Chàng Kyipup, một người lúc trước có du học bên nước Anh, thường lại
thăm tôi và nói cho tôi biết về chi tiết sở bưu điện mới bên Tây Tạng.
Từ xưa đến nay, trong xứ có cách đem thơ bằng ngựa, trạm phu chạy từ
tỉnh này đến tỉnh kia. Theo lối này chỉ đem công văn, trát lệnh của
chính phủ thôi. Nhiều khi người ngoài cho tiền thì họ cũng đem thơ
riêng. Mấy năm sau này, lối đi thơ bằng ngựa đổi thành sở bưu điện có
trật tự, có chuyển bưu phẩm và thơ riêng cho tư nhân. Bây giờ ở Tây Tạng
có mười hai nhà bưu điện, lớn hơn hết là ở kinh thành Lhassa, Shigatsé,
Gyangtsé và Pari. Mấy tỉnh này nằm gần trung tâm Tây Tạng, còn mấy tỉnh
ngoài giao thông bất tiện nên vẫn còn giữ cách đưa thư như xưa.
Riêng về thư tín thì người ta chuyển đi bằng ngựa, chạy từ trạm này đến
trạm kia thì đổi ngựa, thay người. Sở này làm việc cũng khá nhanh. Vì từ
Gyangtsé đến Lhassa trên hai trăm bốn mươi cây số mà người ta chuyển một
lá thư đến trong hai ngày rưỡi. Xứ Tây Tạng cũng dùng tem thư, nhưng
thường thì thư được chuyển đến tận nhà là nhờ tiền thưởng cho những
người phu trạm. Lẽ cố nhiên là xứ Tây Tạng không có quan hệ trực tiếp
với hệ thống bưu chính thế giới, và ở ngoại quốc không thể thông tin
trực tiếp với kinh thành. Nhưng đồn binh ở thành Gyangtsé, có hai bưu
điện, một của người Anh, một của Tây Tạng. Nếu có quen với người làm
việc tại bưu điện Anh ở Gyangtsé thì mới có thể nhận thư từ bên Âu Châu
gởi qua. Nhờ vậy mà trong khi ở Tây Tạng, tôi có nhận được hai lần thư
từ bên nước Anh gởi đến cho tôi đề ở thành Darjeeling. Lòng đang bực
dọc, trông thư như trời hạn trông mưa, thế mà bắt được thư thì lại chỉ
nói toàn những chuyện đâu đâu. Trong một bức thư, quan chức kho bạc yêu
cầu tôi phải nộp thuế đủ trong mười ngày, lại còn hăm dọa này khác...
Thật là buồn cười.
Mấy năm sau này, có một đường điện tín nối từ Gyangtsé đến kinh đô
Lhassa. Điện tín còn sơ sài, thỉnh thoảng lại đứt giây một lần, nhưng
mỗi tuần cũng chuyển được chừng năm bức điện. Ở kinh đô, nhờ có sở điện
tín Gyangtsé mà người ta hiểu biết được về các nước ngoài. Hóa ra kinh
đô vẫn đóng cửa kín mít, mà chuyện ngoại quốc ai ai cũng đều hay biết.
Đường giây điện tín ấy được thành lập là nhờ lệnh của Hội đồng nội các,
nhất là nhờ ảnh hưởng của quan Tsarong. Mấy ông này không cần hỏi ý kiến
Hội đồng quốc gia, vì biết trước rằng giới tăng sĩ có bao giờ chấp nhận
việc cách tân đâu. Tôi xin thú thật rằng, nhờ sở điện tín ấy, họ mới
biết tôi vào Tây Tạng lần trước, và nhờ điện tín, họ mới ra lệnh cho các
quan bắt tôi mà trục xuất về Ấn Độ.
Trong số người đến thăm viếng mà có phần bổ ích cho tôi, có chàng
Champela là vui vẻ bặt thiệp hơn hết. Tuy chàng là người Tây Tạng, nhưng
lúc nhỏ có ở thành Darjeeling, nên nói tiếng Anh rất rành và biết rõ
phong tục của người Anh. Chàng có khiếu thông minh, trước có làm việc
trong một ngân hàng. Sau có chuyện lôi thôi, sổ sách tiền bạc không phân
minh nên chàng mới đến ở kinh đô Lhassa, vì biết rằng ở Tây Tạng không
có luật bắt tội nhân mà nộp cho chính phủ nước khác. Chàng biết tiếng
ngoại quốc, được làm việc trong một sở của chính phủ, và chàng được bổ
làm thông ngôn chính thức của chính phủ. Vì trong nước cần có một viên
quan thường trực tại kinh đô, biết tiếng Anh để dễ giao tiếp với bên
ngoài.
Champela có một người em tên Karma-Subur, chính là thầy dạy tôi nói
tiếng Tây Tạng tại Darjeeling. Karma-Subur là người thông minh lắm, vì
ít người đem tiếng Tây Tạng mà dạy được cho người nước ngoài.
Champela thường đến viếng tôi luôn. Nhờ chàng mà tôi biết được nhiều
việc. Chàng nhỏ người, hiền lành, lễ phép, vui vẻ, dễ thương và ưa nói
chuyện khôi hài. Từ khi xảy ra việc lôi thôi lúc niên thiếu thì thành ra
một người có tư cách đoan trang. Chàng với quan Tsarong là hai người
xuất chúng ở Tây Tạng, hết lòng lo lắng việc nước, và hiểu rõ những thời
cuộc chính trị ở nước ngoài. Điều này là quý lắm, vì người Tây Tạng cho
đến hạng quan chức cũng không thông hiểu việc quốc chính. Vậy nên mỗi
khi muốn hỏi thăm chuyện chi thì tôi cứ hỏi Champela.
Chính chàng có cho tôi hay một cách trào phúng rằng nhà vua có nhận được
rất nhiều thư từ bên Anh Quốc và Hoa Kỳ. Phần đông người viết những bức
thư ấy đều ca tụng đạo Phật, coi nhà vua là một vị Phật sống ở ngôi. Họ
lại nói rằng họ không phải như bọn người Âu châu đuổi theo vật chất kia,
mà là hạng người tôn kính Phật giáo. Họ rất hân hạnh nếu nhà vua ban
phép cho họ đến kinh đô đặng khảo cứu về đạo Phật. Có khi người viết thơ
ước ao được bệ kiến đức vua tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hoặc tại thành
Darjeeling.
Chàng Champela có nhiệm vụ dịch những thư ấy ra tiếng Tây Tạng. Vua xem
cả bức thơ, nhưng nhiều khi ngài không trả lời. Có một lúc chính phủ bên
Ấn Độ gởi thư cho vua, vua gởi trả lại mà thơ vẫn còn niêm phong. Quan
toàn quyền Ấn Độ tức giận, kế đến trận chiến tranh Younghusband xảy ra
một phần là do nơi lẽ ấy mà người ngoài không ai để ý. Cách đó làm giảm
giá trị xứ Tây Tạng nhiều quá, thành ra một bài học đau đớn. Bây giờ đối
với thư từ của chính phủ Ấn Độ gởi qua, vua đều có hồi âm. Chỉ trả lời
nhạt nhẽo cho có chừng, nhưng là trả lời liền sau khi nhận thư.
Chàng Champela có cho tôi biết những sự giao thiệp giữa vua Dalai Lama
với đức Ban-thiền Lạt-ma. Về chính sự thì vua Dalai Lama rộng quyền hơn
vị tăng trưởng ở thành Shigatsé nhiều lắm, còn về tôn giáo thì hai ngài
bằng nhau. Thỉnh thoảng hai ngài cũng có viếng thăm nhau. Về mặt ngoài
và trên chỉ dụ thì hai ngài giao thiệp với nhau thân thiện lắm. Song về
nội tình thì có bề xích mích, vì vua Dalai Lama vẫn còn buồn về việc hai
phen ngài bỏ ngôi mà lánh nạn, đức Ban-thiền lại choán lên ngôi của
ngài. Ban-thiền Lạt-ma là nhà tu hành xuất gia, ưa sự yên tĩnh định
thiền. Cho nên những cơ quan chính trị thích dùng ngài mà che chở cho
những sự tham vọng của họ.
Năm 1904, quân Anh tràn qua Tây Tạng. Vua Dalai Lama phải đi lánh bên
Mông Cổ, mấy nhà quyền chức Trung Quốc đóng ở Lhassa thừa dịp ấy mà phế
ngài và tôn đức Ban-thiền lên làm chúa xứ Tây Tạng. Ngài Dalai Lama nhờ
thương thuyết ngay với chính phủ Trung Quốc ở Bắc Kinh nên được trở về
nước và phục ngôi. Bấy giờ đức Ban-thiền nhường chức cho ngài và giữ địa
vị thứ hai.
Kế, qua năm 1912, người Trung Quốc thấy vua Dalai Lama độc lập quá, bèn
đem quân chiếm xứ Tây Tạng. Chuyến này nhà vua chạy sang Ấn Độ. Quân
Trung Quốc phế ngài lần thứ nhì và cũng lập đức Ban-thiền lên. Họ chỉ
dựng ngài lên làm bình phong để dễ bề cai trị, bóc lột.
Năm ấy, người Tây Tạng nổi lên phản kháng quân Trung Quốc, họ đòi được
quyền độc lập và kết quả của cuộc phản kháng là vua Dalai Lama trở về
nước, đức Ban-thiền Lạt-ma bèn giao ngôi báu lại cho ngài.
Từ đó, giữa hai ngài thường có việc bất hòa, và vị tăng trưởng
Trashi-Lama vẫn nhường nhịn luôn. Sau này, khi tôi trở về Âu Châu rồi,
tôi nghe tin ông sang Trung Quốc, có đến ở Thượng hải vào tháng 12 năm
1925, chắc cũng là vì sự bất mãn chứ chẳng không.
Tôi cũng có tiếp khách là mấy ông quan làm kho bạc. Họ nói với tôi rằng
tình hình tài chính của chính phủ Tây Tạng eo ngặt lắm. Ấy là vì quan
lại làm giàu rất nhanh, còn chính phủ thì vẫn chịu ngèo. Phần đông các
quan đều lãnh lương ít lắm, là bởi lý này: họ là người giàu có sẵn rồi,
chẳng cần lãnh tiền nhà nước nhiều. Mà thật sự thì lương bổng chỉ là một
phần nhỏ trong những mối lợi của các quan. Có nhiều món tiền đáng lẽ vào
ngân sách Nhà nước, lại chạy vào túi sâu hút của các quan. Ngoài ra, vị
quan nào không đủ tiền xài thì có thể hóa giá lấy đất nhà nước đặng tăng
thêm hoa lợi riêng cho mình.
Các quan tổng đốc năm mươi ba tỉnh trong xứ Tây Tạng thâu thuế của dân
về đất đai và gia đình. Thuế đất thì dân nộp bằng hoa màu, như khoai,
bắp... tính lấy một phần trong số thu hoạch. Nhưng thuế vụ không phải là
nộp cả cho chính phủ. Chẳng những đất cát mênh mông của các nhà chùa
không phải nộp thuế, mà Nhà nước còn phải trích ra một phần thuế để trợ
cấp cho các sư trong những chùa tại kinh đô Lhassa.
Nhà nước cũng có đánh thuế lông cừu, đánh thuế và thu lợi về việc làm
tiền đồng, tiền giấy. Quan Tsarong-Shapé trông thấy tình hình tài chính
suy yếu, ngài mới đặt ra cách làm tiền giấy và mấy thứ thuế khác nữa để
có thêm tiền, nhằm làm việc cải cách cho nước nhà. Tài chính của đất
nước và gia nghiệp nhà vua là khác nhau. Nhà vua thu lợi về đất đai
ruộng vườn, ngài lại thâu nhận các lễ vật rất đáng giá của những người
thiện tín cúng dường. Lợi tức của ngài mỗi năm đều trội hơn tiền chi ra.
Người Tây Tạng không biết cách làm cho đồng tiền sinh lợi. Khi dư giả
thì họ đem vàng bạc mà chôn, xem như một cách giữ của. Vì thế, mỗi năm
vua đem rất nhiều tiền mà chôn dưới hầm, phía dưới là núi, phía trên là
đền Potala. Người ta nói rằng gia tài của vua lớn lắm, không thể ước
tính nổi. Chỉ có một lần đào tiền lên là vào năm 1910, khi vua đi lánh
bên Ấn Độ. Ngài cần mang tiền theo để dùng trong mấy năm lưu lạc.
Tôi đến chưa mấy ngày, có hỏa hoạn trong đền vua. Và cũng lạ thật, có
người đồn rằng vì có tôi đến nên trận cháy mới xảy ra. May là cũng chẳng
mấy người đồn, nếu không thì thật khó cho tôi. Bên Tây Tạng, không có
hỏa hoạn, là vì người ta không cất nhà bằng lá với bằng cây. Rủi ro có
lửa, chỉ tạt chừng vài thùng nước là xong. Hôm lửa cháy lần này, trong
đền không thiệt hại gì nhiều, chỉ có vài món đồ trong một căn nhà trường
thôi. Trường này để đào tạo các viên chức vừa làm quan vừa làm tăng sĩ.
Những học sinh nào tu tại gia thì khỏi thi, học vừa biết viết biết đọc
văn tự hành chánh thì có thể ra làm việc được.
Lúc trước người Trung Quốc cai trị, có lập ra các phẩm nghạch cho quan
chức. Từ ngày người Trung Quốc buộc phải rút về nước thì phẩm nghạch ở
Tây Tạng không phân minh. Tuy vậy, nhìn chung người ta có thể đếm được
bảy bậc quan. Nhỏ hơn hết, quan thất phẩm và lục phẩm, là những thầy mới
vào làm việc và chưa đủ thế lực mà xin thăng chức. Khá hơn nữa, ngũ
phẩm, là mấy viên tổng đốc cai trị các tỉnh với chức Dzongpons, tứ phẩm
là quan cai trị ba tỉnh lớn, với chức Depons hay là những quan ở
Gyangtsé lo cuộc thương thuyết giao tế với chính phủ Ấn Độ.
Trên nữa thì không được rõ ràng, vì hồi mấy năm trước, người Trung Quốc
cai trị, người Tây Tạng không trông gì lên được chức cao. Nhưng nói
chung thì tam phẩm là mấy nhà sang trọng. Vinh hiển thì có chức Teitji,
Dzasa, Ta-lama, mấy ông quan tứ trụ Shapés. Còn quan đầu viện Lonchen là
nhị phẩm. Nhất phẩm tức là ngôi vua...
Có một người thường lại viếng tôi, làm hộ trưởng của dân Hồi giáo tại
Lhassa. Tuy kinh đô Lhassa là trung tâm của các nhà sư đạo Phật, các nhà
sư ấy có danh là khoan dung, nhưng ở đó có hai thánh đường Hồi giáo, một
là của người Trung Quốc và một của người Ấn Độ. Có một người gốc ở Népal
quen với tôi và giúp tôi nhiều việc lớn. Ông ta biết chụp ảnh, là điều
mà tôi rất mừng. Trong lúc tôi bị giam, người này đi chỗ nọ chỗ kia,
chụp những ảnh lạ, những dấu tích xưa mang về cho tôi.
Lại cũng có một vị thương gia đến viếng tôi, là một người giàu có trong
thành. Ông này biết tôi yếu trong mình nên có đem theo hai chai rượu
Cô-nhác mà biếu tôi. Hôm ấy tôi mệt lắm, có bảo kẻ thuộc hạ của tôi là
Sa-tăn ra ngoài cầm khách. Hai người nói chuyện giây lát, bèn khui rượu
ra và đánh chén. Tôi biết rằng Sa-tăn ưa rượu lắm, mà rượu vô thì hắn
trở nên lỗ mảng. Nhưng lúc nảy tôi trót đã quên mất điều này rồi! Người
kia cũng có tánh nói chuyện và nóng nảy khi gặp thần men. Hai đàng đánh
chén hừng chí, mới luận bàn các việc và cãi nhau. Sau cùng sanh ra ẩu
đả, Sa-tăn mới vác gươm chạy lại chém, may không gây thương tích gì
nặng. Tôi phải xen vào ngăn lại. Không chịu, hai người lại càng làm dữ.
Tôi phải xin lỗi người thương gia và mời người đến dùng cơm chiều bữa kế
với tôi. Từ đó, người thường lại viếng tôi luôn. Còn về phần Sa-tăn thì
tôi đã cho hắn thong thả đi làm ăn rồi. Tôi không la rầy nhiều, vì biết
rằng nếu hắn oán hận thì có thể hội hiệp với đám người hôm nọ mà làm hại
tôi.
Sa-tăn ra thành phố, sẵn trí khôn lanh, trong ít hôm thì kiếm được một
cô vợ, đàn bà góa nhà giàu. Hắn vốn có sẵn một người vợ tại thành
Darjeeling rồi, vẫn cùng với một anh khác chia phiên nhau mà sống với
người vợ ấy. Nhưng bây giờ hắn định bỏ tục một vợ nhiều chồng mà theo
lối sống một vợ một chồng.
Hắn viết thư cho người vợ trước, bảo rằng cô ta được thong thả mà tự
liệu. Như thế là xong việc rồi! Liền đó, hắn làm lễ cưới với cô vợ mới.
Hắn yêu cô thì cô nuôi dưỡng và chăm sóc hắn rất kỹ càng...
Sau cuộc lễ cúng đức Di-lặc, các tu sĩ lần lượt kéo nhau ra khỏi kinh
thành và về các tỉnh, các quan lại nắm quyền chính như trước. Thiện nam
tín nữ đi hành hương cũng ra khỏi kinh thành mà trở về nhà. Qua những
ngày kế, thành phố Lhassa trở nên yên tỉnh như thường. Giới tăng sĩ đông
đảo về đây trong ba tuần lễ choán hết các nẻo đường, bây giờ họ đi hết
rồi, thành đô xem ra vắng vẻ lắm. Những người này đi hết rồi, tôi cũng
hết lo ngại. Người ta để cho tôi thong thả đi ra đường. Tôi thú thật,
tôi đã tự tiện đi đây đi đó lâu rồi. Song tôi cũng thừa dịp này mà đi
dạo các nẻo và các phố phường, mặc đồ Tây Tạng cho người ta khỏi để ý.
Tôi lấy làm vui sướng mà được thong thả. Và có nhiều khi tôi đi dạo ra
khỏi thành. Đứng ngoài trông vào, thấy thành nội, đền vua và trường y
học. Tôi viếng hết cả các dinh thự công cộng trong thành và ngoài thành.
Tôi cũng có viếng các nhà chùa, các đền thờ và đài Norbu-Linga là tòa
cung điện riêng của đức vua. Tôi cũng có vào tòa nhà của ông thầy tiên
tri ở Lhassa. Và tôi có đi khắp các dãy trong nhà chùa Drépung to lớn
nhất Tây Tạng. Tôi có vào các hàng bán đồ. Ở đây, trong mấy tiệm và
quán, người đàn bà làm chủ và đứng bán, vì chẳng những hàng phụ nữ có
thế lực về xã hội, lại có thế lực về kinh tế nữa!
Có ba đường lớn từ kinh đô thông ra ngoài. Một đường chạy tới Bắc Kinh,
bây giờ ít người đi. Là vì Tây Tạng thôi không giao thiệp với Trung Quốc
và cấm người Trung Quốc vào nước. Một đường nữa đi tới Kashmir, đi ngang
thành Shigatsé. Hồi trước, đường này đông người lắm, nhưng bởi đi vòng
cho nên bây giờ người ta ít đi. Đường thứ ba nhiều người dùng hơn hết,
đi ngang nhiều thành phố lớn và chạy tới xứ Kalimpong. Nhưng đường không
được tốt vì tài chính Tây Tạng đang còn yếu kém.
Trong nước hàng năm xuất cảng nhiều lông cừu và súc vật, nhưng vẫn không
mạnh về nông nghiệp. Lợi tức từ các hầm mỏ cũng không khá: việc khai phá
các mỏ không phát triển là vì giới tăng sĩ quá tin dị đoan. Họ nói rằng
nếu đào đất thì ma quỷ dưới âm phủ sẽ lên và phá hại con người với mùa
màng. Trong nước, người ta đi đãi vàng theo nhiều con sông, để khỏi đào
đất xuống sâu. Có vài cái mỏ người ta lấy vàng vừa được một vài thế kỷ,
nhưng không lấy được nhiều vì phương pháp lạc hậu. Xứ Tây Tạng có nhiều
mỏ sắt rất lớn, nhưng phải về sau may ra mới đào được mà dùng. Người ta
cũng nói rằng có nhiều mỏ dầu lửa rất lớn, nhưng chưa ai khai thác được.
Sau khi tôi được trả tự do, tôi thường ra đồng để coi binh lính luyện
tập. Binh pháp điều động theo lối tân thời, hẳn là kết quả của nền độc
lập Tây Tạng đó.
Theo luật nước, nhà nào có trên một người con trai, phải cho một người
vào lính. Nhưng nhà nước chưa buộc gắt gao, là vì tài chính. Sắc phục và
súng ống còn thiếu, nên binh lính toàn là những người thạo việc chiến
chinh, và số binh sĩ ngày một tăng thêm. Họ đeo lưỡi lê bồng súng dài,
nai nịt theo như quân đội Anh, nhưng cũng có vài đại đội còn bịt khăn
chứ không đội mũ. Mấy ông quan võ thấy khác hơn vì có đeo quân hàm, còn
những quan võ cấp cao thì mặc đồ như quan võ bên nước Anh. Binh tập coi
rành rẽ, đi đứng mạnh mẽ, linh hoạt và thông thạo. Binh lính có vẻ oai
nghiêm, có thể tin được là khi hữu sự họ sẽ đủ sức đảm đang gìn giữ nước
nhà. Nhưng có chỗ không hay là hạng quan võ phần đông vốn con nhà quý
tộc ở Lhassa. Họ đã quen với cách sống phong lưu nhu hòa rồi, cho nên có
nhiều người không có phong thái uy nghiêm, hùng dũng.
Mỗi ngày tôi đều được thấy thêm chuyện lạ. Nhưng tôi đã bắt đầu thấy nhớ
nhà và muốn trở về nước Anh. Công chuyện của tôi dồn dập tới nhiều, và
trong người tôi không được khỏe, nên tôi xin phép trở về. Tôi chắc rằng
chính phủ sẽ lấy làm vui mà phê cho tôi đi, nhưng lại có nhiều việc xảy
ra làm cho trễ nãi. Sau tôi phải nói gắt, yêu cầu chính phủ cho người
đưa tôi đi. Cuối cùng, chẳng những tôi được đủ cả giấy tờ, người ta lại
còn cho thêm thú vật để chở đồ, thay thế cho mấy con vật của tôi đã lạc
mất. Người ta cho tôi nghỉ ngơi ở các nhà trọ lớn của chính phủ, và cho
theo tôi một toán binh để hộ vệ tôi cho đến khi ra tới biên giới.
Tôi gặp lại mấy người bạn cũ, rất lấy làm vui. Tôi có đến thành
Kalimpong ở Ấn Độ, thuộc Anh, và qua thành Peshok, vào viếng quan chủ
tỉnh, người thay mặt cho chính phủ Anh lo việc quốc chính ở xứ Shikkim.
Ông ta cho hay rằng tôi đi ẩu qua Tây Tạng làm cho chính phủ Tây Tạng
trách móc chính phủ Anh bên này rất nhiều. Nhưng ông điều đình đâu đó đã
êm rồi.
Ngày 17 tháng 4, tôi về đến Darjeeling và gặp mấy bạn đồng hành kỳ trước
là Knight, Ellam và Fletcher.
Cuộc phiêu lưu mạo hiểm của tôi đến đây là dứt. Tôi đã lắm khổ tâm, nhọc
nhằn. Tôi còn nhớ xứ Tây Tạng, nhớ kinh thành linh hiển, nhớ xứ Phật, và
nhất là nhớ cái xứ sở không cho người ngoại quốc vào, mà tôi thì vào
được, cho dù phải qua bao nhiêu bước đường trở ngại. Nhớ đến đây, tôi
cho sự cực nhọc kia là đáng lắm, vì giúp tôi được thấy biết thêm nhiều
điều hay lạ.
Dịch xong năm 1929
Đoàn Trung Còn