Một ngày kia, tôi trịnh trọng mang lên phòng sư phụ sáu cây bông cải do
tôi trồng được ở khoảng vườn phía sau đạo viện.
– Bạch thầy, chính tay con đã chăm bón luống bông cải này, và đây là
những cây tốt nhất con đã chọn ra để thành kính dâng lên thầy.
Sư phụ nhìn tôi cười hiền hòa:
– Ta cảm ơn thành ý của con. Có lẽ bản thân ta cũng sẽ không dùng hết
những cây bông cải này, nhưng ta rất cần đến chúng trong vài ngày nữa để
nấu một bữa cơm đãi khách. Vì thế, món quà tặng này của con là vô cùng
giá trị. Nhưng tạm thời con hãy thay ta cất giữ cho đến lúc đó.
Tôi vâng lời sư phụ, mang những cây bông cải về phòng và xếp kỹ lưỡng
vào một góc, dùng một tấm bìa cứng để che phía bên ngoài.
Sáng hôm sau, sau giờ điểm tâm sư phụ gọi tất cả chúng tôi đến và nói:
– Hôm nay là một ngày đẹp trời, ta muốn cùng tất cả các con đi dạo ra bờ
sông. Trong không khí thoáng mát ở đó, ta sẽ có một vài chuyện trao đổi
cùng các con.
Theo thông lệ, chúng tôi hiểu là sư phụ đang có ý định giảng giải với
tất cả chúng tôi về một đề tài quan trọng chung nào đó. Vì nếu không như
thế, người thường chỉ dành thời gian để chỉ dạy riêng cho mỗi người mà
thôi. Vì thế, chúng tôi hối hả thu xếp và tập trung đầy đủ ở cổng đạo
viện chỉ trong chốc lát.
Sư phụ Śrỵ Yukteswar đi trước, chúng tôi xếp thành hai hàng theo sau
người. Chúng tôi cùng thong thả tiến bước ra bờ sông.
Vừa được một quãng ngắn, sư phụ bỗng dừng chân và đưa mắt tìm tôi. Người
gọi:
– Mukunda!
Tôi đáp lời thầy và bước ra khỏi hàng, tiến nhanh đến bên sư phụ. Thầy
nhìn tôi nghiêm nghị:
– Dường như con đã quên đóng cổng sau của đạo viện?
Tôi đáp ngay mà không kịp suy nghĩ:
– Bạch thầy, con không quên đâu ạ.
Sư phụ im lặng. Người nhìn tôi một lúc nữa rồi nhoẻn cười và nói:
– Thật ra là con đã quên. Này con, công phu thiền định không phải chỉ để
tỉnh giác trong lúc ngồi thiền, mà cho dù những chuyện nhỏ nhặt nhất
trong cuộc sống con cũng không được quyền xao lãng. Nhất là khi chuyện
ấy thuộc về trách nhiệm mà tập thể đã giao phó cho con.
Lúc này tôi mới chịu suy nghĩ kỹ lại và thừa nhận thầy đã nói đúng. Sáng
nay, vì quá vội vã đi ra cho kịp với các huynh đệ, tôi đã quên mất việc
ra đóng cổng sau của đạo viện. Vì thế tôi im lặng cúi đầu.
Thầy tôi nói tiếp:
– Vì sự bất cẩn này là do nơi con, nên sẽ chỉ một mình con gánh chịu mà
thôi.
Rồi sư phụ tiếp tục đi. Chúng tôi im lặng đi theo, mỗi người theo đuổi
một ý nghĩ về câu nói khó hiểu cuối cùng của thầy.
Khu vực chúng tôi ở tuy không mấy khi bị trộm cắp, nhưng thầy đã dạy
chúng tôi phải hết sức cẩn thận đề phòng. Thầy thường nói:
– Người tu hành chúng ta không có tài sản riêng. Những gì chúng ta đang
sở hữu thật ra chỉ là những gì chúng ta được giao cho gìn giữ. Chúng ta
không thể để cho xảy ra bất cứ một sự mất mát nào do tính bất cẩn của
mình. Hơn thế nữa, nếu chúng ta tạo điều kiện cho kẻ trộm thực hiện được
hành vi trộm cắp, đó là đã gián tiếp khiến cho họ lún sâu vào tội lỗi.
Chính vì vậy, đạo viện chúng tôi xưa nay chưa hề bị kẻ trộm viếng thăm,
vì các cổng trước và sau luôn được khóa cẩn thận. Tất cả chúng tôi không
ai bảo ai đều lấy làm băn khoăn về lời dự báo của thầy. Tuy chúng tôi
không có những tài sản rất quý giá để gợi lòng tham của kẻ trộm, nhưng
ít ra thì những vật thực hay dụng cụ cá nhân của mỗi người cũng không dễ
được bọn trộm từ chối.
Buổi giảng pháp của thầy vẫn được diễn ra bình thường trên bờ sông. Tuy
vậy, riêng tôi không ghi nhớ được bao nhiêu vì luôn ám ảnh bởi việc cổng
sau của đạo viện đang bỏ ngõ, mà tất cả huynh đệ thì chẳng còn ai ở nhà
cả.
Chúng tôi trở về vào lúc đã gần đến giờ cơm trưa. Khi còn cách đạo viện
chừng hơn hai trăm thước, sư phụ bỗng dừng lại, gọi chúng tôi và đưa tay
chỉ về phía bên kia cánh đồng trống. Một người đàn ông dáng đi xiêu vẹo
đang lần bước theo một con đường mòn, tay xách một cái túi lớn đu đưa
theo từng bước chân của ông ta mà chúng tôi không sao nhận rõ được. Sư
phụ nói:
– Ông ta vừa vào đạo viện và trở ra qua lối cổng sau. Vật mà ông ta lấy
trộm là một tài sản thuộc về Mukunda. Các con không cần đuổi theo để lấy
lại, vì ta cũng có một phần quyền hạn về tài sản ấy, nên ta đã quyết
định vui lòng tặng cho ông ta.
Tất cả chúng tôi đều ngơ ngác, không hiểu sư phụ đang nói đến món đồ gì,
và càng không hiểu khi kẻ trộm đang đi sờ sờ trước mắt chúng tôi nhưng
thầy không cho chúng tôi đuổi bắt.
Về đến đạo viện, tôi lập tức kiểm tra lại phòng mình. Mọi thứ đều nguyên
vẹn, ngay cả món giá trị nhất là chiếc đồng hồ trong phòng tôi cũng
không bị mất.
Nhưng ... khi tôi nhìn đến góc phòng thì mấy cây bông cải đã không cánh
mà bay.
Giờ thì tôi hiểu ra vì sao là tài sản của tôi nhưng sư phụ cũng có quyền
quyết định. Bởi vì tôi đã dâng tặng nó cho người. Sự bất cẩn của tôi đã
bị trừng phạt vì món quà mà tôi dâng cho sư phụ giờ đây vĩnh viễn không
đến được tay người.
Lấy làm ân hận về việc đó, tôi tìm lên phòng thầy để sám hối. Sau đó,
tôi đánh bạo hỏi thầy:
– Bạch thầy, chúng con thừa sức đuổi theo kịp tên trộm khi thầy chỉ cho
chúng con. Vì sao thầy không cho chúng con làm điều đó?
Sư phụ cười bao dung:
– Con tưởng đó là một tên trộm bình thường hay sao? Thế tại sao hắn ta
không lấy gì khác ngoài mấy cây bông cải? Thế tại sao hắn ta lại chọn đi
ăn trộm vào khoảng thời gian rất dễ bị bắt gặp?
Tôi ngẩn người ra, suy nghĩ lại và thấy mình quả thật đã ngốc nghếch khi
không đặt ra những câu hỏi này ngay từ đầu.
Sư phụ cười xòa và phá tan mọi sự nghi ngờ của tôi:
– Thật ra người ấy chẳng phải là một tên trộm. Đó là một người mất trí
vẫn thường đi lang thang ở làng kế bên. Thay vì một bữa cơm đãi khách,
ta đã đổi ý và muốn tặng những cây bông cải ấy cho ông ta để ông có được
một bữa ăn thịnh soạn nhất từ sáu tháng nay. Giờ này ông ta đã bán những
cây bông cải ấy ở chợ và đang dùng cơm với số tiền bán được. Chính ta đã
thông báo cho ông ấy biết việc cổng sau đạo viện không khóa và ông ta có
thể đi thẳng vào phòng con để lấy mấy cây bông cải. Ta mong rằng đây là
một bài học có thể giúp con có cuộc sống tỉnh giác hơn nữa.
Tôi từ biệt sư phụ trở về phòng. Quả thật, càng ngày tôi càng hiểu ra sư
phụ là một bậc chứng ngộ đầy quyền năng, nhưng người luôn thể hiện một
cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác. Không bao giờ sư phụ bộc
lộ những năng lực siêu nhiên của mình mà không vì một mục đích giáo hóa
nhất định nào đó.
° ° °
Không bao lâu sau vụ những cây bông cải bị mất, lại một chuyện khác xảy
ra làm cho tôi hiểu thêm nhiều hơn về sư phụ.
Một trong những cây đèn dầu hỏa lớn của chúng tôi bị thất lạc. Không ai
biết nó ở đâu. Vào thời đó, một cây đèn dầu hỏa như thế là một tài sản
rất giá trị, vì chỉ những nhà giàu có mới mua nổi.
Sau chuyện những cây bông cải, anh em chúng tôi không ai còn lo lắng về
vụ mất mát này. Chúng tôi cho rằng sư phụ thừa sức biết được cây đèn dầu
hỏa này đang nằm ở đâu.
Sư phụ hiểu được ý nghĩ đó của mọi người. Người tập trung anh em lại và
tra hỏi kỹ lưỡng. Một người thú nhận là đã dùng cây đèn dầu để soi đường
đi ra giếng nước phía sau. Sư phụ liền nói:
– Vậy thì các con hãy chia nhau đi tìm chung quanh giếng.
Chúng tôi yên chí là sẽ tìm thấy theo lời sư phụ. Nhưng hơn một giờ đồng
hồ lục lọi khắp nơi vẫn không ai tìm thấy gì. Khi ấy, một đệ tử khác
bỗng nhớ ra, liền đến thưa với thầy:
– Bạch thầy, nhưng mới tối hôm qua con còn dùng cây đèn ấy để soi đường
đi lấy củi.
Sư phụ liền nói ngay:
– Vậy các con hãy đến tìm chung quanh nhà để củi.
Và thêm một giờ đồng hồ tìm kiếm vô ích nữa. Không ai tìm thấy cây đèn ở
đâu cả.
Buổi tối, khi cùng ngồi hóng mát với sư phụ trên sân thượng, tôi hỏi
thầy:
– Bạch thầy, lẽ nào thầy không biết cây đèn dầu hỏa ở đâu?
Sư phụ nhìn tôi cười hóm hỉnh:
– Thế con nghĩ tại sao thầy phải biết? Và biết để làm gì kia chứ?
Tôi chợt hiểu ra dụng ý của sư phụ. Năng lực siêu nhiên của người không
dùng vào những mục đích nhỏ nhen vụn vặt!
° ° °
Ít lâu sau đó là một ngày lễ hội tôn giáo. Cùng với các đạo viện khác
trong vùng, chúng tôi cũng tham gia bằng một cuộc diễu hành dự kiến sẽ
đi băng qua thành phố, vòng ra theo bờ sông và trở về đạo viện theo một
lối khác.
Sư phụ ủy thác cho tôi việc tổ chức cuộc diễu hành. Tôi sẽ phụ trách tất
cả từ việc chuẩn bị cờ xí trang hoàng để mang theo cho đến sắp xếp giờ
giấc và hướng dẫn lộ trình cho các anh em trong đoàn.
Sau khi đã hoàn tất mọi việc, tôi lên phòng tìm gặp sư phụ:
– Bạch thầy, con còn một điều chưa hiểu.
Sư phụ nhìn tôi với ánh mắt từ hòa:
– Con cứ hỏi.
– Bạch thầy, theo ý thầy thì trên lộ trình của đoàn diễu hành chúng con
sẽ đi một đoạn khá dài trên bãi cát ven sông. Nhưng sau khi băng ngang
qua thành phố, chúng con sẽ đến đó ít nhất cũng là gần trưa. Với nhiệt
độ nóng bức của mùa này, bãi cát sẽ nóng bỏng, mà theo lễ phục tu sĩ của
chúng con thì mọi người đều đi chân trần. Như vậy làm sao có thể chịu
đựng qua khỏi bãi cát được?
Sư phụ đáp:
– Thầy đã có nghĩ đến chuyện ấy rồi. Như vậy con có thể yên tâm.
Rồi thầy không nói gì thêm nữa. Tôi không còn cách nào khác hơn là đặt
niềm tin hoàn toàn vào lời thầy.
Buổi sáng hôm khởi đầu cuộc lễ, trời xanh ngắt không một chút mây. Nhưng
khi vừa đi được khoảng một nửa đường băng ngang thành phố, chúng tôi
nhìn thấy xa xa phía bờ sông bắt đầu nổi lên vài đám mây đen kịt. Khi
chúng tôi ra đến bờ sông, không khí mát dịu và mặt cát hãy còn sũng
nước, rõ ràng là ở đây vừa có một cơn mưa. Hơn thế nữa, những cụm mây
trắng như còn đọng lại trên nền trời và là đà bay theo để thỉnh thoảng
lại che mát cho chúng tôi. Nhờ đó, đoàn diễu hành với những cờ xí trang
hoàng rườm rà đã đi suốt hết đoạn đường theo dự tính mà không mệt mỏi
lắm.
Tôi không thể hiểu sự việc theo cách nào khác hơn là chính thầy tôi bằng
cách nào đó đã tạo ra được cơn mưa và những đám mây bất ngờ che mát cho
chúng tôi.
Khi tôi đem việc ấy nói với sư phụ, người cười nhẹ và bảo tôi:
– Một ngày nào đó rồi con sẽ hiểu được mọi việc. Khi ấy con sẽ thấy thật
ra thì thiên nhiên và con người không hề xa cách nhau như người ta vẫn
tưởng.
° ° °
Cuộc diễu hành chỉ là phần mở đầu cho cuộc lễ của chúng tôi, bởi vì buổi
chiều hôm đó đạo viện còn phải đón tiếp đến hàng trăm quan khách cũng
như những môn đệ cũ của thầy tôi từ khắp nơi quay về.
Tất cả anh em chúng tôi đều bận rộn tíu tít để lo cho mọi việc được chu
toàn. Tuy thức ăn cũng chỉ đơn sơ với các món rau đậu và bánh hấp, nhưng
vì số lượng rất đông nên việc phục vụ không phải là nhẹ nhàng. Đến chiều
tối, khi chén bát đã được dọn rửa và một số anh em đang chia nhau quét
dọn sân bãi, sư phụ cho gọi tôi đến và nói:
– Thầy rất hài lòng về tinh thần làm việc cũng như những gì con đã thực
sự làm được trong thời gian chuẩn bị, và nhất là trong ngày hôm nay. Đêm
nay con có thể ngủ lại cùng phòng với thầy. Thầy có chút việc sẽ cần đến
con.
Tôi vô cùng sung sướng khi nghe sư phụ nói như vậy. Được ngủ lại phòng
thầy cũng có nghĩa là sẽ có mấy tiếng đồng hồ tọa thiền gần bên thầy, và
đây là một kinh nghiệm mà không một môn đồ nào lại không hết lòng ao
ước. Nói cách khác, đây là một vinh dự mà không mấy khi một vị tôn sư
ban cho đệ tử của mình. Vì thế, mặc dù đã vô cùng mệt mỏi vì sự gắng sức
trong những ngày qua, nhưng tôi bỗng thấy hết sức phấn chấn và bao nhiêu
sự mệt nhọc bỗng chốc đều tiêu tan.
Tối hôm đó, sau giờ tọa thiền, tôi ngả lưng nằm xuống vào khoảng đã gần
nửa đêm. Tôi thấy thầy tôi lặng lẽ đứng dậy và mặc áo dài, chuẩn bị đi
ra ngoài.
Lấy làm ngạc nhiên, tôi ngồi dậy thưa hỏi:
– Bạch thầy, con không hiểu thầy phải đi đâu vào giờ này?
– Có một nhóm đệ tử bị trễ tàu và lát nữa họ sẽ đến đây. Ta muốn chuẩn
bị vài món thức ăn cho bọn họ.
Tôi lấy làm hoang mang, có ai lại đến thăm đạo viện vào lúc đã gần một
giờ sáng kia chứ? Dù tôi biết là không nên nghi ngờ lời thầy, nhưng quả
thật tôi cảm thấy khó mà tin được trong trường hợp này. Vì vậy, tôi nhổm
dậy và mặc áo đi theo. Sư phụ nói:
– Con có thể nghỉ ngơi. Ta sẽ tự làm bếp. Hôm nay con đã làm quá nhiều
việc và ta biết con đang rất mệt.
Sư phụ đã hoàn toàn nói đúng, nhưng có điều gì đó còn hơn cả sự nhọc mệt
khiến cho tôi không thể nằm yên trở lại. Đó là sự nôn nao muốn biết xem
lần này có quả thật thầy đã dự báo đúng hay chăng. Vì thế, tôi nói:
– Bạch thầy, con có thể giúp thầy một tay cho nhanh hơn.
Chúng tôi cùng vào bếp, và tôi lấy làm ngạc nhiên thấy rằng thầy tôi là
một tay làm bếp hết sức nhanh lẹ và vén khéo. Chỉ trong chốc lát, chúng
tôi đã nấu xong cơm nóng, canh rau và vài món đậu xào rất thơm ngon.
Sư phụ xoa đầu tôi và nói:
– Đêm nay con đã vượt qua được giới hạn của sự mệt mỏi và vui vẻ thực
hiện một công việc bất ngờ. Từ nay về sau thầy có thể yên tâm là con sẽ
đủ sức chịu đựng mọi khó nhọc trên con đường tu tập và hoằng pháp.
Khi thầy vừa nói dứt câu này thì tôi nghe có tiếng chân người ngoài sân.
Sư huynh trực đêm vừa mở cổng đạo viện và đưa vào một nhóm môn đệ cũ của
thầy!
Tôi xuống cầu thang và tiếp đón những vị khách muộn màng này. Một người
trong bọn nói:
– Sư huynh không cần thông báo với sư phụ vào giờ khuya khoắt này. Chúng
tôi quả thật lấy làm bối rối đã quấy rầy quý huynh, nhưng chúng tôi bị
trễ tàu và không đến kịp cuộc lễ ngày hôm nay.
Tôi mỉm cười trấn an cả nhóm:
– Các sư huynh không cần lo lắng. Sư phụ đã biết trước việc trễ tàu của
các vị và đã tự tay nấu mấy món ăn để chờ sẵn.
Tất cả đều lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng họ không thể nghi ngờ chút nào nữa
khi tôi đưa họ vào phòng ăn với thức ăn nóng hổi rõ ràng là vừa mới được
nấu xong.
Khi các vị khách đã dùng cơm xong và được hướng dẫn đi nghỉ, tôi trở lại
phòng sư phụ. Người nhìn tôi, cười nhẹ và nói:
– Điều duy nhất hôm nay thầy có thể chưa hoàn toàn hài lòng về con là
con đã có chút nghi ngờ khi nghe thầy thông báo một việc mà con cho là
rất khó xảy ra.
Tôi lặng thinh cúi đầu nhận lỗi. Thầy nói tiếp, giọng vui vẻ:
– Tuy nhiên, đó cũng là việc rất bình thường. Một đệ tử thường chỉ đặt
niềm tin hoàn toàn vào bậc thầy khi họ đã đạt được sự chứng ngộ giống
như thầy, tuy rằng như thế quả thật là có phần muộn màng.
Tôi lặng thinh ghi nhớ lời thầy và tự hứa sẽ không còn bao giờ dám nghi
ngờ lời nói của thầy một lần nữa.