1. Người chết đi về đâu?
Làm người, chúng ta ai cũng phải chết. Chẳng phải riêng gì loài người mới sinh tử mà tất cả chúng sinh trong sáu cõi đều phải chịu cảnh sinh và tử. Hữu sinh, hữu tử, hữu luân hồi. Phật pháp đã dạy chúng ta như thế.
Vậy mà cả đời chúng ta chạy theo những chuyện bận rộn của thế gian, lo làm ăn buôn bán, kiếm tiền cả đời, để rồi khi chết, lìa đời thì tất cả mọi người, ai cũng phải buông bỏ tất cả để ra đi với hai bàn tay trắng.
Nhưng ra đi như vậy... là đi về đâu?
Ngày xưa, đối với văn hóa tôn giáo Tây phương, quan niệm về luân hồi tái sinh khó chấp nhận được, nhưng ngày nay, nhờ khoa học và sự truyền bá rộng rãi qua các thư viện điện tử, các trang mạng trên thế giới, và qua các tài liệu nghiên cứu sưu tầm, các hiện tượng về luân hồi và nghiệp quả đã được trình bày cụ thể và rõ rệt. Chỉ cần gõ vào thanh tìm kiếm trên mạng Internet đề tài luân hồi là chúng ta có thể đọc được những tài liệu chứng minh cụ thể những trường hợp luân hồi và nhớ rõ lại các kiếp trước, do những nhà khoa học sưu tầm và nghiên cứu với chứng cớ hẳn hoi. Do đó, các tôn giáo trên thế giới nói riêng và nhân loại nói chung đã chấp nhận ý niệm luân hồi và tái sinh.
Là người Việt Nam, chúng ta may mắn hơn vì sinh ra trong một quốc gia có gốc rễ sâu trong Phật giáo và ngay từ nhỏ đã quen thuộc với ý niệm luân hồi sinh tử và tái sinh. Chúng ta không có vấn đề phải tự thuyết phục mình tin chắc là khi chết sẽ luân hồi và tái sinh trong một kiếp sống mới, một thân mới.
Tuy nhiên, rất nhiều người chỉ dừng lại ở sự chấp nhận ý niệm luân hồi và tái sinh, hoặc giả nếu có người thuần thành lắm thì cũng chỉ lên chùa làm lễ cầu siêu cho thân nhân quá vãng trong 49 ngày, gọi là cúng thất thất lai tuần.
Lý do là vì sau khi chết đi, thần thức phải trải qua giai đoạn “ở giữa”, tức là giữa khi chết và khi đi đầu thai. Giai đoạn này gọi là trung hữu hay trung ấm, có thể rất ngắn ngủi trong tích tắc, hoặc kéo dài tối đa là 49 ngày, sau đó mới tái sinh.
Chúng ta cũng nghe nói đến ý niệm siêu thoát. Siêu thoát nói chung mang ý nghĩa là thần thức được sinh về cảnh giới tốt hơn, như vãng sinh Cực Lạc, hoặc cũng có thể là sinh vào cõi người với điều kiện tốt hơn, hoặc sinh về các cõi trời.
Còn không siêu thoát, tức là đọa vào các cảnh giới xấu ác như đọa làm súc sinh trả nghiệp, hoặc đọa vào cảnh giới quỷ đói (ngạ quỷ). Đọa làm súc sinh hay làm quỷ đói mà đi theo canh giữ của cải mình đã tạo ra trong kiếp sống cũ, hoặc trả ác nghiệp bủn xỉn, keo kiệt, ngu si, đó là không siêu thoát. Hoặc đọa thẳng vào cảnh giới địa ngục trả quả ác mà mình đã tạo ra trong các đời quá khứ. Tựu chung vẫn là tái sinh trong sáu cõi luân hồi.
Phật giáo Tây Tạng thì không dừng lại ở đó. Truyền thống Mật Tông, Kim Cương Thừa, đào sâu vào đề tài tái sinh này. Hiển giáo đã trước tác những bộ đại luận vô cùng có giá trị luận về vãng sinh. Điển hình là Vãng Sinh Luận của Bồ Tát Thế Thân. Mật giáo, tức Kim Cương Thừa, đào sâu thêm về đề tài này và trước tác bộ đại luận vãng sinh mang tựa đề là Tử Thư Tây Tạng (Cẩm Nang Tử Thư, tức là Bardo Thödol). Cẩm nang này đã được nhà dịch giả Anh quốc nổi tiếng trên thế giới, Tiến sĩ W. Y. Evans Wentz, dịch thành sách mang tựa đề là “Tử Thư Tây Tạng”.
Quyển sách “Hộ Niệm Tối Yếu” này, để tránh tình trạng tam sao thất bổn, tuy phần lớn được viết ra theo các giáo huấn trình bày trong các cuốn sách trên, nhưng đã bổ túc với nhiều sự tham khảo rộng rãi từ các tài liệu khác đến thẳng từ Tạng ngữ, Hán ngữ, và được tra cứu từ các bộ Đại Tạng Kinh Tây Tạng, Đại Tạng Kinh Trung Hoa, và Việt Nam. Bởi vì cho dù Tiến sĩ W. Y. Evans Wentz là một nhà học giả vĩ đại của Kim Cương Thừa, nhưng ông vẫn bị giới hạn của ngôn ngữ mẹ đẻ là Anh ngữ, và không ít thì nhiều, những từ ngữ tiếng Anh này đều phải mượn tạm từ các từ ngữ của tôn giáo gốc của Anh quốc, là Thiên Chúa giáo, và do đó dẫn theo sau đó là các ý niệm tôn giáo của Thiên Chúa giáo, khó có thể diễn tả chính xác các ý niệm bất khả thuyết của văn hóa Phật giáo.
Quyển sách “Hộ Niệm Tối Yếu” này có mục đích khiêm tốn giúp cho những người lâm chung, khi nghe tụng đọc sẽ thoát khỏi cảnh luân hồi sinh tử và hòa nhập vào cảnh giới chư Phật, giác ngộ ngay trong kiếp sống này. Pháp tu này được Phật giáo Kim Cương Thừa gọi là “Giải Thoát Qua Lắng Nghe Khai Thị Thân Trung Ấm”.
Vì đề tài Thân Trung Ấm rất dài, mà 14 ngày đầu của Thân Trung Ấm là giai đoạn tối quan trọng để đạt “Giải Thoát Qua Lắng Nghe Khai Thị”, cho nên quyển sách này chỉ nói về 14 ngày đầu của Thân Trung Ấm, với mục đích ngắn gọn để giúp cho sự hộ niệm được thành tựu nhanh chóng và dễ dàng.
2. Sáu Loại Trung Ấm
Trong truyền thống Kim Cương Thừa, thân trung ấm được phân ra làm sáu loại và giáo lý giảng giải sáu loại đó như sau:
1. Thử Sinh Trung Ấm: Đây là loại trung ấm đầu tiên. Trung Ấm này bắt đầu từ khi thụ thai cho đến lúc hơi thở ngừng, khi thần thức lìa khỏi thân xác.
2. Thùy Mộng Trung Ấm: Trung Ấm thứ hai là khi ở trong trạng thái nằm mộng của giấc ngủ. Thùy Mộng Trung Ấm là một phần của Thử Sinh Trung Ấm. Khi ở trong trạng thái Thùy Mộng Trung Ấm, hành giả Du Già phải hành trì pháp môn Thùy Mộng Du Già để huân tập hành trì đưa trạng thái ngủ mộng vào trong các tu tập Thành Tựu Pháp của Phật giáo.
3. Thiền Định Trung Ấm: đây là loại Trung Ấm thứ ba nói về trạng thái thiền định. Loại Trung Ấm này chỉ có những hành giả thiền định cao mới thể nhập và chứng ngộ vào được loại Trung Ấm này. Tuy nhiên một số người bình thường cũng có thể chứng nghiệm vào được loại Trung Ấm này. Thiền Định Trung Ấm là một phần của Thử Sinh Trung Ấm.
4. Lâm Chung Trung Ấm: đây là loại Trung Ấm thứ tư vào lúc lìa đời. Theo truyền thống giảng dạy thì loại Trung Ấm này bắt đầu từ lúc tiến trình tan rã của sự chết khởi hiện những dấu hiệu tan rã bên trong và bên ngoài, cho đến khi các tiến trình tan rã thô của tứ đại (đất, nước, gió, lửa, Phạn ngữ gọi là Mahabhuta) hoàn tất và các hơi thở bên ngoài và bên trong thân chấm dứt.
5. Pháp Tính Trung Ấm: đây là loại Trung Ấm thứ năm của trạng thái Tịnh Quang Tâm của Chân Tánh, bắt đầu sau khi hơi thở bên trong chấm dứt. Theo giáo lý Đại Viên Mãn, đây là sự chứng nghiệm thẳng vào Pháp thân chư Phật. Trạng thái này hoàn toàn thanh tịnh an bình của chân tính nguyên sơ. Người bình thường không có hành trì miên mật lúc còn sống sẽ không nhận biết trạng thái Tịnh Quang Tâm này được.
6. Đầu Sinh Trung Ấm: đây là loại Trung Ấm thứ sáu, bắt đầu từ lúc cuối cùng của trạng thái Tịnh Quang Tâm và chấm dứt khi thần thức nhập thai, nghĩa là khi Tạng thức đi đầu thai vào kiếp sống mới.
3. Tóm tắt các giai đoạn Trung Ấm qua 14 ngày đầu tiên sau khi lìa đời
Trong khuôn khổ ngắn gọn của bài này, và do tầm quan trọng của giai đoạn trải nghiệm qua Pháp Tính Trung Ấm, hành giả cần nắm rõ ở giai đoạn Pháp Tính Trung Ấm này, khi chư Bổn Tôn thị hiện đến để đón hành giả về nơi quốc độ của chư Phật, lúc đó hành giả cần phải dẹp bỏ tất cả vọng niệm sợ hãi để hòa nhập với chư Phật và đạt giải thoát ngay lập tức. Do đó, sau đây là phần dịch từ Tử Thư Tây Tạng nói về các giai đoạn trong Pháp Tính Trung Ấm này. Vào lúc đó 100 vị Bổn Tôn Hộ Phật, An Hòa và Phẫn Nộ, sẽ lần lượt thị hiện tùy theo từng ngày sau khi thần thức lìa khỏi thân xác.
Như đã nói trên, phần tóm tắt quan trọng của 14 ngày này được viết theo các giáo huấn từ Tử Thư Tây Tạng ở phần nói về Pháp Tính Trung Ấm (Anh ngữ: The Bardo of the Experiencing of Reality).
[Sự Xuất Hiện của chư Bổn Tôn An Hòa, từ ngày thứ nhất đến ngày thứ bảy]
(sau khi thần thức lìa thân xác và nhập vào cõi Trung Ấm)
[Giả định là người chết bị nghiệp lực trói buộc - vì đa số các trường hợp chết xảy ra như vậy - phải đi qua giai đoạn Trung Hữu kéo dài 49 ngày, mặc dù sự diện kiến xảy ra rất nhiều lần mặt-đối-mặt (với chư vị bổn tôn), nhưng thần thức vẫn phải trải qua những sự thử thách trong mỗi ngày của cõi Trung Hữu và những nguy hiểm rình rập trong lúc đó. Thần thức phải gặp những thử thách nguy hiểm ấy, và phải cố vượt qua. Trong bảy ngày đầu, khi đó, có sự xuất hiện chư Bổn Tôn An Hòa là điều cần phải giải thích đầu tiên cho người chết hiểu rõ chi tiết. Ngày đầu tiên, xét theo cuốn Tử Thư, được xem là ngày mà thần thức tỉnh ngộ ra và nhận biết sự kiện là mình đã chết rồi và trên con đường đi tái sinh, hoặc là khoảng 3 ngày rưỡi đến bốn ngày sau khi chết.]