Nghi thức để phát khởi tâm nguyện vị tha mong cầu giác ngộ là một nghi thức đơn giản. Mục đích của nghi thức này là tái khẳng định và củng cố sự khao khát đạt đến Phật quả vì lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình. Sự khẳng định này là thiết yếu để phát triển tu tập tâm bi mẫn.
Chúng ta bắt đầu nghi thức này bằng việc quán tưởng một ảnh tượng của đức Phật. Một khi hình ảnh quán tưởng này đã rõ nét, ta sẽ cố hình dung rằng đích thân đức Phật Thích-ca Mâu-ni đang thật sự hiện diện trước mặt ta. Ta hình dung ngài được vây quanh bởi những bậc đạo sư Ấn Độ vĩ đại trong quá khứ. Trong số đó có cả ngài Long Thụ, người đã thành lập trường phái Trung Quán trong triết học Phật giáo với những giảng giải tinh tế nhất về tánh Không, và ngài Vô Trước, bậc thầy truyền thừa chính yếu của pháp môn “phương tiện” trong sự tu tập của chúng ta.
Ta cũng hình dung vây quanh đức Phật còn có các bậc Đạo sư thuộc bốn dòng truyền thừa của Phật giáo Tây Tạng: dòng Sakya, dòng Gelug, dòng Nyingma và dòng Kagyu. Sau đó, ta hình dung chính bản thân mình được vây quanh bởi tất cả chúng sinh hữu tình. Và giai đoạn này chính là thời điểm bắt đầu phát khởi tâm nguyện vị tha mong cầu giác ngộ. Những người thực hành theo các tín ngưỡng khác có thể tham gia nghi thức này chỉ đơn giản bằng cách nuôi dưỡng một thái độ nhân hậu và vị tha hướng đến tất cả chúng sinh.
THỰC HÀNH THẤT CHI NGUYỆN
Nghi thức [phát tâm Bồ-đề] được bắt đầu với một nghi lễ để tích lũy công đức và tiêu trừ ác nghiệp. Ta tham gia nghi lễ này bằng việc quán chiếu về những điểm tinh yếu trong việc thực hành Thất chi nguyện.
CHI NGUYỆN THỨ NHẤT: LỄ KÍNH
Trong chi nguyện thứ nhất, ta kính lễ đức Phật bằng cách quán chiếu về những phẩm tính giác ngộ của ngài, bao gồm thân, khẩu và ý. Ta có thể bày tỏ đức tin và lòng sùng mộ bằng việc cúi đầu hay lễ lạy trước hình tượng đức Phật mà ta đã hình dung ra được. Bằng sự tôn kính trong lòng mình, ta cũng kính ngưỡng đối với những phẩm tính giống như đức Phật sẵn có trong bản thân ta.
CHI NGUYỆN THỨ HAI: CÚNG DƯỜNG
Chi nguyện thứ hai là một lễ cúng dường. Ta có thể dâng cúng những phẩm vật cụ thể, hay chỉ đơn giản hình dung rằng ta đang cúng dường những vật quí giá đến Hội chúng thiêng liêng mà ta đã hình dung là đang hiện diện trước mặt ta. Sự cúng dường sâu xa và có ý nghĩa nhất là cúng dường bằng chính sự tinh tấn tu tập của ta. Tất cả những phẩm tính tốt đẹp mà ta tích lũy được đều là kết quả của những việc làm hiền thiện. Những hành động bi mẫn, quan tâm chăm sóc, hoặc ngay cả việc mỉm cười với người khác hay bày tỏ sự quan tâm đến ai đó đang chịu đau đớn, đều là những thiện nghiệp.
Ta cúng dường những thiện nghiệp này và tất cả các trường hợp nói ra những lời hiền thiện. Một số ví dụ tiêu biểu có thể bao gồm những lời khen ngợi ta dành cho người khác, những lời vỗ về hay an ủi, khích lệ - nghĩa là tất cả những hành vi hiền thiện được thực hiện qua lời nói.
Ta cũng cúng dường cả những thiện nghiệp của ý. Sự nuôi dưỡng lòng vị tha, ý thức quan tâm chia sẻ, lòng bi mẫn, cũng như đức tin sâu xa và lòng sùng mộ đối với Phật pháp là những điều ta có thể cúng dường theo ý nghĩa này. Tất cả những điều này đều là thiện nghiệp của ý. Ta có thể hình dung những điều này trong dạng thức rất nhiều những vật thể xinh đẹp và quí giá mà ta cúng dường lên đức Phật và Thánh chúng vây quanh ngài, được hình dung đang hiện diện trước mặt ta. Ta có thể cúng dường hết thảy cả vũ trụ, thế giới, môi trường quanh ta với những rừng rậm, đồi núi, đồng cỏ và vườn hoa... Bất kể những thứ này có thuộc sở hữu của ta hay không, ta vẫn có thể dâng cúng về mặt tinh thần.
CHI NGUYỆN THỨ BA: SÁM HỐI
Chi nguyện thứ ba là sám hối. Yếu tố then chốt trong sự sám hối là thừa nhận những hành vi xấu ác, sai trái mà ta đã phạm vào. Ta phải nuôi dưỡng một ý thức hối tiếc sâu sắc để sau đó hình thành một quyết tâm mạnh mẽ không tái phạm những hành vi bất thiện như thế trong tương lai.
CHI NGUYỆN THỨ TƯ: TÙY HỶ
Chi nguyện thứ tư là tu tập hạnh tùy hỷ. Bằng cách tập trung chú ý vào những thiện nghiệp đã làm trong quá khứ, ta phát triển niềm vui lớn lao về những thành tựu đã đạt được. Ta phải chắc chắn không bao giờ hối tiếc về bất kỳ thiện nghiệp nào đã làm, mà thay vào đó phải khởi sinh cảm giác vui mừng và hài lòng với những thiện nghiệp ấy. Thậm chí quan trọng hơn nữa là ta phải tùy hỷ với những thiện nghiệp của người khác, cho dù đó là những chúng sinh thấp kém, yếu ớt hơn ta, hay cao cả, mạnh mẽ hơn ta, hoặc ngang bằng với ta. Điều quan trọng là phải luôn chắc chắn rằng, thái độ của ta đối với những điều tốt đẹp của người khác không bị nhiễm bẩn bởi sự ganh ghét hay lòng ghen tỵ; ta phải cảm thấy hoàn toàn khâm phục và mừng vui trước những phẩm tính tốt đẹp và thành tựu của người khác.
CHI NGUYỆN THỨ NĂM VÀ THỨ SÁU: THỈNH CHUYỂN PHÁP LUÂN VÀ THỈNH PHẬT TRỤ THẾ
Trong hai chi nguyện kế tiếp, ta thỉnh cầu đức Phật thuyết giảng, hay Chuyển Pháp luân, vì lợi ích cho tất cả chúng sinh, và thỉnh cầu chư Phật không nhập Niết-bàn để riêng hưởng sự an lạc.
CHI NGUYỆN THỨ BẢY: HỒI HƯỚNG
Chi nguyện thứ bảy, hay chi nguyện cuối cùng, là sự hồi hướng. Tất cả công đức và nhân lành mà ta đã tạo ra được từ việc tu tập sáu chi nguyện trước cùng với những thiện nghiệp khác đều xin hồi hướng về mục tiêu tâm linh tối hậu là thành tựu quả Phật.
***
Sau khi hoàn tất pháp tu tập chuẩn bị là Thất chi nguyện, ta đã sẵn sàng để thực sự bắt đầu phát khởi tâm nguyện vị tha mong muốn đạt đến giác ngộ - hay phát tâm Bồ-đề. Dòng kệ đầu tiên của nghi thức này bắt đầu bằng sự bày tỏ động cơ chính đáng:
Với tâm nguyện giải thoát cho tất cả chúng sinh.
Dòng kệ thứ hai và thứ ba xác định đối tượng của sự quy y: Đức Phật, Chánh Pháp và Tăng-già. Thời gian của thệ nguyện quy y cũng được xác định trong những dòng kệ này:
Con nguyện quy y Phật, Pháp, Tăng,
Từ nay và mãi mãi về sau.
Bài kệ thứ hai là sự phát khởi thật sự tâm nguyện vị tha mong muốn đạt đến giác ngộ, hay phát tâm Bồ-đề:
Thôi thúc bởi trí tuệ và lòng bi mẫn,
Hôm nay con đối trước Như Lai,
Nguyện phát tâm cầu đạo Bồ-đề,
Vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Bài kệ này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp nhất giữa trí tuệ và lòng từ bi. Sự giác ngộ không phải là lòng từ bi thiếu vắng trí tuệ hoặc trí tuệ tách rời khỏi từ bi. Chính trí tuệ nhận biết tánh Không được đề cập đến ở đây một cách cụ thể. Việc có được sự trực nhận về tánh Không, hoặc thậm chí chỉ là sự hiểu biết thuộc phạm trù khái niệm hay lý luận, có nghĩa là có khả năng chấm dứt tình trạng mê lầm chưa giác ngộ. Khi một trí tuệ như thế được kết hợp với lòng từ bi, thì phẩm tính của lòng từ bi ngay sau đó sẽ càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Từ ngữ “thôi thúc” trong [dòng đầu tiên của] bài kệ này hàm ý một lòng từ bi tích cực và nhập cuộc, không chỉ là một trạng thái của tâm thức. Dòng kệ tiếp theo:
Hôm nay con đối trước Như Lai
hàm ý rằng ta khao khát đạt đến trạng thái hiện thực của quả vị Phật. Dòng kệ này cũng có thể đọc lên để bày tỏ rằng ta đang thỉnh cầu tất cả chư Phật rủ lòng chứng minh cho sự kiện này, như được nêu rõ trong câu tiếp theo:
Nguyện phát tâm cầu đạo Bồ-đề,
Vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Bài kệ cuối cùng được trích từ tác phẩm Nhập Bồ Tát hạnh của ngài Tịch Thiên (Shantideva), một bậc thầy Ấn Độ vào thế kỷ 8, nội dung như sau:
Bao lâu còn đó hư không,
Sinh linh cam chịu trong vòng khổ đau,
Nguyện rằng con vẫn còn đây,
Tận trừ đau khổ đến ngày sáng tươi.
Những dòng kệ này bày tỏ một tình cảm mạnh mẽ. Một vị Bồ Tát phải xem chính bản thân mình là thuộc về những chúng sinh hữu tình khác. Cũng giống như mọi hiện tượng trong thế giới tự nhiên đều hiện hữu để cho mọi chúng sinh khác tận hưởng và sử dụng, thế nên toàn bộ cuộc sống và sự hiện hữu của bản thân ta nhất thiết cũng phải sẵn sàng để phụng sự tất cả chúng sinh. Chỉ khi nào bắt đầu suy nghĩ theo cách như thế, ta mới có thể phát triển được ý tưởng mạnh mẽ rằng “Tôi sẽ cống hiến trọn cuộc đời của mình vì lợi ích của mọi chúng sinh khác. Tôi tồn tại chỉ duy nhất là để phụng sự tất cả chúng sinh.”
Những tình cảm mạnh mẽ như thế tự chúng sẽ biểu lộ ra bên ngoài thành những hành động làm lợi ích cho chúng sinh hữu tình, và trong tiến trình [phụng sự] đó, những nhu cầu của riêng ta được đáp ứng trọn vẹn. Ngược lại, nếu ta sống trọn đời với sự thúc đẩy của tâm ích kỷ, cuối cùng rồi ta cũng không thể đạt được ngay cả những khát khao ích kỷ của riêng ta, huống chi là mang lại hạnh phúc cho người khác.
Nếu như xưa kia đức Phật Thích-ca Mâu-ni, vị Phật có thật trong lịch sử mà ta tôn kính, từng duy trì tâm ích kỷ như chúng ta, hẳn là giờ đây ta sẽ đối xử với ngài cũng giống như cách mà chúng ta đang đối xử với nhau và sẽ nói ra [những lời thô lỗ] như: “Thôi im đi. Câm miệng đi.” Nhưng sự thật không phải vậy. Vì đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã chọn con đường từ bỏ tâm ích kỷ và yêu thương phụng sự người khác, nên [giờ đây] ta xem ngài là đối tượng của lòng tôn kính.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và những bậc đạo sư Ấn Độ nổi tiếng như Long Thụ và Vô Trước, cũng như các bậc thầy Tây Tạng kiệt xuất trong quá khứ, tất cả đều đã đạt đến giác ngộ nhờ vào kết quả của sự đảo ngược khuynh hướng căn bản nhất đối với chính bản thân các ngài và người khác. Các ngài đã quy y. Các ngài hướng đến hạnh phúc của mọi chúng sinh hữu tình. Các ngài nhận ra rằng tâm ích kỷ và chấp ngã là những kẻ thù luôn đi đôi với nhau, là nguồn gốc của mọi điều bất thiện. Các ngài nỗ lực chống lại hai thế lực xấu xa này và loại bỏ được chúng. Nhờ vào kết quả tu tập đó mà giờ đây các bậc thầy vĩ đại này đã trở thành đối tượng của sự kính ngưỡng và noi theo. Ta nhất thiết phải noi gương các ngài và nỗ lực để nhận ra rằng tâm ích kỷ và chấp ngã là những đối nghịch cần phải loại trừ.
Vì vậy, trong lúc khởi lên những tư tưởng như trên và suy ngẫm về chúng, ta lặp lại ba lần ba bài kệ dưới đây:
Với tâm nguyện giải thoát cho tất cả chúng sinh
Con nguyện quy y Phật, Pháp, Tăng,
Từ nay và mãi mãi về sau.
Cho đến khi con đạt được Giác ngộ viên mãn.
Thôi thúc bởi trí tuệ và lòng bi mẫn,
Hôm nay con đối trước Như Lai,
Nguyện phát tâm cầu đạo Bồ-đề,
Vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Bao lâu còn đó hư không,
Sinh linh cam chịu trong vòng khổ đau,
Nguyện rằng con vẫn còn đây,
Tận trừ đau khổ đến ngày sáng tươi.
Những điều nói trên hợp thành nghi thức phát khởi tâm nguyện vị tha mong cầu giác ngộ, hay phát tâm Bồ-đề. Ta nên suy ngẫm ý nghĩa của những bài kệ này hằng ngày, hoặc bất cứ khi nào có thời gian. Tôi đã thực hiện như vậy và thấy rằng đây là điều rất quan trọng trong sự tu tập của tôi.
Xin cảm ơn tất cả quý vị.