Một hôm, dự định sẽ đi sớm, nhưng mặt trời đã lên mà chúng tôi vẫn còn
ngủ. Khi tôi mở mắt thì thấy một người đứng nhìn tôi. Tôi nghĩ rằng bọn
người tôi thuê hẳn đã đi báo quan rồi. Tôi giả vờ ngủ lại. Ban đêm tôi
ngủ không mang kính, chỉ khi ban ngày tôi mang kính đen vì không muốn ai
thấy rõ mặt tôi. Nhưng tôi đã sợ lầm. Người lạ mặt ấy là một kẻ qua
đường, đi với con trai để đến thành Shigatsé. Đêm hôm qua hai cha con
nghỉ tại Kuma. Họ ra đi rất sớm, và hừng sáng thì theo kịp chúng tôi.
Thấy chúng tôi ngủ ngoài trời, nên đến gần để hỏi thăm. La-ten nói rằng
bọn chúng tôi đi lạc đã lâu mà không kiếm được đường, trễ và mệt quá,
không thế vào làng gần mà nghỉ, đành phải ngủ ngoài trời. Hai người liền
bỏ đi. Họ nói đi ít dặm nữa thì sẽ dừng, chúng tôi có thế theo kịp họ.
Tôi đã trót hứa với những người tôi thuê rằng sẽ ngừng nghỉ trong các
làng. Điều này thật là khổ sở, vì tôi sợ rằng không tới được Lhassa.
Lòng nghĩ thầm rằng trải qua bao nhiêu sự nhọc nhằn gian khổ là vô ích,
nhưng vẫn nuôi chút hy vọng là vào được trong kinh thành rồi hãy bị bắt
cũng được.
Thình lình chúng tôi thấy một tốp người phi ngựa đến, có cầm gươm mang
súng, lại dắt theo một bầy bò. Ban đầu, tôi ngỡ là quan chức. Té ra là
bọn thương gia. Việc tuần phòng của chính phủ Tây Tạng còn thiếu sót
lắm, cho nên người muốn đi xa thì phải hợp lại cho đông mới dám đi, có
đủ cả súng ống, gươm đao. Nhiều khi những người dân trôi dạt dám đón
người mà cướp của, cho nên các thương khách phải có đủ cách phòng ngừa.
Họ dùng súng hiện đại, vì hồi năm 1904, chính phủ có mở ra một lò đúc
súng tại Lhassa. Qua đến năm 1912, lò đúc ấy phát triển mạnh lắm, súng
làm ra khéo léo như bên Nga.
Một đoạn nữa, chúng tôi gặp lại hai người khi nãy. Theo phép lịch sự,
mình phải ngừng lại vài phút đặng hỏi thăm. Khi biết chúng tôi muốn qua
Shigatsé viếng chùa, họ liền muốn tháp tùng cho vui. Shigatsé là quê
quán của họ, họ đi thăm bà con bên Kampa-Dzong về. Họ đề nghị đi chung
cũng không phải là việc lạ, vì trong xứ thường có nạn cướp giật lắm,
cùng nhau đi đông mới vững lòng. Vả lại đi với họ thì mình khỏi sợ lạc
đường. Bây giờ tôi chắc rằng sự giả dạng của tôi là hoàn hảo rồi. Tôi
còn đang bỡ ngỡ thì Sa-tăn đã vui lòng mời họ đi chung. Vì anh ta là chủ
trước mặt mọi người, tôi đành để cho anh chàng thị oai!
Đến đúng giữa trưa, mà con đường chúng tôi đi cứ lên cao mãi. Đó là một
sự ít thấy ở Tây Tạng. Sau rốt, chúng tôi lên tới đỉnh đèo. Nơi đây cũng
như ở nhiều đỉnh đèo khác, có một đền thờ, phía trên có treo phướn và
những bài cầu nguyện viết trên giấy. Chúng tôi đem đá sỏi mà cúng dường
thay cho hoa, cầu nguyện đức Phật. Rồi chúng tôi ra đi, đường xuống thấp
dần dần.
Đi tới chiều đến một khu làng, cả bọn vào một cái nhà nghỉ. Và đây là
lần đầu tiên mà chúng tôi nghỉ trong một nhà quán ở Tây Tạng. Cùng nhau
ngồi lại ăn uống, tôi phải ngồi sau chót, ăn rồi mà ai nấy cũng còn uống
rượu. Nhà trọ không chiếu, không gối, không mền, mình phải đem theo mà
dùng. Sa-tăn cũng dành lấy mền tốt và yên ngựa êm để kê đầu.
Hai giờ khuya, hai người đi chung với bọn tôi đã thức dậy. Họ sữa soạn
ra đi, vì người Tây Tạng quen đi sớm đặng đi cho nhiều và nghỉ tránh gió
buổi chiều. Tôi cũng thức dậy, không ăn uống, không rửa mặt, theo họ mà
đi. Người ta ở đây không hay tắm rửa, họ để mặt mày mình mẩy đóng dày
một lớp đất và mở. Vì vậy, đến lúc tới Lhassa, tôi không tắm rửa lần
nào. Người Tây Tạng nói rằng không tắm rửa thì khỏi lạnh lẽo và được
phúc hậu! Có chỗ, mấy anh chàng đi cưới vợ, muốn cho cô vợ mang mặt dơ
mà về nhà mình, lại còn bôi thêm bơ hoặc mỡ trừu. Trong xứ, có một câu
ca dao rằng: Người Tây Tạng đen đúa ở ngoài, trong sạch bên trong, còn
người ngoại quốc trắng trẻo ngoài da mà dơ nhớp trong lòng. Trăng soi rõ
khắp nơi, nhưng mà trời lạnh cho đến nổi mấy ngón tay của chúng tôi buộc
đồ hành lý cứ run run buộc chẳng được.
Đi tới một làng kia, chỗ này có một ngôi chùa lớn, xây dài theo triền
núi. Đó là chùa Ragyimpa.
Ở Tây Tạng, dường như người ta chọn rất kỹ những chỗ cất đền đài, làng
xóm hoặc chùa chiền. Thường thì làng ở giữa, chung quanh là đồng trống,
hoặc ở núp dưới chân núi. Còn chùa thì cất theo triền núi, không cất
trên đỉnh mà cũng không nằm dưới chân núi. Đền đài thì ở trên chót vót,
phía dưới là đồng mênh mông, có thể đứng ở trên mà trông ra tận bốn góc
trời.
Khu làng mà chúng tôi sắp vào khá đông dân. Họ kéo nhau đi cúng chùa, có
lẽ đang nhằm ngày lễ ở chùa.
Chùa là mấy chục tòa nhà, có khi còn đến mấy trăm, mấy ngàn. Chùa có chỗ
để thờ phụng, có chỗ dạy học, có chỗ cúng lễ, có chỗ tu tập, có chỗ
giảng kinh. Mỗi buổi sáng, các tu sĩ đều tập trung làm lễ trong đền thờ.
Thỉnh thoảng, các vị hội lại mà nghe thuyết pháp, giảng kinh.
Chùa nằm theo triền núi, có khi vách phía ngoài thì giáp với đồng bằng,
mà các dãy nhà, đền thì kéo dài với nhau theo triền núi mà lên cho chí
đỉnh. Những tòa nhà trên hết là kho chứa đồ ăn. Thật là đồ sộ, trang
nghiêm.
Chùa chiếm một khoảng đất rộng lớn, có vách thành bao chung quanh, có
bốn cửa chính quay ra bốn hướng.
Bên trong là phòng của chư tăng, trường học. Tòa nhà lớn hơn hết là một
phòng có chạm trỗ rất thanh lịch với nhiều bàn thờ, mỗi bàn đều có tượng
Phật với đèn thắp bằng bơ. Cũng có chỗ để thờ các vị sư trưởng đã tịch,
có kho kinh sách, có phòng làm việc, lại cũng có nhà trừng trị và nghiêm
phạt các sư phạm giới.
Chùa là một cảnh tấp nập, người đông đảo, có nhiều đường sá. Giữa trời
là một cái sân rộng để tế lễ và cúng Phật.
Dài theo triền núi, có nhiều nhà khác cất rãi rác, xa nhau để cho các tu
sĩ đến tham thiền, và phía dưới là nhà rộng để cho các thầy ở xa đến
viếng có chỗ nghỉ ngơi.
Mỗi chùa đền thuộc quyền một vị đại đức Lạt-ma. Ở những ngôi chùa lớn,
Lạt-ma là một vị Phật đầu thai, có quyền thế rất lớn, và có nhiều vị phó
Lạt-ma theo phụng sự.
Ở đây nhà chùa cũng là một đảng phái chính trị rất mạnh. Họ binh vực sự
an ninh, bảo vệ những lý lẽ của họ, dầu có cần đến sức mạnh bạo lực, họ
cũng tùy tiện mà dùng. Trong chùa rất đông đảo, có hai nhà chùa lớn hơn
hết gần kinh đô: chùa Sera có sáu ngàn tăng sĩ, chùa Drepung có đến mười
ngàn.
Đa số các chùa đều giàu có lắm, có nhiều của cải và ruộng đất. Chùa cất
toàn bằng đá to, không mấy nơi xây bằng gạch phơi dưới nắng mặt trời.
Tuy vậy, cũng có một số chùa nhỏ, có vẻ nghèo nàn, đáng thương, chỉ
giống một ngôi nhà nhỏ trong ấy có lèo tèo mấy vị tu sĩ.
Qua khỏi làng ấy, phải đi lên một cái đèo rất gay go, mệt nhọc. Sau đến
một lữ quán đã đông khách, lại có một viên quan bên thành Kampa-Dzong.
Tôi không dám vào trong, e lộ chuyện, nên phải ở ngoài tàu ngựa mà chịu
cho đến sáng đặng đi tiếp.
Kế đến vùng chùa chiền đồ sộ và có danh ở xứ Nartang. Chỗ này vốn có
tiếng về nghề in sách vở. Phần đông các thứ kinh sách ở Tây Tạng in tại
đây chỉ để dùng trong các chùa, vì dân không biết đọc. Kinh đô cũng có
nhà in, vả lại một phần kinh sách cũng in tại chùa Lạt-ma bên Bắc Kinh
(Trung Quốc). Nhưng không có nhà in nào tiếng tăm bằng nhà in ở Nartang.
Xứ Tây Tạng có một nền văn chương rất phong phú. Phần đại thể là văn
chương Phật học. Và người ta cũng có dịch nhiều kinh sách Ấn Độ chữ Phạn
(Sanskrit) ra chữ Tây Tạng. Nhưng phần nhiều kinh sách Ấn Độ đã lạc mất,
cho nên muốn hiểu rõ Phật giáo thì cần phải đọc kinh sách chữ Tây Tạng.
Có nhiều quyển in riêng. Nhưng có tiếng tăm hơn hết là hai bộ kinh
Kanguyr và Tengyur gồm đủ Tây Tạng Kinh.
Kinh Kanguyr gồm tất cả những bài thuyết pháp của đức Phật, được một
trăm bản, có khi là 108 bản, mỗi bản là một ngàn trương, và riêng ra là
1083 quyển.
Kinh dịch chữ Phạn có khi dịch chữ Trung Quốc,
toàn là lặp lại những lời thuyết pháp của Phật.
Trong các bản của bộ Kanguyr, có mười bản dạy về luật, tức là sự trật tự
và cách ăn ở của tu sĩ. Còn bao nhiêu là những lần thuyết pháp về đạo
đức và luân lý của đức Phật.
Kinh Tengyur dịch các lời truyền dạy, là 225 bản. Kinh này nói về tinh
thần và triết lý, luân lý đạo Phật, và dạy âm nhạc, văn phạm, mẹo luật
hành văn, văn chương, y khoa, cũng dạy về máy móc với các khoa học bí
truyền về đời Phật giáo thạnh hành thuở trước, thời Trung cổ.
Phần nhiều các bản kinh của hai bộ ấy đều viết và dịch từ thế kỷ thứ
chín đến thế kỷ thứ mười bốn, nhằm thời kỳ văn học ở Tây Tạng được thạnh
phát cực điểm. Văn chương hiện nay lại thấp kém lắm, chỉ biết bàn luận
và chép tiểu sử của mấy ông Lạt-ma đã qua đời mà thôi.
Nghỉ lại xứ Nartang một giờ, chúng tôi lại ra đi. Chiều lại, nghỉ trong
một nhà trọ. Sáng ra đi không lâu thì thấy dạng thành Shigatsé. Tôi bị
kiết đã mệt lắm, nhưng thấy thành Shigatsé từ xa thì dường như khỏe mạnh
lại ngay mà đi lại vững vàng.
Hai người đồng hành với chúng tôi ở tại một làng nhỏ dưới nhà chùa
Trashi-Lumpo. Họ thành ra thân thích với mình và mời mọc mình, cho nên
cả bọn đều lại nghỉ tại nhà họ trọn ngày 6 tháng 2, khỏi phải vào nhà
trọ trong thành. Tôi có dịp viếng chợ búa và chùa chiền. Chính ngôi chùa
Trashi-Lumpo này là nơi thường có cả ngàn khách hành hương đến chiêm
bái. Lúc trước, thành Shigatsé là kinh đô của xứ Tsang (Hậu Tạng) tự
trị, cũng như Lhassa là kinh đô của xứ Dbugs (Tiền Tạng) tự trị. Ở Hậu
tạng, có ông Lạt-ma chùa Trashi-Lumpo cai trị như một vị vua. Bấy giờ
chính phủ trung ương đã sáp nhập hai xứ tự trị ấy làm một với toàn nước
Tây Tạng. Trên hết có đức Đạt-lai Lạt-ma trị vì, ngài ngự ở Lhassa. Về
phần chính trị, vua ở Lhassa mạnh hơn. Còn về phần tôn giáo thì Đạt-lai
Lạt-ma với vị sư trưởng Trashi ở Shigatsé đều có quyền bằng nhau. Và bởi
vị sư trưởng Trashi Lama chuyên về tinh thần đạo đức, cho nên nhiều
người nói rằng đức Đạt-lai Lạt-ma là chúa tể về chính trị, còn vị Trashi
Lạt-ma là chúa về đạo đức. Ở Tây Tạng, người ta xem hai vị chúa tể ấy là
hai đức Phật hóa sanh, đức Dalai Lama (Đạt-lai Lạt-ma) là hóa thân của
đức Quán Thế Âm, còn đức Trashi-Lama, gọi theo Trung Quốc là Ban thiền
Lạt-ma, là hóa thân của đức A-di-đà. Tôi được biết rằng đến xế chiều, vị
sư trưởng Trashi-Lama sẽ cầm đầu tăng chúng mà đi qua các nẻo đường. Tôi
lấy làm vui mừng. Tôi lẫn theo các tín đồ và được thấy tận mặt ngài.
Hình dáng ngài thì hiền hậu, gương mặt có vẻ cao sang. Xem ngài êm ái
dịu dàng lắm. Ngài có vẻ ôn hòa thanh tĩnh theo chức nghiệp và địa vị
mình. Ở Tây Tạng, chùa của ngài là trật tự hơn hết. Đạo lý dạy rành rẽ
các tiếng và mỗi năm đều có học tăng ở các nơi trong nước đến thi được
cấp bằng. Trong chùa có chừng bốn, năm ngàn tăng sĩ.
Chiều hôm ấy chủ nhà đãi chúng tôi một bữa tiệc, rượu thịt ê hề, lại có
cả đàn ca hát xướng. Sa-tăn và La-ten uống đã quá chén. Chúng tôi chỉ
uống arak là thứ rượu mạnh, và chê-chang là thứ rượu giải khát. Hai
người say, suýt nữa làm cho cả bọn phải mang họa. Ban đầu còn cãi cọ,
rồi đến muốn ấu đả nhau. Ai nấy xúm lại can. Cả hai đều quên mất vai
đang diễn của mình, nên quay sang hỏi tôi coi ai phải ai quấy. Tôi điếng
cả người, vì sợ lộ chuyện. Nhưng vì mọi người ở đó chỉ là dân quê mùa
nên không ai để lòng nghi kỵ gì hết. Cũng may là giải hòa được cả hai.
Thế là xong chuyện.
Một giờ rưởi khuya, nhưng tôi chưa ngủ, cứ đinh ninh cho là những người
ở đây đã hiểu hết sự tình rồi, chỉ chờ sáng là đi báo quan thôi. Cả đêm
tôi không ngủ được. Đến rạng đông, tôi gọi La-ten dậy đi. Đồ đạc sắp đặt
đâu đó đã xong, mới gọi Sa-tăn dậy sau chót. Anh chàng vẫn chưa tỉnh
hẳn, mọi người xúm đẩy anh lên yên và phải đi một quãng xa anh chàng mới
thật sự tỉnh táo.
Chúng tôi đi ngang phía dưới nhà chùa. Trời còn khuya. Nhưng cả chùa đã
thức dậy công phu. Các sư tụng từ ba bốn giờ khuya. Còn mấy nhà sư lữ
hành và những người đi hành hương thì vừa đi chung quanh chùa vừa quay
những bánh xe cầu nguyện hoặc vừa lần chuỗi Bồ-đề. Mỗi xâu chuỗi thường
là 108 hột và các tín đồ Phật giáo đều có dùng. Có người đi vòng quanh
chùa, cũng có người vừa đi vừa lạy.
Bên phải là một gò lớn, nghĩa địa của cả ngàn người Trung Quốc. Ấy là
dấu tích thời Trung Quốc cai trị Tây Tạng. Chỉ có vài ngôi mộ trước năm
1912. Bấy giờ ở Shigatsé còn binh lính và thương khách Trung Quốc. Còn
phần đông là mồ bạc mệnh của cả ngàn người lúc Tây Tạng nổi lên hồi năm
1912 mà đòi quyền độc lập. Người Trung Quốc bị giết sạch, chỉ một số ít
trốn được mà thoát về quê hương.
Ở xứ Tây Tạng, không có nghĩa địa chôn người, vì phong tục họ không chôn
người chết. Một ít vị sư trưởng Lạt-ma danh tiếng được giữ xác trong hòm
bằng vàng và để trong đền thờ, tín đồ thường đến chiêm ngưỡng. Hầu hết
các vị sư trưởng, khi qua đời thì người ta thiêu xác. Nhưng ở Tây Tạng
ít có củi, cho nên người thường ít được thiêu. Họ có cách khác để đưa
người chết về cõi thọ vậy. Nghĩa địa là chỗ để thí thịt cho chim ó.
Người ta đem xác ra tới đó, để lên trên một tấm đá bằng thẳng. Xác nằm
sấp, người ta mới chặt ra từng khúc mà cho thú và chim ăn. Muốn cho kẻ
khác chết được đầu thai vào nơi phúc hậu, người ta thích đem xác cho ó
ăn. Gần nghĩa địa, có một bầy ó. Xác vừa đưa lại, mùi bay ra, giây phút
ó bay lại rất nhiều. Có một nhà sư coi về cuộc tống táng này. Miếng đầu
phát cho con ó lớn tuổi hơn hết trong bầy. Người ta kêu tên nó, nó mới
đi ra mà lãnh phần. Chim ó đã quen rồi, nhà sư cứ kêu tên thì chúng nó
đi ra từng con.
Đi đến trưa, mệt mỏi lắm, chúng tôi vào tới làng Pengma. Dự định nghỉ
đêm tại đó, nhưng quán xá đã đầy khách cả, không ai cho mình nghỉ. May
kiếm được một cái nhà trọ của cô kia. Cô mập mạp, chừng hơn bốn mươi,
nhưng xem bộ vườn nhà còn bén mùi hoa. Cô đương có sẵn năm đức ông
chồng. Nhưng không hiểu sao, cô thấy tôi coi bộ cô thích tình với tôi
lắm...Ở Tây Tạng, nhiều vợ, nhiều chồng là việc thường, ít người nào một
vợ một chồng. Cái tục một vợ nhiều chồng của dân gian giữ được là vì họ
bảo tồn của cải chung của họ hàng. Hàng phụ nữ rất trọng cái tục ấy. Nhờ
được nhiều chồng nên họ mới rộng quyền hành trong gia đình. Bên Tây
Tạng, việc bỏ vợ bỏ chồng lại cũng không khó, miễn chịu tốn tiền là
xong. Tốn nhiều hay ít là tùy theo người và hoàn cảnh, và cũng chiếu
theo luật định trong nước.
Từ nay tôi đã đi vào một xứ mà không mấy nhà thám hiểm được bước chân
vào, cho đến người bản xứ mà chính phủ trả rất đắt tiền cũng không đến
tận miền nầy. Tôi rất chú ý và ghi lại tỉ mỉ những hình tích địa dư vào
trong quyển sổ của tôi. Sự trá hình của tôi không cho phép tôi đo ngắm
bằng khí cụ được. Tôi chờ những hôm có trăng, tôi thức khuya hơn mấy
người khác mà vẻ bản đồ những xứ đã trải qua. Chỉ có cách đó mà thôi, vì
ban ngày thì mình ở trước mắt đông người, còn ban đêm thì không có đèn.
Hôm nay, chúng tôi đi rất ít. Chỉ ước chừng 25 cây số thôi. Chúng tôi
định rút tới, nên hôm kế, trời còn khuya vào lối hai giờ rưởi thì đã
thức dậy mà lên đường.
Chúng tôi lạc mất một khoảng xa. Sau mới kiếm được đường, thì cả bọn đều
lấy làm mệt mỏi. Đi gần tới một ngôi chùa xưa. Lần nầy là lần đầu mà tôi
thấy một cảnh chùa cất theo triền núi. Mình muốn vào viếng cảnh và tìm
kinh sách xưa, nhưng sợ mất thì giờ, bèn đi luôn. Đến xóm Rugu, cả bọn
vào nghỉ trong một nhà trọ.
Nhà không có khách lạ. Tôi để La-ten nấu đồ ăn, tôi đi thẳng lên tầng
trên nằm nghỉ vì đau nhức và mệt mỏi lắm. Một lát, cô chủ nhà lên tìm
chúng tôi mà kể chuyện lôi thôi trong làng.
Có than về thân phận rủi ro của vị tăng trụ trì chùa ở làng. Ông cũng
nhận ông là Phật hóa sanh, nên được chọn làm chủ trong chùa, nhưng chờ
đến lớn sẽ giao quyền cho ông. Lúc ông còn nhỏ, một lão tăng cai trị thế
cho ông. Bấy giờ đức Phật sống đã đúng tuổi trưởng thành và đòi quyền
lại, nhưng lão tăng không chịu nhường. Hai bên tranh nhau kịch liệt. Lão
kia mạnh thế hơn, nhà sư Phật hóa đành trả chức và ra khỏi chùa. Tôi lấy
làm ngạc nhiên, vì một nhà sư xưng là Phật tái thế mà lại phải trả chức,
nên tôi hỏi kỹ cô ta về công việc lôi thôi ấy.
Cô đáp rằng nhà sư ấy nhận qua cai quản một cảnh chùa khác. Ông có nhất
định rằng chừng qua đời ông sẽ đầu thai lại làm chủ chùa ấy, chớ không
trở về chùa đã xảy ra việc lôi thôi kia (!)
Nghỉ được chừng một giờ, chúng tôi lại ra đi. Lối một giờ trưa, trời
nắng lắm, nóng hơn cả nước sôi, rờ một vật gì ngoài trời thì liền phỏng
tay ngay. Thế mà trong bóng mát, lạnh hơn nước đá, lạnh như ban đêm. Ở
Tây Tạng thật lạ hơn các nơi. Có nhiều khi trời lạnh đến ba chục độ âm
về đêm và nóng hơn độ sôi của nước mười hoặc hai mươi độ về trưa. Giữa
trưa, trong nhà nấu trà rồi để một chút, trà thành ra nước đá. Mình thử
để một chân trong mát, một chân ngoài nắng, thì một chân bị lạnh như
trong nước đá, còn chân kia bị nóng như vào nước sôi.
Bấy giờ tôi yếu lắm, đi không nổi, vì bệnh kiết càng ngày càng nặng thêm
làm cho mệt mỏi và yếu đuối vô cùng. Những người theo tôi rót thứ rượu
mạnh arak đưa tôi uống. Giữa đường không có thuốc gì khác, đành uống
rượu cầu may. Rượu uống vô khỏi cổ thì nó lộn nhào trong ruột tôi, dường
như bị lửa đốt bên trong nên được thêm sức mạnh chạy theo kịp mọi người.
Sa-tăn đi tới trước, thuê một nhà trọ tốt đẹp, có gối nệm chỉnh tề.
Trong nhà có hai bộ ván nhỏ để cho khách sang. Đã có một ông sư nghỉ
rồi, ông này đi từ Lhassa đến Shigatsé. Sa-tăn qua choán bộ ván bên kia.
Còn mình chút phận nhỏ nhen không mong hưởng được.
Ông sư thức dậy, bèn đọc kinh. Có một bát trà để trước mặt, hễ ông đọc
kinh năm phút thì uống một hớp trà. Xong rồi thì ông đọc kinh cầu phước
cho chúng tôi. Chúng tôi cúng dường bằng tiền. Bên Tây Tạng đọc kinh là
được phước nhiều lắm. Bởi bình dân không biết chữ cho nên nhờ các nhà tu
đọc kinh hộ cho. Tụng kinh cũng là một nguồn lợi chính của người tu.
Thầy tu ở Tây Tạng được nhiều mối lợi. Những nhà sang trọng có việc tang
tế thì thường thỉnh quý thầy đến mà tụng kinh. Dầu ở chùa, dầu ở ngoài,
của tiền châu cấp không có hạn định, tùy theo hoàn cảnh. Có thầy con nhà
giàu có thì được cha mẹ trông nom và cho ăn học. Lớn lên đã có của cải
gia truyền, lại được người ta cúng dường những khi thầy cầu nguyện cho
người ta. Mấy nhà sư trưởng lên đến bậc cùng tột là trưởng lão Ge-long,
được bá tánh tôn trọng lắm. Trong các việc gả cưới tế lễ, họ đều nhờ vào
nhà sư để cầu nguyện và xem xét giùm. Có đau đớn, họ cũng nhờ nhà sư
tụng niệm mà trị cho lành mạnh. Có sanh đẻ, họ cũng thỉnh nhà sư đến để
xem vận mạng của đứa trẻ mới lọt lòng.
Người ta cũng nhờ các nhà sư bói quẻ và đoán việc tương lai. Có chùa
cũng cho vay mà lấy tiền lời. Lại đến khi người ta làm mùa màng xong thì
nhà sư đi từng nhà tụng kinh cầu phước, thì họ chia bớt cho một phần,
nhiều ít là tùy theo phẩm bậc của nhà sư.
Chùa chiền phần đông là giàu có lắm, nhất là huê lợi đất đai chung quanh
chùa. Mấy người mướn ruộng được truyền tử lưu tôn, khỏi đóng thuế cho
nhà nước, mùa màng thì chia lại cho chùa mỗi năm một phần ba. Nhà chùa
lãnh lấy huê lợi, để dùng vào ba việc: sửa sang chùa chiền, mua sắm các
đồ cần thiết trong việc lễ cúng, mua đồ vật dụng cho chùa như đồ ăn uống
và dầu đèn để thắp ngày thường và những hôm lễ cúng tại chùa. Nhà sư bên
Tây Tạng khỏi nạp sưu thuế chi cả, và đi đâu cũng được bá tánh nâng đỡ,
ủng hộ cho mọi bề.
Ông sư đọc kinh cầu nguyện cho chúng tôi trót hai chục phút đồng hồ.
Chúng tôi cúng cho ông hai đồng trang kas. Khi ông đi ra, trời đã khuya.
Trong nhà nghỉ chỉ còn có bọn tôi thôi. Tôi lấy làm vui vì không còn ai
lạ. Nhưng Sa-tăn coi bộ khoái hơn, vì hắn thừa dịp này mà hăm dọa tôi.
Hắn thấy tôi quyết tình muốn đến Lhassa, nên nghĩ rằng muốn đòi bao
nhiêu tôi cũng phải theo ý hắn. Quả thật, thà là tôi ép bụng chịu thiệt,
còn hơn là để cho công việc bất thành. Hắn đòi tôi một ngàn ru bi, và đe
rằng nếu tôi không nghe theo thì hắn sẽ tố cáo với nhà chức trách. Tôi
giận muốn đánh hắn cho chết. Nhưng nghĩ lại vô ích, bèn hứa rằng nếu đi
tới Lhassa thì tôi sẽ thưởng cho hai ngàn ru bi chứ không chỉ một ngàn.
Thật buồn cười là con số này thật ra còn ít hơn số tiền mà tôi đã định
cho hắn. Tôi lại bảo hắn viết cho tôi mấy chữ, nhưng hắn cũng khờ khạo
mà nghe theo. Liền đó, tôi cho hắn hay rằng, nếu giữa đường tôi bị bắt,
hoặc là đến Lhassa hắn làm cho tôi bị trục xuất, thì tới Ấn Độ tôi sẽ
làm cho hắn phải đi tù về tội hăm dọa người.
Sáng hôm sau lại ra đi. Mười một giờ trưa đến làng Namu. Giữa làng có
một nhà chùa lớn. Vài vị tăng đang đi dạo trên đường, có nhiều vị đứng
nhìn chúng tôi. Về sau, tôi được biết rằng chùa này nổi tiếng là phản
động. Có mấy ông sư đi ngay lại mà hỏi chúng tôi. Vì thấy chúng tôi mặc
đồ xứ Sikkim khác hơn đồ xứ Tây Tạng miền trung, cho nên họ có lòng
nghi.
Vì mới khi hôm bị Sa-tăn hăm dọa, nên bây giờ tôi sợ hắn khai ra lắm.
Nhưng hắn đã vì tiền mà định đưa tôi tới Lhassa thì chắc không dại gì mà
khai ra đâu. Hắn trả lời sơ qua ít tiếng thì họ cho chúng tôi đi. Coi bộ
họ chưa an lòng nên thấy Diogène đi sau chót, họ kéo anh này lại rồi hỏi
chung về cả bọn chúng tôi. Anh cũng giữ được kín nhẹm, trả lời khờ khạo
không ăn nhập gì. Họ bèn buông cho đi. Ông sư gọi chúng tôi lại có lẽ
giữ chức Tcho-Trimpa trong chùa, một chức vụ lo gìn giữ trật tự trong
chùa và cả khu vực chung quanh.
Chùa lớn có một số tăng chúng có chức phận, mỗi nơi lại khác nhau. Nhưng
về các ngôi chùa Gelupa là phái tu chính thức của chính phủ Tây Tạng
(các sư thuộc phái này đội mũ màu vàng) thì trật tự tổ chức theo như sau
đây:
Trên hết, có sư trưởng trụ trì trong chùa là một vị Phật đầu thai, chức
danh ngài là Trũ-ku, được tôn lên chức này từ hồi còn nhỏ, hoặc là giáo
hội Shigatsé hay Lhassa phái ngài qua cai trị. Phần tài chính thì có
chức Tchandzo nắm giữ với chức Tchinyer làm trị sự. Chức Lob-pon là đốc
học, dạy tăng và dạy những lớp cao. Chức Tcho-Trimpa tiếp sức với vị đốc
học, và lo giữ gìn trật tự trị an. Hai ông này có nhiều thầy tăng khác
phụ giúp.
Điều hành sinh hoạt thường ngày và ngày lễ thì có chức vị Umdzé là người
cao niên hơn hết trong chùa, với một vị Kunyer lo về quần áo và vị
Tchama lo về trà nước. Lại cũng có nhiều tăng sĩ khác làm những phận sự
đặc biệt, như mấy các sư lương y trị bệnh bằng dược thảo, các sư trị
bệnh bằng bùa chú, các sư họa sĩ vẽ hình tượng trong các đền, các sư
tính tiền chép sổ, các sư đi thu gom hoa lợi, và cũng có các sư lo nấu
ăn.
Tuy muốn dừng trong làng để dùng bữa và nghỉ trưa. Nhưng mấy vị sư đó
làm cho tôi sợ quá, nên cùng nhau đi luôn. Một giờ sau, đến một nhà trọ
nhằm chỗ vắng, cả bọn bèn vào nghỉ ngơi, khỏi lo sợ chi cả.