể được xác định lại và thấy là hoàn toàn đúng đắn, vì nó được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn đã từng quan sát thấy. Những lời khuyên như thế là hữu ích và giúp chúng ta chọn lựa được những món ăn thích hợp.

Tuy nhiên, cũng có những điều ngược lại, không phù hợp với những hiểu biết về khoa học dinh dưỡng hiện nay của chúng ta. Những điều ấy nếu không xét kỹ mà tin theo, có thể gây hại cho cơ thể nhiều hơn là có lợi. Chẳng hạn kiểu lời khuyên như “ăn tim bổ tim, ăn gan bổ gan... ” mà ta rất thường nghe nhiều người nói. Đặc biệt là trong những trường hợp cơ thể đang có bệnh thì lại càng phải dè dặt hơn với những lời khuyên loại này.

Thức ăn thức uống hàng ngày, với một sự chọn lựa hợp lý và đúng mức, có thể góp phần hỗ trợ cho quá trình trị liệu của chúng ta. Ngược lại, chúng cũng có thể gây khó khăn không ít cho những tiến triển trong việc điều trị.

Nói một cách khái quát nhất, để chọn lựa một chế độ dinh dưỡng thích hợp, chúng ta cần quan tâm đến cả hai mặt:

1. Về chất, cần phải cung ứng cho cơ thể đầy đủ những gì cần thiết để có thể tồn tại và phát triển tốt.

2. Về lượng, cần phải giữ mức vừa phải, đáp ứng đủ mức cần thiết của cơ thể là tốt. Ăn quá nhiều, dù là những thức ăn lành mạnh cũng không có lợi. Ngược lại, ăn quá ít tất nhiên sẽ không đủ để nuôi dưỡng cơ thể. Cần điều chỉnh mức ăn theo với thể trạng của từng người.

Nói chung, thực phẩm chứa đựng những dưỡng chất cơ bản như: chất đạm (protein), chất bột đường (carbon hydrate, sugar), chất mỡ (fat, cholesterol), sinh tố (vitamin), các nguyên tố vi lượng (trace element), chất xơ (fiber)... theo những tỷ lệ khác nhau.

Tùy theo tuổi tác, trọng lượng, nghề nghiệp cũng như sinh hoạt và giới tính, chúng ta cần mỗi ngày từ 30 đến 35 kilocalori (kcal) cho mỗi kilogram trọng lượng cơ thể.

Về chất đạm (protein) chúng ta cần từ 1 đến 1,5 gram cho mỗi kilogram trọng lượng cơ thể trong một ngày.

Nói một cách khác, nếu một người lớn nặng khoảng 70 kilogram, cần phải ăn từ 2.100 đến 2.450 kcal và từ 70 đến 90 gram chất đạm mỗi ngày.

Tuy mỗi gram chất mỡ (chất béo) chứa nhiều năng lượng hơn chất đường, chất bột hoặc chất đạm, nhưng chúng ta nên dùng chất mỡ (chất béo) càng ít càng tốt. Tổng số năng lượng trong ngày không nên nhiều hơn 30% dưới dạng mỡ.

Về tính đa dạng của thực phẩm và khả năng cung cấp năng lượng khác nhau của chúng, chúng ta có thể nhìn thấy qua một vài phân tích sau đây:

– Trong 90 gram thịt bò có 21 gram chất đạm; 15 gram chất mỡ; 6,4 gram mỡ bảo hòa (saturated fat), 77 mg cholesterol, cung cấp khoảng 240 calori.

– Trong 90 gram thịt gà có 20 gram chất đạm; 1 gram chất mỡ; 0,3 gram mỡ bảo hòa (saturated fat), 55 mg cholesterol, cung cấp khoảng 140 calori.

– Trong 90 gram thịt heo có 14 gram chất đạm; 18,2 gram chất mỡ; 6,8 gram mỡ bảo hòa (saturated fat), 62 mg cholesterol, cung cấp khoảng 275 calori.

Ngoài ra, mỗi một ngày chúng ta cần phải ăn khoảng từ 20 đến 30 gram chất xơ (fiber). Chất xơ có nhiều trong trái cây và rau. Một số bệnh nhân có thể có triệu chứng “sình bụng” khi ăn quá nhiều chất xơ. Để tránh phản ứng này, chúng ta có thể tăng số lượng trái cây và rau một cách từ từ. Một vài thức ăn có nhiều chất xơ được phân tích hàm lượng như sau đây:

– Một lát bánh mỳ chứa 2 gram chất xơ.

– Một trái cam chứa 3 gram chất xơ.

– Một củ cà-rốt chứa 0,45 gram chất xơ.

– Một trái chuối chứa 2 gram chất xơ.

– Một chén cơm chứa 1,5 gram chất xơ.

– Một chén đậu đỏ chứa 5,5 gram chất xơ.

– Một chén đậu đen chứa 5,5 gram chất xơ.

– Một chén gạo lức chứa 5,5 gram chất xơ.

– Một củ khoai tây chứa 5,5 gram chất xơ.

– Một trái xoài chứa 6 gram chất xơ.

Phần lớn các loại rau thông thường như rau muống, rau dền, cải cúc... đều chứa rất nhiều chất xơ.

2. Với người viêm gan cấp tính

Nói chung, người bị viêm gan cấp tính nên ăn thành nhiều bữa, thay vì một bữa ăn quá nhiều. Tránh những thức ăn khó tiêu với nhiều gia vị, dầu mỡ. Nên uống nhiều nước, dùng nước ấm tốt hơn nước quá lạnh. Tuyệt đối không dùng đến các loại rượu, bia... dù chỉ là rất ít.

Ngoài chế độ ăn thích hợp, người bệnh còn phải nghỉ ngơi thường xuyên và tránh làm việc quá nặng nhọc. Nên sử dụng những phương pháp vật lý trị liệu nhẹ nhàng như xoa bóp để làm thuyên giảm những triệu chứng khó chịu, trước khi buộc phải dùng đến thuốc men. Nếu phải dùng thuốc, nên hạn chế ở mức càng ít càng tốt.

Trong lúc bị viêm gan cấp tính, bệnh nhân có thể bị đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa, tương tự như những cơn cảm cúm, đau đường ruột hay ngộ độc thức ăn. Nếu nôn ói trở nên trầm trọng hơn hoặc tiếp tục kéo dài, cần phải vào bệnh viện để được chăm sóc thích hợp trước khi kiệt sức vì mất quá nhiều nước.

Ngược lại, nếu chỉ ở mức khó chịu trong người thì có thể điều trị tại nhà. Trong trường hợp này, nên dùng các thức ăn nhẹ, không dầu mỡ, ít gia vị. Thường nên ăn nhiều hơn vào buổi sáng, khi cơ thể còn tương đối khỏe mạnh. Vào xế chiều cơ thể bệnh nhân viêm gan cấp tính thường mệt mỏi hơn, nên dễ buồn nôn. Để tránh bị đầy bụng, khó chịu hoặc buồn nôn sau mỗi bữa ăn, nên ăn hơi ít lại, đừng ăn quá no. Nghĩa là nên ăn thành nhiều bữa, mỗi lần một ít.

Một số bác sĩ cho rằng người bệnh viêm gan cấp tính nên có chế độ ăn nhiều năng lượng (calories) hơn so với lúc chưa bị bệnh. Năng lượng này rất cần thiết trong việc hồi phục những tế bào gan nói riêng và toàn cơ thể nói chung.

Nguyên tắc chung khi sử dụng thuốc trong giai đoạn này là chỉ nên uống thuốc trong trường hợp thật cần thiết mà thôi. Đó là khi các triệu chứng bệnh có thể vượt quá sức chịu đựng của bệnh nhân. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào cũng tránh dùng quá liều các loại thuốc có thể hại đến gan, chẳng hạn như Tylenol (Aceta¬minophen)...

Nói chung, đa số triệu chứng của bệnh viêm gan cấp tính do các loại siêu vi viêm gan gây ra thường chỉ kéo dài từ vài ngày cho đến vài tuần. Một khi gan bình phục, có thể ăn uống trở lại như bình thường mà không phải kiêng cử gì cả.

3. Với người viêm gan mạn tính

Nói chung, người viêm gan mạn tính nên tiếp tục ăn uống một cách bình thường, tránh những sợ sệt, kiêng khem không cần thiết.

Nguy cơ đầu tiên đặt ra cho bệnh nhân viêm gan mạn tính là rất dễ bị thiếu dinh dưỡng. Vì thế, để đảm bảo sự hấp thụ của cơ thể cũng như tạo ra cảm giác ngon miệng cần thiết, người bệnh nên thay đổi nhiều loại thức ăn khác nhau. Cần tránh ăn dầu mỡ và các chất béo. Nên ăn nhiều rau và trái cây để có đủ sinh tố và chất xơ. Nên ăn nhiều chất đạm (protein), nhất là chất đạm từ thực vật. Có thể cần phải uống thêm thuốc bổ, nhưng nên tránh các loại thuốc có chứa nhiều chất sắt. Tuyệt đối không dùng đến các loại rượu, bia.

Bệnh nhân viêm gan mạn tính trong những giai đoạn đầu thường vẫn tiếp tục cảm thấy rất khỏe khắn. Sự hấp thụ và tiêu hóa thức ăn chưa gặp bất cứ một trở ngại nào. Tuy nhiên, khi bệnh trở nên nặng hơn, hệ thống tiêu hóa yếu dần. Vì thế, người bị viêm gan mạn tính về lâu dài tất yếu sẽ bị thiếu dinh dưỡng, cho dù cơ thể bên ngoài vẫn có dáng vẻ khỏe mạnh như xưa.

Nói một cách khác, người viêm gan mạn tính không nên ăn uống kiêng khem một cách không cần thiết. Cần phải ăn uống thật đầy đủ với nhiều loại thực phẩm khác nhau, thay đổi mỗi ngày, để cung cấp cho cơ thể những chất bổ, chất đạm cần thiết. Nên uống bổ sung mỗi ngày một viên đa sinh tố (multivitamin). Ngoài thuốc bổ thông thường, cần dùng thêm thiamine và folic acid, nhất là những người bị viêm gan vì uống rượu bia quá nhiều trong một thời gian quá lâu.

a. Các loại rượu, bia

Các loại rượu, bia là kẻ thù rất nguy hiểm đối với gan. Với người bình thường, uống rượu bia lâu ngày gây ra viêm gan. Với người đã viêm gan, uống rượu bia càng thúc đẩy nhanh tiến trình xơ gan, chai gan và thậm chí đưa đến ung thư gan.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc uống các loại rượu bia thái quá sẽ làm cho bệnh viêm gan siêu vi, nhất là viêm gan siêu vi C, phát triển nhanh chóng và trở nên trầm trọng hơn. Vì thế bệnh nhân sẽ giảm tuổi thọ nhiều hơn so với những người cũng bị viêm gan mà không uống rượu.

Vì thế, một trong những lời khuyên tốt nhất cho các bệnh nhân viêm gan mạn tính là đừng bao giờ dùng đến các loại rượu bia, bởi vì điều đó không khác gì “châm dầu vào lửa”.

b. Chất sắt

Trong cơ thể chúng ta, gan là cơ quan chứa đựng rất nhiều chất sắt. Gan của người bị nhiễm siêu vi viêm gan C có khuynh hướng giữ chất sắt nhiều hơn mức bình thường. Khi hàm lượng chất sắt trong cơ thể tăng lên quá cao, nhiều bộ phận khác nhau như tim, tụy tạng và gan đều sẽ bị tổn thương.

Hơn nữa, tác dụng của thuốc điều trị Interferon có thể sẽ giảm đi rất nhiều nếu cơ thể của bệnh nhân có quá nhiều chất sắt. Vì thế, bệnh nhân bị viêm gan C với lượng sắt cao trong máu, nhất là khi gan đã bị chai, nên tránh uống thuốc bổ có chất sắt. Cũng nên tránh các loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt như thịt, gan, huyết... Đây là lý do vì sao ăn gan chẳng những không “bổ gan” mà còn có thể làm hại cho gan nhiều hơn.

Nên tránh nấu ăn bằng nồi sắt, vì một số phân tử sắt có thể tan vào thức ăn. Khi cần chứa đựng thức ăn, nên dùng các loại hộp bằng nhựa hoặc thủy tinh, tránh dùng những hộp bằng kim loại nói chung.

c. Chất béo, chất mỡ

Các chứng bệnh như béo phì (obesity), bệnh mỡ cao hoặc bệnh tiểu đường thường dẫn đến gan hóa mỡ (fatty liver). Tình trạng này nếu kéo dài, gan có thể sẽ bị viêm. Những người rơi vào trường hợp này nếu giảm bớt trọng lượng cơ thể hoặc giảm lượng cholesterol thì sẽ tốt hơn cho gan.

Vì thế, bệnh nhân bị viêm gan nên tập thể dục đều đặn và giảm bớt các thức ăn có nhiều chất béo, cholesterol, đường. Vì bệnh béo phì (obesity) là một căn bệnh có tính cách mạn tính, kinh niên (chronic disorder) nên những người quá mập cần được theo dõi kỹ lưỡng và nên áp dụng một chế độ ăn giảm cân đặc biệt. Cần chú ý là nếu ăn uống không đúng cách, họ có thể sẽ bị thiếu dinh dưỡng một cách trầm trọng mặc dù bên ngoài có vẻ như rất “mập mạp”.

Nói một cách tổng quát, muốn giảm trọng lượng cơ thể thì phải theo một chế độ ăn cung cấp số calori ít hơn mức bình thường. Tập thể dục là một phương thức giúp tăng cao số năng lượng tiêu thụ mỗi ngày, đồng thời cũng giúp cho cơ thể chúng ta được khỏe khoắn và ít bệnh tật hơn. Tùy theo cách thức tập thể dục, cơ thể sẽ tiêu thụ đi một số năng lượng thặng dư.

Các chất mỡ, chất béo nói chung đều cung cấp một số năng lượng dồi dào hơn các loại thực phẩm khác, vì vậy cần hạn chế tối đa nếu như bạn đang trong điều kiện muốn giảm cân.

d. Chất đạm

Chất đạm từ động vật được tìm thấy rất nhiều trong các loại cá, thịt, tôm... Chất đạm thực vật có nhiều trong các loại đậu như đậu xanh, đậu nành...

Chất đạm (protein) đóng một vai trò quan trọng và cần thiết trong việc bảo trì và tăng trưởng các bắp thịt. Chất đạm cũng giúp cơ thể chữa bệnh và hồi sức. Người bị bệnh gan cần ăn uống đầy đủ chất đạm để giúp tế bào gan tăng trưởng và hồi phục nhanh chóng. Tùy theo tuổi tác, trọng lượng, nghề nghiệp cũng như nề nếp hoạt động hàng ngày và giới tính, bệnh nhân có thể cần từ 1 đến 1,5 gram chất đạm mỗi ngày cho mỗi kilogram trọng lượng cơ thể. Có người cho rằng bệnh nhân viêm gan cần phải tránh chất đạm, không được ăn quá nhiều thịt, nhất là lòng đỏ trứng gà. Điều này thật ra chỉ đúng khi gan bị chai quá nặng mà thôi.

Khi bệnh trở nên nặng hơn, khả năng bài tiết chất mật của gan giảm dần. Thiếu chất mật, sự tiêu hóa và hấp thụ dầu mỡ trở nên khó khăn hơn. Bệnh nhân có thể bị sình bụng, khó chịu hoặc tiêu chảy. Các loại sinh tố (vitamin) tan trong mỡ như sinh tố A, sinh tố D, sinh tố E ... sẽ không hấp thụ được như mức độ thông thường. Vì thế nếu không được bổ sung thêm sinh tố D với mức độ từ 5.000 đến 8.000 IU mỗi ngày cùng với calcium, xương của người bệnh có thể sẽ xốp hơn và dễ gẫy hơn. Bệnh nhân cũng nên dùng thêm sinh tố A từ 10.000 đến 25.000 IU mỗi ngày và sinh tố E từ 50 đến 400 IU mỗi ngày. Một số bác sĩ cũng khuyên nên uống thêm sinh tố C chừng 100 mg mỗi ngày. Nếu khả năng tiêu hóa chất béo, chất mỡ giảm trầm trọng hơn, bệnh nhân viêm gan B mạn tính có thể cần uống thêm một số thuốc như Kuzyme HP, Creon 20 ...

4. Với người chai gan, ung thư gan

Trong những trường hợp chai gan hoặc ung thư gan, khả năng hoạt động của gan đã bị suy giảm rất nhiều. Gan không còn cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất hóa học cần thiết và chất đạm. Ngoài ra, khả năng loại bỏ chất độc, chất cặn bã cũng mất dần. Áp suất tĩnh mạch cửa tăng cao, vì thế rất dễ bị phù thủng. Nước ứ đọng trong cơ thể làm cho bụng sình trướng. Bệnh nhân thường đau bụng tiêu chảy, đi cầu ra máu hoặc đôi khi ói ra máu. Bụng đau lâm râm, không biết đói, thức ăn trở nên vô vị. Do đó, vấn đề dinh dưỡng vào giai đoạn này cần phải được theo dõi một cách kỹ lưỡng với sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.

Người bị chai gan chỉ nên ăn dưới 2 gram muối mỗi ngày, nghĩa là ít hơn một muỗng cà phê. Ăn quá mặn, nước sẽ ứ đọng trong cơ thể, sinh ra cổ trướng, phù thủng... Vì thế, đa số bệnh nhân đều phải uống thêm thuốc lợi tiểu. Trong giai đoạn này, bệnh nhân rơi vào một “vòng luẩn quẩn” không lối thoát. Uống quá ít nước, cơ thể sẽ bị khô khan, áp suất máu xuống thấp và dẫn đến chóng mặt, nhức đầu... Nhưng uống quá nhiều nước, cơ thể sẽ bị phù thủng. Không uống thuốc lợi tiểu, nước sẽ ứ đọng lại trong bụng (cổ trướng), gây ra khó thở. Uống nhiều thuốc lợi tiểu, các chất điện giải (electrolytes) bị mất thăng bằng sẽ gây ra những hậu quả không kém phần tai hại.

Để tránh bệnh loạn trí gây ra từ chai gan (hepatic encephalopathy), bệnh nhân nên giảm thiểu chất đạm từ động vật như thịt, cá, trứng, sữa... Không nên dùng quá 0,8 gram chất đạm từ động vật cho mỗi kilogram trọng lượng mỗi ngày. Chất ammonia từ đạm của động vật nếu tăng quá cao sẽ làm bệnh nhân trở nên mệt mỏi, buồn ngủ, thiếu minh mẫn, kém tỉnh táo... Và nếu nặng hơn sẽ loạn trí, hôn mê bất tỉnh. Mặt khác, người ta nhận thấy chất đạm từ thực vật như đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành dễ tiêu hơn và có thể tránh được những hậu quả của bệnh loạn trí. Có thể ăn từ 10 đến 80 gram chất đạm thực vật mỗi ngày. Người bị chai gan nên ăn rau quả nhiều hơn ăn thịt. Ăn nhiều rau còn có thể giúp chống táo bón. Khi bị táo bón, các độc tố – trong đó có chất ammonia – sẽ được bài tiết từ vi trùng trong ruột già một cách nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, ăn nhiều chất xơ còn có thể giúp bệnh tiểu đường được thuyên giảm. Trung bình, người bệnh cần đi đại tiện ít nhất 2 đến 3 lần mỗi ngày. Điều này càng cho thấy sự quan trọng của rau và trái cây trong việc trị bệnh nói chung và bệnh viêm gan nói riêng. Khi đi cầu nhiều lần trong ngày, phân trong ruột già sẽ bị đưa ra ngoài một cách kịp thời trước khi bị lên men bởi vi khuẩn. Khi bị táo bón, các độc tố bài tiết từ vi khuẩn có thể đi thẳng vào máu, làm tê liệt tế bào óc của người bị chai gan.

Người ta cũng nhận thấy rằng các loại sữa chua và sữa hoặc chất men Lactobacillus acidophi¬lus nếu sử dụng một cách thích hợp có thể giúp hóa giải chất ammonia.

Ngoài chế độ dinh dưỡng bình thường, người bị chai gan có thể cần phải sử dụng đến một số các loại thuốc bổ như:

– Sinh tố A: 10.000 đến 25.000 IU mỗi ngày

– Sinh tố D: 5.000 đến 8.000 IU mỗi ngày

– Sinh tố E: 50 đến 400 IU mỗi ngày

– Sinh tố C: 100 mg mỗi ngày

– Calcium 1.000 đến 2.000 mg mỗi ngày

Ngoài ra, cần dùng thêm một viên đa sinh tố (multivitamin), loại mỗi ngày một viên và sinh tố K từ 2,5 đến 5 mg mỗi ngày, các chất khoáng như magnesium glunate, zinc sulfate ...



° ° °



Tóm lại, thực phẩm cho người chai gan và ung thư gan trở nên phức tạp hơn nhiều so với dinh dưỡng cho người chỉ bị viêm gan trong những giai đoạn đầu. Bệnh nhân chai gan mất dần khả năng loại bỏ độc tố trong cơ thể nên rất dễ bị ngộ độc. Những loại thức ăn thông thường trước đây, nay có thể trở thành chất độc và hết sức nguy hiểm cho người bệnh nếu không được chọn lựa kỹ lưỡng. Ngoài ra, cách thức cũng như giờ giấc ăn uống cũng phải thay đổi vì cơ thể người bị chai gan yếu dần. Người bệnh thường cảm thấy uể oải, thiếu sinh lực, ăn không ngon, bụng không đói, miệng không thèm ăn, phần vì ăn không tiêu, phần vì có cảm giác mùi vị thức ăn trở nên khó chịu, lợm giọng buồn nôn. Bệnh nhân vì thế nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ đi đến tử vong sớm hơn.

Sau đây là một vài phương pháp có thể giúp người bị chai gan thoải mái hơn trong vấn đề ăn uống hằng ngày.

1. Nếu thận hoạt động tốt và chưa bị phù thủng hoặc sưng cổ trướng, bệnh nhân nên uống thật nhiều nước, càng nhiều càng tốt. Tuyệt đối tránh các loại rượu, bia hoặc các loại nước chứa chất caffeine như cà phê, trà... Caffeine với đặc tính lợi tiểu sẽ dễ làm cho cơ thể bị mất nước nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu đang có chỉ định dùng thuốc lợi tiểu như Lasix, Aldactone... cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

2. Nên chọn lựa thức ăn hợp với khẩu vị. Không nên cưỡng ép ăn uống những thực phẩm không hợp với khẩu vị. Dù về mặt dinh dưỡng có tốt hơn nhưng không thể nuốt trôi thì cũng không thể có lợi cho sức khỏe.

3. Để tránh nôn ói, hoặc để ăn ngon miệng hơn, nên ăn thành nhiều bữa trong ngày, mỗi lần một ít. Nên ăn nhiều hơn vào buổi sáng. Một ít bánh lạt hoặc nước ngọt có thể giúp giảm bớt những cảm giác nôn nao, khó chịu hoặc lợm giọng, buồn nôn.

4. Vì người chai gan dễ bị viêm dạ dày (gastritis), nên thức ăn quá mặn, quá cay, quá chua đều có thể làm cho đau bụng, khó tiêu sau mỗi bữa ăn. Nên tránh các loại thức ăn kể trên. Ngoài ra nên tránh thức ăn dầu mỡ hoặc nhiều gia vị. Các loại thức ăn được hấp chín hoặc luộc nước sôi sẽ tốt hơn là chiên xào với dầu mỡ.

5. Người chai gan lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên có thể sẽ khỏe hơn khi ăn chay một vài bữa với thật nhiều đậu nành, đậu hũ cũng như các loại trái cây không quá chua. Nếu có triệu chứng đau bụng sau khi ăn hoặc khi bụng quá đói, cần chú ý vì có thể là triệu chứng của loét dạ dày.

6. Khi bệnh nặng hơn, thức ăn chứa đựng nhiều dầu mỡ có thể trở nên khó tiêu. Có thể đề nghị bác sĩ chỉ định một số thuốc dùng trong những trường hợp này.

5. Dinh dưỡng trị liệu

Ngoài việc cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng cần thiết để tồn tại, từ lâu người ta đã biết sử dụng một số các món ăn thức uống nhằm mục đích trị bệnh.

Những kinh nghiệm trong lãnh vực này thường được truyền lại qua nhiều thế hệ, và có những kinh nghiệm trong đó là vô cùng quý giá. Nếu chúng ta bị cảm cúm chẳng hạn, thay vì uống rất nhiều thuốc Tây vốn chỉ có thể can thiệp các triệu chứng như nhức đầu, sổ mũi... , chỉ cần một bát “cháo giải cảm” rất đơn giản theo kinh nghiệm dân gian, hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều.

Một trong những vấn đề có liên quan đến trị liệu bệnh viêm gan mà rất nhiều người biết đến là khái niệm “nóng gan” và “mát gan”. Thiếu những kiến thức đúng đắn về nguyên nhân gây bệnh, nhiều người đã “đơn giản hóa” vấn đề đến mức cho rằng các thức ăn “mát gan” có thể giúp trị được bệnh viêm gan, mà họ gọi là “nóng gan”. Nếu chúng ta đã tìm hiểu qua về các loại siêu vi gây viêm gan và tác hại của chúng đến cơ thể như thế nào, khỏi cần nói thêm cũng có thể biết là những cách hiểu sai lệch như trên tai hại đến mức nào.

Một vài món “mát gan” được dùng phổ biến, chẳng hạn như a-ti-sô (artichoke) đã được xác định là có lợi cho sức khỏe người bệnh, nhưng điều đó hoàn toàn khác xa với việc điều trị được căn bệnh.

Vì thế, cho dù không phủ nhận tính hiệu quả của dinh dưỡng trị liệu trong một số trường hợp bệnh khác nhau, nhưng riêng đối với các chứng bệnh viêm gan do siêu vi gây ra, cho đến nay chúng ta chưa thể tin cậy vào bất cứ một phương thức trị liệu nào không dùng đến các loại thuốc đặc trị đã biết.

6. Thuốc dược thảo

Trong những năm gần đây, sự khôi phục mạnh mẽ của Y học cổ truyền đã mang lại những thành quả khá rực rỡ. Song song với các phương thức điều trị Tây y, ngành y học cổ truyền cũng đã góp phần quan trọng vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, ngoài những vị lương y chính thống đang đóng góp rất nhiều cho xã hội, cũng nảy sinh không ít các thầy “lang vườn” mà kiến thức lỏm bỏm chỉ là năm ba bài thuốc không hệ thống, và mục đích chỉ là kiếm sống bằng cách gạt gẫm những người nhẹ dạ. Những ông thầy vườn này rất thường kết hợp thêm với những phương thức “kỳ bí”, “linh diệu”... nào đó, rất dễ làm cho những bệnh nhân thiếu hiểu biết sẽ lầm đường lạc lối.

Rất nhiều người hiện nay vẫn cho rằng các loại thuốc dược thảo, nghĩa là bào chế từ cỏ cây, không có tác hại đến cơ thể. Điều này thật ra không hoàn toàn đúng. Trong thực tế, có nhiều loại thuốc chế từ thảo mộc vẫn có thể gây ra những ảnh hưởng quan trọng đến cơ thể. Nếu như khi được dùng một cách thích hợp, chúng có công năng ích lợi như thế nào, thì khi sử dụng bừa bãi, tất nhiên chúng cũng có những tác hại như thế ấy.

Trở lại với các chứng bệnh viêm gan do siêu vi gây ra mà chúng ta đang quan tâm, chưa có một báo cáo khoa học nào cho thấy có bất kỳ một loại thuốc dược thảo nào có thể có tác động đến siêu vi và quá trình sinh trưởng của chúng. Vì thế, chúng ta cần cân nhắc đến tác hại có thể có cho lá gan của người bệnh khi sử dụng các loại thuốc không được hiểu rõ.

Cũng cần nhắc lại là tất cả mọi thức ăn thức uống đi vào cơ thể chúng ta đều nhất thiết phải qua gan. Một khi gan đã nhiễm bệnh thì nhiệm vụ “kiểm soát” của nó càng trở nên nặng nề hơn trước, và tốt nhất là chúng ta đừng gia tăng khối lượng công việc cho gan bằng cách đưa vào cơ thể những chất không cần thiết.

Tóm lại, quan điểm cho rằng dùng các loại thuốc dược thảo là hoàn toàn vô hại cần được xem xét lại, nhất là trong trường hợp của các bệnh viêm gan.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Rộng mở tâm hồn


Sen búp dâng đời


Những Đêm Mưa


Tư tưởng Tịnh Độ Tông

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.184.124 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (126 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...