Tháng 8 năm 1991, Trung tâm Tây Tạng cùng với Tổ Chức Gere hết sức vinh dự được đón tiếp Đức Đạt-lai Lạt-ma đến thành phố New York để thuyết pháp trong hai tuần. Các buổi thuyết pháp diễn ra tại Madison Square Garden và kết thúc với lễ quán đảnh Kalachakra (Thời Luân), một trong những nghi lễ quan trọng nhất của Phật Giáo Tây Tạng.
Kalachakra (Thời Luân) có nghĩa là “bánh xe thời gian”. Và bánh xe thời gian tiếp tục xoay chuyển, cho đến mùa xuân năm 1997, khi đang ở Ấn Độ, chúng tôi đã cung thỉnh đức Đạt-lai Lạt-ma quay lại New York để kỷ niệm buổi lễ quán đảnh hồi năm 1991. Ngài đồng ý ngay lập tức, và thời điểm viếng thăm được xác định, mặc dù chưa một chủ đề cụ thể nào được chọn trước cho sự thuyết giảng của ngài.
Chúng tôi gặp lại ngài một năm sau đó. Vào lúc này, có rất nhiều bàn luận về chủ đề mà ngài sẽ thuyết giảng. Lúc đầu, chúng tôi đã thỉnh cầu ngài dạy về tánh Không, chủ đề sâu xa và khó hiểu nhất trong triết học Phật giáo. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ hơn, chúng tôi thấy rằng nếu chọn một phần giáo pháp thông dụng hơn, có thể mang lại một cái nhìn tổng quát về con đường tu tập của đạo Phật, nhưng đồng thời cũng có thể tiếp nhận được đối với những người thuộc các tôn giáo khác, thì sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Đức Đạt-lai Lạt-ma thấy rằng thính chúng sẽ được lợi ích nhiều với giáo pháp về Bồ Tát hạnh, nên ngài đã chọn kết hợp giảng về [hai tác phẩm] Các giai đoạn thiền định của ngài Liên Hoa Giới (Kamalashila) và Ba mươi bảy Pháp hành Bồ Tát đạo của ngài Togmay Sangpo.
Pháp hội kéo dài ba ngày được tổ chức tại Nhà hát Beacon ở khu Upper West Side của Manhattan, với 3.000 người tham dự. Vì lòng tôn kính đối với Giáo pháp mà ngài đang truyền dạy, đức Đạt-lai Lạt-ma đã an tọa trên một ngai cao khi thuyết pháp. Nhiều người trong số cử tọa đã phủ phục theo cách lễ lạy truyền thống và có những lễ cúng dường tiêu biểu như một phần của nghi lễ thỉnh Pháp chính thức.
Tiếp theo sau ba ngày thuyết pháp tại Nhà Hát Beacon, đức Đạt-lai Lạt-ma đã có một buổi nói chuyện mở rộng hơn và cũng mang tính thân mật hơn với công chúng tại Central Park. Việc tổ chức sự kiện này tỏ ra là một công việc cực kỳ khó khăn và đầy thách thức, cần phải có sự phối hợp của các quan chức, nhân viên thành phố, tiểu bang và liên bang nhiều vô kể. Hàng trăm tình nguyện viên đã hiến mình phục vụ vô vị lợi.
Cuối cùng, buổi nói chuyện của ngài vào sáng Chủ nhật cũng đến. Chúng tôi khá hồi hộp lái xe đưa ngài từ khách sạn đến East Meadow, chỉ vừa qua khỏi Đại lộ Số Năm và đường Số 98, là nơi ngài sẽ được đưa vào Central Park. Ngài hỏi có bao nhiêu người theo dự tính. Chúng tôi trả lời rằng, chúng tôi sẽ rất vui nếu được khoảng 15.000 đến 20.000 người, nhưng chúng tôi hoàn toàn không biết được.
Khi chạy dọc theo Đại lộ Madison để hướng đến nơi tổ chức buổi tiếp xúc, chúng tôi hết sức lo lắng nhìn ra hai bên đường để xem có dấu hiệu gì của người đi tham dự hay không. Khi đến đường Số 86, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy hai bên lề đường đông đúc và mọi người đang đi về hướng công viên.
Chúng tôi đưa ngài vào căn lều chờ phía sau khán đài và hé nhìn qua tấm màn che. Chúng tôi choáng người khi nhìn thấy toàn cảnh khu East Meadow đã đông nghẹt vượt ngoài sức chứa. Đó là một cảnh tượng thật đẹp và cảm động. Sau đó, chúng tôi được biết là đã có hơn 200.000 người quy tụ về đây một cách an ổn. Toàn bộ khu vực ngập tràn một bầu không khí hạnh phúc. Cơn mưa rơi trước đó đã ngừng hẳn. Với một hệ thống âm thanh rất quy mô và màn hình lớn sẵn sàng phóng chiếu hình ảnh thuyết giảng của ngài đến với đám đông khổng lồ, đức Đạt-lai Lạt-ma đã bước lên khán đài được trang trí rất nhiều hoa và một chiếc ghế gỗ duy nhất đặt ở trung tâm.
Ngài đã chọn nói bằng tiếng Anh. Bằng phong cách giản dị của mình, ngài đã khơi dậy thiện tâm và khuyến khích những người hiện diện ở đó thực hành các thiện nghiệp. Chắc chắn, nhiều người trong số đó đã phát tâm Bồ-đề, niềm khao khát đạt đến giác ngộ viên mãn để giúp đỡ những người khác. Chúng ta có thể hình dung rằng, khi trở về nhà, tất cả những người tham dự sẽ chia sẻ kinh nghiệm với gia đình và bạn bè, và qua đó sẽ khơi dậy thậm chí còn nhiều hơn nữa những tư tưởng và hành vi hiền thiện. Còn có những người khác đọc biết về sự kiện này hoặc xem trên truyền hình. Do đó, có hàng triệu người đã phát khởi tâm tưởng tốt lành nhờ vào buổi sáng ở Central Park hôm ấy.
Theo niềm tin của đạo Phật, có vô số chư Phật và Bồ Tát đã chứng minh cho những tâm niệm hiền thiện được phát khởi bởi tất cả những người có mặt tại Central Park. Chúng tôi tin rằng chư Phật và Bồ Tát trong mười phương cũng sẽ chú nguyện cho những tâm niệm hiền thiện này không tan biến đi và tất cả những chúng sinh đã phát tâm ấy sẽ tiến triển trên con đường tâm linh của họ.
Khi đức Đạt-lai Lạt-ma hoàn tất buổi thuyết giảng, chúng tôi đã cầu nguyện rằng, nhờ công đức của sự kiện này, đức Phật Di-lặc (Maitreya) trong tương lai sẽ đản sinh và thị hiện sự giác ngộ của ngài. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho tri thức của tất cả những người hiện diện nơi đây sẽ đơm hoa thành trí tuệ giải thoát và tất cả nhu cầu của họ đều được thỏa mãn. Chúng tôi cầu nguyện rằng đức Phật Di-lặc (Maitreya) sẽ rất hài lòng, và ngài sẽ đặt tay phải lên đỉnh đầu từng người một để thọ ký về sự giác ngộ rốt ráo của người ấy.
Khi chúng tôi lái xe ra khỏi công viên Central, ngài cảm ơn chúng tôi đã tổ chức sự kiện này, và về phần mình, chúng tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với ngài...
... Chủ đề buổi thuyết giảng của ngài, tác phẩm Tám bài kệ điều tâm, là một pháp tu tập rất cao trong đạo Phật. Theo truyền thống, một giáo pháp thuộc loại này thường không được truyền dạy công khai, và chắc chắn là không truyền dạy cho một thính chúng quá đông như thế. Chúng tôi thật quá sức vui mừng khi có nhiều người đã đến lắng nghe, mặc dù chúng tôi nhận ra rằng giáo pháp được giảng là rất hàm súc và hết sức khó hiểu. Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta có thể thực hiện những lời dạy trí tuệ của ngài?
Một lưu ý đặc biệt cần phải đưa ra ở đây là nỗ lực của ngài Rato Geshe Nicholas Vreeland trong việc biên tập những lời giảng của đức Đạt-lai Lạt-ma trong ba ngày thuyết pháp tại Nhà hát Beacon và buổi nói chuyện tại Central Park [để in thành sách này]. Rất nhiều trong số những lời giảng này là rất cao siêu, một số vượt ngoài tầm hiểu biết của phần lớn thính chúng. Khi thảo luận về những khó khăn thực có này, ngài đã bảo Nicholas “hãy làm theo cảm nhận của ông, nhưng phải luôn ghi nhớ là không được làm sai lệch tính chất sâu xa và thuần khiết của giáo pháp”. Ngài Nicholas đã thành công rất sinh động. Giá trị của cuốn sách này chính là của ngài.
Nhưng quan trọng hơn hết, chúng tôi xin cảm tạ đức Đạt-lai Lạt-ma đã tiếp tục truyền dạy những giáo pháp quý báu này. Nguyện cho cuốn sách này sẽ giúp thuần hóa và rộng mở tâm hồn cho tất cả chúng sinh!